Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

31/08/2024

Lum tùm xùm vụ Đại học Fulbright Việt Nam : Hà Nội bối rối Featured

Nhiều nguồn tin

Đại học Fulbright Việt Nam hợp tác với nhà chức trách để điều tra về chiến dịch tấn công, xúc phạm, đe dọa

VOA, 31/08/2024

Hiệu trưởng trường Đại học Fulbright Việt Nam nói trong một thư ngỏ hôm 30/8 rằng trường "hợp tác chặt chẽ với các cơ quan chức năng" trong những tuần gần đây để điều tra về "chiến dịch đưa tin sai lệch và cả các đe dọa có tính bạo lực".

fulbright1

Hiệu trưởng Scott Andrew Fritzen của Đại học Fulbright Việt Nam công bố thư ngỏ hôm 30/8/2024.

Thư ngỏ của Hiệu trưởng Scott Andrew Fritzen được đăng trên cả website lẫn trang Facebook của trường.

Như VOA đã đưa tin, khoảng đầu tháng này, trên các nhóm Facebook Tifosi và Đơn vị Tác chiến Điện tử (Com Com) có tổng cộng hơn 600.000 người theo dõi, đã xuất hiện nhiều ý kiến bị Đại học Fulbright Việt Nam xem là "các cuộc tấn công ác ý" sử dụng ngôn ngữ "xúc phạm" hoặc thậm chí có lời lẽ "đe dọa" đối với sinh viên, giảng viên, nhân viên, người thân và bạn bè của trường.

Những ý kiến đó có điểm chung là cáo buộc rằng Đại học Fulbright Việt Nam "tham gia vào những hoạt động ươm mầm cho một cuộc ‘cách mạng màu’" ở Việt Nam.

Vào ngày 14/8, trường đã ra thông báo phản bác các luận điệu đó, mà trường gọi là "một số tuyên bố sai lệch và gây kích động".

Tiếp đến, như VOA đã tường thuật mới đây, một người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Việt Nam phát biểu hôm 26/8 rằng bộ hoan nghênh các hoạt động của Đại học Fulbright Việt Nam và ca ngợi sự hợp tác giáo dục giữa Việt Nam và Mỹ.

Người phát ngôn nói thêm trường này là thành quả của hợp tác giáo dục giữa Việt Nam và Hoa Kỳ, nhất là trong lĩnh vực đào tạo nguồn nhân lực.

Mặc dù vậy, theo quan sát của VOA, trong các nhóm Facebook nêu trên và thậm chí ngay trong trang Facebook chính thức của Đại học Fulbright Việt Nam vẫn tiếp tục có nhiều ý kiến chỉ trích, đe dọa.

Đưa ra thư ngỏ hôm 30/8, ông Scott Andrew Fritzen, hiệu trưởng trường, nhấn mạnh rằng những cáo buộc đó "không chỉ vô căn cứ mà còn hoàn toàn phi lý".

Vị hiệu trưởng lưu ý rằng những luận điệu sai lệch và gây chia rẽ "đã gây ra những hậu quả nghiêm trọng khi cộng đồng Fulbright chúng tôi bị xúc phạm uy tín và tổn thương tinh thần một cách bất công", ngoài ra "còn có nguy cơ gây ảnh hưởng đến mối quan hệ song phương" giữa Việt Nam và Mỹ.

Ông Fritzen tuyên bố rằng trường "không chấp nhận là nạn nhân thụ động" mà trong mấy tuần qua đã và đang "hợp tác chặt chẽ với các cơ quan chức năng liên quan để điều tra về chiến dịch đưa tin sai lệch và cả các đe dọa có tính bạo lực".

Ông cũng "cảm ơn các cơ quan ban ngành và những người bạn đã đứng lên bảo vệ sự thật về chúng tôi và về những gì chúng tôi làm".

Vị hiệu trưởng dành một phần lớn của thư ngỏ để nhấn mạnh rằng Đại học Fulbright Việt Nam là một trường đại học Việt Nam, có những đóng góp để giải quyết các ưu tiên quốc gia trong lĩnh vực giáo dục cũng như giải quyết những thách thức lớn về phát triển của đất nước.

Cụ thể, ông nhắc lại rằng trường được thành lập theo một quyết định của thủ tướng Việt Nam hồi năm 2016 và khẳng định trường "không phải là chi nhánh của một trường đại học nước ngoài, và cũng không phải là công cụ của bất kỳ một chính phủ nước ngoài nào".

"Chúng tôi chịu sự quản lý của Bộ Giáo dục và Đào tạo" và "sinh viên của chúng tôi phải học các môn bắt buộc theo chương trình giáo dục quốc gia", Hiệu trưởng Fritzen viết, đồng thời lưu ý rằng "Chúng tôi đã, đang và tiếp tục nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ chính phủ Việt Nam ở các cấp cao nhất".

Tại Đại học Fulbright, là trường không vì lợi nhuận được hỗ trợ từ hai chính phủ Việt, Mỹ và các nhà hảo tâm, sinh viên được tiếp cận với nền giáo dục chất lượng quốc tế, đồng thời được bồi dưỡng kiến thức sâu sắc và thấu hiểu bối cảnh xã hội, truyền thống và các cơ hội của Việt Nam trong tương lai, ông cho biết.

Đây là trường đại học đầu tiên ở Việt Nam hỗ trợ tài chính theo điều kiện kinh tế gia đình cho phần lớn sinh viên, vẫn theo vị hiệu trưởng của trường, nhờ đó, trường đang có những sinh viên tài năng đến từ 55 tỉnh thành trong cả nước cùng hàng ngàn cựu học viên từ các chương trình sau đại học và đại học.

Những thách thức lớn về phát triển của Việt Nam đã và đang được trường nghiên cứu và góp phần giải quyết, Hiệu trưởng Fritzen chỉ rõ.

Ông nêu bật rằng hơn 95% đội ngũ giảng viên của trường có bằng tiến sỹ từ các trường đại học hàng đầu thế giới, họ thiết kế, giảng dạy chương trình học mang tính đổi mới sáng tạo và tiến hành các nghiên cứu về những thách thức của Việt Nam. Hiện nay, trường cũng đang tập trung vào lĩnh vực công nghệ cao.

Cuối thư ngỏ, vị hiệu trưởng nhấn mạnh một lần nữa rằng Đại học Fulbright là một trường "của Việt Nam" và trường "tận tâm đóng góp cho sự thịnh vượng của đất nước" bên cạnh việc trường là "một biểu tượng của quá trình hòa giải bền bỉ và hiệu quả giữa Việt Nam và Hoa Kỳ".

Nguồn : VOA, 31/08/2024

*****************************

Đại học Fulbright : Bộ Ngoại giao Việt Nam lên tiếng

VOA, 29/08/2024

Bộ Ngoại giao lên tiếng sau khi Đại học Fulbright do Mỹ tài trợ bị cáo buộc làm ‘cách mạng màu’

fulbright2

Sinh viên của Đại học Fulbright Việt Nam bên tấm biển "Khóa học của sự không sợ hãi" tốt nghiệp hồi tháng 6 vừa qua.

Bộ Ngoại giao Việt Nam vừa lên tiếng hoan nghênh các hoạt động của Đại học Fulbright và ca ngợi sự hợp tác giáo dục giữa Việt Nam và Mỹ sau khi trường đại học này bị nhắm tới bằng những thông tin "gây kích động" khi bị cho là mầm mống của "cách mạng màu".

Người phát ngôn Phạm Thu Hằng, khi trả lời câu hỏi của phóng viên về hoạt động của Đại học Fulbright hôm 26/8, nói rằng trường này là thành quả của hợp tác giáo dục giữa Việt Nam và Hoa Kỳ, nhất là trong lĩnh vực đào tạo nguồn nhân lực, theo Báo Chính phủ.

Nhận định của người phát ngôn được đưa ra không lâu sau khi Đại học Fulbright Việt Nam phản bác về "thông tin sai lệch gần đây trên mạng xã hội" về trường.

Một thông báo của trường đại học, có trụ sở ở Thành phố Hồ Chí Minh, đưa ra hôm 14/8 nói rằng "một số tuyên bố sai lệch và gây kích động về Trường Đại học Fulbright Việt Nam và cộng đồng Fulbright đã được lan truyền trên các nền tảng mạng xã hội với ngôn ngữ xúc phạm" trong thời gian gần đây. Trường cũng cho biết rằng "các kênh truyền thông chính thức của Fulbright cũng đã bị nhắm đến".

Trước đó, một video phóng sự của Truyền hình Quốc phòng Việt Nam (Quốc Phòng Việt Nam ), hiện đã bị gỡ bỏ nhưng được Thoibao.de lưu lại, cho rằng có "điểm bất thường" trong buổi lễ tốt nghiệp của Đại học Fulbright vì "không xuất hiện hình ảnh quốc kỳ của Việt Nam" và rằng sự việc "nhận được nhiều bình luận bày tỏ sự lo ngại về vấn đề này".

Phóng sự, đưa ra hôm 21/8 với tiêu đề "Không để cách mạng màu đổi màu giáo dục", trích dẫn nhiều bình luận của người dùng mạng, trong đó có người nói rằng "cách mạng màu luôn len lỏi trong đất nước, nhất là trong giáo dục".

Đại học Fulbright Việt Nam (FUV), được thành lập năm 2016, đã tổ chức lễ tốt nghiệp cho một khóa sinh viên đại học vào tháng 6 vừa qua và chúc mừng những cử nhân này vì đã "dũng cảm đối mặt với những nỗi sợ để khai phóng bản thân trong chặng đường sắp tới".

Một trong những bức hình của buổi lễ tốt nghiệp mà Fulbright đăng tải trên trang Facebook cho thấy các sinh viên đứng sau biểu ngữ có dòng chữ "Fearless" (không sợ hãi).

Sau khi bức hình lan tỏa trên mạng xã hội thì "các dư luận viên ồ ạt chỉ trích, tấn công và cho rằng Trường Đại học đang có xu hướng ‘phản động’, không phù hợp với quan điểm của Việt Nam, theo Việt Tân, một tổ chức ủng hộ dân chủ ở Mỹ bị Việt Nam coi là khủng bố.

Phóng sự của Quốc Phòng Việt Nam còn nhắc đến sự việc khi bà Đàm Bích Thủy là hiệu trưởng FUV. Theo video này, bà Thủy đã nói với sinh viên rằng sau khi cho họ xem một tập bộ phim tài liệu "Chiến tranh Việt Nam", của đạo diễn Mỹ Ken Burns và Lynn Novick, thì nhiều người đã khóc nức nở và xúc động về câu chuyện mà họ đã xem.

"Chúng em chưa bao giờ biết người Mỹ phải chịu đựng nhiều như vậy. Trước đây chúng em chỉ nghĩ người Việt Nam chịu thiệt thòi", video của Quốc Phòng Việt Nam trích dẫn lời bà Thủy kể lại những gì các sinh viên nói.

Người dẫn phóng sự của Quốc Phòng Việt Nam đưa ra câu hỏi "khi phát ngôn điều này, liệu bà Thủy có biết bao nhiêu chiến sĩ đã hy sinh, bao nhiêu người Việt Nam đã thiệt mạng, bao nhiêu người đang chịu đựng hậu quả chiến tranh để lại như bom mìn, chất độc da cam do quân đội Mỹ gây ra".

Phóng sự của cơ quan ngôn luận của Bộ Quốc phòng Việt Nam nói rằng "một trong những chiêu bài rất thâm độc mà các thế lực thù địch phản động đã và đang áp dụng để chống phá Việt Nam đó là tạo ra cách mạng màu". Phong trào đòi xét lại lịch sử, theo video của Quốc Phòng Việt Nam, "đã không còn là những nguy cơ tiềm ẩn mà đã hiển hiện ngay trước mắt".

Nói trong phóng sự của cơ quan vốn là tiếng nói của lực lượng vũ trang và nhân dân Việt Nam, một trung tá quân đội cho rằng "vấn đề ngụy sử và lật sử nhằm đánh tráo khái niệm giữa hy sinh của cán bộ và chiến sĩ quân giải phóng Việt Nam với các cựu binh của Mỹ khi tham chiến ở Việt Nam là nằm trong chiến lược diễn biến hòa bình của các thế lực thù địch".

Phóng sự cũng đưa ra những ý kiến trên mạng xã hội được cho là "bất bình" trước phát biểu của bà Thủy, người kết thúc vai trò chủ tịch sáng lập FUV khi lứa cử nhân đầu tiên của trường tốt nghiệp vào tháng 6/2023. Một người dùng mạng được Quốc Phòng Việt Nam trích dẫn kêu gọi "nhà nước nên quản lý chặt chẽ nội dung dạy của các trường này và đừng để họ tẩy não lớp trẻ Việt Nam".

Không rõ vì sao những thông tin nhắm vào trường Đại học Fulbright được đưa ra trong thời gian này nhưng nó xuất hiện trong bối cảnh một phong trào do các sinh viên dẫn đầu ở Bangladesh đã khiến chế độc độc tài bị lật đổ và đưa lên vị thủ tướng mới vốn là một học giả của chương trình Fulbright và từng giành giải Nobel Hòa bình.

Phản bác lại những thông tin gần đây nhắm vào trường và cộng đồng Fulbright, thông cáo của FUV cho biết "các tuyên bố này là những ‘thông tin sai lệch với mục đích thao túng’ nhằm lan truyền các thông tin sai sự thật về Đại học Fulbright Việt Nam".

"Chúng tôi lên án mạnh mẽ việc cố tình lan truyền thông tin sai lệch này và những tổn thương do hành động này gây ra cho các cá nhân hữu quan", thông cáo viết. "Đại học Fulbright Việt Nam là kết quả của thiện chí hợp tác lâu dài giữa Việt Nam và Hoa Kỳ với sự ủng hộ mạnh mẽ liên tục từ các lãnh đạo cao nhất của hai nước".

Đại học Fulbright được xem là "dấu mốc trong quan hệ Việt-Mỹ" với lễ trao giấy chứng nhận đầu tư cho đại học này được Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng lúc đó chứng kiến trong chuyến thăm của ông tới Mỹ năm 2015, khi ông trở thành nhà lãnh đạo Đảng cộng sản đầu tiên được đón tiếp trong Nhà Trắng.

Năm 2022, Giám đốc điều hành Cơ quan Tài chính Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (FDC) Scott Nathan nói, khi ký kết thỏa thuận tài trợ 37 triệu USD để xây dựng cơ sở mới của Đại học Fulbright ở Thành phố Hồ Chí Minh trong chuyến thăm của Thủ tướng Phạm Minh Chính tới Mỹ, rằng "FUV từ lâu đã nhận được sự ủng hội mạnh mẽ từ lưỡng đảng Hoa Kỳ khi phát triển chương trình giảng dạy tiên tiến" tại Việt Nam.

Hôm 19/8, Đại học Fulbright được hãng công nghệ Mỹ Google công bố khoản tài trợ trị giá 1,5 triệu USD để thúc đẩy các chương trình giáo dục trí thông minh nhân tạo (AI) tiên tiến, theo Nhân Dân. Tiến sĩ Lê Viết Quốc, nhà khoa học danh dự của Google DeepMind và thành viên Hội đồng tín thác của FUV, được tờ báo Đảng trích lời nói rằng tinh thần giáo dục khai phóng nhấn mạnh vào tư duy phản biện sẽ tạo ra chương trình giáo dục chuyển đổi, mang lại lợi ích cho sinh viên và tạo ra các mô hình mới mà các trường đại học khác có thể học hỏi.

Ông Huỳnh Thế Du, một giảng viên thỉnh giảng của FUV, đưa ra một bài viết trên trang Facebook cá nhân hôm 28/8 mà ông nói là để phản bác "những cái nhìn không tích cực và thiếu thiện cảm về hoạt động của Fulbright".

"Muốn biết Fulbright làm gì và như thế nào cần nhìn vào những con người và việc làm cụ thể hơn là một vài sự kiện vấn đề có tính nhất thời hoặc là những mảnh thông tin bị cắt cúp", ông Du nói và cho rằng những người làm việc và giảng dạy ở FUV "đều là trí tuệ và tâm huyết muốn phát triển đất nước" Việt Nam.

Bà Hằng hôm 26/8 nói rằng "Việt Nam hoan nghênh các hoạt động của Đại học Fulbright Việt Nam như đã khẳng định trong Tuyên bố chung về nâng cấp quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ lên Đối tác chiến lược toàn diện năm 2023".

"Chúng tôi mong muốn và tin tưởng rằng các hoạt động của Fulbright đóng góp thiết thực vào sự phát triển quan hệ hữu nghị, hợp tác đang ngày càng phát triển giữa Việt Nam và Hoa Kỳ".

Nguồn : VOA, 29/08/2024

*****************************

Dư luận viên phá hoại đất nước như thế nào ?

Hạo Nhiên, Tiếng Dân, 29/08/2024

Khoảng hai tuần qua, những người quan tâm đến thời cuộc đều tỏ ra hết sức kinh ngạc và bất bình khi thấy có cuộc tấn công cấp tập của các "dư luận viên" vào Đại học Fulbright, một một cơ sở giáo dục phi lợi nhuận do Hoa Kỳ tài trợ, nhằm mục đích đào tạo nhân tài chủ yếu về quản lý kinh tế công cho Việt Nam.

fulbright4

Dư luận viên, tức tuyên truyền viên trên mạng, "là các cá nhân, nhóm người được chính phủ thuê, hướng dẫn và đào tạo để thực hiện tuyên truyền, tranh luận và hướng dẫn dư luận về mặt nội dung trên mạng Internet… (Wikipedia) Ảnh minh họa

Ngạc nhiên là vì giữa Việt Nam-Hoa Kỳ đã và đang có mối quan hệ ngoại giao ngày càng tốt đẹp, thậm chí đã nâng lên tầm quan hệ "chiến lược toàn diện" là cấp cao nhất trong các cấp ngoại giao của Việt Nam, những kẻ tấn công làm như vậy thì có khác gì chửi thẳng vào mặt quốc gia đã giúp đỡ cho mình ?

Các nhóm "dư luận viên" kể trên đã thực hiện cuộc tấn công nhằm bẻ lái dư luận một cách rất hăng hái, bằng những lời lẽ quy chụp nặng nề, vô căn cứ đối với Đại học Fulbright. Do họ thấy ở Bangladesh và Campuchia xảy ra những cuộc cuộc biểu tình rầm rộ của dân chúng chống chính phủ, nên nhóm dư luận viên này nhanh nhảu đoảng theo kiểu "bảo hoàng hơn vua", lên tiếng cho rằng Fullbright là "lò đào tạo phản động" của Mỹ lập ra, "ổ dạy làm cách mạng màu", để lật đổ chính quyền cộng sản Việt Nam.

Điều kinh ngạc tiếp theo các sự kiện nêu trên là, theo báo điện tử Chính phủ số mới nhất, chiều 26/8/2024, trả lời câu hỏi của phóng viên về hoạt động của trường Đại học Fulbright, người phát ngôn Bộ Ngoại Việt Nam giao nêu rõ :

"Đại học Fulbright Việt Nam là thành quả của sự hợp tác giáo dục giữa Việt Nam và Hoa Kỳ, nhất là trong lĩnh vực đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Việt Nam hoan nghênh các hoạt động của Đại học Fulbright Việt Nam như đã được khẳng định trong Tuyên bố chung về nâng cấp quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ lên Đối tác chiến lược toàn diện năm 2023.

Chúng tôi mong muốn và tin tưởng rằng các hoạt động của Fulbright Việt Nam tiếp tục đóng góp thiết thực vào sự phát triển quan hệ hữu nghị, hợp tác đang ngày càng phát triển giữa Việt Nam và Hoa Kỳ".

Vậy nghĩa là thế nào ? Cuộc tấn công vừa rồi vào Đại học Fulbright là do sự tự phát của một số dư luận viên "bảo hoàng hơn vua" hay do chủ trương của Ban Tuyên giáo Trung ương, cơ quan đứng ra xây dựng lực lượng dư luận viên này ?

Nếu tự phát mà trái ngược với đường lối chính thống của quốc gia thì tại sao Ban Tuyên giáo Trung ương không ngăn cản ?

Hay là có sự mâu thuẫn về chủ trương chính trị giữa các cơ quan lãnh đạo trung ương (ở đây là giữa Bộ Ngoại giao và Ban Tuyên giáo Trung ương), hoặc nói cách khác, giữa những người trong nội bộ Đảng cộng sản Việt Nam vẫn chưa có sự thống nhất về đường lối, chủ trương căn bản liên quan đến đại sự quốc gia ?

Qua vụ việc đáng tiếc này, có lẽ cần phải xem xét trách nhiệm của người đứng đầu Ban Tuyên giáo Trung ương, đồng thời cũng xem xét lại luôn sự tồn tại của lực lượng đông đảo dư luận viên, về những điều tai hại mà họ có thể đã gây ra bấy lâu nay cho đất nước, cũng như lần này họ đã dám "đâm sau lưng chiến sĩ" !

Theo Từ điển bách khoa Wikipedia, dư luận viên, tức tuyên truyền viên trên mạng, "là các cá nhân, nhóm người được chính phủ thuê, hướng dẫn và đào tạo để thực hiện tuyên truyền, tranh luận và hướng dẫn dư luận về mặt nội dung trên mạng Internet… Dư luận viên chú trọng vào việc tuyên truyền các tư tưởng thân chính phủ trên mạng. Việc hình thành những nhóm này là do chính phủ nhận thức rằng việc áp dụng tường lửa để ngăn chặn những thông tin gây bất lợi cho chính thể đã không còn mang lại hiệu quả cao".

Ở Việt Nam, người ta lập hàng chục trang báo mạng đặt tên nghe rất kêu như "Nhân Văn Đất Việt", "Nhân Quyền"… nhưng trên thực tế là để tiêu diệt nhân văn, trấn áp nhân quyền, trù dập những tiếng nói dân chủ đòi cải cách xã hội.

Dư luận viên chỉ có ở những nước theo chế độ độc tài toàn trị như Trung Quốc, Việt Nam… để ngăn chặn các loại "ý kiến khác". Ở Việt Nam hiện nay, lực lượng dư luận viên thường quen bị gọi với cái tên rất xấu là "bò đỏ". Thật ra, dư luận viên Việt Nam cũng chỉ bắt chước cách làm tuyên truyền giả dối thành tật của Cộng sản Trung Quốc mà thôi, với cái mà Trung Quốc gọi là "võng quân" (đội quân mạng), hay "dư luận dẫn đạo quân" (người hướng dẫn dư luận).

Thủ phạm lập ra lực lượng dư luận viên đông đảo, như những lời đồn đãi, rõ ràng là Ban tuyên giáo Trung ương, chứ còn ai trồng khoai đất này ?

Trong một buổi gặp mặt sinh hoạt chính trị đầu xuân với các cộng tác viên dư luận xã hội cấp trung ương, tổ chức sáng ngày 4/3/2021 tại Hà Nội, một nhân vật lãnh đạo Ban tuyên giáo Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam đã từng phát biểu : "Mỗi cộng tác viên dư luận xã hội phải trở thành ‘nhiệt kế’ để đo được ‘nhiệt độ’ xã hội, trở thành ‘các cột ăng ten’ để nắm bắt tập hợp, phản ánh và cung cấp thông tin chính thống, góp phần tạo ra sự đồng thuận xã hội và định hướng các luồng dư luận xã hội tích cực".

Cũng theo ông này, rằng dư luận viên phải "nâng cao năng lực định hướng dư luận xã hội, bám sát ‘hơi thở’ của thực tiễn cuộc sống, phòng ngừa sự phá hoại, thâm nhập của các thông tin xấu độc và làm lớn mạnh dư luận tư tưởng chính thống" ; rằng với số lượng cộng tác viên dư luận xã hội các cấp như hiện nay "cần thâm nhập sâu rộng vào môi trường mạng xã hội ; cần chủ động xây dựng các đề tài, kịch bản cung cấp thông tin định hướng dư luận xã hội"…

Ý nghĩa nêu ra trông có vẻ tốt đẹp, nhưng thực tế thì thế nào ?

Trong khi "bút chiến", đám dư luận viên luôn có thái độ hằn học, lời lẽ trịch thượng sỗ sàng, bao nhiêu chữ nghĩa cha mẹ cho ăn học họ đều tuôn hết ra để chuyển tải những lý luận giáo điều cũ rích, nhằm mạt sát, chống lại những tiếng nói phản biện xã hội nghiêm chỉnh, có tính xây dựng. Do vậy, kết quả thường là hiệu ứng ngược, bảo vệ vua mà chẳng khác nào hại vua.

Tuy nhiên, sở dĩ một số trang mạng xã hội của giới dư luận viên vẫn tồn tại là vì nó vẫn còn được một số người tin theo, đó là những kẻ ngây thơ hồn nhiên trong chốn thường dân hoặc trong đám cán bộ công nhân viên đã bị ru ngủ lâu bằng những lời lẽ tuyên truyền giả dối, không còn thích hợp thời đại mới.

Điều đáng buồn cười ở xứ ta là, dư luận viên càng công kích ai thì người bị công kích càng được dư luận quan tâm theo dõi. Tương tự, hễ cuốn sách nào bị cấm và/hoặc bị nhà nước thu hồi thì độc giả càng cố tìm mua cho kỳ được, hoặc nhân bản "đọc chui", dưới hình thức những bản photo truyền tay nhau…

Ngày nay, trong thời đại Internet, thế giới đã phẳng ra. Dân Việt Nam có đến 90% biết sử dụng điện thoại thông minh (giá rất rẻ), mọi sự thật dần dần được phơi bày đầy đủ, nên tác dụng của dư luận viên đã và đang bị suy giảm nhanh chóng. Muốn ngăn chặn dư luận "trái chiều"cũng không ngăn chặn được đâu, vì một người vượt đèn đỏ thì viên cảnh sát giao thông có thể thổi còi chặn lại được, chứ đến hàng trăm người cùng vượt thì cảnh sát cũng đành phải bó tay  Tình trạng thất nghiệp cho giới dư luận viên vì vậy cũng đang xảy ra, còn gọi là "thất nghiệp công nghệ thông tin", do sự phát triển vũ bão của những tiến bộ khoa học-kỹ thuật.

Qua sự vụ tấn công "hớ" đối với Đại học Fulbright vừa rồi, cũng như qua các tác động ngược trong việc sử dụng lực lượng dư luận viên, có lẽ đã đến lúc Ban Tuyên giáo Trung ương cần dẹp bỏ đội ngũ này. Các dư luận viên cũng cần tỉnh tuồng, xem lại nghề nghiệp kiếm sống của mình. Có người cho rằng, đã là người có hiểu biết/ tử tế thì chẳng ai đi "đầu quân" làm dư luận viên cả.

Để chuẩn bị cho cuộc sống tương lai gần, giới dư luận viên nên bắt đầu chuyển hướng : Thay vì tiếp tục những việc làm như cũ, phá hoại hướng tiến lớn của quốc gia dân tộc, quý vị hãy dùng "tài năng" về miệng lưỡi/kỹ năng ngôn luận của mình đả thẳng vào bọn sâu dân mọt nước…

Hạo Nhiên

Nguồn : Tiếng Dân, 29/08/2024

*****************************

Cáo buộc Fulbright Việt Nam là "ổ dạy làm cách mạng màu" - Cựu sinh viên nói gì ?

RFA, 22/08/2024

"Lò đào tạo phản động", "âm mưu thực hiện cách mạng màu"… là những cáo buộc mà các trang mạng xã hội thân chính phủ đã tấn công trường đại học Fulbright trong tuần qua. Một người từng tham gia vào chương trình đào tạo của Fulbright Việt Nam khẳng định : "…nói Fulbright hướng tới để tạo ra cách mạng là sai". 

fulbright1

Bà Hilary Clinton, lúc bấy giờ là Ngoại trưởng Mỹ, phát biểu trong buổi chào mừng kỷ niệm 10 năm chương trình Fulbright tại Việt Nam ở trường Đại học Ngoại thương Hà Nội vào ngày 10/7/2012. Reuters

Lò đào tạo "phản động" ? 

Ngày 14/8, trường Đại học Fulbright Việt Nam đăng tuyên bố chính thức trên trang Facebook của mình, nơi có hơn 100 ngàn lượt thích và 112 ngàn người theo dõi (có dấu tích xanh) nêu rõ, đã có một số tuyên bố sai lệch và gây kích động về Trường Đại học Fulbright Việt Nam và cộng đồng Fulbright đã được lan truyền trên các nền tảng mạng xã hội với ngôn ngữ xúc phạm những ngày qua.

Trang Facebook chính thức của trường đại học này không nói cụ thể các thông tin đó là gì. Tuy nhiên, khi lướt qua một số trang Facebook hoặc một số website như Tifosi, Diễn đàn chống phản động... thì có thể thấy một loạt các status, bài viết trong thời gian qua liên tục chỉ trích trường đại học này như : "không chỉ là một cơ sở giáo dục, mà còn là một công cụ của Mỹ nhằm đào tạo và nuôi dưỡng những người có khả năng trở thành "tay sai" cho các cuộc cách mạng màu, làm thay đổi thể chế chính trị tại Việt Nam".

Anh M., (giấu tên vì lý do an toàn) từng tham gia chương trình đào tạo của Đại học Fulbright Việt Nam, cho rằng trước tiên, phải xác định rằng chương trình học của Fulbright đã được chính phủ và Bộ giáo dục Việt Nam chấp thuận : 

"Họ cấp cho mã ngành, tức là về mặt chính danh, chính thống thì nó là một chương trình thuần túy để phát triển kinh tế".

Chị T. (giấu tên vì lý do an toàn), cũng là một cựu sinh viên trường Fulbright, cho biết trường Fulbright ưu tiên đào tạo những người làm chính sách công ở trong khu vực công, giúp cho sinh viên ở đây được phát triển tối đa năng lực của mình. Và trên thực tế, có rất nhiều cán bộ đang làm việc trong bộ máy nhà nước đã và đang là sinh viên của trường này :

"Việc mà Fulbright đang làm là đào tạo ra những con người tự do, giúp cho con người phát triển. Fulbright đã làm rất là nhiều việc để đóng góp nguồn nhân lực cao cấp cho khu vực công của Việt Nam và cho đất nước nói chung và cái điều đấy là vô cùng quan trọng. Thế nên nói rằng Fulbright hướng tới để tạo ra cách mạng là sai". 

Thùy Linh, nghiên cứu sinh ngành "Hòa bình và xung đột", từng theo học bậc cao học ở đại học Fulbright Việt Nam cho biết, Fulbright cố gắng mô phỏng một cộng đồng thu nhỏ của Việt Nam, để từ đó có những thảo luận học thuật về chính sách thực tế nhất, vì tính đặc thù của thể chế chính trị - kinh tế - xã hội của Việt Nam.

"Nếu Fulbright mà có ý đồ gì thì chả dại gì lại cho công an, và các công nhân viên chức nhà nước, Đảng viên vào học cả. Nếu là người biết tư duy, không chụp mũ thì chỉ cần nhìn qua là biết".

Lo ngại "theo bước" Bangladesh

Chiến dịch chỉ trích Fulbright lần này diễn ra trong bối cảnh Bangladesh đang nổ ra các cuộc biểu tình, ban đầu được lãnh đạo bởi sinh viên chống lại chính sách hạn ngạch tuyển công chức bị cho là thiên vị những người có quan hệ với đảng cầm quyền. Biểu tình sau đó lan rộng ra các tầng lớp khác, phản đối các chính sách quản trị kinh tế - chính trị trong xã hội.

Một bài viết trên trang web "trelang" cho rằng, sự kiện tại Bangladesh có thể đã góp phần làm gia tăng sự lo ngại rằng Fulbright có thể đang đóng vai trò tương tự tại Việt Nam. Bởi vì, ông Muhammad Yunus, một cựu sinh viên Fulbright, được chọn là người tạm đứng đầu chính phủ Bangladesh sau khi bà thủ tướng của nước này từ chức và chạy sang Ấn Độ. 

Tuy nhiên, cô Thùy Linh phản bác ý kiến trên đồng thời khẳng định, lập luận vừa nêu là rất "tào lao". Bởi, theo cô Linh, chương trình của ông Yunus là học bổng Fulbright và nó khác hoàn toàn với chương trình thạc sĩ và bậc đại học ở Đại học Fulbright Việt Nam :

"Nói thẳng ra là trước giờ cái chương trình học bổng Fulbright luôn "sang" hơn, và nhiều năm qua, rất nhiều sinh viên, người trẻ ưu tú ở Việt Nam đạt học bổng này. Học bổng này cho phép họ theo học một chương trình cao học ở một trường đại học ở Mỹ, tùy vào lĩnh vực họ theo đuổi.

Trong khi Đại học Fulbright bậc cử nhân thì được thiết kế với giáo án riêng, bậc cao học thì chỉ dạy mỗi chính sách công, mà còn là dạy ở Việt Nam, chỉ giáo trình là được dịch thuật và soạn thảo từ chính chương trình thạc sĩ chính sách công của trường Harvard Kennedy School. Nếu mà được hiểu gộp, đánh đồng với chương trình học bổng Fulbright kia thì quý hóa quá…".

Chị T. cho biết đã theo dõi tình hình Bangladesh rất sát sao và nhận thấy rằng cáo buộc của dư luận viên cho thấy họ không hiểu gì về tình hình Bangladesh. Ông Yunus năm nay đã ngoài 80 tuổi và không có tham vọng quyền lực gì cả. Cô T. nói tiếp :

"Ông là người rất là được tôn trọng một cách rộng rãi ở trong Bangladesh cho nên ông ấy thế chỗ để tạm thời, nắm quyền vào thời điểm này chứ không phải là giành chính quyền gì cho bản thân. Đây hoàn toàn là một bước đi kỹ thuật.

Sự diễn biến thay đổi ở một quốc gia nó phức tạp hơn rất là nhiều so với việc chỉ có thuần túy kết án một vài người lên tiếng phản biện hay là có cái tư duy độc lập".

Anh M. cũng đồng ý kiến, xác nhận Fulbright Việt Nam là một chương trình hợp tác ngoại giao và học thuật và luôn nhận được sự "quan tâm đặc biệt" từ phía nhà nước Việt Nam :

"Nhà nước Việt Nam cũng có những phương pháp để đảm bảo rằng chương trình Fulbright tại Việt Nam là một chương trình hợp tác ngoại giao và học thuật. Với một sự gọi là được quan tâm như vậy thì cơ hội để làm những cái điều mà các bạn dư luận viên nói thì dưới góc nhìn của tôi là một người bên trong thì thấy là dù có muốn cũng không được".

Tranh cãi về lịch sử

Sự tấn công của dư luận viên vẫn tiếp diễn khi ngày 20/8, trang web "trelang" tiếp tục đăng tải bài viết có tiêu đề "Fulbright - cảnh giác không thừa". Nội dung bài viết cho rằng ông Bob Kerrey là người từng gây tội ác trong chiến tranh Việt Nam. Việc ông này được bổ nhiệm làm chủ tịch hội đồng tín thác của trường này khi mới thành lập khiến nhiều người đặt câu hỏi về sự chân thành trong mối quan hệ hợp tác giữa hai nước Việt Nam-Hoa Kỳ. 

Trong thực tế, anh M., cho biết, có rất nhiều người hỗ trợ ban đầu cho đại học Fulbright Việt Nam là các cựu binh Hoa Kỳ :

"Họ thực hiện chương trình này vì họ cảm thấy cần phải có một sự đền đáp lại đối với Việt Nam. Nó giống như là một chương trình hàn gắn. Đương nhiên trong cái chương trình đó sẽ có nhân vật này và nhân vật kia ; nhưng tôi nghĩ là ở cấp chính phủ thì họ đã cũng sẽ không nói về việc đấy nữa, họ cũng đã có những cái nhận định, nhận diện một cách chính thức cho chương trình này".

Do đó, theo ông M., lãnh đạo hai nước nên có cách để điều chỉnh cho phù hợp với hoàn cảnh hiện nay, nhằm đạt được mục đích là đào tạo ra một thế hệ học sinh sinh viên và những người có khả năng làm chính sách tốt.

Vào tháng 6/2016, khi ông Bob Kerrey được bổ nhiệm làm Chủ tịch Hội đồng tín thác của Fulbright Việt Nam, Giáo sư tiến sĩ khoa học Nguyễn Đăng Hưng – một Giáo sư danh dự của trường Đại học Liège, Bỉ, từng có bài viết gửi cho RFA. Trong đó, ông nhận định về ông Kerry rằng :

"Nguyên là một sĩ quan quân đội Mỹ đã tích cực tham gia một cuộc chiến tàn khốc tại Việt Nam, đã chịu trách nhiệm về việc sát hại 20 người dân Việt Nam nhưng sau đó đã chân thành sám hối, cật lực vận động thành lập và điều hành trường để có ngày hôm nay. Còn tấm gương sám hối tích cực có tính lịch sử nào sinh động hơn ?"

Một cựu chiến binh trong cuộc chiến tranh biên giới phía bắc, ông Trần Bang, trong năm 2016, cũng đã đưa ra ý kiến với RFA về việc Việt Nam và Hoa Kỳ cần khép lại quá khứ chiến tranh và hướng đến hợp tác xây dựng, phát triển cho Việt Nam. 

"Tôi ‘bênh vực’ việc hướng đến tương lai, hướng thiện. Tôi cho rằng ngày xưa ông Bob Kerrey tham gia chiến tranh thì cũng như bất cứ vị sĩ quan nào cũng phải thực hiện các mệnh lệnh chính trị".

Nguồn : RFA, 22/08/2024

(*) Trong bài viết này RFA có ghi tên viết tắt của người phỏng vấn vì lý do an toàn.

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: VOA tiếng Việt, Hạo Nhiên
Read 203 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)