Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

01/09/2024

Tô Lâm : ông là ai và ông muốn gì ?

Thái Hà - Trần Chương - Trà My

Nắm trọn công cụ bạo lực trong tay, Tô Lâm mơ về một "vĩ nhân" họ Tô ?

Thái Hà, Thoibao.de, 01/09/2024

Khi thâu tóm quyền lực trong tay, ông Nguyễn Phú Trọng từng bước xây dựng hình ảnh của mình thành một "bậc vĩ nhân", như Hồ Chí Minh và Võ Nguyên Giáp – 2 nhân vật trong ngôi đền thiêng của chế độ này. Ông Trọng sử dụng cái lò nổi tiếng để xây dựng hình ảnh. Tuy cuối đời, "lò" bị mất kiểm soát, và bị đồ đệ cướp mất, nhưng vẫn không sao, Tuyên giáo vẫn huyền thoại hóa hình ảnh của ông.

tolam1

Sau khi được chỉ định làm Tổng bí thư, ông Tô Lâm trở thành người hùng mới của chế độ

Tại kỳ họp Tiểu ban Nhân sự ở Văn phòng Trung ương Đảng, ngày 27/8 vừa qua, Tô Lâm đã nói về một "khởi điểm lịch sử mới". Vậy, lịch sử mới này có phải là lịch sử do ông Tô Lâm tạo ra ? Có phải, ông Tô Lâm muốn tạo ra một lối đi hoàn toàn khác với ông Trọng ?

Có thể nói, câu nói trên của ông Tô Lâm chứa đầy tham vọng. Sau khi đã tước đoạt thành công quyền lực tối cao của Đảng, Tô Lâm xem như đã thỏa ước mơ "trị quốc", và giờ đây, ông bắt đầu xây dựng ước mơ "bình thiên hạ" chăng ?

Thời kỳ Hồ Chí Minh và Võ Nguyên Giáp là thời dân thất học, thiếu thông tin, vì thế, Đảng dễ dàng thành công xây dựng nên những huyền thoại. Đến thời ông Nguyễn Phú Trọng thì việc này đã không còn dễ dàng nữa. Dù "lò" của ông Trọng đốt nhiều củi thật đấy, nhưng Đảng có sạch không ?

Nếu Đảng đã không trong sạch, thì dân được ích lợi gì ? Chống tham nhũng nhưng lại nuôi cho tham nhũng lớn mạnh bằng cơ chế, bằng thể chế lỗi thời, thì dân vẫn khốn khổ.

Mặc dù được rất nhiều dư luận viên tung hô, nhưng ông Trọng vẫn không thể trở thành "bậc vĩ nhân". Dù ông có chống tham nhũng đến hơi thở cuối cùng, nhưng người dân thấy rõ, những "đệ tử ruột" của ông, như Võ Văn Thưởng, Vương Đình Huệ, Trương Thị Mai… và cả hệ thống công quyền mà ông tạo nên đều bẩn.

Tại Nga, Putin cũng có tham vọng tạo nên một "Tổng thống vĩ đại". Dù sống ở thế kỷ 21, nhưng Putin lại có tư tưởng của những bạo chúa thời Trung cổ. Ông muốn biến bản thân thành một "đại đế" thời hiện đại của nước Nga, bằng cách xua quân xâm lược nước khác. Nhưng kết quả lại vô cùng thảm hại. Nước Nga bị thế giới văn minh ruồng bỏ, Putin bị xem là tội phạm, uy tín nước Nga trên trường quốc tế bị tụt dốc thảm hại.

Không cần phải để "lịch sử phán xét", chỉ cần nhìn kết quả hiện tại, thì đủ biết, Putin sẽ được miêu tả như thế nào trong những trang sách sử tương lai. Chắc chắc, ông chỉ là một kẻ độc tài sắt máu, chống lại văn minh tiến bộ, chống lại loài người, tên tội đồ tàn phá nước Nga hơn bất kỳ lãnh tụ nào khác v.v…

Tương tự như vậy, với bản chất quân phiệt, cai trị 100 triệu dân bằng công an, và đặc biệt là sẵn sàng đạp lên luật pháp, miễn đạt được ý muốn, thì Tô Lâm không thể xây dựng được hình ảnh một nhà lãnh đạo "kiệt xuất". Ông có thể chỉ đạo cho Tuyên giáo làm điều đó, chỉ đạo cho bộ máy giáo dục làm điều đó, nhưng sẽ vô ích. Bởi lịch sử rất công bằng, và người dân không bao giờ thừa nhận một kẻ cai trị bằng bạo lực, lại là người đáng tôn trọng. Thời đại internet này, bạo chúa không bao giờ là tự biến mình thành "kiệt xuất" được.

Với cách chiếm quyền bằng bạo lực, với việc dùng công an để thực hiện ý đồ cá nhân, Tô Lâm không những gây thù chuốc oán với 100 triệu dân, mà còn gây thù chuốc oán với rất nhiều thế lực khác trong Đảng. Càng sử dụng bạo lực hà khắc, ngôi báu của Tô Lâm càng kém bền vững.

Liệu rằng, Tô Lâm có thể diệt sạch mọi thế lực chống đối hay không ? Chắc chắn là không. Và chính những thế lực bị Tô Lâm cướp mất chén cơm, cướp mất cơ hội, họ sẽ nuôi ý chí "phục thù".

Nếu Nguyễn Phú Trọng cuối đời bị phản, thì không lý do gì, Tô Lâm lại không bị phản. Đứng trước cơ hội chiếm đoạt quyền lực, dù có là đồng hương Hưng Yên, thì cũng sẽ quay ra chiến nhau thôi.

Chiếm ngôi đã khó, giữ ngôi lại càng khó hơn. Liệu Tô Lâm có giữ ngôi được lâu như Nguyễn Phú Trọng hay không ?

Thái Hà

****************************

Tô Lâm không được lòng "chủ", ghế Tổng liệu có vững ?

Trần Chương, Thoibao.de, 01/09/2024

Chuyến đi Trung Quốc của Tô Lâm được báo chí trong nước đưa tin rình rang, nhưng ngược lại, báo chí Trung Quốc thì không sốt sắng. Điều này khác xa với những chuyến thăm của ông Nguyễn Phú Trọng trước đây.

tolam2

Hai Tổng bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình và Tô Lâm duyệt đội danh dự Quân giải phóng Nhân dân Trung Quốc tại Đại lễ đường Nhân dân ở Thủ đô Bắc Kinh theo nghi thức cao nhất dành cho nguyên thủ quốc gia.

Trung Quốc cũng như Việt Nam, đều kiểm soát báo chí chặt chẽ, đặc biệt là tin tức về chính trị. Vì thế, thái độ lạnh nhạt của báo chí Trung Quốc, phần nào cho thấy thái độ của Tập Cận Bình đối với Tô Lâm.

Tô Lâm là Tổng bí thư mới lên ngôi, Tập Cận Bình chưa biết nhiều về ông. Điều đáng nói là, cách Tô Lâm chiếm lấy chức Tổng bí thư không chính thống. Tô Lâm không phải là nhân vật được ông Trọng chọn mặt gửi vàng.

Tập Cận Bình đã tin tưởng ông Trọng, thì ắt hẳn, ông phải dè chừng với kẻ đã phản bội lại ông Trọng, đó là điều dễ hiểu.

Lần "đi chầu thiên triều" này, sau khi trở về nước, Tô Lâm đã bị "lột" mất chức Chủ tịch nước. Đây có thể là dấu hiệu cho thấy, Tập Cận Bình muốn kiểm tra phản ứng của Tô Lâm, và cũng muốn đưa "con ngựa chứng" này vào vòng kiểm soát.

Vào năm 2011, Tập Cận Bình là cấp phó của Hồ Cẩm Đào đã có chuyến thăm Việt Nam. Ông Trọng cho đón ông Tập bằng lá cờ Trung Quốc 6 sao, trong khi, lá cờ chính thống của Trung Quốc có 5 ngôi sao, gồm 1 ngôi sao lớn và 4 ngôi sao nhỏ, đại diện cho 5 dân tộc của Trung Quốc. Có thể nói, ông Trọng đã cúi đầu trước ông Tập từ khi ông Tập chưa lên ngôi "cửu ngũ chí tôn" trong triều đình cộng sản Trung Quốc.

Giờ đây, có lẽ, Tô Lâm không có được cơ hội để cúi đầu từ xa như ông Trọng, nên Tập Cận Bình cần một phép thử chăng ? Và có lẽ, nhiệm vụ của Tô Lâm là lấy được sự tin tưởng của ông Tập trong thời gian tới. Tô Lâm hiểu rõ, muốn làm bá chủ trong Đảng cộng sản Việt Nam, thì trước tiên, phải lấy lòng ông chủ Trung Nam Hải.

Hiện còn quá sớm để đánh giá sự bền vững của chiếc ghế Tổng bí thư mà ông Tô Lâm đang ngồi. Nếu được Tập Cận Bình tin cậy, Tô Lâm hoàn toàn có thể đè bẹp mọi thế lực khác trong Đảng, và an tâm ngồi ghế Tổng suốt đời. Tuy nhiên, điều khó khăn nhất là làm sao để Tập Cận Bình vừa lòng.

Tuy Tô Lâm đang là phe mạnh nhất trong Đảng, nhưng mới đây, phe quân đội đã bắn tin, người đứng đầu phe này sẽ đi Mỹ. Phía Trung Quốc chắc chắn sẽ theo dõi sát sao hành động của Bộ trưởng Phan Văn Giang. Nếu chọc giận Bắc Kinh, dù vô tình hay hữu ý, thì với vai trò là Bí thư Quân ủy Trung ương, Tô Lâm phải có lời giải thích với Tập. Rõ ràng, nỗ lực của Tô Lâm đi Bắc Kinh để mong được ông Tập thừa nhận, đang bị Tướng Phan Văn Giang thử thách. Có thể nói, ông Giang đi Mỹ, nhưng ông Tô Lâm lại là người lo lắng.

Làm người đứng đầu Đảng cộng sản Việt Nam, Tô Lâm phải có trách nhiệm chăn dắt Đảng theo ý Tập, phải lùa đất nước Việt Nam và 100 triệu dân vào quỹ đạo của Bắc Kinh. Với việc phe quân đội không muốn "vâng lời" Tổng bí thư, thì đấy cũng là cách đẩy Tô Lâm vào thế khó.

Tập thể dưới quyền ông Trọng trước đây, có vẻ như thống nhất hơn tập thể dưới quyền ông Tô Lâm. Điều này dễ hiểu, bởi Tô Lâm là "kẻ cướp" chứ không phải "thừa kế". Kẻ cướp luôn sẵn sàng ra tay triệt hạ những người đang và sẽ được hưởng quyền lợi dọn sẵn, cho nên, Tô Lâm đã gây thù chuốc oán với rất nhiều phe cánh.

Các phe phái cung đình không chỉ tính chuyện đánh nhau, mà còn tính chuyện cản đường nhau, nếu có thể. Với vai trò là người đứng đầu Bộ Quốc phòng, ông Phan Văn Giang đang nắm trong tay cơ hội làm cho ông Tô Lâm phải mất mặt với Bắc Kinh. Tuy nhiên, ông Giang có bạo gan làm chuyện đó hay không, thì còn phải chờ xem bản lĩnh của ông tới đâu.

Thế Tô Lâm như chẻ tre, nếu không lật được bằng một trận đánh bất ngờ, thì chỉ có thể làm giảm sức mạnh của ông bằng những "tiểu xảo" như thế. Đấy cũng là cách có thể "góp gió thành bão", cho việc lớn về sau.

Trần Chương 

*************************

Phải chăng Trung Quốc răn đe Tô Lâm chớ có "nghiêng" quá đà về phía Mỹ ?

Trà My, Thoibao.de, 01/09/2024 |

Sau khi Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng qua đời, Chủ tịch Tô Lâm được Đảng cộng sản Việt Nam giao trọng trách lãnh đạo đất nước. Theo giới phân tích đánh giá, chính sách đối ngoại "ngoại giao cây tre" của Tổng bí thư Trọng dưới thời ông Tô Lâm sẽ không thay đổi.

tolam3

Trung Quốc là điểm đến đầu tiên của ông Tô Lâm sau khi chính thức đảm nhiệm chức vụ tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam từ ngày 3/8 vừa qua

Chỉ 2 tuần sau khi nhậm chức tân Tổng bí thư, Tô Lâm với cương vị Tổng bí thư kiêm Chủ tịch nước đã cấp tốc viếng thăm Trung Quốc. Việc chọn Trung Quốc là cường quốc đầu tiên của ông Tô Lâm không có gì là đặc biệt, với lý do đây là thông lệ của các lãnh đạo tối cao của Việt Nam.

Tuy nhiên theo giới ngoại giao tiết lộ cho hay, Tổng bí thư Tô Lâm "vội vã" sang Bắc Kinh bởi lý do để chuẩn bị cho chuyến đến Hoa Kỳ vào tháng 9 tới đây để tham dự Kỳ họp của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc, sẽ khai mạc ngày 10 và bế mạc ngày 24/9/2024. Nhiều nguồn tin hành lang cho hay, khả năng cao ông Tô Lâm sẽ có cuộc gặp với Tổng thống Joe Biden trong chuyến công du lần này.

Sau khi Tổng bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm kết thúc chuyến thăm Trung Quốc "rốt ráo", với thời gian rút ngắn tới gần một nửa theo kế hoạch ban đầu. Đánh giá về chuyến thăm, truyền thông quốc tế đã đưa ra nhận xét :

"Trong chuyến thăm lần này tới Bắc Kinh của ông Tô Lâm, Chủ tịch Tập Cận Bình đã nhấn mạnh về cái gọi là "chia sẻ tương lai" giữa hai nước. Tuy nhiên, các mục đích của hai nước láng giềng vốn có hệ thống chính trị tương đồng lại không tương thích. Đó là các vấn đề về chủ quyền ở Biển Đông nơi Trung Quốc đòi chủ quyền phần lớn diện tích vùng nước khiến Hà Nội khó chịu. Trong khi lãnh đạo hai nước đang "đạp xe" hướng về phía trước thì dường như họ lại đang đạp về hai hướng khác nhau.

Việc ban lãnh đạo Trung Quốc đưa máy bay tuần thám theo dõi hoạt động của Hải quân Việt Nam, ngay sau khi ông Tô Lâm trở thành Tổng bí thư. Đây là một sự kiện được đánh giá là có chủ ý, đây cũng là lần đầu kể từ 5 năm trở lại đây, được cho rằng là biểu hiện từ phía Bắc Kinh không thân thiết đối với Tổng bí thư Tô Lâm.

Trong bối cảnh tình hình Biển Đông những ngày gần đây đang nóng lên từng ngày, với sự bành trướng và không dấu diếm của ban lãnh đạo Bắc Kinh. Mới nhất, Chỉ huy trưởng Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của Hoa Kỳ đã đưa ra tuyên bố, Quân đội Hoa Kỳ đã sẵn sàng với "nhiều phương án" để đối phó với các hành vi hung hăng ngày càng gia tăng ở Biển Đông. Nếu được lệnh, Hải quân Mỹ kích hoạt chiến lược phòng thủ chung và tham vấn với đồng minh hiệp ước là Philippines.

Trong khi đó, truyền thông quốc tế ngày 30/8/2024 đưa tin, Bộ trưởng quốc phòng Việt Nam Phan Văn Giang đã họp với người đồng cấp Philippines ông Gilberto Teodoro khi ông Giang công du Manila. Hai bên trao đổi một số văn kiện, đồng thời dự kiến sẽ ký một văn bản ghi nhớ về hợp tác quốc phòng giữa quân đội 2 nước Việt Nam và Philippines vào cuối năm 2024. Động thái kể trên được đánh giá là biểu hiện hợp tác an ninh toàn diện nhất giữa hai nước với mục tiêu ngăn chặn tham vọng bành trướng của Trung Quốc trên Biển Đông.

Cùng ngày, truyền thông quốc tế đưa tin, Bộ trưởng quốc phòng Việt Nam Phan Văn Giang, dự kiến có chuyến thăm Mỹ từ ngày 7 đến 9/9/2024. Theo lịch tướng Giang sẽ có cuộc gặp với ông Lloyd Austin, Bộ trưởng quốc phòng Mỹ. Có thông tin cho rằng ông Phan Văn Giang có thể sẽ ký một thỏa thuận mua thiết bị quân sự từ Mỹ, nhưng hiện vẫn đang ở giai đoạn được thảo luận.

Đáng lưu ý, chuyến thăm Mỹ của Đại tướng, Bộ trưởng quốc phòng Phan Văn Giang diễn ra ngay trước chuyến đi tới Hoa Kỳ của Tổng bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm.

Theo giới quan sát, trong thời gian gần đây, mối quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ có nhiều biểu hiện được thắt chặt, với liên tiếp có các hoạt động tăng cường hợp tác quốc phòng. Mới nhất, ngày 26/8/2024, cuộc họp Đối thoại Chính trị, an ninh và quốc phòng Việt-Mỹ đã diễn ra ở Hà Nội. Chưa hết, dự kiến cuối năm 2024 đại diện một số Công ty Quốc phòng của Mỹ sẽ tham gia cuộc triển lãm quốc phòng quốc tế lần thứ 2 của Việt Nam.

Một chi tiết không thể không nhắc đến, đó là Đại học Fulbright Việt Nam bị cáo buộc rằng "tham gia vào những hoạt động ươm mầm cho một cuộc ‘cách mạng màu’" ở Việt Nam. Được biết, đứng sau sự kiện vừa kể là Đơn vị Tác chiến điện tử thuộc Ban Tuyên giáo Trung ương.

Nhưng ngay lập tức, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã đưa ra tuyên bố cho rằng, hoan nghênh các hoạt động của Đại học Fulbright Việt Nam và ca ngợi đây là thành quả của hợp tác giáo dục giữa Việt Nam và Hoa Kỳ trong lĩnh vực đào tạo nguồn nhân lực. Vì điều đó, còn có nguy cơ gây ảnh hưởng đến mối quan hệ song phương giữa Việt Nam và Hoa Kỳ.

Những thông tin vừa kể cho thấy, phải chăng Trung Quốc muốn răn đe cây tre Tô Lâm chớ nghiêng quá đà về phía Mỹ. Đồng thời việc Bắc Kinh không giận dữ thì mới là sự lạ.

Trà My 

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Thái Hà, Trần Chương, Trà My
Read 661 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)