Nam sinh lên án Đảng ‘trưởng thành về nhận thức’
VOA, 05/09/2024
Nam sinh đang hứng chịu búa rìu dư luận ở Việt Nam vì lên án sự ‘dối trá’ của chính quyền ‘đã có sự trưởng thành về nhận thức’, một nhà bất đồng chính kiến lưu vong nói với VOA và bày tỏ lo ngại cho tương lai của nam sinh này ở trong nước.
Chu Ngọc Quang Vinh đã chiến thắng trong cuộc thi tháng chương trình 'Đường lên đỉnh Olympia'
Chu Ngọc Quang Vinh, học sinh lớp 12 ở một trường chuyên của tỉnh Yên Bái, đã làm dậy sóng dư luận trên truyền thông và mạng xã hội mấy ngày qua khi em có bài viết thể hiện quan điểm trên Facebook trong đó mô tả Đảng Cộng sản cầm quyền là ‘thế lực xấu chỉ biết lừa gạt dân’.
Nhà chức trách vào cuộc
Trong bài đăng vào ngày 1/9 tức là ngay trước thềm lễ Quốc khánh Việt Nam, nam sinh Vinh bày tỏ rằng sau khi được tiếp cận văn hóa phương Tây ‘cao trào nhất’, dần dần em nhận ra rằng ‘những gì mình được học ở trường bấy lâu nay không hoàn toàn là sự thật, chỉ biết lừa gạt dân’ và rằng em học lịch sử ‘không phải theo ý muốn của bản thân’.
Do đó, mục tiêu của em là ‘tìm mọi cách để sau này được sống ở nước ngoài’. Chu Ngọc Quang Vinh đang tham gia chương trình ‘Đường lên đỉnh Olympia’, cuộc thi kiến thức danh giá trên sóng truyền hình dành cho học sinh trung học cả nước với phần thưởng chung cuộc là học bổng đại học ở nước ngoài.
Vinh đã thắng trong các cuộc thi tuần và thi tháng ở vòng loại nhưng để giành được học bổng em sẽ phải thắng trong các cuộc thi quý và chung kết năm trước các đối thủ sừng sỏ khác. Trong 23 mùa giải của chương trình, đại đa số các quán quân đều đã đi du học và chọn ở lại nước ngoài sau khi học xong.
Bài viết của Vinh đã bị cộng đồng mạng trong nước phản ứng dữ dội, từ những lời chỉ trích nhẹ nhàng như ‘nông nổi’, bồng bột tuổi trẻ’, ‘thiếu chín chắn’ cho tới những lời lẽ mạt sát, chửi bới nặng nề khi như ‘vô ơn’, phản bội đất nước’, ‘vọng ngoại’…
Trước phản ứng của dư luận, Vinh đã gỡ bài khỏi trang cá nhân và viết bài xin lỗi. Em nói rằng mình ‘đã sai’, ‘hối hận’ và ‘mong nhận được sự tha thứ’. Em cho rằng bản thân ‘không bao giờ có ý định cực đoan trong việc liên hệ với các tổ chức nước ngoài để làm hại lợi ích của dân tộc’ và sở dĩ em có nhận định như vậy là vì ‘đã bị ảnh hưởng bởi những tư liệu không đúng sự thật và mang tính ác ý với Tổ Quốc’.
Trước đó, em Vinh và gia đình đã bị nhà chức trách mời lên ‘làm việc’, truyền thông trong nước cho biết. Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái, Sở Công an, Sở Giáo dục tỉnh cùng nhà trường nơi em học cũng đã vào cuộc để chấn chỉnh và gửi cán bộ đến gia đình để ‘nắm tình hình và diễn biến tư tưởng của học sinh Vinh’, tờ Công thương cho hay.
Một trong những biện pháp trước mắt mà chính quyền đưa ra là tăng cường giáo dục chính trị, tư tưởng, truyền thống cách mạng cho học sinh, sinh viên, đẩy mạnh chia sẻ các thông tin tích cực về Đảng, về Chủ tịch Hồ Chí Minh…, cũng theo báo Công thương.
‘Phản tỉnh’
Chu Ngọc Quang Vinh ‘không hề bồng bột, nông nổi’ như những lời chỉ trích mà trái lại em ‘đã có sự trưởng thành về nhận thức’, ông Nguyễn Tiến Trung, nhà bất đồng chính kiến hiện đang sống ở Koln, Đức, nói với VOA.
Bản thân ông Trung cũng lớn lên trong nền giáo dục xã hội chủ nghĩa nặng tính tuyên truyền ở Việt Nam trước khi đi du học ở Pháp. Sau khi về nước, ông gia nhập quân ngũ. Thời gian này ông thể hiện sự chuyển biến về nhận thức, nhất quyết không chịu đọc ‘Mười lời tuyên thệ của quân nhân’. Ông bị loại khỏi quân ngũ và sau đó bị khởi tố, bị bắt và bị Tòa kết án 7 năm tù cộng với 3 năm quản chế về tội ‘Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân’.
"Bạn ấy được dạy khác, nhưng khi bạn ấy tiếp nhận thông tin bạn ấy đã có sự phản tỉnh, lật ngược lại vấn đề", ông Trung giải thích về nhận định của mình.
Liên hệ với kinh nghiệm bản thân, ông Trung cho rằng nam sinh Vinh, vốn cách ông một thế hệ, đã có sự chuyển biến sớm hơn ông nhờ vào sự phổ biến của Internet, mạng xã hội so với thế hệ của ông.
"Thật sự tôi cũng bị nhồi sọ và cũng tin theo những gì họ tuyên truyền. Tôi dở hơn bạn ấy ở chỗ phải đến khi tôi ra nước ngoài, khi tôi qua Pháp du học thì mới thấy những gì Đảng cộng sản họ dạy tôi trong trường học là sai trái, là lường gạt", ông nói.
Theo quan sát của nhà bất đồng này thì nhiều thanh niên, sinh viên ở trong nước ‘cũng nhận thức được như em Vinh’ nhưng ‘không ai dám nói ra vì ai cũng sợ hết, cha mẹ họ cũng sợ’.
Về ý kiến nói rằng nam sinh Vinh ‘phản bội đất nước’, ông Trung lập luận : "Bạn ấy chỉ lên án Đảng Cộng sản lừa dối dân và tuyên truyền sai sự thật, nhồi nhét vào đầu sinh viên, học sinh Việt Nam những điều không đúng sự thật thì bạn ấy đang lên án đảng cầm quyền chứ không hề đụng chạm gì đến đất nước".
Ông cũng bày tỏ cảm thông cho nguyện vọng của em Vinh được sống và làm việc ở nước ngoài và cho rằng ‘đó là điều rất bình thường’ đối với giới trẻ Việt Nam.
"Bạn bè của tôi, trước em Vinh một thế hệ, rất nhiều người mong muốn đi du học và ở lại cống hiến", ông nói và chỉ ra trường hợp Giáo sư Ngô Bảo Châu đi du học ở Pháp, đoạt giải Fields danh giá và hiện đang giảng dạy Toán học ở Mỹ.
Lý do ông chỉ ra là hệ thống giáo dục trong nước ‘không có tự do học thuật, chịu sự kiểm duyệt của Đảng’ và ‘chế độ không trọng dụng nhân tài mà sử dụng người theo nguyên tắc hậu duệ, quan hệ và tiền tệ’.
"Những người có trí tuệ đương nhiên phải tìm đến nơi nào đó trọng dụng họ, nơi họ phát huy được tài năng nhất và đóng góp được cho nhân loại", ông cho biết.
Trước những lời lên án em Vinh ‘vọng ngoại’, ‘mơ mộng viễn vông về phương Tây’, ông Trung cho rằng ‘những cái gì tốt đẹp của phương Tây chúng ta đều cần phải học hỏi’ và dẫn ra trường hợp của ông Hồ Chí Minh cũng trích dẫn những giá trị tư tưởng của phương Tây trong bản Tuyên ngôn độc lập mà ông đọc vào ngày 2/9 năm 1945.
Tương lai bất định ?
Nhà bất đồng chính kiến này cho rằng những biện pháp tăng cường tuyên truyền giáo dục chính trị, tư tưởng của chính quyền sẽ ‘không có tác dụng’ trước tình trạng giới trẻ không còn mặn mà gì với Đảng, Đoàn thanh niên hay tư tưởng Mác-Lênin.
"Chủ nghĩa Mác-Lê xa rời thực tế, còn nếu nói đạo đức cách mạng thì nhìn đâu cũng thấy tham nhũng, làm gì cũng thấy tồi tệ. Đảng nói gì cũng tốt nhưng thực tế toàn là tham nhũng và tệ hại", ông trình bày. "Điều này càng làm cho người dân chán ngán chế độ và không tin vào những lời tuyên truyền".
Ông chỉ ra việc chính quyền phải dùng đến cách tăng cường đàn áp để cho rằng biện pháp tuyên truyền ‘đã thất bại’ nên chính phải ‘khiến người dân khiếp sợ không dám phản đối’.
Khi được hỏi về sức ép tâm lý mà Chu Ngọc Quang Vinh phải đối mặt từ phía chính quyền, công an, nhà trường và xã hội, ông Trung cho là ‘khủng khiếp’ đối với một nam sinh mới 18 tuổi.
"Có lẽ cậu bé rất sốc và lo sợ", ông nhận định. "Không biết sau này cậu ấy có đủ sức để học hay thi tiếp lên đại học hay không".
Các làm của chính quyền, theo lời ông, là ‘dùng số đông để đàn áp’ theo kiểu ‘cả vú lấp miệng em’. Ông Trung kể lại việc ông đã từng bị mời lên công an phường làm việc trong thời gian quản chế và một mình ông phải đối mặt với ‘mười mấy người từ công an, đoàn thanh niên, hội phụ nữ, hội cựu chiến binh’.
Về tương lai của em Vinh ở Việt Nam sau sự cố này, ông Trung nói : "Cậu bé khó lòng học tiếp ở Việt Nam vì đi đâu cũng sẽ bị mọi người dòm ngó, chỉ trích và gièm pha".
Tuy nhiên, ông bày tỏ hy vọng Vinh đủ bản lĩnh để vượt qua sức ép và dẫn ra trường hợp Nguyễn Viết Dũng, tức Dũng Phi Hổ, một cựu thí sinh Đường lên đỉnh Olympia khác vốn cũng bị chính quyền bỏ tù vì lên án Đảng, để làm ‘tấm gương cho em Vinh’.
"Dũng rất can trường, mạnh mẽ và đã vượt qua được. Hy vọng Vinh cũng làm được như Dũng".
Nguồn : VOA, 05/09/2024
**************************
Vụ nam sinh "không thích Đảng" - Xã hội ngột ngạt bởi làn sóng đấu tố online
RFA, 04/09/2024
Vụ nam sinh Chu Ngọc Quang Vinh, cựu thí sinh của chương trình Đường lên đỉnh Olympia, bị tấn công dữ dội trên mạng xã hội, được những người quan sát tình hình cho rằng, là một trong hàng chuỗi các vụ tấn công, đấu tố trên mạng thời gian gần đây, nhằm triệt tiêu bất cứ tư tưởng, hình ảnh, biểu tượng nào đi ngược lại với lợi ích của chính thể Việt Nam hiện tại.
Trường đại học Fulbright và nam sinh Chu Ngọc Quang Vinh bị dư luận viên tấn công dữ dội - QPVN/VTV/RFA edit
Cựu thí sinh Olympia chia sẻ sự đồng cảm
Ông Võ Ngọc Ánh, một người từng làm báo ở Việt Nam, bình luận với RFA từ nước Mỹ rằng, đối với một học sinh đặc biệt như Quang Vinh, khi em này dám nói ra suy nghĩ độc lập của mình đáng ra nên được khích lệ. Cho dù quan điểm em có thể chưa đúng, chưa chuẩn mực thì các nhà chức trách cũng nên khuyên giải một cách nhẹ nhàng hơn là bị cả chính quyền và công an vào cuộc điều tra ; cộng đồng mạng dồn dập tấn công, đấu tố…
Một sinh viên hiện đang ở Thành phố Hồ Chí Minh, yêu cầu được giấu danh tính vì lý do an toàn, bình luận với RFA rằng nhóm người chỉ trích Quang Vinh vô ơn, thật ra họ đã cố tình đánh tráo khái niệm giữa Đất nước, dân tộc và Đảng. Họ đang đồng nhất cả ba khái niệm thành một, ngoài ra :
Thứ hai, quyền tự do ý kiến và bày tỏ quan điểm không phân biệt đối tượng, bất kỳ ai không phân biệt đều có quyền này, vậy tại sao muốn nói về lịch sử lại phải cần tiêu chuẩn của "cộng đồng mạng" ? Một "tiến sĩ luật" giảng bậy có đáng tin hơn một đứa trẻ nói thật ?
Thứ ba, trong lịch sử dân tộc không thiếu những con người có lòng với đất nước và dân tộc, dù bất kể tuổi tác, quan trọng là bạn trẻ nhận thức được vấn đề và lên tiếng cho những điều đó, đấy là điều đáng quý".
Nhà hoạt động Nguyễn Viết Dũng, cũng từng tham gia chương trình Đường lên đỉnh Olympia khoảng 20 năm trước, thể hiện sự đồng cảm với sức ép hiện nay mà Quang Vinh đang phải chịu. Với kinh nghiệm của một người từng có hoàn cảnh tương tự như Quang Vinh, ông Dũng nhận định :
"Cái tư tưởng thì mình cứ giữ, không phải là mình không thể hiện quan điểm nhưng mà mình có thể thể hiện quan điểm trong các mảng khác mà cũng đang nhức nhối trong xã hội như là giáo dục, y tế, hay cả về vấn đề của chủ quyền đất nước… Có nhiều điều để thể hiện quan điểm mà tránh gặp sự đàn áp tức thời từ nhà cầm quyền".
Dù đã viết lại dòng trạng thái bày tỏ xin lỗi với phát ngôn của mình nhưng truyền thông Nhà nước trong ngày 4/9 vẫn tiếp tục đăng những bài viết dẫn chứng sự phẫn nộ của cư dân mạng đối với Quang Vinh. Tờ VTCNews trích lời một số tài khoản bày tỏ sự bức xúc như : "Lời xin lỗi ấy liệu có đến từ tâm, hay do áp lực từ cộng đồng mạng ép buộc phải nói ra ?" ; "Không phải ai học hành tử tế cũng ''thành người'', không phải cứ xin lỗi là đổi thành "không có gì".
Đấu tố trên mạng ngày càng tăng
Bất kỳ ai, dù vô tính hay cố ý, thể hiện quan điểm hay xuất hiện cùng các dòng trạng thái đi ngược lại với lợi ích của Đảng cộng sản Việt Nam, đều có thể trở thành mục tiêu bị đấu tố, công kích trên không gian mạng.
Điển hình như vụ vợ chồng ca sĩ Ngọc Mai - Quốc Nghiệp để lọt hình ảnh lá cờ vàng ba sọc đỏ trong một video clip sinh hoạt gia đình, hay loạt các văn nghệ sĩ từng biểu diễn ở hải ngoại dưới lá cờ vàng phải lên tiếng xin lỗi hay vụ trường đại học Fulbright bị đấu tố là "ổ làm cánh mạng màu"...
Ông Nguyễn Viết Dũng cho rằng, không khí xã hội Việt Nam trở nên ngột ngạt và bị đẩy đến mức cực đoan vì một loạt các vụ đấu tố mạng ồ ạt trong thời gian qua.
Theo quan sát của một sinh viên giấu tên, trong ba tháng gần đây, có hàng loạt vụ tấn công mạng nhằm vào các mục tiêu như đại học Fulbright, các nghệ sĩ Việt Nam có hình ảnh liên quan đến lá cờ của Việt Nam Cộng Hoà, hay gần nhất xu hướng vẽ cờ đỏ sao vàng trên mái nhà, và bôi nhọ công khai, xúc phạm bất kỳ ai có liên quan đến lá cờ vàng ba sọc đỏ, những hành động này diễn ra trên các phương tiện truyền thông mạng xã hội, đặc biệt là trên TikTok :
"Thực chất những hành động này được tiến hành nhằm mục đích chia rẽ hòa hợp dân tộc, khơi gợi hận thù dân tộc, và gây mâu thuẫn ngoại giao giữa Việt Nam và Hoa Kỳ, Đài Loan. Đằng sau những lực lượng thực hiện hoạt động này là những nhóm lợi ích gắn chặt quyền lợi với việc chia rẽ dân tộc và khơi gợi hận thù Việt Nam và Hoa Kỳ, hưởng lợi từ những việc này".
Lực lượng đấu tố tích cực nhất là các nhóm dư luận viên thân đảng. Theo ông Võ Ngọc Ánh, đội ngũ dư luận viên làm việc tích cực để duy trì cái định hướng của cái xã hội hiện nay. Họ có kế hoạch tấn công rất là bài bản và những điều họ nói rất là cũ nhưng vẫn được chia sẻ rộng rãi bởi mạng lưới của mình. Người nào có đủ nhận thức nghe thì người ta cảm thấy buồn cười và khinh bỉ cho những chuyện đó. Tuy nhiên, với phần đông người dân hiện nay, theo ông Ánh, họ rất sợ hãi trước những đợt tấn công mạng từ lực lượng dư luận viên :
"Người ta dùng cái nỗi sợ để củng cố cái xã hội này, chứ không phải khích lệ những sự khác biệt để tìm ra con đường phát triển đúng hơn, phong phú hơn. Người ta chỉ muốn áp đặt thôi. Không chỉ Việt Nam mà tất cả những xã hội cộng sản, những cái xã hội độc tài đều như vậy hết trơn".
Nguồn : RFA, 04/09/2024
**************************
Vụ thí sinh Olympia bị 'đấu tố' : yêu nước là phải yêu Đảng ?
BBC, 04/09/2024
Nam sinh Chu Ngọc Quang Vinh ở tỉnh Yên Bái đã bị công kích, bị gọi là "vô ơn" với đất nước khi chia sẻ những suy nghĩ "không tích cực" về Đảng cộng sản Việt Nam. Có phải phê phán Đảng cộng sản là không yêu nước ?
Vụ việc của nam sinh Chu Ngọc Quang Vinh ở tỉnh Yên Bái là diễn biến mới nhất của những đợt công kích dữ dội, sục sôi trên mạng xã hội nhắm vào các cá nhân, tổ chức có hành động bị quy kết là "không yêu nước", "phản động"
Chu Ngọc Quang Vinh từng xếp thứ nhất cuộc thi tuần và tháng tại chương trình Đường lên đỉnh Olympia năm thứ 24 trong năm 2023.
Trên tính năng Story của Facebook cá nhân vào hôm 1/9, Quang Vinh cho biết sau khi tiếp cận với văn hóa phương Tây, bản thân Vinh dần dần phát hiện ra những gì học ở trường lâu nay không hoàn toàn đúng sự thật và nam sinh bắt đầu nhìn Đảng như "một thế lực xấu chỉ biết lừa gạt dân".
Trong Story được giới hạn cho 16 người xem, sau khi bày tỏ những suy nghĩ về Đảng cộng sản, Quang Vinh viết : "...chúc nước Việt Nam, dù dưới chế độ nào cũng ngày càng phát triển về mọi mặt, vì quê hương của tôi mãi là Việt Nam".
Dù Quang Vinh không có ý chê bai đất nước Việt Nam, nhưng ngay lập tức sau khi các ý kiến của nam sinh này được phát tán, nhiều hội nhóm, cá nhân trên mạng xã hội đã chỉ trích kịch liệt.
Nhiều người trích dẫn câu : "Vài người thường ăn hải sản, rồi lại chê bai mùi cá ao" trong bài hát Lối nhỏ của rapper Đen Vâu để chỉ trích Quang Vinh.
Đảng cộng sản và tổ quốc không phải là một
Bên cạnh ý kiến chỉ trích, có rất nhiều người bày tỏ sự ủng hộ đối với Quang Vinh : ủng hộ quyền biểu đạt ý kiến, ủng hộ tinh thần dũng cảm khi dám nói ra điều mà nhiều người không dám nói.
Nhiều ý kiến chỉ ra rằng Quang Vinh phê phán Đảng chứ không hề chỉ trích đất nước Việt Nam, như cáo buộc của nhiều người.
Trên Facebook cá nhân, bà Nguyễn Hoàng Ánh viết: "Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt từng nói: ‘Đất nước Việt Nam, giang san Việt Nam cùng mọi thành quả của nền văn hóa Việt Nam không phải là của riêng ai, của một giai cấp hay đảng phái nào, mà là tài sản chung của mọi người Việt Nam, của cả dân tộc Việt Nam… Mọi người Việt Nam đều có trách nhiệm và quyền được đóng góp vào việc tô điểm cho giang sơn đó. Yêu nước không là độc quyền của riêng ai, ai cũng có quyền yêu theo cách của mình’ mà tình yêu chân chính quan trọng nhất là sự chân thành".
Ông Huỳnh Ngọc Chênh viết trên Facebook cá nhân vào ngày 3/9 :
"Đảng cộng sản cũng chỉ là 1 tổ chức chính trị đang cầm quyền và quản lý đất nước.
Yêu đảng hay không yêu đảng là quyền tự do của mỗi công dân. Ai nhận được ân sủng từ đảng thì yêu quý và biết ơn, ai không thấy ân sủng gì hoặc ngược lại thì không yêu hoặc không biết ơn".
Facebook Dương Quốc Chính (khoảng 83.000 người theo dõi) đã phản bác lại các ý kiến cho rằng Quang Vinh đang vô ơn với quê hương, đất nước. Ông Chính cho rằng các ý kiến đó là ngớ ngẩn và hiểu sai nội dung bài viết, rằng Quang Vinh không chối bỏ, chê trách quê hương, đất nước mà chỉ chê trách Đảng (cộng sản Việt Nam).
Một người dùng Facebook khác chỉ ra thủ thuật ngụy biện "đánh tráo khái niệm".
"Thế nào là đánh tráo khái niệm ? Một tổ chức, dù quang vinh, dù vĩ đại thế nào thì cũng không thể đồng nhất với tổ quốc, dân tộc và đất nước. Ngay câu đầu tiên của Hiến pháp đã minh định : Trải qua mấy nghìn năm lịch sử, nhân dân đã xây dựng nên Việt Nam này", người này viết.
Sự tách bạch giữa một bên là Đảng cộng sản Việt Nam và chế độ xã hội chủ nghĩa mà đảng này đang dẫn dắt toàn dân đi theo, và bên kia là đất nước, tổ quốc, dân tộc là vấn đề không mới và đã được tranh luận nhiều trong thời gian qua.
Nhà văn, người dẫn chương trình Nguyễn Ngọc Ngạn của chương trình Paris By Night từng nói trước đông đảo khán giả:
"Tất cả mọi thời đại sẽ qua đi hết, chỉ có đất nước và dân tộc mới tồn tại vĩnh viễn mà thôi".
Các phong trào vận động, hô hào yêu nước, chỉ trích "cờ vàng", "phản động" trở nên rất sục sôi trong thời gian gần đây, kể cả trên mạng xã hội lẫn báo chí chính thống. Ảnh Linh Pham/Bloomberg
Trên thực tế, Đảng cộng sản Việt Nam thường tuyên truyền Đảng gắn liền với tổ quốc, điều này qua thời gian đã hình thành một nhận thức sai rằng yêu nước là phải yêu chế độ, yêu Đảng; chỉ trích đảng là có tội với đất nước; mỗi một công dân phải biết ơn Đảng và nhà nước, biết ơn lãnh tụ.
Bài viết nhan đề Ngày nay, vì sao yêu nước phải gắn với yêu Đảng, yêu Chủ nghĩa xã hội được đăng trên báo Biên Phòng, cơ quan của Đảng ủy và Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng vào ngày 16/5/2023 đưa ra lập luận :
"Thực tiễn trên cho thấy, trong thời đại ngày nay, yêu nước phải gắn với yêu Đảng, gắn với sự lãnh đạo của Đảng thì nhân dân ta mới giành được thắng lợi và có điều kiện để xây dựng xã hội mới xã hội chủ nghĩa có cuộc sống tự do, ấm no, hạnh phúc !"
Lập luận trên luôn bao trùm trong các diễn ngôn tuyên truyền của Đảng cộng sản Việt Nam, thông qua báo chí chính thống, các kênh dư luận viên trên mạng xã hội, các phát ngôn của quan chức.
Bài viết "Yêu nước đừng quên ơn Đảng" được đăng trên Cổng thông tin điện tử Bình Thuận vào ngày 13/5/2024 lập luận:
"Chủ nghĩa yêu nước là nguồn vốn quý báu được kết tinh từ bao đời của dân tộc Việt Nam. Chủ nghĩa yêu nước chỉ được phát huy cao độ và đạt đến giá trị trọn vẹn khi có Đảng cộng sản lãnh đạo. Cho nên yêu nước đừng quên ơn Đảng, nếu yêu nước mà quên ơn Đảng là một sự khiếm khuyết về luân thường đạo lý ở đời".
Vụ việc của Chu Ngọc Quang Vinh là diễn biến mới nhất của những đợt công kích dữ dội, sục sôi trên mạng xã hội nhắm vào các cá nhân, tổ chức có hành động bị cho là "không yêu nước", "vô ơn với Đảng", "hờ hững với Bác", "cờ vàng ba que", "cách mạng màu".
Hồi tháng 7, sau khi Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng qua đời, đã có một làn sóng trên mạng đi lùng sục người nổi tiếng đăng tải hình ảnh không phù hợp, không bày tỏ sự tiếc thương, hoặc tiếc thương không đúng cách để lên án, tố cáo.
Không ít nghệ sĩ từng biểu diễn trên các sân khấu có sự hiện diện của cờ vàng ba sọc đỏ từ nhiều năm trước cũng bị lôi lại để đả kích.
Các tổ chức giáo dục cũng không tránh khỏi bị tấn công, mà nạn nhân mới nhất là Đại học Fulbright Việt Nam bị cáo buộc "ươm mầm cách mạng màu".
Nhận định về lực lượng dư luận viên đông đảo hiện nay trên những trang, nhóm mạng xã hội, Giáo sư Vũ Tường, Trưởng khoa Chính trị học, Đại học Oregon (Hoa Kỳ), đánh giá với BBC News tiếng Việt vào hôm 28/8 :
"Tôi nghĩ rằng đây là một chiến dịch do cơ quan tuyên giáo tung ra. Đây không phải là yêu nước (cực đoan hay không cực đoan), mà chỉ là cái loa phát ngôn cho một chế độ độc tài đang bị đe dọa bởi nội tình rối rắm vì lãnh đạo thay đổi xoành xoạch, kinh tế èo uột, bị dân chúng chỉ trích vì tham nhũng. Mục đích của họ là nhằm đánh lạc hướng dư luận để bớt chú ý vào những việc tranh đoạt quyền lực ở chóp bu của chế độ đang ngày càng trở nên một chế độ công an trị".
Tôn trọng 'đa nguyên'
Quyền biểu đạt ý kiến cũng là một trong những khía cạnh được bàn đến nhân vụ việc Quang Vinh đối mặt với làn sóng chỉ trích dữ dội.
Điều 25 Hiến pháp năm 2013 Việt Nam nêu :
"Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định".
Hiến pháp Việt Nam quy định công dân có quyền tự do ngôn luận như vậy, nhưng Bộ luật Hình sự lại có quy định tội "lợi dụng các quyền tự do, dân chủ", một điều luật bị nhiều người coi là có thể được vận dụng tùy tiện để hạn chế quyền tự do. Thực tế cho thấy, không ít người đã lãnh án tù về tội "lợi dụng các quyền tự do, dân chủ".
Nhà văn Evelyn Beatrice Hall từng đúc kết tinh thần của triết gia Voltaire như sau :
"Tôi có thể không đồng ý với những gì bạn nói, nhưng tôi sẽ bảo vệ đến cùng quyền được nói của bạn".
Câu này của Hall đã được nhiều người nhắc lại khi bảo vệ quyền tự do biểu đạt của Quang Vinh.
Nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên viết trên Facebook vào ngày thứ Tư 4/9 :
"[...] Em có quyền và được quyền tự do nói ra ý nghĩ đó trong một xã hội dân chủ mà như Cụ Hồ đã nói 'dân chủ là để làm sao cho dân được mở miệng ra'. QV [Quang Vinh] không sai đạo đức, không phạm luật pháp khi nói ra điều mình nghĩ. Tại sao công an phải mời em lên làm việc ? Tại sao cả hệ thống chính trị ở Yên Bái phải vào cuộc như truy bức em ? Tại sao lại quy cho em là vô ơn bạc nghĩa với đất nước ? Ai cho phép mọi người cái quyền xúc phạm tự do cá nhân của một người như vậy, lại là người còn vị thành niên ?"
Trong một ý kiến khác, ông Trịnh Minh Tuấn nêu ý kiến trên Facebook cá nhân:
"Nếu quyền bày tỏ của cháu không ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn, đạo đức xã hội ; không vi phạm điều cấm của luật… thì chính quyền cũng khó có thể hạn chế quyền biểu đạt. Vậy tại sao người ta đấu tố một đứa trẻ ?
Bởi đứa trẻ dám bày tỏ những gì mà người ta không dám nghĩ, mà có dám nghĩ cũng không dám biểu đạt, mà muốn biểu đạt cũng chưa biết biểu đạt nó như thế nào. Vì sao ? Vì không có tư duy độc lập. Không có tư duy độc lập thì làm sao có tự do để theo đuổi những suy nghĩ của bản thân. Con người mà không có tự do tư tưởng và độc lập tư duy thì không bao giờ trở thành một con người hạnh phúc viết hoa".
Kêu gọi bỏ cuộc thi Olympia
Chu Ngọc Quang Vinh (đứng) trong buổi chúc mừng của lãnh đạo tỉnh Yên Bái hôm 8/11/2023 sau khi chiến thắng cuộc thi tháng trong chương trình Đường lên đỉnh Olympia
Cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia được Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) tổ chức từ năm 1999 cho đến nay.
Theo thời gian, cuộc thi này đã trở thành một chương trình truyền hình rất nổi tiếng, và thí sinh chiến thắng thường được coi là niềm tự hào của trường, của địa phương.
Người vô địch cuộc thi được giải thưởng là suất học bổng du học toàn phần tại Úc.
Thí sinh đạt giải cao nhất trong mỗi cuộc thi tuần, tháng, quý hay chung kết năm sẽ nhận được vòng nguyệt quế.
Vào ngày thứ Tư 4/9 đã xuất hiện các ý kiến chỉ trích nhắm đến liệu có nên bãi bỏ cuộc thi này.
Trang Facebook Nam Quốc Sơn Hà hôm thứ Tư 4/9 đặt nêu ra các lý do để bãi bỏ cuộc thi này:
"Thứ nhất, hầu hết các nhà vô địch đã không trở về quê hương để cống hiến và cũng rất nhạt nhòa trong việc thể hiện sự ứng dụng tri thức của mình đóng góp vào sự phát triển của đất nước.
Thứ hai, bản chất của tư bản là họ không cho không, việc tổ chức các cuộc thi tìm kiếm nhân tài đất nước nên do chính phủ hoặc cơ quan hữu quan chứ không phải một doanh nghiệp hay một tổ chức có yếu tố nước ngoài"...
Ý thứ hai trên đây có nhiều nét tương đồng với các luận điểm được dùng để tấn công Đại học Fulbright Việt Nam hoặc các chương trình trao đổi quốc tế như YSEALI (Sáng kiến thủ lĩnh trẻ Đông Nam Á do chính phủ Mỹ tổ chức), rằng đây là những tổ chức, những chương trình ươm mầm "cách mạng màu", "diễn biến hòa bình".
Một thống kê vào năm 2019 cho thấy, trong 19 quán quân cuộc thi "Đường lên đỉnh Olympia" thì có chỉ hai người về nước.
Vào năm 2014, khi được hỏi sẽ trở về nước để cống hiến hay tiếp tục ở nước ngoài, nhà vô địch Olympia 2010 Phan Minh Đức trả lời :
"Theo mình cả hai con đường trên đều có thể đóng góp cho đất nước. Dù bạn ở đâu, thì những thành tựu nghiên cứu của bạn đều trở thành tri thức chung của nhân loại. Hơn nữa, trong một thế giới mở như hiện nay việc bạn đang ở đâu không ảnh hưởng đến mong muốn và khả năng đóng góp cho quê hương," theo Zing News.
Nguồn : BBC, 03/09/2024
***************************
Vụ nam sinh ‘Đường lên đỉnh Olympia’ : Công an vào cuộc là quá mức ?
RFA, 03/09/2024
Chu Ngọc Quang Vinh, học lớp chuyên Anh trường Trung học Phổ thông chuyên Nguyễn Tất Thành ở tỉnh Yên Bái, cũng là thí sinh từng đoạt vòng nguyệt quê của cuộc thi tháng 1, quý I "Đường lên đỉnh Olympia", đang là cái tên được nhắc đến nhiều nhất trên mạng xã hội mấy ngày qua. Những bài viết về Quang Vinh, khi thí sinh này bị Công an mời làm việc về bài viết trên Facebook cá nhân, đang đứng ở top stories tìm kiếm trên Google.
Dòng trạng thái trên Facebook của Chu Ngọc Quang Vinh hình ảnh Chu Ngọc Quang Vinh đoạt chiến thắng tháng trong cuộc thi hồi tháng 11/2023 - VTV/Facebook Chu Vinh/RFA edit
Trở thành tâm điểm vì nói lên sự thật ?
Tại sao chỉ trong vài ngày, cộng đồng mạng đều biết đến nam sinh lớp 12 này ? Câu chuyện bắt đầu từ status (dòng trạng thái) nam sinh "Đường lên đỉnh Olympia" đăng trên Facebook cá nhân, với nội dung bị cho là "nói xấu Đảng" và "tìm kiếm cơ hội để sống ở nước ngoài". Sự việc bị đẩy đến cao trào khi Quang Vinh bị công an tỉnh Yên Bái mời làm việc và ngày hôm sau, nam sinh này phải viết một status khác trên Facebook xin lỗi về phát ngôn của mình.
Một phụ huynh ở Việt Nam không muốn nêu tên vì lý do an toàn, hôm 3/9/2024 nói với RFA rằng :
"Đối với em Quang Vinh, tôi cho rằng, do tuổi trẻ nông nổi, thiếu trải nghiệm cuộc sống nên đã thể hiện ý kiến của mình công khai trên Facebook những vấn đề mà ngay cả giới sử gia còn tranh cãi".
Theo phụ huynh này, hiện nam sinh Chu Ngọc Quang Vinh đã xin lỗi, nghĩa là việc viết status trên cũng không có gì to tát đến mức phải nâng thành quan điểm…
Còn đối với việc cơ quan công an gọi Chu Ngọc Quang Vinh lên làm việc thì theo phụ huynh này, chủ yếu là để nhắc nhở.
Ông Nguyễn Trí Tường - từ Việt Nam hôm 3/9/2024 chia sẻ quan điểm rằng:
"Ở một xã hội mà dối trá cũng là một thứ trách nhiệm và tung hô trong dối trá cũng là một thứ bổn phận. Ấy vậy mà cháu ấy lại nói thật thì sao chúng để cháu đó sống yên lành được".
Em Chu Ngọc Quang Vinh tại cuộc thi ‘Đường lên đỉnh Olympia’. Courtesy Báo Thị trường Tài chính.
Xâm phạm quyền tự do suy nghĩ
Sở Giáo dục và Đào tạo Yên Bái hôm 2/9 cho truyền thông nhà nước biết đã chỉ đạo trường Trung học phổ thông chuyên Nguyễn Tất Thành báo cáo nhanh sự việc, đồng thời cử cán bộ, giáo viên trực tiếp đến gia đình học sinh Chu Ngọc Quang Vinh để nắm thêm tình hình. Trong cùng ngày, Công an Yên Bái cũng đã mời em Vinh cùng gia đình lên làm việc về việc này.
Phó giáo sư - Tiến sĩ Hoàng Dũng, nhà nghiên cứu ngôn ngữ từng làm việc nhiều năm tại Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh nhận định với RFA hôm 3/9/2024 :
"Tôi thấy nếu có người cho cháu là dũng cảm, hay chân thành… hay cho là sai trái, bậy bạ… đó là bình thường, đó là ý kiến của từng người về một ý kiến của người khác. Nhưng điều động công an để mời người ta lên làm việc, tức là đặt ra vấn đề phạm pháp, thì cái đó quá sức xâm phạm đến quyền tự do suy nghĩ của người ta, cái đó là quá mức. Như vậy khiến cho cái nhìn của cháu đối với xã hội đã tiêu cực càng được củng cố thêm và điều đó cũng khiến cho người dân nhìn vào trường hợp này lại có cái nhìn không thiện cảm tới nhà nước. Cách ứng xử như thế là kém, có hại nhiều hơn có lợi".
Liên quan vụ việc này, trả lời RFA hôm 3/9/2024, thầy giáo Đỗ Việt Khoa - giáo viên trường Trung học Phổ thông Thường Tín - Hà Nội, nhận định :
"Có lẽ tỉnh Yên Bái muốn mọi người phản ánh sự việc đó, trong khi em này chỉ chia sẻ có 16 người biết thôi. Trong khi đó báo giật tít là dư luận phẫn nộ… thì lại chẳng biết dư luận là gồm những ai ? Chứ xã hội không thấy phẫn nộ mà chỉ thấy bình thường".
Qua sự việc này, theo thầy Khoa, tỉnh Yên Bái xử lý như vậy là dại dột. Ông nói tiếp :
"Chuyện này là quan điểm của cá nhân em ấy, chỉ có 16 người được chia sẻ và không hoàn toàn sai… thì tốt nhất là im lặng. Nhưng lâu nay ở Việt Nam có nhiều quan chức mà cứ ai nói gì khác với các ông ấy thì bắt đầu ghét, vùi dập… Dùng công an để triệu tập em ấy chỉ vì một việc rất đơn giản đã dẫn đến việc cả nước biết, cả thế giới biết thì vô tình phơi bày lãnh đạo của Việt Nam thiếu dân chủ, thay vì ủng hộ chính quyền thì bây giờ số đông lại quay sang phê phán chính quyền".
Luật sư Vũ Đức Khanh - từ Canada hôm 3/9/2024 cho biết ý kiến :
"Chúng ta khoan bàn đến nội dung phát biểu của bạn Quang Vinh đó đúng, sai. Điều chúng ta cần làm là phải tìm hiểu cho thật kỹ những ý kiến đó như thế nào và nên thảo luận một cách nghiêm túc và không thiên kiến. Tôi nghĩ chúng ta không nên quy chụp hoặc lên tiếng phê phán là bạn ấy là non nớt, vô ơn mà chúng ta nên có thái độ lắng nghe, đối thoại, chấp nhận sự khác biệt và mưu tìm sự đồng thuận. Giả dụ như trước ngày "Đổi Mới" cách đây 38 năm, đã có bao nhiêu người trong chúng ta lúc đó chấp nhận chính sách "Đổi Mới" đâu ? Vậy mà hôm nay, rất ít ai trong chúng ta đặt lại vấn đề về tính đúng đắn của quyết định lịch sử này ?".
Luật sư Vũ Đức Khanh cho rằng, đây là thời khắc lịch sử của "Đổi Mới" lần thứ Hai - một sự đổi mới tư duy của đất nước ta về thể chế chính trị trước thời đại mới. Ông nói tiếp :
"Chúng ta hiện chưa biết gì ở ngày mai nhưng có một điều gần như chắc chắn là lòng dân chúng ta đang hướng tới một sự thay đổi tốt đẹp hơn cho đất nước, đặc biệt là trong giới trẻ. Các bạn ấy đang đặt lại vấn đề của đất nước và tìm giải pháp cho tất cả chúng ta. Cho nên, chúng ta nên có tinh thần cầu thị, lắng nghe và trao đổi thẳng thắn, nghiêm túc hơn là dùng quyền hạn của người lớn, những người có quyền sinh sát trong tay để áp đặt quan điểm của chúng ta. Tôi hy vọng xã hội ta nên có tinh thần khoan dung và chấp nhận sự khác biệt để cùng nhau xây dựng mái nhà Việt Nam cho tất cả mọi người".
Nguồn : RFA, 03/09/2024
*****************************
Khi sự trung thực không có chỗ đứng trong xã hội
JB Nguyễn Hữu Vinh, RFA, 03/09/2024
Sự trung thực không có chỗ đứng
Một cậu học sinh ở Yên Bái, là người đạt chiến thắng kỳ thi tháng trong một chương trình truyền hình "Đường lên đỉnh Olympia" với mơ ước sẽ cố gắng học tập và rèn luyện để đạt được ra nước ngoài và ở lại đó.
Quang Vinh giành chiến thắng cuộc thi tháng 1 Đường lên đỉnh Olympia năm thứ 24
Chuyện cái cuộc thi quái đán mang tên cái "đường lên Đỉnh Olympia" là con đường nào, và cái đỉnh ấy là đỉnh nào thì đến nay cũng không ai biết, vẫn cứ u u minh minh giống như con đường đi lên Chủ nghĩa xã hội của đất nước Việt Nam dưới sự lãnh đạo 79 năm qua.
Chỉ biết rằng, bao nhiêu năm qua và bao nhiêu cuộc thi trên truyền hình cả nước từ thi tuần, tháng rồi đến thi năm… chọn ra người giành giải nhất thì được học bổng đi học ở Australia. Cuộc thi này bắt đầu từ năm 1999 cho đến nay. Mỗi năm có 36 cuộc thi tuần, 12 cuộc thi tháng, 4 cuộc thi quý được phát sóng và 1 trận chung kết năm được truyền hình trực tiếp trên VTV3. Đến nay, là năm thứ 24 của cuộc thi này.
Thế rồi các giải nhất được cấp học bổng sang Australia để học, thì hầu hết đều đã lặn một mạch ở lại để làm việc, để kiếm "bơ thừa, sữa cặn" của bọn đế quốc tư bản mà hình như chỉ có một đứa trở lại Việt Nam nhưng cũng chẳng thèm làm cho nhà nước.
Hầu hết các em đều đã thấm nhuần "đạo đức, tư tưởng của bác" cũng như học tập các gương lãnh đạo Việt Nam. Đặc biệt là những tấm gương mới đây như Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Võ Văn Thưởng, Vương Đình Huệ, Trương Thị Mai… là những lãnh đạo cao cấp, là những tấm gương sáng nòng cốt của đảng, với những màn thề thốt và nói dối còn hơn cả cuội.
Thế nên, khi học và thi đến các chương trình về đảng, về Mác, thì các cháu đã leo lẻo như lãnh đạo đất nước, nói và đọc rất suôn sẻ về ơn đảng, ơn bác....
Vậy nhưng, mới đây, có một cháu học sinh Chu Ngọc Quang Vinh, mới 17 tuổi, là học sinh giỏi lớp 11 chuyên Anh tại Yên Bái. Dư luận cho biết, cháu là một tấm gương học giỏi và trung thực cho các bạn khác noi theo. Cháu đã đạt giải trong cuộc thi tháng của cuộc thi "Đường lên đỉnh Olympia" vừa nói ở trên.
Trong một dòng tâm sự với bạn bè, cháu đã viết về nhận thức của mình với đảng như sau :
"Tôi và Đảng
- Cuối cấp 2 là tôi tiếp cận với văn hóa phương Tây cao trào nhất. Dần dần, tôi phát hiện những gì mình được học ở trường bấy lâu nay không hoàn toàn là sự thật, chỉ biết lừa gạt dân nên tìm mọi cách để sau này được sống ở nước ngoài.
- Rồi tôi ôn Olympia để "sống ở nước ngoài" và đủ muốn hay không thi vẫn phải học lịch sử theo góc nhin của Đảng. Rồi tôi được Đảng ban tặng nhiều thứ vì thành tích của mình, nên dẫn nhìn Đảng một cách chuẩn hơn.
- Và đến lúc giấc mộng O của tôi cũng phải châm dứt, tôi không biết làm gì tiếp theo, nhưng nhìn lại những gi tôi có ở đây, tôi nghĩ ở Việt Nam cũng không tệ. Tôi sẽ kệ Đảng và tập trung vào tôi.
- Và giờ tôi lại muốn rời Việt Nam. Chắc là tôi sẽ không bao giờ nhìn Đảng một cách tích cực được nữa, dủ tôi dã từng cố để ít nhất là "kệ" Đảng. Người dân ở dất nước tôi sinh ra chọn status quo, nên thôi, mình không ủng hộ thì minh đi. Anyways mai là Quốc khánh, chúc nước Việt Nam dù đưới chế độ nào cũng ngày càng phát triển về mọi mặt, vì quê hương của tôi mãi là Việt Nam".
Đọc lại toàn bộ những lời cháu viết, thì đó là một quá trình nhận thức về Đảng cộng sản Việt Nam của cháu ấy qua những năm tháng được tuyên truyền nhồi sọ và sự nhận thức của cháu khi lớn lên.
Và đặc biệt là cháu đã nói rõ ràng, trung thực những suy nghĩ, ý định của mình cho tương lai.
Những điều đó, hoàn toàn đúng, chẳng ai có thể chỉ ra được một sự sai sót nào trong suy nghĩ và nhận thức cũng như cách thể hiện của cháu. Bởi yêu ai, ghét ai, là quyền của mỗi người không ai có thể xâm phạm được.
Thế nhưng, sự trung thực đã không có chỗ đứng trong xã hội này.
Ngay lập tức, những dòng này của cháu đã tạo nên làn sóng dữ dội bởi công an, báo chí, bầy dư luận viên và cả dàn những người "yêu nước" với một quan niệm ngu xuẩn và bầy đàn với dàn báo chí… lá ngón xông vào vùi dập một cháu bé chỉ vì lòng dũng cảm thật thà mà nói ra những điều mình nghĩ.
Cơn lên đồng tập thể của dàn báo chí
Đọc kỹ những lời cháu viết, nếu là người biết suy nghĩ chút ít, đều thấy rằng cháu chẳng hề có làm bất cứ điều gì nên tội. Việc cháu bị nhồi sọ, bị tuyên truyền đến mức nào thì cả đất nước này biết, chẳng cần phải chứng minh. Chuyện cháu dần dần tìm hiểu và hiểu được rằng : "những gì mình được học ở trường bấy lâu này không hoàn toàn là sự thật. Tôi coi Đảng như một thổ lực xấu chỉ biết lừa gạt dân…" thì cũng là sự thật, chẳng có gì sai.
Chính tự bản thân đảng hiểu rất rõ điều đó, chứ không cần ai chứng minh.
Vậy mà cái stt nói về việc cháu và Đảng, thì lập tức bị đám "báo chí lá ngón" của đảng biến thành "vô ơn với đất nước, với Tổ Quốc". Và dàn đồng ca báo đảng được thể lên đồng, đánh sòng đánh tráo khái niệm và đủ mọi thứ để lên án, để chửi rủa, để vùi dập đủ thứ với một mầm non đất nước.
Và hài hước thay, lại công an vào làm việc, kêu cháu lên, đe dọa, và cháu phải viết "lời xin lỗi". Mặc dù đã xin lỗi vẫn không tha, báo chí vẫn lên đồng tập thể thi nhau chứng minh mình là tài giỏi, là yêu nước… Mục đích là để tâng công, để lên mặt dạy đời.
Họ không hề biết một cháu bé mới 17 tuổi bước vào đời sẽ như thế nào sau cuộc hội đồng bầy đàn này bởi những nhà thông thái và yêu nước.
Và ở đó, cái gọi là Đảng, đã được thay bằng Tổ quốc và Đất nước. Vậy mà người ta cứ nghiễm nhiên bị đám dư luận viên đã đành, mà còn cả đám báo chí, các nhà giáo, nhà báo, nhà văn… lên đồng vùi dập.
Thật ra, những kẻ đó, đã không hề đếm xỉa đến cái gọi là Hiến pháp Việt Nam 2013, điều 5 quy định : "Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định".
Ở đây, chưa cần nói đến tự do báo chí hay cái gì khác, chỉ vì không thích đảng thì lập tức được gọi là vô ơn với Tổ Quốc, đất nước.
Đám người đua nhau bầy đàn cắn xé cháu bé đó, cũng chẳng nhớ cái câu mà chính Hồ Chí Minh nói vào đúng thời điểm hôm nay của 79 năm về trước : "Mọi ngời có quyền bình đẳng, tự do và mưu cầu hạnh phúc". Đám người ấy, cũng đã quên ngay lập tức câu nói mà ngày ngày họ tụng niệm và cho là của Hồ Chí Minh rằng : Khiêm tốn, thật thà, dũng cảm". Mà cũng bởi câu nói này, cháu bé hôm nay đã nhận đòn hội chợ từ báo đảng, từ công an của đảng và mọi thứ đòn thù từ đảng.
ĐIều trớ trêu nhất, và khốn nạn nhất ở đây, là sự lập lờ đánh lận con đen, nghiễm nhiên đánh tráo khái niệm đảng là Tổ Quốc, là Đất nước. Làm sao đảng – một tổ chức theo kiểu mafia - có thể là Tổ Quốc, là Đất nước từ bao giờ ?
Sự bầy đàn, dốt nát không chỉ từ những người thất học
Trong số những nhân vật theo thói bầy đàn vùi dập cháu bé 17 tuổi ấy, ngoài các tờ báo lớn của đảng, còn một loạt các nhà báo, các thầy, cô giáo của cháu bé cũng như đám Đoàn thanh niên thi nhau đánh đòn hội chợ kết hợp Công an khủng bố cháu bé mọi mặt.
Ngoài những nhân vật vào chửi hôi, thì còn có những nhân vật được mệnh danh có học, là nhà giáo dục, là thầy giáo… cũng dây máu ăn phần.
Một người từng làm nghề nhà giáo, Lê Thống Nhất - một thầy giáo trước đây nay được gọi là "Nhà giáo dục" - cũng xung phong vào trận đánh hôi bằng hai câu thơ như sau dưới tấm ảnh của cháu bé Chu Ngọc Quang Vinh :
Quen ăn Hải sản cấp cao
Chê luôn tôm cá nuôi ao mùi bùn
(Thơ Lê Thống Nhất)
Và lập tức, mạng xã hội đã trút hết cơn phẫn nộ vào stt này của anh ta. Thế là anh ta bào chữa rằng chỉ có hai câu thơ mà làm gì ghê gớm thế. Anh ta không biết rằng, chỉ với hai câu thơ đó, anh ta đã giết chết một đứa trẻ bằng tuổi cháu anh ta.
Trong Stt của anh ta, tôi đã comments như sau :
ĐÃ HÈN CÒN HẠ
Thưa anh Lê Thống Nhất
Ngày xưa, tôi nghe nói đến một Lê Thống Nhất là một người giỏi toán vào thời kỳ đó, thường có bài viết trên tờ tập san hoặc một bản tin gì đó về Toán học. Tôi phục anh và hy vọng sẽ có ngàynoi gương anh trong học tập cũng như đời sống.
Năm 1980 qua Vinh, nói chuyện về Lê Thống Nhất, một người bạn nói với tôi : "Tao biết và vẫn gặp tay ấy, đánh vợ như điên". Mình nghe vậy và biết vậy rồi cũng qua đi chứ không chú ý đến nữa nhưng vẫn có ấn tượng về một người giỏi giang.
Cho đến hôm nay, lại có một bạn fb nhắn cho mình về stt này của Lê Thống Nhất về cậu bé tận miền Yên Bái với một câu nói đang bị đám cờ đỏ và đám thiếu não ném đá không thương tiếc.
- Trước hết, cần nói cho rõ rằng : Bạn trẻ này đã nói đúng thực suy nghĩ của bạn ấy, có thể đúng, có thể sai. Nhưng một bạn trẻ dám nói lên đúng suy nghĩ của mình là đáng trân trọng trong xã hội Việt Nam càng học, càng dối trá và thậm chí là hèn hạ không dám mở miệng trước thực tế xã hội.
- Thứ hai, bạn ấy nói không sai. Phải khắng định như vậy. Bạn ấy nói rằng Đảng không như bạn ấy đã được nghe, được tuyên truyền, không như bạn ấy nghĩ trước đây... Bạn ấy đã thấy bản chất của đảng là chẳng tốt đẹp gì và chẳng đem lại điều gì tử tế cho đất nước, cho dân tộc mà nhất là dân đen như bạn ấy. Điều này, chẳng cần nói, tự đảng đã chứng minh rõ ràng cái bầy sâu ấy là gì.
Điều này chắc chắn mọi người đều thấy, kể cả Lê Thống Nhất. Và có thể khẳng định điều đó không sai. Bởi ai không thấy điều đó, họa ra chỉ có kẻ bị cả ba chứng câm, điếc và mù.
- Và sau đó, thấy suy nghĩ và nếu nói ra vậy thì không ổn, bạn ấy đã học tập thái độ "Makeno" nhưng không thể im được và bạn ấy cố gắng để học, để đi ra nước ngoài sống, vì ở đó không có đảng lãnh đạo tuyệt đối sáng suốt như ở đây. Điều này càng không sai, chính Hồ Chí Minh, vào buổi chiều cách đây 79 năm, đã nói : "Mọi ngời có quyền bình đẳng, tự do và mưu cầu hạnh phúc". Vậy tại sao con Nguyễn Tấn Dũng, Vương Đình Huệ, Nguyễn Xuân Phúc, Nguyễn Đức Chung… đều có thể sống ở nước ngoài, mà bạn trẻ ấy muốn lại không được.
Có điều là bạn trẻ ấy dám nói, còn những người khác "khôn ngoan" như Lê Thống Nhất thì không dám mở miệng, chỉ là "ngậm miệng ăn tiền", dựa hơi mà sống thôi.
Thế nhưng cần nói rõ rằng : Bạn ấy không ưa đảng, và bạn ấy nói về đảng chứ không hề nói về Tổ Quốc, đất nước. Thế mà dàn báo chí rống lên rằng : Vô ơn với đất nước ? Đất nước nào trong câu bạn ấy nói ?
Đọc stt này của Lê Thống Nhất, mình thấy sự ấu trĩ và sự tàn ác của một con người mà tôi đã có thời ngưỡng mộ. Chẳng lẽ, bạn trẻ ấy có lỗi khi nói ra suy nghĩ của mình ? Nếu sai, là người lớn Lê Thống Nhất có thể góp ý dạy bảo bạn ấy như con cháu mình. Nếu không sai, thì ít nhất là người lớn mà hèn thì mình cũng chỉ nên ngậm miệng lại cho đỡ xấu hổ, đỡ thấy cái liêm sỉ của mình nó là món xa xỉ.
Một người được ca ngợi là thông minh, tài giỏi mà không phân biệt đâu là chính, là tà, là đúng, là sai, lại còn hùa vào đám đông du thủ du thực để ném đá một mầm non của đất nước vì cái tội đã không học nói dối và vô cảm, cứ ngậm miệng ăn tiền như mình sao ?
Nhân cách nhà giáo để đâu, sự lương thiện bẩm sinh nơi nào ?
Nhưng, trái lại, ở đây Lê Thống Nhất đã thể hiện là đồng hạng với bạn trẻ với câu thơ :
Quen ăn Hải sản cấp cao
Chê luôn tôm cá nuôi ao mùi bùn
(Thơ Lê Thống Nhất)
Thưa anh Lê Thống Nhất
Ai là người quen ăn hải sản cấp cao ở đây ? Anh hay bạn trẻ miền núi Yên Bái ? Về nghĩa đen, bạn ấy đến mùa giáp hạt, củ sắn chưa hẳn đã có mà ăn chứ nói gì đến hải sản hay sơn sản ? Nói đến nghĩa bóng, lẽ ra anh phải là người hiểu biết và ăn hải sản nhiều hơn bạn ấy mới đúng.
Điều tôi muốn biết, là Lê Thống Nhất tài cao, học rộng, là nhà Toán học, là Nhà thơ, là nhạc sĩ… đủ mọi loại nhà ấy, có thể giải thích được cho tôi bạn ấy sai chỗ nào không ?
Nếu anh Lê Thống Nhất không giải thích được, thì anh nợ cộng đồng mạng và nhất là cháu bé một lời xin lỗi.
Nếu không, thì chỉ xứng đáng là nhà… vệ sinh.
Mong anh hồi đáp.
JB Nguyễn Hữu Vinh
Nguồn : RFA, 03/09/2024
*************************
Thí sinh Olympia 'không nhìn Đảng một cách tích cực' liền bị công kích là 'vô ơn' với đất nước
BBC, 03/09/2024
Chu Ngọc Quang Vinh, học sinh lớp 12 Anh của Trường Trung học phổ thông Chuyên Nguyễn Tất Thành (tỉnh Yên Bái), đã bị nhiều cá nhân và hội nhóm trên mạng xã hội công kích sau khi chia sẻ ý kiến về Đảng cộng sản Việt Nam.
Chu Ngọc Quang Vinh (đứng) trong buổi chúc mừng của lãnh đạo tỉnh Yên Bái hôm 8/11/2023 sau khi chiến thắng cuộc thi tháng trong chương trình Đường lên đỉnh Olympia
Công an, cơ quan quản lý giáo dục và trường học nơi Quang Vinh đang theo học cũng đã vào cuộc.
Hiện trên mạng xã hội đang có nhiều ý kiến khác nhau về phát ngôn của Chu Ngọc Quang Vinh. Tựu trung có hai hướng trái ngược nhau :
- Phê bình, chỉ trích, chửi học sinh này là "phản động", "vô ơn" với đất nước, với Đảng cộng sản ;
- Bảo vệ quyền phát biểu ý kiến của Quang Vinh, thậm chí khen ngợi học sinh này đã có hành động dũng cảm, dám nói ra ý kiến của mình.
Bài viết chỉ cho 16 người xem
Mọi chuyện bắt đầu từ tối 1/9 với bài viết được đăng tải trên một tài khoản mạng xã hội có tên là "Chu Vinh".
Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Yên Bái hôm 2/9 cho biết Trường Trung học phổ thông Chuyên Nguyễn Tất Thành đã xác nhận tài khoản này là của nam sinh Chu Ngọc Quang Vinh đang học lớp 12 Anh của trường.
Trên tính năng Story của Facebook cá nhân, Quang Vinh cho biết sau khi tiếp cận với văn hóa phương Tây, bản thân Vinh dần dần phát hiện ra những gì học ở trường lâu nay không hoàn toàn đúng sự thật và nam sinh bắt đầu nhìn Đảng như "một thế lực xấu chỉ biết lừa gạt dân".
Theo bài viết, lý do mà Vinh ôn luyện Olympia là để "sống ở nước ngoài" nên dù muốn hay không muốn thì nam sinh này phải học lịch sử "theo góc nhìn của Đảng".
Trong bài viết, Quang Vinh cho biết muốn rời Việt Nam và có thể sẽ không bao giờ nhìn Đảng một cách tích cực được nữa.
Cuối bài viết, Vinh gửi lời chúc nhân dịp Quốc khánh 2/9 : "Chúc nước Việt Nam dù dưới chế độ nào cũng ngày càng phát triển về mọi mặt, vì quê hương của tôi mãi là Việt Nam".
Theo báo Yên Bái, Trường Trung học phổ thông Chuyên Nguyễn Tất Thành đã báo cáo với các cơ quan chức năng vào hôm 2/9 như sau :
"Vào khoảng 22h ngày 01/9/2024, học sinh Chu Ngọc Quang Vinh, lớp 12 Anh, trú tại phường Yên Thịnh, thành phố Yên Bái, tỉnh Yên Bái đã đăng tải trên Story của trang Facebook cá nhân nội dung bày tỏ quan điểm cá nhân về Đảng để chế độ hạn chế chỉ cho 16 bạn xem (trong đó có 01 học sinh Trường Trung học phổ thông Nguyễn Huệ, thành phố Yên Bái). Đến khoảng 23h cùng ngày, học sinh Vinh đã nhận thức thấy việc làm sai của mình và gỡ nội dung đăng tải xuống. Đến khoảng 5h sáng ngày 2/9/2024, học sinh Vinh đã viết bài xin lỗi và đăng tải trên trang Facebook cá nhân. Đến khoảng 10h, học sinh Vinh cũng đã khóa trang Facebook cá nhân".
Quang Vinh từng xếp thứ nhất cuộc thi tuần và tháng tại chương trình Đường lên đỉnh Olympia năm thứ 24 trong năm 2023.
Vào tháng 11/2023, bà Phùng Thị Hải Yến, giáo viên chủ nhiệm năm lớp 11 của Vinh, từng nhận xét nam sinh này thông minh và hiếu học.
Bài viết của nam sinh Yên Bái nhanh chóng bị chụp màn hình (dù bạn này chỉ để cho 16 người xem) và trở thành chủ đề bàn tán, chỉ trích của nhiều cá nhân, hội nhóm Việt Nam trên mạng xã hội.
Đơn vị Tác Chiến Điện Tử Comrade Commissar (gần 330.000 người theo dõi) và Tifosi (gần 300.000 người theo dõi), hai trang Facebook chuyên đả phá những hành động mà theo họ là trái với quan điểm của Đảng cộng sản Việt Nam, đã đăng bài chỉ trích Quang Vinh.
Nhóm Bí Mật Showbiz Group có khoảng 1,1 triệu thành viên cũng xuất hiện bài đăng chỉ trích nam sinh này.
Cách đây không lâu, những nghệ sĩ như B Ray, Phan Đinh Tùng, Phạm Khánh Hưng, Việt Hương và Myra Trần cũng trở thành đối tượng bị công kích trong nhóm Bí Mật Showbiz Group về "chuyện cờ vàng" và "phản động".
Dòng trạng thái của Chu Ngọc Quang Vinh nhanh chóng bị nhiều hội nhóm Việt Nam trên mạng xã hội chỉ trích
Những người chỉ trích cho rằng nam sinh này đã "vô ơn" với đất nước, với lịch sử quê hương, "có tài mà không có đức"...
Báo chí do nhà nước quản lý cũng vào cuộc lên án Quang Vinh. Báo Giáo dục và Thời đại cho rằng phát ngôn của Chu Ngọc Quang Vinh là "chưa phù hợp" ; báo Pháp luật Việt Nam dùng từ "vô ơn" ; báo Tiền Phong gọi hành động này là "thiếu chuẩn mực".
Tuy nhiên, bên cạnh sự công kích, chỉ trích, đã có nhiều tiếng nói bảo vệ Quang Vinh và phê phán sự vào cuộc của các cơ quan chức năng.
Tài khoản Facebook Thái Kế Toại, với hơn 7.000 người theo dõi, bình luận :
"Tôi nghĩ đó là hiện tượng trưởng thành của ý thức con người. Điều quan trọng là em đã dám nói lên sự trưởng thành ý thức của mình.
"Sự trưởng thành của ý thức con người về mặt triết học là không nhỏ. Rất nhiều tác phẩm triết học, văn học, điện ảnh đã tìm cách giải đáp và diễn đạt nó".
Sau đó, trang Facebook này lấy bộ phim Thu Cúc đi kiện của đạo diễn Trương Nghệ Mưu để làm ví dụ, cho rằng vị đạo diễn đã "trình bày sự trưởng thành ý thức pháp luật về quyền sống và quyền được bảo vệ ở một người đàn bà thân phận nhỏ bé trong xã hội Trung Quốc".
Facebook Linh Hoang Vu (khoảng 31.000 người theo dõi) bày tỏ quan điểm :
"Mình thấy đây thuần túy là một quan điểm cá nhân của một người trẻ đang lớn và nên tôn trọng điều đó. Vài năm nữa, có thể bạn ấy sẽ thấy quan điểm đó là ấu trĩ, bồng bột. Hoặc cũng có thể, sẽ vững tin vào quan điểm đó, cũng chẳng sao cả.
Cuộc sống nên có sự đa nguyên chứ xã hội có phải là trại lính đâu mà bắt người ta phải yêu hay ghét những thứ y hệt nhau (điều mà trong trại lính cũng không có).
Mình thấy sợ hãi cái màn đấu tố lên đồng này với một bạn trẻ 18 tuổi".
Facebook Dương Quốc Chính (khoảng 83.000 người theo dõi) đã phản bác lại các ý kiến cho rằng Vinh đang vô ơn với quê hương, đất nước, cho rằng các ý kiến đó là ngớ ngẩn và hiểu sai nội dung bài viết của Vinh.
Theo tài khoản Facebook này, Quang Vinh không chối bỏ, chê trách quê hương, đất nước mà chỉ chê trách Đảng (cộng sản Việt Nam).
Facebook Dương Quốc Chính còn cho rằng việc Chu Ngọc Quang Vinh bày tỏ nguyện vọng chán ghét Đảng, muốn được đi ra nước ngoài sống là đang thực hiện quyền mưu cầu hạnh phúc - quyền không ai được xâm phạm theo lời Chủ tịch Hồ Chí Minh. Do đó, Quang Vinh không đáng bị chỉ trích, đấu tố.
Bên cạnh đó, tài khoản này cho rằng Vinh chỉ giới hạn bài viết cho 16 người xem nên nếu có gì gây ảnh hưởng thì cũng chỉ tác động trong phạm vi đó. Và bài viết của Vinh khi đó cũng chỉ như cuộc nói chuyện riêng với bạn bè chứ không phải công khai chỉ trích Đảng.
"Về lòng biết ơn, thực ra chả liên quan gì đến vụ này. Bởi vì bố mẹ nó nuôi nó ăn học, thầy cô nó dạy dỗ nó, chứ đảng và nhà nước không trực tiếp nuôi dạy nó thành người", tài khoản Facebook Dương Quốc Chính viết.
Bình luận về sự việc của Chu Ngọc Quang Vinh, Facebook Kim Van Chinh (khoảng 31.000 người theo dõi) viết :
"Em Vinh có những suy nghĩ kiểu người lớn trước tuổi, dấu hiệu của một người tài có hoài bão lớn nếu được định hướng chăm sóc tốt sẽ trở thành tài năng lãnh đạo tương lai.
"Ứng xử của các cơ quan quản lý theo tôi là không khéo và chưa đúng chuẩn. Trong một xã hội mà dân được công nhận bởi Hiến pháp có quyền tự do ngôn luận, việc một học sinh phát biểu những quan điểm cá nhân nếu là sai trái, khiếm khuyết (không ảnh hưởng đến an ninh quốc gia, trật tự xã hội) là quyền của các công dân".
Công an vào cuộc
Chu Ngọc Quang Vinh nhận hoa chúc mừng của lãnh đạo tỉnh Yên Bái hôm 8/11/2023 sau khi chiến thắng cuộc thi tháng trong chương trình Đường lên đỉnh Olympia
Tài khoản Chu Vinh đã xóa bài viết gây tranh cãi cũng như đăng lời xin lỗi công khai và bày tỏ mong muốn được tha thứ :
"Mình, Chu Ngọc Quang Vinh, muốn gửi lời xin lỗi chân thành tới những người bị phát ngôn bừa bãi và nông cạn của mình làm ảnh hưởng và xin nhận hoàn toàn trách nhiệm của bản thân về những phát ngôn này.
Khi phát ngôn những câu như vậy, thực sự là bản thân mình không hề ý thức được hậu quả và việc phát ngôn đó làm nhiều người thất vọng và phẫn nộ đến vậy".
"Là một người trẻ lớn lên ở Việt Nam, mình là người rất thích đọc lịch sử đấu tranh hào hùng của dân tộc và mong muốn tìm hiểu về cội nguồn của bản thân. Tuy vậy, trong quá trình tìm hiểu, mình đã bị ảnh hưởng bởi những tư liệu không đúng sự thật và mang tính ác ý với Tổ quốc.
Những phát ngôn nông cạn của mình, chỉ xuất phát từ những quan sát và những trải nghiệm ít ỏi của bản thân".
Vinh cũng khẳng định bản thân không bao giờ có ý định liên hệ, hợp tác với các tổ chức nước ngoài để làm hại lợi ích của Việt Nam.
Tuy vậy, theo báo Pháp luật Việt Nam, nhiều người chưa hài lòng với động thái xin lỗi của Vinh và yêu cầu nam sinh phải có hành động cụ thể hơn nữa để "chứng minh sự hối lỗi".
Sau khi bài đăng của Chu Ngọc Quang Vinh bị lan truyền nhanh chóng trên mạng xã hội, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Yên Bái đã báo cáo sự việc này tới Tỉnh ủy và UBND tỉnh Yên Bái.
Sở đã làm việc với Công an tỉnh Yên Bái để xác minh sự việc cũng như yêu cầu Trường Trung học phổ thông Chuyên Nguyễn Tất Thành "định hướng phát ngôn, giáo dục tư tưởng chính trị cho cả giáo viên lẫn học sinh".
Đồng thời, Sở Giáo dục và Đào tạo đã yêu cầu nhà trường phối hợp với gia đình, địa phương để "theo dõi, nắm tình hình và diễn biến tư tưởng, tâm lý của học sinh Vinh".
Chu Ngọc Quang Vinh (bìa trái) cùng mẹ và giáo viên chủ nhiệm đến trụ sở Công an phường Yên Thịnh để làm việc - Ảnh chụp màn hình báo Công an Nhân dân
Sở này cho biết họ sẽ tiếp tục làm việc với phía công an để nắm tình hình và xử lý, giải quyết vụ việc.
Theo báo Công an Nhân dân, Công an tỉnh Yên Bái xác định bài viết của Vinh có tính chất "nhạy cảm" vào dịp 2/9. Do đó, cơ quan này đã mời nam sinh Chu Ngọc Quang Vinh cùng mẹ và giáo viên chủ nhiệm đến trụ sở Công an phường Yên Thịnh để làm việc.
Hình ảnh Vinh làm việc tại cơ quan chức năng được đăng tải trên nhiều trang báo chính thống của Việt Nam vào tối 2/9 và sáng 3/9.
Bình luận về việc Công an tỉnh Yên Bái mời nam sinh này đến trụ sở để làm việc, tài khoản Facebook Ls Nguyễn Duy Bình (khoảng 16.000 người theo dõi) viết vào sáng nay 3/9 như sau :
"Xét về mặt pháp lý thì em chưa có gì gọi là vị phạm pháp luật nên CA [công an] mời làm việc cũng chưa ổn. Trường hợp này thấy em phát ngôn có phần chưa ổn thì nhà trường hoặc đoàn thể có thể mời lên góp ý hoặc khuyên dạy chứ không phải CA".
Hiện các từ khóa liên quan đến nam sinh này vẫn đang thịnh hành trên Google và Facebook ở Việt Nam. Những bài đăng công kích Chu Ngọc Quang Vinh trên mạng xã hội vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại.
Vụ việc của Chu Ngọc Quang Vinh là diễn biến mới nhất của những đợt công kích dữ dội, sục sôi trên mạng xã hội nhắm vào các cá nhân, tổ chức có hành động bị cho là "chống phá nhà nước", "chống Đảng".
Nguồn : BBC, 03/09/2024
******************************
Thí sinh Đường lên đỉnh Olympia bị công an mời làm việc vì nhận xét xấu về Đảng cộng sản trên Facebook
RFA, 02/09/2024
Một học sinh cấp ba ở tỉnh Yên Bái vừa bị công an triệu tập làm việc vì viết những nhận xét xấu về Việt Nam trên mạng xã hội Facebook gây bão mạng ở Việt Nam dịp Quốc khánh 2/9/2024.
Chu Ngọc Quang Vinh (Yên Bái) nhận gải thưởng và vòng nguyệt quế tháng 1, Đường lên đỉnh Olympia năm thứ 24.
Học sinh có tên Chu Ngọc Quang Vinh (17 tuổi) thuộc lớp chuyên Anh trường Trung học phổ thông chuyên Nguyễn Tất Thành của tỉnh Yên Bái đã viết dòng trạng thái trên Facebook với nội dung chỉ trích giáo dục ở Việt Nam, phê phán Đảng cộng sản và bày tỏ mong muốn được đi học nước ngoài, tiếp xúc với văn hóa phương Tây.
Theo báo Nhà nước, vào đêm ngày 1/9, dòng trạng thái này gây chú ý rộng khắp trên mạng xã hội ở Việt Nam với nội dung :
"Cuối cấp 2 là tôi tiếp cận với văn hóa phương Tây cao trào nhất. Dần dần, tôi phát hiện những gì mình được học ở trường bấy lâu nay không hoàn toàn là sự thật, chỉ biết lừa gạt dân nên tìm mọi cách để sau này được sống ở nước ngoài".
Học sinh này nói mình tham gia cuộc thi tìm kiếm tài năng có tên Đường lên đỉnh Olympia nổi tiếng được tổ chức hàng năm dành cho học sinh cấp ba cả nước chỉ để tìm kiếm cơ hội để sống ở nước ngoài.
"Rồi tôi ôn Olympia để 'sống ở nước ngoài' và dù muốn hay không thì vẫn phải học lịch sử theo góc nhìn của Đảng. Rồi tôi được Đảng ban tặng nhiều thứ vì thành tích của mình, nên dần nhìn Đảng một cách chuẩn hơn" - Quang Vinh viết tiếp trên dòng trạng thái.
Ngay sau khi dòng trạng thái gây bàn tán rộng khắp, vào ngày 2/9, Sở Giáo dục và đào tạo tỉnh Yên Bái đã có công văn về học sinh này và bài viết trên mạng xã hội mà Sở cho là chưa phù hợp.
Truyền thông Nhà nước cho biết, Sở Giáo dục và đào tạo Yên Bái cũng phối hợp với Công an tỉnh để "nắm tình hình, xác minh sự việc ; chỉ đạo trường Trung học phổ thông chuyên Nguyễn Tất Thành báo cáo nhanh sự việc, đồng thời cử cán bộ, giáo viên trực tiếp đến gia đình học sinh Vinh để nắm thêm tình hình".
Báo Tiền Phong hôm 3/9 cho biết, "đại diện công an tỉnh Yên Bái cho biết đơn vị đang xác minh, xử lý về việc phát ngôn không phù hợp của nam sinh. Khi có kết luận chính thức sẽ xử lý theo đúng quy định của pháp luật".
Các hình ảnh và bài viết trên báo trong nước cho thấy Công an tỉnh Yên Bái đã trực tiếp làm việc với nam sinh vào chiều ngày 2/9.
Một số bình luận trên mạng xã hội ủng hộ nam sinh cho rằng học sinh này nói thật ước mơ của mình, trung thực. Những tài khoản mạng xã hội thân Chính phủ chỉ trích học sinh này là vô ơn, "có tài mà không có đức là vô dụng"...
Báo chí trong nước chỉ trích dòng trạng thái của nam sinh là vô ơn, chỉ biết quan tâm đến bản thân, đến lợi ích viển vông ở xứ "thiên đường".
Báo Công Thương của Bộ Công thương vào ngày 2/9 có bài bình luận về thí sinh vừa giành được giải nhất vòng thi tháng vào tháng 11/2023 của Đường lên đỉnh Olympia và gọi chiến thắng này của Quang Vinh là "chiến thắng ngoạn mục trên sân khấu Đường lên đỉnh Olympia". Bài báo cho biết đây là chiến thắng đầu tiên của một thí sinh tỉnh Yên Bái ở cuộc thi trong vòng 23 năm qua và cái tên Chu Ngọc Quang Vinh đã "trở thành niềm tự hào của Trường Trung học phổ thông Chuyên Nguyễn Tất Thành".
Nhưng theo bài báo, "thay vì tiếp tục làm tấm gương sáng để các bạn noi theo, Quang Vinh đã thể hiện hành vi vô ơn, hỗn xược đối với quê hương đất nước" qua dòng trạng thái trên mạng xã hội.
Trong status của mình, Quang Vinh cho biết, sau khi kết thúc cuộc thi, "giấc mộng Olympia" của Vinh chấm dứt nhưng Vinh không biết làm gì tiếp theo.
"Nhưng nhìn lại những gì tôi có ở đây, tôi nghĩ ở Việt Nam cũng không tệ. Tôi sẽ kệ Đảng và tập trung vào tôi" - Vinh viết tiếp.
Nhưng ở những dòng gần cuối Vinh lại nói đến ý định đi nước ngoài và tiếp tục chỉ trích Đảng :
"Và giờ tôi lại muốn rời Việt Nam. Chắc là tôi sẽ không bao giờ nhìn Đảng một cách tích cực được nữa, dù tôi đã từng cố để ít nhất là "kệ" Đảng. Người dân ở đất nước tôi sinh ra chọn status quo (giữ nguyên hiện trạng), nên thôi, mình không ủng hộ thì mình đi".
Cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia là một show truyền hình nổi tiếng được tổ chức hàng năm và được chiếu trên truyền hình quốc gia. Cuộc thi đến nay đã được 24 mùa. Các học sinh cấp ba ở nhiều trường trên cả nước tham gia cuộc thi này với nhiều giải thưởng tháng, quý, năm. Những thí sinh vô địch năm của cuộc thi này được nhận học bổng đi du học Úc.
Sau dòng trạng thái gây tranh cãi, trên Facebook của nam sinh cũng xuất hiện dòng trạng thái mới. Theo đó, nam sinh gửi lời xin lỗi đến "những người bị phát ngôn bừa bãi và nông cạn của mình làm ảnh hưởng", và học sinh Quang Vinh "xin nhận hoàn toàn trách nhiệm của bản thân về những phát ngôn này".
Học sinh này cũng viết trên status mới rằng "chưa bao giờ có những suy nghĩ cực đoan hay chưa từng có ý định và sẽ không bao giờ có ý định hợp tác hay liên hệ với các tổ chức ở nước ngoài để làm hại lợi ích của dân tộc".
Nguồn : RFA, 02/09/2024