Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

06/09/2024

Những bài toán khó chờ đón Tổng bí thư – Chủ tịch nước Tô Lâm

Trà My - Trần Chương - Hoàng Phúc

Vì sao việc cải cách của Tổng bí thư Tô Lâm là câu chuyện xa vời và khó thành hiện thực ?

Trà My, Thoibao.de, 06/09/2024

Sau khi chính thức trở thành Tổng bí thư, ông Tô Lâm đã đưa ra tuyên bố : "Việt Nam sẽ tiến vào một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc". Đồng thời, ông cũng cam kết, sẽ đưa đất nước hướng tới một tương lai tốt đẹp hơn.

tolam1

Tân Tổng bí thư Tô Lâm chủ trì họp báo quốc tế - Ảnh : Tiên Tiến

Việt Nam cần phải có một nhân vật có động cơ cải cách, để có thể rũ bỏ tất cả những tàn dư xấu xa và nguy hiểm, do Tổng Trọng để lại. Trên thực tế, đã có một số không nhỏ bắt đầu tin rằng, Tổng bí thư Tô Lâm là một nhân vật cải cách.

Vì sao lại nói như vậy ?

Trăm nghe không bằng một thấy, có câu thành ngữ mà nhiều người biết, đó là, "Hãy nói cho tôi biết bạn của anh là ai, tôi sẽ nói anh là người thế nào ?".

Việc ngay sau khi trở thành Tổng bí thư, ông Tô Lâm đã kéo theo cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, liên tiếp xuất hiện trong một số sự kiện chính trị quan trọng, có lẽ nhằm mục đích chứng tỏ với dư luận rằng, ông sẽ là một nhà cải cách.

Gần đây, ông Nguyễn Đình Bin – một nhà ngoại giao kỳ cựu, từng là Ủy viên Trung ương Đảng, đã gửi cho ông Tô Lâm một bức tâm thư, với lời kêu gọi thay đổi "thể chế chính trị".

Theo BBC Tiếng Việt, đây cũng là nguyện vọng của nhiều người dân, có quan tâm, trăn trở đến hiện tình đất nước.

Ông Nguyễn Đình Bin kêu gọi :

"Mọi điều kiện chủ quan và khách quan, đối nội và đối ngoại, đã quá chín muồi, để Đảng cộng sản Việt Nam quyết định thực hiện cuộc cách mạng trọng đại, và cấp bách về tư tưởng ! Thời cơ lịch sử vận Nước, cũng như vận Đảng đang đến ! Phải quyết nắm lấy ! Không được bỏ lỡ !".

BBC đặt câu hỏi, "Cờ trong tay ông Tô Lâm, liệu có một "đổi mới" thứ hai ?"

Trong dịp lễ Quốc khánh 2/9 vừa qua, Tổng bí thư Tô Lâm đã tới thăm gia đình cố nhạc sĩ Văn Cao, tác giả bài Quốc ca Việt Nam, người được giới nhân sĩ trí thức trọng vọng. Tuy nhiên, cố nhạc sĩ Văn Cao từng là một nạn nhân, từng "lên bờ, xuống ruộng" bởi chiến dịch chống Nhân Văn Giai phẩm, đây cũng là một điểm đáng lưu ý.

Việc ông Tô Lâm đến thăm một nghệ sĩ từng có "vấn đề", được công luận đánh giá cao. Song ít người biết rằng, Tổng bí thư Tô Lâm đang sử dụng cái gọi là "chủ nghĩa dân túy", để lấy lòng dân chúng và công luận.

Nếu Việt Nam tiến hành cải cách, nhất là cải cách chính trị, thì chắc chắn, Trung Quốc không muốn. Với lý do, Bắc Kinh không bao giờ muốn Việt Nam ổn định và phát triển, vì họ lo rằng, Việt Nam sẽ rời xa Trung Quốc, để đi theo phương Tây.

Trong bối cảnh, nội bộ lãnh đạo cấp cao của Đảng đã và đang chia rẽ sâu sắc. Thế lực chính trị trước đây của Tổng bí thư Trọng, và lực lượng lãnh đạo quân đội vẫn đang chiếm một số đông áp đảo. Họ sẽ lấy lý do kiên định với Chủ nghĩa xã hội, và nhân danh Đảng, để chống lại chủ trương cải cách của Tổng bí thư Tô Lâm.

Lãnh đạo Ban Đảng cũng như lãnh đạo quân đội, trong thời gian gần đây, đã kiên quyết chống mối quan hệ ngày càng chặt chẽ hơn giữa Việt Nam và Mỹ. Câu chuyện "lùm xùm" với Đại học Fulbright là một trong những bằng chứng.

Trong khi, sự trỗi dậy của phe quân đội đã buộc ông Tô Lâm phải chấp nhận lùi bước. Đồng thời, quan điểm chính thống của phe quân đội vẫn khẳng định : Trung tâm quyền lực chính trị Việt Nam thuộc về quân đội, chứ không phải công an.

Trong khi, có nhiều ý kiến cho rằng, Bắc Kinh đang giật dây cho đám tay chân thân Trung Quốc trong Đảng, nhằm đảo ngược tình thế và hạ bệ Tổng bí thư Tô Lâm. Do đó, chuyện Tổng bí thư Tô Lâm sẽ tiến hành cải cách toàn diện, sâu rộng ở Việt Nam, chỉ là một câu chuyện xa vời, và ít có khả năng trở thành hiện thực.

Trà My

*************************

Tổng bí thư Tô Lâm vẫn kiên định, và làm phép thử ngược với phe quân đội như thế nào ?

Trà My, Thoibao.de, 06/09/2024

Từ sau Hội nghị Thành Đô năm 1990, bình thường hóa quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Trung Quốc, thì nền chính trị Việt Nam đã bị gắn chặt với nước láng giềng phương Bắc này.

tolam2

Sau chuyến thăm Bắc Kinh của Tổng bí thư Tô Lâm, nội bộ Đảng cộng sản Việt Nam đã xảy ra những xáo trộn chính trị.

Các đời Tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam, từ Nguyễn Văn Linh, Đỗ Mười, Lê Khả Phiêu, Nông Đức Mạnh cho đến Nguyễn Phú Trọng, đều răm rắp "tuân lệnh" thiên triều. Đồng thời, quan hệ đối ngoại Việt – Trung luôn luôn được đặt lên hàng đầu.

Tuy nhiên, mối quan hệ này quá bất bình đẳng. Buộc Ban lãnh đạo Việt Nam dưới sự dẫn dắt của Tổng bí thư Trọng, phải phá lệ, để thúc đẩy chính sách ngoại giao đa phương, với hy vọng thoát được cái vòng "kim cô" của Bắc Kinh.

Với phương châm, Việt Nam làm bạn với tất cả các quốc gia, coi trọng mối quan hệ với tất cả các cường quốc, chính sách này gọi là "ngoại giao cây tre". Theo đó, trung tuần tháng 9/2023, Hà Nội đã nâng mức quan hệ vượt cấp với Washington, trở thành đối tác chiến lược toàn diện, ngang bằng với Bắc Kinh.

Điều đó đã khiến Trung Nam Hải giận dữ. Chuyến thăm Việt Nam bất thường của Chủ tịch Tập Cận Bình vào tháng 12/2023, là để trách cứ, cũng như, buộc Việt Nam phải gia nhập cộng đồng chung vận mệnh với Trung Quốc. Với âm mưu, quan hệ giữa Việt – Trung Quốc phải luôn cao hơn một cấp, so với quan hệ Việt – Mỹ.

Được biết, khi đó, Tổng bí thư Trọng ở vào thế lưỡng nan, "theo cũng dở, mà chịu ở cũng không xong". Ông được cho là đã diễn bài "vờ khóc" nức nở trước họ Tập, trong lễ chiêu đãi Quốc yến, tối 12/12/2023, để thoái lui. Kể từ đó, mối quan hệ Việt – Trung ngày càng có nhiều biểu hiện xấu đi.

Bắc Kinh luôn luôn duy trì một chính sách "chia để trị" thâm hiểm, đối với Việt Nam. Trong khi đó, ông Trọng lại luôn chiều lòng Bắc Kinh một cách vô điều kiện. Đó là lý do, nhiều ý kiến chỉ trích ông là "thái thú" của Trung Quốc, cũng chẳng oan. Cũng chính vì vậy mà trong lễ tang, ông Tập bày tỏ sự tiếc thương với Tổng Trọng một cách quá mức, trong khi, nhiều lãnh đạo Việt Nam thì lại cười tươi sung sướng.

Sau chuyến thăm Bắc Kinh của Tổng bí thư Tô Lâm, nội bộ Đảng cộng sản Việt Nam đã xảy ra những xáo trộn chính trị. Việc Quốc hội bất ngờ tuyên bố, sẽ bầu lại chức danh Chủ tịch nước, để thay thế cho Chủ tịch nước Tô Lâm, là một trong những xáo trộn. Ông Tô Lâm đã phải chấp nhận thoái lui, trước sức ép của Ban Đảng và phe quân đội.

Trong bối cảnh hết sức phức tạp này, Tổng bí thư Tô Lâm vẫn dõng dạc tuyên bố : "Việt Nam sẽ tiến vào một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc" – có thể hiểu là, sẽ có những cải cách trong thời gian tới.

Đặc biệt, mới đây, cựu Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao, cựu Ủy viên Trung ương Đảng Nguyễn Đình Bin, đã gửi tâm thư đến Tổng bí thư Tô Lâm, kêu gọi thay đổi thể chế chính trị. Đây là điều mà Trung Quốc hoàn toàn không muốn !

Theo giới quan sát, động thái vừa kể là một cú sốc. Một cựu lãnh đạo cấp cao lại công khai kêu gọi "đa nguyên, đa đảng" – vốn là một điều cấm kỵ tuyệt đối. Phải chăng, đây là phép thử ngược của ông Tô Lâm, đối với phe tướng lĩnh quân đội, đang nỗ lực cản phá xu hướng, cũng như chính sách đối ngoại thân Hoa Kỳ và phương Tây.

Đáng chú ý, công luận vẫn chưa thấy Ban Tuyên giáo Trung ương bày tỏ phản ứng trước lời kêu gọi của ông Nguyễn Đình Bin.

Một nguồn tin nội bộ cho thoibao.de biết, Tổng bí thư Tô Lâm đang cố gắng làm đẹp hình ảnh, để lấy lòng các uỷ viên Trung ương, uỷ viên Bộ Chính trị, bằng các chính sách "an quan tham". Vì nếu không, sẽ khó có được sự ủng hộ của họ, để được bầu làm trường hợp "đặc biệt". Nếu không, thì hết khóa 13, Tổng bí thư Tô Lâm sẽ đến tuổi buộc phải nghỉ hưu.

Trà My

****************************

Chính sách ngoại giao của Tô Lâm bị cản trở, Đảng đang bất hòa ?

Trần Chương, VNTB, 06/09/2024

Đảng cộng sản Việt Nam đang cầm quyền, cai trị đất nước 100 triệu dân, nhưng rất nhiều thế hệ lãnh đạo đã tỏ ra nhu nhược trước Bắc Kinh. Điều này hoàn toàn tương phản với chính quyền Đài Loan – một chính quyền chỉ có 25 triệu dân, và là một hòn đảo nhỏ bé.

tolam3

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tiếp đón Chủ tịch Việt Nam Tô Lâm trong chuyến thăm cấp nhà nước tới Trung Quốc, tại Bắc Kinh, ngày 19/8/2024 – Chine Nouvelle/SIPA

Đảng rất tự hào về chính sách "ngoại giao cây tre", mà họ cho là "uyển chuyển, khôn khéo", để mị dân. Tuy nhiên, cái gọi là "ngoại giao cây tre" này chỉ là mặt nạ, che đậy cho ý chí nhu nhược của giới lãnh đạo Đảng. Hầu hết lãnh đạo cao cấp trong Đảng đều hiểu rằng, nền giáo dục và xã hội Mỹ – Âu tốt hơn hẳn Trung Quốc, nên lựa chọn cho con cái sang du học. Thế nhưng, họ lại cam tâm đưa đất nước Việt Nam vào thòng lọng của Bắc Kinh, thông qua cái gọi là "ngoại giao cây tre".

Bao lâu nay, Đảng cộng sản Việt Nam bắt tay với Mỹ và phương Tây, nhưng chỉ giới hạn về hợp tác kinh tế. Còn về quốc phòng an ninh, Việt Nam vẫn giữ khoảng cách, chứ không dám xích lại gần hơn.

Năm 2015, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã tuyên bố, bãi bỏ lệnh cấm vận vũ khí sát thương đối với Việt Nam. Nhưng Đảng vẫn không dám đặt mua vũ khí Mỹ, sợ Bắc Kinh "trừng mắt". Cái gọi là "ngoại giao cây tre" đã cướp đi cơ hội độc lập chính trị của Việt Nam như thế.

Những ngày gần đây, Đại tướng Phan Văn Giang – Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam, đã có những chuyến thăm rất được lòng dư luận, đấy là chuyến đi Philippines hồi cuối tháng 8, và chuyến đi Mỹ sắp tới. Tuy nhiên, rất khó có khả năng, Việt Nam dám làm gì đó mang tính chất đột phá, trong vấn đề hợp tác quốc phòng với Mỹ.

Việc có hợp tác sâu hơn về quốc phòng với Mỹ hay không, thì còn phải chờ xem. Tuy nhiên, về chiến lược, thì rõ ràng, ông Phan Văn Giang đang gây khó cho ông Tô Lâm, trong quan hệ ngoại giao với Trung Quốc. Vì ông Tô Lâm chỉ vừa mới đi Bắc Kinh về, thì ông Giang đã có những chuyến đi trái ngược.

Vì sao, ông Tô Lâm trong vai trò Bí thư Quân ủy Trung ương, lại để cho quân đội xích lại gần Mỹ ? Điều này giải thích theo hướng nào thì cũng bất lợi cho ông Tô Lâm.

Trường hợp thứ nhất, nếu ông Phan Văn Giang thực hiện sứ mệnh ngoại giao này theo lệnh của ông Tô Lâm, thì hóa ra, ông Tô Lâm vừa tỏ thái độ thần phục trước mặt Tập Cận Bình, lại giở trò sau lưng ngay lập tức ?

Trường hợp thứ nhì, nếu ông Giang tự ý thực hiện, không theo chỉ đạo của ông Tô Lâm, thì rõ ràng, ông Tô Lâm không đủ khả năng để kiểm soát bên dưới. Vậy thì, đối với Tập Cận Bình, ông Tô Lâm có phải là người vô dụng hay không ?

Khả năng cao là phe quân đội không vâng lệnh ông Tô Lâm. Từ khi ông Trọng mất kiểm soát đối với "lò đốt tham nhũng", thì trong Đảng đã nổi lên các thế lực triệt hạ lẫn nhau. Bản thân ông Tô Lâm đã hạ quá nhiều người của các phe khác, thì đến lúc, sẽ bị các phe khác phản công. Trước mắt, họ là tìm cách gây mất uy tín của ông với thiên triều, sau đó, có thể sẽ có những bước đi tiếp theo táo bạo hơn.

Cái gọi là "ngoại giao cây tre" giờ đây đang thất thế. Trong Đảng đang nổi lên các xu hướng ngoại giao khác nhau, không còn thống nhất nữa. Mỗi phe chọn một đường lối ngoại giao riêng, nhằm những mục đích riêng. Khi đó, sự "mềm dẻo", "khôn khéo" sẽ không còn nữa, "ngoại giao cây tre" hiện nguyên hình là hình thức ngoại giao vô tổ chức mà thôi.

Khi ông Trọng còn sống, Đảng thống nhất hơn. Giờ đây, Đảng như con tàu vô định, nhiều kẻ đang tranh giành quyền lái tàu. Bất kỳ ai tranh thủ nắm được bánh lái, thì sẽ lái con tàu theo hướng đi riêng của mình. Cứ như thế, con tàu đổi hướng liên tục và không có mục tiêu rõ ràng. Theo Mỹ thì không rõ, mà theo Tàu cũng không chắc chắn.

Phải chăng, thời kỳ hỗn loạn trong Đảng đang dần hiện rõ ?

Trần Chương

Nguồn : Thoibao.de, 06/09/2024

Tô Ân Xô "tháo chạy" khỏi Phủ Chủ tịch

Hoàng Phúc, Thoibao.de, 06/09/2024

Thế lực mới đang nhen nhóm trỗi dậy ?

Ngày 4/9, Văn phòng Trung ương Đảng công bố các quyết định của Ban Bí thư, về việc bổ nhiệm Tướng Tô Ân Xô làm Trợ lý của Tổng bí thư Tô Lâm và phụ trách Văn phòng Tổng bí thư.

tolam4

Tướng Tô Ân Xô làm Trợ lý của Tổng bí thư Tô Lâm và phụ trách Văn phòng Tổng bí thư.

Hiện ông Tô Lâm là ông chủ của Ban Bí thư, như vậy, Ban Bí thư quyết, cũng chính là Tô Lâm quyết.

Ông Tô Ân Xô mới chuyển từ Bộ Công an sang Phủ Chủ tịch chưa lâu, thì nay lại "tháo chạy" sang Văn phòng Tổng bí thư. Tô Lâm ở đâu, thì Tô Ân Xô sẽ ở đấy. Khi Tô Lâm kéo đồ đệ ra khỏi Phủ Chủ tịch, cho thấy, dấu hiệu Tô Lâm sắp rút khỏi ghế Chủ tịch nước.

Như vậy là, hiện nay, người của Bộ Công an đang tụ về Văn phòng Trung ương Đảng ngày một đông. Chuyển đến cơ quan này sớm nhất là Tướng Nguyễn Duy Ngọc, để dọn đường, thực hiện các bước chuẩn bị cho Tô Lâm đến sau. Giờ ông Tô Lâm đã trở thành chủ nhân của Văn phòng Trung ương Đảng, thì ông kéo đồ đệ thân tín sang phục vụ mình.

Ở chiều ngược lại, Đại tướng Lương Cường – Thường trực Ban Bí thư, rất có thể sẽ phải chuyển từ Ban Bí thư sang Phủ Chủ tịch. Nhiều nhà quan sát dự đoán, thời gian tới, cánh quân đội sẽ hình thành liên minh mới, còn Tô Lâm thì Công an hóa Ban Bí thư, để củng cố vững chắc cho chiếc ghế mà ông đang ngồi.

Việc nhả ghế Chủ tịch nước là một bước nhượng bộ của ông Tô Lâm. Bởi nhả chức này ra, thì quyền lực của ông không suy giảm, vì ghế Chủ tịch nước chỉ nặng tính nghi lễ, không thực quyền. Tuy nhiên, với cánh quân đội, nếu họ giành được ghế Chủ tịch nước, và hình thành được liên minh giữa người đứng đầu Phủ Chủ tịch và người đứng đầu Bộ Quốc phòng, thì liên minh này có thể gây bất lợi không nhỏ cho Tổng bí thư Tô Lâm.

Dư luận trước đây quan tâm đến vị trí Chủ tịch nước, vì sự "xui xẻo" liên tục của những người chủ chiếc ghế này, chứ không phải quan tâm đến quyền lực mà ghế này đem lại. Bởi chức vụ Chủ tịch nước thiên về nghi lễ, bị xem là "hữu danh vô thực". Chính vì vậy, chủ nhân chiếc ghế này có danh mà không có thực quyền, nên rất dễ bị xô đổ.

Tuy nhiên, một khi ghế này rơi vào tay phe quân đội, thì rất có thể, phe nhóm này sẽ toan tính để hình thành nên một thế lực mới, cân bằng với quyền lực của ông Tô Lâm hiện nay.

Với việc ông Tô Ân Xô chuyển từ Phủ Chủ tịch sang Văn phòng Tổng bí thư, cho thấy, ông Tô Lâm bị buộc phải nhường một phần quyền lực, đồng thời, trên chính trường đang nhen nhóm hình thành một thế lực mới. Nếu thành công, thế lực mới này có thể cân bằng với thế lực của Tô Lâm.

Ông Tô Lâm đã tiến chiếm ghế Tổng bí thư bằng cách sử dụng Bộ Công an, nên đã gây thù chuốc oán với rất nhiều thế lực khác trong Đảng. Muốn an vị trên "ngôi báu", ông phải tiếp tục dùng Bộ Công an, để kiểm soát đối thủ – những kẻ muốn hạ bệ ông. Thậm chí, ông cần phải dự đoán kẻ thù trong tương lai, và ra tay triệt hạ trước.

Phe quân đội có thuận lợi rất lớn, đó là, công an không được xen vào, không được điều tra. Do đó, công cụ mà ông Tô Lâm đã sử dụng rất hiệu quả, để hạ bệ các thế lực khác, sẽ không còn tác dụng đối với quân đội. Chính vì hiểu rõ điều này, nên ông Trọng đã kéo Tướng Lương Cường về trấn giữ Ban Bí thư, ngăn chặn các đòn tấn công của Tô Lâm đối với Ban này. Chỉ tiếc là, ông Trọng trám lỗ hổng này chưa lâu, thì đã qua đời.

Yếu điểm duy nhất của phe quân đội là manh mún, không đoàn kết. Chính vì thế, mới để Tô Lâm và phe Công an vượt lên. Đây là cơ hội để phe quân đội lấy lại vị thế, nếu không làm lúc này, thì rất khó có được cơ hội tốt hơn.

Vì nếu để Tô Lâm có thời gian củng cố lực lượng, muốn lấy lại vị thế rất khó.

Hoàng Phúc

Nguồn : Thoibao.de, 06/09/2024

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Trà My, Trần Chương, Hoàng Phúc
Read 287 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)