Ngày 3/9, sau khi kết thúc chuyến thăm chính thức Mông Cổ, Putin lên chuyên cơ tới vùng Viễn Đông để tham dự Diễn đàn Kinh tế phương Đông được tổ chức tại đây.
Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Mông Cổ Ukhnaagiin Khurelsukh hội đàm tại Ulaanbaatar vào ngày 3/9/2024. (Ảnh của Vyacheslav Prokofyev/Pool/AFP)
Chuyến thăm của Putin được thực hiện theo lời mời của Tổng thống Mông Cổ Ukhnaagiin Khürelsükh. Trong ba ngày, lãnh đạo hai nước đã tổ chức các cuộc hội đàm quy mô lớn và nhỏ, đồng thời trao đổi ý kiến về các vấn đề nóng trong khu vực và quốc tế. Sau các cuộc hội đàm, hai bên cũng đã ký kết một số văn kiện song phương.
Đối với thế giới bên ngoài, một điểm có ý nghĩa đột phá trong chuyến thăm của Putin nằm ở chỗ, Mông Cổ là một bên tham gia Quy chế Rome của Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC), nhưng Putin không hề gặp phải cái gọi là "lệnh bắt giữ" trong chuyến đi lần này.
Vượt qua sự phong tỏa ngoại giao của Mỹ và phương Tây
Sau khi cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine nổ ra, Mỹ và các nước phương Tây đã phát động các cuộc bao vây và ngăn chặn Nga trong lĩnh vực kinh tế và ngoại giao. Các số liệu thống kê liên quan cho thấy, Mỹ và các nước phương Tây đã áp đặt lệnh trừng phạt đối với gần 20.000 thực thể và cá nhân ở Nga, nhiều quốc gia đã đóng cửa không phận với Nga, hạn chế nhập cảnh đối với công dân Nga, thậm chí còn thông qua "lệnh bắt giữ" mà Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) ban hành đối với "tội ác chiến tranh" của Putin.
Chuyến thăm Mông Cổ cũng là chuyến thăm đầu tiên của Putin tới một quốc gia thành viên của ICC. Ý nghĩa đột phá của nó là điều không cần bàn cãi. Điều này càng chứng tỏ rằng ICC thiếu cơ chế thực thi hiệu quả và gần như không có khả năng kiểm soát Nga.
Trong lĩnh vực thương mại, nhiều nước lần lượt hủy bỏ quy chế tối huệ quốc của Nga và cấm mua, nhập khẩu hoặc vận chuyển năng lượng sản xuất tại Nga. Đồng thời, việc xuất khẩu dầu hỏa hàng không, chất bán dẫn tiên tiến, sản phẩm điện tử cao cấp… sang Nga cũng bị hạn chế. Do đó, Nga cần khẩn trương tăng cường hợp tác sâu rộng với các nước đối tác, tìm kiếm các thị trường nhập khẩu mới và chuyển đổi cơ cấu thị trường xuất nhập khẩu của Nga. Trước các lệnh phong tỏa ngoại giao và trừng phạt kinh tế, Nga cần đưa phạm vi ngoại giao vượt khỏi khu vực Liên Xô cũ để mở rộng phạm vi hợp tác, tăng doanh thu và củng cố sự ổn định của nền kinh tế.
Kể từ năm 2024, Putin đã đến thăm nhiều quốc gia, bao gồm Trung Quốc, Belarus, Triều Tiên, Việt Nam và Azerbaijan. Ông không chỉ tăng cường hợp tác an ninh với Belarus và Triều Tiên, mà còn cố gắng ổn định vòng tuần hoàn kinh tế, thương mại trong và ngoài nước qua chuyến thăm Trung Quốc và Việt Nam. Cũng có thể thấy rằng, Putin coi Châu Á là khu vực trọng điểm để phá bỏ sự phong tỏa của phương Tây tại các khu vực không thuộc Liên Xô cũ.
Việc quan chức cấp cao Mỹ thăm Mông Cổ đã kích thích Nga thúc đẩy chiến lược "Hướng Đông"
Mục đích chuyến thăm Mông Cổ của Putin cũng không thể tách rời khỏi bối cảnh quốc tế đặc biệt. Sau cuộc xung đột Nga – Ukraine, cuộc đối đầu giữa Nga với Mỹ và các nước phương Tây trở nên gay gắt và kéo dài, cán cân quyền lực quốc tế được điều chỉnh mạnh mẽ, trong khi cuộc cạnh tranh giữa các cường quốc cũng ngày càng gia tăng cả về quy mô lẫn cường độ.
Chỉ một tháng trước chuyến thăm của Putin, Mỹ và Mông Cổ đã tiến hành các chuyến thăm hỏi ngoại giao lẫn nhau. Đầu tiên, vào ngày 23/7, Bộ trưởng Ngoại giao Mông Cổ B. Battsetseg đã đến thăm Mỹ và hội đàm với Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken. Hai bên không chỉ thảo luận về các bước cụ thể nhằm thúc đẩy quan hệ Mỹ – Mông Cổ và tăng cường hơn nữa quan hệ đối tác chiến lược láng giềng thứ ba giữa hai nước, mà còn khởi động đối thoại chiến lược toàn diện Mỹ – Mông Cổ kỳ đầu tiên, nhấn mạnh rằng hai nước nên tăng cường hợp tác chiến lược, bao gồm tăng trưởng kinh tế và năng lượng, dân chủ và nhân quyền, cũng như trao đổi giáo dục và văn hóa.
Tiếp đó vào ngày 1/8, Blinken đến thăm Mông Cổ. Đây là chuyến thăm Mông Cổ đầu tiên của Ngoại trưởng Mỹ sau 8 năm. Trước cuộc gặp với Ngoại trưởng Mỹ, Tổng thống Mông Cổ Khürelsükh cho biết, một trong những ưu tiên trong chính sách đối ngoại của Mông Cổ là tăng cường hơn nữa quan hệ với Mỹ, Mông Cổ đánh giá cao nỗ lực của Mỹ trong việc mở rộng và củng cố hơn nữa quan hệ song phương Mông Cổ – Mỹ trong khuôn khổ chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Trong chuyến thăm của Blinken, Mỹ và Mông Cổ tuyên bố hai bên sẽ hợp tác hơn nữa trong khuôn khổ các dự án thuộc các lĩnh vực như khoáng sản, năng lượng và giáo dục…
Trên thực tế, kể từ khi Mỹ định vị quan hệ Mỹ – Mông Cổ là "láng giềng thứ ba" vào những năm 1990, quan hệ giữa hai nước đã không ngừng được củng cố. Trong bối cảnh cạnh tranh giữa các cường quốc hiện nay, quan hệ Mỹ – Mông Cổ cũng được thêm vào nhiều nội hàm về chính trị quốc tế như tăng cường quan hệ đồng minh và đối tác Mỹ – Đông Á, dệt nên mạng lưới đối tác ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, cũng như ứng phó với các thách thức chiến lược của Trung Quốc và Nga.
Đối với Mỹ, việc tăng cường quan hệ Mỹ – Mông Cổ không chỉ có thể làm suy yếu thêm ảnh hưởng của Nga ở Trung Á và làm phân tán sức mạnh chiến lược của nước này, mà còn có thể phối hợp cùng cuộc cạnh tranh chiến lược với Trung Quốc ở cấp độ chính trị và kinh tế, qua đó đặt một "cái chêm" vào Trung Á để đồng thời kiềm chế cả Trung Quốc và Nga. Năm 2019, chính quyền Trump đã nâng quan hệ Mỹ – Mông Cổ lên cấp đối tác chiến lược và đưa ra "Đạo luật thương mại cho nước láng giềng thứ ba", trong đó miễn thuế cho len cashmere và các loại hàng dệt may khác nhập khẩu từ Mông Cổ, nhằm hạn chế sự phát triển quốc tế hóa của ngành len cashmere Trung Quốc.
Mối quan hệ gần gũi hơn giữa Mỹ và Mông Cổ đương nhiên thu hút sự chú ý của Nga. Nhìn từ góc độ hiện thực, việc thế lực Mỹ và phương Tây lan rộng ở Trung Á đã đe dọa trực tiếp đến an ninh của Nga. Vị trí địa lý đặc biệt của Mông Cổ quyết định giá trị địa chính trị của nước này đối với cửa ngõ chiến lược của Nga. Sau Chiến tranh Lạnh, mặc dù Mông Cổ đã độc lập tự chủ khỏi Liên Xô, nhưng Nga và Mông Cổ vẫn duy trì mối liên kết chặt chẽ về an ninh và kinh tế.
Trong chuyến thăm Mông Cổ năm 2019, Putin đã ký kết Hiệp ước hữu nghị và quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Tổng thống Mông Cổ Battulga, qua đó nâng mối quan hệ hai nước lên một tầm cao mới. Hiệp ước này không chỉ bao gồm các cam kết về an ninh chung, mà còn đề cập đến hợp tác kinh tế song phương có lợi hơn cho Nga. Đường ống dẫn khí đốt tự nhiên "Siberia-2", một dự án hợp tác năng lượng giữa Trung Quốc – Nga – Mông Cổ, cũng đi qua Mông Cổ. Vì vậy, bất kỳ sự can thiệp nào của thế lực bên ngoài vào Mông Cổ đều sẽ làm dấy lên sự nghi ngờ và cảnh giác của Nga.
Hiện nay, cuộc xung đột Nga – Ukraine đang diễn ra gay gắt. Dù có lợi thế nhất định nhưng quân đội Nga khó có thể giành chiến thắng nhanh chóng trước sự kháng cự của quân đội Ukraine vốn được NATO hỗ trợ. Trong khi đó, Nga liên tục bị tấn công, điều này làm suy giảm tầm ảnh hưởng và quyền kiểm soát của nước này tới các quốc gia thành viên Cộng đồng các Quốc gia Độc lập ở Trung Á. Việc lãnh đạo, quan chức chính phủ Mỹ và các nước phương Tây thường xuyên đến thăm Mông Cổ được cho là nhằm làm suy yếu triệt để ảnh hưởng của Nga và gạt thế lực nước này ra khỏi Trung Á. Điều này cũng trực tiếp thúc đẩy Putin tới thăm Mông Cổ để củng cố ảnh hưởng của Nga đối với nước này.
Về mặt lịch sử, Nga, với tư cách là một cường quốc "lâu đời", có mỗi bất an đặc biệt đối với "phạm vi ảnh hưởng" của mình. Về mặt địa lý, "phạm vi ảnh hưởng" này bao gồm các quốc gia thành viên thuộc Liên Xô cũ ở Đông Âu và Trung Á, như Ukraine và Mông Cổ. Vì vậy, khi các thế lực "thù địch" của Nga như Mỹ và phương Tây tiếp tục xâm nhập Trung Á và NATO tiếp tục bành trướng sang Trung và Đông Á, Nga chắc chắn sẽ có những biện pháp "ăn miếng trả miếng".
Củng cố quan hệ Nga-Mông Cổ là một phần quan trọng trong chiến lược "Hướng Đông" của Nga
Về lâu dài, quan hệ Nga-Mông Cổ cũng là một phần quan trọng trong chiến lược "Hướng Đông" của Nga. Một mặt, Nga có rất ít sự đồng thuận với cái mà phương Tây gọi là "trật tự quốc tế dựa trên luật lệ" và tự cho rằng mình đã bị "bỏ lại" trong quá trình toàn cầu hóa do Mỹ dẫn dắt. Ngày 14/6 năm nay, tại cuộc họp về quan hệ đối ngoại và các vấn đề liên quan khác do lãnh đạo Bộ Ngoại giao Nga tổ chức, Tổng thống Putin tuyên bố : Những quy tắc truyền thống do các nước phương Tây đặt ra đã không còn giá trị và cảm giác ưu việt truyền thống của Châu Âu cũng không còn tồn tại.
Nói một cách tương đối, Á-Âu hiện đang trong trạng thái tương đối bình đẳng. Sự phát triển kinh tế nhanh chóng của khu vực Châu Á-Thái Bình Dương, đặc biệt là dưới sự thúc đẩy của chiến lược "Một vành đai, một con đường" của Trung Quốc và ảnh hưởng của tuyến đường sắt Trung Quốc-Châu Âu, đã bắt đầu làm lung lay cơ cấu kinh tế Á-Âu truyền thống, từ đó ảnh hưởng đến cục diện địa chính trị.
Mặt khác, trong bối cảnh bị Mỹ và các nước phương Tây trừng phạt và phong tỏa lâu dài, Nga buộc phải hướng sự chú ý sang phía Đông và tìm kiếm đối tác mới ở các nước Châu Á và các nước thuộc phương Nam toàn cầu để duy trì sức sống của nền kinh tế trong nước và tầm ảnh hưởng quốc tế của mình. Một số học giả ở Nga tin rằng, việc Nga nghiêng về phương Nam toàn cầu cùng Tây Á, Nam Á và Trung Á mang tính chiến lược và lâu dài, và "kỷ nguyên mà Châu Âu làm hình mẫu cho Nga đã kết thúc".
Mông Cổ tất nhiên có ý nghĩa chiến lược đặc biệt đối với Nga. Nước này không chỉ phụ thuộc nhiều vào Nga về kinh tế và năng lượng, mà vị trí địa lý của nó cũng đóng vai trò quan trọng trong việc điều tiết và củng cố quan hệ Nga-Trung. Theo Thông tấn xã Vệ tinh Nga, kể từ đầu năm nay, khối lượng thương mại giữa Nga và Mông Cổ đã tăng 21% so với cùng kỳ năm ngoái. Hai bên đang thảo luận sâu hơn về hiệp định thương mại tự do và dự án Hành lang kinh tế Nga – Mông Cổ – Trung Quốc.
Từ quan điểm của Mông Cổ, việc tìm kiếm không gian sinh tồn tốt hơn trong cuộc cạnh tranh giữa các cường quốc đòi hỏi trí tuệ và kỹ năng. Là quốc gia nội lục nằm giữa Trung Quốc và Nga, Mông Cổ luôn là tâm điểm trong chính sách đối ngoại của các cường quốc bên ngoài. Trước nỗi lo bị các cường quốc kiểm soát và xâm lược, Mông Cổ đã thực thi mạnh mẽ đường lối ngoại giao "cân bằng" và "nước láng giềng thứ ba" trong những năm gần đây, nỗ lực phát triển quan hệ cân bằng với Trung Quốc và Nga, coi Trung Quốc và Nga là hai nước láng giềng bình đẳng, đồng thời dựa vào "lực lượng thứ ba có sức ảnh hưởng trong việc bảo đảm an ninh quốc gia của đất nước", tức "nước láng giềng thứ ba", để kiềm chế hai nước Trung Quốc và Nga, mà Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và các nước Châu Âu đều thuộc phạm trù này. Theo đó, Mông Cổ đã tổ chức liên tiếp 9 kỳ hội nghị quốc tế "Đối thoại Ulaanbaatar" về an ninh Đông Bắc Á, nhằm phối hợp lập trường của các bên và duy trì quan hệ với tất cả các bên.
Có thể hiểu về xuất phát điểm của Mông Cổ, nhưng trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt giữa các cường quốc, Mông Cổ dần bị cuốn vào cuộc cạnh tranh giữa Mỹ và Nga, đồng thời vị thế "trung gian" của nước này cũng đang đối diện với những thách thức. Theo thiết kế ban đầu, chính sách đối ngoại "nước láng giềng thứ ba" nhằm duy trì tính trung lập, không chọn phe và cân bằng quan hệ với các nước lớn. Đối với Mông Cổ, việc phát triển quan hệ chính trị và kinh tế với các "nước láng giềng thứ ba" như Mỹ chắc chắn có lợi cho việc bảo vệ vị thế trung lập và độc lập chủ quyền của mình. Mặt khác, chính sách này cũng sẽ khiến Mông Cổ phải đối mặt với sự cảnh giác và không hài lòng của các cường quốc.
Sự phụ thuộc sâu sắc về kinh tế và năng lượng của Mông Cổ vào Nga quyết định tầm quan trọng của quan hệ Nga-Mông Cổ. Trong một cuộc phỏng vấn với trang Politico, đại diện Mông Cổ cho biết, 95% sản phẩm dầu mỏ và hơn 20% điện năng của Mông Cổ phụ thuộc vào việc nhập khẩu từ nước láng giềng. Một số người thậm chí còn chỉ ra rằng, Nga nắm 50% quyền sở hữu đối với một số dự án khai thác và cơ sở hạ tầng quan trọng ở Mông Cổ. Do đó, Mông Cổ cũng cần kịp thời duy trì quan hệ với Nga và truyền đi tín hiệu trung lập với Nga và thế giới bên ngoài.
Nhìn chung, trong bối cảnh cạnh tranh nước lớn, một nước Nga vốn bị xã hội phương Tây cô lập cần tăng cường hợp tác với Mông Cổ để mở rộng không gian ngoại giao của mình. Xét đến chính sách đối ngoại trung lập và sức mạnh tương đối yếu của Mông Cổ, mặc dù chuyến đi lần này của Putin chỉ có thể mang lại kết quả thực chất tương đối hạn chế, nhưng ở một mức độ nhất định vẫn có thể vượt khỏi sự phong tỏa ngoại giao của phương Tây và mở rộng quan hệ đối tác ở Châu Á. Trong bối cảnh lệnh "bắt giữ" của ICC, cũng có thể hiểu động thái này của Putin là sự khinh thường dành cho Mỹ và các nước phương Tây, đồng thời cũng thể hiện năng lực kiểm soát của Nga đối với hướng đi của cuộc xung đột Nga – Ukraine.
Đối với Trung Quốc, cần chú ý đến sự thúc đẩy thực chất của dự án hợp tác đường ống dẫn khí đốt tự nhiên Nga – Mông Cổ ; củng cố và phát triển quan hệ Trung-Nga không liên minh, không đối đầu và không nhắm vào nước thứ ba ; dựa trên nguyên tắc tôn trọng lẫn nhau, đối xử bình đẳng và hợp tác đôi bên cùng có lợi ; tiếp tục tăng cường hợp tác với Nga và Mông Cổ ; ngăn chặn xung đột ; đồng thời nỗ lực duy trì hòa bình và ổn định trong khu vực.
Trung Phi Đằng, Trương Hân
Nguồn : 张昕、钟飞腾:普京此访,是给蒙古国和美西方提个醒, Guancha, 04/09/2024.
Lê Thị Thanh Loan biên dịch
Nguồn : Nghiên cứu quốc tế, 09/09/2024
Tác giả Trung Phi Đằng là giám đốc Trung tâm nghiên cứu an ninh khu vực, nghiên cứu viên tại Viện Chiến lược toàn cầu và Châu Á-Thái Bình Dương, Viện Khoa học xã hội Trung Quốc ; Trương Hân là nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Đại học Viện Khoa học xã hội Trung Quốc.