Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

10/09/2024

Quyền lực của Tổng bí thư - Chủ tịch nước Tô Lâm đang bị thách thức

Trà My

Khi nào phe tướng lĩnh Quân đội sẽ "tính sổ" với Tổng bí thư Tô Lâm ?

Trà My, Thoibao.de, 10/09/2024

Sự tranh chấp quyền lực giữa Tổng bí thư Tô Lâm và phe cánh, với phần còn lại của lãnh đạo cấp cao trong Đảng có nhiều chỉ dấu sẽ không có hồi kết.

tolam1

Tổng bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm phát biểu nhậm chức. Ảnh : Trí Dũng/TTXVN

Trước lưỡi hái tử thần mà cựu Bộ trưởng Công an đã từng sử dụng để loại bỏ các đối thủ chính trị trong Đảng, đã buộc toàn thể lãnh đạo Đảng kể cả giới tướng lĩnh quân đội phải siết chặt tay nhau, để tạo thành một khối thống nhất, chống lại nguy cơ sẽ bị biến thành củi.

Trong bối cảnh, Tổng bí thư Tô Lâm đã sớm nhận ra bản thân mình bộc lộ tham vọng quá sớm, trong lúc còn thiếu uy tín trong Đảng. Việc Tổng bí thư Tô Lâm được cho là đã "chủ động" nhường lại chức vụ Chủ tịch nước, là để giảm bớt các áp lực trong Đảng. Tuy nhiên Tổng bí thư Tô Lâm đang ở trong tình thế leo lên lưng cọp.

Theo giới quan sát, trong những ngày gần đây, khi Tổng bí thư Tô Lâm thể hiện chính sách thân Hoa Kỳ và phương Tây, và ở chiều ngược lại cố gắng rời xa Bắc Kinh. Điều đó đã khiến cho thế lực bảo thủ, thân Trung Quốc lập tức có những dấu hiệu đáp trả.

Việc ban đảng của Tướng Lương Cường bắt tay với Ban Tuyên giáo Trung ương của Tướng Nguyễn Trọng Nghĩa, tấn công gán ghép Đại học Fulbright "làm cách mạng màu", để phá hoại biểu tượng của mối quan hệ Việt – Mỹ. Đáp lại, bên cạnh việc mở văn phòng thường trú của báo The New York Times, ông Tô Lâm đã chỉ đạo Bộ Công an tiến hành kiểm tra Công ty Vina Games, với ứng dụng Zalo có nguồn gốc công nghệ, cũng như do Trung Quốc đứng phía sau thao túng.

Lập tức, phe chống Tô Lâm chiếm số đông trong Đảng đã cho lật "hồ sơ" vụ việc Tổng bí thư Tô Lâm bổ nhiệm Trung tướng Tô Ân Xô, giữ chức vụ Trợ lý Tổng bí thư và phụ trách Văn phòng Tổng bí thư, với cáo buộc làm trái quy định, nhằm gây áp lực với Tổng bí thư.

Theo giới thạo tin tiết lộ, việc ông Tô Ân Xô trước khi được bổ nhiệm làm trợ lý Tổng bí thư Tô Lâm, luôn có mặt tại hầu hết các cuộc họp của Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các chuyến công tác quan trọng của Tổng bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm. Hơn nữa, ông Tô Ân Xô năm nay đã 61 tuổi. Căn cứ theo Bộ luật Lao động quy định, độ tuổi nghỉ hưu của nam là 60 tuổi. Như vậy, ông Xô đã quá độ tuổi theo quy định. Điều đó đã làm cho một bộ phận không nhỏ lãnh đạo Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đặc biệt các tướng lĩnh Quân đội tỏ ra không hài lòng.

Việc bổ nhiệm vị trí Bộ trưởng Bộ Công an cho Thượng tướng Lương Tam Quang, trong khi chưa đủ tiêu chuẩn để xét vào Bộ Chính trị, rồi sau đó ngay lập tức "đưa" ông Quang vào Bộ Chính trị. Tương tự như việc đưa Thượng tướng Nguyễn Duy Ngọc ngồi ghế Chánh Văn phòng Trung ương, rồi đưa thẳng vào Ban Bí thư, mặc dù chưa là Ủy viên Bộ Chính trị.

Thời gian từ nay tới Hội nghị Trung ương 10 chỉ còn chưa đầy một tháng, đó là thời điểm ông Tô Lâm phải san sẻ chức Chủ tịch nước cho phe quân đội, và chỉ giữ duy nhất chức vụ Tổng bí thư. Đây có thể là một bước ngoặt đánh dấu sự suy yếu quyền lực của Tổng bí thư Tô Lâm. Nhưng ở chiều ngược lại, phe quân đội sẽ nắm giữ chức Chủ tịch nước – vị trí thống lĩnh các lực lượng vũ trang.

Kể cả thứ quyền lực "đen" của ông Tô Lâm và Bộ Công an với kho dữ liệu các hồ sơ "nhúng chàm" của các quan chức cấp cao, cũng khó có thể phát huy được hiệu lực như trước đây.

Rất có thể, phe tướng lĩnh quân đội sẽ trở thành, và đóng vai trò trung tâm "đoàn kết", để thực hiện kế hoạch "bẫy" ông Tô Lâm ra khỏi chiếc ghế Tổng bí thư, trong các kỳ họp Trung ương cuối nhiệm kỳ Đại hội 13, bàn về công tác nhân sự.

Trà My

**************************

Vấn đề kê khai tài sản cán bộ và trách nhiệm của Tổng bí thư Tô Lâm ?

Trà My, Thoibao.de, 10/09/2024

Ngày 6/9, tại phiên họp của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, về công tác phòng chống tham nhũng năm 2024, Phó Chủ nhiệm Nguyễn Mạnh Cường khẳng định, nhiều trường hợp cán bộ lãnh đạo sau khi cơ quan Điều tra khám xét, mới phát hiện khối tài sản lớn không kê khai, không rõ nguồn gốc.

tolam2

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga phát biểu tại Phiên họp. (Ảnh : quochoi.vn)

Theo báo cáo của Tổng Thanh tra Chính phủ, 6 tháng đầu năm 2024, có 2.518 người được xác minh việc kê khai, chỉ có 4 người bị kỷ luật do kê khai tài sản, thu nhập không trung thực. Ủy ban Tư pháp Quốc hội cho rằng, kết quả phát hiện, xử lý các trường hợp kê khai tài sản, thu nhập không trung thực, còn chưa tương xứng với tình hình thực tế.

Trên mạng xã hội, nhiều ý kiến đồng tình cho rằng, việc kê khai tài sản đối với các đối tượng thuộc diện cần phải giám sát theo quy định, lâu nay hoàn toàn chỉ mang tính hình thức, chỉ nhắm vào giới chức cấp thấp, trong bộ máy nhà nước và chưa được coi trọng. Kể cả cố Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng lúc sinh thời cũng tránh né, khi cho rằng, vấn đề kê khai tài sản có liên quan đến các thông tin cá nhân riêng tư là vấn đề nhạy cảm.

Chỉ cần nhìn vào các trường hợp nổi cộm gần đây, về sự giàu có bất thường của cựu Chủ tịch huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai Nguyễn Thị Giang Hương. Bà Hương bị kỷ luật vì "kê khai tài sản không trung thực", sau khi bị lộ vụ bị lừa 171 tỷ đồng. Hay mới nhất là trường hợp cựu Bí thư Bến Tre Lê Đức Thọ, cũng bị kỷ luật và khởi tố bắt giam, với lý do giàu bất chính.

Công khai minh bạch tài sản quan chức là một trong những yếu tố quan trọng, quyết định sự thành công của công cuộc phòng chống tham nhũng ở mọi quốc gia, kể cả ở Việt Nam. Tuy nhiên, trong 3 nhiệm kỳ trên cương vị Tổng bí thư, ông Trọng đã không quan tâm ở mức cần thiết.

Đó là lý do, hầu hết các lãnh đạo ở tất cả các cấp, từ Trung ương tới địa phương, giàu có một cách bất thường, nhưng không cần thiết phải che giấu.

Trường hợp cựu Ủy viên Trung ương Đảng Lê Đức Thọ, cựu Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre, cựu Chủ tịch Ngân hàng Vietinbank, bị truy tố mới đây, là một minh chứng. Trước khi bị khởi tố bắt giam, ông Lê Đức Thọ đã bị xử lý kỷ luật, với lý do không giải trình được số tiền hơn 3 ngàn tỷ trong tài khoản ngân hàng. Đó là chưa kể đến số cổ phần, trái phiếu, với giá trị khoảng 1 ngàn tỷ.

tolam3

Ông Lê Đức Thọ, cựu Ủy viên Trung ương Đảng Lê Đức Thọ, cựu Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre, cựu Chủ tịch Ngân hàng Vietinbank bị truy tố về tội nhận hối lộ và lợi dụng chức vụ

Mở rộng điều tra với nghi can Lê Đức Thọ, theo kết luận điều tra vụ án xảy ra tại Công ty Xuyên Việt Oil, của Cục An ninh Điều tra A09, Bộ Công an, ông Thọ, bị truy tố tội nhận hối lộ và lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi.

Theo đó, tổng số tiền hối lộ mà ông Thọ nhận từ bị cáo Mai Thị Hồng Hạnh, lãnh đạo Công ty Xuyên Việt Oil, lên đến hơn 1 triệu USD.

Công luận đặt câu hỏi, vậy còn có bao nhiêu người kê khai tài sản không trung thực khác ? Và mong muốn, Tổng bí thư Tô Lâm cần có giải pháp để xử lý triệt để ?

Công luận thấy rằng, chủ trương khi quan tham bị lộ, nếu là lãnh đạo từ cấp ủy viên Trung ương trở lên, thì cho phép "chủ động" xin thôi chức và nộp lại 2/3 tài sản tham nhũng, sẽ chỉ bị xử lý hành chính, hay kỷ luật trong nội bộ Đảng. Đây thực chất là chính sách khuyến khích tham nhũng.

Theo giới thạo tin, Bí thư Lê Đức Thọ là đàn em đồng hương Phú Thọ, của cựu Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình – kẻ sau Đại hội Đảng 12 đã bỏ cựu Thủ tướng Ba Dũng, để về dưới trướng Tổng bí thư Trọng. Tại Hội nghị Trung ương 8 khóa 13, trong tiến trình kế hoạch đảo chính không tiếng súng, Bí thư Thọ đã bị Bộ trưởng Tô Lâm loại trừ.

Đó là lý do vì sao, trước khi Tổng bí thư Trọng qua đời, vẫn có nhiều thắc mắc về trách nhiệm của ông, trong vai trò Trưởng tiểu ban Nhân sự Đại hội 13, vì sao lại chọn sai Lê Đức Thọ, và có liên quan gì đến khối tài sản vài ngàn tỷ do tham nhũng mà có hay không ?

Trà My 

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Trà My
Read 152 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)