Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

09/09/2024

Tân Tổng bí thư Tô Lâm khẳng định tính chính danh và điều gì tiếp theo ?

Doãn An Nhiên

Tân Tổng bí thư Tô Lâm khẳng định tính chính danh và điều gì tiếp theo ?

Doãn An Nhiên, RFA, 09/09/2024

Việt Nam đang chứng kiến bước ngoặt của chế độ Đảng cộng sản toàn trị trong giai đoạn thoái trào và, sự khủng hoảng kế nhiệm là một trong những chỉ dấu rõ rệt cho thấy những thay đổi khó lường đang diễn ra.

chinhdanh1

Tổng bí thư Tô Lâm phát biểu tại họp báo ở Hà Nội hôm 3/8/2024 - Nhac Nguyễn / AFP

Ngày 3/8/2024 ông Chủ tịch nước Tô Lâm được chọn làm Tổng bí thư tại Hội nghị ‘bất thường’ Ban chấp hành trung ương khóa 13, chấm dứt thời gian ‘tạm quyền’ hơn 20 ngày kể từ khi ông Nguyễn Phú Trọng qua đời ngày 19/7 khi đương nhiệm. Vị Tổng bí thư tiền nhiệm đã phá bỏ những ràng buộc hạn chế tha hóa quyền lực để ở lại thêm kỳ thứ ba (2021-2026) Đại hội lần thứ 13 của Đảng cộng sản Việt Nam. Theo đuổi chủ nghĩa xã hội dựa trên tư tưởng Mác – Lênin, đồng thời với việc đẩy mạnh chiến dịch "đốt lò" chống tham nhũng, ông đã kỷ luật và loại bỏ hàng chục nghìn đảng viên lãnh đạo và tổ chức đảng. Đặc biệt vào những tháng cuối đời của ông, 7/18 ủy viên Bộ chính trị, 15% số ủy viên Ban chấp hành trung ương (cơ quan quyền lực cao nhất của Đảng cộng sản), đã bị thanh trừng. Điển hình là trong thời gian ngắn những nhân vật – các ứng viên được cho là "tiềm năng" kế vị như các ông Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, Chủ tịch quốc hội Vương Đình Huệ và bà Thường trực Ban bí thư Trương Thị Mai phải từ nhiệm… Điều chưa từng xảy ra trong thời kỳ Đổi mới từ năm 1986 của lịch sử cầm quyền bởi Đảng cộng sản Việt Nam.

Mô hình chế độ đảng cộng sản toàn trị là một hệ thống chính trị mà đảng - nhà nước nắm giữ quyền lực tập trung đối với mọi khía cạnh của đời sống xã hội và cá nhân. Trong kiểu chế độ này, đảng cộng sản là đảng chính trị duy nhất, do người đứng đầu - tổng bí thư lãnh đạo, ông ấy có quyền lực tuyệt đối và "không thể thiếu" trong guồng máy chính trị. Như mọi chế độ tập quyền, chẳng hạn phong kiến không thể thiếu vua dù chỉ ‘một ngày’, chế độ Đảng cộng sản toàn trị không thể không có "tổng bí thư". Khác với ‘thiên định’ cha truyền con nối dưới thời phong kiến, cương vị tổng bí thư đảng phải, dù đôi khi là hình thức, được bầu tại Đại hội toàn quốc đảng cộng sản. Bởi vậy, sự kế nhiệm "bất thường" luôn dẫn đến nhiều đồn đoán và mọi ánh mắt đang dõi theo các động thái của vị tân tổng bí thư Tô Lâm. Ông Tô Lâm khẳng định tính chính danh thế nào ? Nguồn gốc an ninh của ông ấy xác quyết những ưu tiên là duy trì chế độ thay vì thúc đẩy chuyển đổi dân chủ ?

chinhdanh2

Phần 1

Khẳng định tính chính danh

Chế độ toàn trị ‘không thể’ sụp đổ bởi tính lôgíc thăng trầm theo chu kỳ của nó [1]. Theo Zbigniew Brzezinski, nhà nghiên cứu nổi tiếng về chế độ toàn trị, mô hình hiện đại của kiểu chế độ này không thể bị diệt vong thông qua cuộc nổi dậy nội bộ trừ khi điều đó xảy ra vào thời điểm nguy hiểm ‘chết người’ từ một thách thức bên ngoài, kể cả trong bối cảnh khủng hoảng kế nhiệm [2]. Cơ sở này được Francis Fukuyama, khi nghiên cứu ‘hai nguồn’ [3] của chế độ tập quyền đảng cộng sản Trung Quốc, đưa ra nhận xét rằng chế độ toàn trị sẽ chỉ sụp đổ từ "bên trên". Giới lãnh đạo toàn trị cộng sản thường ‘đổ lỗi’ cho cố tổng bí thư Đảng cộng sản Liên Xô M. Gorbachov về sự suy vong mô hình Xô-Viết và sự tan rã của hệ thống xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu. Coi đó như một bài học khi cải cách chuyển đổi thị trường, và để đề phòng, ngăn chặn "từ sớm từ xa" nguy cơ này, giới lãnh đạo toàn trị (cả hai Đảng cộng sản  Trung Quốc và Việt Nam) đã tăng cường chính sách "an ninh chế độ", trong đó trọng tâm là "an ninh ý thức hệ" [4] và đồng thời đề phòng xu hướng "tự diễn biến, tự chuyển hóa" trong nội bộ.

Điều trên đã giải thích cho việc ông Tô Lâm có những động thái quyết đoán, thậm chí đã có đồn đoán về sự "tiếm quyền" [5] tổng bí thư khi ông Trọng qua đời giữa nhiệm kỳ mà chưa ‘tìm được’ người kế vị. Ngày 22/5/2024, trước hơn một tháng khi ông Trọng qua đời ông Tô Lâm làm Chủ tịch nước. Ngày 18/7/2024, trước khi ông Trọng mất một ngày, ông được phân công chủ trì 'thay thế". Ngày 3/8/2024 ông Tô Lâm được chọn làm Tổng bí thư với 100% số phiếu từ Ban chấp hành Trung ương… Ông Tô Lâm đã ‘chớp’ thời cơ "quản lý" khủng hoảng để bảo vệ và duy trì chế độ.

Tân Tổng bí thư Tô Lâm sử dụng cơ chế ‘đã được chuẩn bị’ như bộ máy an ninh khổng lồ theo Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở (2023). Bộ máy này được ‘ưu tiên’ cấp kinh phí lớn nhất, được tăng cường trang thiết bị hiện đại chống khủng bố. Và, hơn thế, nó được ‘luật hóa’ để duy trì ưu thế sử dụng sức mạnh, từ việc "ngăn ngừa từ sớm, từ xa" theo Luật Phòng thủ Dân sự (2023), trấn áp bạo động theo Luật Cảnh sát Cơ động (2022), đàn áp bất đồng chính kiến và xã hội dân sự, giám sát công dân theo Luật An ninh mạng (2018)… cho đến việc ‘bảo vệ’ nhà riêng các lãnh đạo chóp bu theo Luật cảnh vệ sửa đổi (2024).

Với ‘ưu thế’ quyền lực như vậy tân Tổng bí thư Tô Lâm khẳng định tính chính danh khi ‘biến’ cái "bất thường" trở thành "bình thường", điển hình trong công tác kiện toàn nhân sự lãnh đạo chủ chốt Đảng và Chính phủ ở cấp trung ương. Các hội nghị bất thường của Trung ương Đảng và Quốc hội thay phiên diễn ra và, trong một thời gian ngắn việc kiện toàn nhân sự đảng được thực hiện khẩn trương, bổ sung các ủy viên mới cho Bộ chính trị và Ban bí thư. Bỏ qua một số tiêu chuẩn cứng và quy trình tuyển chọn lãnh đạo, ông Tô Lâm đã bổ nhiệm, cất nhắc những đồng nghiệp an ninh và đồng hương, ngụ ý nhấn mạnh yếu tố trung thành, nắm giữ các vị trí chủ chốt của bộ máy lãnh đạo đảng như các trợ lý, chánh văn phòng Trung ương, tân Bộ trưởng công an, Ban kiểm tra Trung ương… Đồng thời với kiện toàn các nhân sự đảng, ngày 26/8/2024 một loạt lãnh đạo chính phủ cũng được bổ sung, miễn nhiệm tại Kỳ họp bất thường thứ 8 của Quốc hội khóa 15, tại đây, các ông nguyên chánh án Tòa tối cao Nguyễn Hòa Bình, ông nguyên Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc và ông bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn được bổ nhiệm làm các phó thủ tướng mới… Trong số "mới" có ông tân Bộ trưởng Bộ tư pháp Nguyễn Hải Ninh, Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa, người đồng hương với Tổng bí thư có quê ở Khoái Châu, Hưng Yên [6]. Tất nhiên, ngoài những ‘tay hòm chìa khoá’ cho tập trung quyền lực tuyệt đối, có những nhân vật ‘bí ẩn’ như ông Tô Ân Xô, một vị tướng công an quan trọng, từng là Đại diện Lãnh sự quán Việt Nam ở Houston, Hoa Kỳ [7], được sử dụng như một quân sư, luôn sát cánh bên ông Tô Lâm, cũng gây sự chú ý.

Khẳng định tính chính danh là một quá trình với nhiều thủ thuật, mà việc sử dụng ưu thế quyền lực, gieo rắc nỗi sợ hãi trong bối cảnh quan chức tham nhũng nghiêm trọng và đàn áp quyền tự do dân chủ chỉ là một phần của câu chuyện và thường tạo ra sự ‘im lặng, nghe ngóng’, không thể bền vững. Phần lớn của câu chuyện cho các nhà lãnh đạo là làm sao cho người ta phục, người ta tin thì ít chính trị gia làm được…

chinhdanh2

Tổng bí thư Tô Lâm tại họp báo ở Trung tâm Hội nghị Quốc gia ở Hà Nội hom 3/8/2024 - Nhac Nguyễn / AFP

Phần 2

Ưu tiên số Một – duy trì chế độ

Trong phần 1 bài viết lưu ý về "tính hợp lý" của chế độ toàn trị và, nó không thể sụp đổ, thậm chí trong các cuộc khủng hoảng kế vị, nếu không có những biến cố lớn từ bên ngoài… Với những ưu thế về quyền lực, tân Tổng bí thư Tô Lâm đang khẳng định tính chính danh của mình trước hết trong nội bộ Đảng, nhưng việc xác định tính chính danh cho Đảng, cho chế độ trước nhân dân thông qua bầu cử thực chất sẽ là không thể. Trong thời khắc chuyển giao quyền lực ưu tiên số một vẫn là duy trì chế độ.

Việc khẳng định tính chính danh trên trường quốc tế là ‘nước cờ’ tiếp theo, khôn ngoan và khó đoán định đối với nhà lãnh đạo đảng cộng sản toàn trị. Việc thăm chính thức Trung Quốc của ông tân Tổng bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm vào ngày 18/8/2024, nghĩa là chỉ hai tuần sau khi được Ban chấp hành trung ương Đảng bầu, khiến cho các nhà quan sát chính trị chú ý. Nó, cũng như mọi lần, luôn được tuyên truyền là thành công tốt đẹp [8], nhưng mang nhiều ý nghĩa, chẳng hạn, không chỉ tiếp tục chính sách "ngoại giao cây tre" mà còn về quan hệ kinh tế, địa chính trị trong bối cảnh thế giới phức tạp, khó lường, trong đó có cuộc cạnh tranh Trung - Mỹ. Để ‘cân bằng’, có tin ‘chưa chính thức’ từ truyền thông rằng ông Tô Lâm sẽ thăm Hoa Kỳ vào tháng 9/2024 trong dịp kỳ họp Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc ở New York…

Và, rồi sau đó, theo ông Tổng thư ký Quốc hội, Cơ quan này sẽ tiến hành bầu chức danh chủ tịch nước vào kỳ họp tháng 10/2024, hé lộ khả năng ông Tô Lâm sẽ thôi kiêm nhiệm chức danh chủ tịch nước vào dịp Hội nghị Ban chấp hành trung ương lần thứ 10 được nhóm họp, như thông lệ, trước kỳ họp Quốc hội… Điều này có nghĩa là nguyên tắc tập thể, mặc dù yếu đi" dưới thời cố Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, nhưng dường như vẫn sẽ vận hành, khác biệt với Đảng cộng sản Trung Quốc, để duy trì chế độ. Hãy chờ xem sự thể thế nào. Tuy nhiên, theo tôi, sự tương đồng ý thức hệ với "cộng đồng chia sẻ tương lai" sẽ là yếu tố ảnh hưởng nhất đối với Đảng cộng sản Việt Nam.

Có thể thấy, trong thời gian tương đối ngắn, tân Tổng bí thư Tô Lâm, về cơ bản, bước đầu hoàn tất bộ máy lãnh đạo đảng và chính phủ cấp trung ương. Giống như người tiền nhiệm, ông Tô Lâm luôn nhấn mạnh công tác nhân sự Đảng và, rằng trong Hội nghị Trung ương 10, dự kiến nhóm họp vào tháng 10, sẽ tiếp tục kiện toàn nhân sự lãnh đạo cấp cao, sau đó là chuẩn bị nhân sự cho các đại hội cấp địa phương vào năm 2025 hoàn tất trước Đại hội 14 dự kiến tổ chức vào đầu năm 2026. Trong công tác nhân sự Đảng cộng sản xu hướng tăng cường quyền lực cho "phái lực lượng vũ trang" (công an và quân đội) sẽ tiếp tục được ưu tiên. Hiện thời trong Bộ Chính trị có năm ủy viên có nguồn gốc công an và ba ủy viên xuất thân từ quân đội. Họ sẽ tiếp tục chia sẻ, dù mang tính hình thức, quyền lực trong nguyên tắc tập thể lãnh đạo khi phương án nhất thể hóa hai chức danh cao nhất của đảng và nhà nước vẫn còn bỏ ngỏ.

Trong chế độ đảng cộng sản toàn trị tổng bí thư có quyền lực tuyệt đối khi ông ấy đứng đầu các tổ chức quyền lực nhất của đảng như Quân ủy Trung ương, Hội đồng quốc phòng – an ninh, Ban chỉ đạo cải cách tư pháp (nếu tổng bí thư kiêm chủ tịch nước) ; Ban chỉ đạo Trung ương phòng chống tham nhũng, tiêu cực… Ngoài ra, dưới thời ông Trọng, tổng bí thư còn từng giữ chức vụ quan trọng khác như Ủy viên Thường vụ Đảng ủy Công an Trung ương… Bởi vậy, về thực chất, ông ấy có thể chỉ đạo trực tiếp Bộ Công an và, ông Tô Lâm ‘thuận tiện’ để chỉ kế thừa, quyền lực được nhân lên và cụ thể hóa trong vận hành… Tuy nhiên, kể cả khi nắm giữ quyền lực tuyệt đối thì việc bảo vệ, duy trì quyền lực luôn là thách thức đối với tân Tổng bí thư Tô Lâm.

Trước hết, trong bối cảnh tham nhũng nghiêm trọng và mang tính hệ thống hiện nay thì việc thanh lọc, lựa chọn, bổ nhiệm luôn là vấn đề nan giải vì niềm tin nội bộ giữa những người ‘đồng chí’ không còn ‘như xưa’ khi nền tảng tư tưởng bị lung lay dữ dội. Điều này lý giải vì sao ông Tô Lâm phải đưa những người đồng nghiệp an ninh và đồng hương vào các vị trí chủ chốt trong guồng máy lãnh đạo. Nhưng liệu có ai dám đảm bảo những quan chức được bổ nhiệm, ‘thân cận’ về mặt hình thức, là ‘trong sạch’ hay chí ít ‘có nhúng chàm’ nhưng sẽ ‘rửa tay’ để hối cải. Trong lịch sử toàn trị cho thấy những cuộc mặc cả kế nhiệm với việc bảo toàn cho những người tiền nhiệm và gia đình họ, chẳng hạn, cố Tổng thống Yeltsin với Putin và, không loại trừ những ‘tin đồn’ về trường hợp cố Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng là ‘sai’ sự thật ! Gần đây, trên kênh YouTube Nhân Việt Quốc Tế TV đã phải ‘lên tiếng’ vì ‘phản biện’ status Facebook của cựu Đại biểu quốc hội Nguyễn Sĩ Dũng [9] ca ngợi ‘nhân cách’ của cựu thủ tướng Dũng khiến dư luận chú ý.

Hơn thế, vấn đề lớn nhất hiện nay đối với việc kiểm soát quyền lực, cả về nguyên lý và thực tiễn, là ai hay tổ chức nào trong chế độ có thể giám sát tha hóa quyền lực đối với bộ máy với sức mạnh vô đối của "công an và quân đội" về trước mắt và trong trung hạn ?

Câu hỏi này đã từng được đặt ra với Đảng cộng sản Trung Quốc dưới thời Tập Cận Bình, như một bài học thực tế : Đảng có thể bị đe dọa khi bạo lực vũ trang, an ninh lấn lướt hệ tư tưởng. Như đã biết, một sự kiện đình đám xảy ra trước thềm Đại hội 18 của Đảng cộng sản Trung Quốc năm 2012 là việc loại bỏ ông Chu Vĩnh Khang (sinh 1942). Ông ta từng là Bộ trưởng Bộ Công an, từng giữ chức trong Ban thường vụ Bộ Chính trị lần thứ 17 và chủ nhiệm Ủy ban Chính trị - Pháp luật trung ương từ năm 2007 đến năm 2012. Trên cương vị đó, Chu giám sát các lực lượng an ninh và các cơ quan thực thi pháp luật của Trung Quốc. Lý do được đưa ra là trong thời gian còn đương chức, Chu Vĩnh Khang đã dính líu đến nhiều vụ tham nhũng, lạm dụng quyền hành và bị cáo buộc là một trong những thủ phạm chính trong cuộc đàn áp môn khí công Pháp Luân Công. Dư luận khi đó đồn đoán rằng Tập Cận Bình ngăn ngừa nguy cơ lộng quyền hay bị tiếm quyền khi Chu Vĩnh Khang được cho là đồng minh thân cận của Bạc Hy Lai (sinh năm 1949), cựu ủy viên Bộ Chính trị và bí thư Thành ủy Trùng Khánh, bị cách chức vì các bê bối chính trị và tham nhũng, nhưng thực chất là đấu đá, tranh giành quyền lực [10]. Năm 2023 - 2024 đánh dấu cuộc thanh trừng của Tập đối với các quan chức Bộ quốc phòng, trước hết là các tướng lĩnh chỉ huy của Lực lượng Tên lửa và đỉnh cao là ông Bộ trưởng quốc phòng Lý Thượng Phúc (sinh năm 1958), cựu Ủy viên Quân ủy Trung uơng, cựu Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Trung Quốc. Tháng 8/2023 ông ta đã bị miễn nhiệm chức Bộ trưởng Quốc phòng và Ủy viên Quốc vụ. Đến tháng 6/2024, Lý Thượng Phúc cùng với Ngụy Phượng Hòa, cựu bộ trưởng tiền nhiệm, bị khai trừ khỏi Đảng và chuyển sang cơ quan kiểm sát khởi tố vì nghi ngờ phạm tội đưa và nhận hối lộ [11].

Tóm lại, kết luận có thể của phần hai này là ưu tiên số một là bảo vệ và duy trì chế độ toàn trị nhưng đồng thời cũng sẽ là thách thức số một theo nghịch lý quyền lực. Trước mắt, Hội nghị Trung ương 10 vào tháng 10/2024 hay Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 14 vào đầu năm 2026, theo tôi, không phải là những rào cản không thể vượt qua đối với tân Tổng bí thư kiêm chủ tịch nước Tô Lâm, tuy nhiên, thách thức thực sự sẽ là việc ông ấy sẽ sử dụng ‘chiếc nhẫn’ quyền lực tuyệt đối thế nào ?

chinhdanh3

Một người biểu thình phản đối Trung Quốc mang cờ Việt Nam đi dọc bờ Hồ Hoàn Kiếm hôm 5/6/2011 Reuters/Kham

Phần 3

Chuyển đổi dân chủ - hy vọng mong manh

Một trong những vấn đề quan trọng được quan tâm rộng rãi là tân Tổng bí thư với quyền lực hiện có liệu có cơ hội nào hay liệu ông ấy đặt nền móng cho chuyển đổi dân chủ hay không ? Xuất phát từ bản chất toàn trị của chế độ và cá nhân người nắm giữ quyền lực tuyệt đối câu trả lời sẽ phải là "hy vọng mong manh !"

Có nhiều cơ sở lý luận và thực tế cho câu trả lời như trên, chẳng hạn giới quân sự trong chính phủ Miến Điện (Myanmar), có ưu thế quyền lực, đã xóa bỏ chế độ dân chủ đã được dẫn dắt bởi Aung San Suu Kyi, Chủ tịch Đảng Liên minh Quốc gia vì Dân chủ (NLD) của Myanmar, người được trao tặng giải Nobel Hòa bình năm 1991. Hiện bà vẫn đang bị cầm tù !

Độc tài và dân chủ, như nước với lửa, không thể tồn tại song song trong một chế độ. Tuy nhiên, đối với trường hợp Việt Nam, chế độ đảng toàn trị dựa trên hệ tư tưởng cộng sản, chủ nghĩa Mác – Lênin và, việc đại tướng công an lên nắm quyền Tổng bí thư, Chủ tịch nước là chưa có tiền lệ. Điều này tạo ra nhiều suy đoán trái chiều trong dư luận và, được giới chính trị quan sát thận trọng. Các nhà tranh đấu cho tự do dân chủ, nhân quyền cho rằng người đứng đầu ngành an ninh phải chịu trách nhiệm trong việc một số sự kiện về tự do tôn giáo tín ngưỡng, dân tộc, xã hội dân sự, các nhà hoạt động, phản biện bất bạo động… bị đàn áp, bởi vậy họ ‘bi quan’ rằng tình hình sẽ xấu đi. Một số ý kiến mong có sự thay đổi khi có sự thay đổi về nhân sự lãnh đạo trong bối cảnh hệ thống chính trị đang khủng khoảng bởi tham nhũng nghiêm trọng và tha hóa đạo đức, lối sống của các cấp lãnh đạo từ thấp đến cao nhất, bào mòn niềm tin dân chúng vào chế độ…

Các diễn biến về nhân sự, tổ chức đảng cũng như các sự kiện xã hội đang được dõi theo liên tục và, chưa thể nói về xu hướng rõ rệt. Trong các nghiên cứu về chủ nghĩa toàn trị có một "án lệ" nổi tiếng khi Tòa án xét xử tội ác chiến tranh thời phát xít Đức. Adolph Eichmann, một đặc vụ Đức Quốc xã chịu trách nhiệm tổ chức vận chuyển hàng triệu người Do Thái đến các trại tập trung phục vụ mục đích diệt chủng, nhưng đã có ý kiến biện minh rằng đó là ‘sự bình thường của cái ác’ (The banality of evil) [12], vì hắn ta chỉ là người có bổn phận thừa hành với mục đích thăng tiến. Như đã biết, phiên tòa đã kết tội Eichmann. Ý kiến trên đã bị phê bình gay gắt, coi đây là "sai lầm lịch sử". Sau này người ta tìm thấy trong cuốn hồi ký của Eichmann những bằng chứng về tội ác chíến tranh cho thấy hắn ta đã thấm nhuần hệ tư tưởng Đức Quốc xã, đã chấp nhận và tán thành ý tưởng về sự thuần khiết chủng tộc.

Những nghiên cứu [13] và thực tế tồn tại chủ nghĩa toàn trị đã cho biết bản chất của mô thức đảng – nhà nước toàn trị trong quá trình tiến hóa xã hội loài người, một sự tương phản với chế độ dân chủ. Đó là một mô hình thể chế chính trị mới, phá hủy tất cả các truyền thống xã hội, pháp lý và chính trị của đất nước, biến các giai cấp thành quần chúng tuân theo ý thức hệ, phân chia những người bất đồng thành "phản động hay thế lực thù địch" và gieo rắc nỗi sợ hãi để cô lập người dân. Chủ nghĩa toàn trị, khác biệt cơ bản với các dạng truy bức chính trị khác mà ta biết như chế độ chuyên quyền, bạo chúa hay độc tài ở chỗ, nó áp dụng chiến thuật khủng bố kèm theo một hệ tư tưởng nhằm khuất phục toàn bộ quần chúng chứ không chỉ các đối thủ chính trị.

Hệ tư tưởng Mác – Lênin, vốn ‘dân tuý’ về xã hội không tưởng – thiên đường trên mặt đất, của chế độ Đảng cộng sản toàn trị hoạt động theo một hệ thống giá trị hoàn toàn khác biệt. Nó tạo ra sự cô đơn có tổ chức, thúc đẩy sự chuyên quyền, gây tâm lý sợ hãi, đòi hỏi sự phục tùng và trung thành, hệ quả là nó làm suy yếu khả năng phân biệt giữa sự thật và hư cấu của con người - khả năng phán đoán, suy nghĩ độc lập và phản biện. Ý thức hệ cộng sản giáo điều khiến con người xa rời thế giới của trải nghiệm sống, làm cạn kiệt trí tưởng tượng, từ chối sự đa dạng và xóa bỏ khoảng cách giữa con người vốn cho phép họ liên hệ với nhau một cách có ý nghĩa.

Chế độ toàn trị có thể biến đổi hình thức theo thời gian, nhưng bản chất không thay đổi, và có thời khắc nó đã khiến một số nhận định về khả năng chuyển đổi dân chủ. Điển hình là nghiên cứu của Isaac Deutscher về ‘sự thay đổi’ ở Liên Xô ngay sau cái chết của Stalin năm1953. Khi thấy chính phủ của Georgy Malenkov, người kế nhiệm Stalin, ban hành lệnh ân xá và xóa sạch không khí của vụ bê bối độc hại của thời đại Stalin, Deutscher đã hy vọng về "Một kỷ nguyên cải cách ?" và "Triển vọng tương lai" [14] đối với Liên Xô… Những gì diễn ra như chúng ta đã chứng kiến, sự sụp đổ của mô hình này chỉ đến sau sự kiện Bức tường Béc Linh năm 1989.

Với mô hình Trung Quốc sự biến đổi còn phức tạp hơn nhiều. Nó đã là kiểu mẫu thành công kinh tế cho các nước đang phát triển, và thậm chí khiến giới lãnh đạo phương Tây ‘bỏ qua’ cả sự kiện ‘Lục Tứ’ thảm sát cuộc biểu tình của sinh viên ở quảng trường Thiên An Môn năm 1989. Sau đó, nhiều nghiên cứu về "sự dẻo dai" với ở khả năng thích ứng, tính phức tạp, quyền tự chủ và sự gắn kết của các tổ chức nhà nước của chế độ chuyên chế Trung Quốc [15]. Một thời kỳ dài hơn 40 năm "cải cách và mở cửa" đã tạo ra tăng trưởng thần kỳ cho đến khi Trung Quốc trỗi dậy hung hăng dưới thời Tập Cận Bình. Thậm chí, người ta còn nói đến ‘bóng đen’ thời Mao Trạch Đông đang trở lại.

Một câu hỏi lớn được đặt ra phá làm thế nào mà chế độ toàn trị có nhiều hành động đàn áp dân chủ, nhân quyền… vẫn ‘truyền cảm hứng’ cho dân chúng như vậy. Ở Việt Nam trong những thời khắc thay đổi quyền lực lãnh đạo có một số sự kiện nóng trong xã hội khiến công luận chú ý và chia rẽ về thái độ phản ứng. Đó là : Một số ca sĩ Việt Nam phải ‘xin lỗi’ trước áp lực cộng đồng sau khi biểu diễn ở Mỹ trên sân khấu có cờ Việt Nam Cộng hòa ; Sự cáo buộc 'cách mạng màu' cho Đại học Fulbright Việt Nam, do Mỹ giúp đỡ thành lập, khiến cho Bộ ngoại giao Việt Nam phải lên tiếng [16]. Sự bày tỏ suy nghĩ riêng về đảng cầm quyền của một thí sinh cuộc thi Đường lên Đỉnh Olimpia bị ‘ném đá’ là "vô ơn" và, phải làm việc với công an tỉnh Yên Bái ; Cựu thứ trưởng Ngoại giao viết tâm thư cho tân Tổng bí thư Tô Lâm về sự cải cách thể chế chính trị ‘toàn diện và triệt để’ trước thực trạng khủng khoảng gây tranh cãi…

Dù những sự kiện như vậy là có ‘chỉ đạo’ hay tự phát thì ý thức hệ giáo điều vẫn và sẽ là lực cản lớn nhưng ‘vô hình’ cho quá trình dân chủ hóa và sự phát triến bền vững nói chung của đất nước. Dưới thời tân tổng bí thư liệu có thể mong chờ ông ấy đặt sự khởi đầu mới cho chuyển đổi dân chủ ? Nỗi ám ảnh "ý thức hệ và khủng bố" đã và vẫn đang đeo đuổi sự cải cách thể chế nói riêng và sự phát triển đất nước nói khiến cho hy vọng trở nên mong manh.

Doãn An Nhiên

Nguồn : RFA, 09/09/2024

Tham khảo

1.  https://www.rfa.org/vietnamese/news/comment/blog/china-model-out-of-trend-what-lesson-for-vn-part-1-04162024111025.html

2. https://econpapers.repec.org/article/cupapsrev/v_3a50_3ay_3a1956_3ai_3a03_3ap_3a751-763_5f06.htm

3.  http://www.the-american-interest.com/2020/05/18/what-kind-of-regime-does-china-have/

4. https://www.rfa.org/vietnamese/news/comment/blog/how-does-the-party-face-challenges-in-downturn-part-3-07052024114211.html

5. https://www.rfi.fr/vi/tạp-ch%C3%AD/tạp-ch%C3%AD-việt-nam/20240325-viet-nam-chu-tich-nuoc-bi-cach-chuc-tong-bi-thu-bi-tiem-quyen

6. https://vtv.vn/chinh-tri/tom-tat-tieu-su-tan-bo-truong-bo-tu-phap-nguyen-hai-ninh-20240826170408092.htm

7. https://vi.wikipedia.org/wiki/Tô_Ân_Xô

8. https://dangcongsan.vn/thoi-su/chuyen-tham-trung-quoc-cua-tong-bi-thu-chu-tich-nuoc-to-lam-da-thanh-cong-tot-dep-675737.html

9. https://www.youtube.com/watch?v=yhWSXD-PVGc

10. https://vi.wikipedia.org/wiki/Bạc_Hy_Lai

11. https://vi.wikipedia.org/wiki/Lý_Thượng_Phúc

12. https://aeon.co/ideas/what-did-hannah-arendt-really-mean-by-the-banality-of-evil

13. https://en.wikipedia.org/wiki/The_Origins_of_Totalitarianism

14. https://www.marxists.org/archive/deutscher/1953/russiaafterstalin.htm

15. http://nghiencuuquocte.org/wp-content/uploads/2013/05/Authoritarian_Resilience.pdf

16. https://vnexpress.net/bo-ngoai-giao-binh-luan-ve-hoat-dong-cua-truong-fulbright-viet-nam-4785957.html

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Doãn An Nhiên
Read 299 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)