Có những dấu hiệu rõ ràng rằng Mỹ và Anh đang sẵn sàng dỡ bỏ các lệnh giới hạn của mình trong những ngày tới, từ đó cho phép Ukraine sử dụng tên lửa tầm xa bắn vào các mục tiêu trong lòng nước Nga.
Ukraine đã khẩn nài việc này trong suốt nhiều tuần qua.
Vậy tại sao phương Tây lại chần chừ và những tên lửa này có thể tạo nên điều gì khác biệt trong cuộc chiến ?
Anh đã cung cấp tên lửa hành trình tầm xa Storm Shadow cho Ukraine sau khi Kyiv đề nghị
Storm Shadow là gì ?
Storm Shadow là một tên lửa hành trình của Anh và Pháp có tầm bắn tối đa khoảng 250km. Pháp gọi nó là Scalp.
Tên lửa này được phóng từ máy bay, sau đó bay với tốc độ gần tốc độ âm thanh, bám sát địa hình mặt đất, trước khi rơi và kích nổ đầu đạn có sức công phá lớn.
Storm Shadow được coi là vũ khí lý tưởng để xuyên thủng các hầm ngầm kiên cố và các kho chứa đạn dược, như những loại mà Nga sử dụng trong cuộc chiến với Ukraine.
Nhưng mỗi tên lửa loại này trị giá gần một triệu đô la, vì vậy chúng thường được phóng cùng với các phương tiện khác trong các đợt tấn công được lên kế hoạch kỹ lưỡng, trong đó bao gồm các máy bay không người lái rẻ hơn nhiều, được triển khai trước để làm rối loạn và suy yếu hệ thống phòng không của đối phương, giống như cách mà Nga đã làm với Ukraine.
Anh và Pháp đã đưa tên lửa của họ tới Ukraine - nhưng với cảnh báo rằng Kyiv chỉ có thể phóng chúng vào các mục tiêu bên trong biên giới của mình.
Các tên lửa này đã được sử dụng với hiệu quả cao, nhắm trúng các trụ sở hải quân Biển Đen của Nga tại Sevastopol và khiến toàn Crimea trở nên không còn an toàn cho hải quân Nga.
Justin Crump, một nhà phân tích quân sự, cựu sĩ quan quân đội Anh và giám đốc điều hành công ty tư vấn Sibylline, nói rằng Storm Shadow đã và đang là một vũ khí cực kỳ hiệu quả cho Ukraine, có thể tấn công chính xác các mục tiêu được bảo vệ nghiêm ngặt tại các khu vực bị chiếm đóng.
"Không ngạc nhiên khi Kyiv vận động hành lang để sử dụng các vũ khí này bên trong lãnh thổ của Nga, đặc biệt là nhắm vào các sân bay đang được dùng để thực hiện các cuộc tấn công bằng bom lượn, vốn gần đây đã gây trở ngại cho các nỗ lực của Ukraine ở tiền tuyến".
Vì sao Ukraine muốn sử dụng chúng lúc này ?
Các thành phố và chiến tuyến của Ukraine hiện hằng ngày phải hứng chịu các đợt bom của Nga.
Nhiều trong số tên lửa và bom lượn phá hủy các khu vực quân sự, các khu nhà và bệnh viện được phóng từ các máy bay ở sâu trong lãnh thổ Nga.
Kyiv phàn nàn rằng việc không được phép tấn công vào các căn cứ nơi thực hiện các vụ tấn công này cũng giống như như tham chiến với một tay bị trói ngoặt sau lưng.
Tại diễn đàn an ninh Globsec mà tôi tham dự tại Prague tháng 9, thậm chí có ý kiến rằng các căn cứ không quân của Nga được bảo vệ tốt hơn cả dân thường Ukraine - những người đang hứng bom đạn vì những lệnh hạn chế này.
Ukraine cũng có chương trình máy bay không người lái tầm xa tân tiến và hiệu quả.
Có những thời điểm, các máy bay không người lái này đã khiến Nga bất ngờ và đã bay hàng trăm kilomet bên trong nước Nga.
Nhưng các máy bay không người lái này chỉ có thể mang theo một lượng vũ khí ít ỏi và hầu hết bị phát hiện và đánh chặn.
Kyiv lập luận rằng để đẩy lui các cuộc tấn công của không quân Nga, nước này cần tên lửa tầm xa, bao gồm Storm Shadow và các hệ thống tương tự như Atacms của Mỹ có tầm bắn xa hơn, lên tới 300km.
Vì sao phương Tây chần chừ ?
Chỉ có một từ : leo thang.
Mỹ lo ngại rằng dù cho tới nay mọi lời đe dọa của Tổng thống Vladimir Putin về các lằn ranh đỏ cuối cùng chỉ là những lời nói suông, việc cho phép Ukraine tấn công vào mục tiêu bên trong nước Nga bằng tên lửa của phương Tây có thể chỉ đẩy ông ta tiến tiến sát tới bờ vực của sự trả đũa.
Nhà Trắng lo ngại các nhân vật theo đường lối cứng rắn của Kremlin có thể kiên quyết thực kiện kế hoạch trả đũa bằng cách tấn công các địa điểm trung chuyển tên lửa trên đường tới Ukraine, như căn cứ không quân ở Ba Lan.
Nếu điều này xảy ra, Điều 5 Hiến chương NATO sẽ được kích hoạt, có nghĩa là liên minh này sẽ ở trong tình trạng chiến tranh với Nga.
Kể từ khi Nga phát động cuộc xâm lược toàn diện vào Ukraine ngày 24/2/2022, mục đích của Nhà Trắng là hỗ trợ Ukraine nhiều nhất có thể mà không bị lôi vào xung đột trực tiếp với Moscow - dẫn đến nguy cơ không thể tưởng tượng được : một cuộc chiến tranh hạt nhân thảm khốc.
Storm Shadow tạo nên khác biệt gì ?
Storm Shadow có thể tạo ra một vài khác biệt.
Nhưng có thể đây là trường hợp "quá ít và quá trễ".
Kyiv đã yêu cầu sử dụng các tên lửa tầm xa của phương Tây trong lòng nước Nga từ rất lâu rồi, đến nỗi mà nay Moscow đã cảnh giác trước thời điểm mà phương Tây cuối cùng cũng dỡ bỏ các lệnh hạn chế.
Nga đã di chuyển bom, tên lửa và một số công trình kho bãi ra xa hơn khỏi biên giới với Ukraine và tầm bắn của Storm Shadow.
Tuy nhiên, Justin Crump của Sibylline nói rằng dù hệ thống phòng không của Nga đang phát triển để đối phó mối đe dọa của Storm Shadow từ Ukraine, nhiệm vụ này sẽ khó khăn hơn nhiều khi lãnh thổ của Nga hiện giờ có thể bị tấn công.
"Điều này sẽ khiến công tác hậu cần quân sự, chỉ huy và kiểm soát, cũng như hỗ trợ phòng không, trở nên khó khăn hơn khi thực hiện, và ngay cả khi máy bay Nga rút khỏi các tiền tuyến của Ukraine để tránh tên lửa, họ vấn sẽ mất thời gian và chi phí cho mỗi chuyến bay tới tiền tuyến".
Matthew Savill, giám đốc khoa học quân sự tại Viện nghiên cứu Rusi, tin rằng dỡ bỏ các lệnh hạn chế sẽ mang lại cho Ukraine hai lợi ích.
Thứ nhất, việc này có thể "mở khóa" một hệ thống khác, Atacms.
Thứ hai, việc này sẽ đặt Nga vào tình thế tiến thoái lưỡng nan khi phải quyết định sẽ đặt các hệ thống phòng không quý giá của họ ở đâu - điều mà ông cho rằng có thể khiến Ukraine dễ dàng dàng dùng máy bay không người lái để xâm nhập.
Nhưng tựu trung, Storm Shadow cũng khó mà đảo ngược tình thế.
Frank Gardner
Nguồn : BBC, 12/09/2024