Hành trình dài của hòa bình, đối thoại và tình yêu thương
Ở tuổi 88, Giáo hoàng Francis (Phanxico) vừa kết thúc chuyến tông du dài nhất đến 4 nước, ngay cạnh, nhưng không bao gồm, Việt Nam.
Giáo hoàng Francis đeo vòng hoa khi ngài đến dự buổi đối thoại liên tôn với giới trẻ tại Catholic Junior College, Singapore, 13/9/2024.
Dài nhất, rộng nhất, hiện đại và hoang sơ nhất
Đây không chỉ là chuyến đi dài nhất về quãng đường mà còn được coi là sâu rộng nhất, mang ý nghĩa sâu sắc cả về tôn giáo và xã hội. Trong suốt 11 ngày, từ ngày 2 đến 13 tháng 9, Ngài đã đến Indonesia, Papua New Guinea, Đông Timor và Singapore với hành trình gần 20.000 dặm.
Ngài đã băng qua Jakarta, thành phố lớn ô nhiễm nhất thế giới ở Indonesia và đặt chân đến Singapore, được coi là sạch nhất thế giới ; Ngài chứng kiến những nơi môi trường bị tàn phá tan hoang và cả những vùng hoang sơ như "vườn Địa đàng" ở quốc đảo Papua New Guinea.
Đây là chuyến thăm quan trọng, có ý nghĩa đặc biệt khi Ngài đến với một quốc gia Hồi giáo lớn nhất thế giới là Indonesia, và một quốc gia có tỷ lệ người Công giáo cao nhất thế giới sau Vatican, là Đông Timor ; nơi "tận cùng thế giới" ở Papua New Guinea và một trong những thành phố hiện đại nhất là Singapore.
Về nội dung thì Đối thoại Liên tôn, Hòa bình, Phẩm giá và Môi trường có lẽ là điểm nhấn quan trọng nhất trong chuyến đi lần này của Ngài.
Indonesia : Đối thoại liên tôn và Tuyên bố chung Istiglal
Chặng đường đầu tiên là Indonesia, quốc gia có dân số Hồi giáo lớn nhất thế giới với 242 triệu tín đồ. Tại đây, có lẽ Đối thoại Liên tôn là ưu tiên quan trọng và rõ rệt nhất của Giáo hoàng khi Ngài nhiều lần nhấn mạnh rằng không thể xây dựng hòa bình nếu không có sự hiểu biết và hợp tác giữa các tôn giáo khác nhau.
Ngài đã trở thành vị Giáo hoàng đầu tiên đến thăm khuôn viên Đền thờ Hồi giáo Istiqlal lớn nhất ở Đông Nam Á với sức chứa lên đến 250.000 người, chỉ đứng sau Mecca và Medina về quy mô và mức độ ảnh hưởng.
Lãnh đạo của hơn 1,4 tỷ tín đồ Công giáo đã ngồi tại đó cùng Đại giáo sĩ Hồi giáo Nassaruddin Umar để thúc đẩy sự khoan dung và ôn hòa tôn giáo. Ngay trong ngôi đền đó, các Ngài đã cùng lên án "tình trạng mất nhân tính ngày càng trầm trọng" cũng như vấn đề "xung đột và bạo lực đang trở nên phổ biến".
Hai bên đã đồng ký tên vào một văn bản quan trọng là: "Tuyên bố chung Istiqlal". Văn bản quan trọng với sự ghi danh vào phía dưới của đại diện 6 tôn giáo được công nhận ở Indonesia là : Hồi giáo, Tin lành, Công giáo, Phật giáo, Ấn Độ giáo và Khổng giáo, thể hiện tính thống nhất của các tôn giáo trong nhận thức và hy vọng sẽ xô đẩy đến hành động quyết liệt.
Trả lời AFP, vị Đại giáo sĩ nhấn mạnh : "Chúng tôi có hai thông điệp chủ yếu. Thứ nhất là nhân loại là một, không thể chia cắt. Thứ hai là phải hành động để cứu lấy môi trường".
Papua New Guinea và Laudato Sí
Sau Indonesia là Papua New Guinea , một quốc đảo ven bờ Thái Bình Dương, với khoảng 2 triệu người Công giáo trong số gần 10 triệu dân sinh sống trên 600 hòn đảo và nói hơn 800 ngôn ngữ khác nhau (chiếm 12% tổng số ngôn ngữ trên thế giới).
Tại đây, Giáo hoàng đã thăm toàn quyền Sir Bob Bofeng Dadae, làm lễ công cộng, gặp gỡ giới trẻ và thăm các nhóm xã hội dân sự.
Đội chiếc mũ lông chim Thiên đường, biểu tượng cho quốc gia, Ngài nói về những nhà truyền giáo đã đến đây từ thế kỷ thứ 19 và vẻ đẹp của đất nước nhỏ bé này : "Anh chị em không thể không kinh ngạc trước những màu sắc, âm thanh, hương thơm và cảnh tượng hùng vĩ của thiên nhiên tràn ngập sự sống, gợi lên hình ảnh của Vườn địa đàng".
Tuy nhiên, hiện nay đất nước này đang phải đối mặt với vấn nạn khai thác tài nguyên quá mức. Nhiều khu rừng nguyên sinh ở Papua New Guinea đang bị đốn hạ để mang gỗ chảy ngược lên những quốc gia đang phát triển, đặc biệt là Trung Quốc.
Papua New Guinea có lẽ là nơi phản ánh rõ nét nhất Thông điệp Laudato Si , về việc chăm sóc ngôi nhà chung của chúng ta. Với nguồn cảm hứng từ tông hiệu Thánh Francis Assisi, Giáo hoàng đã đưa ra lời kêu gọi mạnh mẽ và khẩn cấp đối với "tất cả những người có thiện chí" để đáp lại "tiếng kêu của trái đất và tiếng kêu của người nghèo".
Giữa chuyến thăm của Ngài, Việt Nam quằn mình trong bão lũ. Những hậu quả thảm khốc gợi cho chúng ta cảm giác về một sự trả thù của mẹ thiên nhiên. Chúng ta càng thấm thía những lời kêu gọi của Giáo hoàng về trách nhiệm bảo vệ ngôi nhà chung trong thông điệp Laudato Sí.
Đông Timor : Tuổi trẻ, nụ cười và niềm hy vọng truyền giáo "ngược"
Sau Papua New Guinea là Đông Timor.
Đứng tại địa điểm mà 35 năm trước Giáo hoàng Gioan Phaolo 2 (John Paul II) đã làm lễ, khi Đông Timor còn thuộc Indonesia, Giáo hoàng Francis đã vinh danh một quốc gia nhỏ bé với lịch sử đẫm máu nhưng vinh quang trên con đường đi tìm sự độc lập cho riêng mình.
Trong bài giảng Ngài nói rằng tuổi trẻ của Đông Timor là một món quà của "năng lượng, niềm vui là lòng nhiệt thành của dân tộc". Ngài dựa vào Kinh thánh để nói về một tương lai của "hy vọng và vui mừng, nơi mà áp bức và chiến tranh sẽ bị xóa bỏ vĩnh viễn" (Is 9,1-4)
Một ý nghĩa lớn lao khác trong bài diễn từ của mình là Đức Thánh Cha tin rằng Giáo hội Công giáo có thể học hỏi được nhiều người dân Châu Á.
Gần 500 năm truyền giáo đến vùng đất này, có lẽ những giáo sĩ đầu tiên không ngờ rằng bây giờ Châu Á đang là một trong những nơi có số lượng giáo dân tham dự thánh lễ đông đảo và dự phần vào đời sống đức tin mạnh mẽ nhất trên hành tinh.
Giữa lúc các quốc gia Châu Âu đang ít người tham dự thánh lễ , nhiều nhà thờ chỉ còn là những di tích của các chuyến thăm quan du dịch thì Châu Á, đặc biệt là Phillipines, Việt Nam và Đông Timor, đang chật kín người tham dự vào ngày Chúa Nhật.
Các nhà truyền giáo Châu Âu đầu tiên đã gieo hạt giống tin mừng ở Châu Á gần 800 năm trước, giờ đây có thể nhìn hoa trái sinh sôi khi nhiều linh mục, tu sĩ tại đây đã lên đường để truyền bá đức tin trên khắp các châu lục.
Nhiều tu sĩ, linh mục đã phục vụ giáo dân tại các nước Phương Tây như Hoa Kỳ, Úc Châu và cả Châu Âu.
Singapore : Đối thoại liên tôn và nền hòa bình bền vững
Chặng dừng cuối cùng của Giáo hoàng trong chuyến Tông du thứ 45 này là Singapore, nơi Ngài tiếp nối thông điệp quan trọng về Bảo vệ môi trường và Đối thoại liên tôn.
Đức Phanxico đã hội kiến với Tổng thống Singapore và Thủ tướng Lawrence Wong, sau đó phát biểu trước các cơ quan chính phủ và ngoại giao đoàn tại Đại học Quốc gia.
Ngài cũng đã có một thánh lễ công cộng tại Sân Vận động quốc gia Singapore với khoảng 50.000 người tham dự. Tại đây, Giáo hoàng cũng đã nhấn mạnh đến tầm quan trọng của giới trẻ trong việc thúc đẩy đối thoại và xây dựng một tương lai hòa bình bền vững.
Ngài cũng đã thăm nhà dưỡng lão St. Theresa để bày tỏ tình yêu thương và sự quan tâm đối với những người già neo đơn trong xã hội. Singapore là đất nước có sự đa dạng tôn giáo cho nên tại đây Ngài đã có cơ hội để kêu gọi sự hợp tác giữa các tín ngưỡng khác nhau, cùng xây dựng một nền hòa bình và tình yêu thương.
Sự tiếc nuối : Chuyến đi Việt Nam không thể xảy ra
Việt Nam là một quốc gia đông dân và có dân số Công giáo lớn thứ 3 tại Đông Nam Á. Một chuyến viếng thăm của Đức thánh cha từ lâu là niềm mong ước của toàn thể tín hữu Việt Nam và của chính Giáo hoàng.
Mặc dù lời mời chính thức đã được đưa ra, nhưng do những xáo trộn về chính trị ở thượng tầng và những trở ngại về ý thức hệ, cũng như các quan hệ phức tạp khác, mà chuyến thăm đã không thể được tiến hành trong tháng 9 này.
Dù không thể đến Việt Nam, Giáo hoàng đã gửi lời cầu nguyện và ủng hộ tinh thần tới cộng đồng Công giáo tại đây. Đặc biệt, khi nghe tin về những thiệt hại do cơn bão Yagi gây ra, Ngài đã gửi thư bày tỏ "đau buồn và tình liên đới" với những nạn nhân ở Việt Nam.
Tóm lại chuyến đi thăm dài của Đức giáo hoàng Phanxico đến bốn quốc vừa qua là một hành trình đầy ý nghĩa, không chỉ với cộng đồng Công giáo mà còn với toàn thể thế giới.
Ngài đã mang đến một thông điệp về tình yêu thương, hòa bình và trách nhiệm chung trong việc bảo vệ hành tinh đẹp đẽ nhưng đang bị tàn phá dữ dội này.
Chuyến đi cũng nhắc nhở chúng ta về sự dữ và sự lành hằng hiện hữu trong lương tâm mỗi người.
Lê Quốc Quân
Nguồn : VOA, 15/09/2024