Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

24/09/2024

Thành ngữ ‘Tạp oa mại thiết’ hồi sinh ở Trung Quốc

Katsuji Nakazawa

Tại sao thành ngữ ‘Tạp oa mại thiết’ thời Đại Nhảy vọt lại hồi sinh ở Trung Quốc ?

Câu thành ngữ yêu cầu mọi người phải hy sinh tất cả đã phản ánh hoàn cảnh khó khăn hiện tại ở Trung Quốc.

tcb1

Các quan chức chính quyền địa phương ở Trung Quốc của Tập Cận Bình đang sử dụng phép ẩn dụ về việc bán chảo như phế liệu khi họ phải vật lộn để trả các khoản nợ khổng lồ. (Ảnh ghép của Nikkei/Nguồn ảnh của Getty Images và Yusuke Hinata)

Gần đây, một thành ngữ cổ bất ngờ lan truyền trở lại trong giới chính trị và quan chức Trung Quốc. Tạp oa mại thiết – câu này có nghĩa là "đập tan tất cả nồi chảo trong nhà, rồi bán chúng như sắt vụn".

Điều này cũng có nghĩa là phải hy sinh mọi thứ để vượt qua tình trạng khẩn cấp hiện tại. Đối với một số người, câu nói này gợi nhớ đến Đại Nhảy vọt cách đây hơn 60 năm.

Nhưng ngay cả khi đó, Trung Quốc cũng không phải là nước đầu tiên khai thác kim loại phế liệu. Năm 1941, ngay trước khi Nhật Bản và Mỹ tham gia thế chiến, Nhật Bản đã ban hành một lệnh thu hồi kim loại trong một nỗ lực nhằm biến sắt vụn thành nguồn tài nguyên chiến lược. Đây phần lớn là phản ứng trước lệnh cấm vận sắt vụn của Mỹ.

Ở Trung Quốc ngày nay, sự trở lại của câu nói này chắc chắn không liên quan gì đến sắt thép, vì người ta không thiếu vật liệu này. Thay vào đó, tình trạng sản xuất thép quá mức của nước này còn là một vấn đề toàn cầu, khi Trung Quốc đang bị cáo buộc nhấn chìm các thị trường nước ngoài bằng các sản phẩm giá rẻ.

Vậy chính xác thì ai đang sử dụng thành ngữ này, và họ đang phải giải quyết tình huống khẩn cấp nào ?

Thành ngữ này bắt đầu lan truyền khắp cả nước sau khi hình ảnh được cho là một văn bản chính thức do một quận ở Trùng Khánh, một thành phố lớn ở phía tây nam Trung Quốc, soạn thảo, lan truyền trên internet, dù chỉ trong thời gian ngắn.

tcb2

Dụng cụ xào mì của đầu bếp này đang được bàn tán như thể nó có thể giúp chính quyền địa phương Trung Quốc giải quyết vấn đề nợ nần. © Getty Images

Văn bản cho biết quận đã thành lập một nhóm tạp oa mại thiết và liệt kê các thành viên. Nhiệm vụ của nhóm này là làm mọi cách có thể để giải quyết các vấn đề nợ của chính quyền địa phương.

Để làm được điều đó – để cứu quận khỏi sự sụp đổ tài chính – nhóm sẽ phải huy động rất nhiều tiền.

Nhiệm vụ này sẽ bao gồm việc xử lý hoặc sử dụng hiệu quả các tài sản hiện có, cắt giảm chi phí, phát hiện các nguồn doanh thu ẩn, và áp dụng các khoản thuế mới lên các công ty. Tiền thu được từ những nỗ lực như vậy sau đó sẽ được dùng để trả nợ và thanh toán lãi suất.

Bất kỳ giải pháp nhanh chóng nào, "bất kỳ cách nấu chảy xoong chảo nào", cũng đều có ích.

Khẩu hiệu này tượng trưng cho nhiều cuộc khủng hoảng đang diễn ra trên khắp Trung Quốc : giá nhà đất và các loại bất động sản khác giảm mạnh, gánh nặng nợ nần chồng chất, đặc biệt là nợ của chính quyền địa phương, sự sụp đổ tài chính trên thực tế của các chính quyền này, và các vấn đề xã hội xảy ra sau đó.

tcb3

Một dự án nhà ở vào ngày 15/08 tại Phúc Châu, tỉnh Phúc Kiến. Người ta vẫn chưa biết rõ tình trạng thực sự của thị trường bất động sản ở Trung Quốc. © AP

Một số chính quyền địa phương đang đứng bên bờ vực khủng hoảng tài chính đã phải trì hoãn việc trả lương, hoặc cắt giảm đáng kể lương và thưởng cho nhân viên, bao gồm cả nhân viên y tế và các nhà cung cấp dịch vụ cấp thiết khác.

Trong một số trường hợp, các công chức chính quyền địa phương không được trả lương trong thời gian dài đến mức họ buộc phải tìm việc làm mới tại các công ty tư nhân.

"Hiện có nhiều trường hợp [tiền lương và tiền thưởng] bị cắt giảm hoặc không chi trả ở một tỉnh gần Bắc Kinh", một nguồn tin thường xuyên có các chuyến công tác ở Trung Quốc cho biết. "Bạn vẫn còn may mắn nếu có thể tìm được việc làm trong khu vực tư nhân. Thực tế khá khắc nghiệt".

Các chính quyền địa phương đã dựa vào đất đai để có được ít nhất 30% doanh thu tài chính, và tỷ lệ phụ thuộc thậm chí vượt quá 70% ở một số nơi. Giờ đây, sự suy thoái kéo dài của thị trường bất động sản đang gây sức ép lên nguồn tiền của họ.

Họ từng bán quyền sử dụng đất nhà nước cho các nhà phát triển bất động sản với mức giá ưu đãi. Số tiền thu được sẽ được đầu tư vào cơ sở hạ tầng, bao gồm xây dựng các cơ sở công cộng và đường sá, cũng như trả các khoản lương và thưởng lớn cho nhân viên của họ.

Một nguồn tin hiểu rõ tình hình chính trị địa phương của Trung Quốc chỉ ra rằng, "Các nhà lãnh đạo ở nhiều nơi [của đất nước] đang sử dụng tạp oa mại thiết như một phép ẩn dụ để cho thấy họ đang trong tình trạng khó khăn [về tài chính]". Nguồn tin này nhận định chính quyền trung ương "có lẽ không hài lòng" với xu hướng này.

Trớ trêu thay, theo các báo cáo của phương tiện truyền thông Trung Quốc, chính quyền địa phương lại đang noi theo chính quyền trung ương. Cụ thể, câu nói tạp oa mại thiết được tìm thấy trong một văn bản chính sách do Văn phòng Quốc vụ viện, tức chính phủ Trung Quốc, ban hành vào năm ngoái.

Trùng Khánh không phải là nơi duy nhất cần phải làm mọi cách để giảm thiểu và giải quyết các vấn đề nợ địa phương. Chính quyền Thiên Tân, Nội Mông, Liêu Ninh, Cát Lâm, Hắc Long Giang, Quảng Tây, Quý Châu, Vân Nam, Cam Túc, Thanh Hải, và Ninh Hạ cũng được cho là đang phải đối mặt với trường hợp khẩn cấp.

Tại hội nghị trung ương ba của Ban Chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Trung Quốc khóa 20 vào tháng 7, đảng đã quyết định phân bổ thêm doanh thu thuế cho các chính quyền địa phương để giúp giảm bớt các vấn đề nợ của họ. Tuy nhiên, biện pháp này chẳng thấm vào đâu.

Đối với những người Trung Quốc trung niên và lớn tuổi, khẩu hiệu chính trị tạp oa mại thiết gợi nhớ đến thời kỳ Đại Nhảy vọt  hồi năm 1958-1962. Chiến dịch chính trị này của Mao Trạch Đông đã khiến rất nhiều người chết đói.

tcb4

Chương trình Đại Nhảy vọt của Mao Trạch Đông nhằm nhanh chóng bắt kịp trình độ sản xuất của phương Tây đã bỏ qua các lý thuyết kinh tế cơ bản. © AP

Để chứng minh tính ưu việt của chủ nghĩa xã hội, "nước Trung Quốc mới" của Mao, hay Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, được thành lập vào năm 1949, đã đặt ra mục tiêu đầy tham vọng là bắt kịp các quốc gia phương Tây về trình độ sản xuất chỉ trong một thời gian rất ngắn.

Chìa khóa để đạt được mục tiêu là sản xuất thép. Nhưng việc tăng sản xuất thép một cách liều lĩnh đã bỏ qua các lý thuyết kinh tế cơ bản.

Tuy nhiên, không ai dám phản đối động thái này.

Khắp nơi trên cả nước, mọi người đều nỗ lực gia tăng sản lượng thép danh nghĩa bằng cách sử dụng "lò nung sân sau" kém hiệu quả, vốn do nông dân vội vã làm ra để nấu chảy xoong chảo của gia đình mình.

Ngoài ra, người dân và chính quyền nông thôn đã rơi vào cảnh nghèo đói cùng cực khi họ buộc phải vận chuyển thực phẩm do mình trồng trọt và chăn nuôi đến các khu vực thành thị đang cố gắng đạt được mục tiêu sản lượng công nghiệp của Mao. Kết quả là, rất nhiều người đã chết đói.

tcb5

Các thành viên của Công xã Vệ Tinh đã nấu chảy thép ở vùng nông thôn Trung Quốc vào cuối những năm 1950, trong thời kỳ Đại Nhảy vọt. © Getty Images

Trong cuốn sách Mộ Bia của mình, Dương Kế Thằng, cựu nhà báo 84 tuổi từng làm việc tại Tân Hoa Xã, ước tính số người chết vì đói trong giai đoạn năm năm từ năm 1958 là 36 triệu người. Ông cũng kết luận rằng nông dân chiếm phần lớn trong số những ca tử vong này.

Ngay từ đầu, chính quyền trung ương Trung Quốc đã không có ý định để nông dân ăn cho đến khi no bụng, Dương nói trong cuốn sách của mình, trích dẫn những phát biểu tương tự được một quan chức cấp cao của đảng đưa ra trong thời kỳ Đại Nhảy vọt.

Con số ước tính 36 triệu người chết đói của Dương là rất đáng tin cậy, vì nó dựa trên các tài liệu nội bộ từ 17 tỉnh trên cả nước và lời khai của những người liên quan. Chỉ có một nhà xuất bản ở Hong Kong đồng ý phát hành bản gốc tiếng Trung của cuốn sách, nhưng cho đến nay nó vẫn bị cấm ở đại lục, nơi sự thật gây sốc vẫn bị che giấu.

Một hành động che đậy tương tự đang hình thành ngày hôm nay. Không có phương tiện truyền thông nào dám báo cáo về vấn đề lớn là lương của các viên chức chính quyền địa phương bị trả trễ hoặc cắt giảm đáng kể. Điều tương tự cũng xảy ra với tình trạng nợ lương mà người dân Trung Quốc bình thường phải chịu đựng trong cuộc sống hàng ngày. Cần phải có số liệu thống kê nội bộ cho thấy tình hình thực tế, nhưng ngay cả nếu có thì số liệu đó cũng sẽ không được đưa ra ánh sáng.

Cho đến thời của cựu Tổng Bí thư Hồ Cẩm Đào – người lãnh đạo Trung Quốc vào đầu thế kỷ 21, khi nền kinh tế đang phát triển mạnh – việc đưa tin điều tra thực tế về các vấn đề xã hội vẫn được cho phép ở một mức độ nhất định. Các bản tin đã được sử dụng như một công cụ để giải quyết các vấn đề xã hội, trừ phi chúng đe dọa đến chế độ độc đảng. Nhưng tình hình đã thay đổi đáng kể sau khi Tập Cận Bình lên tiếp quản chức Tổng Bí thư từ Hồ Cẩm Đào vào năm 2012.

Về vấn đề cấu trúc, chỉ có những con số chính thức, xa rời với thực tế kinh tế Trung Quốc được công bố. Nhà báo lão thành Dương từng nhận xét rằng trong hệ thống quyền lực này, số liệu thống kê "có thể thay đổi" theo ý muốn chủ quan của lãnh đạo tối cao.

Những lời của Dương là nhằm mô tả thời đại Đại Nhảy vọt cách đây hơn 60 năm. Nhưng chúng vẫn đúng với Trung Quốc ngày nay.

Tạp oa mại thiết nhắc người ta nhớ về một thất bại bi thảm. Việc thành ngữ này đã lấy lại được chỗ đứng trong các chính phủ địa phương mà không theo ý muốn của Bắc Kinh có lẽ phản ánh một sự thật mà các thống kê chính thức che giấu.

Katsuji Nakazawa

Nguyên tác : "‘Smash iron woks’ – a Great Leap Forward idiom returns to China", Nikkei Asia, 19/09/2024

Nguyễn Thị Kim Phụng biên dịch

Nguồn : Nghiên cứu quốc tế, 23/09/2024

Katsuji Nakazawa là nhà báo và biên tập viên cấp cao của Nikkei, hiện sinh sống tại Tokyo. Ông đã dành bảy năm làm phóng viên thường trú ở Trung Quốc và sau đó trở thành trưởng văn phòng Trung Quốc. Ông đã nhận Giải Nhà báo Quốc tế Vaughn-Ueda năm 2014.

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Katsuji Nakazawa, Nguyễn Thị Kim Phụng
Read 162 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)