Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

24/09/2024

Khi kẻ gây họa lại bắt nạn nhân phải biết ơn

Dân Trần

Hai cơn bão lớn vừa qua đã gây ra thiệt hại khủng khiếp cho người dân, thổi bay cả tài sản lẫn mạng người. Có điều bão quét vào đất liền 3 ngày rồi tan. Hoàn lưu bão gây mưa lớn rồi lại hết. Mà thật ra bão đã có từ muôn đời nay chứ đâu phải mới đây.

lulut1

Việc xả lũ ở Việt Nam không thống nhất, mỗi tỉnh, mỗi huyện làm một kiểu, trung ương lại chỉ đạo một kiểu khác để rồi khi ngập lụt thì đổ lỗi cho nhau.

Những năm gần đây, cứ hễ mưa lớn là có lũ lụt, có sạt lở chứ đâu cần bão. Cho nên nếu đổ lỗi cho bão thì không đúng. Mà vấn đề là cách điều hành đập thủy điện, thủy lợi và vấn nạn phá rừng, phân lô bán nền của cộng sản.

Ở miền bắc, bão Yagi đã tan từ ngày 9/9, nhưng ngày 22/9, thủy điện Hòa Bình mở liên tiếp 3 cửa xả đáy với lý do mưa lớn ở đầu nguồn. Dân vẫn phải tiếp tục cảnh sống chung với lũ. Trong khi thủy điện, thủy lợi được xây dựng để điều tiết nguồn nước, mà cứ mưa lớn là xả trong khi mùa nắng thì lại tích nước, mặc cho dân khát khô cổ.

Ở miền trung, thủy điện Trung Sơn (Thanh Hóa), thủy điện Bản Vẽ (Nghệ An) cũng đồng loạt xả lũ. Ở Tây Nguyên, thủy điện An Khê, thủy điện Sê San 4 (Gia Lai), thủy điện Srêpốk 3, thủy điện Buôn Kuốp (Đắk Lắk), thủy điện Buôn Tua Srah (Đắk Nông) cũng đồng loạt xả lũ trong ngày 22/9 (1).

Ngày 23/9 thì tới thủy điện Trị An (Đồng Nai), hồ thủy điện lớn nhất miền nam sẽ xả lũ. Như vậy các đập thủy điện khắp bắc trung nam sẽ đều xả lũ, nguy cơ ngập, sạt lở là điều thấy rõ ngay trước mắt.

Dĩ nhiên sẽ có người cho rằng mưa lớn thì phải xả lũ để tránh vỡ đập. Nhưng vấn đề là tại sao không xả đập vào mùa khô để chuyển nước cho hạ nguồn bị hạn hán, và đợi tới mùa mưa thì tích nước lại ? Để cứ tới mưa là xả, xả cùng lúc, xả đồng loạt, lũ kèm theo mưa bão, dân nào chịu nổi. Hoặc có ai quan tâm tới chất lượng công trình không ? Tại sao trước khi xây đập thì không tính toán tới chuyện mưa lớn sẽ phải điều tiết nước như thế nào ? Còn nếu tính rồi thì tính kiểu gì mà thành ra hại dân hại nước như vậy ?

Đã từng có bằng chứng cho thấy việc xả lũ vô tội vạ, không theo quy trình nào cả và không thống nhất giữa các địa phương. Tháng 11/2021, Phú Yên trở thành bị ảnh hưởng nặng nề về người và tài sản khi lũ vượt đỉnh lịch sử làm 3 người chết, 6 người mất tích, hơn 50.000 căn nhà bị ngập. Tỉnh Phú Yên đã sơ tán hơn 18.500 người đi tránh lũ.

Nguyên nhân được lãnh đạo tỉnh này đưa ra là do các thủy điện ở Tây Nguyên đồng loạt xả lũ gây áp lực xả lũ ở thủy điện hạ lưu sông Ba. Tuy nhiên lãnh đạo tỉnh Gia Lai thì khẳng định tỉnh này làm đúng, xả lũ hợp lý, và đổ trách nhiệm ngược lại cho tỉnh Phú Yên (2).

Điều này chứng minh rằng việc xả lũ ở Việt Nam không thống nhất, mỗi tỉnh, mỗi huyện làm một kiểu, trung ương lại chỉ đạo một kiểu khác để rồi khi ngập lụt thì đổ lỗi cho nhau. Còn dân lãnh đủ, tài sản tính mạng tiêu tán, đền bù được vài ba đồng, thậm chí chẳng phải gọi là đền bù, mà là "hỗ trợ". Đền bù thì tức là nhà nước chịu trách nhiệm, còn "hỗ trợ" tức là nhà nước ban ơn cho dân chứ nhà nước vô tội. Còn sự khốn nạn nào hơn khi kẻ gây họa lại bắt nạn nhân phải biết ơn.

Mà đâu phải chỉ có lũ lụt không đâu. Đập thủy điện còn gây ra nhiều tai họa nặng nề khác. Đầu tiên là việc phá rừng để xây đập, mất rừng thì nước mưa sẽ đổ về nhiều hơn do không thấm xuống đất được. Rồi tiếp theo là sạt lở do nước lũ quá mạnh cuốn theo đất đá, phá vỡ cấu trúc đồi núi.

Động đất cũng từ thủy điện mà ra. Từ đầu năm tới nay đã có hàng trăm vụ động đất liên tục xảy ra ở Kon Tum do các đập thủy điện tích nước tác động lên hệ thống đứt gãy hoạt động bên dưới gây biến đổi địa tầng. Nhà cửa người dân nứt nẻ, tan hoang, chẳng ai đền bù chay chịu trách nhiệm.

Vậy thì mưa bão nào có hại bằng cộng sản đâu !

Dân Trần

Nguồn : VNTB, 24/09/2024

Tham khảo :

(1) https://baomoi.com/loat-ho-thuy-dien-mien-trung-tay-nguyen-tiep-tuc-xa-lu-c50246619.epi

(2) https://laodong.vn/xa-hoi/lu-lut-o-mien-trung-co-quan-chuc-nang-do-loi-cho-nhau-ve-trach-nhiem-xa-lu-980693.ldo

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Dân Trần
Read 120 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)