Tổng chủ biên bộ sử Việt Nam : gọi "ngụy quân, ngụy quyền" là miệt thị !
Lan Hương, RFA, 21/08/2017
Tổng chủ biên bộ sử Việt Nam : gọi "ngụy quân, ngụy quyền" là miệt thị !
Ông Ngô Đình Diệm (thứ ba từ trái) cùng với chính phủ của ông chụp tại Sài Gòn năm 1955. AFP
Ngày 18/8, Viện hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam đã cho ra mắt bộ Lịch sử Việt Nam. Một trong nhiều điểm mới của bộ sách lịch sử này được báo Tuổi Trẻ nói là việc đề cập đến sự tồn tại của chính quyền Việt Nam Cộng hòa như một thực thể chính trị độc lập tại miền Nam Việt Nam, xóa bỏ tên gọi ngụy quân, ngụy quyền trước đây.
Bộ sách Lịch sử Việt Nam gồm 15 tập, bao quát nền lịch sử của Việt Nam từ khởi thủy đến năm 2000 do Viện Sử học Việt Nam biên soạn với sự tham gia của hơn 30 chuyên gia sử học.
Nên gọi trung tính !
Kể từ khi bộ sách được giới thiệu, một bộ phận dư luận đặc biệt quan tâm đến thông tin chính quyền Việt Nam Cộng hòa không còn bị gọi là ngụy quyền mà được gọi là Chính quyền Sài Gòn. Giải thích về lý do dẫn đến sự thay đổi trong cách gọi này, Tiến sĩ Sử học Nguyễn Nhã, người đã từng góp ý trong quá trình biên soạn bộ sách này, cho rằng trong thời kỳ còn đấu tranh chính trị, chuyện chính quyền này không thừa nhận chính quyền kia cũng là điều dễ hiểu :
"Theo tôi trong thời kỳ đấu tranh chính trị thì không thừa nhận nhau là chuyện thường. Nhưng bây giờ khi thống nhất và lo xây dựng đất nước thì Việt Nam Cộng Hòa là một sự thực đã diễn ra trong lịch sử và được nhiều nước công nhận và có tham gia Liên Hiệp Quốc nữa".
Chính quyền Việt Nam Cộng hòa được thành lập ngày 26 tháng 10 năm 1955, với ông Ngô Đình Diệm là Tổng thống đầu tiên, sau khi có một thời gian ngắn dưới thời Quốc trưởng Bảo Đại, người sau đó bị phế truất và phải lưu vong tại Pháp. Chính phủ này được Hoa Kỳ và 77 quốc gia khác công nhận. Năm 1957, Việt Nam Cộng hòa đệ đơn xin gia nhập Liên Hiệp Quốc nhưng đề nghị này bị Liên Xô phủ quyết.
Đáp lại thắc mắc của chúng tôi rằng chính quyền Việt Nam Cộng Hòa đã từng tồn tại nhiều chục năm về trước nhưng vì sao đến tận bây giờ Việt Nam mới đổi cách gọi chính quyền miền Nam, Tiến sĩ Nguyễn Nhã nói rằng những vấn đề về chính trị phải có điều kiện mới có thể thay đổi được, còn tùy theo tình hình. Ông cho rằng "bây giờ thời gian đã chín mùi".
Chúng tôi cũng có dịp trao đổi với Phó Giáo sư Tiến sĩ Trần Đức Cường, nguyên Viện trưởng Viện sử học, hiện là Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, đồng thời là tổng chủ biên bộ sách Lịch sử Việt Nam này. Phó Giáo sư Tiến sĩ Trần Đức Cường cho chúng tôi biết lý do các nhà sử học thống nhất bỏ tên gọi ngụy quyền đối với chế độ Việt Nam Cộng Hòa :
"Bản chất chính quyền Sài Gòn và quân đội Sài Gòn theo chúng tôi không có gì thay đổi cả. Đấy là một chính quyền được dựng lên từ đô la và vũ khí, thực hiện chiến lược toàn cầu của Mỹ, ngăn chặn chủ nghĩa Cộng Sản lan xuống vùng Đông Nam Á, đồng thời chia cắt đất nước Việt Nam một cách lâu dài, biến miền Nam thành thuộc địa kiểu mới và căn cứ quân sự của Mỹ. Điều đó không có gì nghi ngờ cả".
"Thứ hai, quân đội Sài Gòn thực chất được Mỹ trang bị hoàn toàn và quan trọng hơn là thực hiện mưu đồ của Mỹ. Đó cũng là một đội quân đi đánh thuê. Thực chất các nhà sử học không có một đánh giá nào khác so với thời gian trước đây".
"Nhưng về cách gọi, chúng tôi nghĩ rằng trong một văn bản khoa học, mình gọi trung tính vẫn hơn là ngụy quân, ngụy quyền. Bởi vì cách gọi này mang tính biểu cảm, miệt thị cho nên chúng tôi gọi là quân đội Sài Gòn và chính quyền Sài Gòn".
Sáng ngày 19/1/2014, dân Hà Nội đã có mặt tại tượng đài Lý Thái Tổ – Hồ Gươm – Hà Nội để tham gia buổi Lễ tưởng niệm tri ân 74 quân nhân Hải Quân Việt Nam Cộng Hòa đã hy sinh trong trận hải chiến năm 1974 ở Hoàng Sa - Courtesy of Thoibao
Tiến sĩ Nguyễn Nhã lại phân tích rằng "Việt Nam sẽ rất lời nếu công nhận chính quyền Việt Nam Cộng Hòa". Trước hết là vấn đề biển đảo :
"Trước hết là việc đấu tranh giành chủ quyền Hoàng Sa - Trường Sa. Theo luật pháp quốc tế thì cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, khi Trung Quốc bắt đầu vào xâm lấn, cho rằng Paracels (quần đảo Hoàng Sa) là đất vô chủ. Nhưng thực chất đâu có vô chủ. Hồi đó luật pháp quốc tế quy định phải chiếm hữu thật sự, mang tính nhà nước, liên tục và hòa bình. Tức là phải liên tục, nếu không công nhận Việt Nam Cộng Hòa thì làm sao liên tục được !".
Một yếu tố khác rất quan trọng được vị Tiến sĩ Sử học này nhấn mạnh đó là dưới thời Việt Nam Cộng Hòa, các nhà nghiên cứu và kinh tế làm việc rất độc lập. Ông đánh giá đó là một điểm tốt cần được học hỏi, phát huy.
Ngoài ra, ông còn tiết lộ rằng kể cả về văn hóa giáo dục dưới chế độ Việt Nam Cộng Hòa cũng có nhiều điều quý giá :
"Theo tôi đó là một di sản quý giá của cả dân tộc chứ không phải chỉ có chính trị, hay chính quyền !".
Không có sức ép
Khi được hỏi việc công nhận chính quyền Việt Nam Cộng Hòa giữa thời điểm này, các nhà sử học có phải chịu sức ép nào không, Phó Giáo sư Tiến sĩ Trần Đức Cường khẳng định rằng việc đổi cách gọi tên chỉ thể hiện sự trung tính, tôn trọng lẫn nhau, là quyết định của tập thể các nhà nghiên cứu sử học, chứ không có bất cứ sức ép hay động cơ gì. Ông cho biết trước đây tên Chính quyền Sài Gòn đã từng được sử dụng chứ không phải bây giờ mới là lần đầu tiên :
"Một ví dụ, bạn về tìm đọc cuốn Bách khoa Toàn thư Quân sự Việt Nam của Bộ Quốc phòng in năm 2015, tức là cách đây đã 2 năm rồi do Bộ Quốc phòng chỉ đạo. Cuốn đó đã không dùng khái niệm ngụy quân, ngụy quyền mà dùng từ Quân đội và Chính quyền Sài Gòn".
Tiến sĩ Nguyễn Nhã cũng đồng tình với quan điểm rằng không có sức ép nào trong chuyện đổi cách gọi này mà chỉ là các nhà sử học đồng lòng đưa ra ý kiến nên thay đổi và được chấp thuận.
Cũng cần điểm lại vài nét lịch sử, sau sự kiện 30 tháng 4 năm 1975, Việt Nam Cộng Hòa sụp đổ và toàn bộ miền Nam Việt Nam thuộc kiểm soát của chính phủ Cộng hòa miền Nam Việt Nam. Cộng hòa miền Nam Việt Nam và Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã cùng nhau tiến hành cuộc Tổng tuyển cử toàn quốc vào ngày 25 tháng 04 năm 1976 để bầu ra Quốc hội và Chính phủ thống nhất cho cả hai miền.
Vào ngày 2 tháng 7 năm 1976, Quốc hội mới gồm đại biểu từ cả hai miền đã quyết định thành lập nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam dựa trên cơ sở kế thừa Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Cộng hòa Miền Nam Việt Nam.
Lan Hương,
Nguồn : RFA, 21/08/2017
**************
Lịch sử Việt Nam sẽ sang trang khi không còn "ngụy quân ngụy quyền" ?
Hòa Ái, phóng viên RFA, 21/08/2017
Bộ sách thông sử bao quát nền lịch sử của Việt Nam từ khởi thủy đến năm 2000, có tựa đề "Lịch sử Việt Nam", vừa được ấn hành tái bản lần thứ nhất với nội dung chỉnh sửa và bổ sung ; trong đó thay đổi cách gọi "Chính quyền Sài Gòn-Quân đội Sài Gòn" thay vì "ngụy quân, ngụy quyền" khi nhắc đến Chính quyền Việt Nam Cộng Hòa, kể từ sau ngày 30/04/1975 cho đến nay.
Người Sài Gòn di tản hôm 29/4/1975. Photo : AFP
Không gọi "ngụy quân, ngụy quyền"
Dư luận trong nước những ngày qua phấn khởi đón nhận bộ sách "Lịch sử Việt Nam" gồm 15 tập với hơn 10 ngàn trang, được 30 nhà nghiên cứu sử học biên soạn trong 9 năm, vừa được tái bản lần thứ nhất và phát hành vào hôm 18 tháng 8.
Đài Á Châu Tự Do ghi nhận qua trang Fanpage của Báo mạng điện tử Tuổi Trẻ Online, rất nhiều độc giả bày tỏ sự vui mừng và hoan nghên các nhà sử học, thuộc Viện Hàn lâm Khoa học & Xã hội Việt Nam đã nhìn nhận lịch sử và viết đúng với những gì xảy ra trong lịch sử trong việc thay đổi cách gọi tên "Chính quyền Sài Gòn, Quân đội Sài Gòn", chứ không gọi "ngụy quân, ngụy quyền" cùng lời khẳng định của Phó Giáo sư-Tiến sĩ Trần Đức Cường trong buổi giới thiệu bộ sách "Lịch sử Việt Nam" rằng "Lịch sử phải khách quan và phải viết thế nào để mọi người chấp nhận".
Báo Tuổi Trẻ Online dẫn lời nhận định của Tiến sĩ Lê Trung Tĩnh rằng việc từ bỏ cách gọi "ngụy quân, ngụy quyền" mang lại những tác động tích cực đối với việc giải quyết tranh chấp trên Biển Đông, cụ thể là hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa bằng công pháp quốc tế. Tiến sĩ sử học Nguyễn Nhã cũng xác nhận với RFA rằng Chính quyền Việt Nam Cộng Hòa phải được Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam chính thức thừa nhận thì mới đảm bảo tính pháp lý quốc tế liên tục để đấu tranh bảo vệ chủ quyền chính đáng của Việt Nam tại Hoàng Sa và Trường Sa.
Trong khi đó, từ Canada, Luật sư Vũ Đức Khanh cho biết Chính quyền Hà Nội đã phạm phải một lỗi lầm quan trọng là không thừa nhận thể chế Việt Nam Cộng Hòa, theo Hiệp định Geneve 1954 và Hiệp định Paris 1973 mà Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa đã tham gia ký kết. Theo quan điểm nhận xét cá nhân của ông về bộ sách "Lịch sử Việt Nam" mới vừa phát hành, thay đổi cách gọi tên đối với Chính quyền Việt Nam Cộng Hòa là một cách mà Chính phủ Hà Nội bắn tiếng để chấp nhận những gì thuộc về của Việt Nam Cộng Hòa và có thể thừa kế quyền lợi hợp pháp, hợp lý của Chính phủ Việt Nam Cộng Hòa trước năm 1975 cũng như có thể trở thành quốc gia đồng minh của Hoa Kỳ như trước đây, bởi vì :
"Bây giờ đứng trước tình hình ở Biển Đông, có thể có một số những biến động rất lớn. Đồng thời hiện tại Chính phủ Hà Nội và Chính phủ Hoa Kỳ đã có những bước thỏa thuận ngầm, điều đó tôi có các nguồn thông tin để khẳng định rằng Hoa Kỳ đang bí mật để trang bị vũ khí cho Việt Nam".
Từ Paris, Pháp quốc, cựu nhà báo Trần Công Sung của Việt Tấn Xã Việt Nam Cộng Hòa còn chú ý đến ý kiến của không ít chuyên gia sử học trong quốc nội, được đăng tải trên Tuổi Trẻ Online, cho rằng việc từ bỏ cách gọi "ngụy quân, ngụy quyền" và công nhận Việt Nam Cộng Hòa như một chính quyền độc lập là bước tiến quan trọng để hàn gắn vết thương của người Việt sau chiến tranh, mà Tiến sĩ Nguyễn Nhã nhắc lại việc công nhận này sẽ tạo sự đoàn kết, hòa hợp hòa giải dân tộc, theo ý nguyện lúc sinh thời của cựu Thủ tướng Võ Văn Kiệt.
Tiền đề của hòa hợp hòa giải dân tộc ?
Xe tăng quân đội miền Bắc tiến vào dinh Ðộc Lập trưa ngày 30/4/1975. Photo : AFP
Tuy nhiên, ông Trần Công Sung nhấn mạnh với RFA là rất khó dự đoán được Chính quyền Hà Nội sẽ thừa nhận sai lầm của họ và chính thức công nhận Chính quyền Việt Nam Cộng Hòa hay không. Cựu nhà báo của Việt Tấn Xã Việt Nam Cộng Hòa nói thêm :
"Đã có những tờ báo khen ngợi chuyện đó. Nhưng cũng có một vài tờ báo chính thức của Nhà nước bắt đầu chỉ trích. Thành ra khó có thể nói đó là một sự chuyển hướng thực sự của Nhà nước hay không. Chính sách của Việt Nam khó mà nói trước lắm. Hôm nay như thế này, ngày mai lại thế khác. Hôm nay mềm dịu vì một vài dữ kiện mới, nhưng tháng tới lại đổi hoàn toàn".
Thế nhưng, số đông những người Việt hải ngoại, thuộc thế hệ 1.5 chia sẻ đối với họ việc Chính quyền Hà Nội cho phép xuất bản bộ sách lịch sử mà có động thái thay đổi, không gọi tên "ngụy quân, nguy quyền" như suốt hơn 4 thập niên qua là một dấu hiệu mở ra cho sự kết nối của các thế hệ người Việt trong tương lai. Cựu Trung tá Hải quân Hoa Kỳ Nguyễn Anh Tuấn nói với chúng tôi ông tin vào điều đó, mặc dù ngay thời điểm hiện tại, những người như ông vẫn còn dè dặt :
"Nhìn lịch sử của thế giới, nhìn lịch sử của Hoa Kỳ thì mình cũng thấy họ mất 40-50 năm sau mới bắt đầu hòa hợp hòa giải được. Trong 42 năm vừa qua, tôi nghĩ là có thể thay đổi. Sẽ không có sự thay đổi nếu như không đổi hướng đi. Và nếu bây giờ Việt Nam bắt đầu chuyển hướng thì có thể đây là sự hy vọng. Tuy nhiên, quá khứ đã cho thấy có sự hy vọng của người Việt (hải ngoại) rất nhiều nhưng cũng đã bị lường gạt quá nhiều nên sự tin tưởng vào những câu nói của họ thì chưa biết có thành thật hay không".
Đáp câu hỏi của RFA xoay quanh quan điểm của một số những người là hậu duệ của Việt Nam Cộng Hòa, đang sinh sống tại hải ngoại mà có tấm lòng luôn hướng về đất mẹ với mong muốn góp một bàn tay cho quê hương được hùng cường, văn minh, thì liệu rằng họ có thể là những chìa khóa đầu tiên để mở cánh cửa cho việc "hòa hợp hòa giải" một khi Chính quyền Hà Nội chính thức công nhận thể chế Việt Nam Cộng Hòa, cựu Thiếu tướng Lê Minh Đảo, Tư lệnh Sư đoàn 18 Bộ Binh Quân lực Việt Nam Cộng Hòa, quả quyết để thể hiện thực tâm mà Chính quyền Hà Nội kêu gọi "hòa hợp hòa giải" thì hãy tiến hành hòa giải với người dân trong nước trước :
"Hòa giải với dân chúng, hòa giải với đảng phái, hòa giải với tôn giáo, hòa giải với tất cả những người trong nước. Có hòa giải được rồi thì mới hòa hợp được với người dân trong nước, làm sao cho dân chúng tin nơi anh (Đảng Cộng Sản Việt Nam lãnh đạo) thì lúc đó hãy nói chuyện với người Việt hải ngoại".
Và những người Việt hải ngoại mà Đài Á Châu Tự Do tiếp xúc đều chấm dứt cuộc trò chuyện với chúng tôi bằng câu nói dân tộc Việt Nam chỉ có thể hòa hợp khi không còn chế độ cộng sản, với lý do như cựu Thiếu tướng Lê Minh Đảo dẫn lời của ông Phạm Khắc Hòe, Ngự tiền văn phòng đổng lý, hàm Thượng thư của Vua Bảo Đại, từng giữ các chức vụ : Giám đốc Nha Pháp chính và Đổng lý văn phòng Bộ Nội Vụ của Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa đã nói với ông trong khoảnh khắc ngắn ngủi của thời gian 17 năm tù mà hai người gặp nhau rằng "Các anh sống 100 năm nữa cũng không hiểu được người cộng sản đâu".
Hòa Ái, phóng viên RFA
Nguồn : RFA, 21/08/2017
*************************
Tranh luận chung quanh từ ‘ngụy quân’, ‘ngụy quyền’ (VOA, 22/08/2017)
Có những ý kiến khác nhau về việc Viện Hàn lâm Khoa học Việt Nam phát hành bộ sách Lịch sử Việt Nam, công nhận Việt Nam Cộng hòa là một thực thể, và không còn gọi chính quyền ở Sài gòn trước 1975 là "ngụy quân, ngụy quyền" nữa. Có người cho đây là một dấu hiệu tích cực, có người hoài nghi động cơ phía sau việc loại bỏ cụm từ "ngụy quân, ngụy quyền", có người cho là điều này không có nghĩa lý gì, và cũng có người cho đây là "một sự kiện lịch sử", có thể báo hiệu những sự thay đổi khác trong tương lai.
Giáo sư Nguyễn Thanh Trang, người từng cộng tác với Viện Đại học Huế thời Việt Nam Cộng hòa, hiện cư ngụ ở bang California, nói rằng việc Việt Nam Cộng Hoà được công nhận là một tín hiệu đáng mừng :
"Họ công nhận thực thể Việt Nam Cộng hòa, không còn gọi là ngụy quân, ngụy quyền nữa, theo thiển ý của chúng tôi, đó là một dấu hiện đáng mừng".
Cho đến nay, chính quyền Hà Nội vẫn gọi chính quyền miền Nam là "ngụy quyền" và những người lính miền Nam là "ngụy quân".
Ông Phan Ngọc Lượng, một cựu quân nhân Việt Nam Cộng hòa đang sinh sống ở bang California, bày tỏ nghi vấn về động cơ phía sau việc công nhận "Chính quyền Việt Nam cộng hoà là một thực thể ở miền Nam Việt Nam".
"Khó mà tin được điều họ làm. Tôi không biết động cơ, chương trình của họ là gì. Lúc nào tôi cũng đặt sự nghi ngờ đối với cộng sản, vì họ lừa nhiều lần rồi. Điều gì họ làm đều có mục đích phía sau".
Ông Lượng cho rằng chữ "ngụy" trong "ngụy quân, ngụy quyền" đã sai ngay từ đầu :
"Cái chữ ngụy họ từng dùng không biết để chỉ ai cho đúng ? Tôi biết chính phủ Việt Nam Cộng hòa không lừa gạt ai. Tôi là một quân nhân. Tôi tham gia quân đội từ lúc bé, 12 tuổi tham gia thiếu sinh quân cho tới khi cuộc chiến tàn. Tôi không bao giờ chấp nhận người cộng sản. Cũng không quan tâm họ gọi mình như thế nào. Tôi nghĩ anh em cựu quân nhân ở đây cũng không nhạy cảm với từ ‘ngụy quân, ngụy quyền’ vì họ biết họ không là ‘ngụy’ mà chính người cộng sản mới là ‘ngụy.’ Dân chúng đều hiểu rõ chuyện này. Đó là điều quan trọng đối với chúng tôi".
Trả lời phỏng vấn báo Tuổi trẻ hôm 18/8, ông Trần Đức Cường, nguyên viện trưởng Viện sử học, chủ tịch Hội khoa học lịch sử Việt Nam, tổng chủ biên bộ sách Lịch sử Việt Nam, nói : "Chính quyền Việt Nam cộng hoà là một thực thể ở miền Nam Việt Nam".
Ông Cường còn nói rằng nhóm viết sách lịch sử đã từ bỏ cách gọi ‘ngụy quân’, ‘ngụy quyền,’ mà thay vào đó, gọi là ‘chính quyền Sài Gòn’, ‘quân đội Sài Gòn.’
Giáo sư Nguyễn Thanh Trang nhận định rằng thông thường các cơ quan, viện nghiên cứu Việt Nam phải thể hiện quan điểm thống nhất của Đảng, và ông cho rằng lần xuất bản này được thực hiện trong một hoàn cảnh khá đặc biệt :
"Đây là một bước tiến mà Viện Hàn lâm Khoa học đã thực hiện. Có thể đây là một công việc vì nhu cầu, vì hoàn cảnh đặc biệt mà Hà Nội sẵn sàng cho cơ quan này lên tiếng".
Giáo sư Trang nói có thể tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc tại quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa trong Biển Đông là nguyên nhân buộc cơ quan nghiên cứu hàng đầu của Việt Nam phải chỉnh đổi cách gọi chính quyền Sài gòn trước năm 1975 :
"Sau năm 1954 khi Việt Nam bị chia đôi, thì chủ quyền biển đảo là chủ quyền của Việt Nam Cộng hòa, chứ không phải của Hà Nội. Cho nên bây giờ họ xác nhận Việt Nam Cộng hòa là một thực thể chính trị, một quốc gia độc lập, có chủ quyền, được quốc tế thừa nhận thì đó là một điều quan trọng".
Nhà báo độc lập Phạm Chí Dũng trong một bài viết cho VOA nhận định : ‘thực thể Việt Nam Cộng Hòa không hoặc chưa phải là phát ngôn hay chủ trương được chính thức công bố, nhưng hiện tượng bộ sách Lịch sử Việt Nam không còn xem Việt Nam Cộng Hòa là ‘nguỵ quân ngụy quyền’ vẫn là một sự xác nhận gián tiếp về tính chủ trương chưa được công bố, cùng lúc được ‘bật đèn xanh’ từ một cấp trên nào đó".
Luật sư Lê Công Đinh ở thành phố Hồ Chí Minh viết trên trang Facebook của ông rằng việc bộ sách công nhận Việt Nam Cộng Hòa "không có ý nghĩa gì", vì đây chưa phải là "sự công nhận chính thức của nhà nước cộng sản hiện nay".
Tuy nhiên, liên quan đến cộng đồng người Việt trong và ngoài nước về cách gọi tên và việc công nhận này, Giáo sư Nguyễn Thanh Trang nói rằng chính quyền Hà Nội cần phải đối xử bình đẳng với tất cả mọi người.
"Đây là một việc làm rất đáng khích lệ nhưng cũng quá trễ. Qúa trễ, nhưng có còn hơn không ! Tuy vậy, điều này không có nghĩa là lịch sử sang trang thì xóa hết tất cả mọi chuyện. Chắc chắn rằng cộng đồng người Việt hải ngoại mong muốn Việt Nam có những chủ trương và hành động cụ thể đối xử với tất cả người Việt Nam, nhất là những người phục vụ dưới chế độ Việt Nam Cộng hòa một cách bình đẳng. Có như vậy mới hy vọng lôi kéo sự hưởng ứng và đóng góp của người Việt hải ngoại, nhất là trong mặt trận bảo vệ chủ quyền đất nước trước nạn xâm lăng của Trung Quốc".
Trên trang Facebook, Luật sự Định chia sẻ rằng công nhận Việt Nam Cộng Hòa là "hành động chính trị đơn thuần", chứ không mang lại giá trị hay ý nghĩa pháp lý gì và không giúp ích gì thêm cho lập luận xác nhận chủ quyền đối với hai quần đảo đang trong vòng tranh chấp.
Trên trang Việt NamTB.org xuất hiện bài viết được cho là của Trung tướng Nguyễn Thanh Tuấn, nguyên Cục Trưởng Cục Tuyên huấn, Bộ Quốc phòng, không chấp nhận việc công nhận chính quyền Sài gòn, tác giả cho rằng công nhận chế độ Việt Nam Cộng Hòa là "đánh tráo lịch sử" và "yêu cầu Đảng, Nhà nước phải kiểm tra xử lý kiên quyết thu hồi, đính chính trở lại tập sử và làm rõ trách nhiệm những người gây nên hậu quả sai trái".
Gần đây nhất, hồi tháng 6/2017, báo Quân đội Nhân dân, trong một bài ca ngợi Trung tướng Nguyễn Thanh Tuấn như là "người truyền lửa cho cộng đồng người Việt trong và ngoài nước", vẫn tố cáo "tội ác của chế độ Mỹ-Ngụy". Bài báo nói ông Tuấn từng được phân công để "lên lớp chính trị cho gần một vạn binh lính, nhân viên ngụy quân, ngụy quyền".
Trên Blog VOA, nhà báo Phạm Chí Dũng dự báo hiện tượng xác nhận "thực thể Việt Nam Cộng Hòa" có thể được xem là một sự kiện lịch sử, và có thể là một tiền đề dẫn đến một giai đoạn "tự chuyển hóa" về quan điểm chính trị của Đảng, hay nói chính xác hơn, là bắt đầu từ một bộ phận nào đó của đảng cầm quyền. Tiến trình chuyển đổi này có thể nhanh hơn hoặc tăng tốc vào năm sau - 2018".
***************
Bộ sử Việt Nam mới ‘tôn trọng quá khứ, vì lợi ích quốc gia’ (VOA, 21/08/2017)
Bộ sử mới của Việt Nam vừa chính thức ra mắt, được cho là chứa đựng thông tin "chân thực, khách quan" về Việt Nam Cộng hòa, cũng như cuộc chiến tranh với Trung Quốc nổ ra năm 1979. Một nhà sử học đánh giá bộ sử này "tôn trọng quá khứ, vì lợi ích quốc gia".
Bộ sách sử mới của Việt Nam, do Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam biên soạn, 8/2017
Báo chí Việt Nam cho hay Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam hôm 18/8 đã phát hành rộng rãi trên thị trường bộ sách mang tên Lịch sử Việt Nam dày 10.000 trang, được coi là bộ sử đồ sộ nhất của đất nước từ trước đến nay.
Theo lời phó Giáo sư, tiến sĩ Đinh Quang Hải, Viện trưởng Viện Sử học, được báo chí dẫn lại, bộ sử nói về Việt Nam từ khởi thủy đến năm 2000. Điểm đáng chú ý của bộ sử là nó bổ sung những kết quả nghiên cứu mới nhất của các ngành khoa học xã hội và nhân văn, ông Hải cho biết.
Ông Hải nói các nhà nghiên cứu của bộ sách này "muốn phản ảnh chân thực nhất, khách quan nhất, đặc biệt là về chiến tranh biên giới phía bắc", là cuộc chiến do Trung Quốc phát động đánh vào Việt Nam đầu năm 1979.
Trên báo chí Việt Nam, phó giáo sư, tiến sĩ Trần Đức Cường, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, nhấn mạnh rằng bộ sử "nói kỹ hơn nhiều" về chiến tranh biên giới phía bắc và cuộc chiến bảo vệ biên giới phía tây nam trước quân Khmer Đỏ Campuchia. Ông Cường lưu ý rằng chỉ có 8 dòng nói về hai cuộc chiến này trong sách giáo khoa.
Vị chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử cho biết thêm cuốn sử nói rõ rằng cuộc chiến do Trung Quốc phát động là "chiến tranh xâm lược". Bên cạnh đó, theo lời ông Cường, bộ sử cũng nói rõ là cuộc chiến đó "không gói gọn trong tháng 2/1979 mà còn kéo rất dài", đến khoảng năm 1988 "mới thực sự có hòa bình ở biên giới phía bắc", sau khi các cán bộ, chiến sĩ của Việt Nam "phải hy sinh rất nhiều xương máu".
Vẫn theo Phó Giáo sư Tiến sĩ Cường, bộ lịch sử mới "bổ khuyết được nhiều vấn đề mà các công trình sử học trước đó chưa có điều kiện nghiên cứu".
Ông chỉ ra rằng các sách sử trước đây của chính quyền Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam dùng các từ "ngụy quân", "ngụy quyền" để gọi Việt Nam Cộng hòa và quân đội của chính thể đó. "Nhưng bây giờ chúng ta viết là chính quyền Sài Gòn, quân đội Sài Gòn", ông Cường nói.
Bản đồ diễn biến chiến sự ở Việt Nam Cộng hòa tính đến thời điểm 31/3/1975 (ảnh tư liệu)
Nhận xét về những thay đổi quan trọng này, nhà sử học Dương Trung Quốc, người cũng là một đại biểu quốc hội, đưa ra ý kiến với VOA :
"Tôi cho rằng việc làm này không phải là sự đảo lộn gì ghê gớm, mà vấn đề là nhận thức lại quá khứ trên cơ sở chính lợi ích của hiện tại. Tôi cho rằng việc viết như thế không chỉ là vấn đề ứng xử với quá khứ mà là ứng xử với chính hiện tại này. Tôi cho là như thế nó công bằng, có một sự tôn trọng nhất định. Nó thể hiện một thái độ không phải chỉ là cởi mở hay khoan dung, mà thực sự là một nhận thức hết sức thực tiễn. Tôi cho đây là việc làm mà vì nó thể hiện trong bộ sử cho nên nó cũng là một cái thể hiện được quan điểm của người dân Việt Nam hiện đại đối với vấn đề quá khứ".
Trong một bài viết được báo Tuổi Trẻ đăng hôm 20/8 với tít "Thừa nhận Việt Nam Cộng hòa là bước tiến quan trọng", tiến sĩ sử học Nguyễn Nhã bình luận rằng việc bộ sử Việt Nam mới thừa nhận chính thể tại miền nam Việt Nam trước 1975 là việc làm "có lợi trước nhất cho công cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo của Việt Nam" ở Biển Đông.
Ông Nhã nhắc lại sự thật lịch sử là nhiều nước trong đó có Trung Quốc và Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã ký Hiệp định Geneva 1954, theo đó công nhân Việt Nam Cộng hòa "là một thực thể chính trị" với "chính quyền hợp pháp" quản lý lãnh thổ kể cả biển phía nam vĩ tuyến 17 của Việt Nam khi chưa thống nhất đất nước.
Nhà sử học Dương Trung Quốc nhấn mạnh với VOA việc công nhận Việt Nam Cộng hòa là điều thiết yếu khi nói đến tính liên tục trong công cuộc khẳng định chủ quyền :
"Một trong những cơ sở chủ quyền của chúng ta là cơ sở lịch sử, là tính liên tục trong quản lý nhà nước. Từ thời các Chúa Nguyễn chúng ta có bằng chứng, thời Hoàng đế Gia Long chúng ta có bằng chứng, thì tất cả các giai đoạn lịch sử sau là sự nối tiếp kế tục của nhau. Cho nên phải có đủ tiếng nói mang tính chất đại diện của lợi ích quốc gia, chủ quyền dân tộc. Thì cái sự công nhận ấy nó cũng thể hiện sự tôn trọng những giá trị ấy. Mỗi thế hệ, mỗi triều đại, hoặc mỗi thể chế đều có sự đóng góp nhất định cho lịch sử chung của dân tộc".
Thông tin rằng bộ sử mới viết khách quan về Việt Nam Cộng hòa đã đón nhận nhiều ý kiến tích cực trên báo chí Việt Nam và các diễn đàn mạng xã hội.
Bài báo hôm 20/8 của Tuổi Trẻ trích đăng ý kiến của nhà nghiên cứu Trần Viết Ngạc nhận định rằng nội dung bộ sử mới là "tiền đề cho thống nhất nhân tâm" và "cho hòa giải dân tộc". Nhiều người tiếp đó bình luận rằng đây là việc làm "tuyệt vời" và "có thể là một dấu hiệu khởi sắc của dân tộc".
Ông Dương Trung Quốc nhận xét :
"Tôi cho là hoàn toàn đúng những điều những người dân họ suy nghĩ. Lịch sử là tài sản chung của cả dân tộc và trao truyền qua nhiều thế hệ. Cho nên nó càng thể hiện tính khách quan, tính công bằng, trong đó có cả tính khoa học nữa, và cuối cùng cũng là tính chính trị của nó nữa, thì tôi cho là điều đó sẽ tự nhiên tạo ra cho nhận thức ấy có giá trị lâu bền và nó được sự thừa nhận của những người dân, đó là thước đo cao nhất của bộ sử".
Lâu nay, sách báo dưới chế độ xã hội chủ nghĩa do Đảng cộng sản lãnh đạo ở Việt Nam vẫn dùng các thuật ngữ "ngụy quân, ngụy quyền" để nói đến quân đội và chính quyền Việt Nam Cộng hòa.
Hồi tháng 5/2016 và tháng 4/2015, các trang web của Báo Vĩnh Long và Đài Tiếng nói Việt Nam đăng cùng một bài của tác giả ký tên Trung Hiếu cáo buộc rằng chính quyền Việt Nam Cộng hòa là "bất hợp pháp", và quân đội, cảnh sát của chính quyền này là "có gốc gác thực dân".
Bài báo dùng những từ như "chính quyền phản động", "chính thể phi pháp" hay "lực lượng phản dân hại nước", "đang tâm làm tay sai" khi mô tả về thực thể chính trị tồn tại ở miền nam Việt Nam từ 1954 đến 1975.
Nhà sử học đồng thời là đại biểu quốc hội Dương Trung Quốc nhận định với VOA rằng theo thời gian Việt Nam "sẽ còn có những thay đổi nhận thức khác cho thực sự đúng nghĩa hai chữ lịch sử".