Vấn đề Biển Đông và quốc phòng trong mối quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt - Pháp
Hôm 7/10/2024, trong chuyến thăm của Tổng bí thư - Chủ tịch nước Tô Lâm tới Pháp, hai nước Việt Nam và Pháp tuyên bố nâng cấp quan hệ lên hàng "Đối tác chiến lược toàn diện". Bên cạnh các hợp tác kinh tế, đổi mới sáng tạo và nhiều nội dung khác, Bản tuyên bố chung Việt Pháp nhấn mạnh đến vấn đề Biển Đông và hợp tác an ninh quốc phòng giữa hai nước. Đây dường như là lần đầu tiên Việt Nam nhấn mạnh trực tiếp đến hợp tác quốc phòng với một cường quốc phương Tây.
Máy bay phản lực Alpha của Không quân Pháp Patrouille de France bay ngang qua Tháp Eiffel với Vương cung thánh đường Sacre-Coeur, ngày 14/7/2024 – Reuters
Như vậy, với động thái này, Việt Nam đã nâng cấp quan hệ với hầu hết thành viên của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, ngoại trừ Anh quốc. Tại sao Việt Nam nâng cấp quan hệ với Pháp vào thời điểm này ? Tại sao Biển Đông và quốc phòng an ninh được nhấn mạnh trong Bản tuyên bố chung ?
Nhân dịp này, Luật sư Vũ Đức Khanh, giáo sư thỉnh giảng ở Đại học Ottawa, Canada, chuyên gia về chính trị và quan hệ quốc tế của Việt Nam, dành cho RFA một cuộc trao đổi về động thái mới nhất trong chính sách ngoại giao của Việt Nam.
RFA : Thưa Luật sư Vũ Đức Khanh, nội dung hợp tác Việt Pháp trong Bản Tuyên bố chung cho thấy những mối quan tâm nào của Việt Nam hiện nay ? Tại sao dường như hợp tác an ninh quốc phòng được nêu bật trong Bản tuyên bố chung này ?
Vũ Đức Khanh : Tôi xin phép nói rằng sự kiện Việt Nam lần đầu tiên nhấn mạnh quan hệ an ninh quốc phòng và hợp tác công nghiệp quân sự với một nước phương Tây, cụ thể là Pháp, có thể coi là một bước ngoặt chiến lược quan trọng. Điều này phản ánh nỗ lực của Việt Nam trong việc giảm bớt sự phụ thuộc vào các nguồn vũ khí và chiến lược quân sự từ Nga và Trung Quốc, đồng thời thể hiện mong muốn mở rộng và đa dạng hóa các đối tác quốc phòng.
Tôi ghi nhận và đánh giá cao về quyết định này : Thứ nhất, tôi nghĩ Việt Nam thực sự muốn giảm phụ thuộc vào Nga và Trung Quốc. Trước đây, như bạn đã biết, phần lớn trang thiết bị quân sự của Việt Nam được nhập từ Nga, và tư duy chiến lược quân sự vẫn chịu ảnh hưởng mạnh từ Nga và Trung Quốc.
Tuy nhiên, sự phụ thuộc này có những hạn chế, đặc biệt trong bối cảnh quan hệ quốc tế đang thay đổi. Nga đang gặp nhiều khó khăn với chiến tranh Ukraine và bị cấm vận từ các nước phương Tây, điều này có thể khiến việc duy trì nguồn cung cấp vũ khí từ Nga trở nên không chắc chắn. Với Trung Quốc, căng thẳng ở Biển Đông khiến Việt Nam không thể phụ thuộc vào một quốc gia có tranh chấp lãnh thổ với mình.
Thứ hai, nhu cầu hiện đại hóa quốc phòng bắt buộc Việt Nam phải tiếp cận công nghệ quốc phòng phương Tây. Pháp là một quốc gia có công nghiệp quốc phòng phát triển, với năng lực sản xuất các thiết bị quân sự tiên tiến, như tàu ngầm, chiến đấu cơ, hệ thống phòng không. Sự hợp tác với Pháp có thể giúp Việt Nam tiếp cận các công nghệ hiện đại hơn, đồng thời giúp Việt Nam tự tin hơn trong việc bảo vệ chủ quyền biển đảo. Việc này cũng cho thấy Việt Nam đang dần mở cửa và thích nghi với các chuẩn mực quốc phòng của phương Tây, bao gồm việc áp dụng các tiêu chuẩn kỹ thuật và chiến thuật khác so với hệ thống của Nga hoặc Trung Quốc.
Thứ ba, một thế hệ lãnh đạo mới của Việt Nam (có cả dân sự lẫn an ninh nội địa và quân sự) cũng đang tìm cách phá vỡ sự dè dặt trong quan hệ quốc phòng với phương Tây. Quan hệ quân sự giữa Việt Nam và Mỹ vẫn còn nhiều dè dặt do những hệ lụy từ chiến tranh và những lo ngại về chính trị. Tuy nhiên, việc hợp tác với Pháp có thể được xem như một bước thử nghiệm, một cách tiếp cận thận trọng để xây dựng lòng tin với các quốc gia phương Tây mà không phải chịu sức ép chính trị quá lớn từ phía Mỹ.
Pháp là một đối tác lý tưởng vì có sự cân bằng trong chính sách đối ngoại, vừa có quan hệ tốt với Việt Nam, vừa không gây sức ép mạnh về các vấn đề nhân quyền như Mỹ thường làm.
Thứ tư, dĩ nhiên là ngoài Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan, Việt Nam cũng muốn tăng cường vị thế của mình trong khu vực, đặc biệt với các nước ASEAN. Việc hợp tác với Pháp không chỉ giúp Việt Nam cải thiện năng lực quốc phòng mà còn nâng cao vị thế ngoại giao của mình trong khu vực. Với sự hiện diện của Pháp và các quốc gia phương Tây trong các hoạt động quốc phòng, Việt Nam có thể gia tăng khả năng quốc tế hóa vấn đề Biển Đông, từ đó tạo sức ép lên Trung Quốc trong các cuộc tranh chấp biển đảo. Đây là một phần trong chiến lược đối ngoại đa phương của Việt Nam, nhằm tranh thủ sự ủng hộ của nhiều quốc gia để đối phó với những thách thức an ninh.
Cuối cùng, tôi cho rằng quyết định của Việt Nam trong việc nhấn mạnh hợp tác an ninh quốc phòng và công nghiệp quân sự với Pháp là một bước đi khôn ngoan, mang tính chiến lược, nhằm giảm bớt sự phụ thuộc vào các đối tác truyền thống như Nga và Trung Quốc, đồng thời đa dạng hóa nguồn cung và nâng cao năng lực quốc phòng.
Đây cũng là một tín hiệu cho thấy Việt Nam đang tìm kiếm những quan hệ cân bằng hơn với phương Tây, tránh quá phụ thuộc vào một quốc gia hoặc khối nào, và phù hợp với chính sách đối ngoại linh hoạt, đa phương của Việt Nam. Về chính sách đối ngoại, tôi nghĩ Hà Nội đã có những bước đi khéo léo, đúng hướng. Vấn đề chính là Hà Nội quá yếu kém về nội trị, chưa tạo được sự đồng thuận xã hội, đoàn kết quốc gia cho chiến lược bảo vệ và phát triển đất nước. Tôi hy vọng nhóm cầm quyền hiện nay ý thức được những yếu kém này và tìm cách khắc phục sớm nhất có thể.
RFA : Theo ông, tại sao Việt - Pháp nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược Toàn diện vào thời điểm này ?
Vũ Đức Khanh : Việc Việt Nam và Pháp nâng cấp quan hệ vào thời điểm này xuất phát từ những động lực chiến lược.
Thứ nhất, cả hai nước đều có lợi ích chung trong việc duy trì một trật tự quốc tế dựa trên luật pháp, đặc biệt trong bối cảnh các căng thẳng về chủ quyền ở Biển Đông.
Thứ hai, Pháp là một quốc gia châu Âu có truyền thống can dự vào các vấn đề Đông Nam Á và Đông Dương, đặc biệt với lịch sử quan hệ sâu sắc với Việt Nam. Điều này giúp Pháp có sự hiểu biết và mối quan tâm đặc biệt với Việt Nam. Thời điểm này cũng trùng hợp với xu hướng gia tăng của các nước phương Tây muốn tăng cường hiện diện và ảnh hưởng ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương để đối trọng với sự mở rộng của Trung Quốc.
Thứ ba, đây cũng là chiến lược đa phương hóa, đa dạng hóa của Việt Nam, muốn dùng các cường quốc phương Tây để đối trọng với Trung Quốc.
RFA : Bản Tuyên bố chung đã dành một phần quan trọng để nói riêng về vấn đề Biển Đông, kêu gọi giải quyết tranh chấp ở Biển Đông dựa trên luật pháp quốc tế. Tại sao Việt Nam muốn đưa mối quan hệ Việt Pháp tham gia vào việc giải quyết vấn đề Biển Đông, trong khi Pháp là một quốc gia ở Châu Âu ?
Vũ Đức Khanh : Vấn đề an ninh hàng hải và Biển Đông là mối quan tâm chiến lược hàng đầu của Việt Nam.
Pháp, với tư cách là một cường quốc hàng hải và là thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, có thể cung cấp cho Việt Nam sự hỗ trợ về ngoại giao, kỹ thuật và quốc phòng.
Sự hợp tác này giúp Việt Nam nâng cao năng lực bảo vệ chủ quyền và thực thi pháp luật trên biển, đồng thời cũng tăng cường khả năng quốc tế hóa vấn đề Biển Đông, đưa các cường quốc ngoài khu vực vào để cân bằng ảnh hưởng của Trung Quốc.
Một lý do khác có thể nói thêm là có thể nếu như Mỹ lên tiếng cùng với Việt Nam quá nhiều về vấn đề Biển Đông thì có thể gây ra phản ứng mạnh mẽ từ phía Trung Quốc. Cho nên Việt Nam chọn Pháp nhấn mạnh về vấn đề Biển Đông là một cách giảm sự đối đầu giữa Mỹ và Trung Quốc. Như tôi đã nói là Việt Nam đã lôi kéo thêm cả Châu Âu vào vấn đề Biển Đông. Không chỉ có Pháp mà Anh, Đức, Ý cũng đã tham gia vào việc tuần tra ở Biển Đông.
RFA : Tại sao bây giờ mới Việt Nam chọn Pháp trong vấn đề hợp tác quốc phòng khi mà Pháp đã hợp tác như vậy với Ấn Độ lâu rồi ?
Vũ Đức Khanh : Việt Nam chọn Pháp do những mối liên hệ lịch sử và quan hệ ngoại giao bền vững giữa hai nước. Hơn nữa, Pháp có vị thế đặc biệt trong Liên minh châu Âu và NATO, có thể hỗ trợ Việt Nam không chỉ trong các vấn đề quốc phòng mà còn về mặt chính trị - ngoại giao, kinh tế và công nghệ.
Việc nâng cấp quan hệ vào thời điểm hiện tại cũng phù hợp với chiến lược đa dạng hóa đối tác quốc phòng của Việt Nam, trong bối cảnh quốc tế đang có nhiều thay đổi, nhất là sự gia tăng căng thẳng tại Biển Đông. Pháp có kinh nghiệm hợp tác quốc phòng với nhiều quốc gia khác như Ấn Độ, điều này tạo tiền đề để hợp tác với Việt Nam.
Vả lại, Việt Nam cho đến lúc này vẫn chưa hoàn toàn sẵn sàng hợp tác chiến lược toàn diện với phương Tây vì còn e ngại Trung Quốc. Việt Nam như kẻ mù đang dò dẫm đường và e ngại đủ điều. Tuy nhiên, Việt Nam chọn thời điểm này (từ sau cuộc chiến Nga xâm lược Ukraine vào tháng 2/2022) vì họ biết rằng họ không thể còn nhờ được gì ở Nga nữa, và họ đã xác nhận rằng Trung Quốc là kẻ thù truyền kiếp, trực diện và nguy hiểm nhất của họ, cho nên họ mới quyết định tăng tốc nâng cấp bang giao với Mỹ và đồng minh phương Tây bắt đầu từ năm 2022.
Tính đến tháng 10/2024, Việt Nam có quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện với tám quốc gia. Đó là Trung Quốc vào tháng 5/2008, Liên bang Nga vào tháng 7/2012, Ấn Độ vào tháng 9/2016, Hàn Quốc vào tháng 12/2022, với Mỹ vào tháng 9/2023, Nhật Bản tháng 11/2023, với Australia vào tháng 3/2024 và Pháp tháng 10/2024.
Chúng ta thấy trong các nước trên, năm quốc gia quan trọng trong khối phương Tây, gồm Hàn quốc, Mỹ, Nhật Bản, Úc, Pháp thì đều bắt đầu từ năm 2022.
Đối với Hàn Quốc là tháng 12/2022. Cuộc chiến Ukraine bắt đầu từ ngày 24/2/2022. Việt Nam đã ý thức rõ là không thể tiếp tục lệ thuộc vào Nga về mặt quân sự sau cuộc chiến này. Ông tướng Nguyễn Chí Vịnh cũng từng đề cập vấn đề này. Tôi nghĩ Hà Nội đã hiểu rõ thực lực của Nga và hiểu rằng cái thế địa chính trị, địa kinh tế, an ninh quốc phòng đã thay đổi.
RFA : Xin cảm ơn Luật sư Vũ Đức Khanh đã dành cho chúng tôi cuộc phỏng vấn này.
Nguồn : RFA, 09/10/2024