Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

14/10/2024

Các nhà lãnh đạo Trung Quốc cuối cùng cũng thừa nhận ‘khó khăn’ kinh tế

Katsuji Nakazawa

Các nhà đầu tư đã bán tháo cổ phiếu khi Tập Cận Bình kiên định theo đuổi các chính sách cơ bản của mình.

trungquoc1

Trịnh Sách Khiết, Chủ nhiệm Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia Trung Quốc, cho biết ông tin rằng tăng trưởng kinh tế năm 2024 sẽ đạt mục tiêu của chính phủ là "khoảng 5%". © AP

Sau khi Chỉ số Tổng hợp Thượng Hải (Shanghai Composite Index) tăng đáng kinh ngạc vào cuối tháng trước và tuần trước, giới lãnh đạo Trung Quốc đã muốn tăng thêm sự phấn khích.

Vì vậy, vào thứ Ba ngày 8/10, một ngày sau khi kết thúc kỳ nghỉ lễ Quốc khánh kéo dài một tuần – Trịnh Sách Khiết, người đứng đầu Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia, đã tổ chức một cuộc họp báo và bày tỏ sự tự tin về việc đạt được mục tiêu tăng trưởng của chính phủ là "khoảng 5%" cho năm 2024.

Sau đó vào thứ Tư, chỉ số chứng khoán cơ bản của Trung Quốc đã giảm lần đầu tiên sau 11 ngày giao dịch, giảm tới 6,61% so với ngày diễn ra cuộc họp báo của Trịnh.

Những biến động này được thúc đẩy bởi gói kích thích mà Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc công bố vào ngày 24/09, bao gồm cả chính sách nới lỏng tiền tệ bổ sung.

Tuy nhiên, nền kinh tế nói chung vẫn đang trì trệ, và nhiều nhà đầu tư ngày càng thất vọng vì ban lãnh đạo của Chủ tịch Tập Cận Bình vẫn còn do dự không áp dụng các biện pháp tài khóa mạnh mẽ hơn để xoay chuyển tình hình.

Từ lâu, người ta đã hiểu rằng Bắc Kinh sẽ chỉ đi xa đến thế để vực dậy nền kinh tế. Cuối tháng 6, Thủ tướng Lý Cường, người phụ trách các chính sách kinh tế của Trung Quốc và là trợ lý thân cận của Tập, nói rằng không cần phải dùng "thuốc mạnh" để đưa nền kinh tế đang ốm yếu trở lại trạng thái khỏe mạnh.

Bắc Kinh vẫn tiếp tục chần chừ, dù đã có diễn biến chính trị quan trọng vào cuối tháng trước, khi các nhà lãnh đạo Trung Quốc cuối cùng đã thừa nhận rằng nền kinh tế trì trệ đang phải đối mặt với "khó khăn".

Tại cuộc họp do Tập chủ trì vào ngày 26/09, Bộ Chính trị quyền lực của Đảng cộng sản Trung Quốc đã thừa nhận: "Có một số diễn biến và vấn đề mới trong hoạt động kinh tế hiện nay".

"Cần có cái nhìn toàn diện, khách quan, bình tĩnh về tình hình kinh tế hiện nay, thẳng thắn nhìn nhận khó khăn, giữ vững niềm tin, tăng cường trách nhiệm và tinh thần cấp bách thực hiện tốt công tác kinh tế".

trungquoc2

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Thủ tướng Lý Cường, các Ủy viên Ban Thường vụ Bộ Chính trị Triệu Lạc Tế, Vương Hỗ Ninh, Thái Kỳ, Lý Hy, và Phó Chủ tịch nước Hàn Chính đến Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh vào ngày 30/09. © Reuters

Trước đó, ban lãnh đạo của Tập vẫn liên tục vẽ nên một bức tranh lạc quan về nền kinh tế, chỉ tập trung vào những dấu hiệu tích cực và đưa cho công chúng những thông điệp kiểu như "Nên tin tưởng vào nền kinh tế vì nó đang trên đà phục hồi". Các cơ quan tuyên truyền của chính phủ và đảng đã chịu áp lực lớn vì chỉ được đưa tin những tin tốt giúp củng cố niềm tin vào nền kinh tế đang yếu kém.

Việc Bộ Chính trị thừa nhận có "khó khăn" là một sự khác biệt đáng kể với các quyết định được đưa ra vào giữa tháng 7 tại hội nghị trung ương ba của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa 20 hiện tại.

Hội nghị trung ương ba đã không thể hiện cảm giác khủng hoảng, tránh đưa ra các đánh giá ảm đạm. Tuy nhiên, vẫn chưa có dấu hiệu nào cho thấy Trung Quốc sẽ thực hiện một sự thay đổi chính sách lớn bằng cách nêu ra nguyên nhân thực sự khiến nền kinh tế trở nên tồi tệ như hiện nay.

Lý do rất đơn giản : Ngay cả một nhà lãnh đạo quyền lực như Tập cũng sẽ phải chịu trách nhiệm chính trị nếu ông thừa nhận chính sách kinh tế của mình đã thất bại.

Có lẽ Tập đã nhận ra một tiền lệ có từ vài chục năm trước, khi Mao Trạch Đông quyết định từ chức nguyên thủ quốc gia vì bế tắc chính sách kinh tế.

Năm 1958, Mao phát động Đại Nhảy vọt, một chiến dịch nhằm giúp Trung Quốc bắt kịp các nền kinh tế tiên tiến của phương Tây. Nhưng do tính chất liều lĩnh của chiến dịch, Đại Nhảy vọt đã bắt đầu cho thấy dấu hiệu sụp đổ ngay trong năm đầu tiên.

Vào thời điểm chiến dịch đi đến hồi kết vào năm 1962, người ta phát hiện ra rằng rất nhiều người đã chết đói. Ai cũng có thể nhìn rõ thất bại thảm hại này, và Mao buộc phải nhường chức chủ tịch Trung Quốc cho đối thủ Lưu Thiếu Kỳ trong khi Đại Nhảy vọt vẫn đang diễn ra.

Nhưng việc từ bỏ chức chủ tịch nước chỉ là bước mở đầu cho một cuộc chiến chính trị lâu dài và khốc liệt.

Mao vẫn giữ chức Tổng bí thư đảng và trong nỗ lực giành lại vị thế chính trị đã mất, ông đã phát động cuộc Cách mạng Văn hóa 1966-1976. Trong chiến dịch chính trị mới này, Lưu đã qua đời một cách bi thảm sau khi bị giam giữ.

trungquoc3

Mao Trạch Đông năm 1969. Ông đã tạo ra tiền lệ chính trị khiến Tập lo lắng ngày nay. © AP

Bộ Chính trị tổ chức họp hàng tháng, nhưng các quyết định của họ chỉ là những điều chỉnh đối với các chính sách cơ bản được thông qua năm năm một lần tại đại hội đảng toàn quốc và các chính sách cụ thể hơn được đưa ra hàng năm tại hội nghị trung ương đảng.

Các chính sách kinh tế hiện tại của Trung Quốc dựa trên những chính sách đã được thông qua tại đại hội toàn quốc năm 2022 và các quyết định chính sách cụ thể được đưa ra tại hội nghị trung ương ba hồi tháng 7.

Những động thái được khởi xướng vào cuối tháng 9 không gì khác chính là những điều chỉnh chính sách nhỏ được triển khai để bảo vệ Tập, người vẫn có thể tuyên bố rằng các chính sách cơ bản của Trung Quốc không thay đổi. Tuy nhiên, điều kiện kinh tế hiện tại đang đặt ra thách thức lớn đối với ông.

Sau khi Mao qua đời, Đặng Tiểu Bình, Giang Trạch Dân, và Hồ Cẩm Đào lần lượt trở thành nhà lãnh đạo tối cao của Trung Quốc, giám sát các giai đoạn tăng trưởng kinh tế cao, khiến những sai lầm chính sách trở nên khó phát hiện.

Đó là lý do tại sao không ai trong ba người này cần phải thừa nhận thất bại hoặc tự phê bình.

Giờ đây, khi tăng trưởng kinh tế cao ngất ngưởng chỉ còn là một phần trong quá khứ của Trung Quốc, Tập có lẽ sẽ than thở rằng ông thực chất là nạn nhân của di sản tiêu cực từ ba người tiền nhiệm, của những vấn đề mà họ đã giấu kín trong bóng tối.

trungquoc4

Tập Cận Bình nâng ly mừng Quốc khánh tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh vào ngày 30/09. Dù đã lãnh đạo Trung Quốc trong 12 năm qua, ông lại không có thành tựu kinh tế nào thuộc về mình. © Reuters

Hội nghị trung ương ba vào tháng 7 đã thông qua nghị quyết "tiếp tục cải cách toàn diện để thúc đẩy hiện đại hóa Trung Quốc". Toàn văn nghị quyết đã được công bố sau đó.

Phần đầu văn bản viết rằng, "Chúng ta đã dám tiến vào những vùng đất chưa được khám phá, giải quyết những vấn đề khó khăn, vượt qua những nguy hiểm tiềm tàng, và đã kiên quyết nỗ lực loại bỏ những trở ngại về mặt thể chế trong mọi lĩnh vực".

Đây có thể được hiểu là lời chỉ trích rằng ba người tiền nhiệm của Tập chỉ để rắc rối lại cho thế hệ tương lai. Tuy nhiên, Tập, người đã không đạt thành tựu kinh tế nào trong 12 năm qua, sẽ gặp khó khăn trong việc truyền tải thông điệp này.

Các biện pháp ứng phó với tình trạng suy thoái kéo dài của thị trường bất động sản sẽ trở thành một vấn đề lớn. Sau cuộc họp ngày 26/09, Bộ Chính trị tuyên bố, "Cần nỗ lực đảo ngược tình trạng suy thoái và ổn định thị trường bất động sản".

Suy thoái có nhiều nguyên nhân, nhưng Tập chắc chắn không thể phủi bỏ trách nhiệm. Ông từng nói, "Nhà ở là để ở, không phải để đầu cơ". Quan điểm của ông là cần có nhà ở giá cả phải chăng cho dân thường bằng cách ngăn chặn tình trạng tăng giá.

Tuy nhiên, thông điệp gần đây hơn của Bộ Chính trị dường như đi theo hướng ngược lại.

trungquoc5

Một dự án nhà ở đang được xây dựng tại Nam Kinh, tỉnh Giang Tô, vào tháng 9. Tập Cận Bình, người từng nói "Nhà ở là để ở, không phải để đầu cơ", có lẽ sẽ không bận tâm nếu đầu cơ nhà đất trở lại rầm rộ. © AP

Quyết định này cũng khá vội vàng. Trước khi giá bất động sản chạm đáy và sau đó đạt mức ổn định, các yếu tố cơ bản phải được giải quyết, bao gồm lượng nhà tồn kho lớn cũng như gánh nặng nợ nần đang cản trở chính quyền địa phương và các nhà phát triển bất động sản.

Ngoài ra, còn có những rào cản pháp lý cần vượt qua. Một quy định của chính phủ đã hạn chế trên thực tế mức độ giảm giá được phép.

Nhưng gánh nặng dường như đang đè lên vai các viên chức địa phương, những người phải quyết định cách hành động sau khi được cấp trên giao cho một nhiệm vụ bất khả thi là bằng mọi giá phải ngăn giá bất động sản giảm mạnh.

Một nguồn tin trong ngành bất động sản chỉ ra rằng hiện tại các viên chức có thể "dùng đến biện pháp khai khống số liệu thống kê liên quan đến nhà ở và bất động sản". Rốt cuộc thì, họ đang chịu áp lực rất lớn và nếu không đạt được mục tiêu, họ sẽ phải chịu trách nhiệm.

Đây chính xác là loại liều lĩnh đã khiến Đại Nhảy vọt trở thành một thảm họa. Sản lượng sản xuất lương thực tại các hợp tác xã nhân dân và các số liệu thống kê quan trọng khác đã bị phóng đại quá mức, khiến các viên chức tại Cục Thống kê Quốc gia đau đầu.

Ở Trung Quốc, bất kỳ chỉ thị nào từ nhà lãnh đạo tối cao đều phải được thực hiện triệt để. Các phương tiện truyền thông lớn đã nhanh chóng tuân theo, sử dụng khẩu hiệu "đảo ngược sự suy thoái và ổn định thị trường bất động sản".

Nền kinh tế Trung Quốc cần những chính sách mới nếu họ muốn phục hồi. Tuy nhiên, khi bất ổn xuất hiện, câu trả lời của Tập Cận Bình vẫn như cũ – cam kết kiên định với các chính sách cơ bản hiện tại, trong khi thể hiện sự tự tin về việc đạt được mục tiêu 5%.

Katsuji Nakazawa

Nguyên tác : "Chinese leaders finally admit economic ‘difficulties’", Nikkei Asia, 10/10/2024

Nguyễn Thị Kim Phụng biên dịch

Nguồn : Nghiên cứu quốc tế, 14/10/2024

Katsuji Nakazawa là nhà báo và biên tập viên cấp cao của Nikkei, hiện sinh sống tại Tokyo. Ông đã dành bảy năm làm phóng viên thường trú ở Trung Quốc và sau đó trở thành trưởng văn phòng Trung Quốc. Ông đã nhận Giải Nhà báo Quốc tế Vaughn-Ueda năm 2014.

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Katsuji Nakazawa, Nguyễn Thị Kim Phụng
Read 125 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)