Yếu tố Trung Quốc trong lựa chọn nhân sự cấp cao Việt Nam
Diễm Thi, RFA, 22/10/2024
Hôm 21/10/2024, Đại tướng quân đội Lương Cường được bầu vào chức Chủ tịch nước Việt Nam với số đại biểu tán thành tuyệt đối 440/440, thay cho ông Tô Lâm, khiến nhiệm kỳ Chủ tịch nước của ông Tô Lâm tồn tại vỏn vẹn đúng năm tháng.
Từ trái qua : Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính, Chủ tịch Việt Nam Lương Cường, Tổng bí thư Tô Lâm. AFP
Mười ngày trước khi được bầu vào chức Chủ tịch nước, ông Lương Cường với vai trò Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư đã đến Bắc Kinh gặp Tổng bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình và hội đàm với Bí thư Ban Bí thư, Chánh Văn phòng Trung ương Đảng cộng sản Trung Quốc Thái Kỳ.
Tại cuộc gặp, ông Tập Cận Bình khẳng định Trung Quốc sẵn sàng cùng với Việt Nam tiếp tục duy trì trao đổi, tiếp xúc cấp cao; đề nghị hai bên phát huy hiệu quả các cơ chế hợp tác, giao lưu trên kênh Đảng ; triển khai tốt các cơ chế đối thoại trong lĩnh vực quốc phòng - an ninh…
Việc ông Lương Cường qua Trung Quốc ngay trước khi được bầu vào chức Chủ tịch nước, được một số nhà quan sát tình hình chính trị cho rằng, có yếu tố Trung Quốc trong việc sắp xếp nhân sự thượng tầng Việt Nam.
Nhà quan sát tình hình chính trị Việt Nam, Luật sư Đặng Đình Mạnh hiện đang ở Hoa Kỳ phân tích :
"Điều này không còn là bí mật gì nữa khi tất cả các cán bộ nguồn (tức cán bộ có khả năng được cất nhắc vào các chức vụ lãnh đạo các cấp) đều bị buộc phải trải qua các khóa học kéo dài hai năm tại Trung Quốc.
Báo chí hầu như không đề cập chi tiết gì khác ngoài dòng tin rất vắn tắt. Thế nhưng, với giới thạo tin, chuyến đi của ông Lương Cường sang Trung Quốc là để nhận sự đề cử và chỉ thị từ phía Trung Quốc. Trong trường hợp lãnh đạo có xuất thân từ mối quan hệ sâu sắc như thế với Trung Quốc, chúng ta khó mà mong chờ gì về một đường lối đối ngoại tự chủ của Việt Nam cũng như sự cải cách về chính trị nếu nó đi ngược lại với chủ trương khống chế Việt Nam của Trung Quốc".
Theo truyền thông Nhà nước Việt Nam, ông Lương Cường đã theo học khóa bồi dưỡng cán bộ cao cấp tại Trung Quốc trong hai năm, từ tháng 12/2011 đến tháng 11/2013, khi còn đang là trung tướng quân đội, kiêm chức Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam ; Ủy viên Trung ương Đảng khóa XI, Ủy viên Quân ủy Trung ương, Bí thư Đảng ủy cơ quan Tổng cục Chính trị. Một năm sau, tháng 12/2014 ông Lương Cường được thăng chức Thượng tướng.
Chỉ trong bốn năm, Việt Nam có đến năm vị chủ tịch nước. Chủ tịch nước Trần Đại Quang đột ngột từ trần vào năm 2018, sau hai năm, 172 ngày giữ chức vụ này. Sau đó, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã kiêm nhiệm chức vụ này trong khoảng thời gian hai năm, 164 ngày trước khi trao lại chức Chủ tịch nước cho ông Nguyễn Xuân Phúc.
Tuy nhiên Chủ tịch Nguyễn Xuân Phúc cũng chỉ ở vị trí này một năm, 288 ngày trước khi phải từ chức và ông Võ Văn Thưởng được chọn vào vị trí này. Ông Thưởng cũng chỉ tại vị được một năm, 18 ngày.
Đại tướng công an Tô Lâm thay ông Võ Văn Thưởng giữ chức Chủ tịch nước, và sau đó là chức Tổng bí thư, tạo ra đồn đoán về tham vọng nhất thể hóa như thể chế chính trị Trung Quốc hiện tại. Nhưng điều đó đã không trở thành hiện thực khi vào chiều ngày 26/08/2024, sau phiên họp bất thường thứ tám của Quốc hội khóa 15, Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường đưa ra Thông tin Quốc hội Việt Nam sẽ tiến hành bầu Chủ tịch nước vào tháng 10/2024.
Một nhà quan sát tình hình chính trị trong và ngoài nước, Luật sư Vũ Đức Khanh từ Canada nhận định :
"Sự xuất hiện của ông Tô Lâm trên trường quốc tế với tư cách là Chủ tịch nước kiêm Tổng bí thư, một vị trí như một nguyên thủ quốc gia có tầm ảnh hưởng trong các diễn đàn đa phương, đã gây lo ngại cho Trung Quốc. Với việc công khai ủng hộ quan hệ sâu sắc hơn với phương Tây, ông Tô Lâm dường như đang đi ngược lại lợi ích chiến lược của Bắc Kinh. Trung Quốc luôn tìm cách giữ Việt Nam trong quỹ đạo ảnh hưởng của mình, tránh để Việt Nam rơi vào tay các liên minh quốc tế do Mỹ lãnh đạo.
Việc ông Lương Cường lên thay Tô Lâm vào đúng thời điểm này có thể là dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh đã thành công trong việc cô lập phe cải cách ở Việt Nam. Trung Quốc không muốn Việt Nam tiến gần hơn với phương Tây và sẽ tìm mọi cách để duy trì ảnh hưởng của mình tại Hà Nội. Sự thay đổi nhanh chóng ở vị trí Chủ tịch nước, từ một nhân vật cải cách sang một người thân cận với quân đội và có mối liên hệ gần gũi với Trung Quốc, có thể là một phần trong chiến lược dài hơi của Bắc Kinh nhằm bảo vệ lợi ích của mình tại khu vực Đông Nam Á".
Trung Quốc đã sử dụng ông Lương Cường, người được cho là thân cận với ông Nguyễn Phú Trọng và có mối quan hệ gần gũi với Bắc Kinh, để giữ Việt Nam nằm trong quỹ đạo của Trung Quốc, theo Luật sư Vũ Đức Khanh.
Không chỉ ông Lương Cường sang Trung Quốc trước khi nhậm chức Chủ tịch nước, chuyện lãnh đạo cao cấp sang thăm Trung Quốc trước khi thăm chính thức Hoa Kỳ, cũng là điều được dư luận bàn tán.
Cụ thể, chỉ hai tuần sau khi nhận thêm chức Tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam, ngày 18/08/2024, ông Tô Lâm đã có cuộc hội đàm với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Bắc Kinh trong chuyến thăm cấp nhà nước đầu tiên kể từ khi nhậm chức. Ông Tô Lâm miêu tả mối quan hệ song phương này là ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại của Việt Nam và gọi chuyến thăm lần này là sự tái khẳng định việc đánh giá cao quan hệ với Trung Quốc của Đảng và Chính phủ Việt Nam.
Chuyến thăm Trung Quốc diễn ra chỉ một tháng trước khi ông Tô Lâm tới New York tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Tương lai, Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc Khóa 79 và sau đó gặp gỡ Tổng thống Mỹ Joe Biden bên lề Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc.
Báo nhà nước Việt Nam cho biết mục đích của chuyến thăm Trung Quốc này là để "củng cố và duy trì ổn định trong các quan hệ song phương, lót đường cho việc giải quyết những bất đồng giữa hai bên, và đóng góp xây dựng một môi trường hoà bình và ổn định".
Trước ông Tô Lâm, tháng 4/2015, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng sang Trung Quốc gặp Tổng bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình trước khi sang thăm chính thức Hoa Kỳ vào tháng 7 cùng năm. Lúc bấy giờ, ông Nguyễn Minh Cần, một trong những người đầu tiên bỏ Đảng cộng sản Việt Nam, nói với RFA :
"Trước khi ông Nguyễn Phú Trọng đi sang Hoa Kỳ thì cũng phải nhớ ông đã đi qua Bắc Kinh, đã gặp tổng bí thư và chủ tịch nước Trung Quốc, thì ta thấy đường lối của Việt Nam thể hiện qua ông Nguyễn Phú Trọng và cả đoàn đại biểu là một đường lối khuất phục rõ ràng trước những bước tiến công của Trung Quốc".
Diễm Thi
Nguồn : RFA, 22/10/2024
*************************
Thấy gì từ việc ông Tô Lâm bỏ vị trí chủ tịch nước ?
RFA, 23/10/2024
Diễn biến mới nhất trên chính trường Việt Nam, chiều 21/10/2024, ông Lương Cường được bầu làm Chủ tịch nước mới. Ông Tô Lâm giờ đây chỉ còn giữ vị trí Tổng bí thư quyền lực nhất. Sự kiện này làm cho nhiều nhà quan sát đặt ra câu hỏi về quyền lực của ông Tô Lâm hiện nay và chính trị Việt Nam trong tương lai.
Đại tướng quân đội Lương Cường đăng quang chủ tịch nước hôm 21/10/2024 - Chính phủ Việt Nam
"Người đứng đầu trong số những người ngang hàng"
Cụm từ tiếng Latin "Primus inter pares" được cho là cụm từ phù hợp nhất để mô tả vị trí của ông Tô Lâm trên chính trường Việt Nam. Cụm từ này có nghĩa "người đứng đầu trong số những người ngang hàng".
Trao đổi với RFA, cả Giáo sư Carl Thayer ở Đại học UNSW Canberra, Australia, và Giáo sư Zachary Abuza ở Đại học Chiến tranh Quốc gia Hoa Kỳ, đều có cùng nhận định như vậy.
Nhà độc tài là lãnh đạo chính trị nắm quyền lực tuyệt đối và không có giới hạn. Và với việc trao chức Chủ tịch nước cho ông Lương Cường, Giáo sư Carlyle Thayer cho rằng ông Tô Lâm hiện "không phải là một nhà độc tài". Sự hạn chế quyền lực này, theo góc nhìn của vị chuyên gia về Việt Nam người Úc, có liên quan đến "nhu cầu đạt được sự đồng thuận giữa mười lăm thành viên Bộ Chính trị và quan trọng hơn là đa số Ban Chấp hành trung ương".
Tổng bí thư Lê Duẩn từng là một lãnh đạo nắm quyền lực tuyệt đối và bao trùm. Cả trong chiến tranh Việt Nam và sau 1975, quyền lực tuyệt đối của Lê Duẩn khiến cho chính sách sai lầm của ông ta không bị kiểm soát. Việt Nam suy tàn nhanh chóng trong mười năm hậu chiến. Sau khi Lê Duẩn chết năm 1986, Đảng cộng sản Việt Nam hình thành cơ chế "tứ trụ", chia quyền lực trong đảng cho bốn nhân vật cao nhất, nắm các vị trí tổng bí thư, chủ tịch nước, thủ tướng và chủ tịch quốc hội.
Trong hệ thống chính trị Việt Nam hiện nay, có một bộ phận chống lại việc vi phạm truyền thống lãnh đạo tập thể đó, theo Giáo sư Zachary và Tiến sĩ Nguyễn Huy Vũ đến từ Na Uy.
Mặc dù ông Tô Lâm là Tổng bí thư, nhưng theo Giáo sư Zachary, có những trung tâm quyền lực khác mà ông ấy phải cạnh tranh, như vậy, ông không giống như Tập Cận Bình bên Trung Quốc.
Đảng cộng sản Việt Nam sẽ tiến hành Đại hội 14, bầu cử tổng bí thư cho nhiệm kỳ 2026-2031. Vì vậy, ông Tô Lâm phải tính toán trước Đại hội 14 sao cho lấy được sự ủng hộ của các ủy viên Ban Chấp hành trung ương, lấy đủ phiếu bầu trong đảng, nếu muốn làm "trường hợp đặc biệt" sau Đại hội 14.
Theo tiến sĩ Nguyễn Huy Vũ, lực lượng chủ yếu đứng sau ông Tô Lâm là công an chứ không có lực lượng ủng hộ trung thành ở các thành phần khác. Ngoài ra, ông ta đã sử dụng lực lượng công an với thẩm quyền điều tra tội phạm để loại bỏ nhiều chính khách, quan chức khác. Do đó, lực lượng công an và ông Tô Lâm không nhận được nhiều thiện cảm trong hệ thống, mặc dù người ta sợ họ.
Dựa vào những quan sát từ bên ngoài như vậy, theo Tiến sĩ Vũ, có thể phán đoán có những áp lực của các nhóm khác nhau để ông Tô Lâm không tập trung quá nhiều quyền lực mà nhường lại vị trí chủ tịch nước cho ông Lương Cường bên quân đội.
Sức mạnh và hạn chế của ông Tô Lâm
Có một câu hỏi cần đặt ra là sau khi nhường lại chức chủ tịch nước cho ông Lương Cường thì việc bỏ chức chủ tịch nước có ảnh hưởng đến quyền lực của ông Tô Lâm hay không ? Theo nhiều nhà quan sát, ông Tô Lâm vẫn là "người đứng đầu trong số những người ngang hàng", nhưng đồng thời xuất hiện những hạn chế nhất định.
Chúng ta hãy nhìn lại chuỗi biến động chính trị từ đầu năm 2024 đến nay.
Võ Văn Thưởng mất chức Chủ tịch nước vào tháng 4, Vương Đình Huệ mất chức chủ tịch quốc hội vào tháng 5. Tô Lâm lên Chủ tịch nước vào tháng 5 nhưng được đồn đoán là vẫn giữ kiểm soát Bộ Công an. Việc ông Tô Lâm được cho là vẫn kiểm soát tốt Bộ Công an được chứng minh qua việc Lương Tam Quang – một thân tín của Tô Lâm, lên làm Bộ trưởng Công an.
Cũng trong tháng 5, Bộ Chính trị bổ sung bốn Ủy viên : Lê Minh Hưng, Đỗ Văn Chiến, Nguyễn Trọng Nghĩa, và Bùi Thị Minh Hoài. Ông Nguyễn Phú Trọng qua đời vào ngày 19/7 và sau đó Tô Lâm lên làm tổng bí thư vào ngày 3/8. Hai tuần sau Lương Tam Quang được vào Bộ Chính trị.
Và mới đây nhất, Lương Cường trở thành Chủ tịch nước vào ngày 20/10.
Những diễn biến trên cho thấy điều gì về năng lực của ông Tô Lâm trong bàn cờ chính trị tại Hà Nội ?
Câu trả lời của Giáo sư Zachary Zabuza là bất chấp việc ông Tô Lâm nhường chức Chủ tịch nước cho ông Lương Cường, các diễn biến vừa qua và hiện nay cho thấy ông Tô Lâm là người đã và sẽ kiểm soát cục diện chính trường Việt Nam.
Rất nhiều diễn biến vừa qua cho thấy ông Tô Lâm đang mở đường cho Đại hội 14. Biểu hiện rõ nhất cho điều đó chính là hai nhân vật có thực lực mới được ông Tô Lâm đưa vào Bộ Chính trị trong số năm ủy viên mới được đưa vào kể từ tháng 5 : ông Lương Tam Quang và ông Lê Minh Hưng.
Ông Lương Tam Quang, theo cách gọi của Giáo sư Zachary, là người "học trò" của ông Tô Lâm. Còn ông Lê Minh Hưng có quan hệ với ông Tô Lâm thế nào ? Ông Hưng là con của cố Bộ trưởng Công an Lê Minh Hương giai đoạn 1996-2000, từng là lãnh đạo của ông Tô Lâm. Hiện nay, ông Lê Minh Hưng là Trưởng ban Tổ chức Trung ương Đảng, một vị trí cực kỳ quan trọng trước Đại hội 14 vì phụ trách hồ sơ nhân sự.
Ông Tô Lâm cũng đã bổ nhiệm một phó tướng khác của mình tại Bộ Công an là tướng Nguyễn Duy Ngọc làm người đứng đầu Chánh văn phòng Trung ương Đảng. Đây là một vị trí rất có quyền lực đằng sau hậu trường.
Việc đưa những nhân sự chủ chốt vào các vị trí có quyền lực, trấn giữ các vị trí quan trọng xung quanh mình, có giúp ông Tô Lâm trở nên bất khả xâm phạm tại Đại hội 14 hay không ? Câu trả lời của Giáo sư Zachary là có". Ông kiểm soát Bộ Công an, vì vậy ông có thể tiếp tục điều tra những người thách thức ông. Các đồng minh của ông là những người phụ trách nhân sự, thiết lập chương trình nghị sự, và đang lãnh đạo các công tác chuẩn bị - cả về nhân sự và chính sách - trước Đại hội 14".
Như vậy, mặc dù đã nhường chức chủ tịch nước cho ông Lương Cường, sức mạnh của ông Tô Lâm vẫn là "người đứng đầu trong số những người ngang hàng".
Tuy vậy, theo Giáo sư Carl Thayer và Tiến sĩ Nguyễn Huy Vũ, không phải là ông Tô Lâm không có những giới hạn nhất định.
Theo Giáo sư Carl Thayer, "ông Tô Lâm đã không thành công trong việc đưa Trần Lưu Quang vào Ban Bí thư và Bộ Chính trị". Và việc Tô Lâm từ bỏ chức Chủ tịch nước cho thấy nếu ông muốn nắm quyền sau Đại hội Đảng lần thứ XIV vào đầu năm 2026, "ông phải xây dựng được một liên minh những người ủng hộ vượt ra ngoài phe Hưng Yên".
Mặt khác, Tiến sĩ Nguyễn Huy Vũ cho rằng khi bỏ vị trí chủ tịch nước, ông Tô Lâm bỏ một vị trí có quyền lực mềm quan trọng :
"Về mặt quyền lực, người nắm giữ vị trí Chủ tịch nước mặc dù không có thực chất nhiều về quyền lực nhưng có ích lợi là đem lại tính chính danh cho các hoạt động của nguyên thủ. Ví dụ vị trí chủ tịch nước có thể tiếp xúc chính thức với nguyên thủ các nước khác. Ông ta có thể dùng ảnh hưởng đó để thực hiện các hoạt động ngoại giao. Đó là quyền lực mềm của vị trí chủ tịch nước. Còn bây giờ phải chia sẻ vị trí chủ tịch nước cho người khác, một số quyền của ông bị ngăn lại, ông Tô Lâm sẽ tập trung vào bên Đảng. Chúng ta biết rằng ông Tô Lâm không có thời gian dài nghiên cứu về đảng như ông Nguyễn Phú Trọng. Ông Tô Lâm là con người thực dụng. Cho nên mất đi vị trí chủ tịch nước thì ông cũng bị mất đi một công cụ giúp ông điều chỉnh tốt hơn hướng đi mà ông mong muốn".
Nguồn : RFA, 23/10/2024
****************************
Vai trò của tân Chủ tịch nước Lương Cường trong chính trường Việt Nam
RFA, 23/10/2024
Chức danh Chủ tịch nước vốn được coi là mang tính nghi lễ và ít ảnh hưởng đến chính trường Việt Nam. Tuy nhiên, trong bối cảnh chính trị hiện nay, vị trí này vẫn có tầm quan trọng nhất định trong hệ thống chính trị, theo nhận định của một nhà quan sát chính trị Việt Nam.
Tứ trụ mới (từ trái sang) : Chủ tịch quốc hội Trần Thanh Mẫn, Tổng bí thư Tô Lâm, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch nước Lương Cường - Chinhphu.vn
Dàn xếp trong Đảng
Đại tướng Lương Cường, 67 tuổi, xuất thân từ quân đội, vừa chính thức nhậm chức Chủ tịch nước vào ngày 22/10. Với gần 50 năm binh nghiệp, ông từng đảm nhiệm các chức vụ như Chính ủy Quân đoàn 2, Chính ủy Quân khu 3. Năm 2011, ông làm Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân, và năm năm sau được thăng chức Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị.
Tháng 1/2019, ông Lương Cường được phong hàm Đại tướng, trở thành người thứ 15 mang quân hàm cao nhất trong Quân đội Nhân dân Việt Nam.
Đến tháng 5/2024, ông giữ chức Thường trực Ban Bí thư, thay cho bà Trương Thị Mai, người bị đồn đoán có dính líu tới các sai phạm ở dự án Đại Ninh ở Lâm Đồng. Chỉ năm tháng sau khi rời quân đội, ông Lương Cường chính thức nhận ghế chủ tịch nước từ ông Tô Lâm.
Tiến sĩ Nguyễn Huy Vũ, người theo sát tình hình chính trị Việt Nam, cho rằng việc ông Tô Lâm nhường lại ghế Chủ tịch nước cho một nhân vật thuộc quân đội có thể là kết quả của sự thỏa hiệp giữa các phe phái trong Đảng cộng sản, cụ thể là giữa Tổng bí thư Tô Lâm và các lãnh đạo quân đội.
"Việc ông Lương Cường lên vị trí Chủ tịch nước đòi hỏi sự thỏa hiệp giữa ông Tô Lâm với phe quân đội. Điều này chứng tỏ rằng phe công an và ông Tô Lâm không thể kiểm soát hoàn toàn chính trường Việt Nam" - Tiến sĩ Vũ nhận định.
Theo ông Vũ, ông Lương Cường là người khá kín tiếng và không có những phát ngôn hay bài viết công khai như các lãnh đạo khác. Qua các chức vụ trong quá khứ, có thể thấy ông chủ yếu làm công tác chính trị trong quân đội, chứ không phải là một tướng lĩnh giàu kinh nghiệm chiến trường :
"Ông Lương Cường chủ yếu làm về bên chính trị của phe quân đội chứ ông ấy không hẳn là một tướng lĩnh quân đội dày dặn kinh nghiệm gì cả. Cho nên, một người thăng tiến trong quân đội về mặt chính trị như vậy chứng tỏ ông ấy là một con người có khả năng hiểu biết về chính trị rất sâu sắc".
Tiến sĩ Nguyễn Khắc Giang, từ Viện nghiên cứu ISEAS - Singapore, trong một bài phỏng vấn với hãng tin CNA, cho rằng đây là tín hiệu cho thấy hệ thống chính trị Việt Nam đang quay trở lại nguyên tắc lãnh đạo tập thể, thay vì tập trung quyền lực vào Tổng bí thư Tô Lâm.
Hiện tại, trong số 15 thành viên Bộ Chính trị, có đến 2/3 là những nhân vật xuất thân từ công an và quân đội. Ông Nguyễn Khắc Giang cảnh báo rằng : "Đó không phải là một tầm nhìn dài hạn tốt cho sự phát triển của Việt Nam. Chúng ta cần một kiểu lãnh đạo kỹ trị và ‘dân sự hơn’, thay vì sự hiện diện của nhiều ‘người hùng" (strong men) ở cấp cao nhất của hệ thống chính trị".
Vai trò của Chủ tịch nước xuất thân từ quân đội
Chủ tịch nước, tuy là nguyên thủ quốc gia theo hiến pháp, nhưng lại được coi là một vị trí mang tính nghi lễ, chủ yếu thực hiện các nghi lễ cấp quốc gia và lễ tân ngoại giao.
Tân chủ tịch nước Lương Cường từng giữ chức Bộ trưởng Quốc phòng. Ảnh : Chinh phủ
Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện tại, việc một tướng lĩnh quân đội nắm giữ vị trí này có thể mang ý nghĩa cân bằng và giảm bớt sự tập trung quyền lực tối cao vào tay Tổng bí thư Tô Lâm.
Tiến sĩ Vũ nhận định rằng ông Lương Cường đảm nhận vai trò đón tiếp lãnh đạo nước ngoài có thể hạn chế cơ hội để ông Tô Lâm tiếp xúc với quốc tế và thực hiện những thỏa thuận riêng :
"Ông Lương Cường được đưa lên như là một biện pháp để kiểm soát quyền lực của ông Tô Lâm. Mặc dù chúng ta có thể nhìn thấy là ông Lương Cường và vị trí chủ tịch nước nó không có ảnh hưởng gì nhiều nhưng mà thực chất bên trong với vai trò là một người tiếp xúc với nước ngoài thì nó ngăn chặn ông Tô Lâm có cơ hội đi với nước ngoài và tiếp xúc với nước ngoài để thực hiện những cái hợp tác khác nhau".
Trên thực tế, ông Lương Cường không đủ tiêu chuẩn để bổ nhiệm vào vị trí Chủ tịch nước theo Quy định 214-QĐ/TW của Bộ Chính trị. Quy định này yêu cầu người được bổ nhiệm phải hoàn thành một nhiệm kỳ trong Bộ Chính trị và từng giữ các vị trí như bí thư tỉnh ủy, thành ủy hoặc trưởng ban, bộ, ngành trung ương. Trường hợp đặc biệt do Ban Chấp hành Trung ương quyết định.
Tiến sĩ Nguyễn Huy Vũ cho rằng những quy định và điều lệ của Đảng không còn được chính các đảng viên coi trọng, bởi chính ông Nguyễn Phú Trọng đã nhiều lần phá lệ để tiếp tục nắm quyền. Ông Trọng giữ chức Tổng bí thư đến nhiệm kỳ thứ ba vào năm 2021, mặc dù điều lệ Đảng quy định một người chỉ được giữ chức này hai nhiệm kỳ.
"Khi mà ông Tổng bí thư đã xé toạc và không tôn trọng điều lệ đảng nữa thì những người sau đó đã lấy ông Nguyễn Phú Trọng như một tiền lệ. Họ đã không tôn trọng điều lệ đảng nữa và bất cứ điều gì họ cũng đều có thể nói đây là một trường hợp đặc biệt. Khi mà có quá nhiều trường hợp đặc biệt diễn ra thì mọi thứ nó đã trở nên chuyện bình thường. Cho nên, chuyện ông Lương Cường hay bất cứ ai đó thiếu một tiêu chuẩn nào đó để được cất nhắc tham gia vào vị trí trong chính quyền nó đã trở nên một điều bình thường" - Tiến sĩ Vũ kết luận.
Kể từ nhiệm kỳ chủ tịch nước của Lê Đức Anh (1992-1997), giờ đây Việt Nam mới có thêm một tướng quân đội giữ chức vụ này. Ngoài việc 2/3 thành viên Bộ chính trị xuất thân từ lực lượng quân đội và công an, trong "tứ trụ" hiện nay, có hai thành viên từ ngành công an và một từ quân đội. Như vậy, dù có ít cán bộ giữ các chức vụ chủ chốt hơn, nhưng sự hiện diện của lực lượng quân đội nhằm mang lại thế cân bằng với công an trong hệ thống chính trị Việt Nam.
Nguồn : RFA, 23/10/2024