Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

23/10/2024

Về giá trị của Cần Thơ – Tây Đô

Hồ Sĩ Quý & Nguyễn Văn Hạ


Được hình thành và phát triển khá sớm trong lịch sử quốc gia – dân tộc, Cần Thơ là nơi hội tụ của những nét đặc thù Nam Bộ: văn hóa vùng Châu thổ sông nước điển hình, văn hóa miệt vườn nhiệt đới của lưu dân khai phá vùng đất mới, địa bàn cộng sinh của văn hóa các tộc người Kinh – Khmer – Hoa – Chăm…, nơi dung hợp của cả bốn loại hình tôn giáo – tín ngưỡng.

taydo1

Bến Ninh Kiều Cần Thơ về đêm - Ảnh minh họa

Những nhân tố địa lý tự nhiên, văn hóa và lịch sử của vùng đất này đã ghi dấu ấn trong con người Nam Bộ hôm nay, về thế giới quan và nhân sinh quan, cả trong đời sống vật chất và trong đời sống tinh thần…

Ngày nay, khi nền kinh tế – xã hội đất nước ngày càng phát triển, những tiến bộ của thời đại sẽ tạo thêm điều kiện để tính cách Nam bộ ấy được thể hiện trong không gian văn minh mới.

1. Cần Thơ được mệnh danh là Tây Đô, trung tâm phát triển của Tây Nam bộ, cực tăng trưởng của vùng Đồng bằng sông Cửu Long

Từ hơn ba trăm năm trước, năm 1739, đất Cần Thơ chính thức có tên trên dư đồ Việt Nam với tên gọi là "Trấn Giang" (镇江, được Chúa Nguyễn Phúc Khoát công nhận công lao của Mạc Thiên Tứ (con Mạc Cửu) cùng dân chúng mở rộng khai hoang vùng đất Hà Tiên). Ngay từ lúc đó Cần Thơ đã bắt đầu được coi là thủ phủ, đô thị hạt nhân có vị thế trung tâm ("Tây Đô" 西都) của Tây Nam Bộ [1].

Trong "Gia Định thành thông chí" có chép địa danh Cần Thơ bằng chữ Hán là 芹苴", Cần Thơ".

Vào thời Nhà Nguyễn, Cần Thơ có tên là "Phong Phú".

Ngày 23/2/1876, sau khi đã chiếm trọn Nam kỳ lục tỉnh, thực dân Pháp ra nghị định lấy huyện Phong Phú (Trấn Giang xưa) và một phần huyện An Xuyên và Tân Thành thuộc tỉnh An Giang (thời Minh Mạng) để thành lập hạt Cần Thơ.

Thời Việt Nam Cộng Hòa, Cần Thơ lại mang tên "Phong Dinh".

Hiện nay, Cần Thơ đang xây dựng để thành trung tâm phát triển vùng của thời kỳ Đổi mới theo theo tinh thần Nghị quyết Bộ Chính trị số 59-NQ/TW ngày 5/8/2020 về Cần Thơ và Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 02/4/2022 về vùng Đồng bằng sông Cửu Long, được cụ thể hóa trong các Nghị quyết 78/NQ-CP ngày 18/6/2022 của Chính phủ, Nghị quyết số 45/2022/QH15 ngày 11/01/2022 của Quốc hội [2] và Nghị quyết số 1519/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 02/12/2023 phê duyệt Quy hoạch Cần Thơ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Theo quy hoạch, "Cần Thơ sẽ là cực tăng trưởng của vùng đồng bằng sông Cửu Long ; thành phố sinh thái, văn minh, hiện đại, mang đậm bản sắc văn hóa xứ Tây Đô ; là trung tâm đô thị, trung tâm dịch vụ thương mại, du lịch, logistics, công nghiệp chế biến, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, giáo dục và đào tạo, y tế chuyên sâu, khoa học công nghệ, văn hóa, thể thao của vùng đồng bằng sông Cửu Long ; có hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ thích ứng với biến đổi khí hậu, đáp ứng yêu cầu kết nối nội vùng, liên vùng và liên vận quốc tế". Đến năm 2050, "Cần Thơ thuộc nhóm các thành phố phát triển khá ở Châu Á, trở thành thành phố thông minh đáng sống của Việt Nam" [3].

2. Cần Thơ là nơi hội tụ của những nét đặc thù Nam Bộ

Lợi thế lớn nhất và quan trọng nhất của Cần Thơ xưa nay là kinh tế sông. Văn hóa Cần Thơ cũng là văn hóa đặc trưng của vùng sông nước.

Các tài liệu của Việt Nam thường nhấn mạnh sông ngòi ở Cần Thơ và Đồng bằng sông Cửu Long là sông ngòi tự nhiên. Nhưng trong một báo cáo của Tổ chức quốc tế bảo tồn thiên nhiên (WWF) năm 2016, WWF lại nhấn mạnh sự khai phá của Việt Nam trong lịch sử kiến tạo sông ngòi Đồng bằng sông Cửu Long. "Sự đổi dòng của sông nước trong mạng lưới kênh phức tạp không thể được coi là tự nhiên, do lịch sử cải tạo lâu dài của vùng này" [4]. Điều này, hóa ra lại là niềm tự hào to lớn của Cần Thơ và Việt Nam vì đây là thành quả lao động của nhiều thế hệ người Tây Nam bộ.

Trong 200 năm (từ 1700 đến 1930), Đồng bằng sông Cửu Long đào trên 40 kênh lớn, nhỏ. Các chúa Nguyễn và vua Nguyễn đã đào các kênh Bà Bèo, kênh Lợi Tế, kênh Bo Bo, nhằm phục vụ an ninh – quốc phòng. Sau này, những kênh đào từ buổi đầu khai phá đó, đã trở thành tuyến thủy lộ quan trọng.

Sông Bảo Định nối liền rạch Vũng Gù với rạch Mỹ Tho thuộc tỉnh Tiền Giang. Thời Chúa Nguyễn Phúc Chu, sông này chỉ là một con mương đào, đến 1819 vua Gia Long cho đào và nạo vét để trở thành con kênh lớn đầu tiên ở Đồng bằng sông Cửu Long. Khởi công 23/2/1819 và kết thúc chỉ trong vài tháng 28/5/1819 con sông có chiều dài tới 14 km, rộng độ 6m và sâu 3,50m. Từ đó Bảo Định là con đường huyết mạch nối Tây Nam bộ với Sài Gòn. Từ Cà Mau, Hà Tiên, Rạch Giá… giao thông thủy đều theo sông Hậu, sông Tiền mà tới Mỹ Tho, rồi tới Sài Gòn. Tin tức, công văn giấy tờ cũng chuyển qua sông này vì là đoạn đường ngắn nhất.

Từ thời Paul Doumer, viên toàn quyền để lại nhiều dấu ấn ở Việt Nam này rất chú trọng xây dựng hạ thầng giao thông, trong đó có đẩy mạnh việc vét kênh cũ, đào kênh mới. Năm 1907 người Pháp đào, vét và mở rộng các kênh Lagrange, Tổng Đốc Lộc, Đá Biên (Thạnh Phước, Thạnh Hóa, Long An), Phú Sửu, Tân Châu – Vàm Cỏ, cù lao Sung, cù lao Tây – Vàm Cỏ.

Kênh Tháp Mười, đoạn Cao Lãnh dài 17 km đào 1901. Năm 1922, từ Rạch Chanh, người Pháp cho đào kênh Tháp Mười về tây Đồng Tháp Mười, đổ ra sông Tiền, dài khoảng 60 km. Từ năm 1897 – 1904, trong vùng Đồng Tháp Mười đào rất nhiều kênh : Năm 1897, kênh Cai Bắc ; 1898, kênh Ba Điền với độ sâu 1,5m ; 1900, kênh Cái Tôm, kênh Bến Kè, kênh Năm Ngàn ; 1903 – 1904, kênh 12, nối Mộc Hóa với Cai Lậy. Việc đào kênh ở Đồng Tháp Mười được xúc tiến mạnh hơn từ sau hàng loạt dự án điều tra, nghiên cứu sông ở Tân An của Gaudary (1907) ; nghiên cứu Đồng Tháp Mười của Bolliet và Saraudy 1907) ; nghiên cứu Đồng Tháp Mười của Gơri Pâyxơ và Baydi (1910) ; dự án mở rôṇg các kênh phía hạ lưu Hồng Ngự của Benaberg (1916) [5].

Năm 2018, "Earth & World" một trong những Website có uy tín trên thế giới chuyên cung cấp thông tin vì mục đích kiến thức và dân trí, đã xếp hạng Cần Thơ là một trong 10 thành phố trên sông đẹp nhất thế giới (Top 10 most beautiful canal cities in the world) gồm Venice, Birmingham, Giethoorn (Netherlands), Suzhou (Tô châu), Alleppey (Ấn độ), Stockholm, Burges (Belgium), Bangkok, Cape coral (Forida, US), Cần Thơ). Nhiều hãng du lịch lớn của thế giới về sau đã sử dụng lại bình chọn này [6].

Đặc trưng vùng đất này là đô thị miền sông nước. Nhưng không chỉ là đầu mối giao thông quan trọng giữa các tỉnh, mấy trăm năm khai khẩn vùng sông nước hoang vu, đầy gian khó, rồi trải qua các biến động dữ dội của lịch sử từ cuối thế kỷ XVIII đến nay, cộng đồng người Kinh, người Hoa, người Khmer, người Chăm… đã dựa vào nhau để tồn tại, chia sẻ với nhau từ quan niệm về cộng đồng quốc gia, đời sống tâm linh đến khẩu vị ẩm thực… để tạo nên vùng văn hóa đặc sắc này. Khác với các vùng văn hóa sông nước khác trên thế giới, ở Cần Thơ và Miền Tây, văn hóa sông nước gắn chặt với "văn hóa miệt vườn". Điều kiện khí hậu nhiệt đới, vùng Châu thổ phù sa của con sông lớn dài hơn 4000 km với nhiều của sông, cùng với điều kiện cư dân không đông lại xuất thân từ nông nghiệp… là tác nhân tạo nên văn hóa miệt vườn.

Sản phẩm của sự gắn kết giữa văn hóa sông nước với văn hóa miệt vườn, về mặt văn minh vật chất, là các "vựa" – "vựa lúa, vựa trái cây, vựa hải thủy sản"… Về lối sống và phương thức sống, đó là cách đánh bắt thuỷ hải sản, cách thức vận chuyển, trao đổi và buôn bán… cùng với những chiếc ghe, chiếc xuồng, công cụ chài lưới, chợ nổi trên sông…

Người miền Tây trước đây, quen di chuyển bằng xuồng, ghe, nhà cửa xây dựng gần kênh rạch. Thực phẩm luôn là thủy hải sản. Ẩm thực, trang phục, phong cách sống, ngôn ngữ giao tiếp, đời sống âm nhạc… cũng mang nặng tính sông nước, miệt vườn.

Là điểm đến từ nhiều thế kỷ của di dân người Khmer, người Hoa, người Chăm và người Việt (từ xa xưa đến tận ngày nay từ các vùng rất khác nhau ở Trung bộ và Bắc bộ), và một số ít hơn từ các tộc người khác, Tây Nam Bộ ngay từ sớm đã là một vùng đất đa tộc người, là địa bàn cộng sinh, tiếp biến của các loại hình tôn giáo bản địa và một số tôn giáo khác cả từ phương Đông và phương Tây. Do chịu ảnh hưởng của nhiều loại hình tôn giáo – tín ngưỡng rất khác nhau, nên đời sống tâm linh – tín ngưỡng của người Nam bộ vừa khoan dung, dễ chấp nhận cái khác biệt, nhưng lại cũng không kém phần phức tạp, thậm chí "hỗn dung".

Điều kiện sống như thế đã tạo ra tính cách đặc trưng của con người. Những nhân tố nói trên đã ghi dấu ấn vừa rõ ràng vừa pha tạp trong đời sống của người Nam Bộ hôm nay, cả về thế giới quan và nhân sinh quan, cả trong đời sống vật chất và đời sống tinh thần (nghĩa là, cả về phương thức sống, lối sống và phong cách sống, cả về tâm thức dân tộc (tộc người) và tôn giáo, tín ngưỡng, cả về thị hiếu văn nghệ và văn hóa ẩm thực…) – Người Nam Bộ xưa nay vẫn nghĩa hiệp, khoan dung, hào phóng, thích nghi, năng động…

Văn hóa đặc trưng vùng sông nước, kết hợp với sự giao thoa của văn hóa cộng đồng các dân tộc Kinh, Khmer, Hoa, Chăm… đã tạo nên những đặc thù của phương thức sống và lối sống với các quan niệm rất riêng biệt về :

1) Lao động và sự giàu có : trọng lao động, không quan trọng giàu hay nghèo ;

2) Về tâm thức cộng đồng và sự cưu mang, chia sẻ – cộng đồng là thiêng liêng, chia sẻ là bổn phận ;

3) Về thái độ đối với dân ngụ cư và dân bản quán – không phân biệt dân bản địa và dân di cư, tuyệt đối không hẹp hòi, kỳ thị ;

4) Về văn hóa ẩm thực và phong cách "ăn nhậu" – ăn nhậu gắn liền với đãi khách, đồ ăn cay, nóng, ưu tiên chế biến từ đặc sản địa phương [7] :

5) Về sự hoà hợp, dung hợp tôn giáo, tín ngưỡng – đề cao tính thực tế, tính bình dân và tính dân chủ trong sinh hoạt tôn giáo – tín ngưỡng, không đấng siêu nhiên nào nghiêm ngặt, khắt khe với con người cả ;

6) Về sự phong phú và đa dạng của các tập tục, lễ hội, nghi thức sinh hoạt – các tập tục, lễ hội đều là của chung cộng đồng, không của riêng tôn giáo nào, tộc người nào ;

7) Về mô hình của nhân cách và chuẩn mực của sự làm người – nghĩa hiệp, khoan dung, cởi mở, năng động, thương người…

Rất nhiều học giả đã nghiên cứu, phát hiện và lý giải về những nét đặc thù miền Tây này. Tuy chưa thuyết phục được tất cả các lý lẽ phản biện, song ở phạm vi phổ quát nhất, hầu hết đều thừa nhận, tính cách của người Cần Thơ nói riêng và người miền Tây nói chung, có nhiều nét khác biệt so với người Việt ở các vùng miền khác. Phẩm chất năng động, cởi mở, nghĩa hiệp, bao dung… đã được xác định là những nét đặc trưng Nam bộ. Nhiều nhà nghiên cứu còn chứng minh rằng, ngay cả quan niệm về màu sắc, chất liệu, trang phục và rộng hơn, cả phong cách thẩm mỹ của người miền Tây cũng có những nét riêng.

Do đời sống gian khó của nhiều thế hệ lưu dân, trong những thế kỷ trước, sự phân biệt vùng miền, sắc tộc, tôn giáo rất mờ nhạt (tâm thức có phần nặng nề chỉ xuất hiện từ những năm giữa thế kỷ XX). Trước đó, người ta không tìm thấy dấu vết của sự xung đột hay kỳ thị văn hóa, dân tộc, tín ngưỡng. Sự đón nhận văn hóa phương Tây ở vùng này, như các nhà nghiên cứu đã xác minh, cũng ít thấy các hiện tượng cưỡng bức hay đồng hóa. Không chỉ trong lịch sử, mà ngay trong thời kỳ Pháp thuộc, các kế hoạch cải tạo lớn của người Pháp đối với giao thông đồng bằng Nam bộ đã đem đến cho con người nơi đây những nét mới của văn hóa phương Tây. Rồi tiếp đó là văn hóa Mỹ. Tuy chỉ khoảng 20 năm, nhưng văn hóa kiểu Mỹ cũng được coi là có ảnh hưởng đến người Nam bộ – nhất là trong các lĩnh vực có liên quan đến kinh tế thị trường như sản xuất, kinh doanh, thương mại… và cả trong đời sống sinh hoạt hàng ngày.

Từ năm 1975 đến nay, Cần Thơ và Tây Nam Bộ cũng là một điểm đến có sức thu hút, đồng thời lại là nơi cung cấp nguồn nhân lực lớn cho thành phố Hồ Chí Minh và cho các địa phương khác. Sự biến động về thành phần tộc người, về tầng lớp cư dân, về trình độ nhân lực, về mức độ pha trộn văn hoá… được coi là khá mạnh mẽ. Tốc độ giao lưu, tiếp biến văn hóa tương đối nhanh, mức độ không thật sâu sắc nhưng đủ làm thay đổi diện mạo đời sống cộng đồng. Phạm vi trải rộng khắp Tây Nam bộ, mà tâm điểm là Cần Thơ – không xu hướng biến động nào xuất hiện ở Tây Nam bộ, mà Cần Thơ không có. Tất nhiên, có hạn chế, tiêu cực, nhưng như nhiều ý kiến đã đánh giá, điều tích cực là căn bản. Cùng với sự trợ giúp của các loại hình tiến bộ công nghệ mới, tính chất hiện đại, quốc tế, trí tuệ… của thời hội nhập đã thể hiện rõ ở đất và người Cần Thơ. Điểm đáng lưu ý là các cộng đồng cư dân đến Cần Thơ và miền Tây những thập niên gần đây đều không đủ lớn như các thế kỷ trước, nên sự du nhập văn hóa mới hầu hết đều không có tính hệ thống, chỉ là những ảnh hưởng, những chi tiết, những hiện tượng nhỏ lẻ… đan xen, bổ sung, hòa quyện vào văn hóa Tây Đô truyền thống.

Nghĩa là, vẫn tồn tại một văn hóa Tây Nam Bộ đã hình thành từ vài trăm năm trước, chỉ cải tiến, thêm bớt, bổ sung ít nhiều, nhất là bằng cách công nghệ hoá, hiện đại hóa các biểu hiện của giá trị truyền thống, kể cả trong các hoạt động như thực hành tín ngưỡng, tham dự văn hóa lễ hội, văn hóa ẩm thực, văn nghệ cộng đồng… Cũng có những giá trị bị lãng quên dần vì không còn thích hợp. Nhiều giá trị mới đã trở nên quen thuộc đối với tất cả các cộng đồng dân cư.

Nghĩa là, năng động – thích nghi, cởi mở – bao dung, nhân nghĩa – chân thành, nghĩa hiệp – hào sảng, chu đáo – thân thiện… vẫn là những nét bản sắc ưu trội của người Tây Đô và Tây Nam Bộ.

Không ngẫu nhiên, trong tình cảm và nhận thức của người dân Việt Nam, Cần Thơ là thành phố đứng thứ 4 trong số các thành phố ở Việt Nam có nhiều người lựa chọn đến sinh sống. Đây là kết quả của Báo cáo Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI), vừa được CECODES, RTA & UNDP công bố 4/2024. Theo Báo cáo này, Thành phố Hồ Chí Minh xếp thứ 1, Hà Nội xếp thứ 2, Đà Nẵng thứ 3, Cần Thơ xếp thứ 4, Lâm Đồng xếp thứ 5, trong khi đó, các thành phố Trà Vinh, Bến Tre, Bạc Liêu, Hậu Giang, Cà Mau… đều đứng gần cuối bảng xếp hạng mà người dân lựa chọn [8].

Điều vừa nói đã góp thêm vào khẳng định giá trị tích cực của văn hóa và con người Cần Thơ – Tây Đô trong cộng đồng các dân tộc Đồng bằng sông Cửu Long. Tuy nhiên, nói như thế không có nghĩa là con người và văn hóa Cần Thơ chỉ gồm toàn những điều tốt đẹp, không hề có những rào cản hay hạn chế nào.

Nếu như ngay từ hàng trăm năm trước, Cần Thơ đã là "Tây Đô", thủ phủ của toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long, thì đến nay vị thế này của Cần Thơ dường như đã bị mai một nhiều. Theo quy hoạch, mãi đến năm 2050, Cần Thơ mới trở thành "thành phố sinh thái, văn minh, hiện đại, mang đậm bản sắc văn hóa Tây Đô". Từ thực tế này, ngay từ năm 2022, các chuyên gia "Báo cáo kinh tế thường niên Đồng bằng sông Cửu Long" đã cảnh báo, Đồng bằng sông Cửu Long tụt hậu ngày càng xa, thậm chí bị "bỏ rơi" trong sự phát triển chung của cả nước. Hơn ba thập kỷ qua, tốc độ phát triển của vùng đã chậm lại một cách đáng kể, mức sống của người dân thấp hơn mức trung bình của cả nước, và Đồng bằng sông Cửu Long ngày càng tụt hậu về hầu hết các khía cạnh phát triển kinh tế – xã hội [9].

Những năm gần đây, theo kế hoạch, năm nào Cần Thơ cũng còn những chỉ tiêu chưa đạt kế hoạch. Việc giải ngân vốn đầu tư công còn chậm và tiến độ triển khai các công trình, dự án chưa đạt kế hoạch đề ra. Hoạt động sản xuất, kinh doanh vẫn còn nhiều điểm nghẽn. Hệ thống hạ tầng giao thông đường bộ, hàng không và hàng hải… đang triển khai nhưng đều chưa hoàn thành. Thành phố sông nước, nhưng sông, kênh, rạch lớn vẫn chỉ là dòng chảy không tải, ít lợi nhuận, chưa tương xứng với tài nguyên mà thiên nhiên ưu đãi.

3. Kết luận

Giá trị của Cần Thơ trước hết là ở vị thế Tây Đô, trung tâm phát triển của vùng Đồng bằng sông Cửu Long ngay từ trăm năm trước. Ngày nay Cần Thơ đang phấn đấu để trở thành cực tăng trưởng với trình độ ngày càng hiện đại của nền kinh tế – xã hội. Mục tiêu phấn đấu của Cần Thơ là thành phố sinh thái, văn minh, hiện đại, mang đậm bản sắc văn hóa xứ Tây Đô; là trung tâm của của vùng không chỉ về kinh tế mà còn cả về giáo dục, đào tạo, y tế, khoa học, công nghệ, thể thao,văn hóa. Đến năm 2050, Cần Thơ trở thành "thành phố thông minh đáng sống của Việt Nam".

Nhưng giá trị đáng kể nhất của Cần Thơ là đô thị có bản sắc riêng, bản sắc đặc thù của văn hóa vùng sông nước, của văn hóa miệt vườn, của những con người đậm đặc tính cách Nam bộ – từ quan niệm sống, phương thức sống đến phong cách sống – nghĩa hiệp, hào phóng, năng động, khoan dung…

Hồ Sĩ Quý & Nguyễn Văn Hạ

Nguồn : Nghiên cứu quốc tế, 23/10/2024

Hồ Sĩ Quý, Giáo sư Tiến sĩ, Hội Triết học Việt Nam ;

Nguyễn Văn Hạ, Tổng Giám đốc Công ty Truyền thông Halotimes. Bài đã đăng trên "Xưa Nay" số 567 tháng 9/2024.

——————-

[1]. Hội khuyến học Cần Thơ (1942). Tây Đô lịch sử

[2]. Nghị quyết số 45/2022/QH15 ngày 11/01/2022 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Cần Thơ. 

1) Thành phố được vay thông qua phát hành trái phiếu địa phương, vay từ các tổ chức tài chính và tổ chức khác trong nước, từ nguồn nước ngoài của Chính phủ vay về với tổng mức dư nợ không vượt quá 60% số thu ngân sách của địa phương được hưởng.
2) Hội đồng nhân dân thành phố được quyết định chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa nước từ 2 vụ trở lên với quy mô dưới 500 ha theo ủy quyền của Thủ tướng.
3) Trên cơ sở đồ án quy hoạch xây dựng khu chức năng, quy hoạch đô thị đã được phê duyệt, Thủ tướng quyết định việc phân cấp cho UBND thành phố phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung xây dựng khu chức năng; quy hoạch chung đô thị.
4) Sau khi ngân sách thành phố đảm bảo đủ nguồn thực hiện cải cách tiền lương, chính sách an sinh xã hội, HĐND thành phố được quyết định dùng nguồn còn dư để chi thu nhập bình quân tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức.
5) Thành phố được thực hiện dự án nạo vét kết hợp thu hồi sản phẩm luồng hàng hải Định An – Cần Thơ theo phương thức xã hội hóa, đảo đảm chuẩn tắc luồng hàng hải cho tàu có trọng tải từ 10.000 tấn trở lên ra vào ; dự án có quy mô vốn từ 500 tỷ đồng trở lên được áp dụng hình thức ưu đãi.
6) Thủ tướng sẽ lập Trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long tại Cần Thơ. Doanh nghiệp có dự án đầu tư tại Trung tâm được hưởng chế độ ưu tiên về thủ tục hải quan và thuế.

[3]. Nghị quyết số 1519/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 02/12/2023 phê duyệt Quy hoạch Cần Thơ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. 

[4]. WWF. Report Nov., 2016. Mekong Rever in the Economic

[5]. Xem : Trần Hữu Thắng (2018). Kênh đào giúp người Pháp khai khẩn Nam Bộ

[6]. Top 10 most beautiful canal cities in the world. Về Cần Thơ, Website này viết: "Nằm ở đồng Đồng bằng sông Cửu Long Việt Nam, Cần Thơ là một trong những thành phố kênh đào lớn nhất thế giới, nằm ở nơi giao nhau của nhiều kênh rạch và mạng lưới sông ngòi. Các kênh và sông ở Cần Thơ có tổng chiều dài 1157 km và sông Hậu là con sông lớn nhất đi qua thành phố này… Các thành phố trong danh sách này có hệ thống kênh rạch đã hoạt động hàng thế kỷ, được bảo dưỡng cực kỳ tốt và tiếp tục được sử dụng theo cách tương tự. Vị trí địa lý độc đáo của những thành phố này làm cho các sông ngòi trở thành cách hữu hiệu nhất để đi lại trong thành phố".

[7]. 25 món ăn dân dã miền Tây "ăn là ghiền" : 1. Bún mắm ; 2. Mắm kho ; 3. Đuông dừa ; 4. Chuột đồng ; 5. Bún cá Châu Đốc ; 6. Gà nướng đất sét ; 7. Cá lóc nướng trui ; 8. Gỏi củ hủ dừa ; 9. Lẩu cá linh bông điên điển ; 10. Gỏi xoài khô cá sặc ; 11. Cá kho tộ ; 12. Bánh xèo ; 13. Bánh giá chợ giồng ; 14. Canh chua cá ; 15. Cháo cá lóc ; 16. Gỏi ba khía ; 17. Cá tai tượng chiên xù ; 18. Chuối nếp nướng ; 19. Kho quẹt ; 20. Hủ tiếu Sa Đéc ; 21. Bánh tằm bì ; 22. Gỏi sầu đâu ; 23. Cá kèo nướng muối ớt ; 24. Chè bà ba ; 25. Chè bánh lọt.

[8]. CECODES, RTA & UNDP (2024). The Viet Nam Provincial Governance and Public Administration Performance Index (PAPI): Measuring Citizens’ Experiences, 2023. 

[9]. Xem : VCCI & Fulbright (2022). Báo cáo kinh tế thường niên Đồng bằng sông Cửu Long 2020 Nâng cao năng lực cạnh tranh để phát triển bền vững. tr. XLI.

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Hồ Sĩ Quý & Nguyễn Văn Hạ
Read 97 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)