Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

27/10/2024

Triều Tiên và Myanmar làm Bắc Kinh đau đầu

James Palmer

Gần đây, những láng giềng khiến Trung Quốc đau đầu nhất lại chính là những nước lâu nay Trung Quốc coi là bạn bè.

Tiêu điểm tuần này : Lãnh đạo Bắc Triều Tiên và Myanmar khiến giới chức Trung Quốc khó chịu ; Kazakhstan từ chối gia nhập BRICS, gửi thông điệp đến Nga và Trung Quốc ; mạng máy tính ma của Trung Quốc nhắm vào các cuộc đua bầu cử cấp thấp của Mỹ.

trieutien1

Một người phụ nữ ngồi trên băng ghế nhìn về phía Bắc Triều Tiên từ tỉnh Cát Lâm ở đông bắc Trung Quốc vào ngày 29 tháng 2. Pedro Pardo/AFP qua Getty Images

Những láng giềng phiền phức của Trung Quốc

Tuần này, Trung Quốc và Ấn Độ đã công bố một thoả thuận nhằm giảm căng thẳng và nối lại tuần tra chung dọc biên giới tranh chấp ở Ladakh – hiện vẫn còn ít thông tin cụ thể về việc này. Đây là tin vui với Bắc Kinh, tuy nhiên gần đây, những láng giềng gây phiền nhiều nhất cho Trung Quốc lại là những nước lâu nay Trung Quốc coi là bạn : Cả Triều Tiên và Myanmar đều khiến cho giới chức Trung Quốc phải vò đầu bứt tai, thậm chí là bực mình.

Trung Quốc dù chưa đưa ra bình luận chính thức về các báo cáo gần đây cho rằng binh lính Triều Tiên đang được gửi sang Ukraine để chiến đấu cho Nga, nhưng Bắc Kinh thực sự lo ngại về điều này. Trung Quốc nỗ lực lên tiếng ủng hộ lập trường – và cả hỗ trợ vật chất cho Nga ở một mức độ nhất định, nhưng cũng không làm tổn hại đến mối quan hệ với phương Tây. Còn hành động của Triều Tiên chắc chắn đã vượt qua lằn ranh.

Triều Tiên là đồng minh hiệp ước duy nhất của Trung Quốc, với một thỏa thuận phòng thủ chung được ký kết từ năm 1961 ; Triều Tiên trên danh nghĩa còn chung ý thức hệ với Trung Quốc. Nhưng mối quan hệ giữa Bắc Kinh và Bình Nhưỡng lâu nay vẫn luôn căng thẳng. Người Triều Tiên bực bội khi Trung Quốc tự đặt mình vào vị thế "anh cả" đối với các nước nhỏ hơn trong khối cộng sản – như cách mà người Trung Quốc từng cảm thấy khó chịu với Liên Xô.

Ở những cuộc họp kín, các nhà lãnh đạo Triều Tiên đôi khi đưa ra quan điểm rằng Nhật Bản là "kẻ thù trăm năm", trong khi Trung Quốc là "kẻ thù ngàn năm", để ám chỉ chủ nghĩa đế quốc của Trung Quốc trên bán đảo Triều Tiên trong quá khứ. Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un được cho là đã sử dụng một cụm từ tương tự.

Ở Trung Quốc, Triều Tiên (Bắc Hàn) đã trở thành một từ đại diện cho sự đàn áp của chế độ toàn trị – đến mức một số bạn trẻ Trung Quốc còn dùng từ "Tây Hàn" để chỉ trích khi lãnh đạo Trung Quốc chuyển hướng sang một chế độ chuyên chế hơn. Các nhà phân tích và quan chức Trung Quốc thường kín đáo chỉ trích thất bại của Triều Tiên trong việc đi theo con đường "cải cách và mở cửa" của Trung Quốc vào những năm 1980, miêu tả Bình Nhưỡng là cố chấp và hoang tưởng.

Những tin tức về vụ việc Ukraine xuất hiện trong bối cảnh các chuyên gia Trung Quốc bày tỏ lo ngại về việc Triều Tiên ngày càng hung hăng hơn với Hàn Quốc. Một phần của mối lo đó là Bình Nhưỡng hiện có thể lợi dụng nhu cầu đồng minh của Moscow để ép Điện Kremlin chống lại Bắc Kinh – điều sẽ làm giảm ảnh hưởng của Trung Quốc đối với Triều Tiên, vốn trước nay đã hạn chế.

Trong khi đó, một cuộc tấn công bằng bom ở Myanmar tuần trước nhắm vào lãnh sự quán Trung Quốc tại Mandalay – làm hư hại tòa nhà dù không gây thương vong – vẫn chưa xác định được thủ phạm rõ ràng. Trung Quốc đã kêu gọi tiến hành điều tra và đưa ra những "yêu cầu nghiêm túc" với chính quyền quân sự Myanmar, vốn nắm quyền từ sau cuộc đảo chính năm 2021.

Cuộc tấn công này làm dấy lên thêm những lo ngại ở Bắc Kinh rằng lãnh đạo quân đội Myanmar không đáng tin cậy và có khả năng thất bại trong nội chiến Myanmar. Trung Quốc có mối quan hệ mật thiết với các tướng lĩnh Myanmar nhờ vào lợi ích tham nhũng chằng chịt giữa hai quân đội. Bắc Kinh từng hy vọng rằng cuộc đảo chính sẽ tạo điều kiện cho các siêu dự án do Trung Quốc tài trợ ở Myanmar tiến triển. Nhưng hoá ra chiến tranh lại cản trở việc phát triển cơ sở hạ tầng, và tiến độ trong các khoản đầu tư của Trung Quốc hầu như cũng không có gì đáng kể.

Trung Quốc cũng đang phẫn nộ trước việc chính quyền quân sự Myanmar không bảo vệ được tài sản và công dân Trung Quốc – đặc biệt là trước việc các băng nhóm tội phạm bắt cóc công nhân Trung Quốc để thực hiện những trò lừa đảo qua mạng. Do đó, Bắc Kinh đang mở rộng quan hệ với các nhóm vũ trang sắc tộc thiểu số và các lực lượng vũ trang chống chính phủ khác ở Myanmar, dựa trên các thoả thuận trước đó (cũng như các thoả thuận kín) giữa Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) và các lực lượng vũ trang này.

Mối lo ngại hàng đầu của Trung Quốc hiện nằm dọc biên giới với Myanmar, nơi Trung Quốc, dù chưa thành công nhưng cũng đã có thiện chí đứng ra làm trung gian hòa giải nhằm ngăn chặn làn sóng bạo lực lan rộng, vừa nhằm giúp giao thương có thể mở cửa trở lại. Các lực lượng nổi dậy ở Myanmar đã giành được một số thành tích đáng kể tại khu vực biên giới, bao gồm việc chiếm giữ một đồn biên phòng trong tuần qua.

Cũng như với Triều Tiên, mong muốn của Trung Quốc ở Myanmar là các bên liên quan ngừng đối đầu và ít nhất là tỏ ra hoà hợp. Tuy nhiên, điều này không diễn ra như mong đợi, và Bắc Kinh dần nhận ra rằng ngay cả siêu cường cũng không thể dễ dàng định đoạt mọi chuyện theo ý mình.
Chủ đề đang được quan tâm

Nước đi cân bằng của Kazakhstan. Kazakhstan đã thông báo sẽ không tham gia BRICS trong năm nay và tạm hoãn nộp đơn xin gia nhập – dù vậy, Kazakhstan vẫn giữ vị trí quan sát viên của BRICS, BRICS cũng vừa tổ chức hội nghị thượng đỉnh lãnh đạo tại Kazan, Nga tuần này. Dưới áp lực từ công chúng vốn không tin tưởng cả Nga lẫn Trung Quốc, các nhà lãnh đạo Kazakhstan đang nỗ lực đảm bảo rằng cửa ngõ tới phương Tây không bị đóng lại.
Dù thông điệp gửi đi chủ yếu nhắm đến Nga, mối quan hệ hai nước đã rạn nứt kể từ khi cuộc xâm lược Ukraine diễn ra, nhưng hành động này của Kazakhstan cũng làm ảnh hưởng đến mối quan hệ của Astana với Bắc Kinh. Kazakhstan có quan hệ kinh tế sâu rộng với Trung Quốc : Kim ngạch thương mại giữa hai nước đã tăng vọt lên hơn 31 tỷ USD trong năm ngoái, dù một phần trong số đó có vẻ là những khoản tiền rồi cuối cùng sẽ được chuyển đến Nga nhưng vẫn tránh được lệnh trừng phạt.

Tuy nhiên, một số người Kazakh đã bị đưa vào các trại tập trung ở Tân Cương, Trung Quốc, và tuy Astana đã cố gắng che giấu sự việc, điều này vẫn ảnh hưởng đáng kể đến cách nhìn nhận của công chúng Kazakhstan về Bắc Kinh. Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) của Trung Quốc vẫn không được ưa chuộng, dù hàng tỷ đô la đang đổ vào Kazakhstan ; thành phố biên giới Khorgos, thành phố tiêu biểu của BRI được thiết lập làm khu vực thương mại, hiện vẫn là một khu vực trì trệ.

Phiên tòa về buôn bán trẻ em. Dư Hoa Anh (Yu Huaying), người phụ nữ trong năm qua đã trở thành biểu tượng của cuộc khủng hoảng buôn bán trẻ em kéo dài ở Trung Quốc, trở lại phiên tòa vì sáu tội danh bổ sung sau khi bị tuyên án tử hình năm ngoái vì tội bắt cóc và buôn bán 11 trẻ em trong những năm 1990. Dư chủ yếu nhắm vào con cái của những người lao động di cư, những người thường phải làm nhiều công việc với thời gian dài khiến việc trông trẻ trở nên khó khăn.

Án tử hình không phổ biến ở Trung Quốc, ngay cả khi đã có án tử, thường sau đó vẫn là những bản án tù dài hạn thay vì thi hành án. Tuy nhiên, vụ án của Dư đã gây chấn động dư luận, nhiều người bình luận trên mạng đồng loạt kêu gọi việc thực thi án tử hình đối với Dư.

Vào năm 2016, Bộ Công an đã khởi động một chương trình được nhiều người ủng hộ nhằm tìm kiếm trẻ em bị bắt cóc, phần nào bù đắp cho sự lơ là trong quá khứ đối với cuộc khủng hoảng buôn bán trẻ em. Hơn 8.000 trẻ em, hiện chủ yếu là thanh thiếu niên hoặc người trưởng thành, đã được đoàn tụ với cha mẹ.

Công nghệ và kinh doanh

Chiến dịch gây ảnh hưởng tới bầu cử Mỹ. Mạng máy tính ma nổi tiếng của Trung Quốc, được biết đến với tên gọi Spamouflage, chủ yếu đang nhắm vào các cuộc bầu cử cấp thấp ở Mỹ năm nay – với mục tiêu là những chính trị gia nổi tiếng có lập trường cứng rắn về nhân quyền ở Trung Quốc, như Thượng nghị sĩ Marco Rubio, hoặc những người từng chỉ trích công nghệ Trung Quốc. Spamouflage đã hoạt động từ năm 2017 và chủ yếu được sử dụng để quấy rối các nhà bất đồng chính kiến Trung Quốc.

Cũng như nhiều chiến dịch sử dụng công nghệ để tác động đến dư luận, hoạt động của Spamouflage thường không hiệu quả ; ít bài đăng được lan truyền và nội dung chủ yếu được đăng lại bởi các tài khoản ma khác trong cùng một mạng lưới. Tuy nhiên, việc nhắm đến những mục tiêu như thế có thể cho thấy : Trong trường hợp này, Trung Quốc có thể quan tâm đến việc làm phương hại cá nhân các chính trị gia và việc củng cố quyền lực địa phương của họ hơn là kết quả bầu cử tổng thống Mỹ.

Các quy định hạn chế mới của Washington nhắm vào trí tuệ nhân tạo Trung Quốc. Làn sóng ban hành các quy định nhắm vào công nghệ Trung Quốc vẫn tiếp tục – và có khả năng sẽ tiếp tục bất kể kết quả cuộc bầu cử vào ngày 5 tháng 11, bởi đây vẫn là một trong số ít vấn đề nhận được sự đồng thuận thực sự từ cả hai đảng. Đợt hạn chế mới nhất chủ yếu nhằm vào trí tuệ nhân tạo, cắt giảm các khoản đầu tư của Mỹ vào Trung Quốc.
Bộ Tư pháp Mỹ cũng đã đề xuất các quy định mới nhằm tái định nghĩa việc "bảo vệ dữ liệu" cho công dân Mỹ trước các công ty Trung Quốc – một vấn đề khó nhằn khi mà chính các công ty Mỹ cũng không tích cực bảo vệ dữ liệu người dùng.

James Palmer

Nguyên tác : "North Korea and Myanmar Cause Headaches in Beijing", Foreign Policy, 24/10/2024

Tạ Kiều Trang biên dịch

Nguồn : Nghiên cứu quốc tế, 27/10/2024

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: James Palmer, Tạ Kiều Trang
Read 46 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)