Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

28/10/2024

Quy chế mới về bầu cử trong Đảng có gì đáng chú ý ?

BBC tiếng Việt

Tổng bí thư Tô Lâm vừa ký ban hành quy chế bầu cử mới trong Đảng, thay cho Quyết định 244 năm 2014, một di sản và công cụ củng cố quyền lực quan trọng của cố Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng. Đâu là điểm đáng chú ý ?

tolam1

Cơ cấu quyền lực của Đảng theo nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo

Vào ngày 10/10/2024, Trung ương Đảng đã ban hành Quyết định 190-QĐ/TW, do Tổng bí thư Tô Lâm ký, về Quy chế bầu cử trong Đảng. Văn bản này thay thế Quyết định số 244-QĐ/TW mà cố Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng ký vào ngày 9/6/2014.

Thể thức bầu cử tại Đại hội 14, dự kiến diễn ra tháng 1/2026, sẽ căn cứ vào Quyết định 190, được cho là để bổ sung, khắc phục những khiếm khuyết của quy định bầu cử cũ, nhất là đối với những chức vụ cao nhất trong Đảng.

Việc ban hành một quy chế mới sau gần 10 năm cho thấy Trung ương Đảng đã quyết định sẽ sửa đổi một trong những di sản quan trọng của cố Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Đây là điều đã được thông báo tại Hội nghị Trung ương thứ 10 (diễn ra từ 18-20/9) :

"Trung ương tán thành các nội dung đề xuất sửa đổi, bổ sung Quy chế bầu cử trong Đảng ; thống nhất giao Bộ Chính trị chỉ đạo tiếp thu ý kiến của Trung ương, hoàn chỉnh để kịp thời ban hành".

Quy chế mới này có điểm gì cần lưu ý ?

Đối tượng áp dụng

Quy định 190 được áp dụng đối với việc bầu cử tại đại hội chi bộ, đại hội đảng bộ các cấp ; bầu cử ở hội nghị ban chấp hành, hội nghị ủy ban kiểm tra.
Như vậy, về đối tượng và phạm vi điều chỉnh của quy chế mới mang tính bao quát, đầy đủ hơn khi gộp toàn bộ nội dung của Điều 8 của Quyết định 244 vào Điều 1 Quyết định 190.

Điều 1 của quy chế mới và cũ đều có một câu khá quan trọng là "việc bầu cử ở Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng do Đại hội quyết định".

Điều này có nghĩa là Quyết định 190 không chi phối việc bầu bán ở kỳ Đại hội 14, trừ khi đa số đại biểu đồng ý vận dụng nó vào việc bầu cử ở Đại hội.

Lý do Đại hội là cơ quan quyết định là vì nguyên tắc tập trung dân chủ và tập thể lãnh đạo - theo mô hình kim tự tháp ngược, cơ quan nào đông nhất thì quyền lực nhất. Điều lệ của Đảng cũng nêu rõ cơ quan lãnh đạo cao nhất của Đảng là Đại hội đại biểu toàn quốc.

Trong khi đó, Ban Chấp hành Trung ương đóng vai trò là cơ quan lãnh đạo của Đảng giữa hai kỳ đại hội. Do vậy, Quyết định 190 là do Ban Chấp hành Trung ương thông qua nhưng không thể vượt quyền Đại hội đại biểu nên Đại hội có toàn quyền quyết định có áp dụng quy chế này cho việc bầu cử tại Đại hội hay không. Nếu áp đặt lên Đại hội thì sẽ đi ngược lại với nguyên tắc tập trung dân chủ (trái với Điều 2 của quy chế này).

Tuy nhiên, đại biểu chính thức dự đại hội gồm các ủy viên Ban Chấp hành Trung ương và đại biểu do đại hội cấp dưới bầu (tức đại diện cho các đảng viên ở đơn vị mình làm đại biểu) nên với tâm lý phục tùng cấp trên thì các đại biểu mặc nhiên áp dụng quy chế mà Ban Chấp hành Trung ương banh hành là điều dễ hiểu.

Điều này cho thấy, Quyết định 190 là tuân thủ nguyên tắc tập trung dân chủ, nhưng việc thực hành còn tùy thuộc vào các đại biểu dự Đại hội.

Ban thẩm tra tư cách đại biểu

Quyết định 190 mới được ban hành về cơ bản đều giống với Quyết định 244-QĐ/TW. Một trong những khác biệt rõ nét là bổ sung một điều mới ở Điều 7 về nhiệm vụ của Ban thẩm tra tư cách đại biểu.

Theo Điều 11 Điều lệ Đảng, đại biểu dự đại hội phải được đại hội thẩm tra tư cách và biểu quyết công nhận.
Trong quy chế cũ, ban thẩm tra tư cách đại biểu được mô tả với vai trò chung chung hơn, tập trung vào việc xác nhận tư cách đại biểu mà không có nhiều chi tiết cụ thể về quy trình xử lý khiếu nại và các biện pháp xác minh bổ sung.

Còn quy chế mới thì lập hẳn riêng Điều 7 để nêu rõ nhiệm vụ của Ban thẩm tra tư cách đại biểu của đại hội. Cụ thể như sau :

1. Xem xét báo cáo của cấp ủy triệu tập đại hội về việc chấp hành nguyên tắc, thủ tục, tình hình và kết quả bầu cử đại biểu ; những vấn đề có liên quan đến tư cách đại biểu.

2. Xem xét, kết luận các đơn, thư khiếu nại, tố cáo về tư cách đại biểu do cấp ủy các cấp giải quyết ; báo cáo với đoàn chủ tịch để trình đại hội xem xét, quyết định về những trường hợp không được công nhận tư cách đại biểu, những trường hợp có đơn xin rút khỏi danh sách đại biểu và việc chuyển đại biểu dự khuyết thành đại biểu chính thức đã được triệu tập.

3. Báo cáo với đại hội kết quả thẩm tra tư cách đại biểu để đại hội xem xét, biểu quyết công nhận.

Dù đây là điều hoàn toàn mới được bổ sung vào quy chế 190 nhưng nhiệm vụ của Ban thẩm tra tư cách đại biểu này vốn đã được nêu tại Mục 12.2 Quy định 24-QĐ/TW năm 2021, Quy định về thi hành Điều lệ Đảng.

Việc bổ sung Điều 7 vào Quyết định 190 cho thấy vấn đề liên quan đến tư cách đại biểu được chú trọng và nhấn mạnh hơn vì việc thẩm tra này là một nội dung quan trọng của Đại hội và được tiến hành ngay trong quá trình chuẩn bị đại hội.

Tuy nhiên, quy chế mới không định rõ nếu Ban kiểm tra tư cách đại biểu xảy ra sai sót thì sẽ xử lý như thế nào.

Trách nhiệm của người đề cử

Quy chế về bầu cử mới đặc biệt bổ sung thêm một điểm quan trọng là quy trách nhiệm của người đề cử nhân sự tham gia cấp ủy khi thực hiện thủ tục đề cử.

Cụ thể như sau :

Người đề cử nhân sự tham gia cấp ủy phải chịu trách nhiệm trước đại hội về tiêu chuẩn, điều kiện tham gia cấp ủy của người mà mình đề cử. Sau đại hội, nếu xác minh người được đề cử không đủ tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định thì tùy theo mức độ vi phạm, người đề cử sẽ bị xem xét xử lý theo quy định của Đảng.

Đây cũng là điểm được bổ sung thẳng vào Quyết định 190, nhưng việc quy trách nhiệm cho người đề cử đã được quy định trong Hướng dẫn số 03-HD/TW ngày 20/3/2020 của Ban Bí thư về việc thực hiện quy chế bầu cử trong Đảng, nhằm thể hiện chặt chẽ hơn nguyên tắc tập trung - dân chủ trong công tác cán bộ.

Hồi tháng 3/2020, báo Lao Động dẫn lời Phó Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hà - cựu Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng - nhận định rằng các nhiệm kỳ đại hội trước đây có xuất hiện một số trường hợp như giới thiệu theo kiểu "xuề xòa" nể nang nhau dẫn đến chọn sai cán bộ. Do vậy, hướng dẫn này nhằm nâng cao trách nhiệm của người giới thiệu.

Báo Lao Động cũng trích dẫn lời ông Lê Như Tiến - cựu Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội - rằng việc nêu trách nhiệm của người đề cử tại đại hội giống như thêm một cơ chế kiểm soát nhằm hạn chế tình trạng "thỏa thuận đề cử", chạy chức chạy quyền, đồng thời tránh để lọt những người không đủ tiêu chuẩn được giới thiệu để tranh thủ phiếu bầu.

Nếu trước đây trách nhiệm này chỉ nằm trong văn bản hướng dẫn của Ban Bí thư về thực hiện quy chế bầu cử trong Đảng thì việc nó được đưa vô chính thức vào Quy chế 190 cho thấy vấn đề trách nhiệm này ngày càng được chú trọng hơn.

Một số điểm khác

Nhiệm vụ của cấp ủy triệu tập đại hội cũng được bổ sung, điều chỉnh.

Theo đó, bổ sung thêm nhiệm vụ của cấp ủy triệu tập đại hội : "Chuẩn bị số lượng, danh sách và nhận sự đoàn chủ tịch, chủ tịch đại hội, đoàn thư ký, thư ký đại hội, ban thẩm tra tư cách đại biểu để trình đại hội xem xét, biểu quyết thông qua".

Đồng thời, bổ sung các sửa đổi vào khoản 1 Điều 4 Quyết định 190 như sau :

Điều 4. Nhiệm vụ của cấp ủy triệu tập đại hội :

Chuẩn bị đề án nhân sự đại biểu dự đại hội cấp trên ; đề án nhân sự cấp ủy, ban thường vụ, bí thư, phó bí thư, ủy ban kiểm tra, chủ nhiệm ủy ban kiểm tra, phó chủ nhiệm ủy ban kiểm tra và các điều kiện để tổ chức hội nghị ban chấp hành lần thứ nhất bầu ban thường vụ, bí thư, phó bí thư, ủy ban kiểm tra, chủ nhiệm ủy ban kiểm tra cấp mình theo quy định.

Trước đây, Khoản 1 Điều 4 Quyết định 244 chỉ quy định "chuẩn bị các vấn đề về nhân sự đại biểu, đề án nhân sự cấp ủy, ủy ban kiểm tra và kế hoạch tổ chức đại hội".

Bên cạnh đó, Quyết định 190 còn bổ sung thêm nhiệm vụ của đoàn chủ tịch, chủ tịch đại hội và của trưởng ban kiểm phiếu. Nội dung về số dư và danh sách bầu cử và danh sách bầu cử ; nội dung về việc thảo luận, biểu quyết lập danh sách đối với đại hội.

Các vấn đề về phiếu bầu cử ; kiểm phiếu và công bố kết quả bầu cử bí thư, phó bí thư cấp ủy ; cách tính kết quả bầu cử cũng có một số điều chỉnh.

Trao quyền cho Bộ Chính trị

Tổng bí thư Tô Lâm vừa ký ban hành quy chế bầu cử mới trong Đảng, thay cho Quyết định 244 vốn là một di sản và công cụ củng cố quyền lực quan trọng của cố Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng. Đâu là điểm đáng chú ý ?

tolam2

Các ủy viên Bộ Chính trị khóa 13

Vào năm 2014, Quyết định 244-QĐ/TW về việc ban hành quy chế bầu cử trong Đảng đã được Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng ký. Trong đó, nổi bật nhất là Điều 13, nay là Điều 11 trong Quyết định 190.

Cụ thể, điều này đã trao quyền tuyệt đối cho cấp ủy và Bộ Chính trị khi xét đến về việc ứng cử, đề cử của cấp ủy viên, ủy viên ban thường vụ, ủy viên Bộ Chính trị, ủy viên Ban Bí thư :

"Ở các hội nghị của Ban Chấp hành Trung ương, các đồng chí ủy viên Bộ Chính trị, ủy viên Ban Bí thư không được đề cử nhân sự ngoài danh sách do Bộ Chính trị đề cử ; không được ứng cử và nhận đề cử nếu không có tên trong danh sách đề cử của Bộ Chính trị".

Điều 13 của Quyết định 244 đã được áp dụng tại Đại hội 12 vào tháng 1 năm 2016 và được cho là công cụ để Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng loại đối thủ chính trị của mình - Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.

Tại Đại hội 12, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng được các đoàn đại biểu giới thiệu thêm nhưng phải rút lui do trước đó không nằm trong danh sách Trung ương đề cử.

Từ diễn biến trên, ông Dũng đã phải kết thúc sự nghiệp chính trị và điều này cho thấy tài thao lược của ông Trọng trên chính trường. Từ thời điểm đó, ông Trọng trở thành nhà lãnh đạo quyền lực nhất.

Quy chế 190 mới ban hành vẫn giữ nguyên điều này, nghĩa là nếu cá nhân không có tên trong danh sách đề cử của Bộ Chính trị thì không sẽ không được ứng cử và nhận đề cử. Điều này đồng nghĩa với việc sự nghiệp sẽ không thăng tiến thêm được nếu không nằm trong quy hoạch của Bộ Chính trị.

Bộ Chính trị hiện tại có 15 ủy viên. Giáo sư Carl Thayer gợi ý rằng, các ủy viên Bộ Chính trị là những đại diện của một số nhóm gồm : nhóm Hưng Yên, nhóm Nghệ An-Hà Tĩnh, nhóm miền Nam, nhóm quân đội và nhóm công an. Các nhóm này đã có đại diện trong Tứ Trụ và thường trực Ban Bí thư.

Theo đánh giá của các nhà quan sát, để làm thêm một nhiệm kỳ tổng bí thư, ông Tô Lâm phải giải quyết bài toán cân bằng quyền lực giữa các nhóm trong Bộ Chính trị và tìm kiếm, tranh thủ sự ủng hộ để tạo được sự đồng thuận cho ông thành "trường hợp đặc biệt" trong nhiệm kỳ tới.

Nguồn : BBC, 28/10/2024

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: BBC tiếng Việt
Read 49 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)