Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

05/11/2024

Quan hệ Việt-Mỹ và Việt-Nhật đối diện những ngày khó khăn

Reuters - VOA

Giới công nghệ Mỹ cảnh báo luật sắp ban hành của Việt Nam sẽ gây nhiều khó khăn

Reuters, VOA, 05/11/2024

Các công ty công nghệ Hoa Kỳ đã cảnh báo chính phủ Việt Nam rằng dự thảo luật thắt chặt các quy định về bảo vệ dữ liệu và giới hạn chuyển dữ liệu ra nước ngoài sẽ hạn chế các nền tảng truyền thông xã hội và các nhà điều hành trung tâm dữ liệu tăng trưởng làm ăn tại Việt Nam.

quanhe1

Ông Adam Sitkoff, Giám đốc Điều hành Phòng Thương mại Mỹ (AmCham) tại Hà Nội nói rằng các cuộc đàm phán đang được tiến hành để thuyết phục chính quyền Việt Nam "xem xét lại quá trình lập pháp vội vã" đối với luật thắt chặt các quy định về bảo vệ dữ liệu.

Quốc gia Đông Nam Á với dân số 100 triệu người là một trong những thị trường lớn nhất thế giới cho Facebook và các nền tảng trực tuyến khác và đang đặt mục tiêu tăng trưởng theo cấp số nhân ngành công nghiệp trung tâm dữ liệu của mình bằng đầu tư nước ngoài trong những năm tới.

Dự thảo luật "sẽ khiến các công ty công nghệ, nền tảng truyền thông xã hội và nhà điều hành trung tâm dữ liệu gặp khó khăn trong việc tiếp cận những khách hàng phụ thuộc vào họ hàng ngày", ông Jason Oxman, chủ tịch Hội đồng Công nghiệp Công nghệ Thông tin (ITI), một hiệp hội thương mại đại diện cho các công ty công nghệ lớn bao gồm Meta, Google và nhà điều hành trung tâm dữ liệu Equinix, cho biết.

Dự thảo luật đang được thảo luận tại quốc hội cũng được thiết kế để tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan chức năng tiếp cận thông tin và được Bộ Công an thúc đẩy, các quan chức Việt Nam và nước ngoài cho biết.

Bộ Công an và Bộ thông tin không trả lời các nỗ lực liên lạc qua email và điện thoại.

Quốc hội Việt Nam đang thảo luận về luật trong phiên họp kéo dài một tháng hiện nay và dự kiến sẽ thông qua vào ngày 30 tháng 11 "nếu đủ điều kiện", theo chương trình của quốc hội vốn có thể thay đổi.

Các quy định hiện hành của Việt Nam đã hạn chế việc chuyển dữ liệu xuyên biên giới trong một số trường hợp, nhưng chúng hiếm khi được thực thi.
Không rõ luật mới, nếu được thông qua, sẽ tác động như thế nào đến đầu tư nước ngoài vào quốc gia này. Reuters đưa tin vào tháng 8 rằng Google đang cân nhắc thành lập một trung tâm dữ liệu lớn ở miền Nam Việt Nam trước khi dự thảo luật vừa kể được trình lên quốc hội.

Công ty nghiên cứu BMI cho biết Việt Nam có thể trở thành một tác nhân lớn trong khu vực trong ngành trung tâm dữ liệu trong khi các hạn chế về quyền sở hữu của nước ngoài sẽ kết thúc vào năm tới.

Trong số các điều khoản của dự thảo luật có việc phải xin phép trước khi chuyển ra nước ngoài "dữ liệu cốt lõi" và "dữ liệu quan trọng" vốn đang được định nghĩa mơ hồ.
Ông Oxman nói với Reuters rằng "Điều đó sẽ cản trở hoạt động kinh doanh của nước ngoài".

Các công ty công nghệ và các công ty khác ủng hộ luồng dữ liệu xuyên biên giới để cắt giảm chi phí và cải thiện dịch vụ, nhưng nhiều nơi, bao gồm Liên hiệp Châu Âu và Trung Quốc, đã hạn chế các hoạt động chuyển giao đó, nói rằng điều đó cho phép họ bảo vệ tốt hơn quyền riêng tư và thông tin nhạy cảm.

Theo dự thảo luật, các công ty sẽ phải chia sẻ dữ liệu với Đảng cộng sản cầm quyền của Việt Nam và các tổ chức nhà nước trong nhiều trường hợp vốn được định nghĩa mơ hồ, kể cả trường hợp "hoàn thành một nhiệm vụ cụ thể vì lợi ích công cộng".

Ngành công nghiệp công nghệ Hoa Kỳ đã nêu lên mối quan ngại với chính quyền Việt Nam về "việc mở rộng quá mức quyền truy cập dữ liệu của chính phủ", ông Oxman cho biết.

Luật mới "sẽ gây ra những thách thức đáng kể về tuân thủ đối với hầu hết các công ty tư nhân", ông Adam Sitkoff, giám đốc điều hành của Phòng Thương mại Hoa Kỳ tại Hà Nội nói và lưu ý rằng các cuộc đàm phán đang được tiến hành để thuyết phục chính quyền "xem xét lại quá trình lập pháp vội vã" đối với luật này.

Nguồn : VOA, 05/11/2024

******************************

Cảnh sát Nhật Bản đột kích ‘làng’ người Việt lưu trú quá hạn

VOA, 05/11/2024

Cảnh sát Nhật Bản đã đột kích vào một nhóm nhà nghỉ bỏ hoang tại một thành phố cách Tokyo khoảng 50 km về phía đông bắc và tìm thấy hơn 20 người đàn ông và phụ nữ Việt Nam sống chung trong một cộng đồng bao gồm một nhà hàng và một quán karaoke, tờ Kyodo của Nhật Bản dẫn nguồn tin điều tra cho biết hôm 5/11.

quanhe2

Ảnh chụp vào ngày 22/10/2024 đăng trên Kyodo News cho thấy khu nhà nghỉ bỏ hoang mà nhóm người Việt Nam lưu trú quá hạn ở Bando, tỉnh Ibaraki, Nhật Bản. (Ảnh chụp màn hình Kyodo News)

Những người Việt đã bị trục xuất hiện đang sống trong khoảng 10 nhà nghỉ không còn được sử dụng tại Bando, tỉnh Ibaraki, Kyodo dẫn nguồn tin cảnh sát cho biết. Người ta tin rằng một số người trong số họ đã trốn khỏi các công ty Nhật Bản nơi họ làm "thực tập sinh kỹ thuật".

Các nhà nghỉ này thuộc sở hữu của một giám đốc điều hành công ty người Việt 40 tuổi, người đã bị truy tố vào cuối tháng 10 với cáo buộc tiếp tay cho việc lưu trú bất hợp pháp của họ bằng cách cung cấp nhà ở cho họ, vẫn theo Kyodo.

Mỗi nhà nghỉ có từ 2 – 4 người sống và họ phải trả 40.000 yên (262 đô la) tiền thuê nhà một tháng, nguồn tin cho Kyodo biết.

Nằm dọc theo Sông Tone, Bando có dân số khoảng 50.000 người, với nghề trồng rau là ngành chính. Theo nguồn tin điều tra, hầu hết người Việt Nam sống ở đó đã đến Nhật Bản với tư cách là thực tập sinh kỹ thuật với mục tiêu kiếm tiền tại Nhật. Nhưng các thực tập sinh này đã nghỉ việc vì mức lương thấp hoặc sau khi bị sếp hành hung.

Nhóm người Việt trên được cho là đã chuyển đến khu nhà nghỉ sau khi sống chung với nhau ở tỉnh Chiba lân cận và trao đổi thông tin qua mạng xã hội.

Tờ báo Nhật cho biết một số thực tập sinh kỹ thuật nước ngoài tại Nhật đã biến mất khỏi nơi làm việc do môi trường làm việc kém. Tờ báo dẫn thông tin từ Bộ Tư pháp Nhật Bản, trích dẫn dữ liệu sơ bộ, cho biết con số kỷ lục 9.753 thực tập sinh đã "mất tích" vào năm 2023.

Trong số này, Việt Nam đứng đầu danh sách với 5.481 người, tiếp theo là Myanmar với 1.765 người và Trung Quốc với 816 người. Các nguồn tin cho Kyodo biết gần một nửa trong số những người mất tích đều làm việc liên quan đến xây dựng. Hãng tin còn trích lời một phụ nữ sống gần làng nhà nghỉ trên than phiền rằng bà không thể ngủ được vì "tiếng karaoke và tiếng nói vang vọng suốt đêm".

Ngoài tình trạng trốn ở lại, các công nhân Việt Nam sang Nhật làm việc còn bị cảnh sát Nhật chú ý vì nạn trộm cắp vặt, làm giả thẻ cư trú và chuyển tiền ra nước ngoài bất hợp pháp.

Tờ Asahi Shimbun hồi tháng 9 dẫn dữ liệu của cảnh sát Nhật cho biết các hành vi vi phạm của người Việt Nam tại Nhật đã tăng gấp ba lần trong 10 năm qua và chiếm 44% tổng số tội phạm do cư dân nước ngoài gây ra vào năm 2023.

Theo đó, vào năm 2023, có 4.082 hành vi vi phạm Bộ luật Hình sự trong số người Việt Nam ở Nhật. Gần 77% trong số các hành vi vi phạm là trộm cắp.

Có 3.868 hành vi vi phạm của người Việt theo các luật định khác, trong đó vi phạm luật kiểm soát nhập cư được báo cáo thường xuyên nhất, chiếm 84,2% tổng số.

Ngoài ra, con số 7.950 người Việt Nam vi phạm bị xếp vào "đại diện cho số lượng tội phạm lớn nhất do cư dân nước ngoài phạm phải", chiếm 44% tổng số, vẫn theo dữ liệu cảnh sát mà Asahi Shimbun trích dẫn.

Theo dữ liệu từ Cơ quan Dịch vụ Di trú Nhật Bản, dân số người Việt Nam tại Nhật đã tăng nhanh chóng từ 99.865 người vào năm 2014 lên 565.026 người vào năm 2023.

Nguồn : VOA, 05/11/2024

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Reuters, VOA tiếng Việt
Read 16 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)