Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Châu Á

08/11/2024

Quân đội Miến Điện bị tố "cưỡng bức" người Hồi giáo Rohingya đi chiến đấu

RFI tiếng Việt

Theo hãng tin NHK hôm nay, 08/11/2024, quân đội Miến Điện, bị tổn thất nặng nề do các cuộc xung đột, đang tuyển mộ người thiểu số Hồi giáo Rohingya để chiến đấu chống lại nhóm vũ trang thuộc sắc tộc Rakhine ở miền tây nước này. NHK cho rằng đây là chiến thuật mới của quân đội, nhằm "kích động xung đột giữa hai sắc tộc".

miendien0

Binh sĩ quân đội Miến Điện tuần tra tại khi làng của người Rohingya bị tàn phá tại bang Rakhine, phía tây Miến Điện, ngày 06/09/2017. AP

Trả lời NHK, một nhân chứng cho biết là khoảng 40 người trong làng đã bị "cưỡng bức bắt đi" trong đêm. Nhiều người Rohingya mô tả là bị bắt cóc, đánh đập, ép buộc với những lời hứa suông về quyền công dân. Họ được gửi đi huấn luyện trong vài tuần và được điều đến tuyến đầu trong cuộc giao tranh dữ dội giữa quân đội và lực lượng vũ trang Arakan Army ở bang Rakhine, miền tây Miến Điện.

Theo một báo cáo của Human Rights Watch hồi tháng 04/2024, quân đội Miến Điện đã "cưỡng bức" nhập ngũ hơn 1000 người Hồi giáo Rohingya ở khắp bang Rakhine. Chính quyền quân sự dùng đến luật nghĩa vụ, vốn chỉ áp dụng cho công dân Miến Điện, trong khi người Rohingya từ lâu đã bị từ chối quyền công dân theo Luật quốc tịch năm 1982. Báo cáo của tổ chức International Crisis Group (ICG) cho biết quân đội tuyển lính cả bên ngoài lãnh thổ Miến Điện, với con số lên đến 2.000 người Rohingya từ các trại tị nạn ở Bangladesh.

Xin nhắc lại là chiến dịch càn quét của quân đội năm 2017 đã buộc 700 000 người Rohingya phải đi tị nạn.

Kể từ cuộc đảo chính của quân đội vào tháng 2/2021, lực lượng Arakan đã chiếm đóng nhiều khu vực tại bang Rakhine và hiện kiểm soát 10 trong số 17 thị trấn của bang này.

Lực lượng vũ trang Arakan cho rằng chiến thuật tuyển mộ người Rohingya là "hành động tuyệt vọng của chính quyền quân sự đang bị bao vây", do các cuộc đụng độ gia tăng kể từ tháng 11/2023. Điều này khiến hai sắc tộc bị chia rẽ hơn nữa, trong khi hai bên có nhiều xung đột bạo lực từ nhiều thập kỷ. Nhiều ngôi làng của cộng đồng người Rakhine và Ronhingya đã bị đốt cháy và hai bên lên án nhau.

Hồi tháng 10, Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo của Liên Hiệp Quốc đã bày tỏ quan ngại về về các vụ vi phạm luật nhân đạo quốc tế, ước tính có hơn nửa triệu người phải di dời ở bang Rakhine. Nhiều tổ chức quốc tế không thể tiếp cận khu vực này, nơi mà "dân thường bị kẹt giữa các làn đạn".

Chi Phương

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Chi Phương
Read 97 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)