Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

11/11/2024

Trung Quốc được mất gì khi Donald Trump trở lại Nhà Trắng

Anh Vũ

Tỷ phú Donald Trump thắng cử trở lại Nhà Trắng trong nhiệm kỳ tổng thống thứ 2 được dư luận quốc tế nhìn nhận như là một thách thức mới cho quan hệ Mỹ-Trung, vốn đã trải qua sóng gió trong nhiệm kỳ đầu của Trump. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng trên một số vấn đề ngoại giao, Trung Quốc có thể sẽ tìm được lợi thế với nhiệm kỳ tổng thống của đảng Cộng hòa.

duocmat1

Tổng thống Mỹ Donald Trump gặp chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bên lề hội nghị thượng đỉnh G20 ở Osaka, Nhật Bản, ngày 29/06/2019. AP - Susan Walsh

Chính quyền Trung Quốc chắc chắn đang chuẩn bị đối phó với 4 năm nhiệm kỳ tổng thống thứ 2 của Donald Trump với không ít lo lắng trước nguy cơ gia tăng căng thẳng thương mại và vấn đề Đài Loan.

Giới lãnh đạo Bắc Kinh hoàn toàn ý thức được những thách thức và cả cơ hội đối với Trung Quốc đặt ra sau chiến thắng của ông Trump. Trong thông điệp chúc mừng ông Trump đắc cử tổng thống hôm 07/11, lãnh đạo Trung Quốc, Tập Cận Bình đã nhấn mạnh rằng "mối quan hệ xung đột (Trung-Mỹ) sẽ gây tổn hại cho tất cả, trong khi lịch sử cho chúng ta thấy hợp tác có lợi cho cả hai nước". Sự hợp tác mà Bắc Kinh mong muốn có thể sẽ là điều hiếm hoi trong nhiệm kỳ tới đây của Donald Trump. Mikko Huotari, phó giám đốc Mercator Institute for China Studies (Merics), một cơ quan tư vấn lớn về Trung Quốc tại Châu Âu, hôm thứ Năm tuần qua đã nhận định, "đường lối chủ đạo trong chính sách với Trung Quốc của chính quyền Trump tới đây sẽ còn cứng rắn hơn".

Nhiều dấu hiệu như vậy được giới quan sát dự báo qua những nhân vật được cho là những người thân cận với tổng thống đắc cử trong chiến dịch tranh cử vừa rồi. Mặc dù chưa có sự lựa chọn chính thức nào được thông báo nhưng giới quan sát đã thấy trong vòng thân cận nhất của Donald Trump "không thiếu những nhân vật diều hâu, cứng rắn với Trung Quốc", Zeno Léoni, chuyên gia về quan hệ Trung-Mỹ tại Trường King’s College London nhận xét. Gần đây báo chí nhắc nhiều đến cái tên Robert Lighthizer, người từng là cố vấn về thương mại của Donald Trump trong nhiệm kỳ đầu và bị Bắc Kinh coi là kẻ thù của Trung Quốc. Nhân vật "diều hâu" này có nhiều khả năng trở lại chính quyền Trump 2.0.

Lập trường cứng rắn của Mỹ với Trung Quốc trước tiên có thể sẽ là trong lĩnh vực kinh tế, cụ thể là thuế hải quan. Nhiệm kỳ trước, Donald Trump đã khai chiến thương mại với Trung Quốc thứ vũ khí này, áp thuế 20% đối với hầu hết hàng nhập khẩu từ Trung Quốc. Lần này ông Trump hứa trong chiến dịch tranh cử sẽ còn tăng thuế lên 60% đánh vào tổng thể hàng nhập khẩu từ Trung Quốc.

Việc trừng phạt các công ty xuất khẩu của Trung Quốc theo cách này sẽ là một đòn rất nặng nề đối với kinh tế Trung Quốc, đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn.

Tuy nhiên, mối đe dọa về thuế hải quan 60% có thể là "điểm khởi đầu cho một cuộc đàm phán", chuyên gia Zeno Leoni nhận định. Donald Trump có thể không đẩy cao mức thuế đến mức đó, vì như vậy sẽ làm giá cả tiêu dùng ở Hoa Kỳ tăng mạnh. Trên thực tế, các hộ gia đình Mỹ giờ đây tiêu thụ đa số các sản phẩm được sản xuất tại Trung Quốc hoặc có chứa các chi tiết Trung Quốc.

Có điều, Donald Trump không theo logic đó, theo tổng thống tỷ phú này thì việc giảm thuế cho tầng lớp giầu có và các tập đoàn lớn sẽ kích thích họ đầu tư mạnh vào nền kinh tế Mỹ và góp phần giữ giá và tạo ra nhiều sản phẩm Mỹ, trên thị trường.

Theo chuyên gia Mikko Huotari cuộc xung đột thương mại mới cũng có nguy cơ trở nên dữ dội hơn vì lần này, "Trung Quốc đã chuẩn bị tốt hơn và sẵn sàng hơn để đáp trả bằng cách nhắm vào các công ty cụ thể". Nếu cần, Bắc Kinh rất có thể gây áp lực lên Elon Musk, một đồng minh lớn của Donald Trump, bằng cách gây trở ngại cho sự phát triển sản xuất xe hơi điện Tesla, ở Trung Quốc.

Nếu như đã chuẩn bị hứng đòn kinh tế của Washington, thì Bắc Kinh "có thể hy vọng tận dụng nhiệm kỳ thứ 2 của Donald Trump, về mặt ngoại giao", chuyên gia Zeno Léoni nhận xét. Đang đắc thắng với chủ trương biệt lập, liệu tổng thống Trump có để Trung Quốc tự do mở rộng ảnh hưởng ? Để kiềm chế tham vọng của Trung Quốc tại Châu Á , chính quyền "Joe Biden đã mất nhiều công sức để tạo được mạng lưới các liên minh, các hiệp ước phòng thủ với các đồng minh trong vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương, đặc biệt với Nhật Bản, Hàn Quốc hay Úc". Trong khi đó, mọi người đều đã thấy Donald Trump là người không thích thú gì với các mối quan hệ đồng minh, mà theo ông chỉ gây tốn kém cho nước Mỹ.

Tuy nhiên, có những hồ sơ mà Trung Quốc có thể hy vọng giành được lợi thế. Đầu tiên là vấn đề gai góc Đài Loan. Zeno Leoni lưu ý : Không thể biết chiến lược của nhiệm kỳ tổng thống Trump tới đây sẽ là gì và trong chiến dịch tranh cử, ông ấy đã đưa ra những tuyên bố có thể gây nghi ngờ về cam kết của ông ấy với hòn đảo này". Ông phàn nàn rằng Đài Loan đã "đánh cắp" thị trường bán dẫn chiến lược từ Mỹ. Ông cũng gợi ý rằng vùng lãnh thổ mà Trung Quốc vẫn tuyên bố chủ quyền nên "trả tiền để được Mỹ bảo vệ".

Điều này có thể hiểu đó là cách gợi ý rằng số phận của đảo Đài Loan là có thể thương lượng với điều kiện một cái giá nào đó. Khả năng này, nếu có, Bắc Kinh chắc sẽ không ngại thương lượng với Washington. Tuy nhiên theo chuyên gia Zeno Léoni được trích dẫn ở trên, "chiến lược của Mỹ với Đài Loan đã hằn sâu bằng tính liên tục đến mức ngay cả Donald Trump có lẽ cũng không thể lật ngược lại được".

Anh Vũ

Nguồn : RFI, 11/11/2024

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Anh Vũ
Read 58 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)