Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

10/11/2024

Tô Lâm toan tính giành trọn nhiệm kỳ trên đỉnh cao quyền lực

Zachary Abuza

Tô Lâm có vẻ như đã thành công trong việc chuẩn bị để thâu tóm một nhiệm kỳ vào tháng 1/2026

tongbithu1

Các ủy viên Bộ Chính trị chúc mừng Tô Lâm, tân Tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam, tại Hà Nội ngày 03/08/2024 – Trọng Hải

Việc Tô Lâm từ bỏ chức chủ tịch nước Việt Nam gần đây không phải là dấu hiệu của sự thất thế hay thách thức đối với khả năng lãnh đạo của ông. Đó là một bước đi hợp lý để tiến tới việc giành trọn một nhiệm kỳ Tổng bí thư Đảng cộng sản.

Trong một hệ thống vốn vẫn tự hào về cơ chế lãnh đạo tập thể, thì sự thâu tóm quyền lực nhanh chóng của Lâm trong năm qua đã khiến nhiều người trong Đảng cộng sản Việt Nam tỏ ra kinh ngạc. Từ tháng 8, Quốc hội đã phát tín hiệu rằng việc chuyển giao quyền lực sẽ diễn ra.

Đối với ông Tô Lâm, ghế Chủ tịch Nước chỉ là bước đệm.

Mặc dù có vẻ thích thú với chức năng ngoại giao và đã đi tới tám quốc gia trong nhiệm kỳ năm tháng ngắn ngủi của mình, và theo lẽ thường thì người đại diện của quốc gia cũng là người quyền lực nhất, thế nhưng ưu tiên hàng đầu của Tô Lâm nằm ở việc được bầu giữ trọn một nhiệm kỳ ở Đại hội Đảng lần thứ 14 vào tháng 1 năm 2026.

Dù có là Tổng bí thư nhưng Tô Lâm vẫn cần sự ủng hộ của Ban Chấp hành Trung ương và ông cũng phải đối đầu với những trung tâm quyền lực khác.

So với mức độ kiểm soát mà ông Tập Cận Bình nắm đối với Đảng cộng sản Trung Quốc thì Tô Lâm vẫn còn thua xa.

Cài người vào Bộ Chính trị

Bộ Chính trị gồm 18 thành viên được bầu tại Đại hội Đảng lần thứ 13 vào tháng 1 năm 2021, có thời điểm đã tụt xuống mức thấp nhất là 12 thành viên. Và Tô Lâm đã tranh thủ lấp đầy các chỗ trống.

Kể từ tháng 5, đã có thêm năm ủy viên Bộ Chính trị mới được bầu, bao gồm cả Lương Tam Quang của Bộ Công an - người được Tô Lâm bảo trợ.

Trong những ngày cuối cùng trên ghế Chủ tịch Nước, Tô Lâm đã thăng hàm cho người đồng hương Hưng Yên, Lương Tam Quang, lên hàm đại tướng.

Còn Lê Minh Hưng, ủy viên mới của Bộ Chính trị, có bố là thủ trưởng cũ của Tô Lâm trong Bộ Công an, được bổ nhiệm giữ chức Trưởng ban Tổ chức Trung ương chuyên trách việc bổ nhiệm các vị trí từ trung cho đến cao cấp trong Đảng.n

Mở rộng Bộ chính trị

Tô Lâm đang chuẩn bị cất nhắc thêm hai người nữa vào Bộ Chính trị, hiện đang có 15 ủy viên. Bộ trưởng Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị được cho là sẽ được thăng chức Phó thủ tướng tại Đại hội 14, hoặc có thể sẽ sớm hơn.

Ông Nghị thừa hưởng nền giáo dục Hoa Kỳ và là con trai của cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn dũng. Trước khi được bầu giữ chức Tổng bí thư, ông Tô Lâm đã tới thành phố Hồ Chí Minh nơi ông có cuộc gặp với vị cựu Thủ tướng.

Phe miền Nam đang tỏ ra bất mãn bởi hiện tại họ thậm chí còn có ít đại diện trong Bộ Chính trị hơn bình thường, và Tô Lâm cần củng cố mối quan hệ với Nguyễn Tấn Dũng, bởi ông Dũng là một nhân vật nhiều ảnh hưởng của miền Nam.n

Người thứ hai có khả năng được bổ nhiệm là ông Trần Lưu Quang, hiện đang là Trưởng ban Kinh tế Trung ương, nguyên Phó Thủ tướng. Ông Quang là ứng viên cho ghế Thủ tướng, nên việc bổ nhiệm này nhẽ ra phải được thực hiện từ trước.

Việc bổ nhiệm hai ông Nghị và Quang rõ ràng có lợi về mặt chính trị cho Tô Lâm, ngoài ra, động thái này còn có lý do chính đáng về mặt kinh tế, bởi Bộ Chính trị hiện thời đang thiếu kinh nghiệm về lĩnh vực này.

Tô Lâm hiểu rõ tính chính danh của đảng cầm quyền phụ thuộc vào sự hiệu quả trong điều hành đất nước.

Ông ta đang không chỉ cài thêm người vào Bộ Chính trị, mà còn đưa những người thân tín, đặc biệt là những người đồng hương Hưng Yên của ông ta, vào các vị trí trọng yếu trong Đảng.

Tô Lâm đã bổ nhiệm một Thứ trưởng Bộ Công an khác là Nguyễn Duy Ngọc làm Chánh văn phòng Trung ương Đảng, một ví trí hậu trường đầy quyền lực trong vấn đề nhân sự và nghị trình. Giờ đây Tô Lâm đã có tai mắt ở ngay tại trung tâm đầu não của Trung ương Đảng. Ông Ngọc còn là một trong 12 thành viên của Ban bí thư, với chức năng điều hành công việc hàng ngày của Đảng.

Cơ chế kiểm soát

Một thành viên mới khác của Ban bí thư là ông Lê Minh Trí - người đứng đầu Ban cán sự Đảng và là Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao.

Ông Lê Hoài Trung, cố vấn ngoại giao hàng đầu của Tô Lâm, người tháp tùng Tô Lâm trong mọi chuyến công du và gặp gỡ quan chức nước ngoài, cũng là thành viên của Ban bí thư.

Tô Lâm cũng đang có những động thái nhằm vô hiệu hóa sự chống đối. Ông ta đã đưa Vũ Hồng Văn, một Thiếu tướng Công an cùng quê Hưng Yên, sang làm Phó chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương. Người đứng đầu ủy ban này là Trần Cẩm Tú, và cũng là người duy nhất trong Bộ Chính trị có khả năng tạo ra rắc rối cho ông Tô Lâm, bởi ông ta đứng đầu một cơ quan điều tra với quyền lực điều tra các cán bộ cấp cao nằm ngoài tầm kiểm soát của Tô Lâm.

Như một lời nhắc nhở rằng Tô Lâm vẫn chưa hoàn toàn nắm toàn bộ quyền lực, Bộ Chính trị đã bầu Trần Cẩm Tú làm Thường trực Ban bí thư vào ngày 25 tháng 10, thay vì Nguyễn Duy Ngọc, ứng viên mà ông Tô Lâm ủng hộ.

Một cơ chế kiểm soát khác là Quân đội Nhân dân

Trong khi ở các quốc gia Đông Nam Á khác thì quân đội có xu hướng chi phối chính trị, ở Việt Nam, quyền lực nằm ở bộ máy cảnh sát do nỗi lo Cách mạng Màu.

Ngoài Tô Lâm và Lương Tam Quang, Bộ Chính trị còn có thêm bốn thành viên gốc công an.

Nhiều người kỳ vọng quân đội đóng vai trò là cơ chế kiểm soát đối với Bộ Công an, đó cũng là lý do việc ông Lương Cường được bầu giữ chức Chủ tịch nước vào ngày 21/10 được coi là rất quan trọng.

Tướng Cường dành cả sự nghiệp trong vai trò chính ủy, trở thành Tổng cục trưởng Tổng cục Chính trị của Quân đội Nhân dân Việt Nam vào năm 2016. Với tư cách đảng viên cao cấp nhất của quân đội, tướng Cường cũng giữ chức vụ trong Ban bí thư, và lên làm Thường trực Ban Bí thư sau khi bà Trương Thị Mai bị buộc thôi chức vào tháng năm vừa qua.

Ngoài ông Cường, Bộ trưởng Quốc phòng Phan Văn Giang cũng là ủy viên Bộ Chính trị.

Vun vén quan hệ với quân đội

Tổng bí thư Tô Lâm đang cố găng xây dựng quan hệ với bên quân đội.

Là Tổng bí thư, ông Tô Lâm đồng thời là người đứng đầu Quân ủy Trung ương, cơ quan tối cao trong việc ra quyết định về quốc phòng. Với tư cách đó, ông thường xuyên gặp gỡ các đơn vị và lãnh đạo quân đội khác nhau.

Tô Lâm cũng cố gắng cẩn thận tạo dấu ấn về mặt nhân sự trong quân đội. Ông thăng chức cho Trịnh văn Quyết, Tổng cục trưởng Tổng cục Chính trị đương nhiệm, vào Ban bí thư.

Ba sĩ quan cao cấp khác của quân đội quê Hưng Yên cũng được thăng chức, trong đó bao gồm Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Hoàng Xuân Chiến, và Thiếu tướng Nguyễn Hồng Thái, Tư lệnh Quân khu 1 giáp Trung Quốc.

Ngay cả khi các tướng lĩnh không hài lòng với việc một cảnh sát làm Bí thư Quân ủy Trung ương, Tô Lâm vẫn đang dần đưa người của mình vào các vị trí lãnh đạo.

Điều này rất quan trọng bởi vì quân đội là khối lớn nhất trong Trung ương Đảng, chiếm từ 11% đến 13% tổng số ủy viên.

Tô Lâm hiểu rằng việc đưa các đồng minh vào các vị trí chủ chốt sẽ khiến bản thân bất khả chiến bại, trong bối cảnh chỉ hơn một năm nữa thì Đại hội 14 sẽ diễn ra.

Thông qua Lương Tam Quang, Tô Lâm vẫn có thể tiếp tục điều tra các đối thủ. Còn các đồng minh khác thì phụ trách lựa chọn nhân sự, và soạn thảo các văn kiện quan trọng của Đảng.

Đảng cộng sản Việt Nam có văn hóa lãnh đạo tập thể, tuy nhiên truyền thống này đã bị ông Tô Lâm đã vi phạm trong một khoảng thời gian ngắn.

Bằng cách nhường chức Chủ tịch nước, đặc biệt là cho một người bên quân đội, Tô Lâm đã vô hiệu hóa một số chỉ trích nhắm vào mình, nhưng đồng thời không khiến quyền lực bị giảm sút.

Trong quá trình củng cố quyền lực, Tô Lâm đã hạ gục tám đối thủ khác nhau trong Bộ Chính trị kể từ tháng 12 năm 2022, tạo ra một thời kỳ chính trị hỗn loạn chưa từng có. Bất kỳ sự hỗn loạn nào nữa sẽ có thể phản tác dụng.

Tô Lâm dường như đã thành công trong việc sắp xếp các quân bài để đảm bảo bản thân được bầu giữ đủ nhiệm kỳ vào tháng 1 năm 2026. Vì vậy, thay vì coi việc từ bỏ chức vụ chủ tịch nước là một dấu hiệu của sự yếu kém, sẽ chính xác hơn nếu coi đó là một dấu hiệu của sự gia tăng sức mạnh chính trị.

Zachary Abuza

Nguồn : RFA, 10/11/2024

Zachary Abuza là giáo sư tại Đại học Chiến tranh Quốc gia Hoa Kỳ ở Washington và là trợ giảng tại Đại học Georgetown. Các quan điểm thể hiện trong bài viết này là của riêng tác giả và không phản ánh quan điểm của Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ, Trường Đại học Chiến tranh Quốc gia Hoa Kỳ, Đại học Georgetown hay RFA.

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Zachary Abuza
Read 70 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)