Thiệt hại gây ra cho các thể chế và nền kinh tế Hoa Kỳ và cả thế giới sẽ rất lớn
Trong chiến dịch vận động tranh cử, Donald Trump đưa ra hàng loạt cam kết khiến ai nấy đều giật mình. Trump sẽ trục xuất hàng triệu người nhập cư bất hợp pháp ; phóng tên lửa nhằm vào các băng nhóm buôn ma túy Mexico ; sử dụng quân đội đàn áp "những kẻ điên cuồng cực tả" đang điều hành Đảng Dân chủ. Tuy nhiên, nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên của Trump, dù tốt hay xấu, không có những biến động mà nhiều đảng viên Dân chủ đã dự đoán. Nền kinh tế vẫn phát triển ổn định cho đến khi đại dịch nổ ra. Không có khủng hoảng nào lớn trong chính sách đối ngoại. Và mặc dù Trump cố đánh cắp cuộc bầu cử tổng thống năm 2020, ông vẫn không làm được điều đó.
Nhiệm kỳ thứ 2 của Trump sẽ như thế nào ? Nhiều cử tri sẽ coi những lời lẽ khoa trương của Trump chỉ là lời nói suông. Họ có thể xem cuộc bầu cử là quyết định được cân nhắc một cách kỹ lưỡng giữa việc ứng cử viên nào sẽ quản lý nền kinh tế tốt hơn, hoặc là sự lựa chọn giữa những lập trường khác nhau liên quan các vấn đề về phá thai và nhập cư. Nhưng Trump dường như không chỉ dừng lại ở việc theo đuổi một số tuyên bố táo bạo hơn nếu trúng cử, mà còn ở vị thế tốt hơn để thực hiện những tuyên bố này so với nhiệm kỳ trước. Điều này cho thấy cần có một cách nhìn khác về sự lựa chọn của Hoa Kỳ : Mọi thứ có thể tệ đến mức nào ?
Kamala Harris, phó tổng thống Hoa Kỳ đương nhiệm, chạy đua với tư cách là ứng viên ủng hộ giữ nguyên hiện trạng. Khẩu hiệu không chính thức của bà là "Chúng ta sẽ không quay trở lại". Ngược lại, ông Trump lại hàm ý rằng Hoa Kỳ cần sự thay đổi triệt để, và ông sẽ là người làm điều đó. Nhiều khả năng, nếu ông Trump quay trở lại Nhà Trắng, ông sẽ gặp khó khăn khi thực hiện nhiều ý tưởng điên rồ nhất của mình, như trong nhiệm kỳ đầu. Ông Trump có thể bị Quốc hội, tòa án và bộ máy nhà nước ngăn cản hoặc bị phân tâm bởi hàng loạt sự kiện hoặc bị chính đội ngũ trợ lý khuyên ngăn hay gặp thất bại do không có chuyên môn. Nhưng vẫn có khả năng – mặc dù không phải là lớn – ông có thể đạt được một số điều như ông tuyên bố, nhưng với hậu quả thảm khốc cho nền kinh tế, các thể chế cũng như toàn thế giới. Nỗi lo sợ rằng ông sẽ phá hoại vĩnh viễn nền dân chủ và pháp quyền của Hoa Kỳ không phải là không có cơ sở.
Dày dạn chiến trường
Sau 8 năm thể chế hóa, chủ nghĩa Trump được tổ chức chặt chẽ hơn so với thời điểm Trump tiếp quản Phòng Bầu dục vào năm 2017. Thời điểm đó, chương trình nghị sự của Trump bị chậm trễ do đội ngũ giúp việc thiếu kinh nghiệm, không hiểu rõ luật hành chính cũng như cơ chế hoạt động công vụ để thực hiện mọi việc. Hơn nữa, ông Trump muốn chính quyền của mình trông có vẻ ưu tú, đã chỉ định những nhân vật chóp bu trong đảng giữ những vị trí cấp cao mặc dù họ thường không đồng tình với các ý tưởng của Trump. Ngược lại, lãnh đạo chính phủ nhiệm kỳ thứ 2 của Trump sẽ là những cá nhân kỳ cựu trung thành. Nhiều người trong số họ sẽ tiếp quản công việc với những kế hoạch đã có sẵn trong đầu. Những nhà thiết kế Dự án 2025 – một chương trình nghị sự chính sách dài 900 trang dành cho chính quyền Trump nhiệm kỳ tiếp theo, được Quỹ Di sản (Heritage Foundation), một tổ chức nghiên cứu chiến lược ủng hộ Trump xây dựng nên – đã có mâu thuẫn với Trump sau khi phe Dân chủ bắt đầu sử dụng nó để tấn công ông. Nhưng Trump vẫn chấp nhận ý tưởng cơ bản rằng ông nên tiếp quản công việc với những kế hoạch chi tiết và nhân sự được kiểm tra kỹ lưỡng. Tòa án Tối cao gần đây ra phán quyết mở rộng quyền miễn trừ đối với các tổng thống Hoa Kỳ, có thể khiến Trump mạnh dạn hơn.
Kế hoạch kinh tế của Trump chắc chắn rất táo bạo – nhưng không theo hướng tích cực. Chính sách kinh tế của Trump trong nhiệm kỳ đầu may mắn được triển khai trong giai đoạn tăng trưởng cao và lạm phát thấp. Nhưng phiên bản tiếp theo không những được thực hiện trong các điều kiện ít thuận lợi hơn, mà còn có thể gây nhiều gián đoạn hơn. Trong chiến dịch tranh cử, Trump đề xuất đợt tăng thuế quan thứ hai, lớn hơn nhiều so với trước, giảm thuế mạnh tay, gây cú sốc đối với nguồn lao động dưới hình thức trục xuất hàng loạt, và công kích tính độc lập của Cục Dự trữ Liên bang.
Đây đều là những ý tưởng tồi tệ. "Thông thường, nếu bạn cắt giảm lao động nhập cư, bạn phải nhập hàng từ bên ngoài. Và nếu bạn cắt giảm nguồn hàng từ bên ngoài, bạn phải tiếp nhận lao động nhập cư. Nếu bạn cắt giảm cả hai thứ, lạm phát chắc chắn sẽ tăng, nếu không nói là kèm thêm suy thoái", theo lời Adam Posen thuộc Viện Peterson về các vấn đề kinh tế quốc tế. Ngân hàng JPMorgan Chase ước tính chỉ cần một nửa mức thuế quan mà ông Trump đề xuất sẽ làm giảm một phần ba điểm phần trăm GDP trong năm đầu tiên và làm tăng lạm phát từ 1,5 đến 2 điểm phần trăm.
Liệu Trump có thể thực hiện tất cả kế hoạch của mình hay không vẫn là điều chưa chắc chắn. Tổng thống có quyền nâng mức thuế quan với lý do an ninh quốc gia hoặc để trả đũa những hành vi thương mại không công bằng. Việc ông Trump cam kết sẽ áp dụng mức thuế quan đồng loạt 20% lên tất cả hàng nhập khẩu và mức 60% lên hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, dường như không phù hợp với các lý do này. Nhưng trong khi tòa án tranh luận về sự phù hợp của các biện pháp này thì các doanh nghiệp phải gánh chịu sự gián đoạn nghiêm trọng, có lẽ còn tồi tệ hơn nhiều hậu quả do mức thuế quan mà các quốc gia khác đáp trả gây ra. Một số cố vấn nghĩ rằng Trump sẽ nâng từ từ mức thuế quan, lấy đó làm công cụ để đòi các đối tác thương mại phải nhượng bộ. Nhưng điều này chỉ kéo dài sự khổ sở mà không giảm bớt nguy cơ của một cuộc chiến tranh thương mại.
Việc cắt giảm thuế cá nhân được Trump ký thành luật năm 2017 sẽ hết hạn vào năm sau và Trump sẽ phải thương lượng với Quốc hội để gia hạn những điều luật này. Trump muốn gia hạn tất cả các điều khoản này cũng như chấm dứt việc đánh thuế lên tiền boa, các khoản làm thêm giờ và an sinh xã hội. Nếu Trump thắng cử, mô hình bầu cử sẽ mang lại cho Đảng Dân chủ 34% cơ hội kiểm soát Hạ viện. Phe Dân chủ có các kế hoạch khác, ít hoang phí hơn. Ngoài ra, Trump có thể chèo lái Hoa Kỳ theo một lộ trình tài khóa thậm chí vô trách nhiệm hơn so với hiện tại, thị trường trái phiếu có thể cuối cùng sẽ phản ứng mạnh mẽ, thúc giục việc đánh giá lại chính sách.
Việc trục xuất người nhập cư hàng loạt với quy mô mà Trump đề xuất khó có thể thực hiện. Chính phủ liên bang đơn giản là không có khả năng truy lùng và trục xuất hàng triệu người trừ khi Trump huy động các lực lượng vũ trang hoặc ủy quyền cho các tiểu bang và lực lượng thực thi pháp luật địa phương. Người dân sẽ phản đối, các tiểu bang và thành phố do đảng Dân chủ lãnh đạo sẽ phản kháng, cũng như sẽ có hàng loạt thách thức về pháp lý. Mike Johnston, Thị trưởng Denver thuộc đảng Dân chủ, bình luận : "Tôi không nghĩ rằng có bất kỳ thế giới nào, ngay cả trong tưởng tượng của Donald Trump, nơi bạn sẽ cố cử các đặc vụ thuộc Cơ quan Di trú và Hải quan Hoa Kỳ đến gõ cửa từng nhà, bắt giữ 12 triệu người ở quốc gia này và trục xuất họ". "Đơn giản là không có năng lực hạ tầng để thực hiện việc đó và Denver sẽ không bao giờ tham gia vào kế hoạch này". Sự thiếu hụt lao động trong các ngành vốn dựa vào dân nhập cư như nông nghiệp, xây dựng và lò mổ thịt cũng sẽ gây ra lạm phát.
Không dè dặt
Nếu Cục Dự trữ Liên bang thắt chặt chính sách tiền tệ nhằm ứng phó với áp lực lạm phát bởi mức thuế quan cao, lực lượng lao động thu hẹp hoặc chi tiêu lãng phí, ông Trump sẽ sẵn sàng công kích cơ quan này. Một số người trong lĩnh vực cho rằng chính quyền Trump sẽ làm suy yếu Jerome Powell, chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang, người có nhiệm kỳ kết thúc vào năm 2026 (nhưng ông vẫn tiếp tục làm thành viên Hội đồng Thống đốc), bằng cách bổ nhiệm một chủ tịch "vô hình" nhằm đưa ra các đề xuất ít mang tính diều hâu hơn về lãi suất. Tuy nhiên, một cuộc công kích vào Fed sẽ khiến thị trường chao đảo. "Thị trường chứng khoán là một cơ chế phản hồi rất hiệu quả và tức thời đối với các chính sách kinh tế, kiềm chế những mức thuế quan điên rồ, kiềm chế những thứ điên rồ từ Fed, nhưng có lẽ không có nhiều ràng buộc đối với các chính sách tài khóa không bền vững", theo lời Jason Furman, người từng tham gia hoạch định chính sách của Đảng Dân chủ và hiện là giáo sư kinh tế tại Đại học Harvard.
Thậm chí giả sử Trump cuối cùng cũng nới lỏng và giảm bớt hoặc từ bỏ một số chính sách của mình, Trump vẫn có thể gây ra thiệt hại lớn trong quá trình này. Nhiều kịch bản mang tính lạc quan hơn lại dựa vào tình trạng thị trường lao dốc, lạm phát phi mã hoặc giảm tăng trưởng để giảm bớt sự mạnh tay của Trump. Hơn nữa, việc trục xuất người nhập cư, tăng thuế quan hoặc chỉ trích Fed dù nhiều hay ít đều sẽ không tốt đối với nền kinh tế ; câu hỏi duy nhất là mức thiệt hại Trump sẽ gây ra là bao nhiêu. Nếu Trump thực sự kiên trì với các chính sách mà mình đưa ra, thì lạm phát, lãi suất tăng, và dấu hiệu suy thoái sẽ xuất hiện.
Chính sách đối ngoại cũng bộc lộ những rủi ro đáng báo động. Mặc dù các cố vấn của Trump cố gắng phác họa những học thuyết rõ ràng theo tinh thần "Nước Mỹ trên hết", nhưng ông chủ của họ lại cho rằng chính sách đối ngoại thành công hay thất bại phụ thuộc vào sức mạnh phẩm chất cá nhân, chứ không phải do bản thân chính sách. Phong cách tùy hứng của Trump lại thiếu nhất quán và khó đoán. "Nếu cựu Tổng thống Trump tái đắc cử, chúng ta phải trả một chi phí khổng lồ bởi xáo trộn" vì các đồng minh phải vật lộn để hiểu được các chính sách của Trump sẽ là gì, theo lời Kori Schake thuộc Viện Doanh nghiệp Hoa Kỳ. Trong nhiệm kỳ đầu tiên của Trump, thế giới tương đối êm đềm, nhưng lần này Trump sẽ quay trở lại khi nước Mỹ vật lộn với các cuộc chiến ở Trung Đông và Ukraine.
Trump nói rằng sự xuất hiện của ông với vai trò chỉ huy cũng đủ để giải quyết cuộc chiến ở Ukraine trong vòng 24 giờ sau cuộc bầu cử – trước khi ông nhậm chức. Ý nghĩa của tuyên bố này, nếu có, cũng khó có thể đo đếm được. Những ứng cử viên hàng đầu cho các vị trí an ninh quốc gia trong chính quyền của Trump nhiệm kỳ 2 có những quan điểm rất khác nhau về vấn đề Ukraine. Mike Pompeo, cựu Ngoại trưởng và có khả năng là Bộ trưởng Quốc phòng sắp tới, cho rằng nên cung cấp cho Ukraine lượng vũ khí khổng lồ trị giá 600 tỷ USD để buộc Nga ngồi vào bàn đàm phát. J.D Vance, người có thể trở thành Phó Tổng thống, lại cho rằng bất kỳ đồng USD nào chi cho Ukraine đều là một sự lãng phí tiền bạc. Cuối cùng Trump nghe theo ai là điều không thể đoán được – thường thì quan điểm của Trump sẽ được quyết định bởi người cuối cùng nói chuyện với ông.
Dù ai trở thành tổng thống Hoa Kỳ, thì ngày càng có khả năng Ukraine sẽ phải từ bỏ hoặc ít nhất là gác lại tham vọng đòi lại phần lớn lãnh thổ mà Nga đã chiếm đóng. Nếu các đảng viên Cộng hòa đã phản đối gay gắt các gói viện trợ quân sự cho Ukraine do chính quyền ông Biden đề xuất, thì không có lý gì Hạ viện, do đảng Cộng hòa kiểm soát, sẽ chấp thuận một gói viện trợ khác – và khó để tưởng tượng việc Trump phản đối rất gay gắt. Nhưng việc Hoa Kỳ đột ngột, tùy tiện bỏ mặc Ukraine sẽ cỗ vũ cho nhà độc tài Nga Vladimir Putin, và làm tăng mối nguy hiểm mà Putin gây ra cho các nước láng giềng.
Có rất nhiều kịch bản ác mộng khác. Liệu ông Trump, khi cầm quyền, có thể hủy bỏ cam kết an ninh tập thể, vốn là trọng tâm của liên minh NATO, bằng cách từ chối đối đầu trước sự gây hấn ngày càng tăng của Nga hay không ? Ông Trump có từ chối cử quân đội Hoa Kỳ đến giúp Đài Loan trong trường hợp Trung Quốc bao vây hoặc xâm lược hòn đảo này hay không ? Liệu Israel có được trao toàn quyền để làm bất cứ điều gì mà nước này muốn ở Trung Đông, bao gồm việc tấn công vào các cơ sở sản xuất dầu mỏ và vũ khí hạt nhân của Iran, hay không ? Tất cả đều có thể. Ông Trump có ác cảm với chiến tranh, nhưng cũng có mong muốn mãnh liệt về việc không tỏ ra yếu đuối.
Một số xu hướng mơ hồ nhưng đáng lo ngại là có thể đoán được. "Bạn có thể đoán rằng phản ứng của Hoa Kỳ ngày càng leo thang chính vì thuyết hòa bình thông qua sức mạnh", theo lời Jon Lieber thuộc Eurasia Group – một công ty tư vấn địa chính trị. Cả Trump và đảng của ông đều không thích tham gia bất cứ sáng kiến quốc tế có ý nghĩa nào về chống biến đổi khí hậu. Nhưng quan trọng nhất là các khả năng không thể bị loại trừ : đó là sự đầu hàng không điều kiện của Ukraine, sự sụp đổ của NATO, và chiến tranh mở rộng ở Trung Đông…
Có lẽ nghiêm trọng nhất vẫn là những nguy cơ mà Trump gây ra đối với nền pháp quyền và dân chủ Hoa Kỳ. Xu hướng chuyên quyền của Trump là điều không ai chối cãi. Để duy trì quyền lực sau thất bại trong cuộc bầu cử năm 2020, Trump đã cố mua chuộc các quan chức, kích động một đám đông quá khích, sau cùng dẫn đến cuộc bạo loạn của nhóm phần tử ủng hộ Trump xông vào Điện Capitol ngày 06/01/2021. Kể từ đó, Trump chưa hề rút lại lời nói của mình. Trump vẫn khăng khăng cuộc bầu cử bị đánh cắp ; ông gọi những người bị buộc tội trong sự kiện ngày 06/01 là "tù nhân chính trị" và cam kết sẽ ân xá cho số này ; ông còn nghĩ đến việc tước giấy phép của các đài phát thanh chỉ trích sự kiện ; ông gọi những đối thủ chính trị của mình là "kẻ thù bên trong" có thể cần phải được xử lý bằng sức mạnh quân sự. Nhiều người thân cận với Trump vô cùng bàng hoàng. John Kelly, cựu Chánh văn phòng, trở thành người gần đây nhất gọi Trump là "kẻ phát xít".
Thay vào đó, câu hỏi thực tế là liệu các thể chế của Hoa Kỳ có đủ khả năng kiềm chế Trump hay không. Hiến pháp và các tòa án Hoa Kỳ sẽ là sự kiểm soát hiệu quả nhất đối với các hành vi bốc đồng độc đoán của Trump. Sau cùng, nhiều vụ kiện của Trump nhằm lật ngược kết quả bầu cử năm 2020 đều không đi đến đâu. Trump sẽ không thể khiến Quốc hội thay đổi về hiến pháp, ví dụ như cho phép Trump ứng cử nhiệm kỳ ba. Ông cũng không có nhiều ảnh hưởng đối với các chính quyền tiểu bang nơi đảng Dân chủ lãnh đạo. Mặc dù Trump đã ra sức củng cố quyền kiểm soát đối với đảng Cộng hòa, khiến việc luận tội ông hầu như không thể xảy ra, nhưng vẫn có một số đảng viên Cộng hòa trong Quốc hội sẽ phản đối những bản năng tồi tệ nhất của Trump.
Vì những lý do trên, một số nhà khoa học chính trị nghĩ rằng các thể chế Hoa Kỳ sẽ dễ dàng hấp thụ cú sốc từ nhiệm kỳ hai của Trump. Trong số 40 chính phủ dân túy trên toàn thế giới từ năm 1985 – 2020 do Kurt Weyland thuộc Đại học Texas xác định, chỉ có 7 chính phủ rơi vào chế độ độc tài. Và các quốc gia kém may mắn này lại có các thể chế yếu kém và phải chịu nhiều cuộc khủng hoảng liên tiếp. "Tôi không nghĩ rằng Trump có thể gây ra tổn thất nhiều hơn trong nhiệm kỳ hai so với nhiệm kỳ đầu tiên", Weyland khẳng định. Đảng Dân chủ có thể kiểm soát Hạ viện, đảm bảo chia rẽ chính phủ ngay từ đầu. Nhưng ngay cả khi đảng Cộng hòa bắt đầu nhiệm kỳ hai của Trump bằng cách kiểm soát toàn bộ Quốc hội, thì đảng Dân chủ có khả năng đạt kết quả tốt trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ vào năm 2026, qua đó kiềm chế Trump trong suốt thời gian đương nhiệm còn lại.
Ngay cả khi nguy cơ nền dân chủ Hoa Kỳ sụp đổ thê thảm là thấp, nhiệm kỳ hai của Trump có thể làm xói mòn các thể chế dân chủ nước này. Benjamin Wittes, Tổng Biên tập Tạp chí Lawfare, một ấn phẩm về an ninh quốc gia, cảnh báo rằng Trump có thể là một mối nguy hiểm đối với nền pháp quyền vì ba lý do : đầu tiên, "những người lớn sẽ không còn ở trong phòng", không giống như trong nhiệm kỳ đầu ; thứ hai, "trong lời nói, Trump có vẻ ám ảnh với việc trả thù" sau khi phải trải qua bốn phiên tòa hình sự riêng biệt ; và thứ ba, Trump được khích lệ bởi chiến thắng của mình "về mặt pháp lý lẫn về mặt bầu cử trước các thế lực cố kiềm chế ông".
Trump gần như sẽ bác bỏ tất cả các cáo buộc liên bang chống lại mình. Ông cũng có thể ân xá cho các phần tử bạo loạn ngày 06/01. Trump đã hứa sẽ chấm dứt sự độc lập của Bộ Tư pháp Hoa Kỳ, một chuẩn mực kể từ sau vụ Bê bối Watergate. Điều đó sẽ cho phép Trump khởi xướng các cuộc điều tra nhằm vào các kẻ thù chính trị của ông, điều nhiều khả năng xảy ra hơn là không. Brendan Nyhan đến từ Đại học Dartmouth cho rằng "Có một loạt hệ quả thứ cấp phát sinh từ điều này. Một khi bạn biết rằng những hình thức truy tố có chọn lọc như vậy có thể xảy ra, bạn sẽ điều chỉnh hành vi theo một cách rất khác".
Đe dọa
Ý kiến cho rằng Trump có thể sử dụng các thể chế nhà nước để đe dọa các cá nhân chỉ trích mình được nêu ra tuần này khi tỷ phú Jeff Bezos, chủ sở hữu tờ báo Washington Post, ngăn báo này đăng bài viết ủng hộ bà Harris. Ông Bezos cho biết đang cố gắng củng cố danh tiếng của tờ báo về tính độc lập, không phải để lấy lòng Trump, nhưng khoảng 1 phần 10 số người đăng ký thuê bao tờ báo đã kết luận không phải như vậy và đã hủy đăng ký. Ngoài ra, cũng có nguy cơ số phần tử cực hữu, chẳng hạn lực lượng dân quân Proud Boys, có thể cảm thấy được tiếp sức để quấy rối các đối thủ chính trị của Trump.
Trump cũng có thể cố để lại dấu ấn của mình lên bộ máy hành chính liên bang. Ông có thể sử dụng thẩm quyền, được gọi là Schedule F (một loại sắc lệnh hành pháp), cho phép Trump sa thải nhiều công chức cấp thấp. Ông cũng từng nhắc đến việc sa thải các tướng lĩnh cấp cao của Hoa Kỳ, những người mà ông cho là quá "thiên tả". Có khả năng Trump sẽ tìm cách thúc ép ông Powell từ chức hoặc đòi quyền hạn (chưa được kiểm tra về pháp lý) để sa thải Powell. Tất cả điều này sẽ chính trị hóa bộ máy chính phủ vốn tương đối độc lập, không bị can thiệp về chính trị cho đến nay.
Những kịch bản trên nghe có vẻ tầm thường so với một cuộc bầu cử bị đánh cắp hoặc một thể chế độc tài, nhưng chúng đều mang đến những hậu quả hết sức nghiêm trọng. Lực lượng thực thi pháp luật có chọn lọc, có động cơ chính trị sẽ không những bất công mà còn trở thành mối đe dọa đối với sức mạnh kinh tế của Hoa Kỳ, khiến các doanh nghiệp lo sợ và cản trở đầu tư. Hơn nữa, những hành vi lạm dụng như vậy khó có thể dừng lại khi Trump rời nhiệm sở. Do sự phân cực về chính trị trong các thập kỷ gần đây, một khi một trong số các đảng ở Hoa Kỳ phá vỡ chuẩn mực, đảng còn lại có khả năng sẽ làm theo như vậy, để đảm bảo sức cạnh tranh. Lòng tin vào nền pháp quyền sẽ rất khó để khôi phục.
Nhiều người Hoa Kỳ thấy những lời chỉ trích của đảng Dân chủ về những nguy cơ mà một nhiệm kỳ khác của Trump mang đến là đạo đức giả. Họ nghĩ rằng đảng Dân chủ đã sử dụng hệ thống tư pháp như làm vũ khí để chống lại Trump, chứ không phải là ngược lại. Họ thấy nhiệm kỳ của Biden là một loạt thất bại về chính sách đối ngoại tồi tệ hơn nhiều so với bất kỳ điều gì xảy ra dưới thời Trump. Trong mắt người dân, lạm phát phi mã dưới thời Biden là bằng chứng cho thấy Trump là nhà quản lý kinh tế giỏi hơn. Tất cả những luận điểm này đều có cơ sở của nó – và nhiệm kỳ hai của Trump có thể không thê thảm hơn nhiệm kỳ đầu tiên. Nhưng bỏ phiếu cho Trump mà chỉ dựa trên những giả định như vậy sẽ cực kỳ rủi ro đối với nước Mỹ và toàn bộ thế giới.
The Economist
Nguyên tác : "How bad could a second Trump presidency get ?", The Economist, 31/10/2024.
Lê Mạnh Cường biên dịch
Nguồn : Nghiên cứu quốc tế, 12/11/2024