Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

13/11/2024

Tông xe 'trả thù đời' : Những câu hỏi về xã hội Trung Quốc

Kelly Ng, Fan Wang

Một vụ tấn công bằng xe hơi khiến 35 người thiệt mạng ở Trung Quốc đã dấy lên những câu hỏi về một loạt các vụ bạo lực công cộng gần đây, trong khi các quan chức thì tiếp tục kiểm duyệt nội dung thảo luận về sự việc này.

tongxe0

Vào khoảng 19 giờ 48 ngày 11/11, người đàn ông 62 tuổi tên Fan đã lái một chiếc xe ô tô lao qua cổng Trung tâm thể thao Chu Hải (Thành phố Chu Hải, Quảng Đông, Trung Quốc) và không ngừng tông vào đám đông tại đó khiến ít nhất 35 người tử vong và 43 người bị thương.

Trên mạng xã hội, nhiều người đang thảo luận về hiện tượng "trả thù đời", khi những cá nhân vì các mối thâm thù riêng lại chọn cách tấn công người lạ.

Cảnh sát cho biết tài xế đã lao vào đám đông tại một sân vận động ở thành phố Chu Hải, miền nam Trung Quốc vào tối 11/11, và nói rằng hành động trên xuất phát từ việc người này bất mãn với kết quả giải quyết ly hôn.

Mặc dù được cho là hành động bạo lực gây chết người nhất trong nhiều thập kỷ, đây cũng là vụ tấn công mới nhất trong một loạt các vụ tấn công trong những tháng gần đây tại Trung Quốc.

Đáp lại làn sóng phản ứng trên toàn quốc về vụ việc, Chủ tịch Tập Cận Bình đã tuyên bố "trừng phạt nghiêm khắc" đối với thủ phạm. Cảnh sát cho hay tài xế, 62 tuổi, đã bị bắt giữ và đang trong tình trạng hôn mê do chấn thương tự gây ra.

Trên các nền tảng mạng xã hội Trung Quốc, nhiều người bày tỏ sự kinh hoàng trước hành động của ông ta và đặt câu hỏi liệu đó có phải là triệu chứng của những vấn đề xã hội sâu xa hơn hay không.

Một bình luận được lan truyền nhanh chóng trên Weibo :

"Làm sao ông ta có thể trả thù đời chỉ vì cuộc sống gia đình của ông ta không ổn ? Ông ta đã cướp đi sinh mạng của rất nhiều người vô tội, liệu ông ta có bao giờ cảm thấy bình yên không ?"

"Nếu không đảm bảo được việc làm và áp lực cuộc sống lớn… thì xã hội chắc chắn sẽ đầy rẫy vấn đề, thù địch và khủng bố", một người dùng chia sẻ trên WeChat.
Một người khác viết trong một bài đăng được chia sẻ rộng rãi :

"Chúng ta nên xem xét các [yếu tố] xã hội sâu xa đã kích động cho nhiều [cuộc tấn công] bừa bãi vào những người yếu thế".

Một số vụ tấn công bạo lực ở Trung Quốc đã được ghi nhận trong năm nay, bao gồm một vụ đâm chém hàng loạt và tấn công bằng súng đạn ở Sơn Đông vào tháng Hai khiến ít nhất 21 người thiệt mạng.

Vào tháng 10, một vụ tấn công bằng dao tại một trường học hàng đầu ở Bắc Kinh đã làm năm người bị thương. Vào tháng 9, một người đàn ông đã đâm dao điên cuồng tại một siêu thị ở Thượng Hải, giết chết ba người và làm bị thương nhiều người khác.

tongxe2

Người dân Chu Hải thắp nến tưởng niệm tối ngày 12/11 – Reuters

Nhiều bài đăng, bình luận và bài báo về vụ việc ở Châu Hải đã bị kiểm duyệt trong những ngày gần đây, khi chính quyền hạn chế thảo luận về những gì được xem như chủ đề nhạy cảm về chính trị.

Ở Trung Quốc, nhà kiểm duyệt thường nhanh chóng gỡ bỏ các bài đăng trên mạng xã hội liên quan đến các vụ án nghiêm trọng.

Mặc dù vậy, một số câu chuyện gây xúc động, đặt lên những câu hỏi về vụ việc vẫn tiếp tục lan truyền rộng rãi trên mạng. BBC không thể xác minh độc lập những câu chuyện này.

Một người kể rằng một người bạn của gia đình đã thiệt mạng trong vụ tấn công khi bà ấy đang tập thể dục buổi tối với một nhóm người đi bộ.

"Mẹ tôi thấy khó chấp nhận việc mất đi một người bạn thân thiết như vậy. Càng chứng kiến nỗi đau của bà, tôi càng căm ghét kẻ giết người máu lạnh", người đó viết.

Người đó cáo buộc truyền thông Trung Quốc "hầu như không đưa tin" về vụ việc trong khi dành nhiều sự chú ý hơn cho một triển lãm hàng không quân sự nổi tiếng diễn ra ở Chu Hải cùng thời điểm.

"Trong mắt giới cầm quyền, máy bay quan trọng hơn sinh mạng con người".

Một số hãng truyền thông Trung Quốc đã nói với BBC News tiếng Trung rằng trong những giờ đầu tiên sau vụ tông xe, họ đã nhận được chỉ thị rõ ràng là không đưa tin về vụ việc này. Các cơ quan truyền thông sau đó đã đưa tin về vụ tấn công, chủ yếu tập trung vào các thông báo từ cảnh sát và Chủ tịch Tập Cận Bình.

Một bài đăng được lan truyền rộng rãi khác là của một người cho biết mẹ mình bị thương nặng trong vụ tấn công và hiện đang được điều trị tại khoa chăm sóc đặc biệt của bệnh viện.

Người này chia sẻ không rõ mẹ mình có qua khỏi hay không và cha mình, người chứng kiến vụ tấn công, đã rất đau khổ.

"Ông rất đau lòng, nhưng ông vẫn cố gắng hết sức để bình tĩnh trả lời điện thoại và trả lời tất cả những người quan tâm đến mẹ tôi".

Người dân cũng chỉ trích việc thiếu thông tin trong những giờ sau vụ tấn công.

"Mười giờ sau khi vụ việc xảy ra, vẫn không có thống kê về thương vong, cũng không có thông báo nào từ phía cảnh sát", một trong số họ nói.

Kelly Ng

Fan Wang tường thuật bổ sung.

Nguồn : BBC, 13/11/2024

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Kelly Ng, Fan Wang
Read 99 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)