Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

16/11/2024

Vị trí Trung Quốc trong mắt chính quyền Mỹ kế nhiệm

James Palmer

Một số câu hỏi về chính sách liên quan đến Trung Quốc của Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump vẫn còn đang bỏ ngỏ.

vitri1

Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump tham dự buổi tiếp tân của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Bắc Kinh ngày 9/11/2017. Thomas Peter/Getty Images

Tiêu điểm tuần này : Những câu hỏi còn bỏ ngỏ về chính sách Trung Quốc của Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump ; Giới chức Trung Quốc giải tán phong trào đạp xe tự phát vào ban đêm ; Đài Loan tranh thủ sự ủng hộ từ chính quyền Mỹ kế nhiệm bằng cách đề xuất một thoả thuận mua bán vũ khí.

Ba câu hỏi xoay quanh chính sách Trung Quốc của Trump

Với việc Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump chuẩn bị trở lại Nhà Trắng, có thể thấy rõ rằng một chính sách cứng rắn hơn với Trung Quốc là điều sẽ xảy đến – tuy vậy, hình thức cũng như những giới hạn của chính sách hiện vẫn chưa rõ. Trong các nhóm cố vấn xung quanh ông Trump, một số câu hỏi lớn và sự chia rẽ quan điểm về chính sách này đã bắt đầu lộ diện.

Chính quyền ông Trump trong nhiệm kỳ thứ hai sẽ phải đặt câu hỏi : Liệu chính sách Trung Quốc của chính quyền Trump có thể dung hòa được với các nhu cầu kinh tế trong nước hay không ? Thuế quan là chính sách dễ được triển khai nhất, và có khả năng "diều hâu thương mại" Robert Lighthizer sẽ quay lại cương vị Đại diện thương mại Mỹ. Một số cố vấn đảng Cộng hòa còn mong muốn Mỹ tách rời hoàn toàn khỏi Trung Quốc, trong khi Trung Quốc là nhà cung cấp hàng hoá lớn nhất và là thị trường mua hàng lớn thứ ba của Mỹ.

Mức thuế 60% đối với Trung Quốc mà Trump thường nhắc đến có thể dẫn đến lạm phát đáng kể và có thể khiến Mỹ phải chuyển sang các phương án sản xuất rẻ hơn ở các nước như Indonesia hoặc Việt Nam. Chuyển sản xuất qua các nước này có thể giúp làm dịu đi phần nào tác động của thuế quan, nhưng ngay cả khi Mỹ chuyển sản xuất qua các nước bạn bè thân thiết (friend-shoring) thì các nước bạn bè này cũng sẽ phải đối mặt với mức thuế 10 – 20% mà Trump muốn áp dụng cho tất cả các nước, trong đó có cả các nước đồng minh.

Cú sốc của người dân Mỹ trước giá cả tăng cao đã gây ra những hậu quả đau đớn cho đảng Dân chủ trong những năm qua, và điều tương tự cũng có thể xảy đến với đảng Cộng hòa khi họ nắm quyền, nhất là nếu người Mỹ đồng thời mất đi quyền tiếp cận với các mặt hàng giá rẻ thông qua các ứng dụng của Trung Quốc như Temu và Shein.

Một câu hỏi lớn khác là : Các khoản đầu tư kinh doanh của các đồng minh của Trump tại Trung Quốc giúp Bắc Kinh có được ảnh hưởng đến mức độ nào ? Chính bản thân Trump cũng có những lợi ích làm ăn lâu dài tại Trung Quốc ; trong khi đó, đồng minh quan trọng của Trump, nhà phát triển bất động sản Steve Wynn, cũng đầu tư đáng kể vào các sòng bạc ở Ma Cao.

Tuy nhiên, nhân vật quan trọng nhất là người đã ngồi xem kết quả bầu cử với Trump ở Mar-a-Lago : Elon Musk, người thành công trong việc sản xuất xe điện Tesla ở Trung Quốc nhờ vào những chính sách thuận lợi từ chính quyền Bắc Kinh. Musk ủng hộ lập trường của Đảng cộng sản Trung Quốc về các vấn đề như Đài Loan và Tân Cương, cũng như mô tả bản thân là "có chút thiên về Trung Quốc".

Trump đã nhiều lần cho thấy rằng ông có thể bị thuyết phục trong các vấn đề liên quan đến các lợi ích kinh doanh của Trung Quốc nếu hai bên trao đổi trực tiếp. Khi còn là tổng thống, Trump đã thay đổi lập trường đối với tập đoàn viễn thông Trung Quốc ZTE sau các cuộc điện đàm với giới lãnh đạo chính trị Trung Quốc vào năm 2018, và đối với Huawei sau cuộc gặp với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại hội nghị G-20 năm 2019.

Từng ủng hộ việc cấm ứng dụng mạng xã hội TikTok – và thất bại trong việc thực hiện nó vào năm 2020 – năm nay Trump đã quay ngoắt 180 độ sau cuộc gặp gỡ với nhà tài trợ lớn của đảng Cộng hòa và là người đầu tư vào TikTok, Jeff Yass. Giống như nhiệm kỳ đầu tiên, chính sách của Trump tuỳ thuộc vào người cuối cùng mà tổng thống tiếp xúc.

Ở một số khía cạnh, câu hỏi trừu tượng nhất về chính sách Trung Quốc trong tương lai của Trump cũng là câu hỏi lớn nhất : Mỹ đối đầu với Trung Quốc vì nguyên tắc ý thức hệ (ideological principle), hay vì nhu cầu duy trì vị thế địa chính trị của mình ? Việc Mỹ đối đầu với Trung Quốc vì lí do gì sẽ quyết định đến tính chất của sự đối đầu giữa hai bên. Các thỏa thuận lớn có thể đạt được nếu Washington coi Bắc Kinh là một đối tác chơi cùng trên bàn cờ, nhưng sẽ không thể nếu Washington coi Đảng cộng sản Trung Quốc là một thế lực không thể chấp nhận được.

Những khác biệt như thế này trong cách tiếp cận vấn đề sẽ tác động đáng kể đến lập trường của Mỹ đối với Đài Loan. Các chiến lược gia của Trump như Elbridge Colby đã chỉ trích Ukraine làm Mỹ sao nhãng khỏi khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, đồng thời cho rằng Đài Loan chưa có đủ hành động để tự vệ. Trump đổ lỗi cho Đài Loan là một "kẻ ăn bám an ninh" và ngụ ý rằng Trump có thể sẽ không bảo vệ hòn đảo này.

Nếu Mỹ coi Đài Loan là một biểu tượng quan trọng của nền dân chủ, Đài Loan sẽ có nhiều đòn bẩy ảnh hưởng lên Washington hơn thay vì bị xem là một đồng minh phiền phức và tốn kém.

Việc lựa chọn nhân sự có ý nghĩa quan trọng ở đây. Các chính khách "diều hâu" cứng rắn với Trung Quốc có thể sẽ gặp khó khăn trong việc trích dẫn báo cáo của các tổ chức nhân quyền phi chính phủ nếu những tổ chức này cũng đưa tin và chỉ trích các chính sách được Trump ủng hộ. Tuy nhiên, một số nhân vật thân cận với Trump đã thể hiện cam kết với nhân quyền ở Trung Quốc, trong đó có cả người được Trump chọn làm cố vấn an ninh quốc gia, Hạ nghị sĩ Mike Waltz.

Thượng nghị sĩ Marco Rubio, người từng đóng vai trò quan trọng trong công tác nhân quyền, cũng thuộc nhóm này. Vào thứ Hai vừa qua, có thông tin cho rằng Rubio là người được Trump chọn làm Ngoại trưởng. Giống với Thượng nghị sĩ Ted Cruz, Rubio chịu ảnh hưởng bởi quan điểm của cộng đồng người Mỹ gốc Latinh bảo thủ trong khu vực bầu cử của mình, họ là những người phản đối các chế độ cộng sản, có thể là do trải nghiệm cá nhân hoặc ký ức từ gia đình.

Tuy nhiên, đó không phải là góc nhìn của Trump. Trump từng khen ngợi việc ông Tập cai trị Trung Quốc "với một nắm đấm sắt" cũng như việc Tập đã bãi bỏ giới hạn nhiệm kỳ Chủ tịch nước. Thế nên cuộc cạnh tranh ý thức hệ giữa dân chủ và chuyên chế xem ra chỉ đóng vai trò thứ yếu trong mối quan hệ Mỹ – Trung.

Tin tức được quan tâm

Trào lưu đạp xe đặc biệt ở Trung Quốc. Tuần trước, hàng chục nghìn sinh viên đã tham gia một trào lưu đạp xe vào ban đêm – di chuyển từ Trịnh Châu (Zhengzhou) đến Khai Phong (Kaifeng), khoảng 40 dặm – cho đến khi chính quyền vào cuộc để giải tán. Đây là một ví dụ điển hình về việc tư duy theo kiểu chính quyền Trung Quốc có thể biến một hoạt động giải trí tự phát thành một vấn đề chính trị.

Đạp xe năm nay đã nổi lên trở lại trong giới sinh viên Trung Quốc, sau nhiều năm gián đoạn bởi các biện pháp hạn chế trong đại dịch Covid-19. Vào tháng 6, bốn sinh viên đạp xe từ Trịnh Châu đến Khải Phong với lý do đùa vui là để thưởng thức món sủi cảo của Khai Phong. Những người khác nhanh chóng bắt chước theo, và số người tham gia lên đến hơn 100.000 người vào tuần trước.

Phong trào này dường như không mang tính chính trị ; một số sinh viên còn cầm cờ Trung Quốc và hát quốc ca vì sợ rằng họ có thể bị gắn mác là mối đe doạ. Truyền thông Trung Quốc ban đầu ca ngợi trào lưu này, nhưng kể từ khi số người tham gia tăng lên, chính quyền bắt đầu xem đây là một mối nguy tiềm tàng cho việc huy động thanh niên. Một tin nhắn trong nhóm WeChat của một trường cảnh báo sinh viên : "Sự kiện này đã phát triển thành một phong trào chính trị. Dính vào đó coi như hết đời các em".

Không thể phủ nhận rằng, trào lưu đạp xe đã gây ra những khó khăn về mặt quản lý ở Khai Phong, với những con đường cao tốc tắc nghẽn và xe đạp bị bỏ lại khắp nơi trong thành phố. Nhưng giới trẻ Trung Quốc, vốn đã mệt mỏi với những hạn chế trong nước, sẽ hiểu lệnh giải tán đột ngột này như một thông điệp đơn giản : "Chúng tôi (chính quyền) sẽ không cho bạn tận hưởng điều này đâu".

Trung Quốc phản ứng trước chiến thắng của Trump. Những phản ứng trước chiến thắng của Trump trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ khá dè dặt ; các bình luận của hãng thông tấn Tân Hoa Xã bị kiểm duyệt nghiêm ngặt. Những người theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan đang ăn mừng chiến thắng của Trump, xem đó là một thắng lợi cho phe họ trong cuộc đối đầu với các lực lượng theo chủ nghĩa tự do, phong trào nữ quyền và nhóm sắc tộc thiểu số.

Tuy nhiên, những ứng viên "diều hâu" của Trump như Rubio và Waltz có vẻ sẽ gây bất mãn ở Bắc Kinh. Trung Quốc trước đây nhắm vào Rubio cùng một số người khác trong một chiến dịch gây ảnh hưởng trên mạng tập trung vào các cuộc bầu cử cấp thấp. (Đội ngũ của Rubio dành rất nhiều thời gian và công sức cho các vấn đề liên quan đến Trung Quốc.) Tuy nhiên, các quan chức Trung Quốc có thể sẽ không phản ứng một cách công khai với những lựa chọn này bởi vì họ đang âm thầm quan sát ai sẽ gia nhập chính quyền mới.

Nếu Rubio trở thành ngoại trưởng tiếp theo, tôi dự đoán rằng các biện pháp trừng phạt của Trung Quốc đối với Rubio do lập trường của Rubio về Hồng Kông có thể sẽ không được chính thức gỡ bỏ, nhưng sẽ được âm thầm bỏ qua trong các chuyến thăm Trung Quốc trong tương lai.

Công nghệ và Kinh doanh

Thương vụ về vũ khí của Đài Loan. Chính quyền Tổng thống Đài Loan Lại Thanh Đức được cho là không chần chừ mà lấy lòng ngay chính quyền mới ở Washington, bằng cách đề xuất một thoả thuận vũ khí lên đến 15 tỷ USD cho các thiết bị quân sự Mỹ. Danh sách này, được cho là bao gồm 60 máy bay chiến đấu F-35, một tàu khu trục Aegis và lên đến 400 tên lửa Patriot. Việc này ngay lập tức nhận về nhiều chỉ trích vì bị cho là hướng đến các nhu cầu của Mỹ hơn là đáp ứng các ưu tiên quốc phòng của Đài Loan.

Lực lượng không quân Đài Loan dù quy mô lớn và có ảnh hưởng chính trị mạnh mẽ nhưng sẽ nhanh chóng bị đe doạ trong bất kỳ cuộc xung đột nào với Trung Quốc. Các chuyên gia quân sự Mỹ liên tục kêu gọi chuyển hướng sang một lực lượng phân tán hơn – lực lượng dựa trên máy bay không người lái. Tuy nhiên Đài Loan có thể xem việc mua sự ủng hộ từ Washington mới là khoản mua bán có giá trị hơn.

Gian lận bảo hiểm ? Các nhà chức trách Trung Quốc tiếp tục gây khó khăn thêm cho tập đoàn bất động sản đang gặp khủng hoảng China Evergrande Group : Một số cựu giám đốc điều hành bộ phận kinh doanh bảo hiểm của Evergrande có khả năng đã bị tạm giữ trong khuôn khổ các cuộc điều tra sai phạm trong quản lí tài chính. Evergrande Life Insurance từng là một trong những công ty bảo hiểm lớn nhất Trung Quốc, với tài sản khoảng 31,8 tỷ USD.

Cuộc điều tra có khả năng là một phần trong chiến dịch trấn áp lớn hơn, bắt nguồn từ các cáo buộc gian lận bảo hiểm quy mô lớn đối với công ty dược phẩm AstraZeneca. Chủ tịch AstraZenaca chi nhánh Trung Quốc đã bị bắt giữ, cùng hàng chục giám đốc điều hành cấp cao cũng đang bị điều tra.

James Palmer

Nguyên tác : "Where Does China Stand With the Next White House ?", Foreign Policy, 12/11/2024

Tạ Kiều Trang biên dịch

Nguồn : Nghiên cứu quốc tế, 16/11/2024

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: James Palmer, Tạ Kiều Trang
Read 33 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)