Tại sao Lương Cường lại bất ngờ chỉ trích Tổng thống Mỹ Donald Trump ?
Nam Việt, RFA, 19/11/2024
Chủ tịch nước Việt Nam Lương Cường mới đây bất ngờ lên tiếng, gián tiếp chỉ trích nhiệm kỳ cầm quyền sắp tới của ông Donald Trump rằng bảo hộ, chiến tranh thương mại chỉ dẫn đến suy thoái, nghèo đói.
Chủ tịch nước Lương Cường của Việt Nam ngồi cạnh tổng thống Mỹ Joe Biden tại Hội nghị Cấp cao APEC ở Peru ngày 15/11/2024 – Saul Loeb / AFP
Điều đáng nói, là hệ thống truyền thông nhà nước cộng sản Việt Nam đồng loạt đưa tin, thậm chí dẫn giải nội dung này của ông tân Thủ tướng Việt Nam, khi phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh Doanh nghiệp APEC ở Peru hôm 14/11.
Trong khi đó, cũng gần 1000 cơ quan báo chí, truyền hình của nhà nước Việt Nam hoàn toàn im lặng về câu chuyện cũng liên quan đến ông Lương Cường, là vụ bê bối của ông Lại Đắc Tuấn trong chuyến công du Chile vừa rồi.
Câu hỏi dược đặt ra là vì sao ông Cường lại lên tiếng "gây hấn" với ông Donald Trump vào lúc này, mà câu chuyện "chiến tranh thương mại", được nhìn thấy rõ là vấn đề giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc. Thậm chí, cuộc chiến đó là gay gắt, người hưởng lợi lại là Việt Nam ?
Ông Cường nhấn mạnh trong lúc phát biểu lại APEC, là "chỉ khi thương mại được thúc đẩy, được kết nối … thì mới có phát triển, mới có thịnh vượng", và đối lập lại, "đóng cửa, bảo hộ, chiến tranh thương mại sẽ chỉ dẫn đến suy thoái, xung đột và nghèo đói".
Thậm chí, ông Cường còn nhắc khéo ông Trump về chuyện nên giữ gìn vị trí và nguyên tắc của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), trong khi ông Trump trong nhiệm kỳ trước của mình, đã nhiều lần công kích, thậm chí đe dọa rút khỏi WTO.
Dĩ nhiên, người dân trong nước nhìn vào những phát biểu của ông Cường, có thể thấy ông ta đang nói thay cho Bắc Kinh. Thậm chí không khác nào đang thách thức ông Trump khi ngồi vào Tòa Bạch Ốc, sẽ xét lại những thuận lợi của Việt Nam trong giao thương với Mỹ, ví dụ như chuyện đã Việt Nam hưởng lợi thặng dư lên đến 103 tỷ đô la trong trao đổi thương mại với Mỹ.
Cần nhắc lại, Chủ tịch Lương Cường, người nhân lúc ông Tô Lâm đang công du Mỹ và Châu Âu hồi Tháng Chín 2024, đã bất thần chạy sang triều kiến Tập Cận Bình, nhằm kiếm sự ủng hộ cho việc giành phần quyền lực cho phía quân đội. Và đương nhiên sau đó, chức chủ tịch được trao cho Cường, nhưng đồng thời sự cân bằng này khởi động cho một cuộc hạ bệ lẫn nhau trong hậu cung Ba Đình.
Cùng từ lúc Lương Cường lên nắm chức, lần đầu tiên trong quốc hội đã có lời phàn nàn so sánh việc tại sao số tướng công an ở trong nước lại áp đảo số tướng quân đội. Nói trước quốc hội, đại biểu Lữ Văn Hùng (đoàn Bạc Liêu) đòi phải nghiên cứu quy chế cấp quân hàm của chỉ huy trưởng quân sự thành phố. Ông Hùng nhấn mạnh là nếu giám đốc công an là thiếu tướng, thì chỉ huy trưởng quân sự cũng phải là thiếu tướng. "Tại sao công an là thiếu tướng mà quân đội là đại tá, anh cũng là ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, tôi cũng là ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy. Việc này cũng phải xem xét nghiên cứu để làm sao cho tương xứng" - ông Hùng nói.
Đây là lần đầu tiên những lời bàn và mâu thuẫn lâu nay giữa ngành công an và quân đội được nói công khai trước quốc hội.
Đại tướng Phan Văn Giang phải kềm chế ngôn ngữ bất bình của ông đại biểu Hùng, và chỉ giải thích rằng làm việc này "khó". Ông Giang không nói rõ khó, là khó ở chỗ ngành công an đang nắm quyền đất nước và muốn có thế thượng phong, hay khó là chuyện nội bộ quân đội không chấp nhận chuyện lên chức nhiều như vậy – và nói thế, chẳng khác nào mỉa mai Tô Lâm.
Trở lại câu chuyện ông Lại Đắc Tuấn ở Chile thì có nhiều nguồn tin cho biết rằng ông Tuấn chỉ là kẻ thế thân cho chủ, cho một câu chuyện lớn hơn nữa mà có thể ông Lương Cường sẽ bị hạ bệ, nếu không khéo thu xếp sớm. Theo một nguồn tin không thể kiểm chứng được, vụ ăn chơi ở khách sạn thuộc về một nhóm quan chức, Tuấn là người biết chuyện sau và đinh ninh là ở khách sạn này, đường dây gái mại dâm là nói mật khẩu mang nước lên (trên thực tế hàng khách sạn cho đoàn khách quốc tế như Sheraton đều có sẳn nhiều loại nước), và từ đó ông ta bị phản ứng bất ngờ do người đem nước chỉ là nhân viên phục vụ. Tuấn phải ra mặt chịu tội, và cam kết với chủ là không được hé môi nửa lời cho cuộc ăn chơi đó.
Nhưng với Tô Lâm, bao nhiêu đó, đã là cơ hội vàng cho một kế hoạch lật đổ trong tương lai gần. Vì bởi mỗi chuyện ăn bò dát vàng bị lộ video, đã làm mất danh thế của ông ta suốt một chặng dài.
Cho nên để lý giải về câu chuyện ông Lại Đắc Tuấn rùm beng cả thế giới nhưng báo chí Việt Nam hoàn toàn im lặng, bởi có lệnh từ cấp cao của chính phủ ra lệnh các báo không được đưa lại tin, cũng không được để lọt bất kỳ một bình luận nào trên báo. Chính Lương Cường cũng nhận ra những chân ghế của mình đang ngồi, lung lay bởi câu chuyện này.
Và để xác định tấm lòng trung thành đối với Bắc Kinh, chỗ dựa cuối cùng và quan trọng của Lương Cường trong những ngày tháng tới, vị tân chủ tịch được Trung Quốc yểm trợ, đã phải gồng mình lên tiếng chỉ trích ông Donald Trump để chứng minh rằng mình vẫn là thành phần mà Bắc Kinh luôn có thể tin cậy được.
Và việc Lương Cường cần phải chứng tỏ lòng trung thành cho thấy trong nội bộ của Hà Nội lúc này đang có những xôn xao bất lợi, mà Lương Cường phải cần lập tức chứng minh vị thế đã được sắp đặt của mình, đồng thời gõ cửa ông chủ Bắc Kinh.
Nên nhớ trong cuộc tấn công và đánh đập ngư dân ở Hoàng Sa, mà Trung Quốc ngạo mạn nói rằng Việt Nam phải biết giáo dục lại công dân của mình, phía chủ tịch nước Lương Cường hoàn toàn im lặng và không có một thái độ gì phản đối Trung Quốc, và thậm chí là Thủ tướng Phạm Minh Chính, người được coi là đang ngầm bắt tay với Lương Cường, cũng không nhắc gì đến số phận ngư dân trong chuyến đi làm việc với Trung Quốc đầu tháng Mười Một 2024.
Nam Việt
Nguồn : RFA, 19/11/2024
***************************
Tân Chủ tịch nước Lương Cường và chuyến công du đầu tiên không như ý
Diễm Thi, RFA, 18/11/2024
Chỉ chưa đầy một tháng sau khi nhận chức Chủ tịch nước, ông Lương Cường đã đại diện Việt Nam thực hiện chuyến công du nước ngoài đầu tiên với tư cách nguyên thủ quốc gia.
Chủ tịch nước Việt Nam Lương Cường đến Lima trước Hội nghị thượng đỉnh Hợp tác Kinh tế Châu Á-Thái Bình Dương (APEC) hôm 12/11/2024 - AFP
Nếu ‘vạn sự khởi đầu nan’ thì chuyến đi mở màn nhiệm kỳ Chủ tịch nước của ông Lương Cường không thể gian nan hơn, khi một trong những cận vệ của ông bị bắt với cáo buộc lạm dụng tình dục.
Sự kiện này tuy không được truyền thông trong nước đề cập, rất có thể do sự kiểm duyệt của Ban Tuyên giáo, nhưng đã được lan truyền rộng rãi trên mạng xã hội.
Câu hỏi được dư luận xã hội đặt ra là, liệu uy tín của tân Chủ tịch nước đã bị ảnh hưởng ra sao, và nó tác động thế nào đến sự nghiệp chính trị của ông Lương Cường, nhất là khi Đại hội XIV của Đảng đang đến gần ?
Cựu trung tá Vũ Minh Trí, người từng công tác tại Tổng cục 2, cơ quan tình báo của Bộ Quốc Phòng, nhận định với RFA rằng sự vụ lần này "tuyệt đối không ảnh hưởng gì" tới ông Lương Cường.
"Đơn giản vì bản thân ông Lương Cường cũng không quyết định được thành phần được cử đi trong đoàn tùy tùng của ông ta, mà phải thông qua các cơ quan tham mưu. Nó có tính chất cơ cấu.
Bản thân người cao nhất, trong trường hợp này là ông Lương Cường, cũng không phải là người ra quyết định thành phần cận vệ. Ví dụ người bảo vệ là công an thì người này sẽ do Bộ Công an quyết định, không phải ông Cường quyết định". Ông Trí giải thích.
Cũng theo ông Trí, những chuyện như thế không có gì lạ ở Việt Nam, từ cán bộ, quân dân, chính đảng cho đến văn nghệ sĩ, thậm chí cả trí thức đều mắc phải những lỗi như vậy nhưng xử lý không đến nơi đến chốn nên khi ra nước ngoài thì "chứng nào tật nấy". Chỉ khác là pháp luật nước người ta nghiêm minh nên sự việc bị phanh phui.
Chuyện lãnh đạo Việt Nam ra nước ngoài bị tai tiếng cũng không phải là ít.
Không giống như ở những nước dân chủ, lãnh đạo ở Việt Nam không cần quá quan tâm đến hình ảnh do không phải đối diện với bầu cử phổ thông, do vậy những tai tiếng dạng này hiếm khi ảnh hưởng tiêu cực tới vị trí của chính trị gia cao cấp.
Điển hình nhất là vụ bê bối ăn bò dát vàng của ông Tô Lâm, thời còn làm Bộ Trưởng Bộ Công an.
Hôm 10/11/2021, một video clip khoảng 40 giây được lan truyền chóng mặt trên mạng xã hội cho thấy "Thánh rắc muối" Salt Bae tự tay mớm miếng bò dát vàng tận miệng Bộ trưởng công an Tô Lâm tại một nhà hàng sang trọng ở thủ đô London, nước Anh.
Được biết giá tiền mỗi phần ăn như vậy lên đến 45 triệu, bằng hơn hai phần ba thu nhập bình quân cả năm của một người lao động ở Việt Nam trong năm 2021.
Sự kiện này đã tạo cơn địa chấn trên mạng xã hội tiếng Việt, và nó diễn ra trong bối cảnh cuộc chiến chống tham nhũng do cố Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì, đang ở cao trào.
Một tháng sau đó, ông Nguyễn Phú Trọng đã đưa ra bài phát biểu về xây dựng và chỉnh đốn Đảng, trong đó ông trích câu nói "Miếng ăn là miếng tồi tàn, mất ăn một miếng thì lộn gan lên đầu". Không rõ có sự liên hệ trực tiếp nào giữa câu nói trên với sự việc của ông Tô Lâm hay không.
Nhưng điều đáng nói ở đây là dù dính phải bê bối bom tấn kể trên, điều nếu xảy ra với bất cứ chính trị gia ở các nước dân chủ nào, đều sẽ dẫn đến thân bại danh liệt, nhưng ông Tô Lâm không những không hề hấn gì, mà sự nghiệp của vị tướng công an này đã lên như diều gặp gió, thậm chí thay thế ông Nguyễn Phú Trọng để trở thành người đứng đầu đảng cầm quyền.
Tuy vậy, bối cảnh chính trị ở Việt Nam nay đã khác. Đảng Cộng sản đang trong giai đoạn nước rút, nhằm sắp xếp nhân sự cấp cao trước khi Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 14 diễn ra vào đầu năm 2026.
Ông Lương Cường giờ đây là một thành viên trong tứ trụ, và về lý thuyết, có khả năng thách thức ông Tô Lâm cho ngôi vị Tổng bí thư, dù cả hai sẽ quá tuổi khi đại hội diễn ra.
Một trong những tiêu chuẩn chọn chủ tịch nước được Bộ Chính trị đưa ra, là ứng cử viên cho chức vụ phải là hạt nhân quy tụ và phát huy sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị ; được cán bộ, đảng viên, quần chúng nhân dân tin tưởng, tín nhiệm cao.
Nhà báo Nguyễn Khắc Toàn cho rằng, chuyện lãnh đạo Việt Nam gây tiếng xấu trong các chuyến công du nước ngoài không phải là hiếm nhưng chẳng có ông, bà nào bị lung lay chức vụ cả.
"Theo tôi thì cá nhân ông Lương Cường không bị ảnh hưởng gì cả, nhưng ngành ngoại giao Việt Nam, Chính phủ Việt Nam và Nhà nước Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng. Dù uy tín của ông Cường với người dân có bị ảnh hưởng thì cũng chẳng tác động gì tới ông này. Bao nhiêu quan chức mất chức vì chính họ triệt hạ nhau chứ dân chẳng có tác động gì đâu", ông Toàn nhận định.
Ở chiều ngược lại, luật sư Đặng Đình Mạnh - một nhà quan sát và bình luận tình tình chính trị trong nước - cho rằng, "số phận chính trị của ông Lương Cường hết sức mong manh".
Vị luật sư dày dạn kinh nghiệm trong các vụ án chính trị ở Việt Nam cho rằng, trong khoảng một đến hai năm trở lại đây, các vụ thanh trừng cấp cao đã diễn ra liên tục, điều đó đã lấy đi yếu tố bất ngờ trong dân chúng mỗi khi nghe tin quan chức cấp cao rớt đài.
"Nếu nghe về sự hạ bệ ông Lương Cường ra khỏi chức vụ Chủ tịch nước trong tương lai gần, thì công chúng cũng không còn mấy ngạc nhiên nữa". Luật sư Mạnh nói thêm.
Cũng vì làn sóng đấu đá nội bộ trong thời gian qua, luật sư Đặng Đình Mạnh cho rằng giờ đây người dân đã hình thành suy nghĩ, cho rằng mọi sự vụ tiêu cực xảy ra với lãnh đạo cấp cao đều là sản phẩm của sự đấu tranh quyền lực trong nội bộ Đảng, và sự việc của ông Lương Cường không nằm ngoài xu hướng đó.
"Công chúng đã công khai cho rằng "sự cố" quấy rối tình dục trong chuyến công du của ông Lương Cường đã có thể là kết quả của việc thanh trừng nhau trong giới lãnh đạo cao cấp, nhất là ông ấy không thuộc phe nhóm công an đang đắc thắng trên võ đài quyền lực".
Cũng theo Luật sư Mạnh, tuy ông Lương Cường không phải là thủ phạm trong vụ bê bối tình dục, thế nhưng, từ nay cho đến hết sự nghiệp chính trị của ông ấy, câu chuyện đáng xấu hổ tại Chile sẽ còn gắn chặt mãi với danh tính ông tân Chủ Tịch nước, một chức vụ bị xem là có "huông" "lành ít, dữ nhiều" từ đời Chủ Tịch nước Trần Đại Quang.
Diễm Thi
Nguồn : RFA, 18/11/2024