Hội đồng Bảo an họp đánh giá tình hình nhân 1000 ngày chiến tranh Ukraine
Thùy Dương, RFI, 19/11/2024
Để đánh dấu 1.000 ngày chiến tranh Ukraine, Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc hôm 18/11/2024 đã họp, theo đề nghị của Anh Quốc, để tổng kết tình hình cuộc chiến giữa Nga và Ukraine, trong bối cảnh Nga tăng cường tấn công Ukraine, làm hư hại cơ sở hạ tầng năng lượng và gây nhiều thiệt hại nhân mạng.
Một phiên họp Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc về xung đột Nga- Ukraine, ngày 30/09/2022, New York, Hoa Kỳ. AP - Bebeto Matthews
Từ New York, thông tín viên Carrie Nooten cho biết thêm :
"Tại Hội đồng Bảo an, đại sứ Mỹ bên cạnh Liên Hiệp Quốc đã nhắc lại sự ủng hộ của Mỹ dành cho Kiev, nhưng bà không đề cập đến việc Washington bật đèn xanh cho phép Ukraine phóng tên lửa tầm xa sang Nga cho dù sau nhiều tháng phản đối, quyết định của tổng thống Mỹ Joe Biden đã được khẳng định vào hôm Chủ nhật.
Đối với Anh Quốc, điều thiết yếu là phải củng cố sức mạnh phòng thủ cho Kiev sau các vụ oanh kích của Nga hồi cuối tuần vừa rồi nhắm vào các cơ sở hạ tầng năng lượng của Ukraine. Ngoại trưởng Ukraine Andrii Sybiga xem quyết định của Biden là một bước ngoặt tiềm ẩn.
Ông Sybiga phát biểu : "Điều này có thể làm thay đổi cuộc chơi. Ukraine có thể tấn công càng xa thì cuộc chiến sẽ càng được rút ngắn. Lập trường của Ukraine luôn rõ ràng, chúng tôi hoàn toàn có quyền tấn công các mục tiêu quân sự trên lãnh thổ Nga. Đây là quyền chính đáng của chúng tôi và sẽ cho phép chúng tôi cứu mạng sống của các thường dân của mình. Điều này có thể có tác động rất tích cực trên chiến trường".
Tuy nhiên, người phụ trách các vấn đề chính trị của Liên Hiệp Quốc nhắc lại rằng tất cả các bên phải bảo đảm an toàn và bảo vệ dân thường, dù là ở bất kể nơi nào. Đại sứ Nga bên cạnh Liên Hiệp Quốc tố cáo cuộc họp này là nhằm bối xấu Nga.
Trong khi đó, ngay tại Mỹ, theo AFP, nhiều nhân vật thân cận được tổng thống đắc cử Donald Trump chọn vào các vị trí chủ chốt trong chính quyền mới, hôm qua đã phản đối gay gắt quyết định của tổng thống Joe Biden về việc cho phép Ukraine dùng tên lửa ATACMS tấn công vào lãnh thổ Nga, cho rằng quyết định này gây leo thang xung đột và có thể dẫn đến Đệ Tam Thế Chiến.
Thùy Dương
********************
Tổng thống Nga ký sắc lệnh mở rộng khả năng dùng vũ khí hạt nhân
Minh Anh, RFI, 19/11/2024
Vào ngày thứ 1.000 của cuộc xâm lược Ukraine, ngày 19/11/2024, tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký sắc lệnh mở rộng khả năng dùng vũ khí hạt nhân, nhằm đáp trả việc Hoa Kỳ cho phép Ukraine dùng tên lửa tầm xa do Mỹ cấp để tấn công vào lãnh thổ Nga.
Tổng thống Nga Vladimir Putin tại điện Kremlin, Moskva, Nga, ngày 19/11/2024. AP - Vyacheslav Prokofyev
Theo sắc lệnh, được AFP trích dẫn, "trong số các điều kiện biện minh cho việc sử dụng vũ khí hạt nhân là phóng tên lửa chống Nga". Còn theo giải thích từ phát ngôn viên điện Kremlin, Dmitri Peskov, "việc điều chỉnh các cơ sở (học thuyết) của Nga trước tình hình hiện nay là cần thiết" trước điều mà Vladimir Putin xem như là "những mối đe dọa" xuất phát từ phương Tây đối với an ninh của Nga.
Văn bản tổng thống Nga ký còn nhắc đến một khả năng khác sử dụng vũ khí hạt nhân, là "việc cho sử dụng lãnh thổ và các nguồn lực nhằm gây hấn chống lại Nga".
Cũng theo ông Peskov, chính quyền Nga theo dõi sát tình hình trên chiến trường và nhất là khả năng Ukraine dùng tên lửa tầm xa ATACMS do Mỹ cấp tại vùng Kursk của Nga, đang bị quân đội Ukraine chiếm đóng một phần.
Tổng thống Putin hồi cuối tháng 9/2024 từng cảnh báo rằng Nga kể từ giờ có thể sử dụng vũ khí hạt nhân trong trường hợp bị không kích ồ ạt hay bất kỳ cuộc tấn công nào từ một nước phi hạt nhân như Ukraine nhưng được hậu thuẫn từ một cường quốc có trang bị vũ khí nguyên tử như Mỹ chẳng hạn. Nga xem đấy như là một hành động gây hấn "chung", và do vậy việc dùng đến vũ khí hạt nhân là cần thiết.
Vào lúc Nga tăng cường các chiến dịch không kích chết chóc và hủy diệt tại Ukraine, tổng thống Joe Biden cách nay vài ngày đã bật đèn xanh cho Kiev sử dụng tên lửa do Mỹ cấp trên lãnh thổ Nga theo như xác nhận từ một quan chức Mỹ với AFP.
Về tình hình chiến trường, quân đội Ukraine loan báo đã phá hủy một kho đạn lớn của Nga tại thành phố Karatchev tại vùng Briansk cách biên giới với Ukraine 110 km.
Minh Anh
**************************
Liên Âu bất đồng về việc cho Ukraine dùng vũ khí được cung cấp tấn công lãnh thổ Nga
Phan Minh, RFI, 19/11/2024
Sau khi tổng thống Mỹ Joe Biden bật đèn xanh cho Ukraine sử dụng tên lửa tầm xa ATACMS, do Washington cung cấp, tấn công sâu vào lãnh thổ Nga, lãnh đạo ngành ngoại giao của Liên Hiệp Châu Âu (EU), Josep Borrell, hôm nay 19/11/2024, kêu gọi các nước thành viên Liên Hiệp Châu Âu nên làm tương tự. Tuy nhiên, nhiều thành viên vẫn tỏ ra thận trọng.
Hệ thống tên lửa phòng không của quân đội Đức tại Schwesing (Đức), ngày 17/03/2023. Hệ thống mà thủ tướng Olaf Scholz thông báo hôm 13/04/2024 sẽ gửi gấp cho Ukraine. AP - Axel Heimken
Từ Bruxelles, thông tín viên Pierre Benazet tường trình :
Josep Borrell than phiền : "Lần nào chúng ta ra quyết định hỗ trợ Ukraine cũng đều mất rất nhiều thời gian". Đối với lãnh đạo ngành ngoại giao Châu Âu, những cuộc oanh kích mạnh mẽ của Nga nhắm vào Ukraine hôm Chủ Nhật là câu trả lời của Vladimir Putin đối với "mọi nỗ lực thảo luận hay đàm phán". Đây là một lời lên án rõ ràng của Josep Borrell nhắm vào cuộc điện đàm của thủ tướng Đức với tổng thống Nga cách đây một tuần và ông nói thêm rằng nếu Châu Âu muốn bày tỏ "lập trường cứng rắn", thì phải đoàn kết.
Tuy nhiên, hôm qua, các quốc gia thành viên EU đã không tỏ ra đoàn kết. Ngoài Đức, vẫn luôn từ chối cho phép Ukraine sử dụng các tên lửa Taurus tấn công vào lãnh thổ Nga, Ý cũng giữ nguyên lập trường tương tự : "Vũ khí do Roma cung cấp chỉ có thể được sử dụng bên trong lãnh thổ Ukraine", ngoại trưởng Antonio Tajani, hôm qua, nhấn mạnh như trên. Người đồng cấp Pháp, Jean-Noël Barrot, lặp lại rằng việc cho phép Ukraine sử dụng vũ khí do Paris cung cấp để tấn công vào lãnh thổ Nga là một khả năng mà chính phủ "đang xem xét", ngụ ý rằng nếu Pháp bật đèn xanh cho Ukraine thì thông tin này sẽ không được công khai.
Phan Minh
***************************
Mỹ cho phép Ukraine dùng tên lửa tầm xa tấn công vào lãnh thổ Nga
Thanh Hà, RFI, 18/11/2024
Báo chí Mỹ ngày 17/11/2024 tiết lộ : tổng thống Joe Biden, vài tuần trước khi mãn nhiệm, đã thỏa mãn yêu cầu của Ukraine, dùng tên lửa chiến thuật ATACMS với tầm bắn 300 km để tấn công các mục tiêu trên lãnh thổ Nga.
Nhân viên cứu hỏa đang dập tắt đám cháy sau một cuộc tấn công bằng tên lửa của Nga nhằm vào một tòa nhà chung cư nhiều tầng ở Sumy, Ukraine, ngày 17/11/2024. AP
Hãng tin Pháp AFP nhắc lại vì muốn tránh để bị lôi vào cuộc đối đầu trực tiếp với Moskva, đến nay Washington từ chối cho phép Ukraine dùng tên lửa tầm xa của Mỹ để đánh sâu vào lãnh thổ của Nga.
Hãng tin Mỹ AP trích dẫn nhiều nguồn thạo tin cho rằng quyết định này là hệ quả của việc Bắc Triều Tiên đưa hàng ngàn quân sang tiếp tay với quân đội Nga và nhất tình hình chiến sự tại Ukraine đang xấu đi nghiêm trọng trong những ngày qua. Rời thượng đỉnh diễn đàn APEC ở Peru sang Brazil chuẩn bị dự thượng đỉnh G20 tổng thống Mỹ Biden chưa chính thức lên tiếng về tin trên.
Thông tín viên đài RFI Guillaume Naudin cho biết thêm thông tin.
"300 km là tầm bắn của các tên lửa Mỹ ATACMS. Đến nay Hoa Kỳ chỉ cung cấp một cách nhỏ giọt cho Ukraine và Kiev không được phép dùng để nhắm vào các mục tiêu nằm sâu trên lãnh thổ của Nga. Trước hết Nga cảnh báo sẽ coi đây là một bước leo thang quan trọng. Hơn nữa giới quân sự của Mỹ cho biết là không có nhiều loại tên lửa này. Thế nhưng rồi tình hình chiến trường đã thay đổi. Nga vừa tiến hành một loạt các đợt không kích có phối hợp.
Tiếp theo là tại vùng Kursk, mà Ukraine đã chiếm đóng từ mùa hè vừa qua, Nga đã tiến hành một chiến dịch quân sự quy mô lớn để giành lại vùng lãnh thổ bị chiếm đóng. Để đạt được mục tiêu này, Nga đã được 10.000 lính Bắc Triều Tiên tiếp tay. Kursk là nơi đầu tiên tên lửa tầm xa ACTAMS của Mỹ sẽ được sử dụng với mục đích bắt buộc phía Nga phải tái triển khai lực lượng.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky không tiết lộ bất cứ bình luận gì về quyết định của Mỹ và chỉ nói rằng tên lửa sẽ "nói lên nhiều điều hơn là những tuyên bố". Bản thân tổng thống Biden cũng không bình luận về quyết định này. Hai tháng trước khi kết thúc nhiệm kỳ, đây là một thông điệp rõ ràng thể hiện sự ủng hộ Ukraine. Trong khi đó viện trợ quân sự cho Ukraine đang bị phe của ông Donald Trump chống đối và tổng thống tân cử thì cam kết nhanh chóng chấm dứt chiến tranh".
Tên lửa Mỹ : Nga tố cáo Biden "châm dầu vào lửa"
Hôm nay, 18/11/2024, Moskva đã có phản ứng. Theo AFP, phát ngôn viên điện Kremlin, Dmitri Peskov cho rằng sự quyết định của chủ nhân Nhà Trắng, về bản chất là "châm dầu vào lửa". Điều này có nguy cơ "dẫn đến một diện mạo mới về mặt cơ bản liên quan đến sự can dự của Mỹ trong xung đột".
Về phía Trung Quốc, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Lin Jian, trong buổi họp báo hôm nay, nhận định, "một lệnh ngưng bắn nhanh chóng và một giải pháp chính trị là trong lợi ích của các bên", đồng thời kêu gọi "điều khẩn cấp nhất hiện nay là tìm cách hạ nhiệt tình hình càng nhanh càng tốt".
Đại diện Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói thêm rằng, "Trung Quốc luôn kêu gọi và ủng hộ tất cả các nỗ lực đi đến một giải pháp hòa bình cho khủng hoảng", và Bắc Kinh "sẵn sàng tiếp tục duy trì vai trò xây dựng theo cách của mình" trong chiều hướng này.
Thanh Hà
******************************
Thấy gì từ việc Washington cho phép Ukraine dùng tên lửa tầm xa của Mỹ trên lãnh thổ Nga ?
Thanh Hà, RFI, 18/11/2024
Trước thềm ngưỡng 1000 ngày Nga xâm chiếm Ukraine, hôm 17/11/2024, chính quyền Biden tiết lộ quyết định cho phép Ukraine được dùng tên lửa ATACMS của Mỹ có tầm bắn 300 km "trên lãnh thổ Nga". Phải chăng đây là bước ngoặt cuối cùng trước khi kết thúc chiến tranh Ukraine ? Tại sao phải đợi đến gần 3 năm cuộc chiến kéo dài và chỉ còn 63 ngày thì Nhà Trắng đổi chủ, Washington mới đồng ý điều mà đến nay vẫn coi là một lằn rănh đỏ không thể vượt qua ?
Một hệ thống tên lửa ATACMS của Mỹ tại Queensland, Úc, ngày 26/07/2023. AP - Sgt. 1st Class Andrew Dickson
Khi biết rõ tên lửa chiến thuật tầm xa của Mỹ không cho phép Ukraine "đảo ngược tình thế" trên chiến trường, Joe Biden tính toán những gì ? Nhật báo tài chính Mỹ, The Wall Street Journal trích lời các chuyên gia quân sự nhấn mạnh rằng, tên lửa ATACMS của Mỹ "ít có khả năng làm thay đổi cục diện chiến tranh" bởi phía Nga có thừa thời gian để dịch chuyển các cơ sở nhạy cảm nhất ra ngoài phạm vi tầm bắn 300 km. Cùng lúc Ukraine cũng không có nhiều tên lửa lợi hại này để uy hiếp đối phương. Đương nhiên, quyết định của Mỹ sẽ khiến Nga nổi dóa và lại hù dọa đáp trả NATO một cách đích đáng, nhưng xét cho cùng, như nhà địa chính trị Pháp Bruno Tertrais, từ tháng 2/2022 mỗi lần Âu Mỹ tăng cấp viện trợ quân sự cho Ukraine thì tổng thống Vladimir Putin đều cảnh cáo NATO "trực tiếp đối đầu với Liên Bang Nga", thậm chí còn mang cả vũ khí nguyên tử ra để hù dọa. Truyền thông của Anh không loại trừ khả năng, quyết định của tổng thống Biden trước hết là một tín hiệu để các đồng minh Châu Âu "noi gương Hoa Kỳ" cho phép Kiev dùng tên lửa tầm xa của Anh, Mỹ và Đức tấn công sâu vào lãnh thổ của Nga.
Ngoài ra, thông báo của Mỹ về việc dùng tên lửa ATACMS đã được đưa ra vào lúc tình hình chiến trường xấu đi đáng kể, bất lợi cho Ukraine : Quân Nga dồn dập oanh kích trên toàn lãnh thổ Ukraine, hơn 50 % các nhà máy điện của nước này bị phá hủy vào lúc mùa đông đang đến. Các đợt oanh kích trong đêm càng lúc càng dồn dập với số lượng tên lửa và drone đi từ kỷ lục này đến kỷ lục khác, gây thiệt hại ngày càng nặng nề cho Ukraine. Lực lượng Ukraine cũng đang bị dồn vào thế hiểm nghèo ở vùng Kursk trên lãnh thổ Nga, nơi họ đã chiếm được một phần sau cuộc tấn công bất ngờ hồi mùa hè vừa qua. Nga dường như đã được khoảng 10.000 lính Bắc Triều Tiên tiếp sức để giành lại phần lãnh thổ này.
Chiến thuật quân sự của Nga trong những ngày gần đây được giới phân tích coi như một cuộc chạy đua nước rút, chiếm được nhiều lãnh thổ của Ukraine càng nhiều càng tốt, trước khi chính quyền Donald Trump, kể từ 01/2025, có thể đưa ra các sáng kiến về Ukraine.
Về mặt ngoại giao, hôm 15/11/2024 thủ tướng Đức, điểm tựa quan trọng thứ nhì của Ukraine, bất ngờ điện đàm với tổng thống Nga, để tìm kiếm một giải pháp chấm dứt chiến tranh. Điện Kremlin "đáp lễ" sáng kiến ngoại giao này của Berlin trong tay thủ tướng sắp mãn nhiệm Olaf Scholz, bằng những đợt oanh kích "chưa từng thấy". Kèm theo đó là một thông cáo gồm 3 điểm làm tiền đề chấp nhận chấm dứt chiến tranh. Thứ nhất là phương Tây cần quan tâm đến vấn đề an ninh của Liên Bang Nga, có nghĩa là Ukraine không bao giờ được gia nhập, hay tiến đến gần liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương NATO. Thứ nhì là Moskva đồng ý đàm phán trên cơ sở "những thực tế mới về lãnh thổ", tức là trên cơ sở Nga đã giành được khoảng 20% lãnh thổ của Ukraine sau gần 3 năm chiến tranh. Sau cùng là các bên phải "loại bỏ hẳn những nguyên nhân" đã dẫn đến xung đột quân sự từ tháng 2/2222, nói cách khách Moskva đòi loại bỏ hẳn chính quyền của ông Volodymyr Zelensky thân phương Tây hiện tại và kể cả trong tương lai. Giới quan sát bình luận : cả Ukraine lẫn phương Tây cùng không dễ chấp nhận những đòi hỏi của chủ nhân điện Kremlin, nhưng ai cũng biết rằng, với Trump ở Nhà Trắng, "điều gì cũng có thể xảy ra". Cựu đại sứ Pháp tại Hoa Kỳ Gérard Araud nhấn mạnh, ông Putin "chỉ muốn đàm phán với Trump".
Moskva biết rằng tổng thống tân cử của Mỹ chủ trương ngừng viện trợ cho Ukraine. Không có vũ khí trong tay Kiev buộc phải đàm phán có nghĩa là Zelensky sẽ nhượng đất cho Nga và bước tiếp theo nữa thì chính quyền Mỹ sẽ phủi tay và để Châu Âu giải quyết tiếp hồ sơ Ukraine. Do vậy, nhiều nhà phân tích cho rằng nếu Kiev được quyền tấn công nước Nga bằng tên lửa Mỹ thì chính quyền Trump sẽ không dễ nhượng bộ Moskva quá nhiều và Biden vẫn nắm quyền từ nay cho đến ngày 20/01/2025. Chính vì thế mà tờ báo uy tín của Ý, Corriere della Sera đặt câu hỏi : thỏa mãn đòi hỏi của Kiev dùng vũ khí tầm xa do Mỹ viện trợ để tấn công nước Nga là một thông điệp mà tổng thống Biden muốn nhắm tới đồng cấp Vladimir Putin hay hướng về người kế nhiệm Donald Trump ?
Thanh Hà