Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

23/11/2024

Tô Lâm khởi xướng cuộc cải cách để bước vào "kỷ nguyên mới" Featured

Doãn An Nhiên

Hầu hết các chế độ tập quyền toàn trị bởi độc Đảng cộng sản có thay đổi ‘bất thường’, như sụp đổ hay cải tổ lớn, thường diễn ra ‘từ bên trên’

caicach1

Tổng bí thư Tô Lâm tại phiên khai mạc của Quốc hội ở Hà Nội hôm 21/10/2024 - Nhac Nguyen / AFP

Kỷ nguyên mới" là "chủ trương, định hướng mới, có tầm chiến lược phát triển đất nước…" là "tư tưởng của Tổng bí thư Tô Lâm đã được Hội nghị lần thứ 10 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII thống nhất khẳng định" và "cần được đưa vào Văn kiện Đại hội XIV…". Tân Tổng bí thư Tô Lâm là người khởi xướng cuộc cải cách để bước vào "kỷ nguyên mới" và Đảng cộng sản Việt Nam (Đảng) đang chuẩn bị xúc tiến cải cách thể chế ‘từ bên trên’.

Cả thực tế và nguyên lý đều chỉ ra hầu hết các chế độ tập quyền toàn trị bởi độc Đảng cộng sản có thay đổi ‘bất thường’, như sụp đổ hay cải tổ lớn, thường diễn ra ‘từ bên trên’, đỉnh tháp quyền lực, trong đó người đứng đầu đảng có vai trò đặc biệt quan trọng. Chế độ không thể thay đổi từ bên dưới, tình trạng trì trệ của hệ thống chính trị ngày càng nghiêm trọng, cản trở tăng trưởng kinh tế, nhưng cải cách thể chế "từ bên trên" liền được bắt đầu khi ông Tô Lâm "tiếp quản" cương vị người đứng đầu đảng ngay sau khi ông Nguyễn Phú Trọng qua đời giữa nhiệm kỳ 13.

Bài viết đặt các vấn đề, một là, cải cách "từ bên trên" đã rất cấp thiết nhưng bị trì hoãn ? Hai là, những thách thức và triển vọng cuộc cải cách lần này thế nào ? Ba là, tân Tổng bí thư Tô Lâm thích hợp thế nào với cải cách ? Bốn là, liệu cuộc cải cách này có bền vững ?

I. Cải cách "từ bên trên" đã rất cấp thiết nhưng bị trì hoãn ?

Đúng vậy, cải cách thể chế "từ bên trên" đã rất cấp thiết từ thực tế sau 30 năm tiến hành Đổi mới, nhưng đã bị trì hoãn bởi tư duy giáo điều chủ nghĩa xã hội và sự lo ngại "Loạn mười hai sứ quân" [1] hủy hoại sự thống nhất của Đảng.

Chế độ chính trị của Việt Nam, do Đảng cộng sản Việt Nam (Đảng) lãnh đạo, là một kiểu chủ nghĩa toàn trị, chịu ảnh hưởng sâu sắc từ lịch sử chế độ tập quyền phong kiến và giành độc lập dân tộc đồng thời với sự thăng trầm mô hình toàn trị thế kỷ 20 của Liên Xô. Tiếp theo, Việt Nam lại bị cuốn theo sự thay đổi mạnh mẽ của mô hình toàn trị kiểu Trung Quốc… Sau gần 40 năm, từ 1986 đến nay, đường lối Đổi mới của Đảng với phương châm "từ dưới lên", cấp cơ sở và về kinh tế, nhưng khi sự suy thoái lớn dần, nguy cơ khủng hoảng ngày càng lớn bởi những mâu thuẫn chủ yếu giữa "hạ tầng cơ sở" và "thượng tầng kiến trúc" ngày càng trầm trọng… Tuy nhiên, cải cách "từ bên trên" đã được" ấp ủ" từ lâu nhưng sẽ vô cùng thách thức, kiểu như "ta đánh ta", đòi hỏi điều kiện cần và đủ, trong đó có việc nắm bắt thời cơ. Xin nêu hai trường hợp điển hình minh họa.

Thứ nhất. Cách đây hơn bảy năm, ngày 19/2/2017, báo Công an Nhân dân có bài viết của Tiến sĩ Lê Kiên Thành, con trai của cố Tổng bí thư Lê Duẩn (1907-1986) – nhà lãnh đạo quyền lực nhất trong gần 30 năm trước Đổi mới. Bài viết có tựa đề "Nghĩ về cuộc đổi mới lần thứ hai" [2] được coi là một chỉ dấu thay đổi nhận thức về "quan điểm cải cách và dân chủ", lần đầu tiên xuất hiện trên cơ quan ngôn luận của ngành công an. Sau đó Đài tiếng nói Hoa Kỳ (VOA) đã thực hiện cuộc phỏng vấn [3] với nhà báo Nguyễn An Dân làm rõ thêm một số chi tiết liên quan tới bài viết trên. Qua đó, một số điểm đã được làm sáng tỏ hơn. Trước hết, bài báo của ông Lê Kiên Thành cho thấy "lực lượng công an đang kêu gọi đổi mới" vì tờ báo Công an Nhân dân là cơ quan ngôn luận của ngành công an. Ngoài ra, đối với xã hội, nó cho thấy xu hướng đề kháng lại ảnh hưởng của Trung Quốc đối với Việt Nam, đó là xu hướng cần phải được thúc đẩy ở trong Đảng". Cũng theo ông Dân, đứng đầu ngành công an hiện nay là tướng Tô Lâm, đứng đầu lực lượng vũ trang hiện nay là chủ tịch nước Trần Đại Quang, là hai người có xu hướng "thân Mỹ" bên cạnh một số ủy viên Bộ Chính trị khác, thế nên việc ngành công an "bắt đầu chuyển hóa là điều tôi không ngạc nhiên".

Về nội dung chủ yếu của bài viết "Sau 30 năm, nghĩ về cuộc đổi mới lần hai", ông Lê Kiên Thành cho rằng cuộc đổi mới "từ bên dưới" thực ra là "tự cho phép mình làm những điều mà vì lý do gì đó mình đã không dám làm, vì lý do gì đó, mình đã tự cấm đoán mình". Và rằng "chủ nghĩa tư hữu hàng ngày hàng giờ đẻ ra chủ nghĩa tư bản" và "hiểu theo cách đó, thì thừa nhận kinh tế thị trường và cho phép nó tồn tại cũng có nghĩa là chúng ta cho phép sự tư hữu, nghĩa là cho phép chủ nghĩa tư bản hàng ngày hàng giờ nảy sinh trong lòng đất nước xã hội chủ nghĩa này". Trong khi đó những doanh nghiệp nhà nước "đã và đang trở thành khối ung nhọt đáng sợ nhất của nền kinh tế, nơi mà thất thoát, lãng phí, sự tha hóa và tham ô đều là lớn nhất"… và là "gánh nặng khủng khiếp của nền kinh tế và làm nền kinh tế thị trường của chúng ta bị méo mó, biến dạng vì tư duy kinh tế độc quyền, không lành mạnh". Ngoài ra, ông Thành cũng ‘phê phán’ sự giáo điều về "định hướng xã hội chủ nghĩa" là "chưa rõ ràng" gây ra những tiêu cực. Hơn thế, ông đánh giá rằng chính nhóm lợi ích là rào cản của cuộc đổi mới lần hai, và chính những bất cập về thể chế tạo ra lợi ích nhóm. Đồng thời ông ấy đưa ra cảnh báo rằng một bộ phận bảo thủ trong đảng, "vừa có tiền vừa có quyền…, được hưởng lợi từ cơ chế quản lý hiện tại, "chiếm tỷ lệ chừng 1/3 tổng số đảng viên" sẽ chống lại, nhưng ông Thành tin rằng dù "sẽ khó khăn hơn" nhưng "nhưng bằng cách này hay cách khác Đổi mới lần này… sẽ được ủng hộ".

Bối cảnh của bài viết là ông Nguyễn Phú Trọng đã sử dụng "trường hợp đặc biệt" vì quá tuổi theo quy định để tiếp tục nắm chức Tổng bí thư trong nhiệm kỳ thứ hai (2016-2021) trong cái gọi là cuộc cạnh tranh ‘sóng gió’ trong nội bộ đảng với ông Nguyễn Tấn Dũng khi đó là Thủ tướng Chính phủ. Cạnh tranh quyền lực có thể tạo "khe cửa hẹp" cho sự cởi mở đối với xã hội và, đó là lý do bài báo được công bố trên trang báo chính thống của nhà nước.

Ngoài ra, nếu ‘tiết lộ’ của nhà báo Nguyễn An Dân có dù chỉ ‘một phần sự thật’ hoặc suy đoán cá nhân thì tính thời sự của bài báo do tiến sĩ Lê Kiên Thành sẽ còn ‘nóng’ hơn trong bối cảnh hiện nay khi ông Tô Lâm lên thay "bất ngờ" cố Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng qua đời giữa nhiệm kỳ thứ ba. Nhiều sự kiện, nhiều biến động ‘rung động’ về nhân sự đi kèm với suy đoán và thuyết âm mưu, nhưng yếu tố "bất ngờ’ dần được giải mã rằng sự kế vị này dường như đã có sự chuẩn bị từ trước đó cả thập kỷ !

Thứ hai. Mới đây, ngày 3/11/2024 bảy tổ chức xã hội dân sự trong nước và 32 cá nhân đồng ký thư kiến nghị [4] gửi Tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam, Quốc hội, Chủ tịch nước và Thủ tướng, trong đó kêu gọi xây dựng một lộ trình Đổi Mới lần thứ hai về chính trị sau Cải cách kinh tế năm 1986, gồm các chương trình hành động cụ thể với mục tiêu thời gian thực hiện rõ ràng để "tạo điều kiện cho công chúng và các tổ chức xã hội có thể giám sát, ủng hộ và đồng hành cùng chế độ trong quá trình Đổi Mới". Ngoài ra, các nhân sĩ trí thức trong kiến nghị thư cũng đồng thời kêu gọi Chính phủ tôn trọng cam kết về quyền con người, rà soát và sửa đổi các quy định vi hiến và vi phạm cam kết quốc tế, cũng như cải cách hệ thống bầu cử để bảo đảm tính công bằng và minh bạch.

Như thường lệ, những thư kiến nghị với chủ đề như vậy sẽ không được phản hồi. Có thể lần này có những lý do riêng để không ‘hồi đáp’, chẳng hạn do đặc thù về "sự tiếp quản" cương vị Tổng bí thư đảng và thời gian quá ngắn để có thể cụ thể hóa thành chương trình tổng quát. Tuy nhiên, điều chính yếu là từ bản chất của chế độ, theo đó chế độ toàn trị Đảng, nhà nước luôn quản lý, kiểm soát ‘dân chủ’ nghiêm ngặt từ cơ sở, "từ sớm từ xa" ngăn cản các quyền tự do cơ bản, được hiến định nhưng không áp dụng thực tế theo quy định của Đảng.

Kết luận khái quát của phần một này là dưới chế độ toàn trị bởi Đảng cộng sản mọi cải cách từ nhỏ đến lớn phải diễn ra "từ bên trên", "bên trong" và quá trình dân chủ hóa ở Việt Nam là con đường dài đầy cam go ở phía trước. Tuy nhiên, liệu lần cải cách lần này có là một bước tiến nhanh hơn trên con đường này.

caicach2

Một người đàn ông đang nhìn một chiếc xe đạp cũ từ thời bao cấp được trưng bày ở bảo tàng tại Hà Nội hôm 15/8/2006 - AP Photo/Tran Van Minh

II. Những thách thức và triển vọng cuộc cải cách lần hai thế nào ?

Không có "Đổi mới lần 2", lần này chỉ là cải cách, tập trung vào cải cách thể chế để thúc đẩy kinh tế, nhấn mạnh cải cách "từ bên trên", nghĩa là sẽ không có "thay đổi lớn" hay mang tính "bước ngoặt" về quan điểm, đường lối chính sách và không "toàn diện" như đã từng cách đây 40 năm. Tuy nhiên, với tính chất "từ bên trên" lần cải cách này sẽ "mạnh mẽ", có ý nghĩa quan trọng tiếp nối một nửa câu chuyện cải cách "từ bên dưới" trong suốt từ 1986 đến nay, và sẽ "đụng chạm" đến lợi ích của bộ phận quan chức của hệ thống chính trị.

Nếu Đổi mới tránh cho chế độ rơi xuống bờ vực sụp đổ, thì lần cải cách này nhấn mạnh vào thịnh vượng về kinh tế. Nếu trong Đổi mới giới lãnh đạo khó khăn ‘vượt qua chính mình’ để có thể ‘nhất trí’ đưa ra quyết định tại Đại hội 6, thì cải cách lần này, như đã nêu ở phần một, khởi xướng từ "lực lượng công an" đứng đầu là tân Tổng bí thư Tô Lâm và, như ông Tô Lâm khẳng định, Đại hội 14 dự kiến tổ chức vào đầu năm 2026 sẽ là dấu mốc cho kỷ nguyên mới.

Trước hết, thách thức lớn nhất đối với cải cách "từ bên trên" là một phần ba (1/3), như ông Lê Kiên Thành ‘ước tính’ và đã được nêu trong phần một (*), số quan chức "bảo thủ" với vỏ bọc ý thức hệ và sự chuyên chế nhà nước, hưởng lợi quyền và tiền từ những bất cập thể chế. Nhiều thể chế đã lạc hậu, không còn đáp ứng thực tế sinh động nhưng bị họ cản trở cải cách dưới các chiêu trò với các biểu hiện tinh vi. Nói khái quát, động lực của Đổi mới đã bị triệt tiêu.

caicach3

Một người bán hàng rong trên đường phố Hà Nội dịp Halloween hôm 29/10/2024. Nhac Nguyen / AFP

Các nhà quan sát đã chỉ ra rằng Việt Nam đang ở vào giai đoạn thoái trào của chu kỳ phát triển, trong đó tăng trưởng GDP cao nhưng trồi sụt và đã giảm tốc sau mỗi thập kỷ. Gắn liền với xu hướng này là vấn nạn tham nhũng ngày càng nghiêm trọng và lan rộng, hậu quả là cả hệ thống chính trị, bộ máy lãnh đạo và quản lý trì trệ, đạo đức quan chức xuống cấp… Đảng cộng sản Việt Nam không thể buông bỏ mô hình phát triển kiểu Trung Quốc [5]. Tuy nhiên, sự níu kéo bởi thức hệ chủ nghĩa xã hội giáo điều và hệ thống tuyên truyền độc quyền, lạm dụng chính trị ký ức và ‘say sưa’ thành tích tăng trưởng, xóa đói giảm nghèo… khiến cho tình hình trở nên tồi tệ và nguy cơ tụt hậu lớn dần. Các nhà lãnh đạo vẫn tô hồng : "Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay" [6]. Đồng thời với niềm tin ý thức hệ duy ý chí được đẩy lên như một thứ tôn giáo chính trị thì xã hội dân sự, các cá nhân dần bị kiểm soát nghiêm ngặt. Xã hội trở nên ngột ngạt, từ biểu đạt đến hành vi một bộ phận dân cư bị quy chụp, bị ‘điều chỉnh’ thông qua cưỡng chế và tuyên truyền.

Có thể ý tưởng về cải cách "từ bên trên" được "ấp ủ" từ lâu, như bài viết của ông Lê Kiên Thành được ‘tung lên’ báo Công an nhân dân [7] từ hơn bảy năm trước, nhưng "chương trình hành động cụ thể với mục tiêu thời gian thực hiện rõ ràng" như kiến nghị của "bảy câu lạc bộ và 32 cá nhân" là không thể. Qua các bài viết, các phát biểu chỉ đạo, các buổi làm việc với các cơ quan trong hệ thống chính trị của tân Tổng bí thư Tô Lâm từ khi ông nhậm chức, rất khẩn trương như ông ấy nói "vừa chạy vừa xếp hàng", hy vọng quan điểm, chính sách tổng quát có thể đưa vào Văn kiện Đại hội 14 sắp tới. Lúc này, một số điểm chính, theo tôi, sẽ là :

Một, "Kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình" để phát triển, vượt qua giai đoạn "trì trệ" của bộ máy ;

Hai, "Đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo của Đảng…" [8] là phương châm hành động ;

Ba, nội dung chủ yếu [9] của cải cách "từ bên trên" để bước vào kỷ nguyên mới gồm bảy nhóm giải pháp chính sách : Về cải tiến phương thức lãnh đạo của Đảng ; Về tăng cường tính đảng trong xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền Xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân ; Về tinh gọn tổ chức bộ máy hoạt động hiệu lực, hiệu quả ; Về chuyển đổi số ; Về chống lãng phí ; Về công tác cán bộ ; Về kinh tế ;

Bốn, một trong mục đích cải cách là hướng đến bộ máy Đảng là "Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả" [10] ;…

Có vô số những điều cần bàn thảo để có thể thiết kế một chương trình cải cách cụ thể. Ngay cả đối với Đổi mới năm 1986 cũng chỉ được coi là "chủ trương" hay "đường lối" của Đảng, nghĩa là ý định, quyết định về đường lối, phương hướng hành động, trên cơ sở đó các chính sách, pháp luật được xây dựng, cụ thể hóa. Cuộc cải cách lần này sẽ nhấn mạnh ý định sự ‘nâng cấp’ về thể chế, sự quyết tâm thực thi chính sách, pháp luật, trong đó trọng tâm là phương pháp lãnh đạo của Đảng. Tuy nhiên, bài học lớn nhất sau 40 năm Đổi mới cần được đúc rút cho lần cải cách này để có thêm hy vọng, đó là triết lý và nguyên tắc cải cách là kiểm soát quyền lực mà nếu xa rời nó thì kết quả sẽ không bền vững, chỉ nhất thời.

Để lý giải nhận định này xin khái quát về "cuộc cách mạng thầm lặng" của Đặng Tiểu Bình, nó vẫn mang tính thời sự cho mô hình Trung Quốc nói chung và Việt Nam nói riêng. Như đã biết, sau khi Mao Trạch Đông qua đời năm 1976, Đặng Tiểu Bình đã tiến hành cuộc cải cách gồm bốn điểm chính. Một là, ông ấy đã thay thế chế độ cai trị độc đoán cá nhân bằng nguyên tắc lãnh đạo tập thể như thường vụ Bộ chính trị hay Bộ chính trị ; Hai là, bãi bỏ sự sùng bái cá nhân và thay thế bằng một triết lý thực dụng : "Tìm kiếm sự thật từ thực tế". Ba là, việc giới hạn nhiệm kỳ và thể chế hóa sự kế nhiệm được xác lập. Mỗi nhà lãnh đạo đảng cấp cao chỉ được phục vụ hai nhiệm kỳ liên tiếp, tổng cộng là 10 năm, và sau đó trao quyền cho người kế nhiệm. Bốn là, chế độ nghỉ hưu bắt buộc được quy định, nhấn mạnh rằng các công, viên chức quá một độ tuổi nhất định phải từ chức và nhường chỗ cho những người còn đủ tuổi theo tiêu chuẩn… Bản thân Đặng Tiểu Bình được cho đến cuối đời vẫn tránh được ‘căn bệnh thành tích’ của chủ nghĩa toàn trị, mặc dù ông là người có công lớn đã đưa Trung Quốc đến thịnh vượng. Lưu ý rằng, đồng thời với phát động cải cách ông Đặng cũng đã chỉ đạo đàn áp dã man cuộc biểu tình của sinh viên đòi dân chủ ở quảng trường Thiên An Môn năm 1989.

caicach4

Ông Đặng Tiểu Bình (88 tuổi, ở giữa) nói chuyện với Tổng bí thư Dương Trạch Dân tại Đại lễ đường nhân dân ở Bắc Kinh hôm 19/10/1992. Xinhua via AP, File

Các nguyên tắc này vận hành đúng qua bốn thế hệ lãnh đạo cho đến khi Tập Cận Bình lên nắm quyền tại Đại hội 18 Đảng cộng sản Trung Quốc năm 2012… Ông ta đã phá vỡ các chuẩn mực trên, tiếp tục giữ tổng bí thư ở nhiệm kỳ thứ ba, viết lại lịch sử, thay đổi hiến pháp để có thể cai trị trọn đời… Giới quan sát đang chứng kiến sự vận hành theo chu kỳ thịnh suy của chế độ tập quyền nói chung và mô hình toàn trị nói chung. Nếu coi ông Đặng Tiểu Bình là người mở đầu thì ông Tập Cận Bình có lẽ sẽ là người kết thúc chu kỳ với những dấu hiệu quay lại kiểu lãnh đạo dưới thời Mao.

Việt Nam dưới thời cố Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, mặc dù được ca ngợi là "Nhà lý luận xuất sắc, liêm chính của Đảng…" [11], nhưng dường như ông ấy đã "vi phạm" những quy tắc tự kiểm soát tha hóa quyền lực của chế độ tập quyền toàn trị khi vận dụng hai lần "trường hợp đặc biệt", quá tuổi và ba nhiệm kỳ, để níu giữ cương vị tổng bí thư đảng…

Ngoài cách Đảng "tự kiểm soát" quyền lực dưới chế độ toàn trị thì trên thế giới còn còn có nguyên tắc "kiểm soát và cân bằng quyền lực" trong chủ nghĩa tư bản, ở đó tự do thị trường tạo ra những động lực to lớn và sự sáng tạo thúc đẩy sự phát triển. Trong phần bốn (IV) những "quản trị quốc gia", "thị trường" và "dân chủ" trong trò ghép hình "thể chế bao trùm" cho "kỷ nguyên vươn mình" sẽ được phác họa.

caicach7

Tổng bí thư Tô Lâm phát biểu tại Quốc hội ở Hà Nội hôm 21/10/2024 - Nhac Nguyen / AFP

III. Tân Tổng bí thư Tô Lâm sẽ chỉ đạo cải cách thế nào ?

Trong phần ba (III) tập trung vào vai trò của người đứng đầu chế độ đảng trị trong vận hành cơ chế cũng như trong cải cách nói chung và ở Việt Nam nói riêng, hàm ý cho cuộc cải cách hiện nay để bước vào "kỷ nguyên mới". Câu hỏi ai là "kiến trúc sư" của cuộc cải cách được giải đáp, nhưng quan trọng hơn là làm rõ liệu tân Tổng bí thư Tô Lâm có là người phù hợp cho cuộc cải cách lần này hay không và sẽ chỉ đạo cải cách thế nào ?

Sau gần 40 năm Đổi mới, từ Đại hội 6 Đảng cộng sản năm 1986 đến nay, với quá trình chuyển giao qua các thế hệ Tổng bí thư : Nguyễn Văn Linh (1986-1991) ; Đỗ Mười (1991-1997) ; Lê Khả Phiêu (1997-2001) ; Nông Đức Mạnh (2001-2010) ; Nguyễn Phú Trọng (2011- 2024) ; Tô Lâm (8/2024 - ). Riêng ông Tô Lâm là người "tiếp quản" cương vị Tổng bí thư đảng theo một cách ‘đặc biệt’ khi người tiền nhiệm qua đời giữa nhiệm kỳ mà ‘chưa tìm được’ người kế vị ‘xứng đáng", chẳng hạn phải tuân theo một trong những tiêu chuẩn là "phải có lý luận" hay ưu tiên những cán bộ xuất thân và được thử thách từ hoạt động chuyên trách đảng, đoàn…

caicach8

Tô Lâm tại lễ tang Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng ở Hà Nội hôm 25/7/2024. Phạm Trung Kiên / Vietnam News Agency / AFP

Phần một (I) của bài viết ‘hé lộ’ tân Tổng bí thư Tô Lâm dường như có sự chuẩn bị "tinh thần" trước, cụ thể là đã "trăn trở" về sự cấp thiết phải cải cách thể chế, bởi vậy việc ông "tiếp quản" cương vị này từ người tiền nhiệm có thể đã gây ra những suy đoán về "sự tiếm quyền" hay "sự hoang tưởng" của cố Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng trong những năm tháng cuối đời… Lưu ý một số diễn biến chính sau đây. Ngày 19/7/2024 Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng qua đời. Trước đó, trong vòng hơn một năm, từ đầu năm 2023 đã xảy ra sự biến động nhân sự chóp bu "chưa từng thấy, chính trường chứng kiến bốn chủ tịch nước tuyên thệ, bảy ủy viên Bộ Chính trị bị thay thế, hàng trăm quan chức ‘chóp bu’, cấp cao phải ‘từ nhiệm’, kỷ luật, luân chuyển hay nghỉ công tác… Ngày 20/7 ông Tô Lâm, lúc đó là chủ tịch nước, được phân công "tạm quyền" cho đến 3/8/2024 được bầu bởi Ban Chấp hành Trung ương khóa 13. Từ đó đến nay ông Tô Lâm thể hiện vai trò ‘nổi bật’ của người đứng đầu trong quá trình khẳng định tính chính danh, cả ở trong và ngoài nước, từ việc thiết lập ekip quyền lực mới để củng cố vị trí, công du một loạt các nước, trong đó có Trung Quốc, Hoa Kỳ, Pháp… đến việc thúc đẩy chương trình nghị sự theo quy định của đảng nhưng biến "bình thường" thành "bất thường", nhanh chóng và đạt mục tiêu. Đồng thời, thông qua những bài viết, thể hiện phong cách cá nhân, ông Tô Lâm đề xuất một loạt vấn đề cấp thiết và quan trọng cho cải cách, trong đó nhấn mạnh về "kỷ nguyên mới" khởi đầu cho thời kỳ cầm quyền của mình…. Khái quát lại những ‘quyết định’, những động thái và qua các bài viết mang tính chỉ đạo của vị tân Tổng bí thư thể hiện ông ấy là nhà lãnh đạo thực tế và hành động, đủ bản lĩnh cho kỷ nguyên mới. Những thách thức và kỳ vọng được trình bày trong phần hai (II) cho thấy ông ấy đang "cưỡi trên lưng hổ" để tiến hành cuộc cải cách "từ bên trên", "từ bên trong".

Như đã biết, tại Đại hội lần thứ 6 Đảng cộng sản Việt Nam năm 1986 đường lối đổi mới được chính thức công bố và ông Nguyễn Văn Linh được bầu giữ chức Tổng bí thư Đảng và, dường như đương nhiên, mọi người công nhận ông ấy là "kiến trúc sư" của Đổi mới. Tuy nhiên, sau này các nhà viết sử ghi lại ‘những sóng gió’ bàn thảo trong nội bộ giới lãnh đạo Đảng để có đồng thuận "đổi mới" lúc bấy giờ, trong đó cố Tổng bí thư Trường Chinh (1907 - 1988) có vai trò quyết định [12]. Hiện nay, trong dư luận xã hội xuất hiện luồng ý kiến rằng "Kỷ nguyên mới" cần một lãnh đạo Đảng đủ bản lĩnh, thực tế và quyết đoán, Tổng bí thư Tô Lâm là người "phù hợp".

Tuy nhiên, việc ông Tô Lâm nắm quyền tối cao, từ cách thức đến xuất thân, của chế độ đảng trị đã tạo ra sự khác biệt với các thế hệ tiền nhiệm. Liệu đây có là biểu hiện của xu hướng thay đổi chung của các nhà độc tài ‘thế hệ mới’ thành cái gọi là những "nhà độc tài xoay chuyển" (Spin Dictators) [13] như các nhà nghiên cứu Sergei Guriev và Daniel Treisman giải thích về sự trỗi dậy của họ trong thế kỷ 21. Trong thế kỷ 20, Hitler, Stalin và Mao cai trị bằng bạo lực, sợ hãi và hệ tư tưởng gắn liền với khái niệm "kinh viện" về chủ nghĩa toàn trị (totalitarianism), chế độ toàn trị (totalitarian regime). Đó là "một hệ thống chính trị, một hình thức chính phủ cấm các đảng phái chính trị đối lập, coi thường các yêu sách chính trị của cá nhân và nhóm đối lập với nhà nước…" và "sử dụng hệ tư tưởng để kiểm soát hầu hết các khía cạnh của cuộc sống con người" [14]. Chủ nghĩa toàn trị là hình thức cực đoan của chủ nghĩa độc tài, trong đó mọi quyền lực chính trị xã hội đều do một nhà độc tài nắm giữ, người này cũng kiểm soát chính trị quốc gia và người dân…" [15]. Ngoài ra, các nhà độc tài của thế kỷ 20 thường biểu hiện hai mặt, một mặt, lý tưởng buộc họ rèn luyện tinh thần cách mạng và, mặt khác lại theo đuổi quyền lực "tuyệt đối" để có thể cai trị suốt đời và được sùng bái… Nghĩa là, việc trở thành nhà "lãnh đạo cách mạng" là thử thách nhưng một khi đã giành được thì sự tha hóa là khó tránh khỏi.

Xin nêu một điển hình. J. Stalin (1878-1953), người kế nhiệm V. Lênin, có nguồn gốc xuất thân phức tạp, được mô tả là "người Gruzia theo sắc tộc, người Nga theo sự trung thành, người quốc tế chủ nghĩa theo ý thức hệ, người Liên Xô theo quyền công dân". (Tên khai sinh là Ioseb Besarionis dze Jughashvili ; riêng cái tên Joseph "Stalin" do ông tự đặt và sử dụng chính thức từ năm 1912 trở đi, vốn bắt nguồn từ từ "thép" trong tiếng Nga, và nó thường được dịch giải là "Người đàn ông thép"). Stalin đã cầm quyền trong gần 30 năm cho đến khi chết và được "sùng bái" ngang hàng với những nhà sáng lập chủ nghĩa cộng sản…

caicach9

Khách hàng đứng cạnh các con búp bê truyền thống của Nga với hình của các lãnh đạo quốc gia như Tập Cận Bình, Putin, Stalin tại một cửa hàng ở Moscow hôm 22/7/2024. Alexander Nemenov / AFP

Quá trình giành quyền lực và lãnh đạo chế độ toàn trị của Mao Trạch Đông cũng tương tự về bản chất. Tuy nhiên, chế độ đảng toàn trị kiểu cũ dần thoái hoá, rơi vào khủng hoảng. Sau "Perestroika and Glasnost" (Cải tổ và Minh bạch) ở Liên Xô thất bại, hệ thống các nước xã hội chủ nghĩa tan rã năm 1991. Trung Quốc, sau cái chết của Mao Trạch Đông năm 1976, thực hiện "Cải cách và Mở cửa" với thế giới để trở thành mô hình khác… Các thế hệ lãnh đạo chế độ Đảng toàn trị đã thay đổi "thực dụng" hơn. Và, trong những thập kỷ gần đây, thế hệ "độc tài mới" đã sử dụng truyền thông để thiết kế lại chế độ độc tài cho một thế giới tinh vi hơn, kết nối toàn cầu. Hệ tư tưởng đã được "làm mới", việc đàn áp "thế lực phản động, thù địch" được nhân danh "pháp trị" và việc kiểm soát công dân bằng cách tuyên truyền bóp méo thông tin và mô phỏng các thủ tục dân chủ. Nghĩa là, xoay chuyển tình hình trong nền dân chủ, họ xoay chuyển tin tức để tạo ra sự ủng hộ…

Tân Tổng bí thư Tô Lâm khi lên cầm quyền đã thể hiện, bước đầu, là lãnh đạo "thực tế", ông đã nhận biết và khai thác các cơ hội cải cách, không nhắc nhiều về di sản của người tiền nhiệm mà tập trung vào hành động, đã tỏ ra "quyết đoán", nhanh chóng xây dựng êkip để bảo vệ quyền lực… Ông sử dụng quyền lực tuyệt đổi để thúc giục cả hệ thống chính trị "vừa chạy vừa xếp hàng" để bước vào kỷ nguyên mới. Tuy nhiên, "kỷ nguyên mới" là tương lai và, trước mắt, ông ấy vẫn phải đối diện nhiều thách thức. Hiển nhiên, không thể một mình cai trị, ông ấy phải giành được sự tin tưởng và sự "đồng cảm" của giới lãnh đạo, trong đó có khoảng "một phần ba" chống đối cải cách" [16], cố bảo vệ "lợi ích nhóm" hoặc bị níu kéo bởi di sản "tiền nhiệm". Ngoài ra, ông Tô Lâm cần phải "thuyết phục" giới tinh hoa bằng những quyết sách và chương trình cải cách rõ ràng để "nhân dân ủng hộ", nhưng liệu ông ấy có tiến hành ghép những mảnh ghép "quản trị quốc gia", "thị trường" và "dân chủ" trong trò ghép hình "thể chế bao trùm" cho "kỷ nguyên mới", kỷ nguyên phát triển bền vững thì còn phải chờ xem.

caicach5

Một người bán hàng rong đi qua trước cửa Nhà hát lớn ở Hà Nội hôm 24/10/2024 - Nhac Nguyen / AFP

IV. Liệu cuộc cải cách "từ bên trên" có bền vững ?

Vì thiếu tính "toàn diện" như cách đặt vấn đề Đổi mới 40 năm trước nên cuộc cải cách lần này khó tránh khỏi vấn đề về tính bền vững khi cải cách thể chế "từ bên trên" còn thiếu cơ sở lý luận dẫn dắt để thuyết phục hệ thống và giành sự ủng hộ của người dân. Ngoài ra, bối cảnh quốc tế và khu vực đang thay đổi nhanh và phức tạp cho việc vận dụng tư tưởng "thực dụng" trong cải cách lần này. Trong phần này một đề xuất được tập trung nhấn mạnh rằng cải cách "từ bên trên" phải hướng đến một chương trình nghị sự xây dựng thể chế bao trùm.

Ông Tổng bí thư Tô Lâm đề xuất "kỷ nguyên mới", trong đó tập trung vào cải cách thể chế ở Việt Nam đúng vào dịp giải Nobel kinh tế năm 2024 được trao cho ba giáo sư : Daron Acemoglu, Simon Johnson và James A. Robinson về những đóng góp của họ cho khoa học xã hội. Họ thực sự là các nhà kinh tế có ảnh hưởng nhất trên thế giới, trong đó Acemoglu và Robinson có lẽ được biết đến nhiều nhất qua cuốn sách Tại sao các quốc gia thất bại (được dịch ra tiếng Việt và xuất bản tại Việt Nam năm 2016), nó đã tóm tắt hiệu quả phần lớn những gì họ giành được giải thưởng. Hơn thế, các lý thuyết, nghiên cứu và khuyến nghị của ba nhà khoa học này đã tác động đến chính sách ở một số nền kinh tế dễ bị tổn thương nhất trên thế giới và đã được sử dụng để đảm bảo rằng các quốc gia thịnh vượng nhất trên thế giới vẫn được duy trì. Ba nhà khoa học này nhấn mạnh vai trò của các thể chế, thể chế bao trùm (inclusive) đối nghịch với khai thác (extractive), để phát triển quốc gia. Và, bài học quan trọng cần được rút ra cho Việt Nam để cải cách thể chế, "từ bên trên", là xây dựng thể chế bao trùm.

Ngoài các yếu tố phát triển "truyền thống" như tài nguyên thiên nhiên, vị trí địa lý hay quy mô dân số, thể chế bao trùm mới là yếu tố phân biệt các quốc gia giàu với các quốc gia nghèo, trong đó nhấn mạnh sự ổn định và độ tin cậy của các thể chế. Ở cấp độ cơ bản nhất, nền kinh tế chỉ là một hệ thống phân bổ nguồn lực hiệu quả giữa những người tham gia và cách tốt nhất để đảm bảo rằng những người tham gia cảm thấy có động lực tạo ra giá trị là họ được khen thưởng một cách đáng tin cậy cho những nỗ lực của mình. Nếu một nền kinh tế có đầy đủ các tổ chức được quản lý tốt, trung thực và hiệu quả, thì người dân, các nhà đầu tư tiềm năng, doanh nghiệp và chính phủ có thể làm việc để tạo ra giá trị, tự tin rằng khoản đầu tư của họ dưới bất kỳ hình thức nào sẽ không bị lấy mất. Từ góc độ chính sách công, đó là các trụ cột chủ yếu : quản trị quốc gia, thị trường và dân chủ, chúng được ví như những mảnh ghép "quản trị quốc gia", "thị trường" và "dân chủ" trong trong trò chơi ghép hình "thể chế bao trùm" mà cải cách "từ bên trên" để Việt Nam hướng tới "kỷ nguyên mới".

caicach6

Đường phố ở Thành phố Hồ Chí Minh hôm 7/12/2023. Nhac Nguyen / AFP

Tổng bí thư Tô Lâm đã khởi xướng "kỷ nguyên mới" cho giai đoạn cầm quyền của mình nhưng vẫn còn "rất mới" : mới đối với mọi người mặc dù bộ máy tuyên truyền đã nỗ lực ; mới đối với hệ thống chính trị mặc dù Tổng bí thư đã yêu cầu các quan chức, công chức trong các cơ quan của Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội, Uỷ ban mặt trận tổ quốc… ; Và, mới với cả giới tinh hoa khi các hội thảo dưới các hình thức vẫn liên tục được tổ chức. Mới đây, ngày 15/11/2024, một sự kiện có liên quan được chú ý tại Hà Nội, Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương chủ trì, phối hợp với Bộ Biên tập Tạp chí Cộng sản tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia "Kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam - Những vấn đề lý luận và thực tiễn" [17]. Trong đó, đề dẫn hội thảo nhấn mạnh "vấn đề Kỷ nguyên mới" là "chủ trương, định hướng mới, có tầm chiến lược phát triển đất nước…" là "tư tưởng của Tổng bí thư Tô Lâm đã được Hội nghị lần thứ 10 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII thống nhất khẳng định" và "cần được đưa vào Văn kiện Đại hội XIV…" Nhận thức, ít ra về mặt hình thức nhưng chính thức, cần được "toàn đảng" đồng thuận !

Trong hội thảo nêu trên mặc dù có nhiều tham luận và ý kiến phát biểu, nhưng tiếc rằng hoặc vì lý do tế nhị mà bối cảnh tiếp quản cương vị tổng bí thư và nhận định về cá nhân người đứng đầu Đảng, trong đó tư tưởng thực dụng của ông ấy, coi trọng hành động thực tế, đã chưa được ‘thấu hiểu’ thoả đáng. Nhận định này đã được nêu trong các phần trước của bài viết, ở đây xin minh họa thêm qua hai bài viết về "Chống lãng phí" [18] và "Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả" [19]. Hai bài viết này liệt kê nhiều văn kiện, nghị quyết, chỉ thị của Đảng, luật và các văn bản dưới luật của Chính phủ, Quốc hội nhưng không lay chuyển được tình hình, những bất cập, hạn chế, "lãng phí" vô cùng lớn vẫn còn nhiều và kéo dài. Vấn đề ở đây phải tập trung vào khâu thực hiện, không chỉ tiếp tục cải thiện chính sách, luật pháp và thể chế để có tính khả khi, "hiệu năng - hiệu lực - hiệu quả", mà còn phải "đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo của Đảng", xây dựng bộ máy Đảng – Nhà nước "tinh - gọn – mạnh". Giới tinh hoa có vai trò quan trọng trong hoạch định chính sách, hãy "thay đổi tư duy" để giúp đảng và chính phủ.

‘Trò chơi ghép hình’ trong cải cách "từ bên trên" là rất phức tạp. Bài viết "Chống lãng phí" đang gây áp lực lớn không chỉ lên cả nền kinh tế và cả hệ thống chính trị mà còn cả đối với những cơ quan, tổ chức, cá nhân quan chức có liên quan trực tiếp. Chẳng hạn, hai bệnh viện Bạch Mai II và Việt Đức II với kinh phí hàng chục nghìn tỷ đồng, bỏ hoang cả chục năm nay toàn dân, cả xã hội đều biết, chẳng lẽ không có "thủ phạm" ? Tuy nhiên, Đại biểu quốc hội phát biểu với mỹ từ "đóng băng" [20] và "đề nghị rà soát, giải quyết ngay tình trạng". Chúng ta đang nói đến "công khai minh bạch và trách nhiệm giải trình", một nguyên tắc dân chủ cơ bản. Vấn đề "lãng phí" đã được Đảng "nhìn ra" nhưng chưa "nhìn thẳng" nếu cơ chế cụ thể, tức là thiết kế thể chế đi kèm thích hợp để thực thi nguyên tắc này một cách "hiệu năng - hiệu lực - hiệu quả".

Mong có cơ hội được bàn thảo nhiều hơn về các trụ cột của "thể chế bao trùm" nói chung và hàm ý cho cải cách "từ bên trên" để bước vào "kỷ nguyên mới" do ông Tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam Tô Lâm khởi xướng vì giới hạn bài viết không cho phép trình bày chi tiết. Tuy nhiên, xin nhấn mạnh rằng tư tưởng "thực dụng" của ông ấy sẽ là bước "đột phá" và, nếu đi kèm với các chính sách phù hợp hy vọng có thể tạo nên sự thay đổi nhất định, hoặc đặt nền móng cho các cải cách tiếp theo. Như đã nêu trong phần hai (II), xin lần nữa lưu ý rằng Đảng cộng sản Trung Quốc với tư tưởng thực dụng khởi xướng và chỉ đạo thực hiện bởi Đặng Tiểu Bình kèm theo với những chính sách mang tính cách mạng, trong đó có các cải cách "thầm lặng" về các nguyên tắc kiểm soát quyền lực đã tạo nên thành công kinh tế "kỳ diệu" và, ngược lại, nếu xa rời những nguyên tắc này, sự tồi tệ sẽ đến như những gì đang xảy ra dưới thời Tập Cận Bình.

Đảng cộng sản Việt Nam theo sau và không "buông bỏ" mô hình phát triển của Trung Quốc nhưng đã "thiếu" tư tưởng thực dụng "của riêng mình" để dẫn dắt chính sách cho thực tế đất nước, hậu quả là cơ hội bị bỏ lỡ và tình trạng tụt hậu… Hoạch định chính sách cho tư tưởng thực dụng "riêng" liệu có là thách thức không thể vượt qua ? Nhưng niềm hy vọng vừa loé lên, một kỷ nguyên mới ! Hãy thực tế và lạc quan như người ta thường tự động viên : Thà muộn còn hơn không !

Doãn An Nhiên

Nguồn : RFA, 23/11/2024

Tham khảo :

1. https://vi.wikipedia.org/wiki/Loạn_12_sứ_quân ;

2. https://cand.com.vn/So-tay/Sau-30-nam-nghi-ve-cuoc-doi-moi-lan-thu-hai-i422132/ ;

3. https://www.voatiengviet.com/a/keu-goi-doi-moi-lan-2-moi-man-cho-tran-chien-trong-dang/3733481.html ;

4. https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/people-call-for-second-reform-to-settle-obstacles-11052024051651.html?fbclid=IwY2xjawGhRGRleHRuA2FlbQIxMAABHdSwZnn5Xf4AMLyCFCCTvwBnbP3azCHZFwtVifF4xd00hQXJnVoiGKV-CQ_aem_0T9seQPLiElJGu4KupCijw

5. https://www.rfa.org/vietnamese/news/comment/blog/china-model-out-of-trend-what-lesson-for-vn-part-1-04162024111025.html ;

6. https://xaydungchinhsach.chinhphu.vn/dat-nuoc-ta-chua-bao-gio-co-duoc-co-do-tiem-luc-vi-the-va-uy-tin-quoc-te-nhu-ngay-nay-119240728083015243.htm ;

7. https://xaydungchinhsach.chinhphu.vn/tong-bi-thu-chu-tich-nuoc-to-lam-chu-tri-phien-hop-thu-tu-ban-chi-dao-tong-ket-40-nam-doi-moi-119240822101928001.htm ;

8. https://dangcongsan.vn/tieu-diem/bai-1-tiep-tuc-doi-moi-manh-me-phuong-thuc-lanh-dao-cua-dang-680651.html ;

9. https://tienphong.vn/noi-dung-chuyen-de-cua-tong-bi-thu-to-lam-ve-ky-nguyen-moi-ky-nguyen-vuon-minh-cua-dan-toc-post1687400.tpo ;

10. https://www.xaydungdang.org.vn/van-kien-tu-lieu/bai-viet-cua-tong-bi-thu-to-lam-tinh-gon-manh-hieu-nang-hieu-luc-hieu-qua-22014 ;

11. https://www.tapchicongsan.org.vn/web/guest/chinh-tri-xay-dung-dang/-/2018/945504/dong-chi-tong-bi-thu-nguyen-phu-trong---nha-ly-luan-xuat-sac%2C-liem-chinh-cua-dang.aspx.

12. Đồng chí Trường Chinh, tấm gương chiến sĩ cộng sản kiên cường, suốt đời phấn đấu vì lý tưởng cao đẹp của dân tộc và thời đại, Hòa Mạc, Tạp chí Cộng sản, ngày 29/9/2008 ;

13. https://press.princeton.edu/books/hardcover/9780691211411/spin-dictators?srsltid=AfmBOop6r5YJtCxP1N3w6WsKgtZg1PEnzECxS_J8OyBxdgbRpomvxc3F ;

14. https://en.wikipedia.org/wiki/Totalitarianism#:~:text=Totalitarianism%20is%20a%20political%20system,the%20private%20sphere%20of%20society ;

15. Conquest, Robert (1999). Reflections on a Ravaged Century. Norton. pp. 73–74. ISBN 0393048187 ;

16. https://cand.com.vn/So-tay/Sau-30-nam-nghi-ve-cuoc-doi-moi-lan-thu-hai-i422132/

17. https://www.tapchicongsan.org.vn/web/guest/thong-tin-ly-luan/-/2018/999602/ky-nguyen-moi%2C-ky-nguyen-vuon-minh-cua-dan-toc-viet-nam---nhung-van-de-ly-luan-va-thuc-tien.aspx ;

18. https://xaydungchinhsach.chinhphu.vn/chong-lang-phi-119241013164302062.htm ;

19. https://www.xaydungdang.org.vn/van-kien-tu-lieu/bai-viet-cua-tong-bi-thu-to-lam-tinh-gon-manh-hieu-nang-hieu-luc-hieu-qua-22014 ;

20. https://nhandan.vn/dai-bieu-quoc-hoi-de-nghi-ra-soat-giai-quyet-ngay-tinh-trang-2-benh-vien-nghin-ty-dong-bang-post844068.html ;

 

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Doãn An Nhiên
Read 73 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)