Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

28/08/2017

Đỗ Trường – kẻ không khoan nhượng với "bầy sâu đang khiêng nước Việt đi chôn"

Võ Thị Hảo

Ai còn hát ca trên đống xác người

Trước những xác người và hàng loạt khu dân cư cùng mồ mả ông bà tổ tiên người Việt Nam bị quật nát tan thành trăm ngàn mảnh bởi bàn tay tàn ác của vài chục kẻ điềm nhiên mở cống xả lũ mở bom nước thủy điện, ai đã cứu họ ? Ai giúp họ và ai khóc cho dân oan ?

dotruong1

Cảnh mở đập xả lũ "rợn tóc gáy" ở thủy điện Hòa Bình - Ảnh minh họa

Đếm xem có bao nhiêu người đã lên tiếng bảo vệ môi trường, vạch trần tội ác Formosa và tập đoàn quyền lực bảo kê cho chúng, ai khóc trên biển cá chết bởi những kẻ hạ độc đất nước ? Ai đã bảo vệ chủ quyền đất nước ? Ai đã dám công khai bày tỏ sự căm phẫn và hành động chống tham nhũng và sự xâm phạm quyền con người ?

Đếm xem có bao nhiêu người cầm bút và văn nghệ sĩ đã công khai phản đối, đòi lại công bằng cho những đồng bào đã bị tra tấn đến chết trong đồn tạm giam của công an ? Những ai đã lên tiếng vì đồng bào bị cướp đất đai thấm máu và mồ hôi đã bao đời lại còn bị chính quyền đổ tội gây rối trật tự công cộng và rơi vào vòng tù tội tan nát cả gia đình, khánh kiệt gia sản, con cái bị tước đoạt tương lai... ?

Những ai trong số những người hành nghề văn bút và xướng ca đã không thản nhiên tiếp tục tảng lờ, tiếp tục nhạt nhẽo ngâm vịnh chim hoa cá gái trong nhục nhã hoặc viết ra vô số trang quằn quại vờ vịt với những câu chuyện tình và kỷ niệm nhạt thếch, hoàn toàn dẫn dắt người đọc quên đi những sự thật đớn đau mà hễ làm người là có trách nhiệm phải quan tâm, phải trực diện lên tiếng và hành động để cải thiện hoàn cảnh... ?

Trải gần trăm năm dưới một thể chế độc tài cộng sản, khi những người có tài năng và dám có ý khiến khác với đám đông và nhà cầm quyền bị tẩy chay, bị bức hại về mọi mặt, bị loại ra dở sống dở chết ngoài lề xã hội đã khiến cho đa phần người cầm bút Việt Nam chọn cách hoặc cúi đầu im lặng nhẫn nhịn, dối trá hoặc thậm chí cầm vũ khí sốt sắng đứng vào đội quân văn bút hùa theo những kẻ có quyền lực và tiền bạc để sát thương nhân quyền của đồng bào mình.

Thực ra, Việt Nam tồn tại một rừng người quá lớn có đủ sự vô sỉ đề tiếp tục hát ca trên đống xác người. Tệ hơn, họ còn đắp chiếu, xịt nước hoa và tiếp tục làm dáng trên đống xác đồng loại ấy để lập danh, để hưởng lợi.

Ngày nay, với ứng dụng của thời đại Internet và điện thoại thông minh, không ai có thể khiến cho mọi người tin rằng anh ta hoặc chị ta không hay biết sự thật. Sự thật, những mảnh dính máu người, với thời thế giới phằng và Youtube, liên tục, chồng chất, dềnh lên tận bàn phím computer và điện thoại cầm tay mỗi người, cách con mắt của đa phần người Việt Nam, xa nhất cũng chỉ 30cm. Bởi vậy, không thể biện minh cho sự cơ hội và vô cảm. Và chính sự "can đảm vô biên" đến mức đủ sức làm dáng trên những đống xác đồng loại ấy đã khiến cho nhà cầm quyền độc tài không được thức tỉnh, không bị buộc phải lựa chọn và nhìn lại bản thân, không chịu cải cách thể chế, ngày một dấn sâu vào tham nhũng và khủng bố những người dám lên tiếng vì sự thật.

Cái sự can đảm làm dáng trên đống xác người ấy, lại càng đáng trách thêm ở những người Việt Nam đang sống và hưởng thụ những thể chế dân chủ và tự do thuộc hàng đầu thế giới, như tại Đức quốc chẳng hạn.

Bao người đã vờ vịt đấu tranh cho tự do và dân chủ tại nước này từ cách đây vài chục năm để được ở lại Đức. Nhưng sau khi được nước Đức giang vòng tay che chở cho ở lại, thì sau đó họ liền im lặng hoặc cơ hội che giấu cho tội ác, trái với tinh thần của nền dân chủ. Nhạt đạo của người cầm bút, đó là điều mà người Việt Nam giởi giang vô cùng. Họ có thể chia sẻ tiền bạc cho người thân, nhưng điều đáng chia sẻ nhất, động tác cơ bản nhất để cứu người thân và muôn người, là chia sẻ và bảo vệ nền dân chủ, thì người Việt Nam hầu hết không làm, thậm chí còn mạt sát, cô lập những người viết thật và nói thật.

Đủ vô sỉ để làm dáng và hát ca bên đống xác người. Sự nô lệ và cơ hội trong hành xử của người Việt Nam, ngay cả ở những người có dính dáng đến văn chương báo chí và nghề ca xướng khiến cho nhiều bạn đọc không khỏi ngạc nhiên và hổ thẹn thay cho giới cầm bút.

Tình trạng đó khiến cho những người cầm bút chính trực, ngay cả tại nhiều nước dân chủ, như nước Đức, vẫn phải chịu nhiều sức ép tinh thần từ cộng đồng Việt kiều và người thân, chưa kể thậm chí còn bị đe dọa khủng bố và bắt cóc, nhất là sau vụ phóng viên báo "Thoibao.de" tại Berlin bị đe dọa.

Nhưng may thay, vẫn còn, dù ít ỏi, những người viết đủ dũng khí để ném vào cái đống chiếu rách phủ xác người và phun nước hoa ấy những dòng chính trực.

Đỗ Trường là một trong số ít những cây bút chính trực tại Đức quốc.

Không khoan nhượng

Với Đỗ Trường, tham gia viết truyện ký hoặc cảm nhận văn học và cuộc sống chỉ là trực ngôn của một kẻ "giữa đường thấy việc bất bằng chẳng tha", theo kiểu Lục Vân Tiên giữa đường đánh cướp. Kiều Nguyệt Nga của anh ta không liên quan gì đến gái đẹp, mà đó là những bất công, những oan khuất gây khổ nạn gần trăm năm chưa dứtvới đồng bào Việt Nam mà trên bước đường mưu sinh, anh ta đã chứng kiến, trải nghiệm.

dotruong0

Đỗ Trường – kẻ không khoan nhượng với "bầy sâu đang khiêng nước Việt đi chôn"

Nghề kinh doanh và sự an lành của Đức quốc đã không khiến được Đỗ Trường nhạt đạo làm người.

Bởi thế, nghiệp văn chương bỗng một ngày buộc trói anh ta. Đầu tiên là những dòng tản văn còn thô mộc, rồi là những truyện ký ghi lai những kỷ niệm, xúc cảm phần lớn là do anh trải nghiệmvà ăn sâu vào ký ức, đến mức không thể không viết ra như một sự giải tỏa bi phẫn.

Đầu tiên cũng chỉ là những cảm nhận về văn chương của bạn bè và cộng đồng người Việt Nam tại Đức, trong đó có một số bài viết theo lối phê bình giao đãi, động viên người cầm bút là mục đích chính. Nếu chỉ dừng lại ở đó, sẽ không có Đỗ Trường của ngày hôm nay, một người phê bình có dũng khí, sẵn sàng làm đau mình để cất lên những lời nói thật, dám gọi thẳng tên sự dối trá, để không hổ thẹn với một kiếp làm người.

Rồi càng dấn thân vào rừng văn bút, Đỗ Trường càng được thức tỉnh và càng sắc sảo trong việc phân biệt thật giả, cảm nhận văn chương, quan tâm đến những bi kịch của người Việt Nam và đất nước. Đó là khi Đỗ Trường lớn lên, bước vào hàng ngũ của những cây bút dấn thân cho sự thật và công lý.

Khi đó, văn của Đỗ Trường có mãnh lực, tạo được xúc cảm cũng như dư âm lâu dài trong người đọc.

Từ chỗ bất đắc dĩ,chỉ bật lên tiếng kêu bi phẫn trước những mảnh vụn bất công ngang trái, Đỗ Trường đã trưởng thành thêm và dứt khoát lựa chọn đường đi cho mình. Khi đã đi đường ấy, là nhận rất nhiều thiệt thòi và chông gai...

"Ải Nam Quan đã mất, giặc Tàu chiếm Hoàng Sa và đang nuốt Trường Sa. Nếu ví đất nước là một con tàu, đường đi ra biển đã bị cắt. Những Boxit, PMU 18, Vinashin.., thu hồi, cưỡng chế đất đai và dân oan tràn về Hà Nội như khối ung nhọt chọc thủng thân tàu. Bão và giông tố che kín bầu trời...

...Vâng, sự dối trá, lưu manh đểu cáng ấy, như những ngọn roi quất vào tấm thân gầy của mẹ, để bầy con nháo nhác lạc đàn. Bảy mươi năm trường, ...cả đất nước chờ một lời nói thật. Nhưng những Văn Giang, Tiên Lãng, Cồn Dầu… vẫn hộc lên những tiếng rên xiết ngút trời..." (Đỗ Trường – Tổ quốc nhìn từ hai bài thơ của Nguyễn Khoa Điềm và Trần Mạnh Hảo, trong cuốn "Từ Hộ chiếu buồn đến Đau thương hành" - nhà xuất bản Vipen- 2015).

"...Cứ ông nào dính cán bộ, không còn riêng nữa mà kéo theo cả gia đình, dòng họ đều giầu có , hống hách, ngang tàng. Ăn cắp, ăn cướp,đục khoét hối lộ đã được tôn lên một cách trơ trẽn văn hóa phong bì, văn hóa quốc gia. Những mua danh bán tước, những bè cánh lợi ích, gia đình trị được che đậy bởi những mỹ từ, hạt giống đỏ, truyền thống cách mạng...Vâng, chính bầy sâu ấy đang nắm vận mệnh của chúng ta và chúng đang khiêng nước Việt đi chôn...". Đỗ Trường viết những dòng này ngay từ năm 2013. Trong tác phẩm "Từ Hộ chiếu buồn tới Đau thương hành", anh đã lên tiếng bi phẫn da diết về đại dịch xuất phát từ thể chế độc tài toàn trị đang tàn phá đất nước như vậy.

Nỗi đa đoan thế sự ấy nổ tung từ trong tâm tưởng của một kẻ ngày ngày lặng ngắm bóng mình bên quán bia gia đình, vừa âu yếm lưu luyến vừa nguyền rủa sự tĩnh lặng khác thường của nó. Anh ta ngắm đời mình và những phận người Việt Nam dù trong quốc nội hay ngoài biên ải trong đôi mắt đỏ hoài niệm đớn đau của những kẻ phải trọn kiếp lưu vong dù ở ngoại quốc hay ngay trên thịt da đất nước, chỉ bởi "cả một bầy sâu đang khiêng nước Việt đi chôn...".

Ở "Tổ quốc tôi như một con tàu mắc cạn", Đỗ Trường đã rất thẳng thắn và dũng cảm khi trực diện lên tiếng về tình trạng lòng người ly tán, giả tạo ngay cả ở nước ngoài như Đức :

"Phải nói chưa bao giờ lòng người ly tán như hiện nay. Sư kêu gào đoàn kết, xóa bỏ thành kiến, tư tưởng dường như mang nặng tính giả tạo. Cái sự ly tán, giả tạo ấy không chỉ thấu trong trước mà ngay trong cộng đồng người Việt, cùng sống trên nước Đức tự do, dân chủ này. Nó thể hiện rất đậm nét trong cuộc biểu tình chống Trung Quốc (ngày 11/5) của người Việt ở Berlin... Khi xem clip của anh Phạm Đăng Hiếu với cái tựa : nhà thơ thế Dũng bị ban tổ chức ngăn cấm đọc :

"Mẹ Việt Nam- Không chỉ nhìn ra biển

Đau đớn nhìn những thủ lĩnh tối cao hết đát

Thầm ghi khắc từng dòng bí sử

Trong thâm cung nhơ nhớp một bầy sâu..."

(thơ Thế Dũng - một bài thơ rất hay mang tên "Mẹ Việt Nam- không chỉ nhìn ra biển"có những câu đầy chí khí như : "Ai đã bán chui biên thùy bằng những mật ước, Ai đã bán vụng lãnh hải Tổ quốc trong những canh bạc độc tài..., Hãy cảnh giác Bắc triều, bao nguyên khí quốc gia đã bị hủy hoại trong ngục..." - người viết)

Trong cuộc biểu tỉnh chống Trung Quốc ở Berlin ngày 11/5/2014, tôi không khóc như anh Tùng Dương trên Facebook, nhưng đau và cảm thấy nhục. Cái đau đó không riêng ai. Mà đó là nỗi nhục cho cả dân tộc Việt, trước hàng ngàn con mắt người ngoại quốc...Trong cái u tối, cuồng tín của những kẻ đội lốt trí thức này, chắc chắn không riêng gì cộng đồng người Việt sống trên nước Đức, mà thân gầy đất mẹ cũng hằn lên những vết nhơ, nước biển Đông không bao giờ rửa sạch...".

Cả đất nước vẫn chờ những lời nói thật

Vẫn là Đỗ Trường :

"Từ lâu chúng ta có những quan niệm, hoặc những khẩu hiệu kỳ quặc : Yêu chế độ tức là yêu nước, yêu nước tức là yêu chế độ. Phê phán, góp ý cho là nói xấu đất nước, nói xấu Tổ quốc, nặng nữa gán nghiến cho cái cái tội phản động.

Tại sao chúng ta cứ nhập nhằng lẫn lộn khái niệm Tổ quốc và chế độ là một. Tổ quốc, quê hương ai mà chẳng yêu, chẳng thương, chẳng nhớ, nhưng yêu hay chán ghét chế độ lại là chuyện khác ("Không cảm thấy tự hào khi tôi là người Việt").

"...Vâng ! Nhân cách con người là sản phẩm của chế độ xã hội đương thời. Một xã hội giả tạo với những cơn lên đồng bệnh hoạn này, ai sẽ giữ lại được linh hồn đích thực của kẻ sĩ ? (Cờ đỏ và nhân cách thời nay).

...Có lẽ chẳng còn gì bi hài hơn, giữa thành phố Sài Gòn tráng lệ, người ta bắt gặp hình ảnh bệnh nhân nhi phải bò từ gầm giường ra để chào bà bộ trưởng y tế. Không biết trong đầu bà bộ trưởng khi đó nghĩ gì, nhưng nhìn mặt bà vẫn thấy tươi rói. Tôi thấy nóng mặt, nhưng ông phó cối hàng xóm nhà tôi, người đã trải qua ba cuộc chiến bảo :

- Ông buồn cười thật, người chui gầm giường có phải con cháu bà ấy đâu mà bắt mặt bà ấy đổi sắc. Con cháu những người có quyền nhiều tiền, gửi hết sang mấy thằng tư bản đang giãy chết từ lâu rồi.

Vâng ! Sự ngoảnh mặt quay lưng ấy với đồng loại, không còn ở mức độ vô cảm nữa, mà nó đã trở thành tội ác. Ở đâu tôi không biết, nhưng ở Đức tôi bắt gặp những cậu ấm cô chiêu (từ Việt Nam) sang du học con của các quan chức cao cấp nhà nước, xả tiền như nước. Trong khi các cháu học sinh miền núi, không có cái ăn cái mặc, nơi ở và trường học nhìn vào như một cái chuồng trâu rách, dưới cái rét cắt da cắt thịt. Vậy mà ông bộ trưởng giáo dục vẫn thao thao bất tuyệt báo cáo thành tích của bản thân và của ngành, kể cũng lạ, cũng kiên cường, thần kinh thép. Nếu là người thần kinh bình thường có lẽ họ từ chức từ lâu rồi (Những đứa con lạc loài - Đỗ Trường).

"Sau cái chết và lễ tang cụ Võ Nguyên Giáp, một nhóm, trong đó có cả một số nhà thơ tên tuổi, phát động, cùng nhau làm thơ, viết thơ về cụ Giáp. Tôi vui, buồn lẫn lộn, nhưng ông bạn nghiên cứu triết của tôi bảo, thơ ca gì, đọc lên sao thấy nó giống như dàn kèn, tụng ca vua chúa thời phong kiến vậy… Và không hiểu sao, dạo này các bác hay đùa dai đến thế : Cứ bảo, cụ Giáp về với dân. Về với dân có nghĩa là như các bậc tiền nhân, sau khi hoàn thành nhiệm vụ, dám từ bỏ quyền lực, trở về ngôi nhà cũ của gia đình dòng họ và làm lại đúng cái nghề gõ đầu trẻ của mình. Chứ ai lại về với dân, mà sau khi thắng giặc, cụ ngự Villa to vật vã giữa lòng thủ đô. Không phải ai muốn gặp cụ cũng được. Khi mất, lăng mộ cụ lại ngự nơi được cho có phong thủy đẹp, lưng là núi mặt tiền là biển và dường như có cả lính túc trực ngày đêm ? Vậy là xa dân, chứ làm sao có thể nói, cụ gần dân, về với dân. Thôi thì, cụ cứ nằm chung với các đồng chí của mình giữa thủ đô, có người chăm sóc luôn thể, có khi lại giản dị, đỡ tốn kém hơn.

Vâng ! Người có công với chế độ như cụ Giáp, được hưởng thụ ở mức "đại Nhà Thờ, đại Tôn Đản" là điều đương nhiên, khỏi bàn cãi. Nhưng các bác cứ cố gò ép, cụ về với dân, quả thật nó vênh, tội và oan cho dân lắm.

Có lẽ, do quá yêu quí cụ, nên nhiều người, trong đó có cả những nhà văn, trí thức cho rằng, cụ Giáp không vướng vào những sai lầm cải cải cách ruộng đất, nhân văn giai phẩm, v.v. Dù là người dốt về chánh trị, cũng có thể nhận ra, chủ trương dẫn đến những sai lầm này, của cả bộ chính trị, không phải chỉ có riêng các cụ Trường Chinh, Hoàng Quốc Việt, Hồ Viết Thắng gánh chịu, mà phải tính từ cụ Hồ trở xuống. Cụ Giáp lúc đó là ủy viên bộ chính trị, uy tín, tiếng tăm đang lẫy lừng, quyền hạn cao chót vót, nên không thoát khỏi trách nhiệm này (Sám hối)...

Ở tác phẩm "Đất nước của những đường cong" (sắp xuất bản và đã đăng nhiều bài trên các trang mạng), trong phần truyện ký và Tản văn, với Đằng sau những lá bài ; Mùa thu cuối ; Chuyện người lính Vị Xuyên ; Ngôi mộ gió ; Chiến tranh đã qua lâu rồi ; Cái giá phải trả ; Nguyện ước cuối ; Câu chuyện đêm giao thừa ; Sau tiếng chuông chùa... ; Từ kẻ ám sát cánh đồng đến chuyện làng Nhô, một sự lưu manh tột cùng của những kẻ bồi bút, văn nô ; Tản mạn đêm giao thừa ; Thời mõ làng và những kẻ kiêu binh ; Đất nước của những đường cong ; Những đứa con lạc loài ; Sám hối ; Nhập tách, tách nhập những hệ lụy người Việt nơi đất khách ; Cờ đỏ và nhân cách thời nay ; Bán đất, bán rừng, bán cả linh hồn..., Đỗ Trường đã chứng tỏ mãnh lực của một người viết chính trực.

Bởi người đọc và đồng bào Việt Nam chờ đợi điều đó ở người viết. Lên tiếng trực diện phản đối sự bất công, bảo vệ công lý trong đời sống cũng như trong văn chương, dù đang sống ở bất kỳ một quốc gia nào trên thế giới, cũng là đạo đức và trách nhiệm công dân mà người Đức tâm niệm và hành xử trung thành để bảo vệ sự bình an, phồn thịnh của chính nước Đức và môi trường nhân loại. Nếu mỗi công dân không chính trực và lơi là canh giữ điều đó, bất cứ nền dân chủ nào dù thịnh vượng đến mấy cũng sẽ nhanh chóng bị hủy hoại. Nếu môi trường nhân loại đầy rẫy những bất công và dối trá thì không đất nước nào có thể bảo vệ được công lý ngay tại chính quốc mình một cách toàn vẹn lâu dài.

Đỗ Trường là người ý thức được điều đó khi anh đang là một Việt kiều sinh sống trên nước Đức.

Vì thế, người đã thốt lên được những lời bi phẫn ấy, phát hiện những khía cạnh mới và thốt lên được sự thật đau thương đã bị che giấu dưới bóng mây bẩn thỉu của dối trá, của vô cảm ấy, đã vượt qua được giới hạn của một cây bút phê bình kinh viện chỉ tán chuyện văn chương ngâm vịnh qua ngày. Hơn ba mươi năm là công dân ở một đất nước an lành mà trái tim và ngòi bút của anh vẫn đau đáu về Việt Nam.

Chính điều đó tạo nên sức hút và thành công của Đỗ Trường.

Tác phẩm sắp xuất bản "Đất nước của những đường cong", một tập hợp những truyện ký mới của Đỗ Trường, được tiếp tục viết ra trên tinh thần chính trực ấy và chính vì thế nó có đủ mãnh lực để khiến người đọc xúc động, nhìn lại bản thân mình trong trách nhiệm với cộng đồng.

Sự trả thù của "bầy sâu"

Với nghiệt kiếp mang tên người Việt Nam, người viết như thế lại phải cô đơn lạc lõng. Anh ta phải đơn thương độc mã.

Chiến mã và thương đao anh ta phải giấu khỏi tầm mắt của ngay cả người nhà mình. Họ muốn ngăn cấm anh viết, muốn bao bọc Đỗ Trường trong tấm lưới bền chắc âu yếm ruột rà để giữ an toàn cho chính anh. Họ cũng rất e ngại sự trả thù gia đình họ ngay tại nước Đức và Việt Nam.

Tháng 3 năm 2015, trong chuyến về thăm thân, Đỗ Trường đã bị công an và an ninh Việt Nam giam cầm, đe dọa hơn 10 tiếng đồng hồ tại sân bay Nội Bài. Anh bị trục xuất khỏi Việt Nam, khiến cho gia đình anh hết sức bấn loạn và bà vợ biết tin đã ngất xỉu vì lo sợ (Hà Nội ngày 7/3/2015 Đỗ Trường) (1).

Nhưng Đỗ Trường không nản chí, không từ bỏ con đường mình đã chọn. Và thế là mỗi lần viết tác phẩm của Đỗ Trường, lại cứ bi hài như một cuộc phục kích của một hảo hán trốn nhà xuất chinh làm một sứ mệnh đặc biệt nào đó rồi lại trút bỏ giáp trụ, ngồi cười ruồi ra vẻ vô sự và ngoan ngoãn sau quán bia gia đình tại thành phố Leipzig để kiếm sống, những mong làm yên lòng bà vợ vốn cấm đoán anh theo đuổi mộng văn chương cũng chỉ vì yêu thương chống.

Cái khổ của người Việt Nam là phải nô lệ quá lâu nên dù sống dưới một gầm trời có rất nhiều nhân quyền và tự do ngôn luận, như ở Đức và nhiều nước phát triển khác, vẫn luôn sợ hãi, vẫn phải nghĩ một đằng nói một nẻo. Đặc biệt là người Việt Nam luôn phải che giấu ý nghĩ thật của mình. Khom lưng và uốn gối ngay cả ở những nơi chiều cao của chiếc cửa tha hồ cho ta đứng thẳng. Đó là cái hèn hạ đáng thương mà cũng rất đáng giận của người Việt. Chính điều đó đã làm cho đất nước và ngay cả nền văn hóa luôn ở vào hàng thảm hại.

Trong đạo Thiên chúa, một kẻ nhạt đạo sẽ bị nhà thờ rút phép thông công và kẻ đó sẽ bị khinh mạn trong cộng đồng. Trong văn chương báo chí, một kẻ cầm bút cơ hội hoặc vô cảm phản bội lương tri dường như chẳng hề bị "rút phép thông công", thậm chí còn được hưởng lợi.

Nhưng trong nghề cầm bút, vẫn sừng sững một Thánh đường mà cũng không ít người viết nhìn thấy nó, tôn thờ nó, chịu nhọc nhằn khổ nạn đi theo nó như một kẻ vác thánh giá lết tới ngọn đồi chuộc tội thay cho cả một rừng những người vô cảm.

Người Việt ở Đức và mọi nơi trên thế giới rất cần thêm những người viết mang nhân cách chính trực như Đỗ Trường. Ngay tại Đức quốc, ai ngờ lại quá hiếm hoi những người viết như vậy. Chúng ta cần biết bao những người dám nói và viết lên sự thật để tẩy rửa sự tanh tưởi của những cơ hội và nhạt đạo tâm hồn.

Không cần nổi danh, Đỗ Trường viết vậy là chỉ để tự cứu rỗi chính mình. Nhưng nhân cách viết da diết vì sự thật và cộng đồng ấy đã cần mẫn ngày ngày gắng gỏi cho một sự nghiệp lớn và vì thế anh thành danh ngoài mong muốn.

Bằng những gắng gỏi, góp gió thành bão của mỗi người, sẽ tới một ngày, Việt Nam...

Võ Thị Hảo

Nguồn : RFA, 28/08/2017 (vothihao's blog)

 

(1) https://www.danluan.org/tin-tuc/20150317/do-truong-lenh-truc-xuat-va-10-gio-lam viec).

Quay lại trang chủ
Read 1050 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)