Các chính quyền đa dạng trong khu vực có thể hòa hợp hơn với chính quyền Trump mới.
Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump và Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte bắt tay nhau trong hội nghị thượng đỉnh ASEAN tại Manila, Philippines, ngày 13/11/2017. Jim Watson/AFP qua Getty Images
Sự trở lại Nhà Trắng của Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump vào tháng 1 tới sẽ mang lại cả cơ hội lẫn nguy cơ cho Đông Nam Á. Một mặt, chính quyền mới dường như đang chuẩn bị tái khởi động chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương được đưa ra trong nhiệm kỳ đầu tiên của Trump, tập trung vào việc chống lại Trung Quốc, đồng thời tăng cường các liên minh và quan hệ đối tác trên khắp khu vực. Một số quốc gia, cụ thể là Philippines và Việt Nam, sẽ hoan nghênh cách tiếp cận này. Những quốc gia khác, như Indonesia và Singapore, có thể lo lắng về khả năng xảy ra chiến tranh trong khu vực của họ. Tuy nhiên, việc Trump giảm ưu tiên thúc đẩy các giá trị – chẳng hạn như dân chủ và nhân quyền – ở nước ngoài để ủng hộ một cách tiếp cận mang tính giao dịch nhằm đạt được lợi ích quốc gia của Mỹ sẽ nhận được sự hoan nghênh lớn hơn, đặc biệt là từ các chế độ chuyên chế và bán chuyên chế bao gồm hầu hết các quốc gia Đông Nam Á. Nhìn chung, các chính sách tiềm năng của Trump có thể đưa Mỹ vào vị thế tốt hơn để cạnh tranh lâu dài với Trung Quốc trong khu vực này.
Đối với Đông Nam Á, những người chiến thắng rõ ràng của một chiến lược cứng rắn hơn đối với Trung Quốc là Philippines và Việt Nam. Hai quốc gia này đang gánh chịu hậu quả nặng nề từ các yêu sách chủ quyền đường chín đoạn mở rộng của Trung Quốc ở Biển Đông. Họ cũng đi đầu trong việc thách thức các yêu sách này, vốn dựa trên cách diễn giải của Bắc Kinh về các quyền lịch sử của Trung Quốc và đã vi phạm trực tiếp luật pháp quốc tế và các chuẩn mực ứng xử được ghi nhận trong Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS).
Trong những năm gần đây, Manila đã mở rộng và củng cố liên minh an ninh với Washington để chống lại việc Bắc Kinh ngày càng sử dụng các chiến thuật vùng xám ở Biển Đông, đặc biệt là tại các khu vực đang tranh chấp, gồm Bãi Cỏ Mây, Bãi Scarborough, Bãi Sa Bin, và Đảo Thị Tứ. Điều đáng lo ngại là Trump, trong nhiệm kỳ đầu tiên của mình, dường như không quan tâm đến liên minh Mỹ-Philippines. Ví dụ, khi Tổng thống Rodrigo Duterte cố gắng hủy bỏ Thỏa thuận Các Lực lượng Thăm viếng Mỹ-Philippines – một hiệp ước quan trọng bổ trợ cho hiệp ước phòng thủ chung của hai nước – Trump đã nói, "Tôi không thực sự bận tâm nếu họ muốn làm như vậy. Nó sẽ tiết kiệm được rất nhiều tiền … Quan điểm của tôi khác với những người khác".
Tuy nhiên, Tổng thống Philippines hiện tại, Ferdinand Marcos Jr., là một nhân vật trái ngược với Duterte – ủng hộ Mỹ và chống Trung Quốc – và do đó, ông tìm kiếm những cam kết bền vững từ Washington. Nếu không có sự hỗ trợ của Mỹ, Philippines sẽ phải tự mình chống lại sự xâm phạm ngày càng tăng của Trung Quốc vào vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Philippines ở Biển Đông. Một chiến lược cạnh tranh hơn của Mỹ sẽ củng cố thêm nỗ lực của Manila nhằm đẩy lùi sự xâm phạm của Trung Quốc vào vùng biển của mình.
Khác với Philippines, Việt Nam – một đối tác chiến lược quan trọng mới nổi của Mỹ, nhưng đồng thời vẫn duy trì quan hệ thân thiện và hiệu quả với Trung Quốc – hầu như không kỳ vọng vào việc được Mỹ giúp bảo vệ các yêu sách của họ trước Bắc Kinh ở Biển Đông. Tuy nhiên, Hà Nội vẫn sẽ được hưởng lợi từ sự hỗ trợ quân sự của Washington như một phần của việc nâng cấp quan hệ đối tác giữa hai nước kể từ tháng 9 năm ngoái. Dù chính quyền Trump đầu tiên đã đóng góp vào việc xây dựng các quan hệ chiến lược này, nhưng vẫn có những bất đồng về thương mại song phương. Thật vậy, chính quyền Trump đã khởi xướng việc xem xét các cáo buộc rằng Hà Nội đã thao túng tiền tệ – đây không phải là một mối bận tâm nhỏ vì Mỹ là đối tác thương mại hàng đầu. Tuy nhiên, chính quyền Trump chưa bao giờ chính thức phân loại Việt Nam là nước thao túng tiền tệ và chính quyền Biden đã bác bỏ mọi cáo buộc. Điều thú vị là trong bản ghi chép cuộc điện đàm gần đây của họ, cả Trump và nhà lãnh đạo Việt Nam Tô Lâm đều thảo luận tích cực về hợp tác kinh tế, một lần nữa cho thấy rằng chính quyền Trump thứ hai có thể sẽ bỏ qua các bất đồng thương mại vì lợi ích duy trì sự hợp tác của Hà Nội chống lại Trung Quốc.
Các bên có tranh chấp hàng hải khác, Brunei và Malaysia, cũng có khả năng được hưởng lợi từ sự ủng hộ của Mỹ đối với các yêu sách của họ ở Biển Đông. Nhưng trong trường hợp của Malaysia, Kuala Lumpur có những quan ngại riêng về chính quyền Trump thứ hai, bao gồm cả các mức thuế quan thương mại mới tiềm tàng và khả năng Trump ủng hộ Israel mạnh mẽ, theo đó làm phật lòng quốc gia có đa số dân theo đạo Hồi này. Malaysia đã lên tiếng ủng hộ Hamas và do đó sẽ phản đối Trump nếu chính sách Israel của ông vẫn được giữ nguyên. Đáng chú ý là không có quốc gia nào trong số hai quốc gia có đa số dân theo đạo Hồi khác ở Đông Nam Á – Brunei và Indonesia – có lập trường tương tự như Malaysia.
Tuy nhiên, các nước Đông Nam Á khác có thể không mấy mặn mà khi chứng kiến chính quyền Trump thứ hai kích động cạnh tranh gay gắt trong khu vực của họ. Tổng thống Indonesia Prabowo Subianto đã đến thăm Bắc Kinh vào tuần trước và cam kết sẽ tăng tốc hợp tác kinh tế như dưới thời người tiền nhiệm của ông, và ông cũng đạt được một thỏa thuận với Trung Quốc về các yêu sách hàng hải chồng lấn ở Biển Đông mà nhiều nhà quan sát đã chỉ trích là không phù hợp với EEZ được công nhận của Indonesia và việc tuân thủ UNCLOS. Trong chuyến dừng chân tiếp theo tại Washington vào đầu tuần này, Prabowo đã gặp Tổng thống Mỹ sắp mãn nhiệm Joe Biden và gọi Mỹ là "người bạn tuyệt vời" của Indonesia. Hai bên đã cam kết hợp tác quân sự bổ sung, qua đó minh chứng cho sự cân bằng cẩn thận của Indonesia đối với cả hai cường quốc để tránh bị mắc bẫy bởi một trong hai.
Trong quá khứ, Singapore từng bày tỏ quan ngại sâu sắc về tình hình cạnh tranh ngày càng gia tăng giữa Mỹ và Trung Quốc ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Trong bài phát biểu quan trọng của mình tại Đối thoại Shangri-La năm 2019, Thủ tướng Singapore khi đó là Lý Hiển Long đã tuyên bố, "Mỹ và Trung Quốc cần phải hợp tác với nhau – và với các quốc gia khác nữa – để đưa hệ thống toàn cầu lên tầm cao mới và không làm đảo lộn hệ thống". Gần đây hơn, trong một cuộc phỏng vấn với Foreign Policy, Bộ trưởng Quốc phòng Singapore Ng Eng Hen đã nói, "Chúng tôi đã từng làm việc với chính quyền Trump trước đây … Tôi không quá lo lắng", cho thấy Singapore tin rằng chí ít thì tình hình vẫn có thể kiểm soát được.
Dù là đồng minh an ninh của Mỹ, Thái Lan cũng không đánh giá cao sự cạnh tranh ngày càng tăng giữa các cường quốc trong khu vực. Phần lớn nguyên nhân liên quan đến quan hệ lịch sử và văn hóa lâu đời của Bangkok với Bắc Kinh, nhưng nó cũng bắt nguồn từ việc không muốn gây ra những rắc rối không cần thiết với người hàng xóm lớn của mình. Điều này đã đặt ra câu hỏi về liên minh Mỹ-Thái, ban đầu được hình thành để chống lại sự lan rộng của chủ nghĩa cộng sản trong Chiến tranh Lạnh, và hai bên hiện đang cố gắng tìm kiếm tiếng nói chung trong lúc Washington tiếp tục theo đuổi sự cạnh tranh với Bắc Kinh.
Nhiều khả năng, cách tiếp cận của Trump đối với sự cạnh tranh giữa các cường quốc cũng có thể mở ra cơ hội cho các quốc gia chuyên chế khác ở Đông Nam Á, bao gồm Campuchia, Lào, và Myanmar. Vì Trump có khả năng sẽ lựa chọn một cách tiếp cận giao dịch, nên các quốc gia này có thể sẽ có quan hệ chặt chẽ hơn với Mỹ. Họ tìm kiếm một môi trường không có giá trị, trong đó Washington tránh thuyết giảng cho họ về nhân quyền và nhu cầu dân chủ. Nhưng điều này có lẽ sẽ không trở thành hiện thực. Ví dụ, trong nhiệm kỳ đầu tiên của mình, Trump đã cố gắng tái thiết lập quan hệ Mỹ-Campuchia, nhưng trong một lá thư gửi cho Thủ tướng Hun Sen khi đó, Trump vẫn nhắc đến tầm quan trọng của việc quay trở lại "con đường quản trị dân chủ". Bất kể thế nào, vẫn có một cơ hội để tái thiết quan hệ với các quốc gia này và bất ngờ thách thức Bắc Kinh ngay tại sân sau của chính họ.
Từ góc nhìn rộng hơn, việc theo dõi chính quyền Trump sắp tới xử lý di sản của chính quyền Biden trong việc sử dụng các nhóm tiểu đa phương để đạt được các mục tiêu của Mỹ trong khu vực là một việc làm thú vị. Cho dù đó là hiệp ước Australia-Anh-Mỹ (AUKUS), hay cái gọi là Biệt đội (Squad, gồm Australia, Nhật Bản, Philippines, và Mỹ), hay nhóm ba bên Mỹ-Nhật Bản-Philippines, Bắc Kinh đều xem các cơ chế an ninh tập thể này là một phần trong nỗ lực kiềm chế của Washington. Với sự tập trung mới của Trump vào sự cạnh tranh của các cường quốc, ông có khả năng sẽ giữ nguyên các nhóm này và thậm chí còn tạo ra các nhóm mới. Rốt cuộc thì, ông đã hồi sinh Bộ tứ (Quad) đang hấp hối vào năm 2017, nghĩa là ông không ngại vượt ra ngoài các thỏa thuận một đối một và tìm ra giải pháp đa phương cho các thách thức ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Nhưng sự sẵn lòng chịu đựng chủ nghĩa đa phương của Trump vẫn có giới hạn. Quan hệ của ông với Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) từng rất căng thẳng ; ông chỉ tham dự một hội nghị thượng đỉnh ASEAN (năm 2017) và thậm chí không cử một quan chức cấp nội các nào đến hai trong ba hội nghị thượng đỉnh khác trong nhiệm kỳ của mình. Nếu điều này tiếp tục, thì Đông Nam Á sẽ xem chính quyền Trump thứ hai về cơ bản là không nghiêm túc trong nỗ lực can dự vào khu vực của họ. Khả năng này hoàn toàn có thể xảy ra, xét đến cách tiếp cận trước đây của Trump, và vì vậy, chính quyền của ông nên tìm cách để can dự nhiều hơn, chứ không phải ít hơn.
Trong bốn năm tới, Trump rất có thể sẽ đẩy nhanh chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của mình tại Đông Nam Á bằng cách củng cố các liên minh và quan hệ đối tác, phù hợp với nhiệm kỳ đầu tiên của ông. Cách tiếp cận giao dịch của ông cũng có thể giúp thúc đẩy chiến lược này. Tuy nhiên, nhiều, nếu không muốn nói là hầu hết các quốc gia Đông Nam Á đều lo ngại về sự cạnh tranh ngày càng tăng giữa các cường quốc trong khu vực của họ và sẽ cố gắng để tránh xa cuộc cạnh tranh đó, khiến công việc của chính quyền Trump trở nên khó khăn hơn. Nhưng đây là một vấn đề có thể vượt qua, đặc biệt là nếu Washington bình tĩnh giải thích những lợi ích của việc đối đầu với Bắc Kinh – trong lúc Bắc Kinh chứng minh quan điểm của Washington bằng cách tiếp tục hành xử gây hấn trên khắp khu vực.
Derek Grossman
Nguyên tác : "Trump 2.0 Could Give China a Headache in Southeast Asia", Foreign Policy, 20/11/2024
Nguyễn Thị Kim Phụng biên dịch
Nguồn : Nghiên cứu quốc tế, 28/11/2024
Derek Grossman là nhà phân tích quốc phòng cấp cao của Rand Corp., giáo sư thỉnh giảng tại Đại học Nam California, và là cựu cố vấn tình báo của Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ về các vấn đề an ninh Châu Á và Thái Bình Dương.