Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

04/12/2024

Lệnh thiết quân luật : ban ra rồi rút lại, Tổng thống Hàn Quốc bị hố lớn

Nhiều tác giả

Tại sao Tổng thống Hàn Quốc đột ngột ban bố thiết quân luật ?

Frances Mao and Jake Kwon, BBC, 04/12/2024

Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol đã gây sốc cho cả nước và thế giới vào đêm thứ Ba 3/12 khi bất ngờ ban bố thiết quân luật, lần đầu tiên sau gần 50 năm qua. Tuy nhiên, Quốc hội đã ngay lập tức lật ngược thế cờ.

hanquoc1

Tổng thống Yoon Suk-yeol đã gây sốc cho cả nước vào đêm thứ Ba 3/12 khi bất ngờ ban bố thiết quân luật, lần đầu tiên sau gần 50 năm tại Hàn Quốc - Reuters

Quyết định quyết liệt của ông Yoon Suk-yeol - được công bố trên truyền hình vào đêm muộn - được giải thích là nhằm loại trừ "các thế lực chống nhà nước" và mối đe dọa từ Triều Tiên. Nhưng không lâu sau đó, quyết định này của ông Yoon cho thấy không xuất phát từ các mối đe dọa bên ngoài mà từ những rắc rối chính trị chưa tìm được lối thoát của chính ông. Dù vậy, câu chuyện này đã khiến hàng ngàn người tập trung tại Quốc hội để phản đối, trong khi các nhà lập pháp thuộc phe đối lập vội vã đến đó để tổ chức một cuộc bỏ phiếu khẩn cấp nhằm bãi bỏ lệnh thiết quân luật.

Bị thua cuộc, ông Yoon đã xuất hiện vài giờ sau đó để chấp nhận kết quả bỏ phiếu của Quốc hội và tuyên bố dỡ bỏ thiết quân luật.

Tình hình đã diễn ra như thế nào ?

Ông Yoon đã hành động theo cách của một vị tổng thống đang bị vây hãm, các nhà quan sát đánh giá.

Trong bài phát biểu vào tối thứ Ba 3/12, ông Yoon đã nói đến những nỗ lực của phe đối lập chính trị nhằm phá hoại chính phủ của ông trước khi cho biết ông đang ban bố thiết quân luật để "nghiền nát các lực lượng chống nhà nước đang hoành hành". Sắc lệnh của ông tạm thời trao quyền cho quân đội - khi đó các binh lính với nón bảo hộ và cảnh sát đã được triển khai đến tòa nhà Quốc hội, trực thăng được nhìn thấy hạ cánh trên mái nhà. Truyền thông địa phương cũng chiếu cảnh quân đội đeo mặt nạ, mang súng tiến vào tòa nhà trong khi các nhân viên cố gắng ngăn chặn họ bằng bình chữa cháy.

Vào khoảng 23 giờ địa phương vào thứ Ba 3/12 (tức 21 giờ cùng ngày tại Việt Nam), quân đội Hàn Quốc đã ban hành sắc lệnh cấm biểu tình và hoạt động của Quốc hội và các nhóm chính trị, đồng thời đặt các cơ quan truyền thông dưới sự kiểm soát của chính phủ. Nhưng các chính trị gia Hàn Quốc ngay lập tức gọi tuyên bố của ông Yoon là bất hợp pháp và vi hiến. Lãnh đạo đảng của ông Yoon, Đảng Quyền lực Nhân dân bảo thủ, cũng gọi hành động của ông là "một bước đi sai lầm".

Trong khi đó, lãnh đạo đảng đối lập lớn nhất Hàn Quốc, ông Lee Jae-myung của Đảng Dân chủ tự do, đã kêu gọi các đại biểu Quốc hội tập trung tại Quốc hội để bỏ phiếu nhằm bãi bỏ thiết quân luật. Ông cũng kêu gọi người dân Hàn Quốc đến trụ sở Quốc hội để phản đối : "Xe tăng, xe bọc thép chở quân và binh lính có súng và dao sẽ điều hành đất nước... Đồng bào của tôi, hãy tiến đến Quốc hội".

Hàng ngàn người đã hưởng ứng lời kêu gọi, đổ xô đến bên ngoài tòa nhà Quốc hội được canh gác nghiêm ngặt. Những người biểu tình hô vang : "Dỡ bỏ thiết quân luật !" và "lật đổ chế độ độc tài".

Truyền thông địa phương phát sóng từ nơi này cho thấy cảnh một số cuộc xô xát giữa người biểu tình và cảnh sát tại các cổng trước tòa nhà Quốc hội. Nhưng bất chấp sự hiện diện của quân đội, căng thẳng đã không leo thang thành bạo lực. Và các nhà lập pháp có thể đi vòng qua các rào chắn - thậm chí trèo qua hàng rào để vào phòng bỏ phiếu.

Ngay sau 1 giờ sáng thứ Tư theo giờ địa phương, Quốc hội Hàn Quốc với 190 người hiện diện, trong tổng số 300 thành viên, đã bỏ phiếu bãi bỏ thiết quân luật này, với tỷ lệ 100%. Việc ban bố thiết quân luật của Tổng thống Yoon đã bị tuyên là vô giá trị.

Thiết quân luật có tầm quan trọng như thế nào ?

Thiết quân luật là chế độ lãnh đạo tạm thời của chính quyền quân sự trong thời điểm khẩn cấp, khi chính quyền dân sự được xem là không thể hoạt động được. Lần cuối cùng thiết quân luật được ban bố ở Hàn Quốc là vào năm 1979, khi nhà độc tài quân sự lâu năm Park Chung-hee bị ám sát trong một cuộc đảo chính.

Thiết quân luật chưa bao giờ được ban hành kể từ khi Hàn Quốc trở thành nền dân chủ đại nghị vào năm 1987. Nhưng vào thứ Ba 3/12, ông Yoon đã kích hoạt điều này, nói trong một bài phát biểu trên cả nước rằng ông đang cố gắng cứu Hàn Quốc khỏi "các thế lực chống nhà nước".

Ông Yoon, người có lập trường đối với Triều Tiên cứng rắn hơn đáng kể so với những người tiền nhiệm, đã mô tả phe đối lập chính trị là những người ủng hộ Triều Tiên - mà không đưa ra bằng chứng.

Theo thiết quân luật, quân đội được trao thêm thêm quyền hạn, trong khi các quyền công dân, các tiêu chuẩn và biện pháp bảo vệ pháp quyền thường bị đình chỉ. Mặc dù quân đội tuyên bố hạn chế hoạt động chính trị và truyền thông - người biểu tình và chính trị gia đã bất chấp các lệnh đó. Và không có dấu hiệu nào cho thấy chính phủ nắm quyền kiểm soát các phương tiện truyền thông tự do vào đêm 3/12 - hãng tin Yonhap, đài truyền hình quốc gia và các phương tiện truyền thông khác vẫn tiếp tục đưa tin như bình thường.

Tại sao Tổng thống Yoon lại bị áp lực ?

Ông Yoon được bầu tổng thống Hàn Quốc vào tháng 5/2022 với lập trường là một người bảo thủ cứng rắn, nhưng đã là một tổng thống không có thực quyền kể từ tháng 4, khi phe đối lập giành chiến thắng áp đảo trong cuộc tổng tuyển cử quốc gia. Kể từ đó, chính phủ của ông đã không thể thông qua các dự luật mà họ mong muốn và thay vào đó đã phải phủ quyết các dự luật do phe đối lập theo xu hướng tự do thông qua.

Ông cũng đã chứng kiến tỷ lệ ủng hộ sụt giảm - dao động ở mức thấp 17% - khi ông đã dính vào một số vụ bê bối tham nhũng trong năm nay - bao gồm một vụ liên quan đến việc Đệ nhất phu nhân nhận một chiếc túi Dior và một vụ khác liên quan đến chuyện thao túng cổ phiếu.

Chỉ hồi tháng trước, ông Yoon đã buộc phải đưa ra lời xin lỗi trên truyền hình quốc gia, nói ông đang thành lập một văn phòng giám sát nhiệm vụ của Đệ nhất phu nhân. Nhưng ông đã gạt phăng một cuộc điều tra quy mô rộng hơn mà các đảng đối lập đã kêu gọi tiến hành. 

Sau đó, trong tuần này, phe đối lập đã đề xuất giảm quy mô một dự luật ngân sách chủ chốt của chính - bước đi mà tổng thống không có thẩm quyền phủ quyết. Đồng thời, phe đối lập cũng tiến hành các động thái để luận tội các thành viên nội các và một số công tố viên cấp cao - bao gồm cả người đứng đầu cơ quan kiểm toán của chính phủ - với lý do đã không điều tra Đệ nhất phu nhân.

hanquoc2

Nhiều người dân đã kéo tới bên ngoài tòa nhà Quốc hội vào đêm thứ Ba 3/12 để phản đối lệnh thiết quân luật đột ngột mà ông Yoon ban bố - Reuters

Chuyện gì sẽ xảy ra tiếp theo ?

Tuyên bố của Yoon ông khiến nhiều người bất ngờ và trong những giờ qua, người dân Hàn Quốc đã rơi vào tâm lý không biết lệnh thiết quân luật có nghĩa là gì. Nhưng phe đối lập đã có thể tập hợp nhanh chóng tại Quốc hội và có đủ số lượng số phiếu bầu để bãi bỏ thiết quân luật. Và mặc dù trong đêm 3/12 đã có sự hiện diện đông đảo của quân đội và cảnh sát tại thủ đô Seoul, nhưng có vẻ quân đội vẫn chưa tiếp quản việc điều hành.

Theo luật pháp Hàn Quốc, chính phủ phải dỡ bỏ thiết quân luật nếu đa số thành viên trong Quốc hội thông qua một cuộc bỏ phiếu, điều mà Quốc hội đã thực hiện vào rạng sáng 4/12. Luật này cũng cấm lệnh thiết quân luật bắt giữ các nhà lập pháp.

Hiện vẫn chưa rõ điều gì sẽ xảy ra và hậu quả đối với ông Yoon sẽ ra sao. Một số người biểu tình tập trung bên ngoài tòa nhà Quốc hội vào tối thứ Ba 3/12 cũng hét lên : "Hãy bắt giam Yoon Suk-yeol !". 

Nhưng hành động hấp tấp của ông Yoon chắc chắn đã làm sửng sốt cả quốc gia - đất nước tự coi mình là một nền dân chủ hiện đại, thịnh vượng đã rời bỏ quá khứ độc tài. Đây được coi là thách thức lớn nhất đối với xã hội dân chủ Hàn Quốc sau nhiều thập kỷ.

Các chuyên gia cho rằng điều này có thể gây tổn hại đến danh tiếng của Hàn Quốc với tư cách một nền dân chủ hơn cả cuộc bạo loạn Điện Capitol vào ngày 6/1/2021.

"Tuyên bố thiết quân luật của ông Yoon dường như vừa là hành động vượt quá thẩm quyền pháp lý lại vừa là một tính toán chính trị sai lầm, gây rủi ro không cần thiết cho nền kinh tế và an ninh của Hàn Quốc", chuyên gia Leif-Eric Easley từ Đại học Ewha ở Seoul đánh giá.

"Ông ấy trông giống một chính trị gia đang bị vây hãm, có một bước đi tuyệt vọng nhằm chống lại các vụ bê bối ngày càng nghiêm trọng, sự cản trở của thể chế và những lời kêu gọi luận tội, tất cả những yếu tố này hiện đều có khả năng sẽ gia tăng".

Như phát ngôn viên của Quốc hội Hàn Quốc đã nói vào thứ Tư 4/12 : "Chúng tôi sẽ cùng nhân dân bảo vệ nền dân chủ".

Frances Mao & Jake Kwon

Nguồn : BBC, 04/12/2024

*************************

Hàn Quốc : Đối lập đòi phế truất tổng thống sau "thiết quân luật"

Trọng Thành, Trần Công, RFI, 04/12/2024

Các đảng đối lập ở Hàn Quốc hôm nay, 4/12/2024, thông báo đã đệ trình kiến nghị truất phế tổng thống Yoon Suk Yeol sau khi ông bất ngờ ban bố thiết quân luật vào đêm qua, 03/12/2024 nhưng đã buộc phải dỡ bỏ vài giờ sau đó dưới áp lực của Quốc hội. Kiến nghị truất phế tổng thống có thể được đưa ra biểu quyết ngay từ thứ sáu tuần này.

hanquoc3

Biểu tình đòi tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol từ chức, Seoul, Hàn Quốc, ngày 04/12/2024. © Soo-hyeon Kim / Reuters

Sáng nay, bộ trưởng quốc phòng Hàn Quốc Kim Yong Hyun tuyên bố từ chức. Theo Yonhap, chính Kim Yong Hyun là người đã đề nghị tổng thống ban hành lệnh thiết quân luật. Cũng theo Yonhap, ngay cả chánh văn phòng tổng thống và nhiều cố vấn đã đồng loạt từ chức. Đảng của tổng thống là Đảng Quyền lực Nhân dân cũng đã yêu cầu ông giải trình ngay về "tình hình bi thảm" hiện nay.

Từ Seoul, thông tín viên Trần Công tường trình :

"Tống thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol đã tuyên bố thiết quân luật tối qua với lý do là nhằm đối phó với "các thế lực chống phá nhà nước" đang cố làm tê liệt chức năng cơ bản của quốc gia và phá hủy trật tự của Hiến pháp dân chủ. Cụ thể, tổng thống Yoon Suk Yeol nêu lên việc đảng đối lập liên tiếp luận tội các thành viên Hội đồng Nhà nước và các công tố viên, cũng như việc họ cắt giảm ngân sách so với dự thảo của chính phủ.

Sau khi tổng thống Yoon Suk Yeol ban bố thiết quân luật, toàn xã hội Hàn Quốc đã rơi vào tình trạng căng thẳng tột độ. Chỉ một tiếng sau quyết định của tổng thống, bộ Tư lệnh thiết quân luật đã được thành lập, Tư lệnh Thiết quân luật được bổ nhiệm và "Lệnh ban bố Bộ Tư lệnh Thiết quân luật" được công bố, với nội dung "cấm mọi hoạt động liên quan tới chính trị". Sau đó, quân đội Hàn Quốc, với xe tăng, trực thăng và lính tinh nhuệ đã cố gắng tiến vào tòa nhà Quốc hội, nhưng đã bị ngăn cản bởi người dân, đội ngũ trợ lý nghị sĩ và các nỗ lực đáng kinh ngạc từ giới nghị sĩ.

Ngay sau đó, Quốc hội Hàn Quốc đã tổ chức một phiên họp bất thường, dưới sự chủ trì của đảng đối lập, và tuyên lệnh "thiết quân luật" không có hiệu lực, với số phiếu của 190/190 nghị sĩ có mặt.

Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol đã tuyên bố dỡ bỏ tình trạng thiết quân luật tại Văn phòng Tổng thống vào lúc 4 giờ 27 phút sáng nay, theo yêu cầu của Quốc hội.

Đảng Dân Chủ Hàn Quốc đã chính thức đệ trình cáo buộc phản quốc và luận tội tổng thống Yoon, cũng như bộ trưởng quốc phòng, Kim Yong-hyun, và bộ trưởng Nội Vụ và An Ninh, Lee Sang-min. Ngoài ra, một ‘‘Liên minh Quốc hội luận tội Yoon Seok Yeol’’, bao gồm khoảng 40 thành viên của đảng Dân Chủ, đảng Đổi Mới Tổ Quốc, đảng Tiến Bộ, đảng Thu Nhập Cơ Nản và đảng Dân Chủ Xã Hội, tuyên bố sẽ đề xuất một dự luật luận tội tổng thống Yoon trong ngày hôm nay".

Trọng Thành – Trần Công

*************************

Tổng thống Hàn Quốc đối mặt với luận tội sau thảm họa thiết quân luật

Reuters, VOA, 04/12/2024

Các nhà lập pháp Hàn Quốc hôm 4/12 đệ trình một dự luật để luận tội Tổng thống Yoon Suk Yeol sau khi ông tuyên bố thiết quân luật tại quốc gia này, một đồng minh lớn của Hoa Kỳ, trước khi hủy bỏ quyết định vài giờ sau đó theo sau một cuộc đối đầu hỗn loạn giữa Quốc hội và quân đội.

hanquoc4

Người dân ở Hàn Quốc cầm nến trong buổi cầu nguyện phản đối Tổng thống Yoon Suk Yeol tại Seoul hôm 4/12/2024.

Quốc hội Hàn Quốc đã bác bỏ tuyên bố bất ngờ của ông Yoon về thiết quân luật, nhằm cấm các hoạt động chính trị và kiểm duyệt phương tiện truyền thông tại nền kinh tế lớn thứ tư Châu Á, trong khi quân đội có vũ trang tiến vào tòa nhà Quốc hội ở Seoul.

Sau đó, sáu đảng đối lập Hàn Quốc đã đệ trình một dự luật lên Quốc hội để luận tội ông Yoon, người đã phải đối mặt với cáo buộc lãnh đạo độc đoán từ những người đối lập và từ chính đảng của ông. Cuộc bỏ phiếu được ấn định vào ngày 6 hoặc 7 tháng này.

Một phiên họp toàn thể để chính thức giới thiệu dự luật đã được lên lịch bắt đầu ngay sau nửa đêm ngày 4/12.

"Chúng ta không thể bỏ qua việc thiết quân luật một cách bất hợp pháp", nhà lập pháp Kim Yong-min của đảng DP nói với các phóng viên. "Chúng ta không thể để nền dân chủ sụp đổ thêm nữa".

Các nhóm dân sự và lao động đã tổ chức một buổi cầu nguyện thắp nến tại trung tâm thành phố Seoul vào tối 4/12, kêu gọi Tổng thống Yoon từ chức – gợi nhớ đến các cuộc biểu tình thắp nến lớn trước đây vốn dẫn đến việc luận tội cựu Tổng thống Park Geun-hye vào năm 2017. Sau đó, họ bắt đầu diễu hành về phía văn phòng tổng thống.

Lãnh đạo Đảng Quyền lực Nhân dân cầm quyền (PPP) của ông Yoon đã kêu gọi sa thải Bộ trưởng Quốc phòng Kim Yong-hyun và toàn bộ nội các phải từ chức. Bộ Quốc phòng cho biết ông Kim đã đề nghị từ chức.

Ông Yoon đã nói với quốc dân trong một bài phát biểu trên truyền hình vào cuối ngày 3/12 rằng cần phải áp dụng thiết quân luật để bảo vệ đất nước khỏi các lực lượng chống nhà nước ủng hộ Triều Tiên và bảo vệ trật tự hiến pháp tự do, mặc dù ông không nêu ra bất kỳ mối đe dọa cụ thể nào.

Quân đội đã tìm cách giành quyền kiểm soát tòa nhà Quốc hội, nhưng đã lui lại khi các trợ tá trong Quốc hội xịt bình chữa cháy vào họ, trong lúc những người biểu tình xô xát với cảnh sát bên ngoài.

Vài giờ sau khi tuyên bố, Quốc hội Hàn Quốc, với 190 trong số 300 thành viên có mặt, đã nhất trí thông qua quyết định bãi bỏ thiết quân luật, với sự ủng hộ của 18 thành viên trong đảng của ông Yoon.Sau đó, tổng thống đã hủy bỏ lệnh thiết quân luật, khoảng 6 giờ sau khi ban hành.

Những người biểu tình bên ngoài Quốc hội đã hét lên và vỗ tay. Họ hô vang "Chúng ta đã chiến thắng !" và một người biểu tình đã đánh vào một chiếc trống.

"Có ý kiến cho rằng việc ban bố thiết quân luật khẩn cấp là thái quá và chúng tôi đã không tuân thủ các thủ tục ban bố thiết quân luật khẩn cấp, nhưng việc này được thực hiện nghiêm ngặt trong khuôn khổ hiến pháp", một quan chức văn phòng tổng thống Hàn Quốc nói với Reuters qua điện thoại.

Hiện vẫn chưa có phản ứng nào từ Triều Tiên về vụ việc ở Hàn Quốc.

Ông Yoon được các nhà lãnh đạo phương Tây coi là đối tác trong nỗ lực do Hoa Kỳ lãnh đạo nhằm thống nhất các nền dân chủ chống lại chủ nghĩa độc tài đang gia tăng ở Trung Quốc, Nga và những nơi khác.

Nhưng ông đã gây ra sự bất an trong người dân Hàn Quốc khi gọi những người chỉ trích mình là "những thế lực toàn trị cộng sản và chống nhà nước" trong lúc tỷ lệ ủng hộ ông giảm sút. Vào tháng 11, ông đã phủ nhận hành vi sai trái để đáp lại những cáo buộc mua chuộc ảnh hưởng đối với ông và vợ ông. Đồng thời, ông đã có lập trường cứng rắn đối với các công đoàn lao động.

Thị trường biến động

Seoul có vẻ khá bình thường vào ngày 4/12, với lưu lượng giao thông giờ cao điểm thường thấy trên các tuyến tàu và trên phố.

Nhưng liên đoàn lao động của Hyundai Motor đã công bố kế hoạch đình công vào ngày 5 và 6, trong khi một số nhà tuyển dụng lớn, bao gồm Naver Corp và LG Electronics Inc, đã khuyên nhân viên làm việc tại nhà.

Cổ phiếu Hàn Quốc giảm khoảng 1,3% trong khi đồng won ổn định nhưng xuống gần mức thấp nhất trong hai năm khi các nhà giao dịch báo cáo nghi ngờ có sự can thiệp của chính quyền.

Bộ trưởng Tài chính Choi Sang-mok và Thống đốc Ngân hàng Hàn Quốc Rhee Chang-yong đã họp khẩn cấp qua đêm và bộ tài chính hứa sẽ hỗ trợ thị trường nếu cần.

"Chúng tôi sẽ bơm thanh khoản không giới hạn vào cổ phiếu, trái phiếu, thị trường tiền tệ ngắn hạn cũng như thị trường ngoại hối trong thời gian tới cho đến khi chúng được bình thường hóa hoàn toàn", một tuyên bố của chính phủ cho biết.

Một chuỗi cửa hàng tiện ích lớn của Hàn Quốc cho biết với yêu cầu giấu danh tính rằng doanh số bán hàng đồ đóng hộp, mì ăn liền và nước đóng chai đã tăng vọt qua đêm.

"Tôi vô cùng lo lắng về tình hình này và tôi rất lo ngại về tương lai của đất nước", Kim Byeong-in, cư dân 39 tuổi ở Seoul, nói với Reuters.

Quốc hội có thể luận tội tổng thống nếu hơn hai phần ba số nhà lập pháp bỏ phiếu thuận. Sau đó, tòa án hiến pháp sẽ xét xử, có thể xác nhận động thái này bằng một cuộc bỏ phiếu của 6 trong số 9 thẩm phán.

Đảng của ông Yoon có 108 ghế trong cơ quan lập pháp gồm 300 thành viên.

‘Tránh khỏi hiểm nguy’

Nếu Tổng thống Yoon từ chức hoặc bị cách chức, Thủ tướng Han Duck-soo sẽ thay thế làm lãnh đạo cho đến khi một cuộc bầu cử mới được tổ chức trong vòng 60 ngày.

"Hàn Quốc với tư cách là một quốc gia đã tránh khỏi hiểm nguy, nhưng Tổng thống Yoon có thể đã tự bắn vào chân mình", Danny Russel, phó chủ tịch của Viện nghiên cứu chính sách xã hội Châu Á tại Hoa Kỳ, nhận định về tuyên bố thiết quân luật, vốn là tình trạng đầu tiên được ban hành tại Hàn Quốc kể từ năm 1980.

Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken nói rằng ông hoan nghênh quyết định hủy bỏ tuyên bố thiết quân luật của Tổng thống Yoon.

"Chúng tôi tiếp tục mong đợi việc giải quyết một cách hòa bình và theo đúng pháp luật các bất đồng chính trị", ông Blinken cho biết trong một tuyên bố.

Hàn Quốc là nơi đồn trú của khoảng 28.500 quân nhân Mỹ như một di sản của Chiến tranh Triều Tiên 1950-1953. Các cuộc đàm phán quốc phòng và một cuộc tập trận quân sự chung giữa hai đồng minh được lên kế hoạch đã bị hoãn lại trong bối cảnh hậu quả ngoại giao rộng lớn hơn từ cuộc hỗn loạn diễn ra qua đêm.

Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị nói với các phóng viên rằng tình hình chính trị của Hàn Quốc là "vấn đề nội bộ" của nước này. Nga cho biết họ đang theo dõi các sự kiện "bi kịch" ở Hàn Quốc với sự lo ngại.

Ông Yoon, từng là một công tố viên chuyên nghiệp, đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống sít sao nhất trong lịch sử Hàn Quốc vào năm 2022, giữa bối cảnh làn sóng bất bình về chính sách kinh tế, bê bối và chiến tranh giới tính.

Nhưng ông không được lòng dân, với tỷ lệ ủng hộ dao động ở mức khoảng 20% trong nhiều tháng và phe đối lập đã giành được gần hai phần ba số ghế trong Quốc hội trong cuộc bầu cử vào tháng 4 vừa qua.

Thiết quân luật đã được ban bố hơn một chục lần kể từ khi Hàn Quốc được thành lập với tư cách một nước cộng hòa vào năm 1948. Năm 1980, một nhóm sĩ quan quân đội đã buộc Tổng thống khi đó là Choi Kyu-hah phải ban bố thiết quân luật để dập tắt lời kêu gọi khôi phục chính quyền dân chủ.

Nguồn : VOA, 04/2/2024

*************************

Tổng thống Hàn Quốc bị đề nghị luận tội : 'Điều bình thường trong một xã hội dân chủ'

BBC, 04/12/2024

Chính trường Hàn Quốc chứng kiến biến động chưa từng có sau gần 50 năm với việc Tổng thống Yoon Suk-yeol đang đối mặt với nguy cơ bị luận tội sau khi ban bố thiết quân luật.

hanquoc5

Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol đã gây sốc cho cả nước và thế giới vào đêm thứ Ba 3/12 khi bất ngờ ban bố thiết quân luật. Ảnh : Một người đeo mặt nạ hình ông Yoon bên ngoài tòa nhà Quốc hội vào tối thứ Ba 3/12. Anthon Wallace/AFP

Ông Yoon Suk-yeol đã viện dẫn mối đe dọa từ Triều Tiên khi ban bố thiết luật. Tuy nhiên, quyết định của ông được xem là phản ứng trước áp lực trong nước. Ông Yoon đã hành động theo cách của một vị tổng thống đang bị vây hãm, các nhà quan sát đánh giá.

Các nhà lập pháp thuộc các đảng đối lập tại Hàn Quốc hôm thứ Tư 4/12 đã đệ trình một kiến nghị luận tội Tổng thống Yoon, kích hoạt một tiến trình có thể kéo dài nhiều ngày. Một khi kiến nghị luận tội được đệ trình, cần ít nhất hai phần ba trong số 300 thành viên của Quốc hội bỏ phiếu thông qua - tức tương đương ít nhất 200 phiếu.

Diễn biến tiếp theo hiện nay là Chủ tịch Quốc hội Woo Won-sik sẽ mở phiên họp để thảo luận về kiến nghị này - có thể diễn ra sớm nhất là trong hai ngày tới. Sau khi sáu đảng đối lập đệ trình kiến nghị luận tội tổng thống, giờ đây họ có kế hoạch trình lên phiên họp toàn thể của Quốc hội vào thứ Năm 5/12, hãng tin Yonhap đưa tin. Cuộc bỏ phiếu thông qua đề xuất luận tội phải diễn ra trong vòng 72 giờ tới, tức thứ Sáu 6/12 hoặc thứ Bảy 7/12.

Trả lời phỏng vấn của các hãng tin như Reuters, AFP trên đường phố vào ngày thứ Tư 4/12, một số người dân Hàn Quốc ở thủ đô Seoul đã thể hiện sự lo lắng về bất ổn tương lai chính trị của đất nước.

Tại Hàn Quốc, cộng đồng người Việt có khoảng hơn 200.000 người, bao gồm sinh viên, người lao động và người nhập cư, theo trang Thông tin Đối ngoại của Ban Tuyên giáo Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam.

BBC News tiếng Việt đã trao đổi với một số người Việt Nam đang định cư tại Hàn Quốc lẫn có thâm niên nghiên cứu về Hàn Quốc để xem họ có suy nghĩ gì sau gần 24 giờ hỗn loạn vừa qua.

'Không có gì bất ngờ'

Chị Lê Thùy Hương đã sống ở Hàn Quốc trong 18 năm. Chị hiện là giáo viên song ngữ tại trường tiểu học và dạy cho du học sinh, người lao động, cô dâu Việt Nam. Kể lại cảm nhận từ nhà ở thành phố Daejeon ngày thứ Tư 4/12 với BBC News tiếng Việt, chị Lê Thùy Hương cho biết người dân ở đây và cả chị không thấy có gì bất ngờ.

"Con trai tôi kêu 'mẹ ơi coi thời sự đi, có thiết quân luật kìa', có khi mẹ con mình được nghỉ, không phải đến trường đâu. Nếu là người dân ở nước khác khi mà nghe giữa Hàn Quốc và Triều Tiên có mâu thuẫn, tập trận Mỹ-Hàn hoặc xáo trộn chính trị trong nội bộ Hàn Quốc thì mọi người cảm thấy tình hình rất nguy. Thế nhưng thực chất những người sống ở đây, gồm cả tôi, đã quen nên rất bình tĩnh, cuộc sống không quá xáo trộn. Khi ông Tổng thống Yoon ban bố thiết quân luật vào hôm qua 3/12, với những người theo dõi chính trị Hàn Quốc kỹ thì cũng biết căng thẳng đã âm ỉ lâu rồi. Tôi đã chứng kiến những cuộc biểu tình chống Tổng thống Yoon, đòi phế truất và luận tội tổng thống trong thời gian qua và cũng có trường hợp sinh viên bị bắt".

Chị Lê Thùy Hương nói mối bận tâm của chị là về kinh tế khi giá đồng won sụt giảm sau đại dịch Covid và vụ việc mới nhất càng khiến chị thêm bận lòng về viễn cảnh sắp tới. "Tôi cũng nghĩ tác động rõ ràng là về kinh tế, khi đồng won của Hàn Quốc sụt giảm một các kinh khủng luôn sau khi Tổng thống Yoon ban bố thiết quân luật".

Con đường chuyển hóa từ độc tài sang dân chủ tại Hàn Quốc diễn ra suốt nửa thế kỷ và không tránh khỏi đổ máu.

Chun Doo-hwan đã tiến hành đảo chính tháng 12/1979, áp dụng thiết quân luật và trở thành lãnh đạo trên thực tế của Hàn Quốc. Các cuộc biểu tình bạo lực diễn ra, đỉnh điểm là biến cố ngày 18/5/1980 tại thành phố Gwangju.

Chun ra lệnh quân đội tiến vào Gwangju đàn áp, gây ra thảm sát giết chết hàng trăm người. Con số chính thức mà chính phủ Hàn Quốc sau này công nhận là hơn 200 người đã chết hay mất tích.

Chị Lê Thùy Hương cho biết chính trường rối loạn trong 24 giờ qua đã khiến chị liên tưởng tới vụ thảm sát Gwangju hồi năm 1980.

"Khi tôi nghe vụ biểu tình thì tôi tự nhiên nghĩ đến vụ thảm sát Gwangju mấy chục năm trước. Tôi thấy nếu nhìn lại trong nhiều năm ở Hàn Quốc thì thời của bà Park Geun-hye và ông Yoon Suk-yeol, chính trường Hàn Quốc bị xáo trộn hơi nhiều. Nếu còn thiết quân luật thì trong ba ngày học sinh sẽ được nghỉ học, nhưng trong đêm hôm qua (3/12) đã được giải quyết luôn nên sáng nay học sinh vẫn đến trường bình thường".

Chị Lê Thùy Hương cho biết đã không nhận được tin nhắn của chính quyền thông báo về xáo động chính trị quan trọng này như tin nhắn khẩn cấp chị từng nhận được, lúc có xảy ra tập trận quân sự, thiên tai...

'Nhận thức dân chủ của người dân rất cao'

Là một người gắn bó với đất nước Hàn Quốc trong nhiều năm qua, Thạc sĩ Lê Huy Khoa, Hiệu trưởng Trường Hàn ngữ Katana, chia sẻ với BBC News tiếng Việt về cảm nhận của ông liên quan đến biến cố chính trị mới nhất tại Hàn Quốc.

"Mâu thuẫn giữa tổng thống và đảng đối lập xuất hiện từ hơn một năm qua. Ngoài ra, nhận thức về dân chủ của người dân Hàn Quốc rất cao, cho nên hành vi của quan chức đi ngược lại với các giá trị dân chủ thì bị người dân phản đối rất mạnh".

Ông Khoa cũng từng là trợ lý ngôn ngữ cho ông Park Hang-seo - huấn luyện viên trưởng đội tuyển bóng đá quốc gia Việt Nam.

"Vụ Tổng thống Yoon ban bố thiết quân luật tối hôm qua 3/12 có thể gây ngỡ ngàng rất nhiều đối với người dân nước ngoài vì lần đầu tiên sau 44 năm ở Hàn Quốc mới có chuyện này, thế nhưng người Hàn Quốc cũng đã được chuẩn bị tinh thần".

Ông Lê Huy Khoa nói thêm về thể chế dân chủ của Hàn Quốc sau thời gian hơn 10 năm công tác tại Hàn Quốc và 30 năm nghiên cứu văn hóa, chính trị của xứ sở kim chi : "Ở Hàn Quốc, người dân có mức độ tham dự rất lớn vào nền chính trị của đất nước do họ được bầu trực tiếp đại biểu Quốc hội và tổng thống".

Là người từng phụ trách lao động tại Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc, ông Lê Huy Khoa nói đến tâm tư của người Việt Nam tại Hàn Quốc hiện nay thông qua quan sát của ông.

"Ở Hàn Quốc thì hiện người Việt gồm có ba nhóm, gồm kiều bào, lao động và du học sinh. Về kiều bào thì theo quan sát của tôi, họ dường như rất quan tâm về quá trình luận tội tổng thống vì người dân Hàn Quốc luôn quan tâm đến chuyện những quyết định của tổng thống sẽ có tác động trực tiếp đến đời sống của họ. Tối ngày 3/12, nhiều người lao động Việt Nam cảm thấy lo lắng vì giá đồng won bị lao dốc . Về du học sinh thì họ lo lắng về học tập hay nhập cảnh. Thế nhưng cũng có người chẳng lo lắng gì vì chuyện luận tội hay kết tội tổng thống cũng không có gì mới ở quốc gia dân chủ này".

Điều gì xảy ra nếu ông Yoon bị luận tội ?

hanquoc6

Một cuộc biểu tình trước Quốc hội Hàn Quốc vào hôm thứ Tư 4/12

Các đảng đối lập gần như sẽ có đủ 200 phiếu ủng hộ cần thiết tại Quốc hội để thông qua kiến nghị luận tội Tổng thống Yoon.

Chính đảng của Tổng thống Yoon đã lên tiếng phản đối hành động của ông, nhưng vẫn đang cân nhắc về cách thức phản ứng - mặc dù chỉ cần một số ít thành viên của đảng này bỏ phiếu ủng hộ luận tội thì kiến nghị sẽ được thông qua.

Nếu động thái này được Quốc hội thông qua, quyền hạn và nhiệm vụ của Tổng thống Yoon sẽ bị đình chỉ ngay lập tức và thủ tướng sẽ trở thành quyền tổng thống.
Sau đó, Tòa án Hiến pháp Hàn Quốc sẽ có tiếng nói cuối cùng.

Nếu tòa chấp thuận kết quả luận tội, tổng thống sẽ bị cách chức và Hàn Quốc phải tổ chức bầu cử trong vòng 60 ngày. Nếu họ không chấp thuận, ông Yoon có thể tiếp tục tại vị. Từ hôm nay 4/12, các nhà hoạt động đã lên kế hoạch tổ chức nhiều ngày biểu tình trên khắp cả nước để yêu cầu Tổng thống Yoon phải từ chức.

Tại Busan, thành phố lớn thứ hai của Hàn Quốc, các nhà hoạt động đang lên kế hoạch tổ chức biểu tình mỗi ngày trong tuần tới, hãng thông tấn Yonhap đưa tin. Khoảng 1.000 công dân dự kiến sẽ tham dự một cuộc biểu tình thắp nến vào tối nay tại Gwangju, một thành phố ở góc tây nam của đất nước.

Nhiều người ở các thành phố vùng đông nam là Daegu và Pohang, và đảo Jeju miền nam, cũng đang lên kế hoạch tổ chức biểu tình tương tự. Công đoàn lao động chính của Hàn Quốc cũng đã tổ chức một cuộc tổng đình công vô thời hạn.

Nguồn : BBC, 04/12/2024

***************************

"Thiết quân luật" và thách thức đối với nền dân chủ Hàn Quốc

Trọng Thành, RFI, 04/12/2024

Đêm 03/12/2024, tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol, trong tình thế bị dồn vào chân tường sau khi mất đa số tại Quốc hội và hàng loạt biện pháp gây mất lòng dân, đã chọn biện pháp liều lĩnh tấn công đối lập, ban hành thiết quân luật, thách thức trật tự Hiến định. Tuy nhiên, sự đoàn kết của đối lập, sự phản kháng mạnh mẽ của xã hội dân sự, và sự phản đối ngay trong nội bộ phe cầm quyền đã buộc tổng thống phải lùi bước ngay sau đó.

hanquoc7

Các nghị sĩ Hàn Quốc ngồi trong phòng họp Quốc hội sau khi tổng thống Yoon Suk Yeol tuyên bố thiết quân luật, Seoul, Hàn Quốc, ngày 04/12/2024. Reuters - Kim Hong-Ji

Vào lúc 10 giờ 30 tối qua, tổng thống Yoon Suk Yeol bất ngờ ra lệnh thiết quân luật. Quyết định của tổng thống thoạt tiên đã được quân đội hậu thuẫn. Với quyết định này, các chính đảng và Quốc hội bị đình chỉ hoạt động. Truyền thông bị đặt dưới sự kiểm soát của tư lệnh quân đội phụ trách duy trì thiết quân luật. Biểu tình, bãi công bị cấm. Theo tạp chí Anh The Economist, "quyết định vội vàng và bất ngờ của tổng thống Yoon đã khiến đất nước rơi vào hỗn loạn, thách thức nền dân chủ Hàn Quốc". Báo chí Pháp nói đến "sáu tiếng đồng hồ làm rung chuyển nền dân chủ Hàn Quốc".

Lý do mà tổng thống Hàn Quốc đưa ra để ban hành lệnh thiết quân luật là "phe đối lập kiểm soát Quốc hội bày tỏ thiện cảm với chế độ Bắc Triều Tiên", "làm tê liệt hệ thống chính quyền bằng các hành động chống Nhà nước". Trên thực tế, theo giới quan sát, uy tín tổng thống Hàn Quốc đang sụt giảm mạnh, với chỉ 20% cử tri ủng hộ theo các thăm dò mới nhất, so với 53% vào lúc đỉnh điểm. Đảng Dân Chủ đối lập kiểm soát Quốc hội, ngăn chặn nhiều chính sách của tổng thống, và đồng thời liên tục gây áp lực đòi điều tra về các bê bối liên quan đến phu nhân tổng thống và các quan chức cao cấp.

Quyết định thiết quân luật đơn phương và bất ngờ của ông Yoon có thể xem như hành động liều lĩnh "được ăn cả ngã về không" của nhà lãnh đạo bị đẩy vào chân tường. Chính người đứng đầu đảng Quyền lực Nhân dân cánh hữu bảo thủ cầm quyền của tổng thống Yoon, ông Han Dong Hoon, đã lên án quyết định của ông là "sai trái" và kêu gọi các lực lượng vũ trang không tuân thủ các chỉ thị "bất hợp pháp".

Đây là lần đầu tiên thiết quân luật được ban hành kể từ khi nền dân chủ được xác lập tại Hàn Quốc kể từ năm 1987. Tuy nhiên, quyết định thiết quân luật của tổng thống, được quân đội ủng hộ, đã bị dỡ bỏ sau đó chỉ ít giờ. Chỉ 10 phút sau khi lệnh thiết quân luật được ban bố, lãnh đạo đảng đối lập Lee Jae Myng đã kêu gọi các dân biểu họp khẩn tại Quốc hội trong đêm. Nghiệp đoàn lớn nhất của Hàn Quốc kêu gọi 1,2 triệu nghiệp đoàn viên biểu tình "vô thời hạn". Nhiều cố vấn của tổng thống và thành viên nội các thông báo rời bỏ chức vụ ngay vào thời điểm đó.

Vào lúc nửa đêm, khoảng 190 trên tổng số 300 dân biểu có mặt tại Quốc hội để họp phiên toàn thể, theo lời kêu gọi của đối lập, trong lúc quân đội tìm cách xâm nhập vào nhà Quốc hội, nhưng bất thành. Vào lúc 1 giờ đêm, các dân biểu đối lập và 19 dân biểu đảng cầm quyền bỏ phiếu thông qua quyết định hủy bỏ thiết quân luật. Quân đội buộc phải rời khỏi nhà Quốc hội.

Việc đối lập, xã hội dân sự và những thành phần tỉnh táo trong đảng cầm quyền đã thành công trong việc đảo ngược lệnh thiết quân luật của tổng thống Yoon cho thấy khả năng kháng cự dẻo dai của các thiết chế dân chủ và văn hóa chính trị dân chủ tại Hàn Quốc. Theo chuyên gia về Hàn Quốc Alexander M. Hynd, kể từ khi chuyển sang chế độ dân chủ vào năm 1987, Hàn Quốc "đã đạt được những tiến bộ đáng kể trong việc củng cố nền dân chủ, với một xã hội dân sự mạnh mẽ và gắn bó". Nhiều lãnh đạo cao cấp, kể cả nguyên thủ quốc gia, như tổng thống Park Geun Hye hồi 2017, đã bị phế truất và phạt tù do các tội liên quan đến tham nhũng.

Quyết định sử dụng thiết quân luật với hy vọng cứu vãn tình thế của tổng thống Yoon đặt nền dân chủ Hàn Quốc trước thách thức chưa từng có. Tuy nhiên, theo The Economist, trong cái rủi có cái may, biến cố bất ngờ này cũng "có thể trở thành cơ hội để đất nước suy ngẫm và siết chặt đoàn kết" trong bối cảnh trong nội bộ Hàn Quốc phân cực chính trị đang ngày càng trở nên sâu sắc với việc các đảng đối lập "coi nhau như thù địch".

Trọng Thành

****************************

Tổng thống Hàn Quốc ban bố thiết quân luật khẩn cấp, Quốc hội bác bỏ

BBC, 03/12/2024

Tối 3/12, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol đã bất ngờ lên truyền hình và ban bố thiết quân luật khẩn cấp.

hanquoc8

Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol bất ngờ ban bố thiết quân luật khẩn cấp – Reuters

Trong một bài phát biểu trên truyền hình không được báo trước, Tổng thống Yoon Suk-yeol cho biết động thái này là cần thiết để bảo vệ đất nước khỏi các lực lượng cộng sản của Triều Tiên và loại bỏ các phần tử chống phá nhà nước được Triều Tiên hậu thuẫn.

Tổng thống nói rằng ông không còn lựa chọn nào khác ngoài việc áp dụng thiết quân luật.

Hãng thông tấn Yonhap đưa tin rằng lãnh đạo Đảng Dân chủ đối lập Lee Jae-myung đã tuyên bố việc ban bố thiết quân luật là vi hiến.

Yonhap cũng cho biết Han Dong-hoon, lãnh đạo đảng Quyền lực Nhân dân cầm quyền mà Tổng thống Yoon Suk-yeol là thành viên, cũng cam kết sẽ ngăn chặn tuyên bố này và gọi đó là "sai lầm".

Tới nửa đêm, Quốc hội Hàn Quốc đã bỏ phiếu để ngăn chặn động thái tuyên bố thiết quân luật của tổng thống, theo thông tin từ các hãng tin Yonhap và Reuters.

Chủ tịch Quốc hội Woo Won-sik đã đệ trình một nghị quyết yêu cầu dỡ bỏ thiết quân luật vào khoảng 1 giờ sáng giờ địa phương (ngày 4/12).

Nghị quyết đã được thông qua với sự tham gia của 190 nghị sĩ có mặt, trong tổng số 300 thành viên của cả đảng cầm quyền và đối lập, tất cả đều bỏ phiếu thông qua.
Thiết quân luật được ban hành sau tranh cãi về dự luật ngân sách

Ông Yoon đã trở thành một tổng thống "vịt què" kể từ cuộc bầu cử Quốc hội gần đây, khi phe đối lập giành chiến thắng áp đảo trong Quốc hội. Ông không thể thông qua các luật mà mình mong muốn, thay vào đó buộc phải cố gắng phủ quyết các dự luật do phe đối lập đưa ra.

Ông Yoon hiện cũng đang vướng vào một loạt bê bối, chủ yếu liên quan đến vợ ông, người bị cáo buộc tham nhũng và lợi dụng quyền lực để trục lợi. Phe đối lập đã tìm cách khởi động một cuộc điều tra đặc biệt đối với bà này.

Tuần này, phe đối lập đã cắt giảm ngân sách mà chính phủ và đảng cầm quyền đề xuất - và dự luật ngân sách này không thể bị phủ quyết.

Cũng trong tuần này, phe đối lập đang tiến hành các bước để luận tội các thành viên nội các, đặc biệt là người đứng đầu cơ quan kiểm toán chính phủ, vì không điều tra đệ nhất phu nhân.

Ông Yoon đã chọn phương án quyết liệt nhất - ông tuyên bố rằng hành động này là để khôi phục trật tự trước các "lực lượng chống phá nhà nước" mà ông cho là đang cố gắng làm tê liệt đất nước.

Tình hình thiết quân luật

Hãng thông tấn Yonhap cho biết các nghị sĩ đã bị cấm vào tòa nhà Quốc hội.

Trên mạng xã hội, các đoạn video bắt đầu lan truyền được cho là ghi lại hình ảnh có sự hiện diện dày đặc của cảnh sát bên ngoài tòa nhà Quốc hội ở quận Yeongdeungpo, thủ đô Seoul, Hàn Quốc.

Đảng Dân chủ, phe đối lập chính tại Hàn Quốc, đã kêu gọi tất cả các nghị sĩ của mình tập trung tại Quốc hội, cơ quan lập pháp của đất nước, theo hãng thông tấn Yonhap. Lãnh đạo Đảng Dân chủ Lee Jae-myung đã lên án động thái này, gọi đó là vi hiến.

Ông Lee đã kêu gọi tất cả các nghị sĩ của Đảng Dân chủ tập trung tại tòa nhà Quốc hội để bỏ phiếu bác bỏ thiết quân luật, nhưng các thông tin mới nhất từ Seoul cho biết xe buýt cảnh sát đã được triển khai để chặn lối vào tòa nhà Quốc hội.

Lãnh đạo Đảng Quyền lực Nhân dân (PPP) Han Dong-hoon đã gọi việc ban bố thiết quân luật là một động thái "sai lầm" và cam kết sẽ ngăn chặn nó. Tổng thống Yoon - người tuyên bố thiết quân luật - cũng là thành viên của Đảng Quyền lực Nhân dân.

Hiện tại, khoảng 70 thành viên của phe đối lập đang có mặt bên trong tòa nhà Quốc hội, trong khi phần còn lại đang tập trung bên ngoài, Dân biểu Hong Kee-won cho biết.

Khi Chủ tịch Quốc hội Woo Won-shik đến, ông sẽ yêu cầu bỏ phiếu để hủy bỏ thiết quân luật, theo lời ông Hong. Ông Hong còn cho biết rằng ông đã được thông báo có lính đặc nhiệm trong tòa nhà Quốc hội, nhưng chưa rõ các binh sĩ này đang làm gì.

Ngoài sự hiện diện dày đặc của cảnh sát bên ngoài tòa nhà Quốc hội Hàn Quốc, chúng tôi hiện đang thấy hình ảnh các trực thăng bay lượn trên bầu trời phía trên tòa nhà này. Một số trực thăng đã hạ cánh trên mái tòa nhà Quốc hội, theo thông tin từ hãng tin AFP.

Theo luật pháp Hàn Quốc, chính phủ phải hủy bỏ thiết quân luật nếu đa số tại Quốc hội yêu cầu trong một cuộc bỏ phiếu. Luật này cũng cấm cơ quan chỉ huy thiết quân luật bắt giữ các nghị sĩ.

Thiết quân luật là gì ?

Thiết quân luật là chế độ tạm thời do các cơ quan quân sự áp đặt trong tình trạng khẩn cấp, khi các cơ quan dân sự được cho là không thể hoạt động. Việc áp dụng thiết quân luật có thể gây ra các tác động pháp lý, chẳng hạn như đình chỉ các quyền dân sự thông thường và mở rộng phạm vi của luật quân sự.

Về lý thuyết, thiết quân luật chỉ mang tính tạm thời, nhưng có thể kéo dài vô thời hạn.

Theo hãng thông tấn Yonhap, những người vi phạm thiết quân luật có thể bị bắt giữ mà không cần lệnh bắt. Ngoài ra, tất cả các phương tiện truyền thông và các nhà xuất bản sẽ phải tuân theo sự chỉ huy và các hoạt động của thiết quân luật. Hoạt động của Quốc hội bị cấm. Nhân viên y tế, bao gồm cả bác sĩ thực tập, đã được lệnh trở lại làm việc trong vòng 48 giờ.

Tổng thống Yoon Suk-yeol là ai ?

Ông Yoon Suk-yeol, sinh năm 1960, làm tổng thống Hàn Quốc từ năm 2022. Ông là thành viên của Đảng Quyền lực Nhân dân và đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống với tỷ lệ cách biệt rất nhỏ, chỉ 0,7 điểm phần trăm, đánh bại đối thủ Lee Jae-myung. Đây là cuộc bầu cử có cách biệt nhỏ nhất kể từ khi Hàn Quốc bắt đầu bầu cử trực tiếp vào năm 1987.

Tổng thống Yoon đã phải đối mặt với tỷ lệ ủng hộ thấp do các cuộc tranh cãi và bê bối, bao gồm những vụ việc liên quan đến vợ ông, như cáo buộc thao túng cổ phiếu và nhận một chiếc túi Dior xa xỉ. Tháng trước, ông Yoon đã xin lỗi, nói rằng vợ ông lẽ ra phải cư xử tốt hơn.

Tổng thống Yoon cũng gặp khó khăn trong việc thúc đẩy các chương trình nghị sự của mình tại Quốc hội, nơi phe đối lập kiểm soát.

Nguồn : BBC, 03/12/2024

*************************

Phản ứng quốc tế sau khi tổng thống Hàn Quốc dỡ bỏ thiết quân luật

Phan Minh, RFI, 04/12/2024

Chính quyền Hoa Kỳ hôm qua, 03/12/2024, "thở phào nhẹ nhõm" sau khi tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol tuyên bố dỡ bỏ thiết quân luật chỉ vài giờ sau khi ban hành.

hanquoc9

Cảnh sát chặn người biểu tình bên ngoài tòa nhà Quốc hội, tại Seoul, sau khi tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol tuyên bố thiết quân luật, ngày 04/12/2024. AP - Cho Sung-bong

Hãng tin AFP dẫn lời phát ngôn viên Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ cho biết "cảm thấy nhẹ nhõm khi tổng thống Yoon Suk Yeol đã thay đổi quyết định đáng lo ngại về việc ban hành thiết quân luật và đã dỡ bỏ tình trạng này".

Trước đó, Nhà Trắng bày tỏ "quan ngại sâu sắc" về tình hình tại Hàn Quốc, một đồng minh quan trọng của Mỹ, và cho biết đã không được báo trước về quyết định của tổng thống Yoon Suk Yeol.

Đang công du Angola, tổng thống Mỹ Joe Biden đã được cập nhật về tình hình ở Hàn Quốc. Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Seoul hôm nay, 04/12, cho biết đã hủy các cuộc hẹn định kỳ như một biện pháp phòng ngừa. Đại sứ quán Mỹ nhấn mạnh mặc dù ông Yoon Suk Yeol đã dỡ bỏ thiết quân luật, "tình hình vẫn có thể thay đổi". Washington hiện vẫn duy trì khoảng 28.500 binh sĩ tại Hàn Quốc để bảo vệ đồng minh trước một nước Bắc Triều Tiên sở hữu vũ khí hạt nhân.

Thủ tướng Nhật Bản Shigeru Ishiba hôm nay cho biết Tokyo đang theo dõi sát sao tình hình tại Hàn Quốc và nhấn mạnh Nhật Bản đang thực hiện "tất cả các biện pháp cần thiết" để bảo đảm an toàn cho công dân Nhật Bản.

Về phần mình, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Nga, Maria Zakharova, hôm nay cũng tuyên bố hy vọng những sự kiện vừa qua tại Hàn Quốc sẽ không ảnh hưởng đến sự ổn định của bán đảo Triều Tiên.

Phan Minh

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Frances Mao and Jake Kwon, Trọng Thành, Trần Công, Phan Minh, Reuters, BBC, VOA
Read 226 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)