Công trình trùng tu Nhà thờ Đức Bà Paris : Một kỳ tích
Anh Vũ, RFI, 06/12/2024
Từ ngày 08/12/2024 nhà thờ Đức bà Paris bắt đầu mở cửa đón giáo dân và công chúng sau 5 năm thực hiện các công việc phục chế phi thường một di sản kiến trúc bị hỏa hoạn tàn phá nặng nề vào năm 2019.
Bên trong nhà thờ Đức Bà Paris sau khi hoàn tất công việc trùng tu, Paris, Pháp, ngày 29/11/2024. AP - Christophe Petit Tesson
Chiều 15/04/2019, công trình tráng lệ uy nghi có từ thế kỷ thứ 12 và phải hơn hai trăm năm xây dựng đã bị chìm trong lửa. Khoảng 400 lính cứu hỏa làm việc suốt đêm trong cái lò lửa đó để ngăn chặn điều tồi tệ nhất là công trình nhà thờ bị sụp đổ. Đến sáng hôm sau ngọn lửa vẫn chưa được dập tắt hoàn toàn.
Không ai có thể tin là chỉ trong 5 năm công việc trùng tu nhà thờ đã hoàn thành. Nước Pháp đã huy động tất cả các tinh hoa để trả lại vẻ lộng lẫy cho công trình tôn giáo đậm chất lịch sử, gắn liền với nước Pháp và nổi tiếng trên thế giới.
Thời gian kỷ lục
Ngay sau thảm họa, các chuyên gia kiến trúc ước tính sẽ phải mất từ 20 đến 25 năm để Nhà thờ Đức Bà hồi sinh từ đống tro tàn. Ngọn tháp mũi tên đổ xuống đã xuyên qua mái vòm, hệ thống khung xà của mái bị cháy một phần, lớp mái chì đã tan chảy. Các tháp chuông chính diện được cứu thoát trong gang tấc. Nhà thờ vẫn đứng vững nhưng cấu trúc của nó đã bị suy yếu đáng kể.
"Tất cả cùng nhau, chúng ta sẽ xây dựng lại Nhà thờ Đức Bà. Đó là một phần vận mệnh nước Pháp của chúng ta", tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã tuyên bố khi mà bên trong nhà thờ tàn lửa vẫn chưa tắt hết.
Ngay sau vụ hỏa hoạn, nhiều người giàu có, các tập đoàn công nghiệp và những người vô danh đã thể hiện lòng hảo tâm của mình. Chỉ trong 24 giờ, số tiền quyên góp tự nguyện đã lên tới hơn 800 triệu euro đến từ gần 340.000 nhà tài trợ của hơn 150 quốc gia. Công trường khổng lồ huy động 250 công ty xuất sắc cũng như hơn 500 thợ thủ công tài năng, được lựa chọn theo kỹ năng trong từng lĩnh vực (kiến trúc sư, kỹ sư, nhà khảo cổ học, nhà bảo tồn, nhà khoa học, thợ xà gỗ, thợ xây, thợ đá, thợ mộc, thợ giàn giáo, thợ leo dây, chuyên gia phục chế tranh, tác phẩm điêu khắc hoặc kính màu, thợ chế tạo đàn organ, nhiếp ảnh gia và các ê-kíp hành chính….)
Có thể nói công trình là một cuộc phiêu lưu vừa mang tính nhân văn vừa mang tính công nghệ. Công đoạn đầu tiên là bảo đảm an toàn cũng đã kéo dài trong hai năm. Các robot được đưa vào để dọn dẹp gian chính giữa. Đó là nơi rất nguy hiểm khi qua lại. Trong khi đó công nhân dọn dẹp các mảnh vụn từ phía trên mái vòm rộng lớn. Các cảm biến được lắp đặt ở mọi nơi để theo dõi những chuyển động đáng ngờ dù là nhỏ nhất. Khử ô nhiễm hiện trường cũng không hề là một nhiệm vụ dễ dàng : 450 tấn chì đã bốc hơi một phần vào không khí.
Một cần cẩu "tháp" lớn (cao 80 mét), 3 cần cẩu di động và 3 thang máy được dựng lên để gia cố các trụ đỡ hình cánh cung và tháo dỡ các dàn giáo cũ bị hư hại trong trận hỏa hoạn. Sau đó, các kiến trúc sư đầu ngành chuyên về các di tích lịch sử, thợ xây và thợ cắt đá, sẽ kiểm tra, dọn dẹp, chẩn đoán và gia cố các mái vòm.
Trong nhiều tháng sau vụ hỏa hoạn, một cuộc tranh luận dấy lên : Có nên tái thiết nhà thờ theo nguyên bản hay nên có chút cải tiến hiện đại ? Mười lăm tháng sau, tổng thống Emmanuel Macron quyết định và có lẽ miễn cưỡng chọn phương án đơn giản là xây dựng lại công trình tinh hoa kiến trúc Gothic theo nguyên bản, nhờ vào các bản vẽ thiết kế nhà thờ từ thế kỷ 19, tất cả đều còn được lưu giữ.
Một rừng khung xà
Nhà thờ Đức Bà sẽ không phải là nhà thờ Đức Bà nếu không có các khung xà gỗ lịch sử, đó là cả một khu rừng. Trước khi bị cháy, một số xà gỗ được làm từ các cây chặt từ vào khoảng năm 1160-1170. Sau thảm họa, hơn 1.000 cây sồi đã bị đốn hạ ở Pháp để xây dựng lại hệ dầm xà phức tạp đỡ mái nhà thờ Đức Bà. Hệ thống dầm xà được dựng lại y hệt như cũ và theo phương pháp của những người thợ thời Trung Cổ. Những người thợ làm khung xà khắc dấu ấn đầu tiên lên các thanh xà : năm hình bán nguyệt hình trăng lưỡi liềm, được chạm khắc lần đầu tiên cách đây 800 năm.
Mỗi cây gỗ được chọn tại rừng theo đường kính, độ thẳng và chiều dài tương ứng với từng chi tiết khung xà của gian giữa, chính điện, tháp mũi tên và cánh ngang của nhà thờ, với kích thước đặc biệt : dài 100 m, rộng 13 m trong gian giữa, 40 m ở gian ngang, với chiều cao 10 m. Sau khi lắp khung xà, việc lắp đặt mái nhà cho gian giữa và chính điện mới được thực hiện.
Tháp mũi tên, kiệt tác cấu trúc xà gỗ
Kể từ thời Viollet-le-Duc, kiến trúc sư nổi tiếng đã trùng tu nhà thờ vào thế kỷ 19, chưa bao giờ có một ngọn tháp cao đến 96 mét như vậy được xây dựng. Đó là một kiệt tác cấu trúc xà gỗ thực sự. Một giàn giáo 100 mét được lắp đặt. Các chi tiết trang trí bằng chì phải được sao chép giống hệt nhau, từ cây thánh giá đến con gà trống (được lắp đặt năm 1859). Đối với những người theo đạo Thiên chúa, đó là biểu tượng cho sự trở lại của ánh sáng sau màn đêm. Vẫn còn thiếu một phần chì phủ trên đế và các bức tượng của các tông đồ và các vị thánh, đã được dỡ bỏ trước trận hỏa hoạn để phục chế, sẽ được lắp đặt lại vào nửa đầu năm 2025. Tám chiếc chuông, trong đó có hai chiếc bị lửa nhiệt của trận hỏa hoạn nung nóng, cũng đã được phục hồi và trở lại vị trí của chúng ở gác chuông phía bắc của nhà thờ.
Nội thất độc đáo
Thời gian, ô nhiễm, bụi bẩn, khói từ nến, đã khiến nơi này trở nên tối tăm đáng kể. Nội thất của nhà thờ đã được làm sạch hoàn toàn, tường, mái vòm và các hoạt tiết trang trí, ánh lên màu ngà vàng của đá. Sàn nhà trang trí lát đá theo kiểu ô bàn cờ đen trắng đã lấy lại được độ sáng bóng.
Nhà thờ Đức Bà Paris được chiếu sáng bằng hơn 120 khung kính có niên đại từ thế kỷ 13 đến thế kỷ 20. Trong trận hỏa hoạn, mái vòm đã đóng vai trò như một lá chắn ngăn cách hơn 3.000 m2 mặt kính và lực lượng cứu hỏa đã phun nước để bảo quản toàn bộ cửa sổ kính màu. Các tấm kính đó cũng đã được làm sạch và phục hồi những sắc màu xưa.
Đến năm 2026, các tấm kính đương đại theo mong muốn của tổng thống Emmanuel Macron sẽ thay thế cho 5 trong số 6 khung kính được kiến trúc sư Viollet-Le-Duc trùng tu từ thế kỷ 19 ở phía nam Nhà thờ Đức Bà ( bên nhìn ra sông Seine). Đó làn những mảng kính không bị hư hại trong trận hỏa hoạn nhưng đã quá cũ bẩn.
Đồ nội thất phụng vụ trong nhà thờ giờ được làm mới, 1.500 chiếc ghế bằng gỗ sồi được trạm khắc. Cây đàn organ lấy lại vẻ nguy nga : Bị phủ đầy bụi chì, 8.000 ống đàn được tân trang từng cái một. Những bức tranh khổ lớn trên bàn thờ, được đặt các họa sĩ lớn vẽ hàng năm từ 1630 đến 1707 do các nghệ nhân kim hoàn dâng cúng cho nhà thờ đã được phục chế.
Thành công của một "công trường thế kỷ"
Các đường ống phun nước phòng hỏa để tránh tái diễn thảm họa 2019 được lắp đặt kín đáo bám theo các khung xà nhà thờ. Các du khách thăm Nhà thờ Đức Bà sẽ không nhìn thấy gì . Hệ thống phun mưa phòng cháy này chưa từng được lắp đặt trong nhà thờ nào tại Pháp ngoài Nhà thờ Đức Bà Paris.
Công trình thế kỷ, công trường tu tạo lớn nhất Châu Âu, đã đạt mục tiêu đề ra. Chỉ riêng hạng mục xây dựng của công trình đã tiêu tốn 550 triệu euro, trong tổng số 846 triệu euro tiền quyên góp. Hiện vẫn còn dư 150 triệu euro cho các công việc trùng tu bổ sung bên ngoài nhà thờ.
Trước vụ hỏa hoạn 2019, nhà thờ Đức bà Paris hàng năm đón trung bình hơn 10 triệu du khách. Giáo hội và chính quyền dự trù năm 2025, nhà thờ sẽ đón từ 14 đến 15 triệu khách, sau khi công trình di sản văn hóa, tôn giáo và lịch sử này mở cửa.
Ca sĩ Garou hát Les Temps des Cathédrales trước Nhà Thờ Đức Bà ngày 08/12/2024
Anh Vũ
Nguồn : RFI, 06/12/2024
********************************
Nhà thờ Đức Bà : Từ hỏa hoạn kinh hoàng đến cuộc trùng tu thế kỷ dưới lăng kính dân Paris
Chi Phương, RFI, 06/12/2024
Ngày 15/04/2019, hình ảnh ngọn lửa thiêu rụi mái Nhà thờ Đức Bà Paris (Notre-Dame de Paris), đã khiến cả thế giới bàng hoàng. Cuộc trùng tu tái thiết lại nhà thờ ngay lập tức đã được phát động, với thách thức phục hồi nguyên trạng trong vòng 5 năm. Đối với cư dân Paris, dù theo đạo hay vô thần, Notre - Dame như một công trình "bảo vệ" bầu trời thủ đô.
Nhà thờ Đức Bà Paris, Pháp, hai tuần trước khi mở cửa ngày 28/11/2024. © Chi Phuong
Từ 5 năm qua, thay cho tiếng chuông Nhà thờ Đức Bà như thường lệ, cư dân tại quận 5 của thủ đô Pháp đã dần quen với những tiếng búa gõ, dùi khoan, hay những tiếng cần cẩu đinh tai nhức óc. Nằm cách nhà thờ chưa đầy 100 mét, bên bờ hữu sông Seine, căn hộ của bà Élise với ban công có góc nhìn toàn cảnh lên Nhà thờ Đức Bà Paris. Sống tại đây từ năm 1967, bà có thể chiêm ngưỡng công trình biểu tượng của thủ đô Pháp, cả ngày lẫn đêm, cũng như chứng kiến cảnh từng chiếc xà lan bị ngọn lửa thiêu rụi, cảnh tượng cho đến nay vẫn còn ám ảnh bà.
"Khi đỉnh chóp của nhà thờ bị ngọn lửa nuốt chửng, nhiều người tập trung tại con đường nhỏ ở gần sông và tất cả đồng thanh thốt lên tiếng "Ah", sững sờ, thể hiện nỗi thất vọng, sự khó hiểu, cũng như bất lực. Âm thanh ấy vọng đến tận căn hộ nhà tôi, và được lưu giữ ở trong tâm trí tôi. Còn một âm thanh khác, đó là âm thanh của ngọn lửa, của lò lửa, với những tiếng rắc rắc, thiêu cháy Nhà thờ Đức Bà Paris, và khó có thể hiểu được âm thanh đó nếu không sống gần Nhà thờ chỉ hơn trăm mét. Âm thanh đó cứ ám ảnh tôi, thậm chí ngay cả ngọn lửa lò sưởi trong những căn nhà ở quê cũng khiến tôi không chịu được trong một thời gian".
Vụ hỏa hoạn xảy ra ngày 15/04/2019 khiến cả thế giới bàng hoàng, sững sờ và tiếc nuối, đã thiêu rụi phần mái của nhà thờ, phủ đen hầu như toàn bộ phía bên trong bởi khói bụi tàn tro. Ngọn lửa chỉ được dập tắt một ngày sau đó, các biện pháp "khẩn cấp" ngay lập tức được thực hiện, ngăn chặn khả năng công trình 800 năm tuổi có thể bị sụp đổ.
Đến tháng 09/2021, các biện pháp bảo đảm an toàn cho Nhà thờ Đức Bà đã được hoàn thành( từ khử chì, chống thấm, lắp đặt móc treo để ngăn mái vòm bị sập, cố định, gia cố các giàn giáo…). Công cuộc trùng tu, phục hồi Nhà thờ gần như nguyên trạng, chính thức được bắt đầu. Công trình "thế kỷ", theo nhận định của tổng thống Pháp Emmanuel Macron, huy động 250 công ty xuất sắc cũng như hơn 500 thợ thủ công, tất cả được lựa chọn theo kỹ năng của họ trong từng lĩnh vực (kiến trúc sư, kỹ sư, nhà khảo cổ học, nhà bảo tồn, nhà khoa học, thợ xây, thợ đá, thợ mộc, thợ giàn giáo). Trong vòng 24 giờ sau vụ hỏa hoạn, gần 340.000 nhà tài trợ từ 150 quốc gia trên thế giới đã quyên góp khoảng 800 triệu euro nhằm trùng tu Nhà thờ.
Nhà thờ Đức Bà Paris chính thức mở cửa trở lại với công chúng vào ngày 08/11. Bên trong Nhà thờ đã được trùng tu, khôi phục giống với nguyên bản, nhưng mang màu sắc tươi sáng hơn, thay vì màu thời gian cổ kính, qua những hình ảnh được hé lộ đầu tiên vào tuần trước. Tuy nhiên cuộc trùng tu, đặc biệt là ở phần mái và phía bên ngoài Nhà thờ, vẫn tiếp tục.
"Tôi rất thích những chiếc cần cẩu, những giàn giáo, hay những người thợ cheo leo trên mái khiến Nhà thờ có ‘sức sống’. Tôi thích những tiếng ồn, những tiếng búa gõ. Thật khó có thể tưởng tượng rằng cách nay 800 năm, những người thợ cũng gõ búa vào gỗ đẩy xây dựng nhà thờ, dĩ nhiên là trong điều kiện nô lệ không dễ dàng. Và 800 năm sau, việc này vẫn tiếp tục. Đối với tôi, đây là một điều kỳ diệu. Notre-Dame đang sống thực sự. Họ xây dựng lại nhà thờ theo một cách khác, có phần giống với nguyên bản nhưng với rất nhiều thứ mới mẻ, từ công nghệ mới cho đến việc bảo đảm an toàn, làm sao để không xảy ra hỏa hoạn một lần nữa".
Các hàng quán hy vọng khởi sắc khi Nhà thờ Đức Bà mở cửa trở lại
Nhà thờ bị đóng cửa từ 5 năm qua đã khiến các con phố vốn nhộn nhịp, đông đúc khách du lịch trở nên ảm đạm, bị thu hẹp lại bởi các rào chắn và giàn giáo. Các cơ sở kinh doanh lấy du lịch làm nguồn thu chủ yếu chịu tác động nặng nề, chưa kể đại dịch Covid-19, như trường hợp của ông Laurent Pagny, quản lý cửa hàng lưu niệm "Aux chimères de Notre-Dame", từ năm 1957, ngay sát lối vào Nhà thờ Đức Bà. Doanh thu của cửa hàng đã giảm đi hai phần ba.
Ông nói : "Mọi người có thể thấy là chúng tôi chỉ kinh doanh nhỏ. Không chỉ tôi mà những nhà hàng, quán cà phê hay quán kem, ai cũng bị tác động, chúng tôi kinh doanh thua lỗ từ 6 năm qua. Không gian bị thay đổi, chúng tôi gặp khó khăn bởi vì cả con đường "rue du Cloitre" được lắp đặt thêm các hàng rào của công trường, nên không có nhiều người qua lại. Những người đi qua thường không dừng lại, giống như những chiếc xe ô tô đi trên đường cao tốc vậy. (Với việc Nhà thờ mở cửa trở lại), chúng tôi hy vọng rằng những du khách qua đường giờ đây sẽ có thời gian để dừng lại và ghé vào cửa hàng của chúng tôi".
Ở phía bên kia bờ sông Seine, dù không bị các giàn giáo chắn đường, làm thay đổi cảnh quan, nhưng tình hình kinh doanh cũng không mấy khả quan hơn. Bà Christine Gorin, quản lý nhà hàng Auberge Notre Dame, từ hơn 40 năm qua cho biết : "Trước kia, nhà hàng chúng tôi tiếp rất nhiều khách Ý, đến vào dịp Giáng Sinh, và chúng tôi đã mất đi lượng khách này cũng như những người đến lễ thánh vào nửa đêm và đến ăn tối ở nhà hàng của chúng tôi". Tuy nhiên, bà hy vọng rằng tình hình sẽ sớm khởi sắc hơn với việc Nhà thờ mở cửa trở lại : "Tôi mong là khách du lịch sẽ sớm quay lại. Hiện tôi đã có một số yêu cầu đặt chỗ của các nhóm khách người cao tuổi, các hiệp hội vào tháng Tư, tháng Năm tới. Họ là những người đến xem triển lãm, đến ăn tại nhà hàng, rồi đi thăm Notre-Dame. Chúng tôi bắt đầu có những đơn đặt chỗ như vậy".
Nói đến những người gắn bó ngày đêm với Notre-Dame, không chỉ có những cư dân xung quanh, những hàng quán sáng đèn hàng ngày bên Nhà thờ, mà còn cả những người bán sách ven sông Seine thơ mộng, trở thành cảnh quan không thể thiếu trong những tấm post-card về Nhà thờ Đức Bà Paris. Bà Françoise Louvet đã mở sạp bán sách ngay sát lưng nhà thờ. Bà không ngờ rằng 5 năm đã trôi qua và nay việc trùng tu đã kết thúc. Bà cho biết việc kinh doanh của mình không bị ảnh hưởng nhiều bởi "ban đầu luôn có những người tò mò đến để xem chuyện gì đã xảy ra với Nhà thờ Đức Bà, sau đó, phải nói rằng không có ngày nào là không có người dừng lại và hỏi tôi về tiến triển của việc trùng tu. Mọi người đang đi ngang qua, chụp ảnh với giàn giáo và cảnh xung quanh. Có thời điểm, Notre- Dame trông giống như một con côn trùng mắc vào mạng nhện do bị nhiều giàn giáo che phủ".
"Notre-Dame" là lịch sử của Paris, là công trình "bảo vệ" của thủ đô Pháp
Tình yêu với Paris, với vị trí đắc địa này, đã giữ chân bà Françoise bên sạp sách, ở bờ hữu sông Seine từ 54 năm qua. Bà nói : "Tôi là một người vô thần. Tôi không tin vào Chúa. Tôi không đặc biệt thích những công trình tôn giáo, nhưng Notre-Dame thì rất đặc biệt. Notre-Dame là lịch sử của Paris, là Victor Hugo. Và đó là cảnh quan mà tôi yêu thích từ bao lâu nay, tôi luôn cảm thấy như ở nhà của mình".
Mặc dù Nhà thờ Đức Bà Paris Notre-Dame sẽ mở cửa trở lại cho công chúng, với dự trù thu phí vào cửa 5 euro, nhưng công cuộc trùng tu vẫn còn kéo dài trong nhiều năm nữa. Du khách đến thăm Nhà thờ Đức Bà khó có thể phát hiện ra những đường ống được lắp đặt một cách kín đáo, sẵn sàng phun ra hàng triệu giọt nước siêu nhỏ để chữa cháy, tránh tái diễn kịch bản năm 2019. Đây là nhà thờ đầu tiên ở Pháp sử dụng hệ thống phun sương nhằm phòng cháy chữa cháy.
Dự án trùng tu lớn nhất ở Châu Âu cho đến nay, đã tiêu tốn khoảng 550 triệu euro trong tổng số tiền quyên góp, và còn khoảng 150 triệu cho việc trùng tu thêm phía bên ngoài Nhà thờ.
Vào năm 2017, Notre-Dame đã chào đón 12 triệu du khách. Giáo phận dự kiến sẽ tiếp đón từ 14 đến 15 triệu du khách vào năm 2025. Cũng như nhiều người Pháp, bà Elise cho biết sẽ sớm ghé thăm Nhà thờ Đức Bà. "Tôi là người vô thần, nhưng công trình ngay trước mặt tôi đây, giống như một chú mèo lớn bảo vệ tôi vậy. Đối với tôi Notre-Dame ở đó và sẽ luôn ở đó, bất biến".
Chi Phương
Nguồn : RFI, 06/12/2024
****************************
Tìm hiểu thêm về Bản thiết kế Nhà thờ Đức Bà Paris
Nguyễn Văn Thọ, 10/12/2024
Bản thiết kế hiện tại để phục dựng Nhà thờ Đức Bà Paris chủ yếu dựa vào tài liệu từ thế kỷ 19, đặc biệt là từ quá trình trùng tu của kiến trúc sư Eugène Viollet-le-Duc.
Kiến trúc sư Eugène Viollet-le-Duc và Nhà Thờ Đức Bà Paris
Lý do chính là vì trong thế kỷ 12-13, các phương pháp lập bản vẽ thiết kế trước khi xây dựng chưa phát triển đầy đủ như hiện nay.
1. Kiến trúc thời trung cổ (thế kỷ 12-13)
Vào thời kỳ này các công trình kiến trúc lớn thường không có bản thiết kế chi tiết hoàn chỉnh trước khi bắt đầu xây dựng. Kiến trúc sư (thường là các "maître d'œuvre" - người chỉ đạo công trình) sẽ làm việc trực tiếp trên công trường. Họ dựa vào kinh nghiệm và các bản phác thảo thô (thường trên da dê hoặc gỗ). Quy trình xây dựng diễn ra theo từng giai đoạn, và thiết kế có thể được thay đổi linh hoạt trong quá trình thi công.
2. Vai trò của Viollet-le-Duc (thế kỷ 19)
Khi Viollet-le-Duc trùng tu nhà thờ vào thế kỷ 19, ông không chỉ dựa vào tàn tích còn sót lại của nhà thờ mà còn thêm vào nhiều chi tiết mới theo phong cách Gothic lý tưởng hóa.
Một số điểm quan trọng trong thiết kế của ông :
Tháp nhọn (spire) : Thiết kế của ông hoàn toàn mới, vì tháp nhọn nguyên gốc đã biến mất từ thế kỷ 18.
Trang trí chi tiết : Nhiều tượng, hoa văn, và hình trang trí mà ông thêm vào không có trong thiết kế gốc.
3. Quá trình phục dựng hiện nay (sau vụ cháy năm 2019)
Nguồn tài liệu : Các kiến trúc sư hiện nay sử dụng tư liệu từ thế kỷ 19 (bao gồm cả bản vẽ chi tiết của Viollet-le-Duc) và các công nghệ hiện đại như quét laser 3D, hình ảnh chụp trước vụ cháy.
Sự kết hợp giữa cổ và hiện đại : Một số phần của nhà thờ sẽ được phục dựng theo thiết kế gốc (thế kỷ 12-13), trong khi các chi tiết từ thế kỷ 19 cũng được giữ nguyên để bảo tồn giá trị lịch sử.
Kết luận
Việc phục dựng nhà thờ hiện nay không hoàn toàn dựa trên thiết kế từ thế kỷ 12-13 vì thời đó chưa có bản vẽ chi tiết. Thay vào đó, các kiến trúc sư dựa nhiều vào tài liệu từ thế kỷ 19 của Viollet-le-Duc, kết hợp với các công nghệ hiện đại để tái hiện vẻ đẹp và sự chính xác của công trình qua từng thời kỳ.
Nguyễn Văn Thọ
(10/12/2024)