Nếu đã an phận với cương vị ông chủ đế chế kinh doanh mang tên Trump của chính mình, thì những câu chuyện đời tư của ông Donald Trump rắc rối như thế nào với phụ nữ đã không bị đăng nhan nhãn trên mặt báo. Cũng vậy, nếu đừng làm Tổng thống Hoa Kỳ, thì chuyện nghiện ngập của con trai ông Joe Biden đã không bị đối thủ chính trị của ông rêu rao một cách dai dẵng trên truyền thông Hoa Kỳ.
Sự thuyết phục của chính trị gia đối với công chúng không chỉ vì mục tiêu chính nghĩa mà còn là chính cuộc sống đời tư mẫu mực và minh bạch của mình.
Không chỉ ông Trump, ông Biden hoặc các chính khách tại Hoa Kỳ, mà bất kỳ người nào nào muốn đảm đương vai trò to tát trong xã hội như một chính trị gia, thì mặc nhiên, phải chấp nhận sự phán xét của công chúng về đời tư của mình.
Trong đó, chính trị gia sẽ được báo chí "soi" tận tình mọi ngóc ngách cuộc đời, từ học bạ trung học, thành tích thể thao, quan điểm tôn giáo, chính trị, đi lính, chuyện đời tư... Không chỉ bản thân chính trị gia, mà cả người phối ngẫu và con cái của họ. Tất tần tật đều được phơi bày trên trang báo một cách công khai, thậm chí, theo kiểu ác ý nhất.
Vì lẽ, chính trị gia, người tự đeo mang cho chính mình vai trò quan trọng trong xã hội. Khi đã được công chúng tin cậy, chấp nhận giao phó trọng trách, thì theo đó, mỗi hành xử của chính trị gia đều có thể tác động đến cuộc sống của hàng vạn người, hàng triệu người, đôi ba thế hệ. Thậm chí, vận mệnh của cả một dân tộc theo cách tích cực hoặc tiêu cực.
Cho nên, để công chúng có thể cân nhắc lựa chọn, quyết định có giao phó cho chính trị gia trọng trách hay không ? Thì họ cần có sự hiểu biết toàn diện về chính trị gia ấy.
Chính trị gia cũng vậy, họ hiểu và mặc nhiên chấp nhận sự minh bạch mọi thông tin về nhân thân họ, gia đình họ, bao gồm cả đời tư một cách đầy đủ và công khai.
Vì thế, chính trị gia không còn là một công dân bình thường để có thể cho rằng có quyền giữ bí mật về đời tư được nữa.
Chỉ có trong các chế độ độc tài, thì chính trị gia mới được bảo vệ đời tư, vì họ muốn giữ gìn hình ảnh thánh thiện giả tạo trước mắt công chúng.
Việt Nam, xứ sở chậm tiến so với thế giới bên ngoài chưa từng có chính trị gia đúng nghĩa kể từ thời điểm sau năm 1975 cho đến nay.
Tuy vậy, lúc này, lúc khác vẫn có những bật thức giả lên tiếng về hiện hình đất nước, có thể là phê phán, có thể là góp ý, hiến kế… Hết thảy đều cần thiết cả. Và dù muốn hay không, tất cả họ đều tự nguyện đưa vai gánh vác trọng trách, vai trò lớn hơn bản thân. Họ chính là những chính trị gia tiềm tàng trong xã hội.
Một khi đã tự gánh cho mình vai trò to tát, cùng với đó là sự thiệt thòi khi phải đánh đổi không hề nhỏ về đủ mọi phương diện. Như khả năng phải đối diện lao tù Cộng Sản đày đọa con người như địa ngục trần gian ; Công việc làm ăn bị đình đốn ; Gia đình gồm cha mẹ, con cái không thể chăm sóc chu đáo ; Thay vì mang lại hạnh phúc và là chỗ dựa cho người phối ngẫu, thì lại trở thành gánh nặng chưa từng có ; Người thân, bạn bè xa lánh vì sợ hãi, nghi kỵ… Thì theo đó, đời sống riêng tư của chính trị gia (dù tiềm năng) cũng phải cần cân nhắc theo cách phù hợp với vai trò lớn mà mình đang tự nguyện đeo mang và chấp nhận sự minh bạch về đời sống riêng tư đó như là một điều kiện để thuyết phục công chúng.
Cứ thử nghĩ, nếu nhân thân của chính trị gia xấu xa, giả dối, thì liệu có thể thuyết phục được công chúng cùng thực hiện những việc to tát, nguy hiểm khiến cho họ có thể chịu tù đày hay không ?
Cũng thế, nếu biết một chính trị gia không dám nhìn nhận người vợ mà mình đã thành hôn, đầu ấp, tay gối trong những ngày hàn vi, thì công chúng có đồng ý giao phó cho ông ấy làm chủ tịch nước và còn ca ngợi ông ấy như một vị thánh nữa không ?
Sự thuyết phục của chính trị gia đối với công chúng không chỉ vì mục tiêu chính nghĩa, phương pháp hay ho, khả thi. Khả năng hùng biện. Mà trên tất cả, còn là chính cuộc sống đời tư mẫu mực và minh bạch của mình.
Hơn nữa, chính trị gia chống độc tài thì lại càng không thể đòi hỏi bí mật về đời tư như độc tài được.
Suy cho cùng, phần thưởng nào mà không phải đánh đổi ? Huy chương nào mà không có mặt trái ? Sự vinh quang của chính trị gia phải đánh đổi nhiều điều, trong đó và đầu tiên là đời tư của họ.
Ngẫm xem, chẳng phải trong các khái niệm "Chính tâm, thành ý, tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ", thì khái niệm sau đều là hệ quả của khái niệm trước hay sao ?
Đặng Đình Mạnh
Nguồn : manhdang, 01/12/2024