Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

13/12/2024

Chiến tranh Ukraine : khó đoán những gì xảy ra trong những ngày sắp tới

RFI tổng hợp

Trump "kịch liệt phản đối" Ukraine dùng tên lửa Mỹ tấn công vào lãnh thổ Nga

Minh Anh, RFI, 13/12/2024

Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump cho biết ông "kịch liệt phản đối" việc Ukraine dùng tên lửa tầm xa của Mỹ tấn công vào lãnh thổ Nga, nhưng ông cũng cam kết không bỏ rơi Ukraine.

banco1

Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump và nguyên thủ quốc gia Ukraine Volodymyr Zelensky tại Nhà thờ Đức Bà Paris, Pháp, ngày 7/12/2024. AFP – Ludovic Marin

Tạp chí Time hôm qua, 12/12/2024, nêu rõ phát biểu này của ông Trump được đưa ra trong cuộc trả lời phỏng vấn hôm 25/11, trước cuộc gặp với tổng thống Pháp Emmanuel Macron và đồng nhiệm Ukraine Volodymyr Zelensky ở Paris.

Trong cuộc phỏng vấn nói trên, tổng thống đắc cử Mỹ cho biết : "Tôi phản đối mạnh mẽ việc bắn tên lửa sâu hàng trăm km vào lãnh thổ Nga. Tại sao Mỹ phải làm điều đó ? (…) Chúng ta chỉ làm gia tăng cường độ chiến tranh và làm xung đột thêm nghiêm trọng". Ông Donald Trump còn tuyên bố muốn "đạt được một thỏa thuận" để chấm dứt xung đột.

Trả lời giới báo chí, phát ngôn viên Hội đồng An ninh Quốc gia Nhà Trắng, John Kirby cho biết không muốn bình luận "những phát biểu ồn ào" từ phe tổng thống đắc cử về chủ đề này. Ông Kirby nhắc lại lập trường của chính quyền Biden là làm mọi cách để "Ukraine có thể tự phòng vệ, để khi bước vào đàm phán, nếu có, tổng thống Zelensky sẽ ở trong những điều kiện tốt nhất có thể".

Theo AFP, điện Kremlin hôm nay, 13/12/2024, đã lên tiếng hoan nghênh tuyên bố trên của ông Donald Trump. Trong buổi họp báo ngắn, phát ngôn viên phủ tổng thống Nga, Dmitri Peskov, cho rằng "phát biểu này hoàn toàn phù hợp với lập trường của chúng tôi, và cái nhìn của ông Trump về nguyên nhân leo thang xung đột cũng trùng hợp với quan điểm của Nga".

Minh Anh

**************************

Moskva dọa "trả đũa" vụ Ukraine tấn công một sân bay Nga bằng tên lửa Mỹ

Thanh Hà, RFI, 12/12/2024

Bộ Quốc phòng Nga hôm qua, 11/12/2024, tuyên bố sẽ "đáp trả" vụ Ukraine dùng "6 tên lửa đạn đạo ATACMS do Mỹ chế tạo" tấn công vào sân bay quân sự Taganrog, tỉnh Rostov, miền tây nam nước Nga. Tại Washington, cũng hôm qua, một quan chức cao cấp Hoa Kỳ nêu lên khả năng "trong những ngày tới" Moskva sẽ lại sử dụng tên lửa siêu thanh có thể mang đầu đạn hạt nhân Oreshnik nhắm vào Ukraine.

banco2

Ảnh tư liệu do quân đội Mỹ cung cấp : Tên lửa chiến thuật tầm xa ATACMS được bắn thử ngày 14/12/2021 tại bang New Mexico, Hoa Kỳ. AP - John Hamilton

Hãng tin Pháp AFP nhắc lại tên lửa Oreshnik vẫn trong quá trình thử nghiệm. Phương Tây có ít thông tin về loại tên lửa đạn đạo tầm trung mới này của Nga, được thiết kế để mang đầu đạn hạt nhân, nhưng theo một số nhà quan sát, Oreshnik có thể "bắn trúng bất kỳ mục tiêu nào trên lãnh thổ Châu Âu và cả bên bờ tây của Mỹ". Hôm 21/11/2024 Nga đã sử dụng loại vũ khí này để tấn công Dnipro, miền trung Ukraine.

Trong vụ tấn công vào phi trường quân sự Taganrog của Nga, Bộ Quốc phòng nước này cho biết "2 trong số 6 tên lửa ATACMS đã bị bắn hạ", "các thiết bị điện tử đã đẩy chệch hướng số còn lại". Các mảnh vỡ của tên lửa đã gây thiệt hại cho phía Nga, với "nhiều người bị thương" tại sân bay quân sự Taganrog.

Trước đó, trên mạng Telegram của Nga, nhiều đoạn video được cho là những hình ảnh vụ tấn công nói trên đã được phổ biến. Thống đốc bang Rostov, Yuri Sliusar, xác nhận "một đợt tấn công bằng tên lửa nhắm vào phi trường quân sự Taganrog trong đêm thứ Ba rạng sáng thứ Tư (10-11/12/2024 ), làm khoảng 30 chung cư bị mất điện".

Chính quyền Kiev chưa lên tiếng về sự kiện nói trên. Quân đội nước này đêm qua chỉ thông báo đã oanh kích vào một cơ sở dầu hỏa của Nga trong vùng Briansk, miền đông nước Nga, do đây là một mắt xích quan trọng "cung cấp xăng dầu của quân đội Nga".

Trên chiến trường, sáng nay, quân đội Nga tiếp tục đà tấn công ở miền đông Ukraine và đang tiến về hai thành phố lớn Pokrovk và Kurakhov. Viện Nghiên Cứu Chiến Tranh của Mỹ ISW sáng nay cho biết quân Nga chỉ còn cách Porkrovk 6 km. Trên lãnh thổ Nga, Moskva hôm qua loan báo đã giành lại được hai ngôi làng do quân Ukraine đang kiểm soát ở tỉnh Krusk sát biên giới Ukraine

Thanh Hà

**************************

Lãnh đạo Pháp, Ba Lan nêu khả năng đưa quân Châu Âu đến Ukraine

Anh Vũ, RFI, 13/12/2024

Tối qua, 12/12/2024, tổng thống Emmanuel Macron đã trở về Pháp sau chuyến đi Ba Lan trong ngày, nhằm tìm kiếm khả năng đàm phán hòa bình cho Ukraine. Trong cuộc hội đàm tại Warszawa, lãnh đạo Pháp và Ba Lan đã thảo luận về khả năng đưa quân đội Châu Âu tới Ukraine, đồng thời nhấn mạnh không thể có một nền hòa bình bất lợi cho người Ukraine.

banco3

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và thủ tướng Ba Lan Donald Tusk (phải) ở Warszawa, Ba Lan, ngày 12/12/2024. © Czarek Sokolowski / AP

Sau cuộc gặp tổng thống Emmanuel Macron, thủ tướng Donald Tusk khẳng định khả năng đưa quân đội Châu Âu đến Ukraine đã được hai bên đề cập đến trong cuộc hội đàm, nhưng nhấn mạnh "hiện tại" Warszawa chưa có dự trù nào theo hướng này. Đây chính là đề xuất mà tổng thống Pháp đưa ra hồi đầu năm nay mà không được hưởng ứng.

Thông tín viên Adrien Sarlat tại Warszawa tường trình về cuộc gặp giữa lãnh đạo Pháp và Ba Lan :

Đoàn kết chính là điều mà lãnh đạo đạo Pháp và Ba Lan đã chứng minh trong cuộc gặp sáng qua. Ông Donald Tusk và Emmanuel Macron muốn nhắc lại vai trò của Châu Âu trong một nền hòa bình có thể cho Ukraine. Theo cách nói của lãnh đạo Ba Lan, đó sẽ phải là một nền "hòa bình công bằng", do người dân Ukraine quyết định và cho người dân Ukraine.

Ông Donald Tusk nói : "Nếu bạn cho phép, tôi muốn nhân cơ hội này để chấm dứt những đồn đoán về khả năng hiện diện quân sự của bất kỳ quốc gia nước ngoài nào tại Ukraine sau khi ký kết hòa bình".

Tuy nhiên, ông Emmanuel Macron đáp lại, nền hòa bình đó chỉ có thể có được nếu Châu Âu tự lo được an ninh cho mình. Niềm tin đó được củng cố khi tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump tuyên bố dự tính rút Hoa kỳ khỏi Liên minh Bắc Đại Tây Dương. Ông Macron tuyên bố :

"Các nước Châu Âu tất nhiên còn phải gia tăng đầu tư trong lĩnh vực an ninh, cũng như đầu tư để phát triển nền công nghiệp quốc phòng và giảm bớt sự lệ thuộc chiến lược của chúng ta. Tôi biết nhiều nước mạnh về quốc phòng như Ba Lan chia sẻ quyết tâm đó".

Từ đầu cuộc chiến tranh tại Ukraine, Ba Lan đã làm gương cho các đồng minh với việc dành 4% GDP mỗi năm cho chi tiêu quân sự. Tháng 3 tới đây, Pháp và Ba Lan sẽ ký một hiệp định hợp tác mới tại Nancy (Pháp).

Bảo đảm an ninh tập thể của các đồng minh

Trước viễn cảnh Ukraine không thể nhanh chóng gia nhập NATO (Washington và Berlin vẫn phản đối), những đội quân được đề cập đến sẽ chỉ có thể dưới hình thức lực lượng duy trì hòa bình nhằm bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của Ukraine một khi ngừng bắn có hiệu lực.

Một quan chức Ukraine xác nhận với AFP rằng,việc triển khai một đội quân của Châu Âu có thể là "một trong những bảo đảm" cho nền hòa bình trong tương lai với Nga. Quan chức này cũng nói thêm, đó là "một ý tưởng của các nước Châu Âu", không phải của Kiev và rõ ràng tổng thống Macron là người chỉ đạo.

Gần đây tổng thống Ukraine cũng đã ngỏ ý sẵn sàng chờ lấy lại sau các vùng lãnh thổ bị Nga chiếm đóng. Nhưng ông yêu cầu Ukraine phải được bảo đảm an ninh từ tập thể các đồng minh để tránh bị Nga tấn công trở lại, sau khi có thỏa thuận hòa bình.

Anh Vũ

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Minh Anh, Thanh Hà, Anh Vũ
Read 45 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)