Bất kể những phân tích về lợi – hại, thiệt – hơn [1], ở đợt thứ hai kỳ họp thứ tám, đa số đại biểu quốc hội khóa 15 vẫn nhất trí với "chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trục Bắc – Nam" [2] vì đã được yêu cầu "chỉ bàn làm, không bàn lùi" [3].
Đài Phát thanh-Truyền hình Hà Nội đăng infographic về đề án đường sắt cao tốc của Việt Nam, tháng 11/2023. Ảnh minh họa.
Không phải tự nhiên mà "Dự án đường sắt tốc độ cao trục Bắc – Nam" được đem ra thảo luận trên tinh thần "chỉ bàn làm, không bàn lùi". Ý tưởng thực thi tuyến đường sắt tốc độ cao được nêu ra từ giữa thập niên 2000 nhưng chỉ gieo nghi ngại trong tất cả các giới. Trước áp lực của công luận, giữa 2010, các đại biểu Quốc hội khóa 12 phủ quyết "Dự án Đường sắt cao tốc" [4] song các viên chức hữu trách không cam tâm từ bỏ. Năm năm sau, chính phủ Việt Nam tuyên bố thay kế hoạch xây dựng "Đường sắt cao tốc" bằng kế hoạch xây dựng "Đường sắt… tốc độ cao" [5]. Từ đó đến nay, chuyện có nên xây dựng đường sắt tốc độ cao, thiết kế vận tốc nên nằm trong khoảng 200 km/h hay trên 300 km/h, vận chuyển hành khách và hàng hóa hay chỉ vận chuyển hành khách, gói đầu tư nên khoảng 30 tỉ Mỹ kim hay gần 60 tỉ Mỹ kim... liên tục được nâng lên, đặt xuống.
Giờ, hai tháng sau khi Ban Chấp hành trung ương đảng khóa 13 quyết định giao cho Quốc hội khóa 15 "xem xét và thông qua chủ trương đầu tư" [6], những cá nhân "đại diện cho ý chí và nguyện vọng của toàn dân" cảnh cáo nhau "chỉ bàn làm, không bàn lùi" rồi cun cút vung tay thông qua "nghị quyết" !
***
Không phải tự nhiên mà sau khi Ban Chấp hành trung ương đảng khóa 13 quyết định giao cho Quốc hội khóa 15 "xem xét và thông qua chủ trương đầu tư" về "Dự án đường sắt tốc độ cao 350 km/h", một số cơ quan truyền thông chính thức và nhiều người sử dụng mạng xã hội cùng nhắc đến "Dự án đường sắt Yên Viên - Phả Lại - Hạ Long". Đây là dự án "đường sắt cao tốc" đầu tiên tại Việt Nam. Dù vận tốc theo thiết kế (120 km/h) chỉ bằng 1/3 tốc độ "đường sắt cao tốc" mà các đại biểu Quốc hội khóa 15 vừa nhất trí "đầu tư" theo chỉ đạo của Ban Chấp hành trung ương đảng khóa 13 (360 km/h), chiều dài của tuyến đường sắt Yên Viên - Phả Lại - Hạ Long (131 km, trong đó chỉ có 43 km được làm mới, phần còn lại là cải tạo nâng cấp) chỉ tương đương 1/12 chiều dài của "đường sắt tốc độ cao trục Bắc – Nam" mới được nhất trí phải "làm", không "lùi" (1.541 km), giá trị suất đầu tư (7.600 tỉ) chỉ bằng 1/225 giá trị suất đầu tư của dự án vừa có... "nghị quyết" (1.713.548 tỉ đồng) nhưng sau hai thập niên, kết quả không những chỉ là một số không tròn trĩnh mà còn là bằng chứng của mức độ hoang tưởng cực cao về tâm lực, trí lực và năng lực quản trị, điều hành !
Chủ trương và quyết định đầu tư "Dự án đường sắt Yên Viên - Phả Lại - Hạ Long" từng được quảng bá là bước khởi động cho kế hoạch chuyển đổi hệ thống đường sắt Việt Nam từ lạc hậu (khoảng 50 km/h) sang hiện đại (trên 100 km/h). Tuy nhiên sau khi khởi công hồi 2005, xây dựng được vài nhà ga như Cái Lân, Hạ Long... vài cầu vượt như Bàn Cờ... ngốn hết 4.500 tỉ, sáu năm sau (2011) toàn bộ công trình được... "đắp chiếu" do... "thiếu vốn" và chính phủ quyết định "giãn tiến độ" ! Bắt đầu bằng "nghị quyết" và kết thúc cũng bằng... "nghị quyết", ngoài vài nhà ga và cầu vượt bỏ hoang, công trình xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao đầu tiên ở Việt Nam còn có một số "núi thép" được... "tạo dựng" từ những thanh ray mua của Trung Quốc rồi mang về để đó nhằm thử... "độ bền" với mưa, nắng trong… 20 năm. Bởi việc "hà hơi", dựng dậy "Dự án đường sắt tốc độ cao trục Bắc – Nam" không được dư luận ủng hộ và "tuyến đường sắt Yên Viên – Phả Lại – Hạ Long" chính là ví dụ, để "giải độc", các viên chức hữu trách tuyên bố đã "tham mưu cho chính phủ trình Bộ Chính trị xin chủ trương hoàn thành tuyến đường sắt này vào năm 2030" [7].
***
Nghị quyết mà các đại biểu quốc hội khóa 15 vừa thông qua "Dự án đường sắt tốc độ cao trục Bắc – Nam" xác định sẽ sử dụng khoảng 10.827 héc ta đất, trong đó, khoảng 3.600 héc ta là đất trồng lúa với khoảng 3.100 héc ta là đất trồng lúa nước từ hai vụ trở lên, khoảng 2.500 héc ta là đất lâm nghiệp (chính xác là khoảng 2.500 héc ta hiện là rừng, bao gồm cả rừng đặc dụng, rừng phòng hộ và rừng sản xuất), khoảng 4.605 héc ta là các loại đất khác. Số người bị buộc phải "tái định cư" để thực hiện dự án tối thiểu là 120.000.
Cứ nhìn hiệu quả các dự án từng được quảng bá rầm rộ như "Dự án khai thác bauxite ở Tây Nguyên" và đặc biệt là "Dự án đường sắt Yên Viên - Phả Lại - Hạ Long" như vừa kể, bao nhiêu người tin "Dự án đường sắt tốc độ cao trục Bắc – Nam" thật sự sẽ đạt được mục tiêu "xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao hiện đại, đồng bộ nhằm đáp ứng nhu cầu vận tải, tạo động lực quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững, phát huy lợi thế trên hành lang kinh tế Bắc - Nam, bảo đảm kết nối hiệu quả các hành lang Đông - Tây và các nước trong khu vực, gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh và hội nhập quốc tế, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, thúc đẩy tiến trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, góp phần hiện thực hóa mục tiêu, nhiệm vụ theo Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 13 và các Nghị quyết của Đảng" ?
Chính quyền Việt Nam sẽ moi từ đâu khoản tiền hơn 1.700.000 tỉ để thực hiện "Dự án đường sắt tốc độ cao trục Bắc – Nam" và nếu lại gặp khó khăn về vốn, chẳng lẽ chỉ cần ban hành nghị quyết... "giãn tiến độ" là đủ để hóa giải "thiệt đơn, thiệt kép", đủ để rũ bỏ trách nhiệm của các thành viên Bộ Chính trị, thành viên Ban Chấp hành Trung ương đảng, thành viên chính phủ, Đại biểu quốc hội, không có bất kỳ cá nhân nào nhận trách nhiệm hay bị buộc phải chịu trách nhiệm ? Việc hàng trăm triệu người Việt Nếu tiếp tục nhận lãnh hậu quả từ "tài tình, sáng suốt" theo kiểu như vậy là định mệnh ?
Trân Văn
Nguồn : VOA, 10/12/2024