Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

26/08/2017

Nói về hòa giải quốc gia

Trương Nhân Tuấn

Chiến tranh Việt Nam 1954-1975 được gọi dưới nhiều tên khác nhau, tùy quan điểm chính trị, quan điểm ý thức hệ cũng như hoàn cảnh pháp lý của các bên lâm chiến.

hoagiai1

Khi người Việt đánh người Việt, trên đất Việt, bất kể lý do nào, bất kể bên nào đánh bên nào, cuộc chiến đó phải gọi là một cuộc "nội chiến".

Miền Bắc gọi đó là cuộc "chiến tranh giải phóng", "đánh Mỹ cứu nước". Trên quan điểm ý thức hệ thì đó là cuộc chiến tranh giữa hai khối cộng sản và tự do. Trên mặt trận ta thấy vũ khí của Liên Xô, Trung Quốc, nói chung là khối xã hội chủ nghĩa, đánh với vũ khí của Mỹ. Phía miền Nam thì gọi đó là cuộc chiến bảo vệ tự do. Miền Nam đôi khi tự nhận là "tiền đồn của thế giới tự do", còn miền Bắc hãnh diện là "ngọn cờ đầu của thế giới vô sản". Người Mỹ gọi đó là "cuộc chiến Việt Nam". Phe xã hội chủ nghĩa gọi đó là cuộc chiến "chống đế quốc Mỹ"...

Gọi cách nào thì bản chất của cuộc chiến vẫn không thay đổi : người Việt đánh nhau với người Việt, trên đất nước Việt Nam. Và khi người Việt đánh người Việt, trên đất Việt, bất kể lý do nào, bất kể bên nào đánh bên nào (cho dầu có sự trợ giúp của nước này hay nước kia), cuộc chiến đó phải gọi là một cuộc "nội chiến".

Chiến tranh xảy ra trên đất nước đã làm cho "gà nhà bôi mặt", máu chảy thành sông, xương chồng thành núi, ruộng đồng tàn phá, đất nước điêu tàn, lòng người ly tán. Các bên tham gia tìm cách đặt tên cho cuộc chiến để dành "chính nghĩa" về mình, để sự can dự của mình phù hợp với các nguyên tắc về chiến tranh của "công pháp quốc tế".

Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhân một cuộc phỏng vấn báo chí nưóc ngoài, trả lời câu hỏi : ông có thấy tiếc nuối (hay hối hận) về 4 triệu người là nạn nhân cuộc chiến hay không ? Ông Giáp trả lời gọn : Không hề.

Không có sự tàn phá nào cho bằng một cuộc "nội chiến", nhứ là lý do cuộc chiến là khác biệt về "ý thức hệ". Vì ngoài những chết chóc, mất mát, đổ vỡ... gây ra do chiến tranh, sự khác biệt về "ý thức hệ" đã khiến những nạn nhân còn sống sót lại trở thành "kẻ thù ý thức hệ".

Báo chí thế giới có lần phỏng vấn ông Phạm Văn Đồng, thập niên 80, nhân cao trào vượt biên : ông nghĩ gì về những người Việt vượt biên ? Ông Đồng trả lời đại khái rằng (những người vượt biên) là thành phần đỉ điếm, cặn bã xã hội (sic !). Ông Đồng cũng có nói về số phận những người học tập cải tạo. Ông cho rằng họ là những người "có tội ác với nhân dân", không tử hình họ là (nhà nước) còn nhân đạo lắm (sic !).

Những người lính, công chức phục vụ cho bộ máy hành chánh Việt Nam Cộng Hòa, sau 30/4/1975 bị tập trung vào các trại "học tập cải tạo" trong rừng sâu, núi thẳm, xa cách với thành thị. Có người bị "cải tạo" 5 năm, có người mười năm, có người hai mươi năm. Đến nay, sau 40 năm, chắc chắc vẫn còn nhiều người trong thành phần này chưa thấy được tự do.

Qua nhiều nhân chứng còn sống, đời sống của người "học tập cải tạo" tệ hại hơn cả tù nhân khổ sai. Tù nhân khổ sai, khi bị kết án, là chịu những hình phạt qui định theo pháp luật. Người "học tập cải tạo", mọi tự do bị mất như người tù, nhưng làm việc cực nhọc cho đến khi kiệt sức, hơn cả tù khổ sai, mà không được ăn no như tù khổ sai. Rất nhiều trường hợp người "học tập cải tạo" bị chết do lao lực, bệnh hoạn, suy dinh dưởng do thiếu ăn…

Tù khổ sai không bị hành hạ, khủng bố tinh thần nhưng người "học tập cải tạo" thường xuyên chịu sự trừng phạt này. Đó là biện pháp "tẩy não" thường thấy ở các nước cộng sản. Hệ quả tuy không để dấu vết trên da thịt, nhưng những vết hằn tâm lý đến chết cũng không lành lặn được.

Trên phương diện pháp lý, những người này không được xếp vào loại "tù binh" hay "hàng binh" để được đối xử theo các công ước quốc tế. Họ cũng không phải là "tù nhân". Họ không hề bị kết án trước bất kỳ một tòa án nào.

Những người cộng sản Việt Nam kết tội thành phần quân nhân, cán chính Việt Nam Cộng Hòa là những người "có tội với nhân dân". Bây giờ nhìn lại, "tội với nhân dân" đó là tội gì ? Nếu xem hai bên Việt Nam Cộng Hòa và Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa là "hai quốc gia độc lập, có chủ quyền", thì cuộc chiến đó phía Việt Nam Cộng Hòa có chính nghĩa là "tự vệ chính đáng". Luật nào kết tội người "tự vệ chính đáng" là có tội ? Không có luật nào cả !

Nếu đó là cuộc "nội chiến", thì cuộc nội chiến Việt Nam giống trường hợp phân chia Nam, Bắc Hàn. Phe nào đúng phe nào sai ? ai chính ai ngụy ?

Ngạn ngữ phương đông có câu "không đánh người ngã ngựa". Trong một cuộc chiến, có bên thắng bên bại. Không ai giết người ngã ngựa hết cả. Những người cộng sản Việt Nam chủ trương "nhổ cỏ tận gốc". Họ không chỉ trả thù lên những thành phần cấu thành bộ máy Việt Nam Cộng Hòa, mà còn trả thù lên những thân nhân của họ. Thậm chí, toàn bộ người dân Việt Nam Cộng Hòa cũng bị trả thù, nhưng qua các hình thức tinh vi hơn. Đến hôm nay "vùng trũng giáo dục" là Đồng bằng sông Cửu Long là thí dụ về chính sách phân biệt trong giáo dục.

Biện pháp "học tập cải tạo" là một hình thức trả thù hết sức hiểm độc. Vì nó không để lại bằng chứng, dấu vết để sau này người ta có thể cáo buộc thành tội "tội ác chiến tranh".

Trong một cuộc nội chiến, những tàn phá về vật chất có thể xây dựng lại nhanh chóng. Nhưng tàn phá về tinh thần, đến từ sự khác biệt "ý thức hệ", sẽ không bao giờ hàn gắn nếu không có nỗ lực "hòa giải" ở cấp quốc gia.

Sau 30/4/1975, ta thường nghe các khẩu hiệu "hòa hợp dân tộc", "đoàn kết dân tộc"... Không hề nghe đến từ "hòa giải". Những khẩu hiệu đó thực ra chỉ nhằm che dấu, trước hết là một sự trả thù, sau đó là một sự cưỡng ép "sống chung" giữa phía thua và phe chiến thắng.

Người ta ngộ nhận giữa "hòa giải dân tộc" với "hòa hợp dân tộc" hay "đoàn kết dân tộc.

Vấn đề là không hòa giải trước thì làm sao hòa hợp ? Hai vợ chồng gượng ép chung sống với nhau, gọi là "hòa hợp" nhưng đồng sàng dị mộng. Họ sẽ không bao giờ có được hạnh phúc. Trong một quốc gia, mâu thuẩn giữa những người lãnh đạo và thành phần dân chúng bị trị ngày càng đào sâu. Nhà nước luôn giải quyết những mâu thuẩn trong xã hội bằng cách thúc đẩy một thành phần dân tộc này chống lại thành phần dân tộc kia. Mâu thuẩn này chồng chất lên mâu thuẩn kia. Xã hội lâu ngày trở thành một lò áp suất mà hành vi của nhà nước là đưa cũi thêm vào trong lò.

Một trong những hệ quả thấy được của "hòa giải quốc gia" là nhìn nhận sự bình đẳng về "quyền" giữa các thành phần trong khối dân tộc. Một thí dụ tiêu biểu thành công của "hòa giải quốc gia", trường hợp thống nhứt hai miền nước Đức. Bà Angela Merkel, một phụ nữ Đông Đức, được hấp thụ nền giáo dục của cộng sản, nhưng sau khi đất nước thống nhứt lại được dân chúng tín nhiệm để lãnh đạo nước Đức. Đến nay vẫn có người chỉ trích rằng Tây Đức sẽ không "gánh" nổi Đông Đức, vì chi phí cho việc thống nhứt sẽ rất lớn (nhiều ngàn tỉ đô la). Việc thống nhứt sẽ chỉ làm cho nước Đức kiệt quệ và suy thoái. Điều này đã không xảy ra. Nước Đức thống nhứt không hề gặp suy thoái, ngược lại, nước này trở thành đầu tàu phát triển của Châu Âu. Thử hình dung và so sánh trường hợp nước Đức với Việt Nam. Ta chưa hề thấy một người xuất thân từ miền Nam, không cộng sản, lên làm lãnh đạo một huyện nhỏ, chứ đừng nói việc lãnh đạo đất nước.

Một quốc gia bị chia rẽ trong một thời gian dài do chiến tranh, do xung đột ý thức hệ, sẽ không bao giờ là một quốc gia "thành công" nếu không qua quá trình "hòa giải quốc gia" để hàn gắn trước những đổ vỡ.

Hòa hợp gượng ép, như hai vợ chồng đồng sàng dị mộng, sẽ không bao giờ xây dựng được một cái gì dài lâu, bền vững. Kết quả sẽ là tan vỡ mà thôi.

Tháng giêng 2012

Trương Nhân Tuấn

Nguồn : fb. Nhantuan.truong, 28/08/2017

Quay lại trang chủ
Read 817 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)