Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

05/09/2017

50% tiến sĩ là công chức : Khó có ai trượt Tiến sĩ !

Lê Hồng Sơn

Cần chống cho được các biểu hiện tiêu cực, tham nhũng, mua bằng, bán điểm ở đây.

Tại Hội nghị về xây dựng đội ngũ cán bộ quản lí và giảng viên do Bộ Giáo Dục tổ chức, nhiều con số khá thú vị được công bố. Việt Nam hiện đang có hơn 11.000 Giáo sư, Phó Giáo sư nhưng hiện chỉ có chưa đầy 1/2 trong số đó, khoảng 4.440 Giáo sư, Phó Giáo sư đang làm công tác giảng dạy. Số lượng tiến sĩ làm công tác giảng dạy cũng chiếm chưa đến một nửa, chỉ có 16.514 trong số gần 24.000 tiến sĩ hiện có.

tiensi1

Cần chống cho được biểu hiện tiêu cực, tham nhũng

Những số liệu này, rất đáng giật mình. Trước hết là về khối lượng đồ sộ các học hàm, học vị mà nền Giáo dục và đào tạo của Việt Nam đã sản sinh ra, đã đào tạo được. Trong nước và cả trên thế giới đều xếp loại chất lượng các Giáo sư, Tiến sĩ ở Việt Nam khá thấp, thậm chí không được tính đếm đến. Và thực tế, sự đóng góp của các Giáo sư, Tiến sĩ cũng khá hạn chế.

Một số trường hợp coi học hàm, học vị đạt được như một phương tiện để tiến thân, để được bổ nhiệm, đề bạt vào các chức vụ trong bộ máy quản lý nhà nước. Hiện tượng này cũng một phần là do cơ chế của chúng ta đang tạo ra một tâm lý "sính bằng cấp" và sử dụng bằng cấp như một công cụ tiến thân. Khá nhiều Giáo sư, Phó Giáo sư sau khi cố gắng bằng mọi cách để có được học hàm, học vị mà mình cần thì đã không sử dụng chức danh này phục vụ công tác nghiên cứu, đào tạo một cách thực chất, mà chỉ coi như một vật trang trí, như một tấm huy chương đeo trên cổ mình.

Không tự nhiên, công luận lại rất quan tâm đến tỷ lệ mất cân đối của các Giáo sư, Tiến sĩ thuộc lĩnh vực nghiên cứu, đào tạo với các Giáo sư, Tiến sĩ không thuộc lĩnh vực này. Không tự nhiên công luận lại quan tâm tới hiện tượng các quan chức lao vào đi học để có bằng Tiến sĩ, và lao vào để đạt được các tiêu chuẩn của một Phó Giáo sư, Giáo sư.

Tôi cho rằng, cái này thuộc cả hai phía. Trước hết là phía những đối tượng cố kiếm cho được học vị tiến sĩ và chức danh Giáo sư, Phó Giáo sư. Câu trả lời là do tâm lý sính bằng cấp, sử dụng bằng cấp Giáo sư, Tiến sĩ để làm một yếu tố, một công cụ để thăng quan, tiến chức.

Tiếp theo đó, chính là từ các "lò đào tạo" bằng cấp này cũng đã bị cơ chế thị trường, cơ chế thực dụng chi phối. Họ cố xin càng nhiều chỉ tiêu đào tạo càng tốt và đào tạo theo kiểu đại trà, trọng số lượng, qua loa đại khái. Rất ít cơ sở chú ý đến nâng cao, bảo đảm chất lượng của sản phẩm mà mình "sản xuất" ra. Thậm chí, ở đây cũng tồn tại không ít hiện tượng mua bằng, bán điểm, tiêu cực, tham nhũng.

Chúng ta không nên quên mục đích của việc đào tạo các Giáo sư, Tiến sĩ là để phục vụ cho công tác nghiên cứu, giảng dạy nhưng do cơ chế hiện hành thiếu chặt chẽ, thiếu chuẩn mực nên cuối cùng là mục đích này không đạt được. Bằng cấp chỉ được khai ra trong lý lịch nhằm thăng tiến chứ không có mục đích gì hơn.

Tôi rất hoan nghênh chủ trương gần đây của Chính phủ, của Bộ Giáo dục và đào tạo là cần phải bằng mọi cách nâng cao chất lượng đào tạo, chất lượng phong học hàm cho các Giáo sư,Tiến sĩ. Không thể để tình trạng tồn tại một số "lò ấp Tiến sĩ", "nơi bán chức danh Giáo sư, Phó Giáo sư" như lâu nay đang tồn tại ở một số nơi. Vấn đề trước tiên là phải xem xét lại toàn bộ hệ thống, thể chế về tiêu chuẩn tuyển chọn đầu vào, về cơ chế đào tạo, nội dung đào tạo và cơ chế thẩm định đánh giá, chấm điểm, công nhận kết quả của đầu ra để khắc phục hiện tượng hoành tráng về số lượng nhưng chất lượng lại ở mức thấp đáng báo động.

Theo tôi, đây là một trong những biểu hiện mang tính điển hình của hiện tượng thoái hóa, biến chất, tiêu cực và kể cả tham nhũng trong lĩnh vực Giáo dục và đào tạo. Xét về chất lượng, trình độ thạc sĩ ngày nay cũng chỉ ở mức tương đương như cử nhân ngày xưa. Và trình độ Tiến sĩ cũng chỉ mới tương đương ở mức thạc sĩ. Không thể hơn được.

Ở đây cần chú ý một loạt các vấn đề, thứ nhất đó là các tiêu chí để tuyển chọn, chấp nhận trúng tuyển để làm nghiên cứu sinh và tiêu chí để được xét, phong học hàm Giáo sư, Phó Giáo sư. Tôi cho rằng các tiêu chí này hiện nay khá thấp, chưa đạt được đến độ chuẩn của khu vực chứ chưa nói tới độ chuẩn của thế giới.

Thứ hai là cơ chế đào tạo và đánh giá. Do tiêu chí thấp và do tiêu chí đào tạo và đánh giá còn mang nhiều tính hình thức nên có khá nhiều hiện tượng học giả nhưng vẫn qua các kỳ thi, các khâu đánh giá để chấp nhận kết quả cuối cùng. Bản thân tôi cũng đã có một số lần khi tham gia các Hội đồng chấm luận án Thạc sĩ, Tiến sĩ phải tranh luận trực tiếp với cả hội đồng.

Có lần tôi đã phát biểu : "với luận án này nếu tôi là người hướng dẫn, thì tôi sẽ yêu cầu học viên phải viết lại vì có nhiều nội dung sai một cách cơ bản". Cũng có trường hợp, tôi đã phải phát biểu rằng : "Với luận án này, tôi sẽ cho điểm 4/10", tức là chưa đạt yêu cầu. Các thành viên khác của Hội đồng đã nói với tôi rằng : "thông lệ lâu nay chỉ chấm điểm 7/10 đối với những học viên nói chưa sõi tiếng Việt. Các trường hợp khác thì chưa ai cho điểm thấp như ý của thầy đã nói". Thực tế là như vậy và tại khá nhiều trung tâm đào tạo, từ trước đến nay đã hình thành những "ê kíp" để được mời tham gia vào hội đồng.

Và thực tế là người ta chỉ chọn những thành viên tham gia hội đồng "biết điều", "mềm dẻo" còn phần lớn những thành viên có ý kiến phản biện tương đối thực chất và quyết liệt thì thường là được cho nghỉ, lần sau không mời tham gia hội đồng nữa. Với những "ê-kíp" hình thành trên thực tế các thành viên Hội đồng "biết điều", "mềm dẻo" thì làm sao bảo đảm chất lượng khi đánh giá, chấm điểm.

Mặt khác, ở đây cũng liên quan tới việc hạn chế, khắc phục tâm lý cơ hội, thực dụng của chính các học viên khi tham gia nghiên cứu, học tập tại các cơ sở này. Song song với đó là phải nâng cao chất lượng, tâm huyết của các thầy giáo tham gia đào tạo cũng như tham gia hội đồng đánh giá. Cần chống cho được các biểu hiện tiêu cực, tham nhũng, mua bằng, bán điểm ở đây.

Mà theo tôi, ở lĩnh vực này đang là một thị trường khá sôi động trong việc mua bằng, bán điểm, một môi trường khá sôi động của các biểu hiện cơ hội, thực dụng, tham nhũng. Kết quả thanh tra tại Học viện khoa học xã hội, theo tôi mang tính mở màn, đột phá mà Bộ Giáo dục và đào tạo lựa chọn để tấn công vào lĩnh vực mà lâu nay vẫn chưa được quan tâm, chấn chỉnh đúng mức.

Vừa phải tiếp tục hoàn thiện thể chế, pháp luật vừa phải xem xét vấn đề tổ chức nhân sự và cũng không nên quên việc xem xét, xử lý một cách thích đáng trách nhiệm của một số cá nhân đã góp phần hình thành nên cơ chế đào tạo có nhiều sai phạm, thiếu sót ở Học viện này. Các biện pháp đang được tiến hành tại Học viện theo tôi vẫn chưa đủ mà cần phải lùi lại xem xét trách nhiệm cá nhân của những người đảm nhiệm công việc này từ cách đây khoảng mươi lăm năm trở về trước chứ không chỉ đối với những người đương chức hiện nay.

Bộ Giáo dục và đào tạo cần phải quan tâm, chủ động xây dựng cho được hệ thống quy chuẩn, hệ thống pháp luật trong việc đào tạo sau đại học không nên để hiện tượng giao quyền cho một số đầu mối hiện đang thực hiện nhiệm vụ trực tiếp đào tạo ban hành ra các quy chuẩn. Nếu để như vậy thì công luận nói không sai rằng "vừa đá bóng, vừa thổi còi".

Dư luận vừa rồi quan tâm đến các thông tin về kết quả thanh tra việc đào tạo học vị Thạc sĩ, Tiến sĩ của Học viện Khoa học xã hội, tôi thấy đây cũng chỉ là một hiện tượng cụ thể, có tính tiêu biểu nhất định, chứ nhìn rộng ra những biểu hiện của hiện tượng này vẫn còn tồn tại ở khá nhiều nơi, khá nhiều cơ sở đào tạo khác.

50% tiến sĩ là công chức : Thành tích cao, hiệu quả...tệ !

Nếu xem xét nguyên nhân, như tôi đã nói trước hết phải xem xét lại về việc cấp chỉ tiêu, đặt ra tiêu chuẩn đầu vào và giám sát việc thực hiện chỉ tiêu cũng như tiêu chuẩn đầu vào để bảo đảm được chất lượng ngay từ khâu tuyển chọn, chấp thuận cho học, cho làm nghiên cứu sinh. Tiếp theo đó là khâu đào tạo, phải tạo cho được môi trường nghiên cứu, thảo luận, môi trường học, nghiên cứu thực sự tại các cơ sở này.

Không thể để tồn tại hiện tượng học qua loa, đại khái, thậm chí học giả nhưng việc đánh giá thì vẫn ở mức chấp thuận cho qua và quan trọng cuối cùng đó là việc đánh giá, chấm điểm đối với các kết quả nghiên cứu của các học viên một cách thực chất, bảo đảm chất lượng.

Hiện nay tôi biết, tại một số cơ sở đào tạo, vấn đề nâng cao chất lượng đào tạo Thạc sĩ, Tiến sĩ đã được nêu ra, nhưng nếu chưa hoàn thiện, nâng cao chất lượng của thể chế cũng như với chất lượng của các thành viên tham gia đánh giá như lâu nay thì rõ ràng việc mong muốn nâng cao chất lượng là một mong ước xa vời, là câu nói cho có theo chủ trương chung.

Tiến sĩ Lê Hồng Sơn

nguyên Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản, Bộ Tư pháp

Nguồn : Đất Việt, 05/09/2017

Quay lại trang chủ
Read 819 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)