Khái niệm "nhà nước pháp trị" (état de droit - rule of law) được hiểu đại khái là "nhà nước xây dựng trên nền tảng hiến pháp và luật lệ".
"Pháp trị" ở đây là "dân chủ pháp trị", phân biệt với nền "pháp trị" thời cổ đại của Pháp gia ở Đông phương (đồng thời với các tư tưởng Tây phương Socrate, Aritote, Cicéron…).
Quyền lực nặc danh thì bán nước, phá nước tan hoang cũng không ai chịu trách nhiệm - Ảnh minh họa
Hiến pháp có mục đích phân định quyền lực nhà nước. Mọi hình thức thể hiện quyền lực nhà nước (của kẻ cầm quyền) phải tuân thủ những qui định của hiến pháp (và pháp luật). Quyền lực của nhà nước pháp trị được phân lập (tam quyền phân lập), nhằm mục đích hạn chế và kiểm soát quyền lực.
Pháp luật có mục đích điều hòa những sinh hoạt của người dân trong xã hội. Người dân có quyền làm những thứ mà pháp luật không cấm.
Bản chất của nền "dân chủ pháp trị" là... "dân chủ". Dân chủ vừa là tiền đề, vừa là điều kiện (sine qua non) để nhà nước xây dựng nền pháp trị. Nhà nước pháp trị vì vậy có mục đích bảo vệ và thực thi dân chủ.
Trong một nền cộng hòa (quốc gia), quyền lực chủ tể (souveraineté) của quốc gia thuộc về toàn dân. Tức là mọi quyền lực nhà nước đều thuộc nhân dân. Trong thể chế dân chủ, người dân "giao phó" quyền lực của mình cho (một nhóm) người đại diện qua thể thức bầu cử tự do. Nhóm người "dân cử" này thành lập "quốc hội". Quốc hội làm ra pháp luật.
Vì vậy, trong một nhà nước pháp trị, quốc hội là nơi đại diện cho "quyền lực quốc gia" và pháp luật thể hiện ý chí của toàn dân.
Hệ quả của "nhà nước dân chủ pháp trị", của dân do dân và vì dân, nên hiến pháp và luật pháp có mục đích bảo vệ "dân quyền" (như Pháp) hay "nhân quyền" (như Đức).
(Trường hợp đặc biệt nước Đức. Quốc gia này không có (hay chưa có) hiến pháp mà chỉ có bộ luật nền tảng. Do thua trận Thế chiến II, tương tự Nhật, quốc gia này phải chấp nhận bộ luật nền do Đồng minh đề nghị. Theo đó bản Tuyên ngôn quốc tế Nhân quyền được lấy làm luật cơ bản. Vì vậy nhiều học giả Việt Nam (nhiễm văn hóa Đức) thường hiểu lầm rằng "rule of law - etat de droit" có mục đích bảo đảm quyền con người).
Nhưng con người càng văn minh, các giá trị về "nhân quyền" trở thành phổ cập. "Dân quyền" lần hồi đồng hóa thành "nhân quyền".
Việt Nam hiện nay không có khái niệm về "nhà nước dân chủ pháp trị" mà có khái niệm về "nhà nước pháp quyền".
Từ "pháp quyền" bắt nguồn từ 2 câu thơ "Bẩy xin hiến pháp ban hành - Trăm điều phải có thần linh pháp quyền" (nói là) của ông Hồ.
Nếu có tìm hiểu nguyên thủy các câu thơ này phát xuất từ đâu tôi dám chắc là các "học giả" xã hội chủ nghĩa sẽ không dám dựng lên "cái gọi là tư tưởng pháp quyền của Hồ Chí Minh".
Ý nghĩa của câu thơ là xin mẫu quốc (Pháp) ban hành hiến pháp nhằm cải cách nền pháp lý ở các xứ thuộc địa để người dân bản xứ được hưởng quyền tài phán bình đẳng như là người Pháp.
Tức là "tư tưởng pháp quyền" của ông Hồ (nếu gọi đây là "tư tưởng"), thì tư tưởng này là nội dung của bản "Revendications du peuple annamite – Yêu sách của nhân dân An Nam" (của một số học giả Việt Nam) viết năm 1919.
Từ đó các "học giả" Việt Nam chế biến vào "pháp quyền", ghép vào nó đủ thứ các khái niệm tạp pín lù.
Điều này không che giấu được xã hội Việt Nam đang lùi dần đến xã hội sơ khai, nơi mà những thành tố cấu thành xã hội chỉ lo lắng, bận rộn cho việc sinh tồn.
Lúc đó "quyền lực chính trị" (tức quyền lực nhà nước) không còn hiện hữu mà thế vào đó một dạng "quyền lực lan tỏa", không thấy ai cầm đầu mà ai cũng tuân thủ. Các học giả Pháp gọi đó là "quyền lực nặc danh" (pouvoir anonyme).
Thật vậy, hiến pháp qui định "đảng là lực lượng lãnh đạo nhà nước và xã hội". Vậy thì trách nhiệm của đảng trước pháp luật là gì ?
Hiến pháp và luật pháp không có dòng nào nói về trách nhiệm của đảng trước pháp luật.
Và "đảng" là ai ? Ta thấy ông tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng thay mặt chủ tịch nước, thủ tướng… dẫn đầu đoàn đại biểu nhà nước đi thăm "cấp nhà nước" ở các quốc gia. Vai trò tổng bí thư của ông Trọng không được hiến pháp và pháp luật xác định rõ rệt, nhưng ông nắm trọn quyền lực của nhà nước.
Ông này có quyền làm cái gì và chịu trách nhiệm thế nào trước pháp luật ? Ông Trọng "can thiệp" vào đủ thứ vấn đề của nhà nước. Từ "chỉ đạo" việc chống tham nhũng cho tới "chỉ đạo" các vụ án.
Điều này trái với nền tảng của "nhà nước pháp trị".
Quyền lực trong tay ông Trọng là "quyền lực nặc danh", một thứ quyền lực thể hiện trong xã hội bán khai. Ông Trọng có "quyền" làm đủ thứ, thể hiện quyền lực một cách bất kỳ, ở bất cứ nơi nào, lãnh vực nào.
Quyền lực của ông Trọng là "nặc danh", vì không hề thông qua ý chí của toàn dân (tức không chịu trách nhiệm trước pháp luật).
Không biết đất nước về đâu nhưng rõ ràng đảng cộng sản Việt Nam đã đưa xã hội Việt Nam trở vê thời bán khai.
Vì chỉ ở xã hội này, con người chỉ lo tứ khoái, các việc còn lại có đảng và nhà nước lo.
Quyền lực nặc danh thì bán nước, phá nước tan hoang cũng không ai chịu trách nhiệm.
Trương Nhân Tuấn
Nguồn : fb.nhantuan.truong, 07/09/2017