Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quan điểm

10/09/2017

Khi nào thị trường bất động sản Việt Nam sụp đổ ?

Việt Hoàng

Vụ ông Trịnh Vĩnh Bình đưa đơn kiện chính quyền Việt Nam tại Tòa Trọng tài Quốc tế Paris với số tiền đòi bồi thường thiệt hại lên đến 1,25 tỉ USD đang làm xôn xao dư luận. Dù kết quả thế nào thì hình ảnh của Việt nam cũng sẽ xấu đi ít nhiều trong con mắt giới đầu tư quốc tế. Tuy nhiên sẽ không vì vụ kiện này mà các nhà đầu tư bỏ chạy khỏi Việt Nam. Ở đâu sinh ra lợi nhuận thì nơi đó sẽ có mặt các nhà đầu tư.

bds1

Ở đâu sinh ra lợi nhuận thì nơi đó sẽ có mặt các nhà đầu tư.

Hầu hết các nhà đầu tư vào Việt Nam đều biết rõ môi trường kinh doanh ở đây và họ sẽ ‘học hỏi’ rất nhanh qui trình hối lộ quan chức Việt Nam. Thay vì nộp thuế vào ngân sách thì họ nộp tô cho các quan chức Việt Nam và cuối cùng thì họ luôn thắng vì họ ở cửa trên. Kể cả những tên tuổi lớn như : Metro, Coca-cola, Toyota, Samsung…

Ông Trịnh Vĩnh Bình cũng là một trong số những nhà đầu tư đó, ông đầu tư vào Việt Nam để kiếm lợi nhuận chứ không hẳn là vì ‘yêu nước’, không ai trách ông ta vì điều đó. Trong cuộc chơi này, có lẽ vì do nguồn gốc Việt Nam và do ông phất lên nhanh quá mà không ‘lại quả’ hợp lý nên đã bị chính quyền cộng sản ‘lột sạch’ tài sản.

Theo Đài VOA thì ‘với số tiền gần 2,5 triệu đô la và 96 kg vàng mang về Việt Nam đầu tư, ông Trịnh Vĩnh Bình kinh doanh ở mọi lãnh vực : khách sạn, thủy sản, hải sản, xuất khẩu, nông sản, rau quả, trồng rừng…’ Nhưng chiến lược nhất, có lẽ là lãnh vực đất đai, vì theo như lời ông, "tôi có những bài toán lâu dài chứ không phải như Việt Nam nói là kinh doanh địa ốc”. Tuy nhiên cũng theo VOA trích từ ‘Báo Công An Nhân Dân ngày 6/6/2005 cho biết đến ngày ông Bình bị Cơ quan An ninh Điều tra tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu bắt giữ (5/12/1996), ông nắm trong tay 11 căn nhà, 114 nền nhà và 2.847.745 m2 đất’.

Nhiều người Việt trong và ngoài nước ra sức bênh vực cho ông Bình, trong đó không ít người tự nhận là phe ‘dân chủ’ đứng ra bảo vệ ‘chính nghĩa quốc gia’. Hài hước hơn khi có người đến tận tòa để phỏng vấn ‘phái đoàn cộng sản’ mà không hề biết mấy người đó là phe ông Bình và khi những người này không trả lời thì họ cho rằng ‘cộng sản không dám trả lời, không văn minh và cộng sản im lặng vì thua kiện v.v.’

Chúng ta cần biết rằng, không riêng gì ông Bình mà bất cứ một doanh nhân nước ngoài nào đang làm ăn tại Việt Nam, và tất cả các doanh nhân trong nước, đều không bao giờ lên tiếng ủng hộ cho phong trào dân chủ. Thứ nhất, họ là dân làm ăn và thứ hai, họ không dại gì lên tiếng để ảnh hưởng đến công việc làm ăn của họ.

Để sở hữu hơn 3 triệu mét vuông đất tại Việt Nam, ông Bình phải chấp nhận trả giá và đó là chuyện riêng của ông với chính quyền Việt Nam. Việc chính quyền cộng sản có lỗi đến mức nào và phải bồi thường cho ông Bình đến đâu là việc của tòa án quốc tế. Hãy chờ phán quyết cuối cùng của tòa. Chơi dao ắt có ngày đứt tay.

Việc ông Bình tìm kiếm hậu thuẫn của dư luận là đương nhiên, điều đáng nói là một số người Việt đã hùa vào vụ này vì ‘thấy người sang bắt quàng làm họ’ và tâm lý chống cộng ‘mọi lúc mọi nơi’, đây là thái độ thiếu lương thiện và hời hợt. Để ông Bình có được chừng ấy đất thì bao nhiêu người dân đen phải rời bỏ mảnh đất của cha ông và gia nhập vào đoàn dân oan hàng triệu người trên khắp đất nước Việt Nam ?

Nhà báo Huỳnh Ngọc Chênh có viết rằng "Đằng sau một tỉ phú bất động sản Việt Nam là hàng ngàn dân oan mất đất". Đành rằng ông Bình không trực tiếp đứng ra thu đất của dân nhưng sự cấu kết giữa chính quyền và các doanh nhân bất động sản là điều không ai có thể phủ nhận.

Vấn đề đặt ra là chúng ta có nên và có cần bênh vực Trịnh Vĩnh Bình không ? Chúng ta có thể lên án chính quyền cộng sản là thô bạo nhưng bênh vực ông Bình lại là một vấn đề khác. Chúng ta chỉ có lý do để bênh vực ông Bình nếu ông ta là một người lương thiện bị xúc phạm. Về điểm này thì phải nói rằng hầu hết giới kinh doanh bất sản, nhất là ở mức độ của ông Bình, chắc chắn phải là những người câu kết với quan chức cộng sản mới thành công được. Đó là một thực tế xã hội và ông Bình đã rất thành công.

Điều chắc chắn nữa là số tiền mà ông Bình, nếu được bồi hoàn sẽ lấy từ tiền đóng thuế của người dân chứ không phải từ quỹ của đảng cộng sản. Ông Bình từng đã được bồi thường 15 triệu USD. Đừng quên rằng, tại Việt Nam có hàng trăm nghìn người mất mát nhiều hơn, chịu đau khổ hơn, có khi mất cả tính mạng vì sự hung bạo, vô đạo đức và bất chấp công lý của đảng cộng sản. Thí dụ như Đinh Đăng Định, Nguyễn Hữu Cầu, Nguyễn Đan Quế, Cấn Thị Thêu, Trần Huỳnh Duy Thức, Nguyễn Ngọc Như Quỳnh và các anh em trong Hội Anh Em Dân Chủ... Họ đáng bênh vực gấp ngàn lần, trong nhiều trường hợp gấp triệu lần Trịnh Vĩnh Bình.

Ông Bình có thể thắng kiện, nhưng để lấy được tiền thì còn… khuya và có khả năng là chính quyền cộng sản không phải trả cho ông Bình đồng nào, vì thời gian của vụ án còn kéo dài rất lâu với nhiều thủ tục rườm rà. Cũng không có chuyện ông Bình đòi 1,25 tỉ USD là chính quyền Việt Nam phải trả cho ông ta chừng đó.

Nên nhớ là Tòa chỉ mới kết thúc phần trình bày của đôi bên chứ chưa đưa ra bất kỳ một phán quyết nào.

***************

Trở lại với chủ đề chính của bài viết là đi tìm câu trả lời cho câu hỏi ‘Khi nào thì thị trường bất động sản Việt Nam sụp đổ’ ?

Trái với hầu hết mọi dự đoán của nhiều chuyên gia bất động sản trong và ngoài nước (trong đó có cả người viết), thị trường bất động sản sẽ suy sụp vào một thời điểm nào đó nhưng bất động sản ở Việt Nam vẫn tăng giá đều đều và không hề có dấu hiệu dừng lại.

Tại sao lại như vậy ? Các chuyên gia đã sai ở chổ nào ? Sự thật thì thị trường bất động sản Việt Nam không giống ai và nằm ngoài mọi qui luật phát triển. Đến giờ này có thể khẳng định rằng thị trường bất động sản Việt Nam cũng như tỉ giá USD/VND hoàn toàn gắn chặt với sinh mệnh của Đảng cộng sản Việt Nam. Nghĩa là thị trường Bất động sản chỉ sụp đổ khi chế độ sụp đổ.

Chúng ta có thể thấy được, trong danh sách 10 người giàu nhất Việt Nam năm 2016 thì có đến 7 người xuất thân từ bất động sản. Đó là Phạm Nhật Vượng (Vingoup), Trịnh Văn Quyết (FLC), Trần Đình Long (Hòa Phát), Bùi Cao Nhật Quân-Bùi Thành Nhơn (Novaland), Dương Công Minh, chủ dự án sân golf Tân Sơn Nhất (Công ty Cổ phần Him Lam), Phạm Thu Hương (Vingroup), Phạm Thúy Hằng (Vingroup)… (1).

Một lý do khiến bất động sản Việt Nam luôn tăng giá vì đó là kênh kiếm tiền nhanh nhất, hiệu quả nhất và hợp pháp nhất của giới quan chức Việt Nam. Ông Trịnh Xuân Thanh có lần nói rằng chỉ cần có thông tin về các dự án qui hoạch đất đai là ông ta có thể kiếm hàng trăm tỉ đồng bằng con đường đầu tư một cách hợp pháp. Dự án Ecopark Văn Giang, Hưng Yên là một ví dụ, tiền đền bù cho người nông dân chỉ 135.000 đồng m2 (là cao nhất và thấp nhất là 63.925 đồng m2) nhưng sau khi qui hoạch được chào bán từ 20 triệu đến 60 triệu đồng m2, nghĩa là hơn từ 150 đến 500%.

Lý do nữa khiến bất động sản Việt Nam tăng giá là do rửa tiền, hối lộ… Dư luận đồn rằng công ty dược VN Pharma đã hối lộ cho bà Bộ trưởng y tế Nguyễn Thị Kim Tiến căn biệt thự hơn 60 tỉ đồng để nhập lô thuốc chống ung thư giả đang làm xôn xao dư luận.

Rửa tiền bằng cách đầu tư vào bất động sản Việt Nam là dễ nhất vì các giao dịch luôn được trả tiền mặt và không có cơ quan chức năng nào của Việt Nam quan tâm nguồn gốc tiền đấy ở đâu ra.

Chính quyền Việt Nam đang có ý định đánh thuế vào những người sở hữu nhiều bất động sản, đây là việc làm cần thiết và hợp lý vì người giàu phải đóng thuế nhiều hơn người nghèo, tuy nhiên dự định này khó lòng thực hiện vì đa số đất đai thuộc sở hữu của thành phần con ông cháu cha và các đại gia có quan hệ chặt chẽ với chính quyền. Đây cũng là lãnh vực duy nhất có ‘tăng trưởng’ nên bằng mọi cách chính quyền phải duy trì sự tăng trưởng đó.

Không khó để nhận ra sự liên kết hay đúng hơn là sự cấu kết giữa chính quyền và các doanh nhân làm ăn bất chính trong việc thu hồi đất của người nông dân với giá rẻ mạt rồi sau đó bán lại với giá cao ngất ngưỡng. Tất nhiên là không ít người làm ăn chân chính cũng phất lên nhờ đầu tư vào bất động sản. Đây là sự ‘ăn may’ nhờ ăn theo các đại gia bất động sản và chính sách ‘ưu tiên’ của chính phủ trong lĩnh vực này.

Vấn đề đáng quan tâm nhất là bạn có giữ được tài sản của mình hay là do mải ‘lướt sóng’ cùng bất động sản hoặc găm hàng chờ giá lên… và rồi bị chìm lúc nào không biết. Những người ăn non sẽ thắng còn những người không biết điểm dừng sẽ có kết cục buồn khi thị trường bất động sản sụp đổ kéo theo sự trắng tay của người đầu tư.

Với xã hội Việt Nam hiện nay, muốn yên thân và không bị ‘làm thịt’ thì không nên quá giàu. Nếu tài sản của bạn dừng ở vài triệu USD thì không sao nhưng khi bạn có hàng chục, hàng trăm triệu USD thì bạn sẽ là con vịt béo trong mắt chính quyền và bất cứ lúc nào bạn cũng có thể bị ‘lên thớt’.

Nhiều doanh nhân Việt Nam đang tìm cách bỏ chạy khỏi Việt Nam, một người khá nổi tiếng trong số đó là cựu tổng giám đốc FPT Trương Đình Anh với quyết định đem cả nhà sang Mỹ định cư.

Một số doanh nhân không hiểu thời cuộc hoặc do chạy không kịp nên ‘thân tàn ma dại’ như Nguyễn Đức Kiên (Bầu Kiên), Huỳnh Uy Dũng (Dũng lò vôi), Lý Xuân Hải (Cựu tổng giám đốc ACB), Trầm Bê… Tất nhiên là không kể những doanh nhân đảng viên là lãnh đạo những doanh nghiệp nhà nước đã đốt hàng nghìn tỉ của đất nước như Phạm Thanh Bình (Vinashin), Mai Văn Phúc-Dương Chí Dũng (Vinalines)… Hiện tại hầu hết các doanh nghiệp nhà nước đều thua lỗ nặng, ví dụ Tập đoàn Than-Khoáng sản nợ gần 5 tỉ USD (2).

Nhiều người sẽ nói rằng, tôi vẫn đang đầu tư vào bất động sản Việt Nam và vẫn đang thắng lớn vậy cớ gì tôi phải nghe bạn ? Nên hay không nên đầu tư vào bất động sản ? Khi nào thì nên dừng ?...

Thật sự đó là những câu hỏi khó có câu trả lời. Tất cả đều tùy thuộc vào lòng tin của bạn vào sự tồn tại của chế độ. Nếu chế độ vẫn còn tồn tại thì thị trường bất động sản Việt Nam vẫn phát triển tốt đẹp và tăng giá đều đều. Sau đó sẽ là một sự đổ vỡ rất kinh khủng để thị trường bất động sản trở lại bình thường và chỉ khi đó mọi người Việt Nam mới có thể tiếp cận và sở hữu được một ngôi nhà mà mình mong ước trong khả năng của mình.

Việt Hoàng

(10/09/2017)

(1) http://www.techz.vn/top-10-dai-ty-phu-giau-nhat-viet-nam-ho-la-nhung-ai-ylt52341.html

(2). https://kimdunghn.wordpress.com/2017/07/24/canh-bao-tinh-hinh-tai-chinh-tai-nhieu-tap-doan-tong-cong-ty-nha-nuoc/

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Việt Hoàng
Read 3502 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)