Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quan điểm

16/09/2017

Thời điểm của những câu hỏi nền tảng

Nguyễn Gia Kiểng

Những câu hỏi triết lý và đạo đức luôn luôn đặt ra trong hoạt động chính trị dù chúng ta muốn hay không. Chúng ta phải trả lời bởi vì không trả lời cũng là một cách trả lời và mỗi chúng ta đều sống và hành động theo cách mà chúng ta trả lời những câu hỏi đó.

thoidiem1

Sự thô vụng và thất bại của nhà nước cộng sản Việt Nam là những dấu hiệu mở ra một giai đoạn mới

Chúng ta có thể sắp chứng kiến những thay đổi lớn. Mùa hè 2017 đã phá nhiều kỷ lục về thô vụng và thất bại của nhà nước cộng sản Việt Nam, với những dấu hiệu mở ra một giai đoạn mới.

Bắt đầu là vụ rút gian khoan thăm dò dầu khí tại bãi Tư Chính trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam sau khi bị Trung Quốc hăm dọa nhân danh một đường lưỡi bò xấc xược đã bị tòa án quốc tế chính thức bác bỏ. Việt Nam bỏ của chạy lấy người dù hoàn toàn có quyền. Đáng để ý hơn là cách mà Đảng cộng sản đã quyết định tháo chạy. Theo những tiết lộ không bị phủ nhận thì tuyệt đại đa số bộ chính trị Đảng cộng sản không đồng ý nhưng hai người đã áp đặt quyết định này. Đó là tổng bí thư và bộ trưởng quốc phòng, cũng là chủ tịch và bí thư quân ủy trung ương của Đảng cộng sản, hai người hiểu rõ nhất khả năng của quân đội. Đây là hành động bỏ chạy trước kẻ cướp vì thấy không đủ sức chống cự và cũng không thấy có hy vọng được thế giới bảo vệ. Triệt thoái tạm thời hay đã chọn lựa thần phục ?

Kế đến là vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh, một hành động ngu xuẩn không thể tưởng tượng nổi. Đức và Châu Âu nhất định sẽ phản ứng rất quả quyết dù không ồn ào, bởi vì đối với họ đây là một hành động khủng bố không tha thứ được vào giữa lúc mà ưu tư lớn nhất của họ là chống khủng bố. Hơn nữa vụ này lại xảy ra ngay tại thủ đô của nước lãnh đạo Liên Hiệp Châu Âu. Phản ứng của họ sẽ rất tai hại cho Việt Nam, bởi vì Liên Hiệp Châu Âu đang là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam đồng thời cũng là phao cứu của Việt Nam sau khi Donald Trump quyết định giảm thặng dư thương mại của Việt Nam với Mỹ. Đáng để ý nhất trong vụ này là sự lúng túng của những người lãnh đạo chế độ. Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng hoàn toàn im lặng, cũng như chủ tịch nước và thủ tướng, còn bộ trưởng công an Tô Lâm thì tuyên bố một tuần sau vụ bắt cóc này là không được thông báo. Vậy thì ai đã ra lệnh tổ chức cuộc bắt cóc này ? Không ai, dù đánh giá các cấp lãnh đạo cộng sản thế nào, có thể tưởng tượng rằng các ông Trọng, Quang và Phúc không biết rằng đây là một hành động điên rồ. Sư kiện bộ trưởng công an Tô Lâm, ủy viên bộ chính trị, không biết gì cũng chứng tỏ đây không phải là một quyết định của ban lãnh đạo. Vả lại bắt Trịnh Xuân Thanh về nước để làm gì ? Tất cả những gì mà Trịnh Xuân Thanh có thể khai, các đồng lõa đã khai hết rồi. Giả thuyết hợp lý nhất là một nhóm nào đó trong công an hoặc quân đội đã chủ mưu vụ này trong mục tiêu đặt ban lãnh đạo Đảng và Nhà Nước vào thế bí. Nhưng nếu như thế thì tại sao đến nay vẫn chưa ai bị trừng phạt và Trịnh Xuân Thanh chưa được trả lại cho Đức kèm theo lời xin lỗi ? Phải chăng ban lãnh đạo Đảng và Nhà Nước đã chia rẽ đến độ không còn lấy được một quyết định nào cả, dù là một quyết định hiển nhiên và bắt buộc như trong trường hợp này ?

Rồi vụ thuốc ung thư giả H-Capita của công ty VN Pharma. Đây là một tội ác giết người nhưng bà bộ trưởng y tế Nguyễn Thị Kim Tiến tỏ ra thản nhiên, không có một lời nào với các nạn nhân cả mà chỉ nói tới "gánh nặng chi phí cho bệnh nhân". Bà không hề cảm thấy có trách nhiệm. Đây không phải là lần đầu mà bà Kim Tiến nói ngang như vậy. Nhưng bà không bị cách chức hay yêu cầu từ chức.

Vụ BOT Cai Lậy chỉ hé mở hồ sơ của hàng chục BOT khác trong đó các quan chức tham nhũng cho phép các công ty bắt dân nộp tiền mãi lộ đôi khi chỉ sau những công trình tu bổ qua loa.

Rồi vụ kiện của Trịnh Vĩnh Bình trong đó một người tỵ nạn cộng sản đã về nước câu kết với một chính quyền bất lương để làm giầu, rồi quay lại kiện chính quyền này đối xử bất lương với mình nhờ có tiền thuê những văn phòng luật sư lớn. Chính quyền im lặng một cách kỳ lạ, như cũng đã im lặng khi Trung Quốc ngang ngược tập trận bắn đạn thật trong khu đặc quyền của Việt Nam ngay trong ngày quốc khánh.

Như để đóng góp cho không khí ảm đạm của dịp kỷ niệm Cách Mạng Tháng 8 và quốc khánh 02/09, ông thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tuyên bố chế độ có thể bị sụp đổ về ngân sách. Lần này ông Phúc có lý. Nợ chính phủ đã lên tới trên 70% tổng sản lượng quốc gia, vượt quá mức báo động. Nếu cộng thêm những khoản nợ của các công ty nhà nước mà chính phủ phải liên đới chịu trách nhiệm và của các chính quyền địa phương thì nợ công phải trên xa mức 200% GDP. Mức nợ công cao chưa hẳn là nguy kịch, nợ công của Nhật cũng trên 200% GDP, điều nguy kịch là Việt Nam không có khả năng hoàn trả, phải vay nợ mới để trả nợ cũ và càng ngày càng khó vay nợ mới.

Một vụ việc nhỏ nói lên nhiều về nội tình của chế độ và Đảng cộng sản. Tôi chỉ nghe nói đến Trần Tuấn Kiệt, giảng viên trường Cao Đẳng Cần Thơ khi báo chí trong nước đưa tin ông này bị bắt giam và khởi tố ngày 02/08 vì "lợi dụng các quyền tự do dân chủ" theo điều 258. Các bạn tôi truy cập trên mạng cho biết ông này là đảng viên và trưởng phòng Thanh Tra và Pháp Chế của trường, tội của ông là đã tố cáo một đồng nghiệp được thăng thưởng không đúng quy định vì trước đây dù "chưa học xong trung cấp chính trị và chưa phải là đảng viên chính thức" (sic) đã được làm phó phòng Quản Lý Nghiên Cứu Khoa Học - Hợp Tác Quốc Tế, gần đây lại được bổ nhiệm làm hiệu phó của trường quá sớm v.v. Thì ra đây là một mâu thuẫn giữa các đồng nghiệp. Nhưng tại sao lại phải là đảng viên chính thức và học xong trung cấp chính trị mới có thể làm phó phòng nghiên cứu khoa học ? Chi tiết này cho thấy ách toàn trị mà Đảng cộng sản áp đặt lên đất nước. Nó cũng giải thích tại sao nước ta tụt hậu bi đát : muốn được bổ nhiệm vào một chức vụ nào trong guồng máy nhà nước, dù là chức vụ nhỏ và chuyên môn, phải là đảng viên cộng sản và phải qua một khoa huấn luyện chính trị. Nước ta có gần 100 triệu dân nhưng mọi chức vụ trách nhiệm trong bộ máy nhà nước đều chỉ dành cho một giai cấp thống trị gồm khoảng hai triệu đảng viên cộng sản có chút vai vế. Còn gì là trí tuệ và nhân cách sau khi đã chấp nhận để bị nhồi sọ cái "triết học" Mác – Lênin vừa ngu xuẩn vừa độc hại ? Nhưng có lẽ vụ này không chỉ giản dị như vậy. Trần Tuấn Kiệt đã bị khiển trách từ tháng 02 năm nay vì trong khi phản đối sự thăng thưởng mà ông cho là có ưu đãi này đã "viết bài bình luận đăng Facebook có nội dung gây ảnh hưởng xấu đến uy tín, danh dự của lãnh đạo UBND thành phố" (sic). Tuy vậy anh đảng viên trung thành Trần Tuấn Kiệt không chịu nhận khuyết điểm và đòi tranh cãi tới cùng. Có thể hiểu là Trần Tuấn Kiệt tố giác chính quyền thành phố Cần Thơ tham nhũng và đã bị bắt để bịt miệng.

VIETNAM-CHINA-SEA-PROTEST

Chính quyền này đang trong tình trạng bấn loạn, bầy nhầy, bất lực, nhưng lại gia tăng đàn áp

Cảm giác rõ rệt là chính quyền này đang trong tình trạng bấn loạn, bầy nhầy, bất lực. Tuy vậy nó lại gia tăng đàn áp. Đã có hơn hai mươi người bị bắt nhân danh các điều 79, 88, 258, 245. Bọn côn đồ vẫn được sử dụng để khủng bố những người dân chủ và các linh mục. Vụ khủng bố mới nhất vừa xảy ra ngày 4/9 ở giáo xứ Thọ Hòa, Đồng Nai. Công an đã chỉ tới lãnh các đồng lõa về -sau khi chúng thất bại trước phản ứng quyết liệt của giáo dân- chứ không có điều tra gì khác dù bọn này mang theo cả súng và roi điện. Như họ đã không làm gì sau những vụ Nguyễn Văn Đài và Nguyễn Trung Tôn bị bọn côn đồ bắt cóc và hành hung dã man. Hay ngay cả khi bọn súc vật này xông vào hành hung ba phụ nữ lên tiếng đòi nhân quyền ngay trong nhà họ và sau đó còn quay phim đưa lên mạng để thách thức dư luận. Cả nước đều đã biết công an và côn đồ chỉ là một.

thoidiem3

Những dân oan như Cấn Thị Thêu và Trần Thị Nga, hay Nguyễn Ngọc Như Quỳnh bị bắt vì quá nổi tiếng trên Facebook

Sự hung bạo càng thô bỉ khi nó tùy tiện một cách vớ vẩn. Danh sách những người bị bắt là những dân oan như Cấn Thị Thêu và Trần Thị Nga, hay Nguyễn Ngọc Như Quỳnh bị bắt vì quá nổi tiếng trên Facebook, hay cậu sinh viên Phan Kim Khánh lập một blog chống tham nhũng để hưởng ứng lời kêu gọi của chính quyền. Những người khác không ai biết vì sao, rất có thể chỉ vì đã gây bực bội cho các chính quyền địa phương. Trong trường hợp của hai người thuộc nhóm Chấn Hưng Nước Việt thì không ai hiểu họ đã gây thiệt hại nào cho Đảng và Nhà nước cộng sản.

Người bị bắt vì lý do chính trị gần đây nhất là Nguyễn Văn Túc. Túc được dư luận biết đến sau khi bị bắt tháng 9/ 2008 và bị xử 4 năm tù trong "vụ án Nguyễn Xuân Nghĩa và đồng bọn" (sic). Tất cả những gì mà họ đã làm chỉ là rủ nhau đi treo những biểu ngữ kiểu "Hoàng Sa Trường Sa là của Việt Nam" và "Đả đảo bọn tham nhũng", những điều mà chính quyền cộng sản cũng nói. Thỉnh thoảng cũng có những khẩu hiệu "Yêu cầu thực hiện đa nguyên, đa đảng", nhưng yêu cầu thì có tội tình gì ? Vả lại Túc cũng chỉ đi theo các bạn thôi chứ chẳng có vai trò gì cả. Túc là một nông dân rất hiền lành, nghèo và kém sức khỏe, lúc đầu chỉ là một dân oan có miếng đất nhỏ bị cưỡng chế và bồi thường một cách không công bằng. Túc đã khiếu kiện ròng rã mấy năm không kết quả. Nếu chính quyền giải quyết ổn thỏa cho Túc thì đã chẳng có chuyện gì. Túc đã chỉ ủng hộ cuộc đấu tranh cho dân chủ khi nhận ra rằng không thể có công lý dưới một chế độ độc tài toàn trị. Nhưng Túc không có ý định và cũng không có khả năng tham gia vào một âm mưu lật đổ chính quyền nào cả. Túc chỉ là một dân oan uất ức mà thôi. Có thể người ta đã chỉ viện cớ để buộc tội và bỏ tù một người dân oan cứng đầu. Túc đã ở tù bốn năm và có mọi triển vọng sẽ còn bị xử thêm vài năm tù nữa vì tham gia Hội Anh Em Dân Chủ. Nếu quả nhiên Túc có tham gia Hội Anh Em Dân Chủ thì cũng chỉ là vì nể các bạn chứ không có hoạt động nào để phát triển tổ chức cả. Một người như Túc mà cũng bị bỏ tù –và bị bỏ tù tới hai lần- vì tội âm mưu lật đổ chính quyền thì bất cứ người Việt Nam nào cũng có thể bị buộc tội và bỏ tù.

Với Túc toàn bộ những người được biết đến trong Hội Anh Em Dân Chủ đã lâm vào vòng lao lý. Trước đó Nguyển Văn Đài đã bị bắt từ tháng 12/2015, ít lâu sau khi bị công an giả dạng làm côn đồ đón đường đánh bị thương nặng. Cũng tương tự như Nguyễn Trung Tôn nhưng anh Tôn còn bị đánh dã man hơn. Cùng với Nguyễn Trung Tôn lần này là Phạm Văn Trội, Trương Minh Đức, Nguyễn Trung Trực, Nguyễn Bắc Truyển. Riêng Nguyễn Bắc Truyển thì chỉ quen biết chứ không tham gia Hội Anh Em Dân Chủ .

thoidiem4

Từ trái qua, Phạm Văn Trội, Nguyễn Bắc Truyển, Nguyễn Trung Tôn và Trương Minh Đức (Nguồn Facebook Lê Nguyễn Hương Trà)

Nhưng Hội Anh Em Dân Chủ đã làm gì để bị đàn áp thẳng tay như thế ? Họ bị buộc tội "âm mưu lật đổ chính quyền" theo điều 79 của bộ Luật Hình Sự, một tội danh dựng đứng. Sự gian trá đã quá lộ liễu vì Nguyễn Văn Đài, người sáng lập ra hội và bị bắt giam từ gần hai năm nay, chỉ bị cáo buộc là "tuyên truyền chống nhà nước" theo điều 88, nghĩa là đã có những phát biểu được coi là chống chế độ. Chỉ sau đó, khi đã quyết định gia tăng mức độ thô bạo và bắt thêm nhiều người khác, công an mới đổi tội danh. Thực ra Hội Anh Em Dân Chủ chỉ là một tổ chức xã hội dân sự. Họ đã tự xác nhận như thế và đã chỉ hoạt động như thế. Họ tập trung cố gắng vào việc bảo vệ nhân quyền. Họ không có khả năng và cũng không có mục tiêu lật đổ chính quyền, cũng không có một cương lĩnh chính trị. Bắt họ đã là thô bạo, buộc tội họ âm mưu lật đổ chính quyền còn thô bỉ hơn. Chúng ta sẽ không ngạc nhiên nếu sắp tới các anh em này bị tuyên những án tù rất nặng. Đảng cộng sản hình như đã chìm hẳn vào tâm lý tuyệt vọng cho rằng toàn dân Việt Nam đã dứt khoát thù ghét họ như một chính quyền gian ác rồi, hình ảnh của họ không thay đổi được nữa và họ chẳng còn gì để mất, điều duy nhất có thể làm là kéo dài thêm được ngày nào hay ngày ấy.

Chúng ta có thể và cần tự hỏi chính quyền này là chính quyền loại gì đây, nhưng chúng ta cũng cần tự hỏi dân tộc Việt Nam đang như thế nào trong lúc này. Thảm kịch quốc gia của chúng ta là trước một chính quyền tồi tệ như vậy đã không có một phản ứng đáng kể nào. Cuộc đấu tranh dũng cảm của giáo phận Vinh sau hơn một năm đương đầu với bộ máy đàn áp đồ xộ đang cần phục hồi sức mạnh. Còn đối lập dân chủ thì hầu như đã tan biến. Các tổ chức ra đời từ vài năm trước cùng với sự nở rộ của các mạng xã hội và đã tỏ ra tích cực trong các cuộc biểu tình chống Trung Quốc đều đã tan rã hoặc gần như tan rã. Một số người tuyên bố bỏ cuộc. Không những thế người ta còn chứng kiến những cuộc ẩu đả ngôn ngữ giữa những người và nhóm từng tự nhận là đấu tranh cho dân chủ. Một số người thân trong cũng như ngoài nước đã nói với tôi rằng họ thất vọng đến nỗi không còn tin vào tương lai của Việt Nam nữa. Điều gì đã xảy ra ?

Sự phát triển vũ bão và thần tốc của các phương tiện truyền thông –Facebook, Skype, Youtube...- đã mở ra một không gian trao đổi tự do nhưng những người dân chủ hay tự nhận là dân chủ đã không vận dụng được vì ngộ nhận và vì thiếu văn hóa chính trị. Hãy lấy thí dụ Facebook. Đây là phương tiện cho phép trao đổi trực tiếp và tức khắc với rất nhiều người, một dụng cụ tuyệt vời để thành lập, điều hành và phát triển các tổ chức. Việt Nam hiện có hơn 40 triệu tài khoản Facebook, chỉ cần một phần ngàn những chủ tài khoản Facebook này phối hợp với nhau thì phong trào dân chủ đã mạnh lắm rồi và thắng lợi của dân chủ sẽ hoàn toàn trong tầm tay.

Tuy nhiên đa số các Facebooker, kể cả những người phản kháng, đã nhìn Facebook một cách khác hẳn, nghĩa là như một phương tiện để khỏi cần tổ chức vì một cá nhân từ nay có thể đến trực tiếp với quần chúng, tranh thủ quần chúng và trở thành một trung tâm. Trong nhiều trường hợp Facebook và Youtube còn là vũ khí để đánh phá và bôi nhọ lẫn nhau. Và người ta đã thấy xuất hiện một số ngôi sao, những người đã được hàng nghìn hay hàng chục nghìn Like trong các statuslive stream. Người ta cũng thấy xuất hiện dồn dập những những nhóm diễn đàn, câu lạc bộ v.v.

Nhưng thời gian đã làm công việc của nó. Các nhóm đã lần lượt tan rã vì người ta dần dần khám phá ra rằng điều cần thiết để kết hợp với nhau không phải chỉ là có thể gặp nhau mà còn là, và nhất là, theo đuổi cùng một số mục tiêu với cùng những phương tiện, rằng mình không đồng ý với nhau như đã lạc quan tin tưởng lúc ban đầu, hay những người bạn của mình không tốt hoặc không giỏi như mình nghĩ. Các ngôi sao cũng dần dần mờ nhạt đi sau khi trở thành quen thuộc, càng ngày càng phải cố gắng hơn để giữ vốn liếng quần chúng của mình bằng những statuslive stream thống thiết hơn hoặc gay gắt hơn. Những cố gắng tuyệt vọng này trong nhiều trường hợp đã chỉ có tác dụng phơi bày rõ hơn sự non nớt hoặc bản chất không tốt của các tác giả. Kết quả là các nhóm đều rã rượi, nếu chưa tan hẳn, và các ngôi sao tắt lịm dần. Lúc này phong trào dân chủ trong nước hầu như không còn sức sống. Không có gì đáng ngạc nhiên.

Tuy vậy thất vọng và chán nản là sai. Tình trạng hiện nay chỉ là hậu quả tất nhiên của một ngộ nhận tai hại, di sản của văn hóa nhân sĩ Khổng Giáo, theo đó mục đích đầu tiên của đấu tranh chính trị là để được nổi tiếng và ngưỡng mộ. Với một cái nhìn bình tĩnh và chính xác hơn thì đây chính là thời điểm để phong trào dân chủ, nói chung, và mỗi người dân chủ, nói riêng, trấn tĩnh lại để thực sự khởi hành về thắng lợi vì khách quan mà nói, tình hình hiện nay rất thuận lợi cho cuộc vận động dân chủ. Nhà nước này không còn là một nhà nước đúng nghĩa và Đảng cộng sản cũng không còn là một chính đảng đúng nghĩa. Chế độ đã tích lũy quá nhiều những mâu thuẫn không còn giải đáp nữa, vì đã kéo dài quá lâu và cũng không còn sức để giải quyết những vấn đề mới đang dồn dập xuất hiện. Trong cơn bối rối, nó còn sẽ liên tục phạm thêm những lỗi lầm mới. Chắc chắn ngay trong nội bộ Đảng cộng sản, đại đa số đảng viên cũng đã hiểu rằng chế độ toàn trị đã đến lúc phải chấm dứt và họ phải tìm cho mình một tương lai khác. Hạn kỳ dân chủ có thể không xa.

Nhưng trấn tĩnh lại như thế nào ?

Điều cần thiết không phải là những sáng kiến mới mà là một tinh thần mới mà chúng ta chỉ có thể có được sau khi tự đặt cho mình những câu hỏi nền tảng –nghĩa là những câu hỏi mang tính triết lý và đạo đức- và trả lời một cách lương thiện.

Mình có thực sự yêu nước không và muốn gì ? Mình tranh đấu trước hết vì tương lai đất nước hay trước hết vì tương lai của chính mình ? Dân chủ có đúng là một lý tưởng không hay đồng thời cũng là một danh nghĩa và một chiêu bài để đánh bóng mình ? Sự cao cả của một đời người là gì ? Là sự hiểu biết, là sống theo lẽ phải và phục vụ lẽ phải, là cố gắng góp phần cải thiện cuộc sống của đồng loai, trước hết là đồng bào mình, hay là được xưng tụng là anh hùng dân tộc, được có vai trò và địa vị lớn ? v.v.

Chỉ sau khi đã trả lời một cách thực thà với chính mình những câu hỏi đó chúng ta mới có thể trả lời một cách nghiêm chỉnh câu hỏi bắt buộc : phải đấu tranh như thế nào để đem lại dân chủ cho đất nước ?

Những câu hỏi nền tảng này tuy rất quan trọng nhưng không khó. Chỉ cần mỗi người tự đặt ra một cách thẳng thắn cho mình và trả lời một cách lương thiện thì tất cả mọi vấn đề chiến lược và chiến thuật đấu tranh cho dân chủ sẽ đều sáng tỏ và dễ dàng vì thực ra những giải đáp đều khá hiển nhiên. Cho đến nay người ta đã từ chối những giải đáp đúng chứ không phải không thể nhìn thấy. Hơn nữa, dù trả lời như thế nào những câu hỏi nền tảng trên, người ta cũng sẽ thay đổi theo chiều hướng tốt. Ít nhất người ta sẽ khiêm tốn hơn và nhìn rõ hơn ai là ai. Chúng ta bế tắc vì chúng ta đã không đặt ra cho mình những câu hỏi đó. Tại sao ? Lý do là vì những câu hỏi triết lý và đạo đức luôn luôn đặt ra trong hoạt động chính trị dù chúng ta muốn hay không, chúng ta phải trả lời bởi vì không trả lời cũng là một cách trả lời, và mỗi chúng ta đều sống và hành động theo cách mà chúng ta trả lời những câu hỏi đó.

Một thí dụ. Nhìn cho kỹ thì "kịch bản dân chủ hóa" của một số không nhỏ trí thức hiện nay, nhất là những người đã có chút địa vị hoặc tiếng tăm, là hy vọng một thay đổi trong đảng và nhà nước cộng sản -dù là sau một tranh chấp nội bộ hay sau một cuộc đảo chính hay do một biến cố nào khác mà mình không chủ động- rồi chế độ sẽ cải tiến, những người tạo ra chuyển biến sẽ chấp nhận dân chủ, sẽ tìm đến và tôn vinh những người đã có uy tín. Như thế điều quan trọng để hò hẹn với tương lai là tranh đua uy tín. Sự tranh đua uy tín này có thể khiến người ta kết hợp với những người mà mình biết là xấu nhưng chịu đứng sau mình và xa lánh những người mà mình biết là tốt nhưng có thể khiến mình lu mờ. Tôi không có ý định mỉa mai những nhân sĩ này bởi vì dầu sao họ cũng hơn những người, đông đảo hơn nhiều, không làm gì cả. Nhưng họ đánh lạc sự chú ý của xã hội khỏi những cố gắng nghiêm túc và khiến cho cuộc đấu tranh cho dân chủ bế tắc. Họ cố tình, xin nhấn mạnh là cố tình, quên đi một sự thực đồ sộ trong lịch sử thế giới là người ta không thể cải tiến một chế độ tham nhũng khi sự tham nhũng đã nghiêm trọng và người ta cũng không thể cải tổ một chế độ cộng sản. Họ cố tình bỏ qua sự thực này bởi vì nó phản bác kịch bản lập thân của họ, một kịch bản mà họ cũng thừa biết là rất khó thành công nhưng phù hợp với mơ ước của họ. Nhưng tại sao họ lại khăng khăng giữ ước mơ và kịch bản hoang tưởng đó ? Câu trả lời là vì họ đã không chịu thẳng thắn đặt ra và trả lời những câu hỏi nền tảng đàng nào cũng đặt ra và không trả lời chỉ đồng nghĩa với trả lời sai.

Câu hỏi phải đấu tranh như thế nào để giành thắng lợi cho dân chủ không khó. Những nghiên cứu và kinh nghiệm trên thế giới rất nhiều và những bài học trong hơn 40 năm qua của nước ta cũng đã khá hùng hồn. Chúng ta lúng túng và bất lực chỉ vì những chọn lựa chiến thuật và chiến lược bao giờ cũng tùy thuộc mật thiết vào cách mà chúng ta trả lời cho những câu hỏi nền tảng.

Đối diện thẳng thắn những câu hỏi đó sẽ giúp mỗi người biết mình là ai và biết nhận diện người khác. Những người dân chủ và yêu nước thực sự sẽ nhận ra nhau và tìm đến với nhau. Và thắng lợi của cuộc vận động dân chủ sẽ không còn xa vì phong trào dân chủ sẽ vừa đông đảo vừa có sức mạnh vô địch của lẽ phải trong khi chế độ này đã rất yếu.

Nguyễn Gia Kiểng

(15/09/2017)

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Nguyễn Gia Kiểng
Read 2388 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)