Bàn tròn thứ năm trên BBC, hôm kia tôi có viết bài ngắn phê bình, vốn có chủ đề "Trung Quốc tập trận gần Đà Nẵng". Hôm nay BBC ghi lại cuộc "hội luận" đó thành một bài viết, tựa đề "Biển Đông : Việt Nam có cần thay đổi chiến thuật ?".
Hoàng Sa và Trường Sa Việt Nam -Ảnh minh họa
Ý kiến của tôi về cuộc hội luận này vẫn không thay đổi.
Tôi thấy là học giả Ngô Vĩnh Long hình như không theo dõi những gì đã và đang xảy ra trên thực tế. Tôi cũng thấy ông Long vừa không nắm vững được lịch sử tranh chấp giữa Việt Nam và Trung Quốc, đặc biệt ở Biển Đông. Ông cũng không phân biệt được hai phạm trù "khẳng định chủ quyền" và "quốc tế hóa tranh chấp", là hai lựa chọn chiến lược đấu tranh của Việt Nam đối với đối thủ là Trung Quốc.
Điều cụ thể ghi nhận được là ông Ngô Vĩnh Long rất hay "dị ứng" khi thấy ai nói về chủ quyền của Việt Nam ở Hoàng Sa và Trường Sa.
Điều này phù hợp với lập trường "chủ đạo" của nhóm "trí thức Việt Nam" mà ông Long là một thanh viên (cùng với Vũ Quang Việt, Nguyễn Ngọc Giao, Cao Huy Thuần, Trần Hữu Dũng…).
Nhắc lại để làm "bằng chứng".
Ông Vũ Quang Việt, nhân hội thảo về Biển Đông tháng 7 năm 2010 từng trả lời phỏng vấn trên BBC :
"theo nghiên cứu của tôi, không thể nói chắc chắn rằng Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam. Cho tới bây giờ chưa tìm thấy chứng cứ tài liệu nào trong lịch sử Việt Nam rõ ràng để nói rằng Trường Sa là của Việt Nam… Nhưng nếu ta thừa nhận đây là một vùng hải đảo không thuộc về ai, thì sẽ vận dụng công pháp quốc tế để giải quyết vấn đề. Điều này sẽ có lợi cho khu vực…. Nhiều nước Đông Nam Á cùng chia sẻ Biển Đông, các nước này có thể góp tiếng để cùng đoàn kết giải quyết vấn đề cho thỏa đáng".
Riêng ông Long thì không thấy có bài nghiên cứu nào về Biển Đông.
Như vậy việc ông Long "dị ứng" khi nghe người khác nhấn mạnh việc "khẳng định chủ quyền" là có nguyên nhân. Vì cho rằng Việt Nam không chứng minh được chủ quyền ở Hoàng Sa và Trường Sa vì vậy Ông Long và bằng hữu chủ trương Việt Nam "từ bỏ chủ quyền, chia sẻ tài nguyên".
Điều này không hề mới. Đây là một đề nghị của một số học giả người Mỹ qua tập sách (nhứt thời tôi quên tên, sẽ tra lại).
Bây giờ nhìn lại các nước có tranh chấp Biển Đông, ta thấy có ba chủ trương :
Trung Quốc luôn khẳng định "chủ quyền". Thể hiện (gián tiếp) trên thực tế như thực thi "quyền tài phán" và "quyền chủ quyền" phát sinh ra từ các đảo, đá ở Hoàng Sa và Trường Sa. Tức là Trung Quốc sử dụng mọi hình thức pháp lý cho phép (quyền tài phán, quyền chủ quyền…) để khẳng định chủ quyền. Trung Quốc còn thể hiện "chủ quyền" trực tiếp qua các cuộc thao diễn quân sự.
Phi thì vận dụng đủ cách, từ "quốc tế hóa" cho tới "chia sẻ tài nguyên", cuối cùng vận dụng tất cả cho việc "khẳng định quyền chủ quyền". Vụ kiện ở Tòa CPA tháng bẩy năm 2016 là "đỉnh cao" của chiến thắng Phi trước Trung Quốc.
Mã Lai và Indonesia có cùng sách lược "đa phương hóa", dùng ngoại giao, kinh tế, sức mạnh quân sự để "khẳng định quyền chủ quyền" (vùng biển thuộc ZEE).
Trong khi Việt Nam chủ trương "quốc tế hóa tranh chấp Biển Đông" bằng cách "hy sinh chủ quyền" đồng thời "chia sẻ tài nguyên" (cho các đại cường như Mỹ, Nga, Ấn Độ v.v…), nhưng không biết để "bảo vệ chủ quyền" hay khẳng định "quyền chủ quyền vùng biển kinh tế độc quyền" ?.
Cách nào thì thì mọi chủ trương của Việt Nam cho thấy là "phá sản". Trung Quốc vẫn "tầm ăn dâu" trên vùng lãnh thổ, vùng biển thuộc (quyền) chủ quyền của Việt Nam. Các giàn khoan nước ngoài đặt trên thềm lục địa của Việt Nam, trước sự đe dọa của Trung Quốc, lần lượt cuốn gói ra đi.
Bài viết hôm 7 tháng tám tôi có viết như sau :
"Chính sách "quốc tế hóa tranh chấp Biển Đông" được Việt Nam nỗ lực từ những năm 2009. Nền tảng của việc này đặt lên "quan hệ chính trị" và "chia sẻ lợi ích" với các quốc gia liên quan. Theo đó Việt Nam hy vọng "kéo" Hoa Kỳ về phía mình, cho rằng nước này có "lợi ích cần bảo vệ" ở Biển Đông. Sự có mặt của Hoa Kỳ có thể "đối trọng" với tham vọng của Trung Quốc".
"Chia sẻ lợi ích" với các nước, nhưng khi cần, quay đi quay lại Việt Nam chỉ "có một mình" đối đầu với Trung Quốc.
Tôi không biết còn phải chờ tới lúc nào, ông Ngô Vĩnh Long mới nhận thức ra được "kế sách" của nhóm ông đã phá sản từ lâu.
Cá nhân tôi thì hay theo dõi những ai, phe phái nào… có chủ trương đi ngược lại quyền và lợi ích của Việt Nam. Bất kỳ họ là ai, cho dầu là đảng cộng sản Việt Nam hay nhóm "trí thức thiên tả" của ông Long. Ai chống lại quyền và lợi ích của Việt Nam thì tôi chống lại họ.
Trương Nhân Tuấn
Nguồn : fb.nhantuan.truong, 11/09/2017