Theo số liệu mới nhất của Liên Hiệp Quốc công bố ngày 13/9/2017, có đến 370.000 người Rohingya đã chạy qua lánh nạn ở Bangladesh từ cuối tháng 8. Cao ủy nhân quyền Liên Hiệp Quốc đã nói đến "một cuộc thanh lọc chủng tộc quy mô".
Hội đồng bảo an Liên Hiệp Quốc bắt đầu họp về tình trạng người Rohingya kể từ ngày 13/9/2017. Ông Charbonneau nói tổ chức Human Rights Watch của ông muốn Hội đồng bảo an đe dọa trừng phạt, phong tỏa tài sản, cấm đi lại, cấm vận vũ khí... Nhưng Hội đồng đã quyết định họp kín, gây bất bình không ít đối với các tổ chức phi chính phủ. Theo ông Charbonneau, các nhà ngoại giao như vậy đã gởi đi một thông điệp không khác gì một "giấy phép sát nhân".
Bang Rakhine trong bản đồ Miến Điện
Bà Yanghee Lee, Đặc sứ Liên Hiệp Quốc về nhân quyền ở Myanmar, đã phát biểu trong một cuộc điều tra chung của BBC Newsnight và BBC Our World : "Tôi cho rằng đây là tội ác chống nhân loại. Chắc chắn là tội ác chống nhân loại... do người Miến điện, quân đội Myanmar, lính biên phòng hay cảnh sát và các lực lượng an ninh gây ra".
Đây là một vấn đề rất nghiêm trọng đã được các tổ chức bảo vệ nhân quyền và báo chí quốc tế nói đến rất nhiều kể từ 2012 đến nay. Tại sao có biến cố này ? Các cường quốc, nhất là Hoa Kỳ luôn to tiếng về nhân quyền, sẽ làm gì để giải thoát cho các nạn nhân ? Tuy nhiên, trước hết chúng tôi xin nói qua về người Rohingya.
Tình trạng người Rohingya
Người Rohingya là những người dân tộc Ấn-Arya theo Hồi giáo, đã sinh sống lâu đời ở bang Rakhine, một bang của Myanmar, người Việt thường gọi là Miến Điện.
Thông tín viên Arnaud Dubus tại Bangkok, một người rất thông thạo về tình hình Myanmar, cho biết như sau : Bang Rakhine trước đây có tên là Nhà nước Arakan, và chỉ mới được sáp nhập vào Miến Điện vào năm 1785. Trong khoảng thời gian từ giữa thế kỷ XV đến giữa thế kỷ XVII, Arakan là một vương quốc Hồi giáo, được các vị vua mang tước hiệu Hồi giáo Shah cai trị. Đa số người Rohingya đã sống trong Nhà nước Arakan từ trước khi lãnh thổ này được sáp nhập vào Miến Điện. Chỉ có một thiểu số đến từ Bangladesh trong hai mươi năm gần đây. Cư dân vương quốc này gồm cả người theo đạo Hồi lẫn đạo Phật và họ chung sống với nhau một cách tương đối hài hòa.
Vào thời Đệ nhị Thế chiến, nhiều người Hồi giáo gốc ở vùng Arakan - hiện nay được gọi là Rohingya - theo người Anh, trong khi những người Miến Điện theo đạo Phật, do Aung San, cha của bà Aung San Suu Kyi lãnh đạo, lại liên minh với Nhật Bản. Tính đến năm 2013, có khoảng 1,23 triệu người Rohingya sống ở Myanmar. Họ cư trú chủ yếu ở các thị trấn phía Bắc bang Rakhine, nơi họ chiếm 80-98% dân số.
Sau khi Myanmar được độc lập và đặc biệt là sau khi quân đội lên nắm quyền vào năm 1962, người Rohingya đã bị kỳ thị. Nhiều đạo luật đã được ban hành buộc người Rohingya phải chứng minh được rằng họ đã sống trên đất Miến Điện từ trước 1824 nếu muốn có quốc tịch Miến Điện. Lẽ dĩ nhiên, rất ít người có thể trình ra các loại bằng chứng này, và như vậy họ không được coi là công dân Miến Điện. Vì thế, họ không có quyền tự do đi lại, và phải chịu nhiều phân biệt đối xử trong quan hệ với các viên chức Miến Điện về các vấn đề như hôn nhân, sở hữu đất đai v.v...
Miến Ðiện có 135 sắc dân thiểu số được chính thức được thừa nhận theo đạo luật về quyền công dân năm 1982, nhưng sắc tộc Rohingya không có tên. Chính vì thế, người Rohingya lâm vào tình huống của những người vô tổ quốc mà chính phủ Miến Điện muốn áp đặt cho họ. Điểm mấu chốt của cuộc xung đột hiện nay là việc từ chối cấp cho người Rohingya quyền công dân Miến Điện, bất kể thời gian họ sống trên đất Miến Điện là bao lâu. Lý do họ bị từ chối quốc tịch là sự khác biệt về tôn giáo.
Chủ nghĩa Phật giáo dân tộc
Tài liệu thống kê cho biết Miến Điện có dân số khoảng 50 triệu, theo nhiều tôn giáo khác nhau, trong đó Phật giáo chiếm 89,3% dân số, Thiên Chúa giáo 5,6%, Hồi giáo 3,8%, đạo Hindu 0,5% và các tôn giáo khác khoảng 0,8%.
Phật giáo được phát triển ở Miến Điện từ thế kỷ thứ 5 và đến thế kỷ thứ 7, cả hai hệ phái Tiểu thừa và Đại thừa cùng có mặt. Nhưng đến thế kỷ 11, vua Anwrahta tuyên bố chỉ chấp nhận Tiểu thừa nên hệ phái Đại thừa biến mất.
Trong bài "Why are Buddhist monks attacking Muslims ?" (Tại sao các nhà sư Phật giáo tấn công người Hồi giáo ?) đăng trên BBC ngày 2/5/2013, Giáo sư Alan Strathern của Oxford University đã đặt câu hỏi :
"Trong tất cả những giáo huấn đạo đức đạo Phật được thấm nhuần trong các nhà sư, việc tránh sát sinh được nhắc tới đầu tiên, và nguyên tắc bất bạo động được cho là nằm ở vị trí trung tâm, quan trọng hơn nhiều đối với đạo Phật so với bất kỳ tôn giáo lớn nào khác. Vậy tại sao các vị sư lại có những bài diễn thuyết đầy thù hận chống lại người Hồi giáo và cùng hòa vào những đám đông giận dữ vốn đã khiến hàng chục người thiệt mạng ?".
Thông tín viên Arnaud Dubus của RFI tại Bangkok đã nhận định :
"Ở Miến Điện cũng như ở Cam Bốt và ở Thái Lan, có một sự đồng hóa chặt chẽ giữa Phật giáo với khối dân tộc đại đa số của đất nước như người Miến, người Khmer hay người Thái. Nếu sinh ra là người Miến Điện thì phải là người theo đạo Phật. Một người Miến Điện Hồi giáo hay Thiên chúa giáo bị coi là một điều quái đản".
Hàng ngàn nhà sư giận dữ biểu tình đòi trục xuất người Rohingya
Trên tạp chí Tricycle, trong bài "Buddhist Nationalism in Burma" (Chủ nghĩa Phật giáo dân tộc ở Miến Điện), Tiến sĩ Maung Zarni, người sáng lập tổ chức Liên minh Tự do Miến Điện, đã nhận định rằng "hệ thống hóa sự kỳ thị chủng tộc chống người Hồi giáo Rohingya đã dẫn Miến Điện tới con đường diệt chủng". Ông viết :
"Những điều hung ác ấy được nhân danh Chủ nghĩa Phật giáo dân tộc Miến Điện, vốn không thể nào kết nối được với lý tưởng của tâm-từ-bi (tiếng Pali : metta). Người Phật tử Rakhine đã ném những đứa bé Rohingya vào trong những đám lửa cháy ngay chính căn nhà của chúng trước mắt những người thân trong gia đình. Vào ngày 3 tháng Sáu, 10 người Hồi giáo ở ngoài địa phận tới hành hương, đã bị kéo lôi ra khỏi xe bus ở phố Rakhine, Taunggoke, chừng 200 dặm về phía tây Rangoon (thủ đô cũ), và họ bị đánh đập cho tới chết bởi một nhóm hơn 100 thanh niên Phật tử. Tội ác xảy ra giữa thanh thiên bạch nhật, trước mắt của công chúng và nhân viên cảnh sát địa phương…
"Tinh thần Đông phương về Phật giáo đã được tô-hồng quá đậm đối với người phương Tây, làm cho họ vô cùng kinh ngạc khi nghe nói sự tàn ác xuất phát từ một quần chúng Phật giáo võ trang, hay một chế độ chính trị nào đó hỗ trợ hay xui khiển Phật giáo như là công cụ ý thức hệ…".
Trong thực tế, những điều hung ác ấy cũng đã từng xảy ra ở miền Nam Việt Nam từ 1963 đến 1968 khi một số nhà sư cực đoan muốn cướp chính quyền để thành lập môt chính phủ Phật giáo tại miền Nam. Trong Tết Mậu Thân, hai người cộng sản quá khích, Hoàng Phủ Ngọc Phan và Nguyễn Thị Đoan Trinh thuộc Đoàn sinh viên Phật tử Huế từ chiến khu trở về, đã đi ngay đến khu nhà thờ Phú Cam, lùng bắt các thanh niên công giáo, công chức và quân nhân Việt Nam Cộng Hòa ra bắn ngay tại chỗ. "Chủ nghĩa Phật giáo dân tộc" (Buddhist Nationalism) sau này được Lê Mạnh Thát hệ thống hóa và được Giáo hội Ấn Quang đưa vào Thông điệp hướng về thế Kỷ XXI ngày 21/2/2001. Cả Hoa Kỳ lẫn Đảng cộng sản Việt Nam nhận ra điều đó nên đã tìm cách dẹp tan để trừ hậu họa (1).
Thực hiện cuộc diệt chủng
Cả nước Miến Điện có hàng vạn đền, chùa, tháp, nằm rải rác trên khắp nơi. Riêng ở thành phố Bagan đã có hơn 4000 đền, chùa, tháp lớn nhỏ trên một diện tích chỉ khoảng 40km2. Tu sĩ Miến Điện có khoảng 500.000 người, theo truyền thống Nguyên thủy (Theravadin), được gọi là bhikkhu, nghĩa là tăng sĩ hành khất. Chủ nghĩa Phật giáo dân tộc do những tăng sĩ này đẻ ra.
Sau đây là các diễn biến đau thương đang xảy ra do chủ nghĩa này :
1. Không cho phép Hồi giáo…
Trong bài "No Muslims allowed" … (Không cho phép Hồi giáo…) đăng trên tờ The Guardian ngày 22/5/2016, phóng viên Poppy McPherson ghi lại :
Trước cổng làng Thaungtan, một tấm bảng đã được dựng lên. Bảng này có nội dung "Cấm người Hồi giáo ở lại qua đêm. Cấm người Hồi giáo thuê nhà. Cấm không được kết hôn với người Hồi giáo". Tấm bảng được người dân tại đây, vốn là những người theo đạo Phật, đề xuất. Họ đều đã ký tên đồng ý thực hiện theo những điều ghi trên tấm bảng này.
Về sau, nhiều làng khác trên khắp lãnh thổ Myanmar đã bắt chước theo làng Thaungtan, dựng lên những tấm bảng với nội dung tương tự và tạo thành những "ngôi làng chỉ của người theo đạo Phật". Không chỉ ác ý, những tấm bảng này còn đang thể hiện một sự căng thẳng tôn giáo có thể đe dọa đến vai trò của nhà nước dân chủ non trẻ do bà Aung San Suu Kyi lãnh đạo.
Ông Matthew Walton, giáo sư chính trị học của Đại học George Washington, cho biết trong khối người Phật giáo chiếm đa số ở Miến Điện không mấy ai lên tiếng phản đối những quan điểm cực đoan của một số các nhà lãnh đạo tôn giáo.
2. Phong trào 969 và vọng ngữ
Tuần báo L’Express của Pháp đã dành bốn trang để viết về nhà sư cực đoan bài Hồi giáo là Ashin Wirathu, với tựa đề "Người ta gọi ông là Hitler của Miến Điện".
Nhà sư Wirathu luôn tố cáo người Hồi giáo là "đạo quân thứ năm" cần phải diệt trừ
Trong những năm qua, Wirathu luôn tố cáo người Hồi giáo là "đạo quân thứ năm" cần phải diệt trừ. Năm 2015, phóng viên L’Express đã có dịp nghe ông giảng đạo tại Meiktila. Trước hàng trăm tín đồ, nhà sư hỏi : "Nên lấy một kẻ bụi đời hay một người Hồi giáo ?". Thính giả đồng thanh : "Bụi đời". "Lấy chó hay lấy người Hồi giáo ?"… Theo nhà sư, "chó không bao giờ buộc người khác phải cải đạo như Hồi giáo". Tại ngôi làng này, khoảng năm chục người đạo Hồi đã bị thảm sát hai năm trước đó.
Phong trào 969 đã được hình thành từ năm 2001, sau khi phiến quân Taliban tàn phá những pho tượng Phật cổ tại Bamiyan ở Afghanistan. Lãnh đạo phong trào là là Wirath, 44 tuổi, có trụ sở tại Mandalay. Wirathu cũng đã dùng vọng ngữ để kích động long hận thù tôn giáo và bạo loan, giống các nhà sư cực đoan Việt Nam trước 1975.
Wirathu giải thích rằng ba con số 969 là Tam Bảo (Tiratana) trong Phật giáo gồm 24 thuộc, con số 9 đầu là Phật, con số 6 ở giữa là Pháp, con số 9 ở sau là Tăng (9 Buddha, 6 Dhamma, 9 Sangha), tổng cộng là 24. Còn ba con số 786 được dùng trong truyền thống của Hồi giáo Nam Á, được mô tả là biểu hiệu cho con số 21 (7+8+6=21), có nghĩa là Hồi giáo sẽ thống trị thế giới trong thế kỷ 21.
Nhưng các nhà bình luận Tây phương lật tẩy ngay, họ nói đó là vọng ngữ đã được dùng để kích động lòng hận thù tôn giáo. Con số 786 chỉ là con số câu thứ 786 trong Kinh Koran, thường được người Hồi giáo ghi trước cửa nhà của họ. Lời kinh đó là : "Nhân danh đấng Allah, rất nhân từ, hằng thương xót" (In the name of Allah, the Most Gracious, the Ever Merciful).
Nhưng hiện nay, chúng ta có thể nhìn thấy ở khắp mọi nơi trên đất nước Myanmar dòng chữ số 969 trên lá cờ màu vàng của Phật giáo. Con số này được coi là biểu tượng đoàn kết của các tín đồ Phật giáo để đối kháng lại với con số 786 trên biểu tượng của cộng đồng tín đồ Islam thiểu số ở nước này !
Ngày 1/7/2013, trên trang bìa của tuần báo Mỹ Time Magazine đã cho đăng ảnh của nhà sư Ashin Wirathu, với dòng tít : "Bộ mặt của khủng bố Phật giáo" (The Face of Buddhist Terror). Đây cũng là nhan đề của một bài báo đăng trên tuần báo này. Chính quyền Myanmar đã ra lệnh cấm phổ biến số báo đó tại Miến Điện.
Số phận của người Rohingya
Bản tin VOA ngày 9/9/2017 cho biết các cơ quan của Liên Hiệp Quốc cho hay trong hai tuần qua, khoảng 270.000 người Hồi giáo Rohingya đã chạy sang Bangladesh để tìm nơi nương thân, trốn bạo lực và đàn áp ở Myanmar. Các bản tin chưa được kiểm chứng nói hơn 1.000 người đã bị quân đội Miến Điện giết chết từ ngày 25/8 khi xảy ra bạo lực ở bang Rakhine, miền bắc Myanmar.
Ông Duniya Aslam Khan, phát ngôn viên của Cao ủy Tị nạn Liên Hiệp Quốc, nói rằng các trại tị nạn đang quá tải và không thể tiếp nhận thêm bất kỳ người nào khác. Ông nói : "Họ đang ở trong tình cảnh tuyệt vọng, một tình huống nhân đạo hoàn toàn tuyệt vọng, không có đủ lương thực mà ăn... Họ nói họ đang sống ngoài trời, không có nơi trú ẩn để tránh cái nóng của mặt trời ở vùng nhiệt đới, không có nơi để trú mưa, trong khi con cái của họ không gì để ăn…".
Người Rohingya ra đi trong tuyệt vọng
Vấn đề được đặt ra là Liên Hiệp Quốc và các cường quốc, nhất là Mỹ, sẽ giải quyết vấn đề người Rohingya đang bị đàn áp như thế nào ?
Chúng ta nhớ lại, tối 8/4/1963, sau khi một trái lựu đạn phát nổ trước Đài phát thanh Huế khiến 8 người bị tử thương, CIA liền ra lệnh cho Trần Quang Thuận và Thích Đức Nghiệp tổ chức thiêu sống Thích Quảng Đức tại ngã tư Lê Văn Duyệt và Phan Đình Phùng Sài Gòn vào ngày 11/6/1963 để kích động dư luận, sau đó ban hành lệnh đảo chánh lật đổ chế độ Ngô Đình Diệm.
Ngày nay, biến cố Rohingya ở Miến Điện lớn gấp 100.000 lần vụ trước Đài phát thanh Huế năm 1963 và tội ác của chính quyền Miến Điện bị coi là "tội ác chống nhân loại", tội diệt chủng, phải bị truy tố trước Tòa Án Hình Sự Quốc Tế. Báo chí quốc tế gọi người Rohingya là "Những kẻ bị ngược đã nhất trên hành tinh" (The most persecuted people on the Earth). Hiện nay có 9 tổ chức Hồi giáo đang kiện Miến Điện tại Mỹ. Tại sao Hoa Kỳ lại im lặng ?
Để lôi kéo Miến Điện xa dần ra khỏi ảnh hưởng của Trung Quốc, khi đến thăm Miến Điện ngày 19/11/2012, Tổng thống Obama đã đọc một bài diễn văn tại Đại học Yangon khá dài, rất xuất sắc và được nhiệt liệt hoan nghênh. Ở phần kết luận, ông có nói : "Hôm nay, tôi nói với các bạn, và tôi nói với tất cả mọi người có thể nghe thấy tiếng nói của tôi – rằng Hoa Kỳ ở cùng với các bạn, kể cả những người đã bị lãng quên, những người bị tước đoạt, những người đang bị tẩy chay, những người nghèo khổ...".
Đó là lời hứa của nước Mỹ, nhưng Donald Trump chẳng quan tâm gì. Ông chỉ lo phục vụ quyền lợi của gia đình và giới đại tư bản Mỹ. Hiện nay ông đang thổi phồng vụ Bắc Hàn lên để gạ Nhật Bản và Nam Hàn mua hỏa tiễn THAAD của Mỹ. Điều ông quan tâm nhất là làm sao giảm cấm vận với Nga để Trump Organization có thể quay trở lại Nga xây dựng các Trump Tower. Chuyện số phận của người Rohingya và chuyện nhân quyền ở Việt Nam, Trump không bao giờ nghĩ tới.
Vả lại, lúc này Hoa Kỳ cũng không muốn đụng đến Việt Nam hay Miến Điện vì sợ hai nước này sẽ nghiêng hẳn về phía Trung Quốc như Thái Lan và Philippines. Chính quyền cộng sản Việt Nam cũng như nhà cầm quyền Miến Điện hiểu rõ như thế nên đang mạnh tay đàn áp. Những người đang bị tra tấn, áp bức, tù đày, đói rách hay bị giết chết một cách bất công... đừng trông chờ gì ở Donald Trump cả.
Ngày 30/8/2017, Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc cũng đã triệu tập một cuộc họp kín nhằm thảo luận về tình trạng bạo lực ở bang Rakhine, nhưng không có tuyên bố chính thức nào được công bố !
Ngày 14/9/2017
Lữ Giang
(1) "Mục tiêu và chiến thuật đã bị bại lộ", Lữ Giang, ngày 23/2/2010.