Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

16/09/2017

Câu chuyện Rohingya

Lê Phan

Câu chuyện của người Rohingya thực ra không phải là chuyện mới, nó phát xuất từ nhiều trăm năm nay khi một đoàn người đến vùng đất lạ, nhưng nó trở thành một tấm thảm kịch chỉ vì bản tính kỳ thị của con người.

rohingya0

Câu chuyện của người Rohingya thực ra không phải là chuyện mới

Lịch sử của vùng đất nay được gọi là Miến Điện hay Myanmar bắt đầu từ khoảng thế kỷ thứ 1 trước Công nguyên cho đến thế kỷ thứ 9 sau Công nguyên, nơi ở phía Bắc có một quốc gia của một dân tộc nói một thứ tiếng Miến-Tạng, được gọi là Pyu, và ở phía Nam là một quốc gia của người Mon, thuộc họ Mon-Khmer.

Thủ đô của người Pyu nằm ở phía cực Bắc của vùng Châu thổ sông Irrawaddy trong khi vương quốc của người Mon tập trung ở phía Nam với kinh đô nằm gần Rangoon ngày nay. Cả hai vương quốc này đều theo Phật giáo. Đến khoảng thế kỷ thứ 8 sau Công nguyên thì một nhóm người nói một thứ tiếng Miến-Tạng mới, người Burman, tìm xuống và thành lập một vương quốc mới ở Pagan (ngày nay là Bagan) trên sông Irrawaddy.

Lịch sử ghi nhận là vào khoảng thế kỷ thứ 8 và thứ 9 sau Công nguyên, vương quốc Nam Chiếu trở thành chế ngự vùng tây-nam Trung Hoa. Họ là một vương quốc cũng của một sắc người nói một thứ tiếng Miến-Tạng khác. Nam Chiếu nhiều lần đột nhập các thành phố lớn ở vùng Đông Nam Á lục địa, kể cả tấn công vào Việt Nam. Vương quốc Mon-Khmer giữ vững được nhưng vương quốc Pyu bị thất thủ. Người Burman chiếm khoảng trống chính trị đó thành lập vương quốc Pagan (Bagan). Vương quốc Pagan trở thành vương quốc mạnh nhất, thống nhất Miến Điện và thành lập một quốc gia trong đó người Burma chế ngự kéo dài cho đến ngày nay.

Pagan trở thành vương quốc tồn tại lâu nhất, bành trướng lãnh thổ trong khi liên minh với người Shan, một vương quốc của người Thái, và phân chia lục địa Đông Nam Á với vương quốc Mon-Khmer. Vương quốc này tồn tại cho đến khi bị Mông Cổ xâm lăng.

Khi cực thịnh, Pagan lừng danh thời thế kỷ 13 đến 14, đến nỗi nhà thám hiểm Marco Polo cũng đã được nghe kể lại một thủ đô của nhiều ngàn ngôi chùa, vàng son tráng lệ. Sau Pagan, Miến Điện chia thành nhiều mảnh và nhiều vương triều lên nắm quyền. Trong khi đó, một phần người Shan đi theo sông Chao Phraya thành lập vương quốc Thái đầu tiên ở Đông Nam Á ở Ayutthaya. Đây cũng là giai đoạn vùng Arakan mà nay gọi là Rakhine cũng có một vương quốc nổi lên, có lúc là đồng minh với người Miến.

Nằm dọc theo vịnh Bengal, vùng này được rặng Arakan tách rời ra khỏi miền Trung Miến Điện. Dân tộc cư ngụ ở đây đến từ vùng Nam Ấn thuộc sắc tộc Ấn-Aryan. Họ có một giai đoạn độc lập dài từ năm 327 sau Công nguyên đến năm 1784 khi vương quốc Rakhine cuối cùng, Mrauk U, bị Miến Điện chinh phục. Sự chinh phục vùng này đưa vương quốc Miến trực tiếp sát biên giới với Đế Quốc Anh ở Ấn Độ. Năm 1826, cuộc chiến Anh-Miến đầu tiên xảy ra, Miến Điện thua, phải nhượng bang Rakhine cho Anh. Rakhine từ đó trở thành một phần của tỉnh Miến Điện thuộc Ấn Độ của Đế Quốc Anh. Năm 1948, khi Anh trả độc lập cho Miến Điện thì Rakhine trở thành một phần của nước cộng hòa liên bang mới.

Trong giai đoạn độc lập kéo dài từ thế kỷ thứ 4 các vương quốc Arakan được cả các vị vua theo Hồi giáo lẫn Phật giáo cai trị. Pho tượng khổng lồ Muhamuni nay đặt ở Mandalay được người Arakan theo Phật giáo nói là của họ, bị mất vào tay người Miến khi vương quốc của họ bị xâm lăng. Trong số người Arakan, những người theo Hồi giáo được gọi là Rohingya, dựa trên cái tên lịch sử của vùng đất họ ở là vùng Rohang.

Theo Encyclopaedia Britanica, vào cuối thế kỷ thứ 20, dân số Arakan lên đến khoảng hai triệu người, khoảng 90% sống ở Miến Điện, phần còn lại sống ở Bangladesh và Ấn Độ. Đa số người Arakan hay Rakhine theo Phật giáo, nhưng khoảng 15% theo Hồi giáo và được gọi là Rohingya. Khi Miến Điện độc lập, người Rohingya được công nhận và một số được bầu vào quốc hội và chính phủ đầu tiên của Miến Điện.

Đụng độ đầu tiên giữa người Rakhine theo Phật giáo và người Rohingya là vào năm 1942, giữa một đạo quân Rohingya ủng hộ quân đội Anh và người Rakhine ủng hộ quân đội Nhật. Nhưng sau độc lập, tình hình lắng dịu với một trong hai nữ dân biểu đầu tiên của quốc hội năm 1951 là người Rohingya.

Kể từ cuộc đảo chánh của quân đội năm 1962, kỳ thị đối với các sắc tộc thiểu số gia tăng. Năm 1982, Tướng Ne Win cho ra Luật Dân Tộc trong đó người Rohingya không được công nhận là một trong tám dân tộc và 135 sắc tộc dựng lên Liên bang Myanmar. Nói cách khác khoảng hơn một triệu người Rohingya đã bị tước quốc tịch, trở thành một dân tộc vô tổ quốc.

Theo sau cuộc nổi dậy năm 1988, khi nhà cầm quyền quân phiệt từ chối công nhận kết quả cuộc bầu cử, thiết quân luật được áp dụng trên toàn quốc. Trong các cuộc đàn áp, các ông tướng cũng đàn áp người Rohingya hồi năm 1991-1992. Lần đó, đã có 250.000 người bỏ chạy sang Bangladesh khiến hai quốc gia láng giềng suýt lâm chiến.

Người Rohingya bảo là họ là cư dân lâu đời của vùng miền Tây Miến Điện, và cộng đồng của họ bao gồm một sự pha trộn người đã ở vùng đất này từ thời tiền Đế Quốc Anh cộng với những người sang trong giai đoạn Đế Quốc Anh cai trị cả Miến Điện lẫn Ấn Độ.

Lập trường chính thức của chính phủ Miến Điện thì bảo họ là di dân bất hợp pháp từ Bangladesh. Chính quyền Miến không công nhận cả cái tên Rohingya, nói đến cộng đồng của họ là người Bengal. Những nhóm tranh đấu Rohingya như Tổ Chức Arakan Rohingya National Organization, đòi quyền "tự trị bên trong liên bang Myanmar".

Tình trạng pháp lý của người Rohingya đã được so sánh với tình trạng người da đen ở Nam Phi trong giai đoạn Apartheid. Trước cuộc khủng hoảng Rohingya năm 2015 và các cuộc đàn áp của quân đội năm 2016 và năm nay, dân số của họ ở Miến Điện khoảng từ 1 đến 1,3 triệu người. Không ai có con số chính xác vì kiểm kê dân số của Miến Điện không thèm đếm họ. Khu vực sinh sống chính của họ là miền Bắc Rakhine, nơi họ chiếm đến từ 80% đến 98% dân số. Sau các vụ bạo động, nhiều người Rohingya đã bỏ trốn ra khỏi Miến Điện với khoảng 900.000 người tị nạn ở Ấn Độ, Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Saudi Arabia và Pakistan. Hơn 100.000 người Rohingya ở ngay Miến Điện sống cực khổ trong những trại di tản nội địa, nơi nhà chức trách không cho rời khỏi những khu này.

Các cuộc điều tra của Liên Hiệp Quốc cho thấy bằng cớ ngày càng có những gia tăng xách động hận thù và thiếu bao dung tôn giáo từ những người được gọi là "Phật giáo quốc gia quá khích" chống lại người Rohingya, trong khi quân đội và công an Miến Điện đã có những "vụ xử tử không xét xử, thủ tiêu, bắt bớ không có giấy tờ, giam giữ, tra tấn, hành hạ và cưỡng bách lao động".

Sự việc chính quyền Miến Điện không công nhận người Rohingya biến họ thành khối người vô tổ quốc lớn nhất thế giới. Đạo luật công dân năm 1982 của chính quyền quân phiệt đã bỏ, không cho họ vào trong số 135 nhóm sắc tộc thiểu số được nhà cầm quyền công nhận. Việc này giới hạn khả năng người Rohingya được đi học, chữa bệnh cũng như đi lại trong và ra ngoại quốc. Có những giai đoạn nhà cầm quyền ở Rakhine áp đặt một chính sách chỉ cho họ có được hai con và giới hạn hôn nhân đa tôn.

Căng thẳng trong vùng Rakhine thường bùng lên thành bạo động khiến nhiều hàng trăm ngàn người bỏ trốn sang Bangladesh và Pakistan xin tị nạn qua nhiều đợt trong nhiều thập niên nay. Trong những năm gần đây, tin đồn về vụ hiếp dâm và sát hại một người Phật giáo dẫn đến một loạt những cuộc tấn công vào các ngôi làng Rohingya. Bạo động gia tăng là cái cớ để quân đội can thiệp và đàn áp.

Tháng Mười, 2013, hàng ngàn người đàn ông Phật giáo tổ chức tấn công có phối hợp vào các ngôi làng Hồi giáo trên toàn tỉnh Rakhine. Các tổ chức nhân quyền nói bạo động bùng lên năm 2012 và tiếp tục vào năm 2013 là những hình thức thanh lọc sắc tộc và tội ác đối với nhân loại. Một bản phúc trình năm 2013 của Human Rights Watch nói bạo động ở Rakhine là "một chiến dịch phối hợp để cưỡng bách di chuyển hoặc đuổi người Hồi giáo ra khỏi bang".

Tháng Mười năm ngoái, một cuộc nổi dậy vũ trang của người Rohingya lộ diện khi các tay quá khích của đạo quân Arakan Rohingya Salvation Army (ARSA), lúc đó còn có tên là Harakah al-Yaqin, tấn công ba đồn biên giới. Trong bốn tháng sau đó, quân đội Miến, được gọi là Tatmadaw và cảnh sát giết hàng trăm người, hiếp dâm tập thể phụ nữ và đuổi đến 90.000 người Rohingya ra khỏi làng của mình.

Đến hôm 25 tháng Tám vừa qua, đạo quân ARSA này tấn công lần nữa, vào 30 đồn cảnh sát và một căn cứ bộ binh. Phản ứng của Tatmadaw lần này còn kinh khủng hơn. Các tổ chức nhân quyền nói họ đã giết hại, thiêu hủy làng mạc, dùng trực thăng bắn thường dân. Cuộc chạy trốn sang Bangladesh lại bắt đầu, cho đến nay lên đến 400.00 người. Human Rights Watch bảo khoảng 12.000 người hầu hết dân Rakhine theo Phật giáo và những người Rohingya theo Ấn giáo cũng bị vạ lây. Nhà cầm quyền đã cấm cứu trợ nhân đạo đến bang Rakhine, khiến những ai còn lại thiếu thức ăn và nước uống.

Chính phủ của các quốc gia đa số là Hồi giáo, kể cả Indonesia, Malaysia, Pakistan và Thổ Nhĩ Kỳ đã bày tỏ quan ngại và phản đối. Hai khôi nguyên Nobel Hòa Bình, cựu Tổng Giám mục Desmond Tutu và cô Malala Yousafzai đã kêu gọi bà Aung San Suu Kyi, lãnh tụ trên thực tế của Miến Điện, phải có hành động.

Bà Suu Kyi, tuy cầm đầu chính phủ dân sự, không kiểm soát quân đội, cho đến nay tránh không lên tiếng. Các nhà phân tích nói là bà đang ở trong một vị thế khó xử để lên án sự đàn áp, một phần vì quyền hành chính trị lớn của quân đội, vốn có quyền hiến định giải tán chính phủ của bà và quốc hội, một phần khác đại đa số dân chúng theo Phật giáo không thích người Rohingya.

Bà Suu Kyi, nay là một chính trị gia, có thể cảm thấy là số phận của một thiểu số cần được hy sinh để bảo vệ cho sự hình thành của chế độ dân chủ mà bà mong muốn đem lại cho nhân dân Miến Điện. Nhưng một chế độ dân chủ nào cũng cần một nền tản đạo đức, khi quyền sống của người Rohingya đang bị tước đi thì cái căn bản đạo đức nền dân chủ non trẻ và Miến Điện sẽ dễ trở thành độc tài của đa số.

Ấy là chưa kể Miến Điện tự hào là một quốc gia Phật giáo, nhưng hành động của người Phật giáo Miến Điện đối với những người thiểu số thuộc một tôn giáo khác đã phản bội lại tinh thần bao dung của Phật giáo.

Lê Phan

Nguồn : Người Việt, 16/09/2017

Quay lại trang chủ
Read 887 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)