Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

23/09/2017

Một quốc gia biết nghĩ đến tương lai

Lê Phan

Hôm 19 tháng Chín vừa qua, quỹ dầu hỏa của Na Uy, vốn là quỹ đầu tư quốc gia lớn nhất thế giới, đạt được một con số kỷ lục là một ngàn tỷ tích sản, lần đầu tiên trong lịch sử của quỹ độc nhất vô nhị này.

quy1

Quỹ dầu hỏa của Na Uy đạt được một con số kỷ lục một ngàn tỷ USD tích sản

Thực sự cái gọi là Quỹ Dầu Hỏa Na Uy là một quỹ tiết kiệm quốc gia và với trị giá lên đến 1.000 tỷ USD cung cấp cho mỗi công dân Na Uy khoảng 188.000 USD. Quỹ đầu tư này là kết quả của một chính sách đặc biệt của Na Uy.

Số là hồi thập niên 1960, khi dầu hỏa được tìm thấy ở Bắc Hải, một sự việc qua đêm biến quốc gia nhỏ bé chỉ có trên 5 triệu dân bỗng nhiên có một lợi tức kếch xù. Thay vì chọn giải pháp để cho tư nhân đổ vào khai thác rồi đánh thuế để sử dụng vào công chi bình thường, Quốc Hội Na Uy quyết định chọn một giải pháp quốc doanh và tất cả những lợi tức thu được sẽ bỏ vào một quỹ hưu bổng chính phủ. Tuy gọi là Quỹ Hưu Bổng Chính phủ (Government Pension Fund) nhưng thực ra nó không phải là tiền đóng góp để về hưu mà là tiền do lợi nhuận dầu hỏa để dành cho thế hệ tương lai. Được đổi tên thành Quỹ Dầu Hỏa từ năm 1996, quỹ này, ngoài đóng góp vẫn còn tiếp tục của lợi nhuận từ kỹ nghệ dầu hỏa, dưới sự điều hành của Ngân Hàng trung ương Na Uy, đã đầu tư vào đủ thứ ngành.

Trong quốc gia chỉ có 5,2 triệu dân, quỹ dầu hỏa này đã thành công vượt bật, lớn nhanh hơn là các bộ trưởng tưởng tượng để trở thành nhà đầu tư lớn nhất thế giới, sở hữu trung bình 1,3% cổ phần của tất cả các công ty bán ra trên thị trường chứng khoán.

Tổng quản trị của quỹ này, ông Yngve Slyngstad, cũng phải công nhận : "Tôi không nghĩ là có ai nghĩ là quỹ sẽ có ngày đạt mức 1.000 tỷ USD khi mà lợi tức đầu tiên về dầu hỏa được chuyển sang cho quỹ vào Tháng Năm, 1996. Đạt được mức 1.000 tỷ USD là một cột mốc, và tăng trưởng trong trị giá thị trường của quỹ thật là đáng kinh ngạc".

Quỹ này được lập ra để quản lý tài sản dầu hỏa của Na Uy cho thế hệ tương lai bằng cách lấy hết lợi tức mà nhà nước nhận được từ dầu thô và đầu tư vào các tích sản ở ngoại quốc. Lúc đầu quỹ còn bảo thủ, chỉ đầu tư vào công khố phiếu, nhưng dần dà họ bắt đầu đi vào cổ phần, và nay, có đến 65% tích sản của quỹ là từ cổ phần. Với đồng tiền vẫn còn quá nhiều, hồi năm 2011 lần đầu tiên quỹ bỏ tiền đầu tư vào bất động sản. Nay quỹ có một tài sản tổng cộng 30 tỷ USD các bất động sản hầu hết là ở Hoa Kỳ và ở Âu Châu.

Với đầu tư trải ra trong nhiều lãnh vực, với thị trường chứng khoán toàn cầu tiếp tục tăng, bất chấp bất ổn chính trị, lợi tức của quỹ ngày càng lớn. Ngoại trừ số tiền khoảng 27 tỷ USD, tức là xấp xỉ khoảng 4% chuyển sang cho chính phủ Na Uy để chi tiêu cho hiện tại, hầu hết những tài sản này được đầu tư dài hạn để nhân dân Na Uy, nhất là những thế hệ sau, vẫn còn được hưởng lợi ích từ những món tiền kếch xù mà thiên nhiên tặng cho dân tộc Na Uy, nhất là sau khi các giếng dầu cạn, và nguồn lợi tức này không còn nữa.

Điều đáng nói hơn nữa là Na Uy là quốc gia duy nhất trên thế giới mà đồng tiền do tài nguyên thiên nhiên tạo nên được bỏ vào một cái quỹ cho tương lai.

Nếu chúng ta hỏi là thế có quỹ nào hiện đang giữ lại những tài sản từ các nguồn tài nguyên thiên nhiên của Hoa Kỳ cho thế hệ mai sau hay không thì câu trả lời là "không". Khác với Na Uy, vốn chọn con đường khai thác chính là do công ty dầu khí quốc gia, Hoa Kỳ trao việc khai thác những tài nguyên dầu khí này cho các công ty tư nhân. Thành ra, nếu quý vị có muốn được chia sẻ một phần nào tài nguyên năng lượng của Hoa Kỳ thì quý vị phải có tiền để đầu tư mua cổ phần của các tập đoàn dầu khí khổng lồ hay của các công ty năng lượng.

Huffpost Canada có đưa ra một so sánh giữa Na Uy và tỉnh bang Alberta, vốn cũng có một số tài sản tương tự về dầu thô, nhưng lối họ quản trị ngành kỹ nghệ này khác hẳn nhau. Tuy họ có hầu như cùng một dân số, Na Uy có 5,2 triệu dân trong khi Alberta có 4,1 triệu dân và nền kinh tế cũng có một kích cỡ giống nhau, Na Uy và Alberta chọn hai con đường khác hẳn nhau đối với kỹ nghệ dầu hỏa của mình.

Ở Alberta, vốn chọn con đường thị trường tự do, điều nhấn mạnh là làm sao tạo ra một hoàn cảnh hấp dẫn cho các công ty năng lượng vào đầu tư và làm ăn. Ở Na Uy, dù bị đánh thuế đến 78%, ngành và kỹ nghệ này bị công ty dầu hỏa quốc doanh Statoil chế ngự, quốc gia này thiết lập quỹ dầu thô để bảo vệ cho nền kinh tế khỏi bị lên xuống vì giá dầu và cũng là một cách để dành cho ngày nào dầu cạn. Alberta cũng thành lập một quỹ dầu hỏa hồi năm 1976 nhưng tỉnh bang không bỏ thêm tiền vào quỹ này từ sau đó một thập niên, trong khi ngành dầu hỏa bị khủng hoảng hồi thập niên 1980. Kể từ đó, quỹ này đã trở thành nguồn lợi tức cho chính quyền tỉnh bang – tiền kiếm được từ quỹ được bỏ vào ngân sách tỉnh. Cho đến nay nó đem lại cho tỉnh 41,4 tỷ USD.

Và ngày nay quỹ của Na Uy cung cấp cho mỗi công dân của họ khoảng 188.000 USD trong khi ở Alberta, quỹ này, nếu chia đồng đều, mỗi người chỉ được 4.150 đô la Canada.

Chỉ có một nơi ở Hoa Kỳ mà dân chúng địa phương được chia sẻ lợi tức về khai thác năng lượng trong tiểu bang mình, đó là Alaska. Kể từ năm 1982, tiểu bang chi cho mỗi người dân một phần trong lợi tức từ dầu thô, chi phiếu hàng năm là từ 300 USD đến 2.000 USD. Năm ngoái, mỗi người dân Alaska được hưởng 1.022 USD cho phần của mình từ gia tài dầu thô của tiểu bang.

Với một tài sản kếch xù như vậy, quỹ dầu hỏa của Na Uy đã có thể có cơ hội đặt những vấn đề mà một quốc gia như Venezuela, nơi tài sản dầu khí cũng kếch xù, nhưng bị các lãnh tụ phung phí đến nỗi bây giờ thê thảm, không bao giờ có thể nghĩ tới. Một trong những vấn đề đó là đầu tư sao cho "lương thiện". Quỹ tìm cách tránh đầu tư vào những công ty có thể trực tiếp hay gián tiếp đóng góp cho vi phạm nhân quyền. Trước những chỉ trích của báo chí, một hội đồng đạo đức được thành lập để bảo vệ làm sao cho những đầu tư của quỹ không vi phạm những tiêu chuẩn đạo đức. Chẳng hạn như năm 2010, quỹ loan báo là 17 công ty thuốc lá lớn trên thế giới sẽ không nhận được đầu tư từ quỹ nữa. Quỹ đổ ra bán 2 tỷ USD cổ phần của các công ty này.

Đây là những tranh cãi mà biết bao quốc gia khác trên thế giới có tài nguyên thiên nhiên giàu có nào có bao giờ có thể nghĩ tới. Na Uy nhỏ bé đã cho thế giới thấy là tài nguyên thiên nhiên không phải chỉ để làm giàu cho một thiểu số mà có thể đóng góp cho an toàn kinh tế cho nhiều thế hệ mai sau.

Lê Phan

Nguồn : Người Việt, 23/09/2017

Quay lại trang chủ
Read 744 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)