Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

05/10/2017

Thế hệ hậu chiến nghĩ gì về phim Chiến tranh Việt Nam

Kính Hòa

Bộ phim ‘The Vietnam War’ của hai đạo diễn Mỹ Ken Burns và Lynn Novick là phim tài liệu mới nhất về cuộc chiến đã kết thúc cách đây hơn 40 năm.

hauchien1

Bia tưởng niệm Chiến tranh Việt Nam tại thủ đô Washington, Hoa Kỳ. 5/2017. AFP

Đã có nhiều phê bình, khen ngợi, chỉ trích bộ phim này từ nhiều phía.

Những người Việt Nam trưởng thành sau chiến tranh nghĩ gì về bộ phim này ?

Chúng tôi tìm đến những người sinh ra trong thời chiến tranh, và lớn lên sau khi chiến tranh kết thúc tại hai miền Nam Bắc để ghi nhận những gì họ suy nghĩ về bộ phim này.

Những người miền Nam

Ông Lê Dũng, là một người sinh trưởng ở Sài Gòn trước năm 1975, hiện nay đang dạy toán tại Đại học Texas ở San Antonio, tiểu bang Texas, Mỹ, nói với chúng tôi nhận xét chung của ông về bộ phim này :

"Cái này dành cho người Mỹ, nhìn những sai lầm của họ, hy vọng là họ sửa sai, mà tôi thì không thấy họ sửa sai trong những cuộc chiến sau đó. Họ phỏng vấn cựu chiến binh của họ là nhiều, rồi họ phỏng vấn một vài người để hiểu suy nghĩ của kẻ thù của họ vào lúc đó".

Cùng suy nghĩ với ông Dũng rằng bộ phim này là một góc nhìn của người Mỹ, là kỹ sư Trần Quốc Sĩ hiện sống tại tiểu bang Maryland Hoa Kỳ. Tự nhận mình là một người hâm mộ đạo diễn Ken Burns, nhưng ông Sĩ không đồng ý với việc ông Ken Burns so sánh cuộc chiến tranh Việt- Pháp và cuộc chiến tranh Việt Nam, trong tập đầu của bộ phim.

"Tôi nghĩ cách làm đó là sai lầm vì người Mỹ không đô hộ Việt Nam như là Pháp. Cái so sánh này theo tôi thì Ken Burns đã công nhận sự xâm chiếm của miền Bắc Việt Nam, là một cuộc giải phóng, giống như chúng ta đã đánh cuộc chiến chống Pháp và giành độc lập".

Ông Sĩ nói rằng khởi đầu của cuộc chiến Việt Nam là một cuộc chiến ý thức hệ giữa một bên là thế giới tự do, với bên kia là quốc tế cộng sản, và người dân miền Nam Việt Nam không cần có sự giải phóng của miền Bắc.

Ông Sĩ nói tiếp rằng trước khi xem phim, sau hơn 40 năm ông nghĩ rằng những cảm xúc thù hận, tiếc nuối đã qua đi, nhưng sau khi xem xong ông lại thấy rằng có sự nuối tiếc vì bộ phim đã bỏ qua một phần quan trọng là tiếng nói của Việt Nam Cộng hòa, những đồng minh của người Mỹ trong cuộc chiến tranh Việt Nam.

Giải thích điều này ông Lê Dũng có ý kiến :

"Đồng minh của họ thì họ cho rằng họ đã hiểu rồi. Và những đồng minh đó cũng không có tiếng nói quan trọng nào với họ. Người Mỹ chỉ làm cái gì có lợi cho họ, vậy thì đồng minh của họ ngày xưa có lợi gì cho họ ? Kẻ thù của họ ngày xưa bây giờ còn có lợi cho họ hơn, vậy thì tại sao lại đi phỏng vấn những người không có lợi ?"

Theo nhiều người, trong bộ phim ý kiến của những người thuộc phe miền Bắc trong chiến tranh áp đảo hẳn những ý kiến của những người thuộc phe miền Nam. Ông Lê Dũng nói tiếp :

"Chuyện phỏng vấn những người phía bên kia thực ra mới làm bộc lộ ra cho người Mỹ hiểu ra rằng, tôi xin mở ngoặc kép, chiến đấu với những kẻ khùng điên như vậy. Có Nguyên Ngọc, Bảo Ninh, Huy Đức, nói tương đối một chút nào đó là người có suy nghĩ".

Nhận định này của ông Dũng cũng là nguyên nhân mà ông và ông Sĩ cho rằng bộ phim này có điểm khá công bằng, chứ không phải như những chỉ trích cho rằng bộ phim được thực hiện bởi những người có tư tưởng cánh tả phản chiến.

"Ken Burns cũng có nói lúc đầu là cuộc chiến này bắt đầu bằng mong muốn giữ cho miền Nam được tự do, thành ra nó không phải là một chiều như những phim khác. Có một ông nói rằng : chúng ta, tức là người Mỹ, cố tình hạ thấp cái khả năng của Việt Nam Cộng hòa để nâng cao mình lên. Tôi nghĩ đó là một điểm chứng tỏ bộ phim không phải là một chiều, nó cũng khá cân bằng trong đó".

Những người miền Bắc

Một người sinh trưởng ở miền Bắc cùng trang lứa với ông Lê Dũng và ông Trần Quốc Sĩ là bà Nguyễn Hoàng Ánh, hiện đang dạy đại học tại Hà Nội, cho chúng tôi biết cảm xúc khi xem bộ phim Chiến tranh Việt Nam :

"Tôi có cảm giác rất đau buồn. Nói chung với chúng tôi thì chiến tranh Việt Nam là một cái gì đó rất đau buồn. Đau buồn không phải chỉ vì những mất mát, mà còn là những gì để lại cho hậu chiến. Khi xem phim thì rất dè dặt vì sợ là sẽ đau buồn quá. Cuộc đời thế hệ chúng tôi gắn liền với cuộc chiến tranh đó nên bây giờ nó cũng không hết. Rồi thì cũng phải xem vì cũng muốn biết được là sự kiện đã tác động lớn đến cuộc đời mình nó như thế nào".

Bà Nguyễn Hoàng Ánh cho biết là có nhiều điều bà mới biết khi xem bộ phim này, bắt đầu từ tên gọi, vì đối với thế hệ của bà, sinh trưởng ở miền Bắc thì cuộc chiến này được gọi là cuộc chiến chống Mỹ cứu nước. Ngoài ra những dẫn chứng về sự dối trá của chính quyền Mỹ mà bộ phim đưa ra cũng là một điều gây ngạc nhiên cho bà, mà bà so sánh nó với cách thức mà nhà cầm quyền Việt Nam hiện nay đối xử với những hoạt động đối lập trong xã hội.

Bà cũng thấy có cảm giác bị xúc phạm khi xem một số đoạn trong bộ phim này :

"Những người lính rất thành thật nói rằng trước khi sang Việt Nam thì họ tập luyện, không được biết rằng đó là người Việt Nam, mà gọi chúng tôi là gook, phụ nữ Việt Nam thì gọi là Mama San, tức là những phụ nữ quản lý gái điếm".

Và những điều gây bối rối :

"Có những cái cũng gây bối rối, ví dụ như trình bày những cái tội ác của phía miền Bắc. Những điều đấy chúng tôi không biết. Xem nó gây bối rối vì trước giờ mình có nghe, nhưng không có nhân chứng nào, hình ảnh nào nói rõ ràng như bộ phim này".

Một điều mới mẽ với bà Hoàng Ánh nữa là khái niệm về cuộc chiến tranh du kích do phía cộng sản thực hiện, mà bộ phim đã cho thấy nó không có nhân tính vì sử dụng dân thường làm bia đỡ đạn.

Bình luận về hình ảnh của chính thể Việt Nam Cộng hòa trong bộ phim này bà cho rằng :

"Chính thể Việt Nam Cộng hòa đã không đủ quyền lực và bản lĩnh nên nó mới sinh ra tất cả những chuyện sau này. Mọi người quá trông đợi vào viện trợ nước ngoài, cái điều đấy khác với miền Bắc, vì miền Bắc lúc ấy có viện trợ hay không thì người ta cũng đánh".

Một người trẻ hơn thế hệ của bà Hoàng Ánh, cũng sinh trưởng và lớn lên ở miền Bắc là nhà văn Đỗ Hoàng Diệu, viết trên mạng xã hội sau khi xem bộ phim Chiến tranh Việt Nam :

"Chưa bao giờ tôi ghét những khẩu AK văn thơ còn cái lai quần cũng đánh, những lưỡi lê bài ca đường ra trận mùa này đẹp lắm như lúc này, lúc bình yên ngồi xem từng khối máu, từng khối thanh xuân tràn ra từ lớp lớp thân thể trai trẻ, xây nên chiến thắng, xây nên ngai vàng cho kẻ chỉ biết quật roi, hô vang hô vang".

Bà Đỗ Hoàng Diệu cũng có trao đổi với chúng tôi rằng bộ phim cũng gây cho bà nhiều bối rối. Và bà cũng cho rằng bộ phim không đúng khi cho rằng trách nhiệm lao vào chiến tranh của miền Bắc hoàn toàn là của cố Tổng bí thư Lê Duẫn, vì ông Hồ Chí Minh cũng chịu trách nhiệm rất lớn.

Một cái nhìn về cuộc chiến của người Việt Nam

Sau khi bộ phim Chiến tranh Việt Nam được chiếu, đã có nhiều ý kiến cho rằng cần có một tác phẩm hoàn chỉnh dưới góc nhìn của người Việt Nam, trong số này có bà Nguyễn Hoàng Ánh :

"Chúng ta không có một bộ phim được trình bày dưới góc độ Việt Nam Cộng hòa, cũng không có một bộ phim tổng thể, tôi nghĩ giá mà Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh được dựng lên thành phim, thì chúng ta có một phần của bộ phim của miền Bắc. Một cuộc chiến kép dài hai mươi mấy năm mà không có một cuốn tiểu thuyết, một bộ phim nào đến đầu đến đũa".

Bà Ánh nói rằng cuộc hòa giải giữa người Việt với nhau có thể bắt đầu dễ nhất tại những gia đình, chẳng hạn như gia đình của bản thân bà, có người thân tham chiến ở cả hai bên. Nhưng bà cũng nói rằng đó là chuyện không dễ, vì sự thù hận vẫn còn, vì những gì người ta nghĩ là thiêng liêng vẫn còn.

Ông Lê Dũng cũng đồng ý rằng nhìn nhận về Cuộc chiến Việt Nam thật sự phải được thực hiện bởi những người Việt Nam, nhưng theo ông điều này sẽ không xảy ra vì những người Việt vẫn chưa ngồi lại với nhau, và thực ra ông tiếp lời, những người Việt có suy nghĩ như Trịnh Công Sơn hay Bảo Ninh, cũng không cần xem bộ phim này để có thể cảm nhận điều gì thực sự đã xảy ra trong chiến tranh Việt Nam.

Kính Hòa

Nguồn : RFA, 04/10/2017

Quay lại trang chủ
Read 682 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)