Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

09/10/2017

Trump hay không Trump tại APEC 25

Kính Hòa

Trump hay không Trump tại APEC 25 không quan trọng cho quan hệ Việt Mỹ

APEC không liên quan nhiều đến quan hệ Việt- Mỹ

Việc chuẩn bị cho hội nghị APEC lần thứ 25 đã bắt đầu từ tháng 12 năm 2016 đến nay, qua nhiều cuộc họp khác nhau, trong đó có cuộc họp của các bộ trưởng thương mại của các thành viên APEC diễn ra vào tháng Năm, 2017, ba cuộc họp dành cho các viên chức cao cấp diễn ra vào tháng Ba, tháng Năm, và tháng Tám. Tất cả các cuộc họp này đều diễn ra trên lãnh thổ Việt Nam.

apec1

Các Bộ trưởng thương mại APEC gặp nhau vào tháng Năm, 2017 để chuận bị hội nghị APEC vào tháng 11, 2017.  AFP

Theo chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành, hiện sống ở Hà Nội thì trong những cuộc họp đó Việt Nam cũng đã có đưa ra nhiều sáng kiến, dù hiện nay chưa được tiết lộ, nhưng sẽ được bàn đến khi hội nghị APEC khai mạc vào tháng 11 tới đây.

Một sự kiện được mọi người trông đợi nữa là sự có mặt của Tổng thống mới của nước Mỹ là ông Donald Trump, tại Đà Nẵng trong những ngày diễn ra hội nghị. Tuy nhiên ông Bùi Kiến Thành cho rằng chuyện này không có gì quan trọng :

"Sự tham gia của Tổng thống Mỹ, một quốc gia thành viên của APEC, một diễn đàn để trao đổi những sáng kiến của nhau thôi, chứ không phải là một cuộc họp đi đến những quyết định song phương hay đa phương gì, những việc có sự thỏa thuận. Vì vậy sự hiện diện của ông Donald Trump trong diễn đàn này thì cũng hạn chế thôi, không có cái gì thật sự gọi là mới mẻ trong quan hệ giữa Việt Nam với Mỹ. Việc đấy sẽ được giải quyết trong khung cảnh khác".

Tuy nhiên ông Bùi Kiến Thành lại nhấn mạnh đến tầm quan trọng trong việc lựa chọn thành phố Đà Nẵng để tiến hành đăng cai tổ chức hội nghị APEC lần thứ 25 :

"Thành phố Đà Nẵng là một thành phố rất đặc biệt. Đối với Việt Nam nó có một không khí mới, nó không phải là Hà Nội đông đúc, kẹt xe đủ thứ kiểu, nó cũng không phải là Thành phố Hồ Chí Minh rộn ràng, đối với Việt Nam nó là một thành phố có bộ mặt mới của nước Việt Nam trong thời đổi mới phát triển. Đây cũng là một sự lựa chọn hợp lý".

Trong thời gian hơn 10 năm nay Thành phố Đà Nẵng được xem là nơi phát triển cơ sở hạ tầng khá tốt, không gặp phải những vấn đề xấu về môi trường và giao thông như hai thành phố lớn khác là Hà Nội và Sài Gòn. Tuy nhiên ngay trước khi diễn ra Hội nghị APEC tại Đà Nẵng, vào đầu tháng 10, 2017, đã có một sự thay đổi lớn về lãnh đạo của thành phố Đà Nẵng, người đứng đầu của thành ủy của đảng cộng sản tại Đà Nẵng là ông Nguyễn Xuân Anh bị cách chức, người đứng đầu Ủy ban nhân dân là ông Huỳnh Đức Thơ bị cảnh cáo, và đương kim Bộ trưởng Giao thông- Vận Tải Trương Quang Nghĩa được điều về thay thế cho ông Nguyễn Xuân Anh.

Nhưng ông Bùi Kiến Thành cho rằng những việc đó không có liên quan gì đến việc Hội nghị APEC lần thứ 25 được tổ chức tại Đà Nẵng :

"Tôi thấy không có liên quan gì. Không phải Thành phố Đà Đẵng tổ chức mà chỉ có vai trò hỗ trợ thôi. Việc tổ chức diễn đàn này là việc của trung ương làm. Cho nên là sự đổi thay của lãnh đạo Đà Nẵng không có ảnh hưởng gì đến trọng tâm của việc tổ chức diễn đàn này".

Cơ hội kinh tế nhưng còn phụ thuộc nhiều vấn đề khác

Một doanh nhân ở Đà Nẵng là ông Trần Văn Lĩnh, Tổng Giám đốc, kiêm Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty cổ phần thương mại và thủy sản Thuận Phước nói với chúng tôi rằng Hội nghi APEC tại Đà Nẵng là một cơ hội cho các doanh nhân Việt Nam :

"Thông qua hội nghị APEC, tôi nghĩ doanh nhân Việt Nam, vốn ít có những cơ hội gặp gỡ những doanh nhân lớn trên thế giới, đây là dịp để họ tận mặt nhìn thấy được mình, và mình thấy được họ".

Công ty Thuận Phát của ông Lĩnh có xuất khẩu nhiều mặt hàng hải sản vào thị trường Mỹ. Ông nói rằng sản phẩm của công ty ông có mặt ở các siêu thị lớn của Mỹ như Costco, Walmart, nhưng có khi phải qua nhiều người trung gian, vậy Hội nghi APEC là nơi mà ông có thể gặp trực tiếp những khách hàng của ông ở Mỹ để loại đi lớp trung gian này.

Ông Lĩnh cũng có nói tới sự đáng tiếc là hiện nay Việt Nam không được công nhận là quốc gia có nền kinh tế thị trường nên các sản phẩm hải sản của Việt Nam bị Mỹ đánh thuế chống phá giá, mặc dù theo ông là những người nuôi thủy sản ở Việt Nam không hề được trợ cấp gì của nhà nước cũng như giá của thủy sản Việt Nam bán ở Mỹ có khi còn cao hơn thủy sản của một số nước khác.

"Trên đấu trường kinh tế thế giới mạnh được yếu thua hiện nay, mình là một quốc gia yếu, làm sao mà mình có thể chống lại sự áp đặt của một nền kinh tế lớn nhất toàn cầu được. Mình phải chịu thôi, còn sắp tới đây nó có như thế nào thì còn tùy nhiều chuyện lắm".

Theo ông, những vụ kiện chống hàng hóa Việt Nam lệ thuộc vào rất nhiều vấn đề, trong đó có cả chính trị, ông lấy ví dụ như các nước Philippines, Indonesia không hề bị áp thuế chống phá giá, mặt dù giá tôm của các nước này có khi còn thấp hơn cả giá tôm của Việt Nam trên thị trường Mỹ. Một vấn đề nữa mà theo ông Lĩnh, đã ảnh hưởng đến hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam vào Mỹ trong thời gian qua là khuynh hướng hướng vào bên trong của nước Mỹ dưới thời ông Donald Trump.

Khi được hỏi là liệu giới doanh nghiệp cũng như quan chức Việt Nam có lợi dụng diễn đàn APEC để thương lượng giành lại sự công bằng cho sản phẩm của Việt Nam hay không, ông nói :

"Cũng không phải dễ, ngay cả APEC như thế này cũng không dễ. Thời gian thì không nhiều, mà thế giới thì có rất nhiều chuyện để cần bàn, chứ đâu phải chuyện hai bên, mà họ bàn đa phương chứ đâu phải song phương. Mà ngay như song phương thì giữa Việt Nam và Mỹ cũng có rất nhiều chuyện để bàn. Tất nhiên vấn đề này sẽ được biết đến, tuy nhiên tôi không tin là nó có thể được giải quyết bây giờ".

Chuyên gia Bùi Kiến Thành thì nói với chúng tôi rằng có thể sẽ có những cuộc gặp gỡ giữa hai nước Việt và Mỹ bên lề Hội nghi APEC 25, nhưng không phải để giải quyết một điều gì cụ thể ngay lúc này mà để khởi đầu những bước đi trong tương lai.

Kính Hòa

Nguồn : RFA, 09/10/2017

Quay lại trang chủ
Read 733 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)