Trong xã hội hiện còn bao nhiêu "ông" xài bằng giả, bao nhiêu "bà" nhờ người học thay, bao nhiêu "vị" đi học để hợp thức hóa… ?
Bằng cấp - xưa nay vốn là chuyện ồn ào trong nền giáo dục. Xoay quanh tấm bằng có vô số chuyện mà ai cũng ít nhất một lần được nghe qua.
Đại để như ở đâu đó tự nhiên khui ra sự vụ "ông nọ", "bà kia" xài bằng giả, một ngày đẹp trời bỗng nhiên báo đài rầm rập đưa tin "vừa triệt hạ đường dây làm giả bằng Tiến sỹ", vị Giáo sư ở Viện X tốt nghiệp trường "ma"…
Trong kinh tế học, người ta cho rằng bản thân tờ tiền chẳng có giá trị gì sất, những con số, mệnh giá in trên đó suy cho cùng chẳng mang ý nghĩa gì, cái làm nên giá trị của nó là sự quy ước giữa người với người, cho nó 100 thì là 100, cho nó 1000 thì là 1000.
Tấm bằng cũng vậy, chỉ mà mớ giấy lộn nếu trong đầu óc của người sở hữu nó không đạt đủ số lượng kiến thức cần thiết về lĩnh vực được công nhận.
Ví dụ, nếu hoàn thành 4 năm học với n môn, n tín chỉ, cộng thêm các điều kiện "abc"… thì hiển nhiên được công nhận "Bachelor" = Cử nhân.
Học thêm 2 năm với n môn và "abc"… điều kiện thì được công nhận Master = Thạc sỹ…
Trong thực tế, có nhiều người có số lượng kiến thức vượt trội với chuẩn cử nhân nhưng họ không được coi là cử nhân là tại thiếu các điều kiện "abc"…
Cũng là trường hợp như vậy nhưng có người bỏ tiền mua tấm bằng nhằm "hợp thức hóa" thì hiển nhiên bị coi là bằng giả dù kiến thức của anh ta có "thật" đến đâu chăng nữa.
Cũng còn có trường hợp chỉ mới có bằng cử nhân nhưng vẫn được phong hàm giáo sư, đây là các nhân vật xuất chúng được xã hội công nhận rộng rãi đến mức chẳng ai có thể chối bỏ.
Giống như việc chúng ta quy ước với nhau "miếng Polymer hình chữ nhật, màu xanh lá cây là tờ 100.000 đồng".
Trên thế giới còn có kiểu phong "Giáo sư danh dự", Tiến sỹ danh dự", "Viện sỹ danh dự", sở dĩ người ta thêm hậu tố "danh dự" là để tránh miệng lưỡi dư luận bàn ra tán vào cho là giả mạo.
Mặc dù bản thân cụm từ "danh dự" đã phần nào nói lên tính giả mạo nhưng giả mạo ở đây hàm ý thông điệp những vị ấy chỉ là "danh dự".
Vậy nên, những trường hợp này không bị coi là dùng bằng giả, vì họ không được cấp bằng !
Có rất nhiều người học thật nhưng bằng giả, điều này mới nghe qua có vẻ phi lôgíc nhưng xảy ra rất nhiều trong nền giáo dục Việt Nam hiện nay, nhất là bậc đại học.
"Học thật" ở đây có nghĩa là bước vào trường đại học bằng các điều kiện "abc" rõ ràng, nhưng quá trình học chẳng thu đươc kiến thức bao nhiêu (xuất phát từ thái độ người học và những yếu kém trong giáo dục đại học) thì tấm bằng cử nhân ấy cũng không thể gọi là thật dù được ký tên, đóng dấu đỏ tươi rói.
Chính vì vậy mới có thực trạng cử nhân ở Việt Nam đang thất nghiệp tràn lan, thực tài không đi đôi với bằng cấp nên không thể trụ vững trong thị trường lao động vốn đòi hỏi phải liên tục sáng tạo ra giá trị mới.
Dù có là bằng giỏi hay xuất sắc mà kiến thức của anh ta không đạt đến ngưỡng "giỏi", "xuất sắc" được xã hội thừa nhận thì tấm bằng ấy về bản chất vẫn không thật.
Cũng còn những trường hợp học giả nhưng… bằng thật ! Ông A, bà B không đến lớp, thậm chí nhờ người học thay nhưng hồ sơ học bạ vẫn đầy đủ, được cấp bằng đàng hoàng và hơn thế nữa, cậy vào tấm bằng được cho là thật ấy mà leo trèo lên những chức vụ cao hơn.
Nói là bằng thật bởi chẳng ai chứng minh được là nó giả ở chỗ nào, vị kia được cử đi học, trường chính quy hẳn hoi thì tấm bằng đương nhiên phải thật !
Duy chỉ có khác với người "bình thường" là các điều kiện abc không có đủ nên phải "nhờ" người khác phụ giúp ! Nhưng quan trọng hơn hết là người ta đã có tấm giấy lộn hiển nhiên coi là "bằng".
Thật giả, giả thật lắm khi lẫn lộn, khoảng cách với nhau đôi lúc chỉ chân tơ, kẽ tóc.
Trong Tây Du Ký của Ngô Thừa Ân, Trư Bát Giới là hạng người ham mê tửu sắc nhưng khổ nỗi anh ta nói gì Đường Tăng lập tức nghe theo, còn Ngộ Không vốn bản lĩnh tài trí những hễ mở miệng ra là bị sư phụ ngờ vực. Vì sao ?
Mấy hôm nay, câu chuyện một cán bộ lãnh đạo của Thành phố Cần Thơ nhờ người đi học thay khiến dư luận xôn xao, nhưng xem ra sự vụ này chẳng là gì với nhiều vị "to" gấp bội phần ung dung xài bằng giả cho đến khi bị phát hiện.
Chua chát thay, cái sự "học thay" còn đạo đức hơn trăm ngàn lần những gì mà người ta thấy trong giáo dục ; nạn lạm thu, buôn bán bằng cấp, "đầu cơ" học hàm, học vị, chạy trường, chạy lớp, chạy chức, chạy quyền, chạy dự án giáo dục, thầy giáo lạm dụng tình dục học sinh, cô giáo bạo hành trẻ mẫu giáo…
Mấy chục năm qua hệ "tại chức", "chuyên tu", "từ xa"… đã cấp phát hàng chục ngàn tấm bằng không biết nên gọi là thật hay giả.
Nguy ở chỗ nếu biết thật để còn tôn vinh, biết giả để mà loại bỏ, đằng này lẫn lộn "hầm bà lằng" nên vấy bẩn lẫn nhau.
Trong xã hội hiện còn bao nhiêu "ông" xài bằng giả, bao nhiêu "bà" nhờ người học thay, bao nhiêu "vị" đi học để hợp thức hóa… ? Xem ra câu hỏi này quá khó để trả lời.
Lãnh đạo quản lý không phải là một công việc, mà là một nghề, đã gọi là nghề thì phải đào tạo bài bản, chỉn chu chứ không thể lắp ghép, chắp vá.
Trong chiến tranh, thời kỳ đất nước khó khăn nên việc gián đoạn học hành, đào tạo là đương nhiên.
Nhưng đã hơn 40 năm đất nước hòa bình không còn tiếng súng thì việc đào tạo ra một đội ngũ làm công tác lãnh đạo cớ gì khó khăn mà phải chắp vá bằng "tại chức", "từ xa"… ?
Người viết không phủ nhận vai trò của các hệ đào tạo này nhưng đến nay nó đã hoàn thành sứ mệnh của mình nên phải dẹp bỏ, cử nhân của các hệ đào tạo này đã thi triển hết sức lực và xem chừng không thể bắt kịp những người hàng xóm trong khu vực.
Xã hội quá sính bằng cấp nên mới sinh ra bằng thật, bằng giả, nếu ai cũng cho rằng bằng cấp không quan trọng bằng những sản phẩm đóng góp cho xã hội thì hay biết mấy.
Suy cho cùng, các hệ đào tạo, các hình thức học tập tréo ngoe như hiện nay chẳng phải trên trời rơi xuống mà nó được "đẻ" ra để đáp ứng nhu cầu của một "bộ phận không nhỏ".
Trương Khắc Trà
Nguồn : GDVN, 22/01/2017