Sau 7 ngày gọi là "làm việc khẩn trương, nghiêm túc, dân chủ và trách nhiệm", Hội nghị trung ương 6, Khóa XII Đảng Cộng sản Việt Nam đã kết thúc ngày 11/10 (2017) tại Hà Nội nhưng không đưa ra được quyết định nào để chặn đứng tệ nạn lấy tiền dân tiêu hoang và cho về vườn hàng chục ngàn cán bộ, viên chức chỉ biết sớm vác ô đi, chiều vác về và đến trưa thì gọi nhau đi nhậu mút mùa.
Trong Diễn văn bế mạc nghe qua thì đao to búa lớn nhưng toàn chuyện chỉ tay 5 ngón ra lệnh của Lãnh đạo dành cho cấp dưới
Lý do vì những điều Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nói trong Diễn văn bế mạc nghe qua thì đao to búa lớn nhưng toàn chuyện chỉ tay 5 ngón ra lệnh của Lãnh đạo dành cho cấp dưới.
Chẳng hạn như khi ông Trọng liệt kê mà không có con số chứng minh hay biện pháp giải quyết như : "Nền kinh tế đất nước vẫn đứng trước nhiều khó khăn, thách thức. Thâm hụt ngân sách và nợ công vẫn ở mức cao. Nợ xấu ngân hàng còn lớn ; xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém và nợ xấu chưa căn bản và triệt để. Phân bổ và giải ngân vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước, nhất là vốn trái phiếu chính phủ, vốn ODA còn chậm. Nhiều dự án, doanh nghiệp nhà nước thua lỗ, thất thoát. Trật tự an toàn, tệ nạn xã hội, vi phạm về môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, tai nạn giao thông và tội phạm trên nhiều lĩnh vực còn diễn biến phức tạp, nhất là ở các đô thị lớn. Quản lý báo chí, thông tin truyền thông, nhất là các mạng xã hội còn nhiều bất cập".
Đúng ra là ông Trọng phải cho dân biết "khó khăn, thách thức" vì đảng và nhà nước không biết làm sao mà thoát được cảnh làm công cho nước ngoài, và hàng hóa do Việt Nam sản xuất là của các Cộng ty Nam Hàn, Tân Gia Ba, Đài Loan, Trung Quốc, Nhật Bản v.v…
Nợ ngập đầu
Về việc "thâm hụt ngân sách" thì tại cuộc họp báo chiều 11/10, Bộ Tài chính đã cho cả nước biết : "Bội chi ngân sách trung ương khoảng 69% dự toán.
Cụ thể, về thu ngân sách, lũy kế thu 9 tháng qua đạt 843.000 tỷ đồng, bằng 69,5% dự toán năm, tăng 13,9% so với cùng kỳ năm 2016. Còn chi ngân sách 9 tháng đạt 904.600 tỷ đồng, bằng 65,1% dự toán năm, tăng 6,6% so với cùng kỳ năm 2016" (theo Đài Tiếng nói Việt Nam, VOV–Voice of Vietnam).
Như vậy, trong 9 tháng đầu năm 2017, nhà nước đã bội chi 61.600 tỷ đồng hơn số thu.
Về nợ công thì Bộ trưởng tài chính Việt Nam Đinh Tiến Dũng đã báo cáo trước Quốc hội tháng 11/2016 rằng : "Năm 2001 n
Ông Dũng nói với báo chí trong nước lý do tăng vì mức "tăng trưởng kinh tế không đạt theo kế hoạch", nhưng chính phủ vẫn tiêu pha thả dàn thì thâm hụt ngân sách phải xẩy ra là điều dễ hiểu.
Báo điện tử Trithuc.vn tiết lộ trong bài viết ngày 15/02/2017 rằng : "Giai đoạn 2006 -2016, tỷ lệ thâm hụt ngân sách/GDP tăng từ mức 0,99% lên đến 8,24%.Theo số liệu được công bố chính thức của Chính phủ, trong giai đoạn 2011-2015, nợ công tăng bình quân 18,5%/năm, gấp 3 lần so với tốc độ tăng trưởng GDP. Năm 2015, nợ công tăng gấp 2,3 lần năm 2010 ; gấp 7,6 lần năm 2005 và 14,8 lần năm 2001. Cách đây 15 năm, nợ công chỉ chiếm 36,5% GDP và hiện đã chiếm gần 65% GDP. Chính phủ đã phải áp dụng phương pháp vay đảo nợ để có nguồn tiền trả nợ công : năm 2013 phải đảo nợ 47.000 tỷ đồng, chỉ một năm sau đó con số đảo nợ đã tăng lên mức 106.000 tỷ đồng, con số này năm 2015 đã là 125.000 tỷ đồng, và năm2016 tiếp tục phải đảo nợ 95.000 tỷ đồng".
Theo Cafef.vn (Doanh Nghiệp) thì tính đến giữa năm 2017, số tiền nợ công của Việt Nam vào lối 94,85 tỷ USD, bình quân mỗi người Việt Nam phải gánh chịu 1.039 USD.
Ngân hàng Thế giới (World Bank) cũng đã cảnh giác Việt Nam phải rà soát lại chi tiêu và kiểm soát nợ công, nếu không nền kinh tế sẽ gặp khó khăn. Cơ quan này dự đóan năm 2018 mức nợ công của Việt Nam sẽ vượt qua mức giới hạn 65 % mà chính phủ cho phép.
Theo các con số thống kê do Bộ Tài chính của Việt Nam nêu ra, nợ công của Việt Nam tăng cao đến chóng mặt năm 2016 chiếm 63,7% GDP. Năm 2017 dự trù lên đến "đỉnh" là 64,8% GDP rồi sau đó nợ công sẽ bắt đầu giảm từ năm 2018 (bằng 64,7% GDP), năm 2020 bằng 63,7% GDP.
Nhưng đó chỉ là "dự đoán" của các viên chức tài chính Việt Nam mà thôi. Số nợ công thật của Việt Nam là bao nhiêu không ai biết vì Chính phủ Việt Nam không cộng các khoản nợ cao như núi của khối doanh nghiệp nhà nước khi báo cáo với Quốc hội.
Một bài viết trên báo VietnamNet ngày 23/10/2016 chạy tít lớn "Khối nợ khổng lồ 1,5 triệu tỷ của doanh nghiệp nhà nước", đã trích Báo cáo của Chính phủ với Quốc hội cho thấy toàn năm 2015 : "Các tập đoàn, tổng công ty nhà nước có tổng số nợ phải trả lên đến 1,5 triệu tỷ đồng, tăng 1% so với thực hiện năm 2014. Hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu bình quân năm 2015 là 1,23 lần.
Nhưng vẫn còn tới trường hợp cá biệt khi có tới 25 doanh nghiệp nhà nước có tỷ lệ nợ phải trả/vốn chủ sở hữu lớn hơn 3 lần".
Báo cáo liệt kê các doanh nghiệp nhà nước mắc nợ khủng gồm : "Tổng công ty Phát thanh truyền hình thông tin (32,84 lần). Các doanh nghiệp như Tổng công ty Xăng dầu quân đội, Tổng công ty 36 (15,41 lần) ; Tổng công ty Cơ khí xây dựng có nợ trên vôn chủ sở hữu tới hơn 10 lần".
VietnamNet viết tiếp : "Báo cáo của Chính phủ lưu ý, việc một số tập đoàn, tổng công ty nhà nước huy động vốn lớn, vượt quá mức khống chế theo quy định (không quá 3 lần vốn chủ sở hữu) dễ dẫn đến mất khả năng thanh toán ảnh hưởng đến an toàn tài chính của doanh nghiệp.
Một số doanh nghiệp nhà nước có số nợ vay từ các ngân hàng thương mại và tổ chức tín dụng tương đối lớn. Đứng đầu là Tập đoàn Điện lực Việt Nam (134.014 tỷ đồng) ; Tập đoàn công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (42.743 tỷ đồng) ; Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (29.997 tỷ đồng) ; Tập đoàn Viettel (16.313 tỷ đồng) ; Vinalines (14.734 tỷ đồng)...
Nợ nước ngoài của các doanh nghiệp nhà nước là 348.189 tỷ đồng. Trong đó chủ yếu là vay dài hạn với số tiền là gần 310.000 tỷ đồng".
Trong số các "ông lớn" nợ nhiều nhưng khó đòi có : "Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam có số nợ phải thu khó đòi lớn nhất với 6.787 tỷ đồng ; Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam 1.455 tỷ đồng ; Tập đoàn Viễn thông quân đội 972 tỷ đồng".
Cha chung không ai khóc
Thảm họa của các khoản nợ của khối doanh nghiệp nhà nước là được chính phủ bảo lãnh nên nếu đến thời hạn trả nợ mà các doanh nghiệp này không trả nổi thì chính phủ phải in tiền ra, hay lấy ngoại tệ dự trữ để trả nợ thay. Đó là một trong những lý do khiến người dân phải cong lưng xuống mà lao động cho nhà nước phí phạm vô trách nhiệm.
Ngoài ra, theo Chuyên gia Kinh tế Bà Phạm Chi Lan thì đảng còn phí phạm tiền dân trong các chi tiêu chỉ để cho những kẻ phục vụ đảng được hưởng lợi.
Bà tiết lộ : "Theo Dự toán chi ngân sách trung ương năm 2016 được Bộ Tài chính công khai trên website của bộ này thì, tổng chi cho các cơ quan trung ương của 6 tổ chức chính trị - xã hội tới 1.503,740 tỉ đồng, gồm Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (92,435 tỉ đồng) ; trung ương Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh (551,505 tỉ đồng) ; trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam (158,685 tỉ đồng) ; Hội Nông dân Việt Nam (346,515 tỉ đồng) ; Hội cựu chiến binh Việt Nam (80,830 tỉ đồng) ; Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam (273,770 tỉ đồng). Nếu tính luôn cả dự toán ngân sách cho Liên minh Hợp tác xã Việt Nam thì tổng chi lên đến 1.615,710 tỉ đồng". (theo tin gốc của ViệtTimes được VietnamNet đăng lại ngày 09/06/2016).
Những tổ chức như Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, nơi quy tụ các tổ chức chính trị-xã hội là cơ quan ngoại vi của đảng làm việc giúp dân thì ít nhưng phục vụ đảng là chính mà lại được đảng nuôi ăn thì có cách ăn cắp tiền dân nào tinh vi hơn ? Việc này cũng được áp dụng cho Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, tổ chức đào tạo lớp cán bộ trẻ kế thừa cho đảng cầm quyền thì dân được lợi gì ?
Vậy mà, trong Diễn văn bế mạc Hội nghị 6, ông Trọng chỉ biết hô hoán bâng quơ : "Tiếp tục cơ cấu lại thu - chi ngân sách nhà nước, kiểm soát bội chi và bảo đảm nợ công trong ngưỡng an toàn. Xử lý căn bản và triệt để hơn các công trình, dự án, doanh nghiệp nhà nước thua lỗ kéo dài, các ngân hàng thương mại yếu kém, nợ xấu ngân hàng và nợ đọng xây dựng cơ bản".
Nói thế và nói cho bùi tai thì chả cần phải leo lên tới Tổng bí thư. Cứ nói rồi bỏ đấy như đánh trống bỏ dùi thì anh lái xe ôm hay chị bán cá cũng làm được.
Chả thấy ông Trọng và Ban Chấp hành trung ương đề ra giải pháp nào để giải quyết thì có phí phạm tiền dân trong 7 ngày họp không ?
Sự lãng phí này cũng bao hàm cả chuyện ông Tổng bí thư hô hào và phô trương kế hoạch gọi là "tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị".
Ông nói : "Nghiêm túc thực hiện nguyên tắc Đảng thống nhất lãnh đạo xây dựng và quản lý tổ chức bộ máy, biên chế của hệ thống chính trị ; phát huy đầy đủ, đúng đắn vai trò lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước và quyền làm chủ của nhân dân. Chú ý bảo đảm tính đổi mới, tổng thể, hệ thống, đồng bộ, liên thông ; kết hợp hài hoà giữa kế thừa, ổn định với đổi mới, phát triển ; đổi mới tích cực, mạnh mẽ, nhưng không nôn nóng từ cực này nhảy sang cực kia ; gắn đổi mới bộ máy tổ chức với đổi mới phương thức lãnh đạo, với tinh giản biên chế và cải cách tiền lương ; xử lý hài hoà mối quan hệ giữa Nhà nước, thị trường và xã hội ; không để các thế lực thù địch, các phần tử xấu lợi dụng xuyên tạc, chống phá, chia rẽ nội bộ. Các nhiệm vụ và giải pháp đề ra phải phù hợp, khả thi, có lộ trình, bước đi vững chắc, đáp ứng yêu cầu cả trước mắt và lâu dài, góp phần giải quyết những vấn đề thực tế đang đặt ra đối với tổ chức bộ máy của toàn hệ thống chính trị cũng như các tổ chức cụ thể của Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội, nhất là tổ chức bên trong của từng cơ quan, đơn vị".
Nghe thì khẩn trương đấy nhưng không thấy ông vẽ ra đường đi nuớc bước phải làm sao để vừa "tinh giản biên chế " , hay giảm số cán bộ, viên chức dư thừa, cùng lúc với việc "cải cách tiền lương" khi nhà nước đang phải lo giảm chi tăng thu để trả nợ ?
Ngoài ra ông Trọng cũng cần phải biết rằng, sau 7 năm cầm quyền, ông đã để cho hệ thống cai trị phình to ra năm sau lớn hơn năm trước với lũ con ông cháu cha kéo nhau chui vào đảng và nhà nước để ăn hại tiền của dân. Cũng từ khi ông lên chức Tổng bí thư, Khóa XI năm 2011, quốc nạn tham nhũng, chạy chức chạy quyền và mua bằng bán ghế đã được dịp trăm hoa đua nở khắp làng khắp xóm từ trung ương xuống cơ sở.
Chuyên gia kinh tế bà Phạm Chi Lan đã báo động đỏ : "Hiện nay số người hưởng lương và mang tính chất lương đã lên tới 11 triệu. Không ngân sách nào nuôi nổi bộ máy ăn lương lớn như vậy… Bộ máy nhà nước của chúng ta hiện nay có khoảng 2,8 triệu cán bộ, công chức, viên chức. Nếu cộng cả đối tượng nghỉ hưu, các đối tượng khác hưởng lương, trợ cấp từ ngân sách nhà nước, con số này lên tới 7,5 triệu người, chiếm 8,3% dân số cả nước.
Còn nếu cộng toàn bộ số người hưởng lương và mang tính chất lương thì con số này lên tới 11 triệu người. Không ngân sách nào nuôi nổi bộ máy ăn lương lớn như vậy" (theo tin gốc của ViệtTimes được VietnamNet đăng lại ngày 09/06/2016).
Bây giờ 7 năm sau, ông Trọng lại hô hào : "Đổi mới mô hình tăng trưởng gắn với cơ cấu lại nền kinh tế, nâng cao năng suất lao động và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Phát triển văn hoá, thực hành dân chủ và công bằng xã hội. Ứng phó có hiệu quả với biến đổi khí hậu, chủ động phòng, chống thiên tai, tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm. Đẩy mạnh cải cách hành chính, sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Tiếp tục đẩy mạnh cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí ; bảo đảm quốc phòng, an ninh quốc gia ; giữ vững môi trường hoà bình, ổn định ; chủ động, tích cực hội nhập quốc tế".
Toàn là bản cũ soạn lại, nghe hoài phát chán. Thế mà Bác Trọng vẫn hô to như vòi nước máy rằng : "Để có thể hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra, cần tiếp tục phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, tinh thần năng động, sáng tạo, quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện. Tập trung ưu tiên xây dựng, hoàn thiện thể chế, tăng cường kỷ cương, kỷ luật để cải thiện mạnh mẽ hơn môi trường đầu tư kinh doanh ; khắc phục tình trạng chậm phân bổ và giải ngân vốn đầu tư công, chậm cổ phần hoá, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước. Tiếp tục cơ cấu lại thu - chi ngân sách nhà nước, kiểm soát bội chi và bảo đảm nợ công trong ngưỡng an toàn. Xử lý căn bản và triệt để hơn các công trình, dự án, doanh nghiệp nhà nước thua lỗ kéo dài, các ngân hàng thương mại yếu kém, nợ xấu ngân hàng và nợ đọng xây dựng cơ bản. Đẩy mạnh cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước, các đơn vị sự nghiệp công lập ; phát triển kinh tế tư nhân thực sự trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế".
Tất cả những vị này đều khuyến cáo ông Trọng phải đổi mới chính trị để tạo đoàn kết toàn dân bảo vệ đất nước, nếu không sẽ khó thoát khỏi nanh vuốt của Bắc Kinh lúc nào cũng muốn ăn tươi nuốt sống Việt Nam.
Vì vậy, khi nghe ông nói tại buổi bề mạc (11/10/2017) rằng : "Cần khẳng định, ta làm hợp lòng dân thì dân tin và chế độ ta còn, Đảng ta còn. Ngược lại, nếu làm cái gì trái lòng dân, để mất niềm tin là mất tất cả" thì không hiểu ông có biết rằng dân đã xa đảng và rất nhiều cán bộ, đảng viên cũng chẳng còn "máu thịt gì với dân" từ lâu rồi.
Vì nếu còn cái thời đảng tự khoe "cán bộ đi trước, làng nước theo sau" thì làm gì mà dân Việt Nam phải tủi nhục để thấy hình ảnh ngư dân Việt Nam phải chắp tay, qùy gối trước lính Tầu hung hãn bắn giết và hành hạ ở Biển Đông ?
Nếu ông không tin dân đã chán đảng và chủ nghĩa ngoại lai cộng sản đến tận mang tai thì cứ can đảm tổ chức trưng cầu ý dân có Quốc tế kiểm soát minh bạch để xem có bao nhiêu phần trăm trong số 92 triệu người dân còn muốn ông và chế độ tồn tại ?
Phạm Trần
(11/10/2017)