Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

11/10/2017

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng củng cố quyền lực…

Kính Hòa

…nhưng chống tham nhũng trầy trật

Quyền lực một mối

Sau sáu ngày nhóm họp, Hội nghị trung ương đảng cộng sản lần thứ sáu đã kết thúc mà không có thay đổi nhân sự lớn lao nào ở tầm mức Bộ chính trị, cũng như Trung ương đảng, những cơ quan có quyền lực thực sự cao nhất tại Việt Nam hiện nay. Có hai ủy viên trung ương được vào Ban bí thư là ông Phan Đình Trạc và Nguyễn Xuân Thắng, một ủy viên trung ương khác chuyển công tác là ông Trương Quang Nghĩa chuyển từ Bộ giao thông vận tải về làm Bí thư thành ủy Đà Nẵng.

tbt1

Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng, được xem là đã củng cố quyền lực sau hội nghị trung ương 6. Ảnh chụp tháng 6/2017. AFP

Tiến sĩ Phạm Chí Dũng, một nhà quan sát chính trị Việt Nam sống ở Sài Gòn nói rằng ông Nguyễn Phú Trọng đã củng cố được vị trí quyền lực của mình một cách vững chắc :

"Ông Trọng hiện nay không còn đối thủ chính trị trực tiếp để cạnh tranh với mình về chức vụ Tổng bí thư nữa, mà ngay cả nếu ông ấy muốn hợp nhất hai chức vụ Tổng bí thư và Chủ tịch nước thì cũng khó có ai cạnh tranh với ông ấy".

Theo Tiến sĩ Phạm Chí Dũng, hiện nay quyền lực đang tập trung vào tay ba người đứng đầu Bộ chính trị là ông Nguyễn Phú Trọng, ông Phạm Minh Chính, và ông Trần Quốc Vượng, trong đó, ông Nguyễn Phú Trọng với tư cách lãnh đạo đảng ở hai ngành công an và quân đội, đã nắm gần như quyền lực tuyệt đối ở Việt Nam hiện nay.

Trước khi hội nghị trung ương sáu diễn ra với những thông tin rằng hội nghị này sẽ bàn về vấn đề nhân sự, người ta đã trông chờ việc kỷ luật khai trừ khỏi trung ương đảng, thậm chí xử lý hình sự đối với ông Đinh La Thăng, một cựu ủy viên Bộ chính trị, vì những sai phạm của ông khi còn đứng đầu ngành dầu khí. Ông Thăng bị cách chức ủy viên Bộ chính trị, và Bí thư thành ủy Hồ Chí Minh trước khi hội nghị trung ương lần thứ sáu diễn ra vài tháng. Nhưng việc đó đã không xảy ra.

Thay vào đó, hội nghị chỉ công bố một bản án kỷ luật dành cho ông Nguyễn Xuân Anh, nguyên Bí Thư thành ủy Đà Nẵng, vì những sai phạm của ông khi tiếp nhận những quà biếu, và sử dụng bằng cấp không đúng. Trong diễn văn bế mạc hội nghị, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng có nhắc lại vụ việc này, và cảnh báo các quan chức, theo nguyên văn lời ông, đã trót nhúng chàm thì phải tự gột rữa.

Khi được hỏi về câu chuyện này, ông Trần Văn Lĩnh, nguyên thành viên Hội đồng nhân dân thành phố Đà Nẵng cho rằng thực ra ông Nguyễn Xuân Anh chưa bị kết luận là tham ô, vì chiếc xe quà biếu là quà biếu dành cho thành ủy Đà Nẵng, còn hai căn nhà ông đang cư ngụ vẫn đứng tên doanh ngiệp cho ông mượn. Tuy vậy ông Lĩnh cho rằng ông Xuân Anh, với tư cách một người lãnh đạo cấp cao, bị kỷ luật là xứng đáng. Ông nói tiếp :

"Đảng họ đã làm như vậy tôi cho là kịp thời, kỷ luật như vậy là nghiêm khắc. Giá mà, từ trước đến nay không phải chỉ Đà Nẵng mà là nhiều nơi, không phải chỉ mình Xuân Anh mà nhiều người khác, cũng được thực hiện một kỷ luật như vậy thì có lẽ niềm tin vào Đảng nó không giảm sút giống như hiện tại. Nhưng mà thôi, nếu từ trước đến giờ không làm được, nhưng nay vụ Xuân Anh làm được thì từ nay tiếp tục làm như vậy, không phải Xuân Anh mà nhiều người khác, không phải Đà Nẵng mà nhiều nơi khác, cũng làm nghiêm khắc như vậy thì dân mình đỡ khổ".

Vụ kỷ luật ông Xuân Anh đã được công bố trước khi hội nghị trung ương diễn ra, và trong hội nghị ông bị chính thức khai trừ ra khỏi trung ương đảng.

Chống tham nhũng vất vả

Nhận xét về chiến dịch chống tham nhũng của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, cũng như diễn tiến của hội nghị trung ương sáu, Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, một chuyên gia kinh tế sống ở Hà Nội cũng cho rằng trường hợp kỷ luật ông Xuân Anh là đáng hoan nghênh, tuy nhiên ông nói tiếp :

"Chiến dịch chống tham nhũng của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng là một chiến dịch sâu rộng, và cho đến nay đạt được rất nhiều tiến bộ về những trường hợp cụ thể. Nhưng chiến dịch đó không thấy có các thay đổi về mặt công khai minh bạch, về mặt giám định độc lập, về mặt giám sát quyền lực".

Theo Tiến sĩ Phạm Chí Dũng, mặc dù đã tập trung được quyền lực, nhưng có thể ông Trọng vẫn bị những thế lực mạnh mẽ là sự liên kết với nhau của các quan chức, để bảo vệ họ chống lại chiến dịch chống tham nhũng của ông. Ông Dũng nêu lên vấn đề thanh tra tài sản của các quan chức :

"Từ tháng Năm, ông Nguyễn Phú Trọng đưa ra việc kiểm tra tài sản đến 1000 quan chức, khá là rầm rộ. Nhưng cho đến nay không nghe nói chiến dịch này được triển khai như thế nào. Không có thông tin, cũng không có bằng chứng nào là chiến dịch này được triển khai. Trong khi đó lại có những bằng chứng là ông Nguyễn Phú Trọng lại lơ đi những vụ mà tài sản quan chức bị dư luận lên án, chẳng hạn như cái biệt phủ của ông Phạm Sĩ Quí, Giám đốc Sở Tài nguyên và môi trường, em bà Phạm Thanh Trà, Bí thư tỉnh ủy Yên Bái. Điều đó cho thấy chiến dịch chống tham nhũng của ông Nguyễn Phú Trọng sau hội nghị trung ương 6 này vẫn trầy trật, vất vả".

Tuy nhiên theo ông Đặng Công Huẩn, Phó Tổng thanh tra chính phủ, thì tình trạng tham nhũng trong năm 2018 sẽ giảm bớt nhờ vào sự chỉ đạo quyết liệt của Ban chỉ đạo trung ương về phòng chống tham nhũng do ông Nguyễn Phú Trọng đứng đầu.

Theo số liệu của truyền thông trong nước thì năm 2016 có 1 triệu 100 ngàn người kê khai tài sản, trong đó 77 người được kiểm tra, và chỉ có ba trường hợp vi phạm, nhưng không rõ là ai.

Kính Hòa

Nguồn : RFA, 11/10/2017

Quay lại trang chủ
Read 827 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)