Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

19/10/2017

Tại sao phải giết cả Diệm và Kennedy ?

Lữ Giang

Biến cố tháng 11/1963 tại Miền Nam Việt Nam đã gây khá nhiều rắc rối cho chính phủ Hoa Kỳ về đối nội cũng như đối ngoại. Nhưng cho đến nay, ít ai tin rằng Hoa Kỳ sẽ từ bỏ các phương thức đã áp dụng tại Miền Nam Việt Nam trước đây để bảo vệ quyền lợi của Mỹ, nhất là của nhóm tài phiệt quốc phòng, nên các nhà đấu tranh cho một nước Việt Nam dân chủ và phát triển cần rút kinh nghiệm lịch sử để không bị biến thành những con bài thí như Việt Nam Cộng Hòa trước 30/4/1975.

diem1

Tổng thống John F.Kennedy và Tổng thống Ngô Đình Diệm

Các tài liệu được tiết lộ cho thấy có ba nhân vật quan trọng của chính phủ Hoa Kỳ lúc đó đã dính líu trực tiếp đến việc hạ sát Tổng thống Ngô Đình Diệm và ông Cố vấn Ngô Đình Nhu, đó là Averell W. Harriman (1891-1986), Thứ trưởng ngoại giao đặc trách về Các Vấn đề Chính trị ; Henry Cabot Lodge (1902-1985), Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Cộng Hòa và Lucien E. Conein (1919-1998), đặc vụ của CIA tại Việt Nam. Trong ba nhân vật này Harriman là người đóng vai trò chỉ đạo và quyết định.

Tài liệu cũng cho thấy tại sao cả Tổng thống Diệm lẫn Tổng thống Kennedy phải bị giết.

Vai trò của Harriman

Ngày 4/4/1963, một nhà ngoại giao nổi tiếng của Mỹ là Averell W. Harriman được bổ nhiệm làm Thứ trưởng ngoại giao đặc trách về Các vấn đề chính trị, kiêm Chủ tịch Đoàn công tác đặc biệt về Chống du kích chiến. Ngoài các chức vụ này, ông còn được giao cho lãnh đạo bốn cơ quan tình báo chính của Hoa Kỳ nên quyền hành rất lớn.

diem2

Harriman (giữa) đang nói chuyện với Stalin và Churchill

"Toán Việt Nam của Harriman" (Harriman’s Vietnam team) được thành lập do Roger Hilsman đứng đầu. Hilsman là Phụ tá Ngoại trưởng đặc trách Viễn Đông Vụ, Cố vấn về chính sách Việt Nam và Giám đốc Văn phòng Tình báo và sưu tầm tại Bộ ngoại giao. Toán này gồm có 5 chuyên gia phụ trách về Đông Nam Á là Michael V. Forrestal, William Heal Sullivan, Joseph A. Mendenhall, Paul Kattenburg và James Thomson. Kế hoạch phá sập chế độ Ngô Đình Diệm đều do nhóm này đưa ra và thực hiện.

Ngày 8/3/1963, một vụ nổ trước đài phát thanh Huế đã làm cho 8 em tham dự biểu tình bị tử nạn. Cho đến nay, nguyên nhân của biến cố này vẫn chưa được xác định. Ngày 11/6/1963 Hòa thượng Thích Quảng Đức đã "tự thiêu" tại ngã tư Phan Đình Phùng và Lê Văn Duyệt, Sài Gòn. Tin này được các phóng viên CIA của Mỹ chụp hình và loan đi, làm thế giới rung động. Nhiều người tin rằng đó là một biến cố do Phật giáo tổ chức để chống ông Diệm. Nhưng sau này, các tài liệu mật của Mỹ công bố cho biết vụ này do CIA thực hiện. Người trực tiếp chỉ huy là William Kohlmann, và hai người có nhiệm vụ thi hành là Trần Quang Thuận, một nhân viên CIA, và Đại đức Thích Đức Nghiệp,một cộng tác viên của CIA. Cuốn video được công bố cho thấy Thầy Quảng Đức "bị thiêu" sống chứ không phải "tự thiêu" !

Ngày 18/8/1963, CIA bảo tướng Trần Thiện Khiêm, một nhân viên CIA, dẫn một số tướng lãnh Việt Nam vào Dinh Gia Long xúi ông Diệm ban hành lệnh giới nghiêm, lục xét các chùa và bắt các tăng ni gây rối loạn, nếu không thì quân đội sẽ không chịu chiến đấu nữa. Ông Diệm đã trúng kế CIA. Vụ lục xét các chùa đã xảy ra đêm 20 rạng ngày 21/8/1963.

Sau đó, Harriman bảo Roger Hilsman soạn thảo công điện ra lệnh đảo chánh. Họ gặp ông George Ball ở sân golf và yêu cầu ông gọi cho Tổng thống Kennedy ở Cap Cod biết. Kennedy trả lời rằng ông đồng ý công điện gởi đi nếu các cố vấn của ông cũng đồng ý như vậy. Thế là ngày 24/8/1963 một công điện ra lệnh đảo chánh mang tên DEPTEL 243 được gởi cho Đại sứ Cabot Lodge ở Sài Gòn để thi hành. Khi trở về và xem lại công điện đó, Tổng thống Kenndy đã tỏ ra hối tiếc :

"Theo sự xét đoán của tôi, bức điện đó đã được soạn thảo tồi tệ. Bức điện đó phải không bao giờ được gởi vào hôm thứ bảy. Tôi phải không bao giờ phát biểu đồng tình nếu không được thảo luận bàn tròn".

Vai trò của Đại sứ Cabot Lodge

Trong cuốn hồi ký "The Storm Has Many Eyes" (Bảo tố có nhiều con mắt), Đại sứ Henry Cabot Lodge đã kể lại rằng, một nhân viên tình báo cao cấp và hiểu biết rất rõ về Việt Nam đã nói với ông trước ngày ông đi Sài Gòn rằng "trừ khi họ rời đất nước của họ, không có một quyền lực nào trên trái đất có thể ngăn cản việc ám sát Tổng thống Ngô Đình Diệm, người em của ông ta là ông Ngô Đình Nhu và người em dâu của ông ta là bà Nhu". Theo ông, sự tiên đoán này đã trở thành chính xác một cách bi thảm. Ông Lodge cũng đã từng nói với ký giả David Haberstam, người đã viết nhiều sách về chiến tranh Việt Nam : "Chúng ta phải làm gì với họ nếu họ còn sống ? Bất cứ Đại tá Blimp (một nhân vật biếm họa) nào trên thế giới đều có thể sử dụng họ".

Trên đây là hai mẫu chyện được ông Lodge đưa ra để giải thích rằng việc giết ông Diệm và ông Nhu là chuyện phải làm.

Đại tá Mike Dunn, Phụ tá đặc biệt (Special Assistant) và là bạn thân của Đại sứ Lodge đã tiết lộ :

Sau khi đầu hàng, ông Diệm có gọi điện thoại cho ông Lodge một lần nữa vào lúc 7 giờ sáng ngày 2/11/1963 trước khi ông bị bắt và bị hạ sát. Ông Diệm xin ông Lodge giúp đỡ trong giờ cuối cùng của ông ta, ông Lodge bảo ông ta "giữ máy" (put on hold) rồi bỏ đi một lúc (có lẽ đi xin chỉ thị). Khi trở lại, ông Lodge đề nghị cho hai anh em được tỵ nạn, nhưng không hứa sẽ sắp xếp việc ra đi cho đến ngày mai. Khi đó Đại tá Dunn tình nguyện chính ông ta đi cứu hai anh em khỏi tay các nhà lãnh đạo cuộc đảo chánh. Ông Lodge đã từ chối một cách thẳng thừng : "Chúng ta không thể can dự vào việc đó".

Cũng trong cuộc phỏng vấn nói trên, ông Dunn cho biết khi ông Lodge bảo ông Diệm "giữ máy", ông liền thông báo cho Lucien Conein tại bộ chỉ huy của cuộc đảo chánh về ông Diệm đang ở đâu.

Trong cuốn "Lodge in Vietnam", bà Blair cho biết lúc 5 giờ sáng ngày 2/11/1963, ông Lodge đã leo lên một bao lơn (balcony) để quan sát thành phố và ở đó cho đến khi cuộc chiến đấu chấm dứt vào lúc 7 giờ. Không có nơi nào ghi lại những quyết định hay mệnh lệnh của ông trong những giờ đó.

Tướng Trần Văn Đôn, một thành phần của bộ chỉ huy đảo chánh, xác quyết : "Tất cả những sự việx xẩy ra đều có sự tiếp tay của Đại sứ Hoa Kỳ Cabot Lodge" (Việt Nam nhân chứng, tr. 274).

Vai trò của Lucien Conein

Lucien Conein sinh năm 1919 tại Paris, đã từng làm điệp viên cho OSS (tiền thân của CIA) từ năm 1943. Từ 1954 đến 1956 ông đến Việt Nam hoạt động trong toán đặc nhiệm dưới quyền của Đại tá Edward Lansdale, sau đó ông trở về Mỹ và tham gia Lực lợng đặc biệt (Special Force). Năm 1961 ông đã xin về hưu, nhưng năm 1962 ông được CIA gọi làm việc trở lại và phong cho chức trung tá với bí danh là Lulu hay Black Luigi, rồi gởi qua Sài Gòn làm cố vấn cho Bộ nội vụ. Nhưng trong thực tế, Lucien Conein có nhiệm vụ móc nối với các tướng Việt Nam mà ông đã có dịp quen biết khi phục vụ dưới quyền của Đại tá Lansdale, để tổ chức đảo chánh lật đổ Tổng thống Ngô Đình Diệm. Các tướng Trần Thiện Khiêm, Dương Văn Minh, Nguyễn Khánh… đều do Lucien Conein móc nối. Đại sứ Henry Cabot Lodge gọi Lucien Conein là "the indispensable man" (con người cần thiết).

diem3

Lucien Conein (trên-giữa) và các tướng Kim, Đính, Đôn, Vỹ, Xuân.

Khi cuộc đảo chánh ngày 1/11/1963 xẩy ra, Lucien Conein đến Bộ Tổng tham mưu chỉ đạo trực tiếp cuộc đảo chánh. Ông ngồi trên ghế của tướng Lê Văn Tỵ, đặt hai túi bạc dưới ghế, hai chân gác lên bàn, bên cạnh có khẩu 375 Magnum, chỉ huy các tướng Việt Nam thực hiện đảo chánh. Trong cuốn Việt Nam Nhân Chứng, tướng Trần Văn Đôn cho biết khi hay tin ông Diệm và ông Nhu đã ra khỏi Dinh Gia Long, Lucien Conein đã hỏi : "Hai ông ấy đi đâu ? Phải bắt lại cho kỳ được, vì rất quan trọng". Lucien Conein đã nói với các tướng đảo chánh bằng tiến Pháp : "On ne fait pas d'omelette sans casser les oeufs" (Người ta không thể làm món trứng rán mà không đập trứng) (Việt Nam nhân chứng, tr. 228)

Tiết lộ của Tổng thống Johnson

Cuốn băng dài 30 tiếng đồng hồ do thư viện Johnson Library ở Austin, Texas, công bố ngày 28/2/2003, cho biết vào ngày 1/2/1966, Tổng thống Johnson đã gọi điện thoại cho Thượng nghị sĩ Eugene McCarthay nói về cuộc đảo chánh lật đổ và giết ông Diệm như sau :

"Johnson : ...Nhưng ngài nhớ, lúc đầu họ nói với tôi về ông Diệm...

MacCarthy : Có chứ.

Johnson : (rằng) ông ta tham nhũng và ông ta phải bị giết. Vì thế, chúng ta đã giết ông ta. Tất cả chúng ta đã họp lại với nhau và sử dụng một bọn ác ôn côn đồ đáng nguyền rũa để hạ sát ông ta. Bây giờ, chúng ta thật sự không có sự ổn định chính trị [ở Miền Nam Việt Nam] từ lúc đó".

Ít phút sau, trong một cuộc nói chuyện với tướng Maxwell D. Taylor đang là Đại sứ Hoa Kỳ ở Nam Việt Nam, Tổng thống Johnson lại nhắc lại điều đó. Ông nói với tướng Taylor :

"Họ khởi đầu và nói : ‘Chúng ta phải giết Diệm, bởi vì ông ta không tốt. Chúng ta hãy lật đổ ông ta. Và chúng ta đã làm".

Tướng Taylor đồng ý :

"Phải, sự việc đã khởi đầu tất cả như thế. Đúng là sự việc đã khởi đầu như thế".

Tổng thống Johnson giận dữ trả lời :

"Và lúc đó tôi đã van nài họ, ‘Xin vui lòng đừng làm điều đó’. Nhưng sự việc vẫn được khởi sự. Và họ đã lật đổ ông ta".

Xác định người ra lệnh giết

Sau khi vụ hạ sát ông Diệm xảy ra, Tổng thống Kennedy đã ra lệnh cho ông William R. Corson, một nhân viên CIA cao cấp tại Sài Gòn năm 1963 điều tra xem việc gì đã xẩy ra và ai có trách nhiệm. Trả lời của ông Corson như sau :

"Mọi chỉ thị từ Averell Harriman... Các lệnh đưa đến cái chết của ông Diệm và bào đệ của ông ta phát xuất từ Harriman và được phụ tá quân sự của Henry Cabot Lodge thực hiện".

Phụ tá quân sự của Đại sứ Henry Cabot Lodge được ông Corson nói ở đây không ai khác hơn là Trung tá Lucien Conein.

Theo ông Corson, năm 1963, Harriman đã điều hành Việt Nam không cần hỏi ý kiến của Tổng thống hay Tổng trưởng tư pháp. Ông Corson cho biết Tổng thống Kennedy bắt đầu nghi ngờ rằng không một ai trong toán an ninh quốc gia là trung thành.

Trưởng trạm CIA tại Sài Gòn là "Jocko" Richardson được thay thế bằng một toán không tên (no-name team). Nhân vật chính là một sĩ quan của Đội hành quân đặc biệt (Special Operations Army), đó là Đại tá John Michael Dunn, nhận mệnh lệnh không phải từ hệ cấp CIA thông thường mà từ Harriman và Forrestal.

Theo Corson, "John Michael Dunn được biết như là người tiếp xúc với những người âm mưu đảo chánh", mặc dù vai trò của Dunn không bao giờ được công khai hóa trước công luận. Corson tin rằng Richardson bị cất chức để Dunn, một người được Đại sứ Cabot Lodge chỉ định cho "các công tác đặc biệt" (special operations), có thể hành động không bị trở ngại.

Tổng thống Kennedy không kiểm soát được !

Trong cuốn hồi ký "In Retrospect the Tragedy and Lessons of Vietnam", ôngt Robert S. McNamara, Bộ trưởng quốc phòng Mỹ lúc đó, đã ghi lại phản ứng của Tổng thống Kennedy sau khi được tin ông Diệm đã bị giết như sau :

"Khi Tổng thống đọc mẩu tin này, mặt ông tái xanh như tàu lá. Tôi chưa hề thấy ông xúc động mạnh như vậy đến bao giờ. Theo ông Forrestal thuật lại, cái chết của hai người "đã làm ông rúng động một cách sâu xa, gây bàng hoàng tâm trí và đánh mạnh vào tiềm thức tín ngưỡng... làm lung lay lòng tin tưởng... về những gì ông được khuyến cáo liên quan đến Nam Việt Nam". Arthur Schlesinger Jr. ghi nhận rằng Tổng thống "rất buồn thảm và bối rối cùng cực", tinh thần suy sụp chưa từng thấy kể từ sau vụ thất bại ở Vịnh Con Heo.

"Đọc xong bản tin, Tổng thống nghĩ đến ảnh hưởng của cái chết của hai người có tác dụng xấu ngay trong nước và ở hải ngoại... Tổng thống nghĩ rằng sau hai mươi năm phục vụ quê hương Việt Nam, sinh mạng ông Diệm không thể kết thúc như vậy".

diem4

Tổng thống Kennedy họp báo ngày 01/08/1963

Sau khi ông Diệm bị lật đổ, Tổng thống Kennedy không còn tin tưởng vào cuộc chiến thắng tại miền Nam Việt Nam. Trong cuộc họp báo ngày 14/11/1963, Tổng thống hỏi :

"Bạn có chào thua tại miền Nam Việt Nam không ?".

Rồi ông tự trả lời câu hỏi của chính mình :

"Chương trình quan trọng nhất, dĩ nhiên là cho nền an ninh của chúng ta, nhưng tôi không muốn Hoa Kỳ đưa quân tác chiến sang đó".

Sau đó ông nói :

"Giờ đây mục tiêu của chúng ta là đưa quân nhân Hoa Kỳ về nước, cho phép Việt Nam tự duy trì lấy nước mình như là một quốc gia độc lập".

Ngày 22/11/1963, Tổng thống Kennedy đã bị hạ sát tại Dallas.

Lý do John F.Kennedy cũng bị giết những Ngô Đình Diệm

Lý do Tổng thống Ngô Đình Diệm phải bị giết đã được Đại sứ Henry Cabot Lodge giải thích rất rõ : "Chúng ta phải làm gì với họ nếu họ còn sống ? Bất cứ Đại tá Blimp (một nhân vật biếm họa) nào trên thế giới đều có thể sử dụng họ".

Còn Tổng thống Kennedy cũng phải bị giết vì hai lý do :

Lý do thứ nhất là báo cáo của ông William R. Corson, một nhân viên CIA cao cấp tại Sài Gòn, đã cho biết : "Các lệnh đưa đến cái chết của ông Diệm và bào đệ của ông ta phát xuất từ Harriman và được phụ tá quân sự của Henry Cabot Lodge thực hiện"... Biết rằng khó tránh khỏi các biện pháp thanh trừng nội bộ mà Tổng thống Kennedy sẽ đưa ra, các thủ phạm đã ra tay trước.

Lý do thứ hai là trong khi các thế lực quân phiệt đứng đàng sau đòi hỏi phải mở rộng chiến tranh để tiêu thụ kho vũ khí cũ và thí nghiệm các loại vũ khí mới, Kennedy gây trở ngại bằng cách ra ra lệnh rút quân khỏi Việt Nam nên ông phải bị giết.

Khi hay tin Tổng thống Kennedy bị ám sát, Phó Tổng thống Lyndon B. Johnson chỉ vào bức hình Tổng thống Ngô Đình Diệm đang treo trong nhà ông và nói : "Chúng ta đã nhúng tay vào việc giết ông ta. Bây giờ chuyện đó lại xẩy ra ở đây".

Đúng như vậy ! Nhưng người Mỹ vẫn tiếp tục hành động theo quyền lợi của giới tài phiệt Mỹ, bất chấp những hậu quả tai hại có thể gây ra.

Ngày 19/10/2017

Lữ Giang

Quay lại trang chủ
Read 2933 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)